Chìa Khóa Giải Thích –“Hiến thân xác cho Thiên Chúa”
Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality, Ronald Rolheiser
Mầu nhiệm nhập thể, nói cách đơn giản, là mầu nhiệm Thiên Chúa mặc lấy xác phàm và tương quan với con người một cách hữu hình và xác thực. Tuy nhiên đặc tính triệt để của điều này cần vài lời giải thích nào đó, đặc biệt khi nó gắn liền với ba điều: tại sao Thiên Chúa hành động theo cách này; sự non dại chướng mắt của loại hành động này; và đặc tính đang tiếp diễn của nó chứ không phải một hành vi duy nhất.
- Lý do Nhập Thể
Tại sao Thiên Chúa muốn mặc lấy xác phàm? Tại sao một quyền năng tuyệt đối muốn tự giới hạn mình trong phạm vi lịch sử và thân xác con người? Tại sao nhập thể?
Có một câu chuyện kỳ diệu về một cô bé bốn tuổi, một đêm kia thức dậy sợ hãi, tin rằng trong bóng tối chung quanh có tất cả các loại ma quỷ và quái vật. Cảm thấy cô độc, cô bé chạy tới giường của cha mẹ. Mẹ cô trấn an, cầm tay con, dẫn con về phòng, bà mẹ bật đèn lên và trấn an con: “Con đừng sợ, con không ở đây một mình đâu. Chúa ở trong phòng với con.” Cô bé trả lời: “Con biết Chúa ở đây, nhưng con cần ai đó trong phòng này mà có thân xác kia!”
Một cách thiết yếu, câu chuyện đó cho chúng ta hiểu lý do vì sao có nhập thể, và cũng là một định nghĩa tuyệt vời về nhập thể. Thiên Chúa mặc lấy xác phàm vì, cũng như cô bé, tất cả chúng ta cần người có thân xác ở bên cạnh chúng ta. Một Thiên Chúa ở khắp mọi nơi thì cũng dễ dàng không ở nơi nào hết. Chúng ta tin vào những gì chúng ta có thể sờ, nghe, nhìn, ngửi, nếm. Chúng ta không phải là thiên thần không có thân xác, chúng ta là thụ tạo có nhục dục theo đúng nghĩa của từ nhục dục tính. Chúng ta có năm giác quan và chúng ta hiện hữu trong thế gian qua các giác quan này. Chúng ta hiểu được qua chúng, giao tiếp nhờ chúng, mở lòng ra với nhau, đến được với thế giới bên ngoài cũng qua chúng. Và Thiên Chúa đã tạo nên bản tính chúng ta, tôn trọng cách nó hoạt động. Vì thế, Thiên Chúa tương quan với chúng ta qua giác quan chúng ta. Đức Giêsu khi đi trên các con đường xứ Pa-lét-tin, ai cũng có thể nhìn, nghe và tiếp xúc. Trong nhập thể, Thiên Chúa trở nên thể lý vì chúng ta là những thụ tạo có giác quan, và ở điểm này, chúng ta cần Thiên Chúa với xác phàm.
Nikos Kazantzakis từng giải thích điều này bằng một dụ ngôn:
“Một người đàn ông đến với Đức Giêsu và phàn nàn về sự ẩn mình của Thiên Chúa. ‘Thưa Thầy,’ ông nói, ‘Tôi là người già cả. Suốt đời, tôi luôn luôn giữ các điều răn. Trong những năm ở tuổi trưởng thành, tôi lên đền thờ Giêrusalem và dâng hy lễ theo luật định. Suốt đời, không khi nào tôi lên giường ngủ mà chưa đọc kinh. Nhưng… tôi nhìn các vì sao, đôi khi tôi nhìn các ngọn núi và chờ đợi, chờ đợi Thiên Chúa đến để tôi có thể nhìn thấy Ngài. Tôi đã đợi năm này qua năm khác, nhưng vô ích. Tại sao? Tại sao? Tôi thật đau khổ biết bao. Thưa Thầy! Tại sao Thiên Chúa không tỏ mình?’”
Chúa Giêsu mỉm cười rồi từ tốn trả lời: “Ngày xưa có một ngai cẩm thạch ở cổng phía đông của một thành phố lớn. Trên ngai có ba ngàn ông vua ngự trị. Tất cả đều kêu cầu Thiên Chúa xuất hiện để họ được thấy, nhưng tất cả đều chết với các mong muốn chưa được thực hiện.”
“Rồi, khi các ông vua đó chết đi, một người nghèo đói, đi chân không đến ngồi trên ngai đó. ‘Lạy Thiên Chúa’ ông ta thì thầm, ‘đôi mắt của loài người không thể nhìn thẳng vào mặt trời được, vì nó sẽ bị mù. Làm sao, rồi, lạy Đấng Toàn Năng, làm sao chúng con có thể nhìn thẳng vào Ngài được? Xin thương xót, lạy Chúa, xin làm dịu bớt sức mạnh của Ngài, xin giảm ánh rạng ngời của Ngài để con, vốn nghèo nàn khốn khổ, có thể nhìn thấy Ngài!”
“Rồi – hãy lắng nghe, hỡi ông già – Thiên Chúa trở thành mẩu bánh mì, ly nước lạnh, áo ấm, túp lều, và trước túp lều, một người phụ nữ đang cho con bú.
“‘Cám ơn Ngài, lạy Chúa,’ người nghèo nàn thì thầm. ‘Ngài tự hạ mình vì con. Ngài trở nên bánh mì, nước uống, áo ấm, người vợ và con cái để con có thể nhìn thấy Ngài. Và con đã thấy Ngài. Con quỳ xuống và thờ lạy dung nhan muôn mặt của Ngài.’’’
Thiên Chúa mặc lấy xác phàm để mọi nhà trở thành nhà thờ, mọi con trẻ trở thành con trẻ Giêsu, và mọi thức ăn nước uống trở nên bí tích. Nhiều bộ mặt của Thiên Chúa bây giờ hiện diện khắp nơi, trong thân xác, hòa dịu và chan hòa, để con mắt nhân loại có thể nhìn thấy Ngài. Thiên Chúa, trong bộ mặt đa diện của Ngài, trở nên dễ tiếp cận và hữu hình như vòi nước gần nhất. Đó là lý do nhập thể.
- Đặc tính vật lý, non yếu của Nhập Thể
Nhập thể gây sốc trong sự non yếu về đặc tính thể lý. Từ tếng Anh “nhập thể” bắt nguồn từ tiếng La-tinh carnus, nghĩa là thân xác, thể xác vật lý. Nhưng cả tiếng La-tinh và tiếng Anh, đây là một từ rất thiết thực. Nó không có gì mang nghĩa tinh thần. Nó nhấn mạnh, như những thoái ngữ tiếng Anh (carnality, carnal, carnivorous), thể xác nguyên trạng, sờ mó được. Nhập thể có nghĩa là in-carnus; nghĩa đen là trong thân xác vật lý.
Chúng ta ít gặp khó khăn khi hiểu về Chúa Giêsu theo cách này, mặc dù, ngay cả ở đó, chúng ta thường do dự khi nghĩ thể xác Chúa cũng có chết, nhục dục, bị bệnh tật, có khứu giác, và các tiến trình tầm thường khác của thể xác. Vấn đề đúng hơn là, như chúng ta sớm chỉ ra, rằng chúng ta không quy gán thực tại vật lý tương tự cho toàn bộ Thân Thể của Đức Kitô, cụ thể là, cho Thánh Thể và thân thể các tín hữu.
- Đặc tính đang tiếp diễn
Cuối cùng, và có tầm quan trọng quyết định, là vấn đề bản chất đang tiếp diễn của nhập thể. Nhập thể không phải là một cuộc thử nghiệm ba mươi ba năm bởi Thiên Chúa trong lịch sử, một cú một, một cú xâm nhập vật lý vào trong đời sống chúng ta. Nhập thể bắt đầu với Chúa Giêsu và nó không bao giờ kết thúc. Việc Chúa Giêsu thăng thiên đã không chấm dứt, về cơ bản cũng không thay đổi, việc nhập thể. Thân xác thể lý của Thiên Chúa vẫn còn ở giữa chúng ta. Thiên Chúa vẫn hiện diện, về thể lý và thực sự ngày hôm nay như Thiên Chúa trong Đức Giêsu lịch sử. Thiên Chúa vẫn có thân xác, thân xác con người, và sống cách thể lý trên trái đất này cũng như Đức Giêsu đã sống. Theo một cách nói nào đó, thật đúng khi nói rằng, lúc thăng thiên, thân xác thể lý của Đức Giêsu đã rời thế gian này, nhưng nhiệm thể Đức Kitô đã không rời. Sự hiện thân của Thiên Chúa giữa chúng ta vẫn tiếp tục như trước. Ở đây điều đó muốn nói gì?
Chìa khóa then chốt đầu tiên để phân biệt: “Đức Kitô,” như bạn biết, không phải là tên họ của Đức Giêsu. Chúng ta không nói “Đức Giêsu Kitô” tương tự như chúng ta nói “Susan Parker” hay “Jack Smith.” Đức Giêsu không có một họ nào như chúng ta. Có thể liên hệ đến Ngài qua tư cách là con của thánh Giuse (Giêsu Gar Joseph), nhưng chúng ta không nói rằng từ ngữ Đức Kitô là một tước hiệu, có nghĩa là sự hiện diện cứu thế, đấng thiên sai của Thiên Chúa trên thế gian này. Kinh Thánh sử dụng thành ngữ “Thân Thể Đức Kitô” để nói đến ba điều: Đức Giêsu, con người lịch sử Đấng đã sống thế gian này ba mươi ba năm; Thánh Thể, vốn cũng là sự hiện diện thể lý của Thiên Chúa giữa chúng ta; và thân thể các tín hữu, vốn cũng là sự hiện diện đích thực. Nói từ ngữ “Đức Kitô” là ám chỉ, đồng thời một lúc, Đức Giêsu, Thánh Thể, và cộng đoàn tín hữu.
Chúng ta là Thân Thể của Đức Kitô. Không phải là quá đáng, cũng không phải là ẩn dụ. Nói rằng thân thể các tín hữu là Thân Thể Đức Kitô không phải là nói điều gì đó mà Kinh Thánh không nói. Kinh Thánh, và đặc biệt là Phaolô, không bao giờ nói thân thể các tín hữu thay thế thân thể Đức Kitô, cũng không đại diện thân thể Đức Kitô, thậm chí cũng không phải là nhiệm thể của Đức Kitô. Kinh Thánh chỉ nói: “Chúng ta là Thân Thể của Đức Kitô.”
Cụ thể các học giả không đồng ý với nhau về cách thánh Phaolô muốn nói điều này theo nghĩa đen. Khi ngài nói chúng ta là Thân Thể của Đức Kitô, có phải ngài muốn nói điều này một cách chung chung hay cụ thể? Có phải chúng ta là Thân Thể của Đức Kitô theo cách một nhóm được cổ vũ bởi một tinh thần chung (lấy ví dụ các tu sĩ dòng Tên) là một thân thể? Hay, có phải chúng ta là một thân thể như một cơ thể vật lý là một thân thể? Với một ít dè dặt (và dĩ nhiên, có vài ngoại trừ) các học giả Kinh Thánh đồng ý rằng nó mang nghĩa sau. Thân thể các tín hữu, như Thánh Thể, là Thân Thể của Đức Kitô một cách hữu cơ. Đó không phải là một tập thể, nhưng là một thân thể; không chỉ là một thực tại mầu nhiệm, nhưng là một thực tại thể lý; và không phải là điều gì đó vốn đại diện Đức Kitô, nhưng diều gì đó vốn là Ngài.
Điều này có những liên hệ mênh mông. Nó muốn nói rằng nhập thể không chấm dứt sau ba mươi ba năm, khi Đức Giêsu thăng thiên. Thiên Chúa đang ở đây, trong thể xác, cũng cụ thể và thể lý như Thiên Chúa đã ở trong Đức Giêsu. Ngôi Lời đã không chỉ trở nên xác phàm và ở giữa chúng ta – Ngôi Lời đã trở nên xác phàm và tiếp tục ở giữa chúng ta. Trong thân thể các tín hữu và trong Thánh Thể, Thiên Chúa vẫn có thể xác và qua thể lý, vẫn còn nghe, nhìn, ngửi, sờ và nếm.
Nhưng đây không chỉ là một chân lý của thần học, một tín điều phải tin. Đó là cốt lõi của linh đạo Kitô giáo. Nếu đúng chúng ta là Thân Thể của Đức Kitô, thì sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới hôm nay phụ thuộc rất nhiều vào chúng ta. Chúng ta phải tiếp tục làm cho Thiên Chúa hiện diện trong thế giới này theo cách như Chúa Giêsu đã hiện diện. Chúng ta phải trở nên, như Têrêsa Avila diễn tả rất đơn giản, đôi tay, bàn chân, môi miệng, và trái tim của Thiên Chúa trong thế giới này. Học giả Kinh Thánh Jerome Murphy-O’Connor tóm tắt tầm quan trọng về điều này ít đơn giản hơn Têrêsa, nhưng rất chính xác: “Cộng đoàn làm trung gian cho Đức Kitô và thế giới. Lời Ngài nói chỉ được thế giới đương thời nghe qua tiếng nói của cộng đoàn. Sức mạnh vốn tuôn trào từ Ngài chỉ có thể có tác dụng qua tác dụng của cộng đoàn. Như Thiên Chúa từng hành động qua Đức Kitô, bây giờ Ngài cũng hành động qua những ai giống hình ảnh Con Thiên Chúa và hành vi của họ noi theo Ngài. Những gì Đức Kitô đã thực hiện trong và cho thế giới trong thời của Ngài qua sự hiện diện thể lý của Ngài, bây giờ cộng đoàn thực hiện trong và cho thế giới của họ… Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cứu độ của mình, Đức Kitô Phục Sinh phải hiện diện thực sự trong bối cảnh cuộc sống đích thực qua sự noi gương Ngài.”
Sự Khác Biệt Giữa Kitô Hữu và Người Hữu Thần
Có sự khác biệt nào giữa người tin vào Đức Kitô và người chỉ tin vào Thiên Chúa? Đức Kitô thêm gì cho Thiên Chúa? Là Kitô hữu thì thêm gì cho hữu thần?
Sự khác biệt thì rất lớn, không chỉ về thần học, nhưng đặc biệt về linh đạo, về cách đòi hỏi chúng ta sống đời sống đức tin của mình.
Người hữu thần tin vào Thiên Chúa. Kitô hữu tin vào Đức Kitô, nhưng còn tin vào một Thiên Chúa Đấng nhập thể. Sự khác biệt là gì? Đặt vấn đề vào trong ngôn ngữ Đường Phố, người ta có thể nói: Người hữu thần tin vào một Thiên Chúa trên trời trong khi đó Kitô hữu tin vào một Thiên Chúa trên trời Đấng cũng là hiện diện thể lý trên thế gian này giữa nhân loại. Thiên Chúa của người hữu thần thì siêu việt và, nếu không hoàn toàn như thế, thì sự hiện diện của Thiên Chúa trong vật chất chỉ như một loại nguyên lý nào đó không rõ ràng của sự sống. Thiên Chúa của Kitô hữu cũng siêu việt, cũng là nguyên lý của sự sống, nhưng có thể lý ở thế gian. Thiên Chúa của Kitô hữu có thể được nghe, thấy, nghe, cảm nhận, ngửi, sờ qua các giác quan. Thiên Chúa của Kitô hữu có một loại thể xác.
Thiên Chúa của Kitô hữu là in-carnus, có thể xác cụ thể trên thế gian này. Điều này dường như khá trừu tượng đối với chúng ta, nhưng các hàm ý của nó tác động đến mọi khía cạnh liên hệ đến Thiên Chúa và đến từng người chúng ta – cách chúng ta cầu nguyện, cách chúng ta tìm kiếm sự chữa lành và hòa giải, tìm sự hướng dẫn thế nào, và chúng ta hiểu cộng đoàn, kinh nghiệm tôn giáo, và sứ vụ như thế nào. Tuy nhiên, điều này cần được giải thích. Vì thế, chúng ta hãy hướng nhìn vào điều đó có ý nghĩa cụ thể nào, về mặt tu đức, để tin vào việc nhập thể.
Nguyễn Kim Long dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét