Trang

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2020

10 Làm sao đọc Phúc Âm mà không mất đức tin - Phép lạ? Không, xin cám ơn


Trích sách Làm sao đọc Phúc Âm mà không mất đức tin, Linh mục  Alberto Maggi (Comment lire l’ Évangile sans perdre la foi. Nhà xuất bản Fides, Pháp).
Vậy Đức Giêsu trở lại Cana miền Galilê, là nơi Người đã làm cho nước hoá thành rượu. Bấy giờ có một sĩ quan cận vệ của nhà vua có đứa con trai đang bị bệnh tại Caphácnaum. Khi nghe tin Đức Giêsu từ Giuđê đến Galilê, ông tới gặp và xin Người xuống chữa con ông vì nó sắp chết. Đức Giêsu nói với ông: “Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu!” Viên sĩ quan nói: “Thưa Ngài, xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất! “Đức Giêsu bảo: “Ông cứ về đi, con ông sống.” Ông tin vào lời Đức Giêsu nói với mình, và ra về. Ông còn đang đi xuống, thì gia nhân đã đón gặp và nói là con ông sống rồi. Ông hỏi họ con ông đã bắt đầu khá hơn vào giờ nào. Họ đáp: “Hôm qua, vào lúc một giờ trưa thì cậu hết sốt.” Người cha nhận ra là vào đúng giờ đó, Đức Giêsu đã nói với mình: “Con ông sống”, nên ông và cả nhà đều tin. Đó là dấu lạ thứ hai Đức Giêsu đã làm, khi Người từ miền Giuđê đến miền Galilê. (Ga 4: 46-54)
Nếu các “dấu lạ” Chúa Giêsu làm và được Phúc âm kể lại là dấu hiệu thể hiện tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại thì những người chờ dấu lạ để biết uy quyền không đón nhận (Ga 2: 18): “Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đónh đinh.” (Cr 1:22-23). Những người khao khát chuyện phi thường, không thể nhận biết Chúa Giêsu trong những chuyện bình thường, họ van nài Chúa Giêsu cho họ “một dấu hiệu đến từ trời” (Mt 16: 1-). Cũng như tiên tri Êlia, họ tìm Chúa trong “gió to bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng, trong động đất và trong lửa” mà không thấy Chúa ở trong “tiếng gió hiu hiu” (1 V 19: 11-12). Với những người đòi “phép lạ” Chúa Giêsu mời gọi họ “hối cải”. Lời giảng dạy của Chúa không có chỗ cho những mong chờ những chuyện phi thường đến từ trên cao; nhưng đúng hơn là lời mời gọi thực hành tình yêu trung tín với Chúa mà ai cũng có thể làm được: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.” (Mt 25: 35-36) Không cần phải thấy Chúa Giêsu làm ra thật nhiều bánh: chỉ cần rộng lòng chia sẻ (Mt 14: 13-21). Không cần phải kêu: “Xin Thiên Chúa cứu con!” (Mt 8: 25) Chỉ cần nhận biết ơn cứu rỗi đã được thực hiện và đi loan báo ơn cứu rỗi (Mc 16: 16). Vì thế người ta không bao giờ thấy trong các phúc âm danh từ “phép lạ” trong tiếng Hy-lạp và lúc nào Chúa Giêsu cũng từ chối một cách ngắn gọn lời yêu cầu xin thấy những “điềm thiêng dấu lạ”. Những điềm thiêng dấu lạ này nhắc nhở đến các tai ương mà ông Môsê làm trên đất Ai Cập (Xh 7: 3-9) và dưới mắt Chúa Giêsu là: “những Kitô giả và ngôn sứ giả xuất hiện, đưa ra những dấu lạ lớn lao và những điềm thiêng, đến nỗi chúng lừa gạt cả những người đã được tuyển chọn, nếu có thể” (Mt 24: 24), đó không phải là những việc Chúa Giêsu làm.
Để chỉ định những việc của Chúa Giêsu, các thánh sử hay nói đến “dấu chỉ” và “công việc” để nói lên các hành vi củng cố đời sống nội tâm, hiệp thông để có khả năng yêu thương như Chúa Giêsu. Các hành vi này không phải là những hành vi chỉ có Chúa Giêsu mới làm được, nhưng là một khả năng mà các tín hữu có thể thực hiện được nhờ lòng tin vào Chúa Kitô: “Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. (Ga 14: 12)
Ai phải đi xuống?
Như thế giai đoạn thụ động chờ phép lạ để đưa thế giới vào hành động để biến đổi thế giới trong đoạn Phúc âm thánh Gioan chỉ có tính tượng hình.
Thánh sử viết: “Có sĩ quan cận vệ nhà vua có người con trai đau ở Caphácnaum …”. Thánh sử không viết có một người cha có đứa con trai duy nhất … nhưng sĩ quan cận vệ nhà vua, một viên chức. Người chủ chốt của câu chuyện được định danh qua chức vị của ông chứ không nêu là người chồng, người cha. Qua hình ảnh này, được giữ vô danh một cách cẩn thận, đương sự có chức vụ cao trong xã hội, thánh sử giới thiệu một người có uy quyền. Ông này được tin – hơi trễ – con ông sắp chết. Khi biết Chúa Giêsu đang ở trong vùng Cana, Galilê, ông đến gặp Người và xin Người “xuống cho, kẻo cháu nó chết mất!” Thánh sử cho hay đứa con này sắp chết, ông không nói chính xác nó bệnh gì bởi vì bệnh của nó, sau này thánh sử cho biết, đó là bệnh “cận vệ nhà vua.” Một người quan trọng có địa vi cao trong xã hội, sĩ quan cận vệ không van cầu một người thấp hơn mà một người cao hơn, uy quyền hơn: Chúa Giêsu, Đấng Thiên Sai, Con Một Thiên Chúa. Ông xin Người “xuống”, xuống để can thiệp nhanh chóng, hiệu quả cho con trai ông sắp chết.
Lời khiển trách chua chát của Chúa Giêsu nói với người cha đang có con gần chết có vẻ  như không đúng: “Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu!” Chúa Giêsu không trả lời thẳng vào đương sự mà dùng đại danh từ “các ông” số nhiều ở đây, Người nói với tất cả những ai thấy mình trong hình ảnh người sĩ quan cận vệ: những người tìm giải pháp từ bên ngoài, dù đắt giá, khó khăn, điềm thiêng dấu lạ chỉ dành riêng cho họ. Không thể nào có khả năng hướng nội nhìn lại mình, họ không nghĩ ra phương thuốc có thể rất đơn giản, ở tầm tay nhưng buộc họ phải nhìn tận sâu thẳm vào tâm hồn họ, nơi tầm nhìn, lúc đó, không còn là những gì đẹp nhất vì Chúa Giêsu cho những người đi tìm dấu lạ là “thế hệ gian ác và ngoại tình” (Mt 16: 4).
Viên sĩ quan cận vệ không hiểu lời trách cứ của Chúa Giêsu, Chúa Giêsu mời gọi ông đừng tìm điềm thiêng dấu lạ từ trên cao. Ông năn nỉ: “Xin Ngài xuống cho, kẻo nó chết mất!” Không phải là lời yêu cầu nhưng là một mệnh lệnh: “Xuống… chữa… lành”, kéo dài sự hiểu lầm, ông cứ xin Chúa Giêsu và Chúa Giêsu thì cứ mong chờ ở ông. Trong lúc đó, thời gian dậm chân, con ông sắp chết, viên sĩ quan xin Chúa Giêsu can thiệp, Chúa Giêsu không ra tay. Viên sĩ quan phải nói “kẻo nó chết mất” để đưa Chúa Giêsu gánh trách nhiệm này. Nếu con ông chết là lỗi của Chúa! “Nếu Thầy ở đây thì em con đã không chết!”, Mácta cũng đã trách Chúa như thế (Ga 11: 21); “Chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 4: 38).
Uy quyền bất lực
Để trả lời cho mong chờ một sự kiện phi thường mà ông xin, Chúa Giêsu trả lời: “Chính ông phải xuống! Con ông sống!” Lời mời gọi này là nút thắt của vấn đề, là nguyên do của căn bệnh đứa con trai viên sĩ quan cận vệ: “Đi xuống!” Viên sĩ quan xin Chúa Giêsu “xuống” từ ngôi uy quyền cao cả để làm phép lạ. Nhưng Chúa Giêsu không thể nào làm. Người đứng “trên cao” không phải là Chúa Giêsu vì Chúa Giêsu “đến không phải để được phục vụ mà để phục vụ”, mà là viên sĩ quan cận vệ. (Mt 20: 28). Chính ông mới là người phải đi xuống, phải bỏ địa vị ưu tiên, bởi vì các chức vị cao sang, dù huy hoàng đến đâu cũng không mang lại sự sống và một người con, nếu nó không nhận sự sống từ người cha thì nó không thể nào tồn tại, nó chết. Quen với các quan hệ theo thứ trật cấp trên cấp dưới, viên sĩ quan dùng chữ “cháu nó” để nói về đứa con của mình, một chữ có nghĩa là “đầy tớ” trong ngôn ngữ Hy lạp khi nói đến thế thấp kém, tuần phục của người con đối với người cha. Chúa Giêsu nhắc lại cháu nó là “con” ông, một chữ nói lên sự bình đẳng, liên kết hiệp thông giữa cha và con.
Chúng ta sẽ hiểu câu chuyện năng động hơn nếu chúng ta nắm rõ văn hóa thời đó, thời mà sự sống được người cha truyền lại là chính, vì thế trong ngôn ngữ Hêbrơ, không có danh từ “cha mẹ” mà chỉ có “cha” và “mẹ”, với các vai trò khác hẳn nhau: cha là người “sinh” ra con, mẹ là nuôi dưỡng và “đem ra đời”, (Is 45: 10) Nguyên do căn bệnh chết của người con là sự thiếu quan hệ với người cha. Và thánh sử nhấn mạnh đến khía cạnh đau thương của hoàn cảnh khi nói đó là đứa con trai duy nhất của ông. Trách nhiệm nặng của viên sĩ quan là để vai trò trong xã hội của mình cuốn hút, vì “phẩm giá” ông hy sinh tình “phụ tử.” Và bây giò ông ý thức, dù quyền cao chức trọng, ông cũng không cứu được con. nhưng lòng hối cải đã giúp ông: “Ông tin vào lời Đức Giêsu nói với mình và đi xuống.” Chúa Giêsu mời gọi ông thiết lập một quan hệ với người con đang bị bệnh, đừng chờ phép lạ từ trên cao như “man-na từ trời” xuống để nuôi dưỡng và đem lại sự sống cho con mà chính mình phải trở thành bánh cho những ai đang đói.
Khi mọi người hỏi Chúa Giêsu “làm được dấu lạ nào để chúng tôi thấy để tin” (Ga 6: 30), Chúa Giêsu mời gọi họ trước hết phải tin để sau đó trở nên dấu hiệu có thể thấy được. Thay vì chờ từ trên cao “các điềm thiêng dấu lạ”, viên sĩ quan hiểu chính ông phải là dấu hiệu sự sống cho con ông. Người mời Chúa “xuống” đầu tiên hiểu rằng vì mình “tự cho mình ở trên cao” nên đã làm cho con bi bệnh, vì thế nên ông phải xuống, từ bỏ chức vị cao quá của mình để trở thành một người bình thường. Chỉ chính lúc đó, lúc ông đi xuống, thì thánh sử Gioan mới gọi ông là “ông”. Khi bỏ địa vị và uy quyền, ông mới bắt đầu chuyển biến, ông không còn là viên sĩ quan mà là một người có lòng tin “Ông tin…” và nhân vật quan trọng trở thành một người bình thường. “Ông còn đang đi xuống, thì gia nhân đã đón gặp và nói con ông sống rồi.” Ông tiếp tục đi xuống, ông đứng ngang tầm với người bệnh và người này lấy lại sự sống.
Rõ ràng bệnh của người con là sự vắng mặt của người cha, người đáng lý phải trao truyền sự sống cho con thì không còn nữa. Ông chỉ là một nhân vật, xa xôi, ông không thể nào trao truyền gì ngoài cái chết. Ông hỏi họ con ông đã bắt đầu khá hơn vào giờ nào, họ nói: Hôm qua vào lúc một giờ trưa thì cậu hết sốt. Và người cha nhớ lại đó chính là giờ Chúa Giêsu nói: “Con ông sống.” Và ông tin, cả nhà đều tin. Không những tình trạng người con khả quan hơn nhưng nó được lành. Bởi vì viên sĩ quan “xuống”, trước hết là trở thành một “người”, rồi cuối cùng là “cha” truyền sự sống cho con để người con ngang hàng với mình. Đây là lần đầu tiên trong câu chuyện, chữ “gia đình” xuất hiện mà trước đây chữ này chưa có, bởi vì người ta không thể dùng chữ này nơi nhà của viên sĩ quan bề thế, vì khi là sĩ quan, mọi người phải tuân lệnh ông. Viên sĩ quan đến gặp Chúa để xin chữa lành cho con ông thì hóa ra chính ông là người bệnh cần được chữa lành.
Ignace Trần An Huy dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét