Trang

Thứ Ba, 14 tháng 1, 2020

SUY NIỆM CHÚ GIẢI LỜI CHÚA CN II TN A - LM. INHAXIÔ HỒ THÔNG

SUY NIỆM CHÚ GIẢI LỜI CHÚA CN II TN A - LM. INHAXIÔ HỒ THÔNG
CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN

Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay đều xoay quanh một chủ đề: Người Tôi Trung của Thiên Chúa có sứ mạng cứu độ muôn người.

Is 49: 3, 5-6
Ngôn sứ I-sai-a đệ nhị loan báo rằng Người Tôi Trung mà Thiên Chúa ủy thác sứ mạng không chỉ dẫn đưa dân Ngài trở về với Ngài, nhưng còn là ánh sáng cho muôn dân.

1Cr 1: 1-3
Thánh Phao-lô tự giới thiệu mình với các tín hữu Cô-rin-tô rằng Thiên Chúa đã gọi thánh nhân làm Tông Đồ của Đức Giê-su Ki-tô.

Ga 1: 29-34
Sau cùng, Gioan Tẩy Giả là người tôi tớ tự xóa mình trước Đấng mà ông có sứ mạng chuẩn bị và làm chứng cho Ngài.

BÀI ĐỌC I (Is 49: 3, 5-6)

Trong tác phẩm của ngôn sứ I-sai-a đệ nhị (Is 40-55), có bốn bài thơ về “Người Tôi Trung”. Chân dung “Người Tôi Trung” được phác họa trong bốn bài thơ xem ra liên quan đến lúc thì toàn thể dân Ít-ra-en, lúc thì một nhân vật biệt phân lãnh nhận một sứ mạng đặc thù. Vào Chúa Nhật II Thường Niên này, chúng ta sẽ đọc bài thơ thứ hai trong bốn bài thơ này. Khía cạnh tập thể và khía cạnh cá nhân đan quyện vào nhau rất rõ nét ở nơi bài thơ thứ hai này.

Trước hết, điểm nhấn được đặt trên khía cạnh tập thể, vì trong bài thơ này cốt là ơn gọi của dân Ít-ra-en: là vinh quang của Đức Chúa, quy tụ cho Thiên Chúa một dân tín trung, và là ánh sáng muôn dân.

1.Vinh quang của Đức Chúa:

Như ở bài ca thứ nhất, hoàn cảnh lịch sử của bài thơ thứ hai là cảnh giam cầm ở Ba-by-lon. Dân Ít-ra-en mà vị ngôn sứ ngỏ lời, qua giọng nói của Người Tôi Trung mầu nhiệm, là cộng đoàn của những người lưu đày, cộng đoàn trong cơn thử thách, bị thương tổn và ê chề nhục nhã. Nhưng Thiên Chúa sẽ can thiệp (tất cả mạch văn của chương này đều theo chiều hướng này); Ngài sẽ giải thoát dân Ngài. Các quốc gia ngoại giáo nghĩ rằng Thiên Chúa của dân Ít-ra-en không còn nhớ đến dân Ngài, nhưng rồi họ sẽ thấy rằng bằng quyền năng, Thiên Chúa này sẽ tiêu diệt những kẻ áp bức. Dân Ít-ra-en sẽ là vinh quang của Ngài.

2. “Giờ đây Đức Chúa lại lên tiếng”:

Sau một thời gian dài Thiên Chúa thinh lặng, nay Thiên Chúa lại lên tiếng; Thiên Chúa quan tâm đến dân Ngài, dân mà Ngài để ý đến ngay từ khi còn trong trứng nước:

“Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ
lúc tôi chào đời, Người đã nhắc tên tôi” (49: 1)

Diễn ngữ “từ khi tôi còn trong lòng mẹ” trở thành kinh điển để nhấn mạnh tính tiền định của ơn gọi. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a là vị ngôn sứ đầu tiên đã sử dụng diễn ngữ này (Gr 1: 5) và thánh Phao-lô lấy lại diễn ngữ này mà áp dụng vào ơn gọi của mình: “Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Người đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại” (Gl 1: 15-16). Chính ở đây vấn đề được đặt ra: phải chăng Người Tôi Trung biểu thị cộng đoàn của những người lưu đày hay một nhân vật được tác riêng ra để trở thành vị lãnh đạo hay người hướng dẫn của dân?

3.Sứ mạng kép của Người Tôi Trung:

Dù Người Tôi Trung này là cộng đoàn của những người lưu đày – quả thật, trong lịch sử cứu độ, cộng đoàn này đóng vai trò của “một nhóm nhỏ còn sót lại” – hay đây là một nhân vật biệt phân đi nữa, thì sứ mạng hàng đầu của Người Tôi Trung này là:

 “Đem nhà Gia-cóp về cho Người
và quy tụ dân Ít-ra-en chung quanh Người” (49: 5)

Chắc chắn phải hiểu “đem về” theo nghĩa kép, vừa địa lý vừa luân lý: đem những người lưu đày về quê cha đất tổ của họ và đem một dân bất trung và bị trừng phạt về với Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn làm cho dân này thành hạt nhân vững chắc, qua đó Ngài sẽ tái lập dân tộc thánh.

4. “Quy tụ dân Ít-ra-en”:

Một trong những bận lòng lớn lao của những người lưu đày, đó là quy tụ tất cả các chi tộc bị tản mắc khắp nơi. Vai trò của Người Tôi Trung sẽ là tái lập sự hiệp nhất. Đây là sứ mạng tràn đầy niềm tin tưởng, công việc đầy phấn khởi. Người Tôi Trung thẩm định vinh dự được dành cho mình: “Thế nên tôi được Thiên Chúa trân trọng”. Nhưng công việc này thật khó khăn, phải nương tựa vào ơn trên: “Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi”.

5.Ánh sáng muôn dân:

Đức Chúa cho rằng công việc tái lập dân Ngài này là chưa đủ:

“Người phán: ‘Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta
để tái lập các chi tộc Gia-cóp,
để dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít.
Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân,
để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất” (49: 6).

Bài thơ này nối kết và làm sáng tỏ bài thơ thứ nhất qua diễn ngữ: “ánh sáng muôn dân”. Rõ ràng sứ mạng của dân Ít-ra-en – hay ở đây có thể sứ mạng của “nhóm nhỏ còn sót lại”, tức là những người lưu đày được cứu thoát – chính là làm cho ánh sáng cứu độ được bừng sáng, đó không gì khác hơn chính là công việc của Đức Chúa.

Thánh Phao-lô đã cảm thấy một cách sống động những điểm tương đồng của ơn gọi Người Tôi Trung, được tuyển chọn cách đặc biệt để là “ánh sáng muôn dân”, với ơn gọi của chính mình. Thánh nhân áp dụng vào chính mình những lời của vị ngôn sứ, với cung giọng thống thiết, trong hội đường An-ti-ô-khi-a miền Pi-xi-đi-a khi mạnh dạn nói với những người Do thái cứng lòng tin rằng, từ nay, thánh nhân quay về phía dân ngoại, vì họ mở rộng lòng mình đón tiếp lời Chúa hơn (Cv 13: 46-47).

6.Khía cạnh Mê-si-a:

Trong viễn cảnh xa, ẩn hiện dung mạo Người Tôi Trung thập toàn, tức Chúa Ki-tô, ở nơi Ngài Chúa Cha sẽ được tôn vinh. Chính Ngài sẽ quy tụ dân Do thái và lương dân thành một dân duy nhất, Ngài sẽ là “ánh sáng thế gian” và nguồn ơn cứu độ cho tất cả mọi người. Đó cũng là những ngôn từ của bài ca “An Bình Ra Đi” của cụ già Si-mê-on:

“Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
và vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài” (Lc 2: 29-32).

BÀI ĐỌC II (1Cr 1: 1-3)

Thánh Phao-lô đã thiết lập Giáo Đoàn Cô-rin-tô vào những năm 50-52. Đây là thành phố thương mại, có một vị thế địa lý đặc biệt với hai hải cảng. Thành phố này đang trên đà phát triển, với những tương phản xã hội: những nhà tài chính và thương mại giàu có bên cạnh những phu khuân vác và nô lệ. Thủ phủ xa hoa tráng lệ với đền thờ tôn kính nữ thần Aphrodite được hàng ngàn nữ tư tế phụng thờ, tức là những cô điếm thánh. Sau cùng, với tư cách là cái nôi văn hóa, thành phố Cô-rin-tô được mệnh danh là nơi có nhiều trường phái triết học trăm hoa đua nở.

1.Một cộng đoàn Ki tô hữu tiên khởi:

Thánh Phao-lô đã trải qua mười tám tháng ở Cô-rin-tô và đã để lại ờ đây một Giáo Đoàn sống động. Nhưng ngay sau khi thánh nhân ra đi, Giáo Đoàn đã gặp phải biết bao những khó khăn nghiêm trọng khiến thánh nhân phải bận lòng: buông thả luân lý, bất đồng nội bộ, ngờ vực đạo lý, lạm dụng phụng vụ. Thánh nhân viết thư thứ nhất gởi tín hữu Cô-rin-tô để can thiệp, nhưng thư này bị thất lạc không được lưu truyền đến chúng ta.

Cuộc khủng hoảng càng trở nên trầm trọng, thánh nhân sai cộng tác viên của mình viếng thăm cộng đoàn này. Khi trở về, ông Ti-mô-thê đem theo một loạt câu hỏi mà thánh Phao-lô trả lời trong thư được gọi là “thứ nhất gởi tín hữu Cô-rin-tô” này, nhưng thực ra đây là thư thứ hai. Quả thật, thánh Phao-lô đã viết bốn bức thư gởi cho các tín hữu Cô-rin-tô, trong số đó, bức thư thứ nhất và bức thư thứ ba bị thất lạc. Bức thư mà chúng ta gọi thư thứ nhất, thực ra là thư thứ hai; và bức thư mà chúng ta gọi thư thứ hai, thực ra là thư thứ tư.

Thánh nhân viết thư thứ nhất này từ Ê-phê-xô vào mùa xuân năm 55.Những chia rẻ xé nát cộng đoàn non trẻ này và sẽ là đối tượng phần thứ nhất của bức thư này. Đây là những lời khuyên bảo phải nên “một lòng một ý” với nhau mà chúng ta khởi sự đọc vào Chúa Nhật hôm nay và tiếp tục đọc vào những Chúa Nhật kế tiếp.

2.Khủng hoảng nghiêm trọng:

Chúng ta không thể đọc thư này mà không xúc động, và đồng thời thán phục những lập luận thần học của thánh Phao-lô hay phương pháp huấn giáo của thánh nhân. Đối với thánh nhân, cuộc khủng hoảng xảy ra ở Giáo Đoàn Cô-rin-tô là một sự thử thách nghiêm trọng, vì thánh nhân không chỉ thấy công trình của mình bị đe dọa, nhưng ngài còn phải chịu những lời lăng mạ liên quan đến cá nhân mình. Thánh nhân quyết định viết một bức thư nghiêm khắc “Thật thế, tôi đã vô cùng đau khổ, con tim se thắt, nước mắt chan hòa khi viết cho anh em” (2Cr 2: 4).

Tấn thảm kịch này giúp cho chúng ta nhận ra biết bao khó khăn trong việc cấy Ki-tô giáo vào môi trường ngoại giáo, môi trường này vốn đã được đào luyện bởi một nền văn hóa hoàn toàn khác với Do thái giáo và Giáo Hội vào lúc đó chỉ vừa mới hình thành nên chưa có đủ những quy định chặc chẻ.

3.Lời mào đầu:

Đoạn trích thư hôm nay là lời mào đầu, phù hợp với tập quán thư tín của thời ấy, bao gồm: tên và phẩm chất của người gởi, cũng như tên và phẩm chất của người nhận.

Ngay từ đầu thư, thánh Phao-lô giới thiệu mình: “Tôi là Phao-lô, bởi ý Thiên Chúa được gọi làm Tông Đồ của Đức Giê-su Ki-tô”. Thánh Phao-lô tự ý kể ra rằng thánh nhân đã lãnh nhận ơn gọi của mình trực tiếp từ Thiên Chúa: thánh nhân là Tông Đồ với cùng tước hiệu như nhóm Mười Hai. Tiếp liền sau đó, thánh Phao-lô nêu tên “ông Xốt-thê-nê là người anh em của chúng tôi”“người anh em” là danh xưng mà những người Ki-tô hữu xưng hô với nhau.

Người nhận là những Ki-tô hữu, họ hình thành nên “Hội Thánh của Thiên Chúa” ở Cô-rin-tô (đây là diễn ngữ ưa chuộng của thánh Phao-lô). Họ cũng đã được kêu gọi làm “dân thánh”, nhưng ngay tức khắc, thánh nhân mời gọi họ hãy khiêm tốn khi đặt mình trên cùng một bình diện với anh chị em của họ trong đức tin: thánh nhân cho họ thấy rằng phẩm chất đích thật của các Ki-tô hữu là hiệp nhất với nhau, vì thế mọi sự chia rẻ đều biểu lộ tình trạng kém phẩm chất của Ki-tô giáo.

Trong lời nguyện chúc sau cùng: “Xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an”, thánh Phao-lô hiệp nhất lời chào Hy lạp “ân sủng” và lời chào Do thái “bình an”, ngầm ủy thác cho họ những nguồn phong phú mới trong Đức Giê-su Ki-tô.

TIN MỪNG (Ga 1: 29-34)

Đoạn Tin Mừng của Chúa Nhật II Thường Niên Năm A này được trích dẫn từ Tin Mừng Gioan chứ không Tin Mừng Mát-thêu như theo lẽ thường của Phụng Vụ năm A. Một cách nào đó, đoạn Tin Mừng này tiếp nối với đoạn Tin Mừng của ngày lễ Chúa Giê-su chịu phép rữa. Tuy nhiên, đây không là đọc lại câu chuyện Chúa Giê-su chịu phép rửa, nhưng là lời chứng của thánh Gioan Tẩy Giả. Quả thật, tất cả phần mở đầu của Tin Mừng Gioan được xoay chung quanh vai trò quan trọng của Gioan Tẩy Giả với tư cách nhân chứng.

Tựa Ngôn bị gián đoạn hai lần để đưa nhân vật Gioan Tẩy Giả vào nhằm nhấn mạnh vai trò chứng nhân của thánh nhân: lần thứ nhất, Gioan Tẩy Giả làm chứng Đức Giê-su là ánh sáng (1: 6-8); và lần thứ hai, Gioan Tẩy Giả làm chứng Đức Giê-su cao trọng hơn ông (1: 15). Đoạn Tin Mừng hôm nay lập lại cùng những ngôn từ với lời chứng của Gioan Tẩy Giả về sự cao trọng của Chúa Giê-su. Đây là điểm nhấn của Tin Mừng Gioan.

Tình tiết xảy ra vào những ngày Chúa Giê-su, sau khi trở về từ hoang địa, sắp bắt tay vào sứ mạng công khai của Ngài. Thánh Gioan Tẩy Giả đã nhận ra sự cao trọng của Đấng mà ông đã làm phép rửa; vì thế, thánh nhân lên tiếng làm chứng cho Ngài:

-Thánh nhân đồng hóa Đức Giê-su với Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian,

-Thánh nhân khẳng định cuộc sống tiền hữu của Đức Giê-su và tính ưu việt của Ngài,

-Thánh nhân chứng thực điều mà thánh nhân đã thấy và đã nghe: Đức Giê-su, được Chúa Thánh Thần tấn phong, đích thật là Con Thiên Chúa.

1.Chiên Thiên Chúa:

Lời chứng thứ nhất của Gioan Tẩy Giả về Đức Giê-su:“Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”. Đây là tước hiệu mầu nhiệm, nhưng được đặt trên môi miệng của Gioan Tẩy Giả, chắc chắn đây là tước hiệu Mê-si-a. Đối với những người Ki-tô hữu mà Tin Mừng Gioan ngỏ lời, tước hiệu này gợi lên việc Chúa Ki-tô bị sát tế, Ngài sẽ nhận án tử thập giá vào giờ mà các con chiên lễ Vượt Qua bị sát tế. Một quan điểm như thế không thể nào là quan điểm của vị Tiền Hô được.

Quả thật, Cựu Ước đã mô tả Người Tôi Trung “bị ngược đãi, cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca, như chiên bị đem đi làm thịt” (Is 53: 7). Đối với Gioan Tẩy Giả, xem ra còn hơn thế nữa, chiên là hình ảnh của sự vô tội và tinh tuyền. Đấng mà vị Tiền Hô đã không muốn làm phép rửa vì ông nhận ra Ngài là một con người vô tội, chính Đức Giê-su này hiện có mặt ở đó và đang tiến về phía mình: Ngài như con chiên không tì vết mà Lề Luật truyền lệnh dâng hiến thành hy lễ.

Mặt khác, văn chương khải huyền, vẫn còn nở rộ vào thời Chúa Giê-su, hình dung Đấng Mê-si-a đến dưới hình dạng của một con chiên yếu ớt, nhưng Thiên Chúa ban cho Ngài sức mạnh và quyền năng, và làm cho Ngài thành một con chiên khải hoàn. Chính xác, tác giả Tin Mừng Gioan sẽ lấy lại trong sách Khải Huyền của mình hình ảnh Con Chiên khải hoàn mà thánh nhân sẽ đồng hóa với hình ảnh Con Chiên bị sát tế.

Đây là kiểu nói độc nhất trong toàn bộ Tân Ước và được lập lại mỗi lần cử hành Thánh Thể: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian, phúc cho ai được mời đến tham dự bàn tiệc Thiên Chúa”. Tin Mừng Gioan nói về tội lỗi ở số ít. Khi đặt tội lỗi ở số ít, thánh sử hiệp nhất trong cùng một viễn cảnh tội lỗi của người Do thái và tội lỗi của lương dân, vì diễn ngữ “trần gian” chỉ tất cả nhân loại.

2.Cuộc sống tiền hữu và tính ưu việt của Chúa Giê-su:

Lời chứng thứ hai của thánh Gioan Tẩy Giả: “Có người đến sau tôi, nhưng trổi vượt hơn tôi, vì có trước tôi”, đã được đưa vào trong Tựa Ngôn rồi, được lập lại ở đây vừa khẳng định cuộc sống tiền hữu của Chúa Giê-su vừa tính ưu việt của Ngài.

Quả thật, trong khi các Tin Mừng Nhất Lãm đưa gia phả của Chúa Ki-tô lên đến tổ phụ Áp-ra-ham (Tin Mừng Mát-thêu) hoặc lên đến nguyên tổ A-đam (Tin Mừng Lu-ca), thì Tin Mừng Gioan lại đưa gia phả của Đức Giê-su lên cho đến lúc khởi đầu tuyệt đối:

“Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.
Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,
và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (1: 1).

Như vậy, ở nơi lời chứng của thánh Gioan Tẩy Giả, cuộc sống tiền hữu của Chúa Giê-su được nêu bật rất rõ nét bởi một sự đối lập rất mạnh giữa “có người đến sau tôi” ở phần đầu và “có trước tôi” ở phần sau cùng: về phương diện con người, Đức Giê-su chào đời sau Gioan Tẩy Giả, nhưng về phương diện Thiên Chúa, Ngài có trước Gioan Tẩy Giả.

3.Con Thiên Chúa:

Lời chứng thứ ba của Gioan Tẩy Giả nhắm đến tước vị làm Con Thiên Chúa của Đức Giê-su được công bố vào lúc Ngài chịu phép rửa. Trong khi ba Tin Mừng Nhất Lãm gán lời khẳng định này cho tiếng phán từ trời, thì Tin Mừng Gioan đặt tiếng phán này trên môi miệng của Gioan Tẩy Giả. Chính thánh nhân là người công bố: “Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Con Thiên Chúa”.

Đồng thời thánh Gioan Tẩy Giả xác định sứ mạng tiền hô của mình: sứ mạng của thánh nhân chính là bày tỏ Đức Giê-su cho dân Ít-ra-en. Tự bản thân mình, thánh nhân đã không biết chân tính của Đức Giê-su: “Tôi đã không biết Người” (động từ “biết” có một nghĩa rất sâu xa trong Tin Mừng Gioan); nhưng nhờ cuộc Thần Hiển vào lúc Đức Giê-su chịu phép rửa mà thánh nhân xác nhận tính siêu việt của Đấng mà thánh nhân loan báo. Hơn nữa, Thánh Thần đã báo trước cho thánh nhân rồi.

Mặt khác, Tin Mừng Gioan là Tin Mừng duy nhất nhấn mạnh Chúa Giê-su được Chúa Thánh Thần tấn phong khi nói rằng Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giê-su. Chúa Thánh Thần, Đấng hằng ở trong Chúa Giê-su, chiếm đoạt lấy Ngài. Quả thật, Chúa Giê-su, sinh hạ bởi quyền năng của Thánh Thần, được Thánh Thần hằng ở cùng ngay từ khi thụ thai.

Việc Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giê-su ở đây loan báo ngày lễ Ngũ Tuần: các Tông Đồ cũng được Chúa Thánh Thần tấn phong trước khi các ngài bắt tay vào việc loan báo Tin Mừng. Cũng vậy, người Ki-tô hữu vào lúc chịu phép Rửa lãnh nhận sức sống của Chúa Thánh Thần, Đấng ở trong họ.


4.Khía cạnh lịch sử:

Cuối cùng, chúng ta không thể loại trừ rằng Tin Mừng Gioan đã có một hậu ý biện giáo, hay đúng hơn truyền giáo, khi nhấn rất mạnh tính trổi vượt của Chúa Giê-su trên Gioan Tẩy Giả. Quả thật, một thời gian dài sau khi vị Tiền Hô qua đời, vẫn còn có những cộng đoàn xem thánh nhân là Đấng Mê-si-a và họ tiếp tục thực hành phép rửa sám hối. Sách Công Vụ nói cho chúng ta biết có một nhóm như thế ở Ê-phê-xô (Cv 19: 1-7). Vì thế, Tin Mừng Gioan muốn xóa tan mọi ngộ nhận như vậy bằng cách khẳng định rằng Gioan Tẩy Giả không phải là Đấng Mê-si-a.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét