Trang

Thứ Năm, 23 tháng 11, 2017

Thứ ngôn ngữ sâu sắc hơn

Thứ ngôn ngữ sâu sắc hơn

Ronald Rolheiser, 
Cách đây một năm, ở ngoại ô thành phố Guatemala, cha Lorenzo Rosebaugh, một nhà truyền giáo dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm, bị bắn chết khi đang lái xe với một số nhà truyền giáo khác tới một cuộc họp cộng đoàn. Có lẽ sẽ không bao giờ biết được động cơ thật sự của kẻ giết cha. Mới nhìn qua, sự việc dường như không khác gì một vụ bạo lực cướp của giết người, nhưng với hoàn cảnh cuộc đời của Lorenzo và cuộc chiến đấu trọn đời của cha vì công lý cho người nghèo, thì bất kể ai, tôi cũng không phải là ngoại lệ, đều muốn tin rằng việc cha bị bắn không chỉ là chuyện có mặt không đúng nơi đúng lúc. Có quá nhiều thứ gợi cho thấy đây không đơn thuần là một tai nạn. Nếu không có vấn đề gì khác, cái chết tử thương này một cách nào đó có tính biểu tượng: số phận đã không định đoạt cho Lorenzo chết già trên giường êm ái.
Tôi gặp Lorenzo lần đầu tiên tại nhà dòng mẹ của chúng tôi ở Aix-en-Provence, nước Pháp, cách đây mười năm. Lúc đó cha vừa trở về sau một chuyến đi truyền giáo dài ở châu Mỹ La-tinh, nơi trong nhiều năm cha đã sống với người nghèo trên đường phố của Recife, trên đầu không hề có mái che, không hề có một địa chỉ cố định. Mắc một căn bệnh nghiêm trọng, cha buộc phải trở về Mỹ, rồi cộng đoàn Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm cho phép cha đi nghỉ Xa-bát tại Pháp. Cha tới đó, không nói được một chữ tiếng Pháp nào. Ấy vậy mà khi gặp cha ở đó, chưa đầy một tháng từ ngày bước chân tới, tôi thấy cha đang ngồi trên bậc tam cấp nhà thờ gần khu dân cư của cộng đoàn chúng tôi với hơn chục người vô gia cư xúm quanh. Họ đang chia sẻ thức ăn thuốc hút với nhau và đang trò chuyện gì đó. Trông giống như một cuộc píc-níc trong công viên.
Chuyện này chẳng có gì khác thường, trừ việc cha Lorenzo không nói được một từ tiếng Pháp nào và những người quây quần quanh cha cũng không nói được tiếng Anh, tiếng Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha (những tiếng cha nói được). Vậy nhưng rõ ràng họ có vẻ đang giao tiếp với nhau, và giao tiếp một cách sâu đậm, với cái cách có thể khiến người ngoài ghen tỵ, và Lorenzo là tâm điểm của họ.
Bằng cách nào? Bằng cách nào chúng ta có thể nói với nhau mà vượt lên trên việc giao tiếp bằng những ngôn ngữ thông thường chúng ta biết?
Khi thánh Lu-ca lần đầu tiên mô tả Lễ Hiện Xuống, ông kể cho chúng ta rằng sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các môn đồ đầu tiên của Chúa Giêsu đi ra ngoài công chúng và bắt đầu nói, và tất cả mọi người, hết thảy mọi người, dù sắc tộc hay ngôn ngữ của họ thế nào, đều nghe  những lời này như nghe bằng ngôn ngữ của họ. Hàng rào ngôn ngữ ngăn cách cũ không còn cản trở việc nghe thấy hay hiểu được. Ngôn ngữ cất lên từ tâm hồn đã vượt lên trên mọi sắc tộc và tiếng mẹ đẻ.
Thật hết sức dễ dàng khi chúng ta đơn giản viết ra điều này như kể lại một chuyện mầu nhiệm, một sự can thiệp của Chúa làm nền tảng đặc biệt để tạo dựng giáo hội. Điều đó cũng có thể đúng, nhưng còn có một ý nghĩa nữa: có những ngôn ngữ ở những cấp độ khác nhau.
Ở cấp độ rõ ràng nhất, ngôn ngữ phụ thuộc vào từ ngữ nói ra, mà lời nói thì luôn luôn phải là một ngôn ngữ cụ thể, ví dụ tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung Quốc. Ở cấp độ này, lời nói có một sức mạnh tương đối, nhưng chúng cũng có thể đánh lừa và dối trá. Lời nói không phải lúc nào cũng là tấm gương chính xác phản chiếu trái tim. Hơn nữa, luôn luôn chúng ta không thể nào tìm được lời diễn tả khi ta cần nhất, đặc biệt trong những hoàn cảnh sâu sắc, như khi bi kịch, chết chóc và sự phản bội làm chúng ta câm bặt.
Nhưng chúng ta còn có những thứ ngôn ngữ khác: trên lời nói còn có ngôn ngữ cơ thể. Cơ thể của chúng ta còn có thể diễn tả được nhiều hơn và trung thực hơn lời nói của chúng ta. Qua cơ thể, qua điệu bộ, cử chỉ và từng dáng vẻ của cơ thể, chúng ta nói một cách sâu sắc hơn và chân thực hơn so với khi chúng ta nói bằng lời.
Và chúng ta vẫn còn một thứ ngôn ngữ sâu sắc hơn nữa: sâu sắc hơn ngôn ngữ cơ thể, chúng ta nói bằng tâm hồn, bằng ngôn ngữ của Chúa Thánh Thần, một thứ ngôn ngữ xuyên qua lời nói và ngôn ngữ của cơ thể chúng ta. Ngôn ngữ của tâm hồn là gì?
Chúa Thánh Thần không chỉ là một bản vị trong Chúa Ba Ngôi, hết sức trừu tượng và bất khả tư nghì. Thánh Kinh nói với chúng ta rằng Chúa Thánh Thần lại rất cụ thể, có thể tư niệm, và hữu hình trong lòng nhân đức, niềm vui, bình an, kiên nhẫn, lòng tốt, đức chịu đựng, trung thành, dịu dàng, và trinh trắng. Dù có mặt hay vắng mặt, tất cả cất tiếng nói với chúng ta to và rõ ràng hơn bất kỳ lời nói hay cử chỉ, điệu bộ nào của chúng ta.
Rốt lại, chúng ta không ai bị ai lừa dối cả. Chúng ta nghe không phải bằng lời nói, không phải bằng cử chỉ điệu bộ, và không phải bằng những gì chúng ta cố tình nói rõ với nhau. Trái tim nghe thấy tiếng trái tim và tâm hồn nhận ra nhau bất cứ khi nào và nơi nào tâm hồn hiển lộ. Vậy nên nhiều người chúng ta say sưa nói về tình thương của chúng ta đối với người nghèo, nhưng người nghèo không nghe thấy chúng ta nói, không hiểu được chúng ta, không tìm lại quanh chúng ta, kể cả khi chúng ta nói một cách hoàn hảo bằng thứ ngôn ngữ mẹ đẻ của họ.
Khi làm việc ở châu Mỹ La-tinh, Lorenzo Rosebaugh chỉ bập bõm nói thứ tiếng Tây Ban Nha sai bét và thứ tiếng Bồ Đào Nha sai bét. Vậy mà người nghèo ở đó cũng nghe được cha và hoàn toàn hiểu những gì cha nói. Cha không hề nói chút tiếng Pháp nào mà cha vẫn có thể ngồi trên bậc tam cấp nhà thờ ở Pháp và quây tụ quanh mình những người vô gia cư chỉ nói được tiếng Pháp – và họ hiểu cha một cách rõ ràng như thể đang nghe ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.
Đó là ngôn ngữ của Lễ Hiện Xuống.
J.B. Thái Hòa dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét