Lời Chúa, Biển
& Sống
Nguyễn
Thái Hùng
Đây là Đại Hội lần đầu tiên về Mục
vụ Kinh Thánh, nhằm giúp người tín hữu đón nhận Lời Chúa, học hỏi và thực hành
Lời Chúa trong cuộc sống.
Việc chăm chú đón nhận Lời Chúa đã
được thực hành ngay từ thời các tông đồ. Sách Công vụ Tông đồ đã diễn tả như
sau: “Các tín hữu chuyên cần nghe các
Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ
bánh, và cầu nguyện không ngừng.” (Cv 2,42). Lắng nghe Lời Chúa là một
trong bốn trụ cột làm nên sự vững mạnh của đức tin nơi đời sống cá nhân cũng
như cộng đoàn. Hai ngàn năm qua, Hội Thánh lớn lên và phát triển cũng theo chiều
hướng đó. Đặc biệt, từ Công Đồng chung Vaticanô II với Hiến Chế Dei Verbum
(1965), Tông huấn Evangelii Nuntiandi (1975) của ĐTC Phaolô VI, với Thượng Hội
Đồng Giám mục Thế giới lần thứ XII về “Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của
Giáo Hội” (2008), Tông huấn Verbum Domini (2010) của ĐTC Bênêdictô XVI, Tông huấn
Evangelii Gaudium (2013) của ĐTC Phanxicô và ngày 30.9.2019, lễ thánh Giêrônimô, Đức Thánh Cha Phanxicô ấn định Chúa Nhật thứ
III mùa Thường niên là “Chúa Nhật cử hành, suy tư và phổ biến Lời
Chúa”. Quyết định này được Đức Thánh Cha đề ra trong Tông Thư Tự Sắc “Aperuit
illis” - Chúa mở tâm trí cho họ (Lc 24,45).
Thực hành Lời Chúa trong đời sống cũng được HĐGM VN
nhiều lần nhắc đến, nhất là trong Thư Chung năm 1980, các ngài mời gọi mọi tín
hữu hãy “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc.” Trong Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa, 2010, “Giáo Hội tại Việt Nam phải “phát động chương
trình mỗi gia đình một cuốn Kinh Thánh được đặt nơi xứng hợp, cổ võ đọc và cầu
nguyện với Lời Chúa”, khuyến khích học thuộc lòng những đoạn Kinh Thánh cốt yếu
(1). Trong Tông Thư Tự Sắc “Aperuit illis” - Chúa mở tâm trí
cho họ, Đức Thánh Cha Phanxicô gợi ý: “Các linh mục ở giáo xứ có thể tìm ra hình thức
tương xứng nhất để đặt cuốn Kinh Thánh, hay một trong các sách của bộ Kinh
Thánh, cho toàn thể cộng đoàn, để làm nổi bật tầm quan trọng của việc tiếp tục
đọc bản văn trong đời sống hàng ngày, để đào sâu bản văn và để cầu nguyện với
Kinh Thánh, trong khi tham chiếu bằng cách thế đặc biệt cho Lectio Divina.” (2).
Trong ngày cử hành Chúa Nhật Lời Chúa lần đầu tiên (26.1.2020),
một lần nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích mọi tín hữu học hỏi, cầu nguyện và sống Lời Chúa: “Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tạo không
gian bên trong chính mình cho Lời Chúa! Mỗi ngày, chúng ta hãy đọc một hoặc hai
câu Kinh Thánh. Chúng ta hãy bắt đầu với Tin Mừng: chúng ta hãy để sách Kinh
Thánh mở ra trên bàn chúng ta, hãy mang sách Kinh Thánh trong túi hoặc trong giỏ
xách của chúng ta, hãy đọc Kinh Thánh trên điện thoại di động của chúng ta và để
Lời Chúa truyền cảm hứng cho chúng ta hàng ngày. Chúng ta sẽ khám phá ra rằng
Thiên Chúa gần gũi với chúng ta, rằng Người xua tan bóng tối trong chúng ta và,
với một tình yêu vĩ đại, Chúa đang dẫn dắt cuộc sống của chúng ta vào vùng nước
sâu.” (4).
* Kinh Thánh là những LỜI của Thiên Chúa
nói với loài người, được ghi chép lại dưới ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần
(linh hứng) và được Hội Thánh công nhận, như thư gửi tín hữu Do Thái viết: “Thuở
xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã dùng miệng các Ngôn sứ mà phán dạy cha
ông ta; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy ta qua Thánh Tử” (Dt
1, 1- 2).
* Kinh Thánh ghi lại kế hoạch cứu độ do
Thiên Chúa có sáng kiến, loan báo và thực hiện trong lịch sử loài người. Đó
chính là lịch sử của Đấng Cứu Thế vì Người là trung tâm và tột đỉnh của Kinh
Thánh: trong Cựu Ước, Người được các Tiên tri loan báo, và trong Tân Ước, Người
được các Tông đồ minh chứng.
* Kinh Thánh gồm 73 cuốn và được chia làm
hai phần chính: Cựu Ước và Tân Ước. (1) Cựu Ước gồm 46 cuốn viết từ khoảng năm
1.000 trước Chúa Giêsu Giáng Sinh. (2) Tân Ước gồm 27 cuốn viết từ sau Chúa
Giêsu về trời đến năm tông đồ Gioan chết (khoảng năm 100).
* Tác giả Kinh Thánh : Thiên Chúa là tác
giả của Kinh Thánh. Ngài đã soi sáng (linh hứng) cho các Thánh ký dùng tài năng
của mình và ngôn ngữ loài người để viết những gì Thiên Chúa muốn nói với loài
người.
Sơ Lược Nội Dung Các Sách
CỰU ƯỚC
A. Ngũ Kinh còn gọi là Luật (Torah), gồm 5 quyển đầu
tiên của Cựu Ước. Năm quyển này là nền tảng cho đời sống của dân Do Thái, đó
là:
Sách Sáng thế (St) gồm hai phần:
- Nguồn gốc của vũ trụ và con người, sự sa
ngã và lời hứa cứu độ.
- Các truyền thống về thủy tổ của dân
Ítraen và giải thích sự có mặt của họ trên đất Ai cập.
Sách Xuất hành (Xh) : kể lại cuộc ra khỏi Ai cập như một kinh nghiệm về quyền năng giải
thoát của Thiên Chúa; giao ước Xinai như một kinh nghiệm cộng đồng về sự gặp gỡ
Thiên Chúa.
Sách Lêvi (Lv) : chỉ dẫn các lễ nghi tế tự.
Sách Dân số (Ds) : tiếp theo chuyện Xuất hành, kể về cuộc hành trình và đời sống của
dân Ítraen trong hoang địa trên đường về Đất Hứa.
Sách Đệ nhị luật (Đnl) : bài diễn văn của ông Môsê trình bày lại Giao ước, răn đe và khuyến
giục dân chúng.
B. Các sách
Sử và Truyện (16 cuốn)
Sách Giôsuê (Gs) : kể lại cuộc chinh phục đất Canaan. Giôsuê nối tiếp sự nghiệp của
Môsê, dẫn dân Ítraen vượt qua sông Giođan, đánh chiếm toàn thể Đất Hứa, sau đó
phân chia đất đai cho các chi tộc. Cuối cùng là đại hội toàn dân tại Sikhem.
Sách Thủ lãnh (Tl) : kể chuyện 12 vị anh hùng dân tộc Chúa dùng trong thời kỳ sau Giôsuê
cho đến khi lập vương quốc.
Sách Rút (R) : kể chuyện về lòng đạo đức hiếu thảo của một nàng dâu người xứ Môáp,
sau trở thành bà cố nội của vua Đavít.
Sách 1 và 2 Samuen (1 Sm, 2 Sm) : kể chuyện ông Samuen là vị Thủ lãnh cuối cùng và là thiết
lập chế độ quân chủ theo yêu cầu của dân. Ông vua thứ nhất được tấn phong là
Saun đã không trung thành với Chúa. Vua thứ hai là Đavít, người đã đưa nước
Ítraen tới thời hoàng kim.
Sách 1 và 2 các Vua (1 V, 2 V) kể chuyện các vua từ
Salômôn đến thời lưu đày. Sau vua Salômôn, vương quốc chia làm hai, phía bắc
gọi là Ítraen, phía nam gọi là Giuđa. Hai bên kình địch nhau.
Sách 1 và 2 Sử biên niên (1 Sb, 2 Sb) : tác giả thuộc truyền thống tư tế, kể lại lịch sử các triều
đại và đặc biệt tô điểm Đavít như hình ảnh vương quyền của Thiên Chúa.
Sách Étra (Er) và sách Nơkhemia (Nkm) :
là hai vị lãnh đạo đã khôi phục Giêrusalem, đền thờ, luật Môsê, việc phụng tự
và sự trung thành với nòi giống.
Sách Tôbia (Tb) : nhằm đề cao đời sống đạo đức của những người trung thành giữ Luật
Chúa, cầu nguyện và làm việc lành phúc đức, dầu sống xa Đất Hứa cũng được Chúa
chúc phúc.
Sách Giuđitha (Gđt) và Sách Étte (Et) : ca
ngợi quyền năng cứu độ của Thiên Chúa. Chúa có thể dùng những phụ nữ yếu đuối
để cứu cả dân.
Sách 1 và 2 Macabê (1 Mcb, 2 Mcb) : kể lại những cuộc nổi dậy của Giuđa Macabê, chống lại mưu
đồ của các vua Hy lạp nhằm tiêu diệt đạo Do thái.
C. Các sách
Khôn Ngoan (gồm 7 cuốn)
Các sách Khôn Ngoan là những suy tư về nhân
sinh và giáo huấn luân lý.
Sách Gióp (G) : là một vở kịch bằng thơ, chủ đề là ý nghĩa của sự đau khổ.
Sách Thánh Vịnh (Tv) : là bộ sưu tập thánh ca, gồm 150 bài thơ tôn giáo, khoảng phân nửa
được coi như của Đavít sáng tác. Người Do Thái, Chúa Giêsu và Giáo Hội công
giáo dùng như kinh nguyện chính thức.
Sách Châm ngôn (Cn) : gồm nhiều bộ sưu tập lời của những người khôn ngoan.
Sách Giảng viên (Gv) : suy tư khắc khoải về ý nghĩa của cuộc sống, về cái hư ảo của trần
thế.
Sách Diễm ca (Dc) : gồm 5 bài tình ca diễn tả mối tình giữa Chàng và Nàng, được coi như
những bài ca ngợi tình yêu giữa Thiên Chúa và Dân Người.
Sách Khôn ngoan (Kn) : khuyến giục dân Do thái xa tránh những tập tục vô luân của thế giới
ngoại giáo.
Sách Huấn ca (Hc) : sưu tập những lời khôn ngoan đức hạnh.
D. Các sách
Ngôn Sứ (prophet) (gồm 18 cuốn)
Ngôn sứ là các xướng ngôn viên của Thiên
Chúa. Nhờ đời sống chiêm niệm, các Ngài hiểu được ý Chúa và lên tiếng nói với
dân, vạch cho họ thấy những lỗi lầm, kêu gọi họ quay về với Giao Ước, loan báo
hình phạt và ơn cứu độ. Các lời hứa cứu độ thường ám chỉ một Đấng Cứu Thế là
Đức Giêsu Kitô. Sau Ngũ Kinh thì các sách Ngôn Sứ là phần quan trọng nhất trong
Cựu Ước. Có thể chia làm 2 nhóm: 4 ngôn sứ “lớn” và 12 ngôn sứ “nhỏ” (nói về độ
lớn nhỏ của cuốn sách). Sau đây là các sách:
Sách Isaia (Is) : là cuốn lớn nhất, gồm ba phần:
- Chương 1-39 gọi là Isaia đệ nhất, là vị ngôn
sứ rao giảng ở xứ Giuđa trong giai đoạn đen tối nhất lịch sử Israel, 742-687
thời kỳ vương quốc phía Bắc Israel bị tàn phá. Ông nhìn thấy vực thẳm đáng sợ
giữa Thiên Chúa thánh thiện và con người tội lỗi.
- Chương 40-55 gọi là Isaia đệ nhị, là một
vị ngôn sứ thời lưu đày. Ông loan báo niềm hy vọng cứu độ và sứ mạng mới của
Dân Chúa. Ông nói về ”nhóm nhỏ” gồm những người khiêm nhường, 4 bài hát về
”Người tôi tớ Giavê”, Messiah là Đấng được xức dầu.
- Chương 56-66 gọi là Isaia đệ tam, có lẽ
là sưu tập của nhiều ngôn sứ sau thời lưu đày, nhằm củng cố niềm tin của cộng
đồng Do thái hồi hương.
Sách Giêrêmia (Gr) : chép lời rao giảng và tiểu sử của Giêrêmia. Ông hoạt động vào thời
kỳ vương quốc miền nam là Giuđa sắp bị diệt vong. Ông chứng kiến cảnh Giêrusalem
bị thất thủ, vua quan tư tế và dân chúng bị lưu đầy sang Babylon. Cuộc đời và
lời rao giảng của ông mang trọn nỗi bi đát của thời đại, nhưng ông vẫn nói lên
niềm hy vọng vào cuộc chiến thắng cuối cùng của Thiên Chúa.
Sách Ai ca (Ac) : gồm ba bài theo thể “điếu tang”, đọc vào dịp lễ kỷ niệm đền thờ bị
phá hủy. Ngày nay Hội Thánh đọc sách này trong Tuần Thánh.
Sách Barúc (Br) : nói về đời sống tôn giáo của người Do thái ở hải ngoại và ảnh hưởng
mạnh mẽ của ngôn sứ Giêrêmia.
Sách Êdêkien (Ed) : ông thuộc hàng tư tế, bị lưu đầy ở Babylon. Rao giảng của ông nhằm
giúp những người lưu đày hiểu biết về hiện tại của mình và giữ vững niềm hy
vọng ở tương lai.
Sách Đanien (Đn) : thuộc thể văn “khải huyền”, nhằm an ủi khích lệ Dân Chúa giữ vững
niềm tin trong cơn thử thách.
Sách Hôsê (Hs) : chép lời rao giảng và cuộc đời của Hôsê. Ông cưới một người vợ là
gái làng chơi tên Gomer. Gomer “ngựa quen đường cũ”, nhưng Hôsê lại tìm về. Ông
sống nỗi bi đát của tình vợ chồng bị phản bội để làm chứng về tình yêu của
Thiên Chúa bị phản bội.
Sách Giôen (Ge) : mô tả tai họa và công bố lời hứa giải thoát. Lời hứa tuôn đổ Thần
Khí được ứng dụng vào biến cố Ngũ Tuần.
Sách Amốt (Am) : là một người chăn chiên. Ông giải thích “Ngày của Chúa” như ngày
phán xét những kẻ kiêu hãnh.
Sách Ôvađia (Ôv) : ngắn nhất và không rõ nguồn gốc. Sách đề cao sự công thẳng khủng
khiếp của Thiên Chúa.
Sách Giôna (Gn) : là một câu chuyện nhằm đề cao một quan niệm phổ quát về ơn cứu độ.
Sách Mikha (Mk) : loan báo hình phạt và lời hứa cứu độ.
Sách Nakhum (Nk) : lời sấm về sự trừng phạt đế quốc Átsua và loan báo ơn cứu độ cho
Giuđa.
Sách Khabacúc (Kb) : chất vấn Chúa vì Chúa để cho dân hung ác đe dọa Dân Chúa, và Chúa
trả lời: “Người công chính sẽ được sống nhờ lòng trung tín”.
Sách Xôphônia (Xp) : loan báo “Ngày của Giavê”, một thảm nạn đổ ụp xuống trên mọi dân
tộc, cảm hứng cho bài “Dies irae” hát trong lễ mồ.
Sách Khácgai (Kg) : cổ võ việc xây lại đền thờ sau thời lưu đày.
Sách Dacaria (Dcr) : gồm hai phần: chương 1-8 thuộc thời kỳ tái thiết và phục hưng; chương
9-14 giáo huấn về Đấng Mêsia.
Sách Malakhi (Ml) : sau khi đền thờ được xây lại năm 515, kêu gọi thanh tẩy mọi tội lỗi
để thờ phượng Chúa.
TÂN ƯỚC
Ghi lại lời chứng của các Tông Đồ về mầu
nhiệm Chúa Kitô. Gồm 27 quyển chia làm:
A. Các sách
Tin Mừng là: Mátthêu (Mt), Máccô (Mc), Luca (Lc) và Gioan (Ga): tường thuật về cuộc
đời Chúa Giêsu.
B. Sách
Công Vụ Tông đồ (Cv): Tường thuật về hoạt động của các tông đồ, đặc biệt là Phêrô và
Phaolô.
C. Các thư của
các tông đồ, gồm có:
- 13 thư của thánh Phaolô gởi cho các cộng đoàn và các cá nhân là: thư Rôma
(Rm), thư 1 và 2 Côrintô (1 Cr, 2 Cr), thư Galát (Gl), thư Êphêxô (Ep), thư
Philípphê (Pl), thư Côlôxê (Cl), thư 1 và 2 Thêxalônica (1 Tx, 2 Tx), thư 1 và
2 Timôthê (1 Tm, 2 Tm), thư Titô (Tt), thư Philêmôn (Plm)
- 7 thư chung là: thư Giacôbê (Gc), thư 1
và 2 Phêrô (1 Pr, 2 Pr), thư 1, 2 và 3 Gioan (1 Ga, 2 Ga, 3 Ga), thư Giuđa
(Gđ).
D. Sách
Khải huyền (Kh) : viết theo thể văn “khải huyền”, nhằm khích lệ các Kitô-hữu đang
trải qua những cơn bách hại khốc liệt vào cuối thế kỷ thứ nhất. (5)
Mùa đông, thời tiết lạnh lẽo. Thở khò khè và nhiều
khi phải ngồi lên mới có thể thở được. Nhiều đêm phải thức trắng.
Trong những ngày Đại Hội, chiều chiều, tranh thủ ra
biển tắm. Hy vọng với sóng biển trong sạch sẽ giúp tôi dễ thở hơn trong giấc ngủ.
Từ sau ngày Đại Hội, tự nhiên, tôi không còn thở khò
khè nữa.
Trong sóng biển Nha Trang, tôi nhớ về Biển Chết, nơi
tôi đã đến. Biển Chết nhưng mà sống.
Trong
tiếng Hêbrơ, biển Chết được gọi là Yam
ha-Melah – có nghĩa là "biển muối"
hay Yam ha-Mavet – có
nghĩa là "biển chết". Trong quá khứ nó còn có tên gọi là "biển
Đông" hay "biển Arava". Trong tiếng Ả Rập biển Chết được gọi
là Al Bahr al Mayyit –
có nghĩa là "biển Chết" – hay ít phổ biến hơn là Bahr Lūţ - có nghĩa là "biển
của Lot". Trong lịch sử thì tên gọi theo tiếng Ả
Rập khác là "biển Zoar", lấy theo tên gọi của khu đô thị gần đó. Đối
với người
Hy Lạp thì biển Chết là "hồ Asphaltites" .
Biển Chết dài 76 km, chỗ
rộng nhất tới 18 km và chỗ sâu nhất là 400 m. Bề mặt biển Chết nằm ở
417,5 m (1.369 ft) dưới mực nước biển (số liệu năm 2005).
Nước biển Chết
chứa khoảng 21 khoáng chất, bao gồm magiê, canxi, brôm và kali. 12 trong số
các khoáng chất này không tìm thấy trong các biển/đại dương khác, và một số
trong chúng được ghi nhận là có ảnh hưởng tới cảm giác thư giãn, bổ dưỡng da, trị các vấn đề về da (như: chàm, vảy nến, hắc
hào, ghẻ lỡ, và mụn), hoạt động của hệ
tuần hoàn và làm giảm nhẹ bệnh thấp
khớp cũng như các rối loạn trao đổi chất. So
sánh thành phần hóa học của biển Chết với các hồ/đại dương khác chỉ ra rằng
nồng độ muối của biển Chết là 31,5% (có dao động). Do độ cao bất thường về độ
mặn của nó nên người ta có thể nổi trong biển Chết khá dễ dàng nhờ tác dụng
của sức
nổi. Nước biển Chết gây ra cảm giác trơn nhờn.
Nước này tạo ra cảm giác cay và có thể gây ra thương tích khi lọt vào mắt.
Biển Chết
có sức lôi cuốn đặc biệt du khách từ các khu vực xung quanh Địa
Trung Hải trong hàng nghìn năm qua. Nó là nơi
nương tựa của Vua
David, một trong các nơi nghỉ ngơi đầu tiên trên
thế giới của Herod
Đại Đế, và là nguồn cung cấp các sản phẩm khác
nhau như nhựa thơm cho việc ướp xác của người
Ai Cập cho tới bồ tạt để
làm phân bón.(6)
Con
xin chân thành cám ơn Đức Cha Vinh Sơn, Cha Trưỏng Ban Giáo Lý Đức Tin Gioan
Baotixita đã cho con cùng tham dự Đại Hội Kinh Thánh Toàn quốc lần đầu tiên
này. Chính sự tham dự này đã giúp con xác tín và khuyến khích con trong việc
làm cho tuyển tập Vui Học Thánh Kinh
ngày một dày thêm.
Gb. Nguyễn Thái Hùng
1.2020
++++++++++++++++
Tham khảo
(1) Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa, 2010, Số 11.
(2) Tông Thư Tự Sắc “Aperuit illis” - Chúa
mở tâm trí cho họ, số 3.
(3) Thư của Đức Cha Chủ tịch Ủy ban Kinh Thánh gởi cộng đồng Dân
Chúa, 1.2020.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét