Lễ Mẹ Dâng Chúa Vào Đền Thờ - CN 4 A

Lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền thờ bao gồm hai sự kiện khác nhau: một là Đức Mẹ dâng con trai cho Thiên Chúa, và hai là Đức Mẹ 40 ngày sau khi sinh được thanh tẩy. Mỗi sự kiện đều có ý nghĩa riêng, nhưng từ thuở nào đến giờ, trong phụng vụ, cả hai đã được nối kết thành một. Đây là lễ “vừa tôn vinh Chúa vừa mừng kính Đức Maria”.

Sau khi sinh hạ Chúa Giêsu được 40 ngày, Mẹ Maria và Thánh Giuse đưa Hài Nhi lên đền thánh Giêrusalem và hiến dâng lên Thiên Chúa đúng theo Lề luật của Môisen. Mẹ Maria cũng được làm phép thanh tẩy như tập tục của người Do thái sau khi sinh con.

Lễ Mẹ dâng Chúa Giêsu vào đền thờ cũng gọi là Lễ Nến, vì cây nến cháy tượng trưng Chúa Kitô là "Ánh Sáng muôn dân". Cha chủ tế làm phép nến và cùng cộng đoàn rước nến vào Nhà thờ. Giáo dân dùng nến đã làm phép để thắp sáng trên bàn thờ gia đình và trong những trường hợp khó khăn hay bệnh tật.

Hôm nay chỉ đơn sơ chiêm ngưỡng như trong mầu nhiệm Mân Côi thứ bốn Mùa Vui “Đức Bà dâng Đức Chúa Giêsu trong đền thánh, ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy”. Trong lễ dâng đặc biệt này, ta gặp thấy những góc cạnh khác nhau của sự “tuân phục”.

1. Tuân giữ luật lệ

Biết rõ Hài nhi Giêsu là Thiên Chúa làm người, nhưng hai ông bà xem trọng việc tuân giữ luật lệ, vốn được quy định trong truyền thống tôn giáo Do Thái. Hai ông bà chu toàn việc lên đền thờ như luật Môsê truyền dạy (Xh 13): dâng con trai đầu lòng lên Thiên Chúa để nhớ về ơn giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập.

Chuyện dâng con chỉ có vậy, nhưng được liên kết với việc Đức Maria được thanh tẩy sau khi sinh, theo quy định từ sách Lêvi, khiến cho ngày lễ bừng lên ánh sáng mới. Nếu theo nhãn giới của Thánh Vịnh, người ta chỉ dám dâng của lễ thanh khiết với tay sạch lòng thanh, thì với Đức Maria, được nên tinh sạch sau việc sinh nở chính là việc cần làm trước khi có thể xuất hiện trước tôn nhan mà trình dâng người con của mình cũng là Con Thiên Chúa làm người. Thành thử, trong cùng một bước lên đền thờ, thánh Giuse và Mẹ Maria đã nêu cao tấm gương tuân giữ khít khao lề luật.

2. Tuân hành ý Chúa

Hai nhân vật lớn tuổi quen thuộc với đền thờ bỗng dưng được Thánh Thần thúc đẩy đến đúng lúc nghi thức được cử hành cho trẻ Giêsu. Niềm vui của bậc lão thành sau nhiều năm chờ đợi ơn cứu độ cho Israel, giờ đây đã mãn nguyện, không chỉ nghe kể lại như trong lịch sử, mà chính mắt trần đã mở rộng thấy tường, chính đôi tay đã bồng ẵm nâng niu, chính miệng lưỡi đã hát lên ca tụng và công bố cho mọi người biết trẻ Giêsu là “ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel dân Người”. Và còn có niềm vui của chính thánh gia, dù âm thầm không thành lời nhưng thật đậm đà thằm sâu, đầy vinh quang thánh thiện trong thái độ tuân hành.

Nhưng ơn Chúa thường đi kèm với ý Chúa. Giữa lưng chừng niềm vui đang độ tràn trề, cụ Simêon đã hướng đến Đức Maria bằng lời tiên đoán vận mệnh “một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà”. Như sét đánh ngang tai. Nhưng Đức Maria đã hết dạ tuân hành, cho dẫu trái tim có phải rườm máu. Và đó cũng là bóng thập giá của ngày dâng Con trong đền thờ. Thế mới biết thánh ý cũng gần gũi với thánh giá, và tiến dâng cũng đồng nghĩa với hiến dâng, một lễ dâng sẽ còn phải lập lại dài dài trong đời của Đức Maria và của cả thánh gia.

3. Tuân theo nề nếp gia phong

Kết thúc lễ dâng, thánh gia trở lại quê nhà và trẻ Giêsu lớn lên cả về tinh thần và thể chất, trước mặt Thiên Chúa và mọi người. Phúc Âm chỉ kế lại vắn gọn như thế, nhưng chừng đó thôi cũng đủ để hình dung hiệu quả tích cực nối dài của dịp lên đền. “Trẻ em như búp trên cành, biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Trẻ Giêsu cũng thế, phó thác đời mình trong tay cha mẹ, thể hiện từng ngày sự tuân phục, vừa theo định luật tăng trưởng tự nhiên, vừa theo nếp sống tôn giáo giữa mái ấm gia đình. Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay.

Nếu khi được ẵm bồng trên tay, trong Thánh Thần, trẻ Giêsu đã được cụ Simêon ca tụng là “Thiên Chúa viếng thăm dân Người và trở nên Ánh sáng muôn dân”, thì cả quãng đời ẩn danh khiêm tốn, thánh gia đã là khuôn nôi hạnh phúc, thành điểm sáng cho mọi gia đình soi chung. Không có những phép lạ ngoạn mục kiểu Phúc Âm ngụy tác, như lấy đất nặn thành chim rồi thổi hơi vào là biến thành chim thật bay xa; nhưng chắc chắn luôn có những ơn lạ đậm đà bình an dành cho những ai sống tuân theo nề nếp gia phong và yêu thương vâng phục. Không có những công trình hoành tráng được thực hiện hay những việc vĩ đại người người biết đến, nhưng luôn có những việc không tên được làm với trái tim rộng mở cho tình yêu mỗi ngày mỗi thêm lớn mãi.

Ngày Mẹ dâng Con trong đền thánh cũng là ngày trẻ Giêsu trở thành người con hiếu thảo nơi mái ấm Nadaret, trở nên thành viên tốt nơi môi trường xã hội và rất đẹp lòng Thiên Chúa: “Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40).

Theo truyền thống Giáo hội, vào dịp lễ này, người mẹ đem con nhỏ đến Nhà thờ để dâng cho Chúa. Cha chủ tế đặt tay chúc lành và tặng quà cho các cháu nhỏ.

Trong tông huấn “Marialis Cultus”, bàn về lòng tôn sùng kính mến Mẹ, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã gọi Mẹ là “Trinh nữ hiến dâng”. Từ năm 1997, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đặt ngày lễ dâng Chúa Giêsu trong đền thờ làm ngày của Đời Sống Thánh Hiến. Chúa Giêsu được dâng hiến cho Chúa Cha nên trọn vẹn thuộc về Cha. Suốt đời, Ngài sống cho Cha, thi hành thánh ý Cha, vâng lời Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết thập giá. "Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha", đây là một hiến dâng trọn vẹn nhất. Những người sống đời thánh hiến muốn noi gương Chúa Giêsu, dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa.Theo lời khuyên của Phúc âm, các Tu sĩ tự nguyện sống đời trong sạch, nghèo khó và vâng lời.

Huấn thị “Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô” của ĐTC Gioan Phaolô II viết cho các Tu sĩ, được đúc kết lại trong ba chữ S: Say mê Đức Kitô, Sống hiệp thông và Sẵn sàng lên đường cho sứ vụ.
Tu sĩ là người cảm nhận tình yêu sâu xa của Thiên Chúa và muốn đáp trả lại. Đó là tình yêu hy sinh, quên mình, phục vụ, tình yêu thể hiện bằng việc làm, bằng chính bản thân. Tu sĩ dâng hiến cả cuộc đời mình cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Chính tình yêu đã khiến các Tu sĩ muốn nên giống Chúa Giêsu. Ba lời khấn chỉ có giá trị với tình yêu trọn vẹn. Ba lời khấn chính là ba khía cạnh biểu lộ một tình yêu. Thiếu tình yêu, những lời khấn trở thành hình thức, nặng nề, trói buộc.

Khi trung thành với lời khuyên của Phúc âm, các Tu sĩ trở nên ánh sáng của Thiên Chúa giữa trần gian. Ánh sáng siêu thoát trên của cải vật chất. Ánh sáng trao ban quảng đại. Ánh sáng tự chế ngự bản thân. Ánh sáng quên mình vì hạnh phúc của người khác. Ánh sáng lý tưởng, nâng tâm hồn lên những chân trời cao thượng. Ánh sáng của một tình yêu dâng hiến.

Hiệp thông cầu nguyện đặc biệt cho các Tu Sĩ Nam Nữ luôn là người say mê Đức Kitô trong đời sống tâm linh, sống hiệp thông trong tình huynh đệ và luôn sẵn sàng lên đường thực thi sứ vụ để trở nên ánh sáng giữa cuộc đời hôm nay.

http://vietcatholic.org/News/Home/Archive