Suy Niệm: Mến Chuộng Ðức Khôn Ngoan
Sắp hết năm Phụng vụ, Lời Chúa hôm nay hướng chúng ta về lúc cuối đời. Sẽ có sự chết nhưng cũng có sự sống lại. Biết như vậy, chúng ta phải có nếp sống thế nào cho khôn ngoan? Ðấy là những tư tưởng mà chúng ta có thể tìm thấy trong các bài đọc hôm nay.
Khác với mọi khi, chúng ta thử bắt đầu tìm hiểu bài thư Phaolô trước. Chúng ta nhìn thẳng vào sự chết, xem có gì đáng sợ không? Rồi từ đó, chúng ta sẽ lắng nghe Chúa dạy trong bài Tin Mừng để thấy rõ ý nghĩa của bài sách Khôn ngoan.
A. Hãy Vịn Vào Lời Chúa Mà An Ủi Nhau
Thánh Phaolô đã khuyên nhủ giáo đoàn Thessalônikê như thế. Họ đang buồn và đang sợ. Họ buồn cho số phận những anh em tín hữu đã qua đời. Và họ sợ cho bản thân họ cũng phải khổ như thế. Là vì khi theo đạo, họ được biết rằng Chúa Yêsu sẽ trở lại. Hiện nay Người đã về trời, nhưng chỉ để dọn chỗ cho các môn đệ của Người trong nhà Chúa Cha. Người sẽ trở lại trong vinh quang và mau lẹ vì Người đã gọi thời gian này là thời gian cuối cùng và căn dặn mọi người phải tỉnh thức vì Người sẽ trở lại bất thần như kẻ trộm. Nếu thế thì tội lỗi quá cho các tín hữu đã an giấc ngàn thu. Họ phải chết và không được nhìn thấy ngày Chúa quang lâm. Và như thế cũng sẽ tội nghiệp cho chúng ta nếu phải chết trước ngày Chúa trở lại.
Ðó là nỗi buồn và nỗi sợ của tín hữu ở Thessalônikê. Chúng ta khó hiểu được nỗi buồn và nỗi sợ thật sự của họ vì chúng ta không được sống những giây phút như họ. Chúng ta bây giờ tin rằng rồi đây Chúa sẽ trở lại, nhưng có lẽ không mấy ai nghĩ rằng Người sẽ trở lại khi mình đang còn sống. Nhưng các tín hữu ngày xưa thì khác. Họ sống trong bầu khí, tưởng rằng Chúa có thể trở lại nay mai. Nên họ có buồn và có sợ như tín hữu ở Thessalônikê cũng là điều dễ hiểu. Và vì thế thánh Phaolô viết bức thư này. Người trả lời cho giáo dân của người. Nhưng chúng ta cũng được lợi vì tư tưởng của người cũng cần thiết cho chúng ta.
Mở đầu thánh Tông đồ nói rằng: chúng ta phải hiểu rõ về số phận các tín hữu để đừng có buồn rầu, sợ hãi như những người không có hy vọng. Người ám chỉ những người Hylạp thời bấy giờ nghĩ rằng chết là hết và chẳng có đời sau. Nhưng tư tưởng của người cũng có thể áp dụng cho những kẻ không có đức tin xác đáng về số phận những người đã chết.
Và luận lý căn bản của thánh Phaolô là: tất cả những ai đã kết hợp với Ðức Kitô, thì Người thế nào họ sẽ như thế. Vậy nếu chúng ta đã tin rằng Người đã chết và đã sống lại, thì chúng ta phải nhớ những ai đã chết với Người thì cũng sẽ cùng Người sống lại.
Ðó là phần giáo lý quan trọng nhất trong đoạn thư này. Nhiều thư Phaolô khác sẽ lặp lại điều ấy. Và chúng ta phải tựa vào tư tưởng nòng cốt ấy để hiểu những lời Phaolô cắt nghĩa về thứ tự những người sẽ được tham dự vào ngày Chúa quang lâm.
Chắc chắn mọi tín hữu trung kiên của Chúa sẽ được tham dự. Người Thessalônikê lầm khi nghĩ rằng các tín hữu đã chết không được nhìn thấy ngày vinh quang này. Ngược lại, họ sẽ có ưu thế hơn. Bởi vì những kẻ đã an nghỉ trong Ðức Yêsu, thì Thiên Chúa sẽ đem họ đi làm một với Ngài. Họ sẽ sống lại trước, rồi những tín hữu đang sống lúc đó mới được biến đổi và được quyện lên các tầng mây làm một với họ và cùng nhau đi vào vinh quang Thiên Chúa.
Chúng ta hãy để sang một bên vấn đề trước-sau này. Thánh Phaolô chỉ nói đến có một lần ở đây. Trong các thư khác, người chỉ nhấn mạnh niềm tin rằng hết mọi người an nghỉ trong Chúa sẽ được sống lại vì Ðức Kitô là Ðầu của Thân thể, đã sống lại là để các chi thể của Người sẽ được phục sinh. Ðó là niềm tin của chúng ta. Không tin như vậy, thì theo lời Phaolô, chúng ta là những người dại nhất trên đời và lời rao giảng về Chúa phục sinh trở nên hão huyền.
Vậy, đúng như lời thánh Phaolô hôm nay kết luận, chúng ta hãy vịn vào Lời Chúa mà an ủi nhau mỗi khi buồn phiền hoặc hoang mang về số phận những người đã chết, hay về chính việc mình sẽ có ngày phải chết. Bởi vì chúng ta có niềm trông cậy: chết không phải là hết, nhưng là biến đổi để được sống lại và sống mãi. Niềm tin này bó buộc chúng ta phải biết sống. Và vì thế chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa dạy bảo trong bài Tin Mừng.
B. Hãy Sống Sẵn Sàng
Chúng ta quen gọi đây là dụ ngôn 10 trinh nữ. Nhưng chắc chắn ở nơi môi miệng Ðức Yêsu, thì đó chỉ là 10 cô thiếu nữ, 10 cô phù dâu như thói quen trong các đám cưới nơi các dân tộc. Nhưng khi thánh Matthêô đọc lại dụ ngôn này và viết lại thành văn bản để lưu lại cho hậu thế, thì lúc ấy ở trong Giáo hội đã có những người sống đồng trinh và Giáo hội rất hãnh diện vì những người trinh nữ này. Matthêô dùng danh từ trinh nữ như để chú ý đến sự hiện diện của họ ở trong Giáo hội và đồng thời cũng để khuyên bảo đề phòng họ đừng mất cảnh giác. Ðàng khác, bấy giờ quan niệm Hội Thánh là người Trinh Nữ vẹn tuyền dành cho tiệc cưới của Chiên Con cũng đã phổ thông. Nên khi dùng danh từ trinh nữ, Matthêô muốn nói với Giáo hội và mọi người ở trong, để đừng ai coi dụ ngôn này như không có hệ đến mình.
Và vì được viết trong hoàn cảnh mới mẻ đó, dụ ngôn từ miệng Chúa Kitô đã được uốn nắn lại ít nhiều để phù hợp với khung cảnh của Giáo hội. Có thể nói bây giờ nó nhằm phục vụ giáo lý của Hội Thánh, thành ra nó có hơi gò bó những nét tả về mộc cuộc đón dâu.
Dù sao ở đây cũng nói đến 10 cô thiếu nữ đang cùng với cô dâu chờ nhà trai đến xin rước dâu về. Có 5 cô khôn và 5 cô khờ. Nhờ trong một thái độ thôi, chứ không phải là những người khờ thật sự về hết mọi mặt. Vì chắc chắn cô dâu đã không mời nhiều những con người như thế để vây quanh mình. Phải nói đó là những cô được chọn lọc. Và nếu không có việc các cô sơ suất quên đổ dầu vào đèn thì chắc chắn các cô cũng là những thiếu nữ phù dâu lý tưởng như 5 cô kia.
Nhưng tại sao các cô lại khờ đến thế?
Sắm sửa xiêm y hẳn hoi và trang sức lộng lẫy mà lại quên đổ dầu vào đèn! Thật là xây nhà trên cát. Matthêô gọi tất cả những hạng người như thế là khờ. Ở đây 5 cô lại khờ đến hết chỗ nói. Ðã không có dầu thì chịu khó đi chung dưới ánh sáng của người khác, chứ ai lại khờ đến nỗi lúc đó còn đi mua dầu. Ðã có 5 cô có đèn dầu hẳn hoi thì 5 cô kia cứ việc đi chung vào đi đã sao! Nhưng họ khờ.
Nói đúng hơn Matthêô không chú trọng đến những chi tiết ấy. Người không quan tâm mô tả cuộc rước dâu. Người muốn nói lên những bài học đạo đức, nên người có tả một đám cưới hơi khác thường thì cũng chẳng sao.
Và quả thật, cuộc đưa dâu này hơi khác thường. Có lý nào nhà trai chậm đến đến nỗi nửa đêm mới tới? Và khi tới không có tiếng kèn tiếng hát, tiếng nói chuyện để làm cho nhà gái biết đã đến giờ hay sao mà lại phải có tiếng kêu lên: "Kìa vị lang quân đến, hãy ra mà đón". Và khi đã vào tiệc, người nhà ở đâu mà đến nỗi vị lang quân như phải đứng coi cửa? Nếu chú trọng đến những chi tiết như thế, người ta sẽ thấy dụng ý của Matthêô không phải là mô tả cuộc rước dâu, nhưng chỉ mượn khung cảnh này để diễn tả thần học đạo đức. Và chính những nét khác thường trong cách mô tả là những điểm giáo lý cần phải chú ý.
Chúng ta đã nói đến sự khờ khạo của 5 cô thiếu nữ. Chúng ta phải lưu tâm đến việc chàng rể đến trễ, trễ quá chừng, đến nỗi cả 10 cô phù dâu đều thiếp đi mà ngủ cả. Matthêô có ý nói đến việc Ðức Kitô trở lại trễ. Cả Giáo hội không còn nóng lòng như buổi đầu và như giáo dân ở Thessalônikê nữa. Nhưng nửa đêm chàng rể đã tới, vì việc Chúa trở lại là một hành động đặc biệt, giống như việc Người giải phóng Dân ra khỏi Aicập, như việc Người sống lại trong đêm phục sinh và như Người đã nói sẽ đến như kẻ trộm. Người chọn hình ảnh đêm tối để nhấn mạnh đến tính cách đột xuất và đồng thời cũng để nói lên ý nghĩa giải thoát cứu độ đem ánh sáng vào nơi tối tăm. Người sẽ trở lại để làm ra một cuộc phục sinh mới, phục sinh toàn diện và phục sinh đời đời. Chính tiếng kêu trong đêm tối cũng nói lên ý nghĩa đột xuất, và nhất là gợi lên tiếng hô cánh chung lay tất cả tạo vật đang mê ngủ phải tỉnh dậy.
Ðiểm đáng chú ý hơn nữa là thái độ của chàng rể. Chàng đứng ở cửa chờ lúc các cô khờ đến để nói vào mặt các cô: "Ta không biết các ngươi". Câu này đưa chúng ta nhớ đến Mt 7,22-23 và Lc 13,24-25. Ở cả hai đoạn, trong ngày chung thẩm Chúa sẽ nói Người không biết những kẻ chỉ kêu "Lạy Chúa! Lạy Chúa!" mà không thi hành Thánh ý của Người, hoặc không chịu đi vào con đường hẹp là con đường các lệnh truyền của Người.
Và như thế chúng ta đã có thể nắm vững được chủ đề của bài Tin Mừng hôm nay. Thánh Matthêô dùng dụ ngôn 10 cô thiếu nữ mà Ðức Yêsu đã giảng khi còn ở đời này để nói với Giáo hội và các tín hữu rằng: Chúa sẽ trở lại đưa chúng ta vào tiệc cưới Nước Trời. Vào giờ nào không ai biết vì Chúa là Chủ thời gian. Chắc chắn Người sẽ đến một cách đột xuất, nên ai khôn thì phải sẵn sàng. Kẻ khờ không sẵn sàng sẽ bị từ chối bằng câu rất đau đớn rằng: Ta không biết các ngươi! Thế nên đừng tưởng mình là Kitô hữu mà yên trí, đừng tưởng mình đang ở với nàng dâu là Hội Thánh mà yên tâm. Chỉ những ai ở trong Hội Thánh mà có thái độ và đời sống sẵn sàng mới được rước vào Nước Trời sau này.
Nhưng thế nào là sẵn sàng?
C. Hãy Mến Chuộng Ðức Khôn Ngoan
Bài Tin Mừng kết thúc bằng câu: "Hãy tỉnh thức vì các ngươi không biết ngày nào giờ nào". Ðó là một câu ở nơi khác đã được đính vào bài dụ ngôn trên. Vì trong bài dụ ngôn cả 5 cô khôn cũng đã thiếp đi mà ngủ cả. Do đó muốn hợp lý chúng ta phải hiểu chữ "hãy tỉnh thức" ở đây chỉ có nghĩa là "hãy sẵn sàng" như Matthêô đã viết một cách tương tự ở đoạn trên (24,44). Và nếu muốn cắt nghĩa thế nào là sẵn sàng chúng ta có thể dựa ngay vào tư cách của 5 cô thiếu nữ "khôn" mà nói. Khi ấy bài đọc I có thể soi sáng cho chúng ta.
Bài sách này nói: những ai mến chuộng đức khôn ngoan, đức khôn ngoan sẵn sàng cho gặp; ai xứng đáng với đức khôn ngoan, đức khôn ngoan sẽ rảo quanh tìm kiếm; trên các nẻo đi, khôn ngoan đon đả hiện hình; mỗi ý xảy ra, khôn ngoan liền ra đón gặp.
Chúng ta cứ thử coi đức khôn ngoan là Chúa thì chúng ta sẽ được một bài học rất cụ thể. Và chúng ta phải làm như vậy, vì ở đây quả thật khi nói đến đức khôn ngoan, tác giả Kinh Thánh muốn chúng ta hiểu về chính Thiên Chúa.
Người là sự khôn ngoan sáng láng, không hề tàn úa như câu đầu của bài đọc hôm nay. Những ai tìm kiếm Người tất sẽ được Người cho gặp vì chính Người đã phán: ai tìm sẽ gặp, ai gõ cửa sẽ được mở cho. Người ở trên mọi nẻo đường ta đi...; và trong mọi ý tưởng của ta đều đã có Người.
Như vậy muốn gặp Chúa phải tìm kiếm; nhưng chỉ ai yêu mến Chúa mới tìm kiếm Người. Duy trì được lòng yêu mến Chúa là có thái độ sẵn sàng; và ai làm như thế là người khôn. Vì để chỉ người "khôn" thánh Matthêô đã dùng một từ ngữ phronimos, có nghĩa là có lòng, có lòng đối với tha nhân, tức là có lòng yêu mến; còn kẻ khờ thiếu lòng yêu mến nên không thi hành Ý Chúa (Tv 14,1; Mt 7,24). Vậy người khôn có đèn cháy sáng trong tay để sẵn sàng đi gặp Chúa là người có đức mến đã được đốt cháy khi chịu phép Rửa tội và đã nhận lấy một cây đèn cháy.
Với những tư tưởng này, chúng ta có thể thấy mọi nét chính trong các bài Kinh Thánh hôm nay. Hội Thánh khuyên nhủ chúng ta trong thời gian chờ ngày Chúa trở lại hãy giữ lòng mến Chúa cháy mãi. Hãy luôn luôn tưởng nhớ và yêu mến Người. Nhất là hãy luôn luôn thi hành giới răn Người để lại là thi hành lòng bác ái. Như thế, Người đến lúc nào chúng ta vẫn sẵn sàng để vào dự tiệc đời đời với Người.
Giờ đây tiệc Thánh Thể sắp khởi sự. Chúng ta hãy đốt lòng mến lên. Không những chúng ta phải giục lòng mến Chúa mà còn phải muốn hòa hợp với anh em để cùng nhau dự tiệc bác ái này. Và có tinh thần dự lễ như vậy và được đốt cháy lòng mến như thế, chúng ta phải tiếp tục giữ mãi ngọn lửa bác ái trong đời sống để không lúc nào là không sẵn sàng đón Chúa trở lại.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Chủ Nhật 32 Thường Niên, Năm A
Bài đọc: Wis 6:12-16; I Thes 4:13-17; Mt 25:1-13.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cần khôn ngoan, tỉnh thức, chờ đợi Ngày Chúa đến.
Không ai trong chúng ta phủ nhận sự quan trọng của khôn ngoan trong cuộc sống. Người khôn ngoan thường được xã hội kính trọng và được chọn làm những nhà lãnh đạo của dân. Đó là lý do tại sao hầu hết các cha mẹ Việt Nam sẵn sàng hy sinh, làm lụng vất vả, để con được ăn học tới nơi tới chốn. Họ hy vọng với vốn liếng học thức, con họ sẽ biết cách đối chọi với đời và tìm được một công việc đỡ vất vả hơn họ. Nhưng sự khôn ngoan này mới chỉ là khôn ngoan thế tục; có một khôn ngoan cao hơn và sự khôn ngoan này mới thực sự được gọi là “sự khôn ngoan đích thực.” Sự khôn ngoan đích thực là biết nguồn gốc và đích điểm của cuộc đời, cùng biết cách thức làm sao để đạt tới đích điểm này. Các Bài đọc hôm nay đều xoay quanh sự khôn ngoan: Bài đọc I nói lên tầm quan trọng của Đức Khôn Ngoan. Bài đọc II dạy khôn ngoan là biết đích điểm của cuộc đời, là được đòan tụ với Đức Kitô trong Ngày Quang Lâm. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải biết khôn ngoan chuẩn bị trong khi chờ đợi Ngày Quang Lâm, vì không ai biết khi nào sẽ xảy ra.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan cho gặp. Đức Khôn Ngoan luôn sáng chói, và không bao giờ tàn tạ.
1.1/ Ba thái độ phải có khi tìm kiếm khôn ngoan:
(1) Quí trọng Đức Khôn Ngoan: Vô tri bất mộ, phải biết Đức Khôn Ngoan đáng quí trọng dường nào trước khi yêu mến nó. Tiếng Hy-Lạp dùng danh từ rất hay để chỉ các triết gia, filovsofo~, danh từ này ghép bởi động từ filevw = yêu, và danh từ sofiva = khôn ngoan. Như thế, triết gia là người yêu mến sự khôn ngoan. Theo truyền thống Do-Thái và Hy Lạp. Đức KN được nhân cách hóa (coi như một người); vì thế Đức KN chỉ tỏ mình cho những ai yêu mến: “Ai mến chuộng Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan dễ dàng cho chiêm ngưỡng.” Những ai coi thường KN, chẳng bao giờ có được nó.
(2) Tìm kiếm Đức Khôn Ngoan: Không phải chỉ thụ động yêu mến mà còn phải chủ động đi tìm kiếm học hỏi. Con người quí trọng khôn ngoan sẽ đi tìm bất cứ nơi nào có sự khôn ngoan (Nữ Hòang Phương Nam đi tìm Vua Solomon). Tác giả của Bài đọc I bảo đảm: “Ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan cho gặp. Ai từ sáng sớm đã tìm Đức Khôn Ngoan, thì không phải nhọc nhằn vất vả. Họ sẽ thấy Đức Khôn Ngoan ngồi ngay trước cửa nhà.”
(3) Khao khát Đức Khôn Ngoan trên hết mọi sự: Truyền thống GH tin Sách Khôn Ngoan được viết bởi Vua Solomon, người khi được Thiên Chúa hỏi muốn xin bất cứ một điều gì, Ngài sẽ ban cho. Nhà Vua không xin bất cứ điều gì, chỉ xin cho có được Đức Khôn Ngoan. Thiên Chúa đã ban cho Vua một sự khôn ngoan thập tòan đến độ trước và sau Vua, không một ai được khôn ngoan như thế. Vì thế: “Ai khao khát Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan đi bước trước mà tỏ mình cho biết.” Như thế, Đức KN có mặt mọi nơi, chỉ chờ ai mở cửa tiếp nhận, vui vẻ đi vào gặp.
(3) Khao khát Đức Khôn Ngoan trên hết mọi sự: Truyền thống GH tin Sách Khôn Ngoan được viết bởi Vua Solomon, người khi được Thiên Chúa hỏi muốn xin bất cứ một điều gì, Ngài sẽ ban cho. Nhà Vua không xin bất cứ điều gì, chỉ xin cho có được Đức Khôn Ngoan. Thiên Chúa đã ban cho Vua một sự khôn ngoan thập tòan đến độ trước và sau Vua, không một ai được khôn ngoan như thế. Vì thế: “Ai khao khát Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan đi bước trước mà tỏ mình cho biết.” Như thế, Đức KN có mặt mọi nơi, chỉ chờ ai mở cửa tiếp nhận, vui vẻ đi vào gặp.
2.2/ Những lợi ích khi có được Đức Khôn Ngoan: Không có gì trên đời có thể so sánh với Đức KN, vì có được KN là:
(1) Sẽ không bao giờ mất: Tất cả những gì ở ngòai con người đều có thể bị mất, nhưng những gì tích trữ ở bên trong sẽ không bao giờ mất: “Đức Khôn Ngoan luôn sáng chói, và không bao giờ hư mất.” Đức KN sẽ ở với con người tới muôn đời.
(2) Hiểu biết hòan tòan: Khôn ngoan của vũ trụ thì bao la mà khả năng con người lại rất giới hạn; làm sao có thể đạt tới sự hiểu biết hòan tòan? Tác giả Sách Khôn Ngoan hứa hẹn: “Nếu để tâm suy niệm về Đức Khôn Ngoan là đạt được sự hiểu biết hòan tòan.” Khôn ngoan của thế gian chỉ có thể giúp con người hiểu một số khía cạnh (tóan học, xã hội, nhân văn, triết học, kinh tế…), nhưng khôn ngoan của Thiên Chúa sẽ giúp hiểu tòan bộ cuộc đời.
(3) Trút được mọi lo âu: Con người lo lắng là vì không biết sự việc sẽ xảy ra làm sao; nhưng nếu đã đạt tới sự hiểu biết tòan bộ vế cuộc đời, họ sẽ không còn lo âu nữa.
(4) Biết cách giải quyết mọi vấn đề trong cuộc đời: Người đã hiểu biết hết mọi sự thì cũng biết cách gỉai quyết mọi vấn đề cách tốt đẹp: “Trên các nẻo đường họ đi, Đức Khôn Ngoan niềm nở xuất hiện. Mỗi khi họ suy tưởng điều gì, Đức Khôn Ngoan đều đến với họ.”
(4) Biết cách giải quyết mọi vấn đề trong cuộc đời: Người đã hiểu biết hết mọi sự thì cũng biết cách gỉai quyết mọi vấn đề cách tốt đẹp: “Trên các nẻo đường họ đi, Đức Khôn Ngoan niềm nở xuất hiện. Mỗi khi họ suy tưởng điều gì, Đức Khôn Ngoan đều đến với họ.”
2/ Bài đọc II: Chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi.
Sự khôn ngoan đích thực là khôn ngoan theo truyền thống Kitô Giáo. Người khôn ngoan đích thực biết chỉ có một Thiên Chúa trong vũ trụ này, và Ngài là nguồn gốc mọi khôn ngoan. Ngài tạo dựng mọi sự trong vũ trụ và tiền định cho con người được chung hưởng hạnh phúc với Ngài trong cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Khôn Ngoan đích thực của Cựu Ước là chính Đức Kitô của Tân Ước, là hiểu biết Mầu Nhiệm Cứu Độ được thực hiện qua Đức Kitô, và cách đạt tới ơn cứu độ là đặt niềm tin hòan tòan nơi Đức Kitô, trong khi chờ đợi Ngài ngự đến lần hai để mang con người về với Thiên Chúa. Nói tóm, Đức Kitô chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
2.1/ Hai niềm tin khác nhau: Khi bàn chuyện về đời sau, chúng ta thấy có 2 lọai người:
(1) Những người không tin có sự sống lại: Đối với họ, chết là hết. Họ sợ chết và buồn phiền khi giờ chết đến. Thời của Thánh Phaolô cũng có hạng người này, vì thế, ngài cẩn thận đề phòng niềm tin này nơi các tín hữu: “Thưa anh em, về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng.” Đây là thái độ của những người thiếu khôn ngoan: Họ chỉ chú trọng đến cuộc sống đời này mà thôi!
(2) Những người tin có sự sống lại: Chết không hết, nhưng bắt đầu một cuộc sống trường sinh bất tử với Thiên Chúa. Lý do của niềm hy vọng này là: “Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu.” Đây là thái độ của những người khôn ngoan: Đang khi sống vui vẻ đời này, họ không quên chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau.
2.2/ Những gì sẽ xảy đến trong Ngày Chúa Quang Lâm: Thiên Chúa sẽ làm cho xác lòai người sống lại, và sau đó, con người sẽ được ở với Thiên Chúa mãi mãi.
(1) Những người đã chết trong Đức Kitô sẽ sống lại trước tiên: “Khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng Tổng Lãnh Thiên Thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống, và những người đã chết trong Đức Kitô sẽ sống lại trước tiên.”
(2) Sau đó, đến chúng ta là những người đang sống: “Chúng ta sẽ được đem đi trên đám mây cùng với họ, để nghênh đón Chúa trên không trung. Như thế, chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi.”
3/ Phúc Âm: Anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.
Dụ ngôn là cách con người dùng để diễn tả một thực tại. Thực tại mà Chúa Giêsu muốn dạy cho khán giả hôm nay là: ngày Đức Kitô Quang Lâm chắc chắn sẽ đến, nhưng không ai biết ngày nào hay giờ nào. Trong dụ ngôn: Đức Kitô được ví như chàng rể, cô dâu và các phù dâu được ví như Giáo Hội và các tín hữu, Ngày Đức Kitô Quang Lâm được ví như ngày chàng rể đến đón dâu.
3.1/ Dụ ngôn mười cô trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể: Theo phong tục của người Do-Thái, đám cưới thường xảy ra ban đêm; vì thế đèn và dầu là hai thứ không thể thiếu cho các họat động xảy ra ban đêm. Bạn thân của cô dâu là những người sẽ tháp tùng cô dâu trong suốt thời gian cưới. Chú rể sẽ không cho biết thời giờ tới: có thể chập tối, có thể giữa đêm, hay hừng đông; vì thế tất cả mọi sự phải sẵn sàng. Mười cô trinh nữ được xếp thành 2 hạng: khôn ngoan hay khờ dại tùy thuộc vào việc có mang dầu dự bị theo hay không.
Các cô trinh nữ này chắc chắn đã được nghe nói hay tự mình chứng kiến những đám cưới đã xảy ra trước và biết: chàng rể có thể đến trễ, dầu đốt mãi rồi cũng hết, phải có đèn sáng để đón chàng rể... Biết trước như thế nhưng không phải ai cũng biết chuẩn bị cho tương xứng. Năm cô khôn ngoan biết phòng xa nên mang bình dầu dự trữ theo. Năm cô khờ dại không mang dầu dự trữ theo có thể vì: (1) không tiên liệu trước; (2) có thể đóan già đóan non chàng rể sẽ tới sớm; hay (3) nghĩ có thể mượn được người khác nên mang làm gì cho phiền phức!
3.2/ Giờ chàng rể đến: Chầu lâu gối mỏi, “vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả.” Và khi các cô đang ngủ thì đèn cũng tắt ngúm vì hết dầu. Nửa đêm, có tiếng la lên: "Chú rể kia rồi, ra đón đi!"
(1) Sửa sọan đèn: Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn. Nếu đã có đèn và dầu sẵn, mọi sự đều dễ dàng để ra nghênh đón chàng rể.
(2) Mượn dầu: Các cô dại nói với các cô khôn rằng: "Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt mất rồi!" Các cô khôn đáp: "Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn." Điều giúp suy tư: Dầu còn có thể cho được nếu dư thừa, nhưng có những thứ không thể cho và cũng không thể mượn, mà tự cá nhân phải tập luyện: đức tin, tình yêu dành cho Thiên Chúa, Đức Khôn Ngoan, các đức tính tốt, và những việc lành giúp ích người khác. Làm sao có thể mượn tình yêu của người khác để yêu Chúa?
(3) Đi mua dầu giữa ban đêm: Các cô dại không còn cách nào khác phải đi tìm mua dầu nhưng hàng quán nào mở ban đêm? Khi nhận ra tình thế nguy ngập thì đã quá muộn. Đức Khôn Ngoan dạy con người biết tiên liệu những gì sẽ xảy ra, nhưng các cô dại đã không tìm học Đức Khôn Ngoan.
3.3/ Hậu quả phải lãnh nhận: Không biết không có tội, nhưng vẫn phải chịu hậu quả:
(1) Các cô khôn ngoan đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại.
(2) Các cô khờ dại sau cùng cũng đến gõ cửa và gọi: "Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với!" Nhưng Người đáp: "Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!"
Và Chúa Giêsu kết luận: “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.” Mặc dầu đã được báo trước bởi chính Chúa Giêsu, và Giáo Hội đã lặp đi lặp lại mỗi năm vào thời điểm này, thế mà vẫn có những người vẫn vô tư không chịu chuẩn bị. Chúng ta không thể trách Chúa nếu bị tống ra ngòai. Điều nguy hiểm mà ma quỉ thường lợi dụng để cám dỗ con người là Ngày ấy còn xa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải có lòng khao khát và chuyên tâm học hỏi để tìm ra sự khôn ngoan đích thực cho cuộc đời. Đức Khôn Ngoan đích thực của Cựu Ước chính là Đức Kitô của Tân Ước.
- Chết không phải là hết, nhưng bắt đầu một cuộc sống mới với Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta không được sống như những người không hy vọng có cuộc sống mai sau. Họ chỉ biết kiếm tiền và tận hưởng những thú vui đời này.
- Chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ hành trang cần thiết để nghênh đón Chúa: có những cái không thể mua vào lúc cuối; có những cái không thể xin như: đức tin và tình yêu chúng ta dành cho Đức Kitô, Đức Khôn Ngoan và các nhân đức, và những công việc lành chúng ta làm cho người khác.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIẺN, OP.
12/11/17 CHÚA NHẬT TUẦN 32 TN – A
Mt 25,1-13
SỰ KHÔN NGOAN CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA KI-TÔ
“Các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. Còn các cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo.” (Mt 25,3-4)
Suy niệm: Chúa Giê-su diễn tả cuộc hội ngộ cánh chung như cuộc hẹn của các trinh nữ đi đón vị Lang Quân là chính Ngài. Thế nhưng trong cuộc hẹn này, kẻ được gặp, người lại không! Yếu tố quyết định để gặp được Chàng Rể Giê-su chính là thái độ sống của mỗi người. Các cô được gọi là khôn, vì họ biết dự trữ dầu để giữ đèn sáng mãi. Thế nên cho dù Lang Quân có chậm đến, các cô vẫn sẵn sàng dầu đèn để đến gặp Ngài. Đấy là cái khôn của người môn đệ Ki-tô. Bởi vì cùng đích cuộc đời của mỗi chúng ta đều là được gặp Đức Lang Quân Giê-su. Đây là Chân lý không thay đổi, nên “chúng ta không thể thay đổi cuộc đời, mà chỉ có thể thay đổi được thái độ của ta đối với cuộc đời mà thôi”. (Thánh Tê-rê-sa A-vi-la).
Mời Bạn: Tháng cuối năm Phụng vụ, Giáo Hội mời chúng ta suy nghĩ về đích điểm đời mình, để biết thay đổi đời hiện tại. Chẳng ai có thể sống thay bạn, nghĩ thay bạn, hành động thay bạn… vì mỗi người có vị trí không thể thay thế và phải chịu trách nhiệm về chính cuộc đời mình. Đó là chất dầu được chiết xuất từ chất sống của mỗi người trong từng ngày sống, bằng cách quảng đại, dấn thân thực thi công bằng, sự thật, khiêm tốn, an hoà, yêu thương, tha thứ… Bạn đừng đi lại vết xe cũ của các cô khờ, để rồi bị lỡ bữa tiệc hạnh phúc vĩnh cửu với Chàng Rể Giê-su.
Chia sẻ: Để được sự khôn ngoan của môn đệ Ki-tô, chất dầu ban phải tích luỹ, dự trữ là gì ?
Sống Lời Chúa: Quyết tâm làm một việc tốt mỗi ngày.
Cầu nguyện: Đọc kinh Sáng Soi.
(5 phút Lời Chúa)
VỪA MANG ĐÈN, VỪA MANG DẦU (12.11.2017 – Chúa nhật 32 Thường niên, Năm A)
Mang danh là Kitô hữu. Không đủ! Tham gia vào một số sinh hoạt tôn giáo. Không đủ! Cần phải sống hết mình những đòi hỏi của Chúa. Ðòi hỏi lớn nhất là yêu thương.
Suy niệm:
Chẳng ai nghĩ đi ăn sinh nhật là để chết.
Chẳng ai nghĩ mình sẽ chết vào ngày sinh nhật của mình.
Vụ chìm tàu du lịch Dìn Ký tại Bình Dương hồi cuối tháng 5/2011
nhắc cho ta về sự bất ngờ của cái chết.
Cái chết đến khi mọi người đang vui vẻ chúc mừng nhau
trong bữa tiệc mừng sinh nhật của cháu bé 3 tuổi.
16 người chết vì bị kẹt lại trong chiếc tàu du lịch bị mưa to gió lớn đánh chìm.
Ðoạn Tin Mừng hôm nay nhắc ta rằng Chúa đến bất ngờ,
như chú rể đến lúc nửa đêm.
Chúng ta phải sẵn sàng như năm cô phù dâu khôn ngoan,
hân hoan ra đón chú rể, tay cầm đèn thắp sáng.
Thật ra năm cô dại chẳng phải là hạng vô tích sự.
Chắc họ đã lo trang điểm cho mình.
Khi biết mình hết dầu, họ đã lo vay mượn.
Và khi bị từ chối, họ đã đi mua dầu giữa đêm khuya.
Lúc có đèn sáng, họ đã gõ cửa xin vào dự tiệc cưới.
Nhưng muộn quá!
“Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô!”
Chẳng nên đổ lỗi cho chú rể đến chậm,
khiến đèn của mình hết dầu.
Chẳng nên trách móc các cô khôn ngoan,
vì họ cần có đủ dầu để thắp sáng cho tiệc cưới giữa đêm khuya.
Chỉ nên nhận mình đã chểnh mảng,
không mang dầu dự trữ.
Có đèn. Không đủ!
Ðèn cần phẳi sáng, sáng lúc Chúa đến bất ngờ.
Như thế cũng có nghĩa là phải luôn luôn sáng.
Mang danh là Kitô hữu. Không đủ!
Tham gia vào một số sinh hoạt tôn giáo. Không đủ!
Cần phải sống hết mình những đòi hỏi của Chúa.
Ðòi hỏi lớn nhất là yêu thương.
Trong Hội Thánh, vẫn có những cô khôn và cô dại,
có những người đèn đã hết dầu từ lâu...
Cần chăm chút cho ngọn đèn đời mình.
Cần nuôi dưỡng nó bằng thứ dầu của tình yêu bao dung,
của niềm hy vọng vững vàng, của niềm tin sắt đá.
Cần châm thêm dầu mỗi ngày...
Hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.
Tỉnh thức không phải là không ngủ...
Cả mười cô trinh nữ phù dâu đều đã thiếp ngủ.
Tỉnh thức không phải là suốt ngày đọc Lời Chúa,
nhưng là để Lời Chúa chi phối mình suốt ngày.
Chẳng ai biết lúc nào tận thế.
Chẳng ai biết giờ chết của mình.
Chẳng ai biết hôm nay Chúa hẹn mình ở đâu,
trong biến cố nào, nơi con người nào.
Chính vì thế phải tỉnh thức luôn, cả trong giấc ngủ.
Người ta biết mình bắt đầu tỉnh thức,
khi nhận ra mình đã mê muội.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa quang lâm,
chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.
Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,
còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.
Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,
Chúa đâu muốn mất một người nào...
Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa
xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,
vui tươi và hạnh phúc,
để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn
cho mọi người và cho cả vũ trụ.
Xin nuôi dưỡng nơi chúng con
niềm tin vững vàng
và niềm hy vọng nồng cháy,
để tất cả những gì chúng con làm
đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét