Hôm nay là ngày của hy vọng, cũng là ngày của nước mắt
Hôm nay là ngày của hy vọng, cũng là ngày của nước mắt. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong Thánh Lễ (02-11-2017) cầu nguyện cho người đã khuất tại nghĩa trang Nettuno, cách Roma 70km.
Hy vọng được diện kiến Thiên Chúa và gặp lại nhau
Hôm nay tất cả chúng ta tụ họp nơi đây trong niềm hy vọng. Mỗi người chúng ta trong tâm hồn mình, có thể nhẩm đi nhắc lại những lời của ông Gióp mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc một (G 19,1.23-27a). Lời ấy là: “Tôi biết rằng Đấng Bênh Vực tôi hằng sống và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất”. Niềm hy vọng của chúng ta là được diện kiến Thiên Chúa, là được gặp gỡ, là gặp lại nhau như anh chị em: niềm hy vọng này không làm cho chúng ta thất vọng. Thánh Phaolô đã mạnh mẽ diễn tả điều ấy trong bài đọc hai (Rm 5,5-11), khi thánh nhân nói: Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng.
Thế nhưng biết bao lần, niềm hy vọng ấy đã nảy sinh và phát xuất từ những vết thương, từ những đau khổ của con người. Trong những lúc đau đớn ấy, trong giờ phút cùng cực ấy, chúng ta cầu nguyện, chúng ta khổ đau nhìn lên trời mà than van: “Tôi tin rằng Đấng Cứu Chuộc tôi hằng sống. Nhưng Chúa ơi, xin hãy dừng lại!”. Đây là lời nguyện thống thiết phát xuất từ chúng ta mỗi khi chúng ta nhìn về nghĩa trang này. Chúng ta thân thưa rằng: “Chúa ơi, con chắc chắn rằng, những người anh chị em này đang ở cùng con, con chắc chắn như thế. Nhưng làm ơn đi Chúa ơi. Xin dừng lại. Đừng thêm nữa. Đừng có thêm chiến tranh nữa. Đừng thêm những thời khắc vô dụng ấy nữa”. Đức Thánh Cha Benedicto XV cũng từng nói như thế.
Đừng bao giờ có thêm chiến tranh nữa
Tốt hơn hãy hy vọng đừng có thêm sự hủy diệt nữa. Vì những người trẻ… hàng ngàn hàng ngàn hàng ngàn… đã tan vỡ hy vọng. Chúa ơi, xin đừng. Hôm nay ở đây chúng ta phải cầu nguyện điều ấy, chúng ta cầu nguyện cho những người đã khuất, nhưng cũng tại nơi này, chúng ta cần cầu nguyện cách đặc biệt cho những người trẻ. Bởi vì ngày nay thế giới một lần nữa lại đang lún sâu vào chiến tranh, và đang chuẩn bị mạnh mẽ hơn nữa cho các cuộc chiến. “Chúa ơi, xin đừng, xin đừng”. Bởi vì nếu chiến tranh xảy ra, thì tất cả đều bị hủy diệt.
Tôi nhớ lại một bậc cao niên đứng nhìn đống đổ nát của Hiroshima, với đầy khổ đau và sự khôn ngoan, cụ nói: “Người ta đã làm mọi sự, đã tuyên bố này nọ, đã gây ra chiến tranh, và thực sự là họ hủy hoại chính họ”. Đó là chiến tranh. Chiến tranh hủy diệt tất cả chúng ta. Người cha người mẹ mất con, người ông người bà mất cháu. Chỉ còn lại con tim tan vỡ và đầy nước mắt. Nếu như hôm nay là ngày của hy vọng, thì hôm nay cũng là ngày của nước mắt. Đó là nước mắt của người phụ nữ nhận được tin: “Thưa bà, thật đáng tự hào vì chồng của bà là anh hùng của Tổ quốc, thật là tự hào vì con của bà là anh hùng của quê hương.” Đó là những giọt nước mắt mà nhân loại không thể quên. Niềm tự hào ấy có lẽ không cần học và cũng chẳng muốn học.
Xin Chúa ban cho ta ơn biết khóc than
Nhiều lần trong lịch sử, người ta nghĩ rằng họ thực thi một cuộc chiến để thuyết phục rằng, họ sẽ mang lại một thế giới mới, để thuyết phục rằng, họ sẽ đem đến “mùa xuân”. Nhưng kết cục chỉ mang lại một mùa đông xấu xí, ác độc, khủng bố và chết chóc. Hôm nay, chúng ta cầu nguyện cho những người đã khuất, cho tất cả, nhưng một cách đặc biệt là cầu nguyện cho những người trẻ này, vào một thời điểm mà có quá nhiều người bị chết trong các trận đánh từng ngày. Chúng ta cũng cầu nguyện cho những người đã khuất của hôm nay, những người bị chết vì chiến tranh, cả những trẻ em và người dân vô tội. Hậu quả của chiến tranh chính là chết chóc. Và vì thế, xin Chúa ban cho chúng ta ơn biết khóc than.
Tứ Quyết SJ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét