Trang

Thứ Tư, 8 tháng 1, 2020

“Biến Maria-Mađalêna thành người tội lỗi là chận đứng chỗ đứng của phụ nữ trong Giáo hội”

“Biến Maria-Mađalêna thành người tội lỗi là chận đứng chỗ đứng của phụ nữ trong Giáo hội”

  

la-croix.com, Nicolas Senèze (Rôma), 2018-03-27
Sử gia, người bênh vực cho quyền của người phụ nữ, chủ biên phụ trương trang phụ nữ của báo L’Osservatore Romano, chuyên gia về các vấn đề giao tiếp giữa phụ nữ và Giáo hội, bà Lucetta Scaraffia giải thích làm thế nào mà Giáo hội đã dần dần xóa mờ vai trò tông đồ của Maria-Mađalêna để biến Maria-Mađalêna thành người phụ nữ tội lỗi ăn năn trở lại. Các trích đoạn bài phỏng vấn.
 
Maria-Mađalêna ăn năn hoán cải, tranh của họa sĩ Le Caravage, vào khoảng năm 1593 và 1594, hiện nay được giữ ở Phòng tranh Doria-Pamphilj, Rôma. / CC/ WGA.
Báo Thập giá: Bà nghiên cứu rất nhiều về tương quan giữa phụ nữ và Giáo hội, theo bà Maria-Mađalêna là người tội lỗi hay là người tông đồ? 
Lucetta Scaraffia: Tôi muốn bắt đầu bằng một kỷ niệm riêng tư. Khi tôi còn nhỏ, sau tháng 8 năm 1968, tôi ở Milan và rất nhiều phụ nữ trong phong trào bênh vực cho nữ quyền ở Ý đặt tên cho con gái mình là Mađalêna; đối với họ lúc đó, rõ ràng là họ muốn chống lại Mẹ Maria: chống hình ảnh phụ nữ vâng lời với phụ nữ tự do và tội lỗi. Và chính lúc đó là lúc tôi bắt đầu để ý đến Maria-Mađalêna, tôi nghĩ đó là một trong các hình ảnh bị dàn dựng nhiều nhất lịch sử. Cả bởi Giáo hội và cả bởi các người bênh vực nữ quyền. 
Theo bà, vì sao lại có hai cái nhìn về Maria-Mađalêna như vậy?
Maria-Mađalêna là một hình ảnh đập mạnh ngay từ thời bắt đầu kitô giáo. Nhưng trong xã hội theo phụ hệ, khi Chúa Giêsu sống lại, ngài hiện ra trước hết với một phụ nữ, giao cho bà nhiệm vụ đi loan báo cho các Tông đồ Ngài đã sống lại – sứ vụ cao nhất có thể! -, thì điều này đã tạo vấn đề cho người đàn ông vào thời đó.
Và điều này cũng diễn tả theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, trong chủ thuyết duy tri, lạc giáo đầu tiên của kitô giáo, thì họ quan tâm nhiều đến Mađalêna: các người theo thuyết này nghĩ Chúa Kitô truyền cho bà một giáo huấn bí mật, gom lại trong Minh triết của đức tin (Pistis Sophia). Trong đó, Mađalêna là một tông đồ đặc biệt riêng, đến mức bà còn phản đối Phêrô, khắc phục được Phêrô sau khi làm cho mình thành người đàn ông hay đúng hơn người không nam không nữ… 
Làm thế nào lại dựng lên hình ảnh Maria-Mađalêna như người tội lỗi?
Người ta bắt đầu đồng hóa Mađalêna với hai Maria khác trong Phúc Âm: chị của Marta (Lc 10, 38-41) và cô gái điếm rửa chân cho Chúa Giêsu bằng nước mắt (Lc 7, 36-50). Maria Bêtania, chị của Marta và cũng là chị của Ladarô bạn của Chúa Giêsu (Ga 11, 1-45): và đó là hình ảnh gần như thân thuộc, sẽ tạo ít nguy hiểm và ít rắc rối cho sự gần gũi của bà với Chúa Giêsu. Còn về cô gái điếm, người ta có thể dễ dàng khoác cho bà tấm voan nghi ngờ và như thế làm cho Maria-Mađalêna ít cạnh tranh với hình ảnh của Mẹ Maria.
Mặt khác cũng phải nêu lên truyền thống ở Đông phương và Tây phương nghịch nhau ở đây, kitô giáo Đông phương mừng riêng hai lễ Maria Bêtania và Maria-Mađalêna, trong khi từ thế kỷ thứ 4, Tây phương bắt đầu dồn hình ảnh cô gái điếm trong hình ảnh của Maria-Mađalêna. Sự trộn lẫn này đã biến Maria-Mađalêna thành người phụ nữ ăn năn khóc lóc cho tội của mình. Và như thế là chấm dứt người có nhiệm vụ loan báo tin sự Sống Lại. 
Vì sao có sự trộn lẫn này?
Chọn hình ảnh người phụ nữ ăn năn sẽ có thể che giấu sự gắn bó của Chúa Giêsu với phụ nữ, các phụ nữ này rất yêu thương Chúa. Dù có một cuộc sống “bất thường”, các phụ nữ này rất quan trọng trong các Phúc Âm. Chúa Giêsu thấy phụ nữ yêu nhiều hơn các ông và họ hiểu tình yêu nhiều hơn các ông. Vì thế người phụ nữ Samaritana, người đầu tiên Ngài thể hiện cho bà biết mình là Đấng Thiên Sai (Ga 4, 26). Dù bà có một đời sống lộn xộn – Phúc Âm kể bà có năm người chồng và “người đàn ông hiện tại bà đang sống cũng không phải là chồng”, Chúa Giêsu nói với bà -, nhưng đó là người phụ nữ đi tìm tình yêu, và đối với Chúa Giêsu, đó là điều quan trọng nhất trên tất cả.
Nói Mađalêna là cô gái điếm là một cách để hạ thấp bà, nhưng điều này cũng cho thấy sự gần gũi của Chúa Giêsu với các phụ nữ này, những phụ nữ đi tìm tình yêu mà Ngài rất quý mến và những người này thường bị phai mờ trong Phúc Âm, vì chỗ đứng mà Chúa Giêsu dành cho họ không được hiểu đúng vào thời đó. Mặt khác, chúng ta cũng không loại khả thể Chúa Giêsu có các tương quan với các phụ nữ khác nhưng không được Phúc Âm nhắc đến. Nhưng chắc chắn không thể che giấu Maria-Mađalêna vì bà có một chỗ trọng tâm trong đời sống Chúa Giêsu. Vì thế khi biến bà thành người tội lỗi là che mờ vai trò tông đồ của bà trong 2000 năm nay và chận đứng chỗ đứng của phụ nữ trong Giáo hội.
Sự che mờ này có hoàn toàn trong Giáo hội không?
Có. Có thể trừ nước Pháp vì nước Pháp có truyền thống phổ biến với hình ảnh Maria-Mađalêna, có thể người Pháp nhầm với hình ảnh Maria Ai Cập, vị Thánh người Palestina sống xa hoa trước khi lui về sống trong hang động ở sa mạc. Một truyền thống kể Maria-Mađalêna đến gần bờ Gaule, bà bắt đầu rao giảng Phúc Âm trước khi rút về sống trong một hang động ở sa mạc Sainte-Baume cho đến cuối đời. Biến Maria-Mađalêna thành người rao giảng Phúc Âm ở Gaule là làm cho Giáo hội Pháp tuyên bố nguồn gốc tông đồ theo hình ảnh của Rôma (Phêrô), của Byzance (Anrê) hay của Tây Ban Nha (Giacôbê), dù đây là hình ảnh của một phụ nữ. Và đây là cũng một truyền thống phổ thông nhìn nhận Maria-Mađalêna như một tông đồ, trong khi Giáo hội buộc bà trong vai trò người tội lỗi.
Làm thế nào để hình ảnh Maria-Mađalêna tông đồ trở thành hình ảnh hàng đầu?
Trong những năm gần đây, nhiều nhà chú giải Thánh Kinh nữ phái đã đọc lại Phúc Âm và đã bắt đầu phản đối. Công việc của họ giúp chúng ta hiểu hơn các tương quan của Chúa Giêsu với phụ nữ, để thấy rõ vai trò của các nhân vật khác nhau thể hiện trong hình ảnh của Maria-Mađalêna hiện nay và để tái khám phá vai trò tông đồ của bà. Khôi phục lại sự thật.
Nhưng điều này cũng đúng trong trường hợp Mẹ Maria: người ta thường cho Mẹ Maria là hình ảnh của vâng lời và khiêm tốn mà tất cả các phụ nữ phải noi theo. Nhưng trước hết, Mẹ Maria là tấm gương của lòng can đảm! Cô gái trẻ này chấp nhận mang thai trước khi đám cưới, biết rằng như thế mình sẽ có nguy cơ bị ném đá: Maria phải có một can đảm phi thường. Nhưng trong nhiều thế kỷ, không ai nhấn mạnh đến điểm này.
Ngày 16 tháng 6 – 2017, Vatican đã nâng lễ kính nhớ Thánh Maria-Mađalêna lên thành lễ trong lịch phụng vụ và công bố một kinh tiền tụng mới cho người bây giờ được gọi là “tông đồ giữa các Tông đồ”. Quyết định này quan trọng như thế nào?
Đây đúng là quyết định của Đức Phanxicô. Ngài cho Maria-Mađalêna danh hiệu “tông đồ giữa các Tông đồ” là một danh hiệu căn bản! Theo tôi, đặt Mađalêna lên hàng các tông đồ còn quan trọng hơn là phong chức cho phụ nữ làm linh mục, vì điểm này làm cho phụ nữ có một sự bình đẳng còn sâu đậm hơn trong lãnh vực phúc âm hóa. Tôi nghĩ, quyết định này cũng quan trọng như quyết định của Đức Phaolô VI khi năm 1970, ngài phong cho Thánh Têrêxa Avila và Thánh Catarina Siêna làm tiến sĩ Giáo hội. Tôi nghĩ, khi đây là quyết định phụng vụ và thần học thì sẽ không thể nào xóa mờ, và kể từ đó chúng ta mới đi đến được tất cả bình đẳng.
Lucetta Scaraffia, nhà “nữ quyền” của Vatican. Được nuôi dạy bởi một người cha cộng sản và người mẹ công giáo, năm 1968 bà là sinh viên và người chiến đấu cho quyền phụ nữ, sau đó bà nhanh chóng chuyển qua lãnh vực lịch sử phụ nữ và lịch sử tôn giáo, đặc biệt bà chú trọng đến lòng mộ đạo của nữ giới. Giáo sư lịch sử hiện đại ở trường Đại học Rôma “La Sapienza”, chuyên gia tham vấn của Hội đồng giáo hoàng về tân phúc âm hóa, bà cũng là chủ biên trang phụ trương Phụ nữ Giáo hội Thế giới (Donne Chiesa Mondo) của báo L’Osservatore Romano. Năm 2016, bà xuất bản Hàng cuối. Các Phụ nữ và Giáo hội (nxb. Salvator).
Marta An Nguyễn dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét