ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
Chúng con thân mến,
Trong những ngày này, cả nước Việt Nam chúng ta đang tất bật chuẩn bị chào đón Tết cổ truyền của dân tộc, những thời khắc đầu tiên của năm Canh Tý 2020. Sự đa dạng về phong tục vùng miền, lễ nghi tôn giáo, niềm tin dân gian trong những ngày tết, cho thấy đây là một sự kiện mang nhiều ý nghĩa đối với người dân Đất Việt chúng ta. Thế nhưng, cho dù khác biệt trong truyền thống hay văn hóa, thì cũng đều hội tụ về một ước mơ cho năm mới an khang mạnh khỏe, hạnh phúc sum vầy, bình an thịnh đạt. Trong ý nghĩa đó, cha vui mừng chúc chúng con một mùa xuân an vui hạnh phúc, vạn sự như ý. Đồng thời, trước thềm năm mới của tết quê hương, cha cũng muốn cùng với chúng con sống tinh thần của những người con của Chúa trong những ngày đặc biệt này.
1. Tết đến, thời khắc của tạ ơn
Như cha đã nói ở trên, những ngày của tết Việt của chúng ta là những ngày hội tụ của phong tục lễ nghi, nhằm nói lên khát vọng sâu xa cho một năm mới mọi điều may lành tốt đẹp. Người Công giáo chúng ta còn bày tỏ thêm nữa niềm hy vọng ấy qua ý chỉ của những Thánh lễ đầu năm: mồng một Tết cầu bình an năm mới, mồng hai Tết kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ, mồng ba Tết thánh hóa công ăn việc làm. Hướng về những thực hành ấy, lời tiên tri Ôsê như kêu gọi chúng ta dừng lại một nhịp, để nhận ra đâu là những điều Chúa mong muốn, “vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu” (Os 6, 6). Vậy, Thiên Chúa là Cha nhân lành muốn chúng ta nhận biết điều gì trong những ngày đặc biệt này? Thưa, Người muốn chúng ta phải nhận ra rằng: mọi điều trong cuộc sống, từ những ân huệ vật chất (x. Tv 126, 1-3) cho đến những đặc ân siêu nhiên (x. Ep 1, 3-7), tất cả đều phát xuất từ tình yêu quan phòng rất nhiệm mầu của Người. Như thế, thật phải đạo và cần thiết cho những giờ phút đầu năm, chúng ta hướng về Chúa Xuân Vĩnh Cửu, để cùng với thánh Phaolô sốt sắng thưa lên rằng: “Xin cảm tạ Thiên Chúa vì phúc lộc khôn tả Người ban” (2Cr 9, 15).
2. Xuân về, những ngày của hiếu thảo
Những kiểu nói: “Xuân họp mặt; Tết đoàn viên” như muốn tô đậm thêm một nét văn hóa ngàn đời đáng quý của dân tộc Việt trong những độ xuân về, đó chính là lòng hiếu thảo, vốn được coi là đạo lý cơ bản của con người, là gốc rể của nhân cách và là nền tảng của đạo đức xã hội Việt Nam. Trong lề luật của Giavê Thiên Chúa trao cho dân Người, lòng hiếu thảo được phán dạy đầu tiên trong những bổn phận phải làm: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20, 12). Tại sao Thiên Chúa dạy chúng ta phải hiếu thảo với ông bà cha mẹ? Mệnh lệnh đầy tính nhân văn này được giải thích cách tỏ tường nơi tập sách Huấn ca: “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm. Ai kính mẹ thì tích trữ kho báu và khi cầu nguyện sẽ được nhậm lời” (Hc 3, 3-6). Đặc biệt hơn nữa, lòng hiếu nghĩa sẽ đền bù tội lỗi của chính mình (x. Hc 3, 14). Như vậy, giá trị của lòng hiếu thảo không chỉ dừng lại ở đời này mà còn kéo dài đến đời sau vĩnh cửu. Hãy thực hành lòng hiếu thảo ở mọi nơi mọi lúc, Chúa sẽ chúc lành cho chúng ta (x. Hc 3, 8).
3. Chúc mừng năm mới
Chúng con thân mến,
Chỉ còn một tuần nữa là chúng ta bước vào năm Canh Tý. Theo quan niệm Á Đông, năm Chuột Vàng được tin là sẽ mở ra một vụ mùa bội thu, tình yêu ngọt ngào, sự nghiệp thăng tiến và cả những cơ hội mới để mang đến một cuộc sống tích cực hơn. Cha cầu chúc cho chúng con bước qua năm mới luôn vui vẽ và lạc quan, kiên cường và lanh lẹ. Chúng con hãy cố gắng dành thời giờ cho Chúa qua việc tham dự đầy đủ các Thánh lễ đầu năm. Nguyện Chúa Xuân chúc lành và gìn giữ chúng con. Xin Người thương mến và ban bình an cho chúng con (x. Ds 6, 24-26).
Vĩnh Long, ngày 23 tháng Chạp năm 2019.
Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét