Bài thuyết trình với một nhóm Liên Tu Sĩ Nam - 5/2017
HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN CỦA ĐỨC MARIA
ĐỨC MARIA – HÌNH BÓNG ISRAEL HOÁN CẢI
Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng... Lc 1, 28
HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN CỦA ĐỨC MARIA
ĐỨC MARIA – HÌNH BÓNG ISRAEL HOÁN CẢI
Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng... Lc 1, 28
Trong những chương đầu của Tin Mừng Lu-ca, thiên sứ đi đến đâu là mang thông điệp niềm vui từ trời đến đó. Đầu tiên là lời loan báo của sứ thần Gáp-ri-en với ông Da-ca-ri-a : “Này ông Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhậm lời ông cầu xin : bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông sẽ đặt tên cho con là Gio-an. Ông sẽ được vui mừng hớn hở và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời...” (Lc 1,13-14). Tiếp đến, lời chào của sứ thần Gáp-ri-en ngỏ cùng Đức Ma-ri-a : “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà...” (Lc 1, 28). Rồi đến lời loan báo của sứ thần với mục đồng: “... Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân...” (Lc 2,10). Trong các lời ngỏ của sứ thần vừa kể trên, lời ngỏ cùng ông Da-ca-ri-a cũng như với các mục đồng là loan báo tin vui, còn lời chào dành cho Đức Ma-ri-a là mời gọi Mẹ hãy vui lên :
“Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1,28)
Các nhà chú giải điều nhìn nhận rằng kiểu chào này không phải là lối chào thường dùng trong thế giới hy lạp thời bấy giờ. Kiểu chào này gợi lại lời loan báo cứu độ dành cho Giê-ru-sa-lem được nói đến qua ngôn sứ Xô-phô-ni-a và Da-ca-ri-a[1]. Chúng ta cùng trở lại với lời loan báo ơn cứu độ của hai ngôn sứ này qua Xô-phô-ni-a chương 3,11- 18a và Da-ca-ri-a chương 9,9-10, để thấy phần nào Đức Ma-ri-a như là hình bóng Ít-ra-en trong hành trình đức tin.
Đức Maria - “Số Sót” của Israel. Xp 3,11-18a
Lời chào của sứ thần Gáp-ri-en ngỏ với Đức Ma-ri-a rất gần với lời ngôn sứ Xô-phô-ni-a ngỏ với Giê-ru-sa-lem như sau :
“Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xi-on, hò vang dậy đi nào, nhà Ít-ra-en hỡi !
Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy nức lòng phấn khởi” (Xp 3,14).
Cụm từ “thiếu nữ Xi-on”, “thiếu nữ Giê-ru-sa-lem” là kiểu nói quen thuộc biểu trưng cho dân tộc Ít-ra-en. Lý do mà ngôn sứ mời gọi dân Chúa vui mừng đó là Thiên Chúa thứ tha tội lỗi cho dân Người, dấu chỉ của sự tha thứ là việc Thiên Chúa sẽ ở giữa họ. Ngôn sứ loan báo như sau :
“Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi, Người là Vị cứu tinh, là Đấng anh hùng. Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi. Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội.” (Xp 3,17-18a).
Những lời trên của ngôn sứ Xô-phô-ni-a khiến dân Chúa và cả những ai đọc Xô-phô-ni-a phải ngỡ ngàng về tình yêu Thiên Chúa: chính Thiên Chúa nhảy múa tưng bừng khi thấy trước rằng, cuối cùng cũng sẽ có ngày mà Người có thể ở giữa con gái Xi-on, ở giữa dân Người, một dân đã được thanh luyện bởi tình thương của Ngài. Chỉ mới nghĩ đến thôi, Thiên Chúa đã muốn nhảy lên vì mừng vui. Không những dân Chúa hỷ hoan mà chính Thiên Chúa còn vui mừng hơn bội phần khi Người lại ở giữa dân Người.
Ngày mà Thiên Chúa chờ mong để được ở giữa Xi-on nay thực sự đã đến qua lời chào của thiên sứ Gáp-ri-en: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà !” Đức Ma-ri-a chính là Xi-on, một Xi-on đã được thanh luyện tẩy rửa để đón chờ Chúa đến. Xi-on đã được thanh luyện, ngôn sứ Xô-phô-ni-a gọi là “Số Sót của Ít-ra-en” :
“Ngày ấy, ngươi sẽ không còn phải hổ thẹn, vì mọi hành vi ngang trái chống lại Ta. Bấy giờ, Ta sẽ đuổi cho khuất mắt ngươi những kẻ kiêu căng đắc thắng, và người sẽ không còn nghênh ngang trên Núi Thánh của Ta nữa. Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh ĐỨC CHÚA.” (Xp 3,11-12).
“Số Sót” mà Xô-phô-ni-a nói đến là một dân nghèo hèn và bé nhỏ, tương phản với những kẻ kiêu căng tự đắc. Họ là những người chỉ biết cậy trông vào Chúa, tìm nương ẩn nơi danh Đức Chúa mà thôi. Đề tài “Số Sót” là một trong những đề tài quan trọng trong các Sách Ngôn Sứ (x. Is 1,9; 4,3; Gr 6,9; 8,3; Am 5,15; Mk 2,12; Kg 1,12-14; Dcr 8,6.11)[2]. Bài ca Magnificat cho thấy Đức Ma-ri-a thấm nhuần truyền thống ngôn sứ khi cất lời tán túng Thiên Chúa chống lại bọn kiêu căng, và Mẹ là “Số Sót” chỉ cậy trông vào Thiên Chúa :
“Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn đến, từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bế những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.” (Lc 1,48-52).
Maria – từ một Israel tuyển chọn đến một Israel số sót
Ít-ra-en rất tự hào vì mình là dân riêng của Thiên Chúa, chúng ta đọc thấy trong sách Đệ nhị luật như sau: “ Chỉ có dân tộc vĩ đại này mới là một dân khôn ngoan và thông minh!’ Phải, có dân tộc nào vĩ đại được Thiên Chúa ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người?” (Đnl 4,6-7). Dù họ được Mô-sê dạy cho biết họ được tuyển chọn hoàn toàn là do ân huệ nhưng-không của Thiên Chúa chứ phải do công nghiệp riêng của họ (Đnl 7,7-8). Nhưng thay vì sống đúng sứ mạng của dân được chọn, tuân giữ mệnh lệnh và trung thành với Giao Ước, Ít-ra-en lại giữ các lễ nghi một cách hình thức, họ cậy vào Đền Thờ như là bùa hộ mệnh.
A-mốt chương 5,21-25 là một trong những đoạn Thánh Kinh nổi tiếng về việc tố cáo các phụng tự chỉ có hình thức của Ít-ra-en: “Lễ lạt của các ngươi Ta chán ghét khinh thường, hội hè của các ngươi, Ta chẳng hề thích thú .... Hãy dẹp bỏ tiếng hát om sòm của các ngươi, Ta không muốn nghe tiếng đàn của các ngươi nữa. Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào, cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn.”
Ngôn sứ Giê-rê-mi-a được Thiên Chúa sai đến đứng ở cửa Đền Thờ và tuyên sấm với dân Giu-đa như sau: “Đừng ỷ vào lời giả dối sau đây: “Đền Thờ của Đức Chúa! Đền Thờ của Đức Chúa ! Đã có Đền Thờ của Đức Chúa!... rồi lại vào nhà, nơi danh Ta được kêu khấn, đến trước mặt Ta mà nói: “Chúng ta được an toàn!” sau đó cứ tiếp tục làm những điều ghê tởm ấy, Thế nghĩa là gì?” (Đnl 7,4.10).
Não trạng tự mãn vì là dân tuyển chọn của Ít-ra-en vẫn còn mãi đến thời Đức Giê-su, và Gio-an Tẩy Giả đã kịch liệt lên án: “Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: “Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham.”
Vì, tôi nói cho các anh em hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham ” (Mt 3,9).
Trong Xô-phô-ni-a chương 3,11-18 mà chúng ta đang tìm hiểu, qua việc nhấn mạnh đến đề tài “Số Sót”, Ít-ra-en được mời gọi làm một hoán cải về ý thức. Sau những biến cố thăng trầm, họ không dám tin có một ngày được chứng kiến việc Thiên Chúa lại cho Thánh Đô tái thiết, họ mừng đến tưởng mình như giữa giấc mơ. Cũng từ đó họ bừng tỉnh và thấm thía lời các ngôn sứ : Bấy giờ Thiên Chúa sẽ đổi cho khuất mắt những kẻ kiêu căng đắc thắng, và Người sẽ cho sót lại giữa Ít-ra-en một dân nghèo hèn và bé nhỏ. Dân Chúa mãi sẽ là “Số Sót”, nghĩa là nhóm nhỏ chịu thanh luyện, và sẽ còn chịu thanh luyện. Ít-ra-en cần làm một cuộc hoán cải về ý thức : từ kiêu căng tự mãn mình là dân được tuyển chọn, Ít-ra-en ý thức mình là “Số Sót”.
Khi Đức Ma-ri-a đáp lại lời sứ thần Gáp-ri-en bằng tiếng “Xin Vâng”, Mẹ nhận lấy sứ mạng của nhóm nhỏ “Số Sót” Ít-ra-en. Lời kinh Magnificat mà Đức Ma-ri-a cất lên, không hề là sự tự mãn vì Mẹ được tuyển chọn làm Mẹ Đấng Messia. Mẹ là mẫu gương của sự thực thi Lời và mời gọi những ai muốn bước theo Đức Giê-su thực thi Lời Chúa : “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” (Ga 2,5) Lời của Đức Mẹ tại tiệc cưới Ca-na cũng là lời mà các môn đệ đã nghe phát ra từ trời khi họ được chứng kiến Đức Giê-su biến hình trên núi: “Đây là con Ta, Người được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người.” (Lc 9,35)
Như đã nói, lời chào của sứ thần Gáp-ri-en không những gợi lại lời của ngôn sứ Xô-phô-ni-a mà còn gợi đến lời của ngôn sứ Da-ca-ri-a. Trong Xô-phô-ni-a, Xi-on được mời gọi trở nên “Số Sót”, một dân khiêm cung nghèo hèn, nhỏ bé; còn trong Da-ca-ri-a, chính Đấng Messia mà Xi-on mong đợi sẽ đến trong khiêm cung. Nói cách khác, nếu Xi-on trở nên khiêm cung thì có thể tiếp nhận được Đấng Messia khiêm hạ mà Chúa gởi đến cho họ. Và rồi Thiên Chúa đã tìm thấy nơi Đức Ma-ri-a là “Thiếu nữ Xi-on” khiêm cung để trao ban Con của Người - Đấng Messia được hứa từ ngàn xưa qua các ngôn sứ.
Chúng ta cùng tìm hiểu Da-ca-ri-a chương 9,9-10.
Đức Maria – Israel hoán cải về quan niệm Đấng Messia, Dcr 9,9-10
Xô-phô-ni-a chương 3,11-18 mà chúng ta vừa tìm hiểu thuộc vào khoảng cuối thế kỷ thứ VII hoặc đầu thế kỷ thứ VI (BC), tức là trước lưu đày Ba-by-lon. Còn đoạn Da-ca-ri-a chương 9,9-10 thuộc vào thời sau lưu đày – khoảng thế kỷ thứ III (BC). Thế mà âm điệu của hai bản văn này lại rất gần nhau.
Da-ca-ri-a chương 9,9-10 giới thiệu khuôn mặt một đấng Messia khiêm cung :
“Nào thiếu nữ Xi-on, hãy mừng và hoan hỷ ! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò ! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi : Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, Khiêm Tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ. Người sẽ quét sạch chiến xa khỏi Ep-ra-im và chiến mã khỏi Giê-ru-sa-lem; cung nỏ chiến tranh sẽ bị Người bẻ gãy, và Người sẽ công bố hòa bình cho muôn dân. Người thống trị từ biển này đến biển nọ, từ sông Cả đến tận cùng cõi đất.”
Hai câu thơ mở đầu song song đồng nghĩa, kêu gọi Giê-ru-sa-lem mừng vui. Cũng như ở Xô-phô-ni-a chương 3,14, lời mời gọi mừng vui của Da-ca-ri-a rất gần với lời chào của sứ thần Gáp-ri-en ngỏ với Đức Ma-ri-a. Lý do dân Chúa được mời gọi mừng vui đó là Đấng Messia đang đến với họ. Theo ngữ cảnh được nói đến ở Da-ca-ri-a 9,1, thì đây là lời mời gọi của chính Thiên Chúa ngỏ với Xi-on, biểu trưng cho dân tộc Ít-ra-en. Vị vua đang đến được gọi là vua của ngươi, tức là vua của Xi-on, của Giê-ru-sa-lem phải là vua thuộc dòng Đa-vít, dòng tộc được coi là vua chính qui, hợp pháp của Giê-ru-sa-lem.
Vị vua đang đến vừa là người mang quyền lực: quét sạch chiến xa và chiến mã, bẻ gãy cung nỏ chiến tranh, vương quyền người mang tầm mức vũ hoàn; đồng thời đấng Messia này mang những phẩm tính đạo đức luân lý: đấng chính trực và khiêm tốn, mang hòa bình cho muôn dân. Hình ảnh khiêm tốn và hòa bình của vị Messia còn được diễn tả qua hình ảnh vị vua này cưỡi lừa và không mang theo khí cụ chinh chiến. Theo quan niệm thời đó, lừa là hình ảnh khiêm tốn, hòa bình, đối lập với ngựa, biểu tượng của chiến tranh và sức mạnh.
Từ “khiêm tốn” tiếng hipri là עני ( ani ). Từ này được dùng ở Xô-phô-ni-a 3,12, đoạn mà chúng ta vừa tìm hiểu, để chỉ những người nghèo của Đức Chúa, họ là “Số Sót” của Ít-ra-en. Ít-ra-en được mời gọi hoán cải, không những về ý thức từ hãnh diện họ được tuyển chọn đến ý thức là thành phần “Số Sót”, Ít-ra-en còn phải hoán cải về quan niệm đấng Messia : Đấng Messia mà Chúa sẽ gởi đến cho họ là một Messia khiêm nhu, nghèo hèn. Người không cậy vào sức mạnh trần thế mà chỉ cậy trông vào Thiên Chúa. “Số Sót” của Ít-ra-en là người nghèo của Đức Chúa, và đấng Messia cũng là người nghèo của Đức Chúa.
Ít-ra-en đã trải qua nhưng kinh nghiệm thương đau, cách riêng là từ biến cố lưu đày, họ thấm thía thế nào là thất vọng khi cậy dựa vào sức mạnh trần thế. Ít-ra-en đã từng mơ có một vị vua như các dân tộc khác để bảo vệ họ khỏi nguy cơ bị ngoại bang xâm chiếm. Mặc cho Sa-mu-en giải thích và can ngăn, họ nhất định đã đòi Sa-mu-en lập cho họ một vị vua : “Không! Phải có một vị vua cho chúng tôi ! Cả chúng tôi cũng sẽ giống như mọi dân tộc. Vua chúng tôi sẽ xét xử chúng tôi, sẽ dẫn đầu chúng tôi và sẽ lãnh đạo các cuộc chiến của chúng tôi (1Sm 8,20) Việc đòi có vua như các dân tộc khác của Ít-ra-en là trọng tội như một tội thờ tà thần, vì họ cậy vào sức mạnh vũ khí và tài chiến binh chứ không còn cậy trông vào Chúa như Đấng Cứu Độ duy nhất của họ (1Sm 8,7-8). Thế rồi Ít-ra-en hết cúi đầu van xin cường quốc này lại chạy theo cường quốc khác mong có được sự thỏa hiệp và bảo trợ. Rồi với bao thăng trầm của lịch sử dân tộc, Ít-ra-en nhận ra rằng các vua của họ đã không thể cứu nổi dân tộc thoát khỏi tay các cường quốc; và ngay các cường quốc đó cũng lần lượt tiêu vong thảm hại: Ai-Cập thất thế trước sức mạnh của As-sy-ri-a, rồi đến phiên As-sy-ri-a bị Ba-by-lon nhận chìm; đến phiên Ba-by-lon tan tác dưới sức mạnh đế quốc Ba tư; Ba tư lại trở thành mồi ngon của Hy lạp, với vị vua lừng danh Alexandre đại đế, thì mà vị vua siêu quần bạt chúng này chết bất ưng khi chưa kịp có con nối kế vị, đế quốc của ông cũng phân rã làm ba; chẳng bao lâu nữa Rô-ma lại lên ngôi bá chủ và vòng lên xuống vẫn tiếp tục...
Lịch sử đã cho Ít-ra-en bài học chuẩn bị cho họ có thể làm cuộc hoán cải về quan niệm Messia : không ai ngoài Thiên Chúa có thể cứu họ; đấng Messia mà Thiên Chúa sẽ gởi đến cho họ sẽ là người nghèo của Thiên Chúa. Và nay, qua lời chào của sứ thần Gáp-ri-en, Đức Ma-ri-a được mời gọi đón nhận đấng Messia được loan báo từ ngàn xưa trong Cựu Ước. Với lời đáp xin vâng, Mẹ là hình bóng của Ít-ra-en đã hoán cải về quan niệm đấng Messia – Messia khiêm nhu.
Vị Messia Cựu Ước loan báo này đang đến, và “Số Sót” Ít-ra-en đang đón nhận Messia mà Đức Maria là đại diện, cùng với nhóm môn đệ. Tuy nhiên cuộc hoán cải đó không mấy dễ dàng, sự vấp ngã của các môn đệ trước mầu nhiệm Thập Giá là bằng chứng cụ thể.
Sự chậm hiểu của các môn đệ trong Tin Mừng Mác-cô
Các Tin Mừng điều cho thấy sự chậm hiểu cũng như quan niệm sai lầm của các môn đệ trước mầu nhiệm Thập Giá của Đức Giê-su, nhưng Tin Mừng Mác-cô lại nhấn mạnh về điểm này[3]. Ba lần Đức Giê-su loan báo cuộc khổ nạn là cả ba lần điều gặp phản ứng u mê của các môn đệ đối với thông điệp của Thầy mình về đấng Messia khiêm nhu đau khổ, đây là nét riêng của Tin Mừng Mác-cô.
Khi nghe loan báo thứ nhất về cuộc khổ nạn, phản ứng của Phê-rô là từ chối thông điệp của Thầy mình khi ông cản Đức Giê-su đi con đường Thập Giá (Mc 9,31-33). Phản ứng của Phê-rô phản ánh tâm trạng chung của các môn đệ chứ không phải chỉ của riêng ông. Lần thứ hai, sau khi nghe Thầy loan báo cuộc khổ nạn, các môn đệ vẫn không hiểu, nhưng lại không dám hỏi, vì sợ. Phải chăng đó là nỗi sợ phải nghe sự thật mà các ông không đủ sức tiếp nhận. Thay vào đó, các ông lại bận tâm đến việc bàn tán xem ai là người lớn nhất (Mc 9,30-37). Chỗ đứng, địa vị: đó mới là bận tâm của các môn đệ. Ngay sau cuộc loan báo lần ba về cuộc khổ nạn, hai người con ông Dê-bê-đê đến xin Đức Giê-su về chỗ ngồi bên hữu và bên tả. Mười môn đệ còn lại tỏ ra tức tối hai anh em ông này. (Mc 10,32-40) Họ tức tối vì ghen với hai ông. Các môn đệ khác cũng muốn chỗ mà hai anh kia đang muốn chiếm. Trong khi Thầy mình cố gắng cho các ông hiểu thông điệp về con đường Thập Giá mà Người sẽ đi, thì các ông tỏ ra ngày càng rõ bận tâm duy nhất của các ông là địa vị.
Phản ứng của các ông cho thấy các ông không hiểu nổi thông điệp về đấng Messia khiêm nhu, đau khổ. Từ sự chậm hiểu về mầu nhiệm Thập Giá, các ông đã bỏ Thầy mình trong cuộc khổ nạn. Đó là một sự thật bại ê chề. Việc bỏ trốn của các ông là bằng chứng cụ thể và là đỉnh điểm của sự u mê của các môn đệ về quan niệm đấng Messia khiêm nhu, đau khổ. Chỉ sau Phục Sinh, Thần Khí Chúa mới làm các ông hoán cải quan niệm về Đấng Messia. Cuộc hoán cải về quan niệm Messia khiêm nhu đau khổ đòi các ông phải chết đi tham vọng vinh quanh trần thế, và chỉ còn tìm làm vinh danh Chúa mà thôi. Đó là lời nguyện đầu tiên trong kinh Lạy Cha mà Thầy Chí Thánh Giê-su đã dạy : Xin cho danh Cha cả sáng.
Giáo hội của Chúa là Ít-ra-en mới phải nhớ mình là “Số Sót” nghĩa là phải hoán cải từng ngày.
THẾ NHƯNG...
Thế nhưng lịch sử cho thấy nhiều phen Giáo Hội lại rơi vào con đường lầm lạc của Ít-ra-en xưa, đến cả thời chúng ta cũng không tránh khỏi. Lời cảnh báo của Đức Thánh Cha Phanxicô khi nêu lên “Mười lăm căn bệnh của giáo triều Rôma” là một bằng chứng. Suy niệm về hành trình đức tin của Đức Ma-ri-a sẽ có ý nghĩa hơn nếu chúng ta dám nhìn lại lối sống của mình và đối diện với môi trường mình đang sống.
Nhưng trước khi đối diện với những vấn đề sẽ cật vấn chúng ta, có lẽ nên bắt đầu với việc nghe suy nghĩ của ông Trần Văn Thủy, tác giả của phim “Chuyện Tử Tế”, về môi trường văn hóa hiện nay. Qua câu chuyện làm phim, ông Thủy cho thấy chúng ta đang sống trong một nền văn hóa chỉ dám bàn đến những gì có tính phát triển, xây dựng, giáo dục, và ca ngợi... ngược lại, người ta có khuynh hướng kết án và bài trừ những ai bàn về mặt trái của cuộc sống. Trả lời cho vấn đề này, ông Thủy mượn lời của của một tác giả và đưa ra kết luận: văn hóa mà chỉ còn là văn hóa truyên truyền sẽ là văn hóa chết”[4].
Nếu chịu chấp nhận lắng nghe, chúng ta sẽ thấy tồn đọng một vài vấn đề cụ thể đang làm Giáo Hội mất dần tính cách “Số Sót của một dân nghèo hèn, bé nhỏ”, hoàn toàn xa lạ với tinh thần của nhóm người “Số Sót” mà Đức Ma-ri-a thuộc về. Có lẽ chúng ta đã nghe quá nhiều nên hóa nhàm với Lời Chúa về việc háo danh, vậy xin mượn câu chuyện của ông Trần Văn Thủy để thay lời ở đây. Trong dịp làm phim, ông Thủy tìm hiểu công việc của các nữ tu ở một trại phong cùi, nơi trước đây ông Hàn Mạc Tử đã sống những năm cuối đời. Ông Thủy viết : “.... Khi Hàn lâm bệnh, rất nhiều người xa kẻ gần kiếm thuốc, tìm thầy, chạy chữa cho Hàn rất công phụ, tốn kém. Nhưng điều đáng nghĩ ngợi là phần lớn họ điều giấu tên để Hàn khỏi mang ơn. Xem vậy thời Hàn cũng có người ăn ở với nhau đến là tử tế”[5]. Ông Thủy gọi những người làm ơn mà không màng danh là những người “tử tế”, xem ra một người ngoài ky tô giáo lại thấm nhuần lời dạy của Chúa Giê-su: “Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm.” (Mt 6,3).
Chúng ta luôn được mời gọi trở thành “Số Sót” với Mẹ Ma-ri-a. “Số Sót” đó trước hết phải làm cuộc hoán cải của Ít-ra-en: từ bỏ sự kiêu căng tự mãn mình là thành phần tuyển chọn, là nhóm ưu tuyển, để sống tâm tình của “Số Sót” thuộc một dân nghèo hèn nhỏ bé. Điều này mời gọi người tu sĩ tránh xa những chuyện đặc quyền đặc lợi mà người ta muốn dành cho tu sĩ, linh mục cũng như thân sinh của nhưng người tu trì. Có lẽ chúng ta nên nghe lời của Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài bàn đến căn bệnh đầu tiên trong mười lăm căn bệnh của Vatican : “ Bệnh này thường phát xuất từ bệnh quyền bính, từ thái độ yêu mình, say mê nhìn hình ảnh mình mà không thấy hình ảnh Thiên Chúa in nơi khuôn mặt của những người khác...”.
Qua những hình thức hoành tráng, môi trường sống hiện nay của chúng ta có nguy cơ trở thành công cụ hợp thức hóa não trạng ham mê quyền bính, khiến người ta nhầm lẫn địa vị như là đích điểm, là sự nghiệp và thành công của đời tu. Như thế sẽ rơi vào những căn bệnh mà Đức Thánh Cha Phanxico đã điểm đích danh : “Bệnh cạnh tranh và háo danh. Khi mà những mầu áo và huy chương trở thành đối tượng ưu tiên của cuộc sống...”. Một khi chức tước địa vị trong đời tu trở nên quá quan trọng, nó sẽ đưa người ta đến căn bệnh mà Đức Thánh Cha gọi là “Bệnh thần thánh hóa giới lãnh đạo”. Đức Thánh Cha viết: “... Họ là nạn nhân của những của những công danh sự nghiệp và của thái độ xu thời, tôn kính con người chứ không tôn kính Thiên Chúa.”
Thật ra trong thâm tâm của mỗi người tận hiến chân chính, điều cảm thấy áy náy khi đối diện với những điều vừa nêu trên, nhưng môi trường đã tạo dịp hợp thức hóa cái mà lẽ ra chúng ta phải áy náy, đến nỗi chúng ta để mình trở thành thỏa hiệp. Không thiếu những lập luận khá logic biện minh cho những việc làm trên: chẳng hạn vì chúng ta là con người, chúng ta cần sự nâng đỡ khích lệ, và rằng chúng ta còn phải sống vì những tương quan, vì giao tiếp, và còn nhiều lý lẽ khác đầy hấp dẫn. Mỗi khi làm điều gì, người ta sẽ có lý do biện minh cho hành động của mình. Đức Ma-ri-a thì không, trong từng sự việc Mẹ không tìm biện minh cho mình mà chỉ tìm Thánh Ý. Hành trình đức tin của Đức Ma-ri-a là con đường khiêm cung của “Số Sót”, của “một dân nghèo hèn và bé nhỏ.”
KẾT
Trên đường lên Can-vê, tất cả mọi người đều bỏ Đức Giê-su. Các môn đệ thì bỏ trốn vì sợ, những người khác ruồng bỏ Người trong khinh khi. Còn “sót lại” Mẹ Ma-ri-a dưới chân Thập Giá. Để có thể đứng vững dưới chân Thập Giá, để có thể không vấp ngã và nhận ra nơi Thập Giá là đấng Messia của Thiên Chúa, Mẹ đã phải làm cuộc hoán cải về quan niệm về đấng Messia. Ngay từ khởi đầu mầu nhiệm Nhập Thể, Mẹ đã được tháp nhận vào hành trình của đấng Messia khiêm nhu, nghèo hèn. Đó là Con Thiên Chúa làm người, đấng Messia được loan báo từ xưa, nay chào đời nhưng Mẹ lại phải đặt Người nằm trong máng cỏ, vì không tìm được chỗ trong nhà trọ (Lc 2,7) Đấng Messia khiêm nhu nghèo hèn và chịu đau khổ là một điều ngược với sự mong chờ của muôn người, cả người Do Thái lẫn dân ngoại, và nhất là cả chúng ta. Chắc hẳn Mẹ Ma-ri-a cũng đã trải qua khó khăn để đi vào con đường của Đấng Messia khiêm nhu. Có những lúc Mẹ cũng không hiểu nổi Thánh Ý. Nhưng thay vì vấp ngã, nghi ngờ, Mẹ tin tưởng và “suy đi ngẫm lại trong lòng” những điều đó.
Sr. Agnès Cảnh Tuyết
[1] La Bible TOB, Cerf – Bibli’O, 2010, note, p. 2217
[2]La Bible TOB, Cerf – Bibli’O, 2010, note, p. 1039
[3]La Bible TOB, Cerf – Bibli’O, 2010, p. 2166-1267
[4] Lê Thanh Dũng, Trần Văn Thủy, Chuyện nghề của Thủy, Hà Nội : Hội Nhà Văn, tái bản lần 2, 2015, tr. 156; 411.
[5] Lê Thanh Dũng, Trần Văn Thủy, Chuyện nghề của Thủy, Hà Nội : Hội Nhà Văn, tái bản lần 2, 2015, tr. 198.
[2]La Bible TOB, Cerf – Bibli’O, 2010, note, p. 1039
[3]La Bible TOB, Cerf – Bibli’O, 2010, p. 2166-1267
[4] Lê Thanh Dũng, Trần Văn Thủy, Chuyện nghề của Thủy, Hà Nội : Hội Nhà Văn, tái bản lần 2, 2015, tr. 156; 411.
[5] Lê Thanh Dũng, Trần Văn Thủy, Chuyện nghề của Thủy, Hà Nội : Hội Nhà Văn, tái bản lần 2, 2015, tr. 198.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét