Trang

Thứ Năm, 2 tháng 1, 2020

HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT HIỂN LINH NĂM A (Mt 2,1-12)


HỌC HỎI PHÚC ÂM: LỄ HIỂN LINH NĂM A - LM ANTÔN NGUYỄN CAO SIÊU



1. Đọc Mt 2,1. Tại sao thánh Mátthêu phải nói rõ là Bêlem của miền Giuđê? Bêlem của Giuđê nằm ở đâu? Bêlem là quê của ai? Đọc 1 Samuen 16,1-13.

2. Tại sao Đức Giê-su được sinh ra ở Bê-lem mà không phải ở Nadarét? Đọc Lc 2, 1-5.

3. Đức Giê-su sinh ra dưới thời vị vua nào? Vua này ngự ở đâu? Bạn biết gì về tính khí của vị vua này?

4.  Tại sao vua Hê-rô-đê lại bối rối (Mt 2,2-3) khi nghe các nhà chiêm tinh hỏi về nơi sinh ra của Đức Vua người Do-thái? Sự độc ác của vua Hê-rô-đê nằm ở những câu nào trong bài Tin Mừng này?

5.  Các nhà chiêm tinh giỏi về khoa học nào? Họ đã thấy gì và đã tin gì? Họ tìm đến Giêrusalem với mục đích gì? Họ có đạt được mục đích đó không? Đọc Mt 2,1-2.11.
6.  Dựa vào đâu mà các nhà lãnh đạo Do-thái giáo biết được nơi sinh của Đấng Kitô là Vị Vua mới của người Do-thái? Đọc Mt 2,4; Mikha 5,1.

7. Các nhà chiêm tinh tượng trưng cho dân tộc nào? Đọc Mt 28,19-20; 12,21. Tại sao khi trông thấy ngôi sao, họ lại mừng rỡ vô cùng? Đọc Mt 2,9-10.

8. Đọc lại cả bài Tin Mừng. Theo bạn, các nhà chiêm tinh đã làm gì để gặp được vị Vua mới sinh của cả nhân loại?

CÂU HỎI SUY NIỆM: Lễ Hiển Linh là lễ mừng Chúa mặc khải cho dân ngoại nhận biết Chúa. Theo một thống kê mới đây, người Công giáo chỉ chiếm 6,1% dân số Việt Nam. Bạn nghĩ gì về số những người chưa biết Chúa trên quê hương? Làm sao để mỗi người chúng ta thành một ngôi sao dẫn đồng bào gặp Chúa?

PHẦN TRẢ LỜI

1. Thánh Mátthêu nói rõ nơi Đức Giêsu sinh ra là vùng Bêlem, thuộc Giuđê, vì còn có một Bêlem khác  thuộc Galilê. Bêlem thuộc Giuđê ở cách Giêrusalem khoảng 10 km về phía nam, còn Bêlem thuộc Galilê nằm ở phía bắc, trong đất chi tộc Dơvulun (x. Giosuê 19,15). Bêlem thuộc Giuđê là quê của Đavít, con ông Giesê. Chính tại Bêlem này mà Đa vít được ông Samuen xức dầu tấn phong làm vua thay vua Saun (1 Samuen 16,1-13).

2. Đức Mẹ và thánh Giuse cùng cư ngụ ở làng Nadarét thuộc Galilêa. Theo Lc 2,1-5, vì hoàng đế Augúttô ra lệnh kiểm tra dân số trong đế quốc Rôma, nên thánh Giuse phải về thành của mình mà khai tên tuổi (Lc 2,3). Vì thuộc dòng tộc vua Đavít nên Giuse phải về quê của tổ tiên mình là Bêlem thuộc Giuđê (Lc 2,4) để đăng ký cùng với vợ là Maria đang mang thai. Chính tại Bêlem này mà Đức Giêsu được sinh ra.

3. Đức Giêsu sinh ra dưới thời vua Hêrôđê Cả. Vị vua này sinh năm 73 trước công nguyên, được Rôma đưa lên làm vua vùng Giuđê năm 37 trước công nguyên, và ngự trong dinh ở Giêrusalem. Ông có bố là người vùng I-đu-mê (nằm ngay dưới vùng Giu đê), mẹ là Mariamne người Do-thái. Vua mắc bệnh hoang tưởng, sợ mất ngai vàng nên đã giết vợ và hai con trai. Hêrôđê Cả có một điểm son: ông đã trùng tu lại Đền Thờ Giêrusalem từ năm 20 trước công nguyên cho đến khi ông mất vào năm 4 trước công nguyên, lúc đó có lẽ Hài Nhi Giêsu đã được hai tuổi.

4. Vua Hêrôđê hết sức bối rối khi nghe các nhà chiêm tinh từ Phương Đông đến hỏi ông về Đức Vua của dân Do-thái mới sinh ra (Mt 2,2). Hêrôđê bối rối vì sợ vị vua mới này sẽ chiếm lấy ngôi vua của ông. Tuy nhiên, Hêrôđê đã khéo léo che giấu nỗi sợ của mình. Ông triệu tập chức sắc cấp cao của Do-thái giáo lại để hỏi họ về nơi sinh ra của vị vua này. Khi biết đó là Bêlem, một làng nằm cách Giêrusalem 10 km, Hêrôđê đã sai phái các nhà chiêm tinh đến Bêlem, và xin họ trở lại báo cho mình về chỗ ở của Hài Nhi để ông cùng đến bái lạy Người (Mt 2,8). Hêrôđê đã nói dối, vì thật sự ông chỉ muốn giết Hài Nhi. Sự độc ác có tính toán của Hêrôđê còn nằm ở chỗ ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện (Mt 2,7.16) và muốn biết rõ nơi sinh ra của Hài Nhi (Mt 2,8).  Nói chung, Hêrôđê không hề muốn để cho vị Vua mới sinh ra được sống. Ông cương quyết giết vị Vua này để khử trừ kẻ tranh ngai vàng của ông.

5. Các nhà chiêm tinh giỏi về nghiên cứu các vì sao trên bầu trời. Bầu trời như cuốn sách mở rộng, nơi họ có thể đọc được những biến cố. Đối với họ, một ngôi sao xuất hiện là dấu hiệu cho thấy một nhân vật quan trọng mới chào đời, thường đó là một vị vua. Các nhà chiêm tinh trong bài Tin Mừng này đến từ Phương Đông, có thể là từ nước Ả-rập, Persia (Ba-tư), hay Babylon. Một số tác giả nghiêng về Babylon hơn, vì ở đây khoa thiên văn hay chiêm tinh rất thịnh hành. Hơn nữa, sau cuộc lưu đày ở Babylon vào thế kỷ thứ 6 trước công nguyên, một cộng đoàn Do-thái lớn đã ở lại đây, nhờ đó những nhà chiêm tinh dân ngoại ở vùng này có thể biết về chuyện người Do-thái đang mong đấng Kitô. Bởi đó khi thấy vì sao lạ, họ có thể nghĩ ngay đó là vì sao báo tin vị Vua của người Do-thái mới hạ sinh. Họ đã háo hức lên đường đi Giêrusalem để gặp vị Vua đó.

6. Các nhà lãnh đạo Do-thái giáo biết được nơi sinh ra của Đấng Kitô, Đấng là vị Vua mới sinh của dân Do-thái, cũng là vị lãnh đạo chăn dắt dân Ítraen như người mục tử. Họ biết được nhờ dựa vào các sách ngôn sứ Mikha 5,1 và 2 Samuel 5,2. Tuy biết nhưng họ lại chẳng cất công tìm kiếm. Bêlem là quê của Đavít, thuộc chi tộc Giuđa. Người Do-thái tin rằng Đấng Mêsia thuộc dòng dõi Đavít, sẽ sinh ra ở Bêlem.

7. Các nhà chiêm tinh trong bài Tin Mừng này tượng trưng cho thế giới dân ngoại. Khi ngôi sao họ thấy trước đây lại xuất hiện và dẫn họ đến nơi Hài Nhi ở, thì họ hết sức vui sướng, vì biết Thiên Chúa lo liệu cho họ được gặp mặt Hài Nhi (Mt 2,9-10).

8. Để gặp được Hài nhi là vị Vua mới sinh của dân Do-thái và của cả thế giới, các nhà chiêm tinh dân ngoại phải cố gắng rất nhiều. Khi thấy ngôi sao lạ xuất hiện, họ phải có lòng khao khát đến tận nơi để gặp mặt vị Vua mới sinh. Họ phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc hành trình, chấp nhận mọi vất vả trên đường xa, sắm sửa lễ vật để dâng, phải đi hỏi thăm vua Hêrôđê và lắng nghe câu trả lời của các nhà lãnh đạo Do-thái giáo. Họ phải khiêm tốn đi theo ánh sao để gặp được và bái lạy Hài Nhi như lòng họ ao ước (Mt 2,2.11).

http://www.kinhthanhvn.net/hoc-hoi-phuc-am-le-hien-linh-nam-a-lm-anton-nguyen-cao-sieu


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét