Trang

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2020

11 Làm sao đọc Phúc Âm mà không mất đức tin - Các chú lùn và các cô nhảy ba-lê


11 Làm sao đọc Phúc Âm mà không mất đức tin - Các chú lùn và các cô nhảy ba-lê
Trích sách Làm sao đọc Phúc Âm mà không mất đức tin, Linh mục  Alberto Maggi (Comment lire l’ Évangile sans perdre la foi. Nhà xuất bản Fides, Pháp).

Salômê tranh của danh họa Caravage.
Thời ấy, tiểu vương Hêrôđê nghe danh tiếng Đức Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: “Đó chính là ông Gioan Tẩy Giả, ông đã từ cõi chết chỗi dậy, nên quyền làm phép lạ mới tác động nơi ông.”
Số là vua Hêrôđê đã bắt trói ông Gioan và tống ngục vì bà Hêrôđia, là vợ ông Philiphê, anh của nhà vua. Ông Gioan có nói với vua: “Ngài không được phép lấy bà ấy.” Vua muốn giết ông Gioan, nhưng lại sợ đám đông, vì họ coi ông là ngôn sứ. Vậy, nhân ngày sinh nhật của vua Hêrôđê, con gái bà Hêrôđia đã biểu diễn một điệu vũ trước mặt quan khách, làm cho nhà vua vui thích. Bởi đó, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho. Nghe lời mẹ xui bảo, cô thưa rằng: “Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gioan Tẩy Giả đặt trên mâm.” Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô. Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gioan. Người ta đặt đầu ông trên mâm, mang về trao cho cô, và cô ta đem đến cho mẹ. Môn đệ đến lấy thi hài ông đem chôn, rồi đi báo cho Đức Giêsu.  (Mt 14:1-12; Mc 6:17-29)
Mátthêu và Máccô, hai thánh sử kể câu chuyện hành quyết Gioan Tẩy Giả, nhưng trong cách kể lại các sự kiện, họ cố ý bỏ qua nhân vật chính, họ chỉ đơn giản nói đó là “con gái bà Hêrôđia”. Các nhân vật khác đều có tên, vai chính buổi tiệc là Hêrôđê, người chết là Gioan, người chịu trách nhiệm vụ giết người là Hêrôđia, việc loại bỏ tên con gái bà Hêrôđia, Salômê, có nghĩa là “bình an”, làm nổi bật lên sự kiện một cách đặc biệt.
Bình thường, khi các thánh sử mô tả một nhân vật vô danh vượt ngoài chiều kích lịch sử có thật, họ thường trình bày như những nhân vật có thể nhận ra được qua các nét tiêu biểu: rất hiếm khi tên một nhân vật đã được biết đến lại không nói đến. Trong đoạn này, việc không nhắc đến tên Salômê bởi vì Salômê bị xem như một người không có cá tính và ý chí riêng. Cô chỉ là con tốt trong âm mưu giết người, mà theo các thánh sử, âm mưu này dẫn đến việc mưu sát Đức Giêsu.
Hồn ma điều khiển triều đình
Hêrôđia giận dữ. Một người đi rao giảng nồng nhiệt xém làm nổ tung chương trình mà bà đã khó nhọc dựng lên. Bà đã lấy Philípphê, một trong các người con của Vua Cha Hêrôđê, một người đàn ông dũng cảm nhưng không có tham vọng. Philípphê bị lên án âm mưu phản bội, bị truất ngôi, đưa gia đình về La mã, ở đó ông sống đời sống một công dân bình thường. Thật chẳng đáng gì đối với tham vọng của Hêrôđia, bà mơ một đời sống huy hoàng mà người chồng tẻ nhạt này hứa hẹn cho bà. Dịp may thuận tiện đến với bà khi người em rể năm mươi tuổi là Hêrôđê Antipas đến La-mã. Xa hoa phung phí như cha, ông hưởng gia tài “một phần tư” vương quốc gồm đất Galilê và Pêrê. Ý thức không được để vuột cơ hội thay đổi chồng, bà Hêrôđia quyến rũ và chinh phục ông em rể.
Sau khi bà Hêrôđia bỏ Philípphê, Hêrôđê bỏ vợ chính thức, hai người sống chung với nhau ở triều đình. Người đàn bà này là đầu mối cho các bất hạnh và sự phá sản hoàn toàn của Hêrôđê. Không bao lâu, Arêtas, vua xứ Nabatê, cha vợ của Hêrôđê, trả thù vì con gái bị xúc phạm, đã tiêu diệt quân đội của ông. Sau đó, bị thúc đẩy bởi lòng tham không đáy của Hêrôđia – bà đã tự xem mình là hoàng hậu – đã xin hoàng đế Caligula phong chức “vua” mà ông thèm khát lâu nay, thay vì bằng lòng chức “thủ hiến” khiêm tốn, Hêrôđê bị hoàng đế Caligula truất ngôi và đày đi Lyon trong miền Gaules, và ít lâu sau, theo lệnh cũng của hoàng đế Caligula, ông bị hành quyết. Nhưng, đối với Hêrôđia, nguy hiểm trong lúc này là Gioan Tẩy Giả, người lên án Hêrôđê vi phạm lề luật Thiên Chúa: “Không được phép lấy vợ của anh mình.”
Thánh Gioan không khiển trách Hêrôđê đã từ bỏ người vợ đầu tiên, cũng như chê trách ông đa thê, bởi vì những điều này Thánh Kinh cho phép, nhưng khiển trách vì ông đã lấy vợ của anh mình, ngược với lề luật Lêvi (Lv 20:21). Thái độ giận dữ và sợ sệt của Hêrôđia không những do việc Hêrôđê xem thánh Gioan như một người “công chính và thánh thiện” và Hêrôđê thường nghe lời người, mà còn do việc Hêrôđê bỏ tù vị ngôn sứ trong nhà giam hoàng gia, để bảo vệ âm mưu phản bội của vợ. Cuối cùng ngày thuận lợi để loại trừ vị ngôn sứ phiền hà đã đến với bà Hêrôđia, “bà muốn giết chết ông, nhưng không thể làm được”, đó là “ngày sinh nhật của vua, vua mở tiệc.” Chữ Hy-lạp mà các thánh sử dùng để chỉ ngày hôm đó không có nghĩa là “sinh nhật”, nhưng là chữ “généthliaque” có nghĩa là ngày tưởng niệm ngày sinh của một người đã chết. Chọn lựa của các thánh sử có dụng ý: Hêrôđê đại diện cho quyền lực, lãnh vực hoạt động của thần chết, dù cho thể xác ông còn sống, nhưng ông bị xem như đã chết, và khi ông mừng sinh nhật, ông không thể thêm vào đó sự sống, mà chỉ thêm chết chóc vào cái chết. Ngày kỷ niệm tang tóc sinh nhật của ông, Hêrôđê “mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Galilê”, những nhân vật quen thuộc trong triều đình, các chú lùn, các cô nhảy ba-lê thường thường khúm núm trước những người có quyền, những người này biết họ không được yêu thương, muốn được người khác tôn thờ ngưỡng mộ.
Trong bửa tiệc có một sự kiện chưa từng có trong triều đình Đông phương: Con gái Hêrôđia nhảy cho những người dự tiệc xem. Điệu vũ của công chúa gây tai tiếng trong thế giới này, bởi vì chỉ có những cô điếm nhảy ba-lê trong bữa tiệc. Hêrôđia cho rằng mọi phương tiện để củng cố quyền lực đều được phép dùng, nên không ngần ngại bán dâm con gái mình, lúc đó mới mười mấy tuổi: để nói đến điều này, các thánh sử dùng một từ Hy-lạp để chỉ một cô gái vào độ tuổi lập gia đình, theo truyền thống Do-thái, thì vào khoảng mười hai, mười ba tuổi.
Quang cảnh buổi tiệc sao chép lại gương mẫu quen thuộc của văn chương Do thái, của Étte và vua Assuérus. Nhưng lúc đó Étte quyến rũ vua để cứu dân tộc khỏi chết (Et 5:7), Hêrôđia bán dâm con gái để giết một người vô tội. Hêrôđê thỏa mãn: ông cho những người dự tiệc một buổi trình diễn không tưởng tượng được trong các triều đình Đông phương, xứng với vẻ huy hoàng diễm lệ của La mã. Từ địa vị một ông quan nhỏ địa phương, ông đã thấy mình là một vị hoàng đế có thể cai trị vương quốc, ông hứa với cô gái trẻ: “Con xin gì ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.”
Huênh hoang khoác lác
Hêrôđê là một người bất tài, một tên quản trị tầm thường của một vùng đất không thuộc về ông ta, nhưng thuộc về những người La-mã đi chinh phục, mà ông ta không có quyền nhường một tấc đất nào hết: khôi hài cho số phận, từ lúc này thánh sử Máccô luôn luôn gọi ông ta là “vua”. Sự thật Hêrôđê Antipas chỉ là một hoàng tử xoàng xỉnh ba xu mà Đức Giêsu cho là “con cáo” (Lc 13:32), con cáo trong văn hóa Hê-brơ không phải là con vật ranh ma, mà là một con vật ngu xuẩn.
“Con gái của Hêrôđia”, người không có bản sắc, cũng không cá tính, phải hỏi mẹ xem mình muốn gì, và Hêrôđia đã sửa soạn câu trả lời để đưa cho chồng: “đầu Gioan Tẩy Giả”. Cô con gái, sẵn sàng làm vui lòng mẹ, vội vàng chạy đến Hêrôđê để chuyển lời yêu cầu của bà mẹ yêu dấu. Tự ý cô thêm vào một vài hình thức “ngay lập tức … trên một cái đĩa”, cô dứt khoát ra lệnh: “Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gioan Tẩy Giả đặt trên mâm.”
Thực đơn chết chóc
Các thánh sử dùng câu chuyện dài dòng về cái chết của Gioan Tẩy Giả để chuẩn bị cho độc giả cái chết của Đấng Thiên Sai, đây là câu chuyện duy nhất mà Đức Giêsu không có mặt. Xem lại những nét đặc trưng của các nhân vật, người ta thấy rõ ràng sự giống nhau giữa các nhân vật trong sự Thương Khó của Đức Giêsu. Hêrôđê và Philatô ứng xử cùng một cách: cả hai đều biết người mà họ lên án là vô tội và cùng muốn phóng thích người đó. Họ không thể làm được vì chính họ, họ cũng không có tự do. Họ nghĩ họ phán xét một người tù: nhưng chính họ, họ lại là tù nhân của chính quyền lực của họ.
Hêrôđê không thể cứu Gioan, vì ông đã lỡ hứa trước mặt các người dự tiệc, như người ta biết, một người có quyền không bao giờ nói: “Tôi lầm”, chẳng cần nói ra cũng biết, giữa lời nói của một người danh tiếng không hề sai lầm và mạng sống của một người vô tội, thì mạng sống của người này phải bị hy sinh, dù cho điều này có làm cho vua buồn một chút hay làm cho vua đổ vài giọt nước mắt cá sấu “Nhà vua lấy làm buồn. “Dù cho Philatô đi vào lịch sử vì màn kịch rửa sạch tay của ông “lấy nước rửa tay trước mặt đám đông” (Mt 27:24), vị quan cầm quyền này cũng đã nhúng tay vào máu, như thánh Luca nhắc đến trong đoạn “những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng.” (Lc 13:1). Dù biết Đức Giêsu vô tội, ông cũng để Đức Giêsu chết vì ông bị những nhà cầm quyền tôn giáo đe dọa: “Nếu ngài tha nó, ngài không phải là bạn của Xê-da!” (Ga 19:12) Đối với Philatô, ông không sợ mất tình bạn mà sợ mất ghế tổng trấn. Như vậy “bạn của Xê-da” là tước hiệu vinh dự mơ ước được hoàng đế ban tặng vì lòng trung thành, cho phép ông vào trong vòng những người thân tín của Xê-da (1Mcb 2,18). Và Philatô không do dự hy sinh hy sinh mạng sống người vô tội để giữ địa vị của mình. Đoàn kết để a tòng với bất công, Philatô và Hêrôđê gặp được tình bạn qua việc lên án Đức Giêsu: “Ngày hôm ấy, vua Hêrôđê và tổng trấn Philatô bắt đầu thân thiện với nhau.” (Lc 23:12).
Cô con gái của Hêrôđia làm tất cả mọi chuyện để vui lòng cả hai quyền lực, cả mẹ lẫn cha mà cô ở dưới quyền, dự báo cho biết trước cách ứng xử của dân Giêrusalem, có thể tung hô Đức Giêsu “Hôsana!” (Mt 21:9) Năm phút sau, dưới áp lực của nhà cầm quyền tôn giáo, họ hét lên: “Đóng đinh nó!” (Mt 27:22). Thái độ của Hêrôđia, mô tả ở đây với những nét kinh khủng của Jêdabel, bà hoàng không bằng lòng “giết hết các tiên tri của Thiên Chúa” mà còn đi tìm để giết tiên tri Êlia (1V 18:13; 19:2), phản ảnh hành vi của những nhà cầm quyền tôn giáo muốn giết hết các tiên tri và ném đá những người được Chúa gởi đến (Mt 23:34-37). Lời chỉ trích của thánh Gioan là một đe dọa cho địa vị đang có của Hêrôđia. Đức Giêsu sẽ là một đe dọa cho uy tín của các vị thượng tế, những người này mong cho Đức Giêsu chết, y hệt thái độ của vợ Hêrôđê. Cũng như bà, họ phạm tội ngoại tình khi ly khai với Thiên Chúa, vị vua duy nhất của Ítraen (Tv 5:3), để chấp nhận sự cai trị của một vua lương dân “Chúng tôi không có vua nào khác hơn là vua Xê-da.” (Ga 19:15).
Trong bửa ăn của Hêrôđê, dĩa thức ăn duy nhất được dọn lên là đầu thánh Gioan: “Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ.” Cũng chính hôm nay, Hêrôđê từ chối ơn gọi vào sự sống, ông loại bỏ sự sống, đưa sự sống làm mồi trong buổi tiệc, nơi những người chết sống bằng người chết, và nảy sinh ra bóng ma: khi nghe nói về Đức Giêsu, Hêrôđê nghĩ rằng “ông Gioan này, ta đã cho chém đầu” và như vậy, cái chết vẫn còn ám ảnh ông. (Mc 6:14-16).
Trong đoạn Thánh Kinh u buồn này, ánh sáng duy nhất mang đến là do các đồ đệ của thánh Gioan mang lại, vì khi nghe tin, họ sợ cùng bị chung số phận với thầy, nên đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ. Nhưng cái chết của hạt giống sẽ trở thành mầm của sự sống (Ga 12:24). Và ngay lập tức sau câu chuyện chết chóc này, các thánh sử kể câu chuyện bửa tiệc của sự sống, đó là đoạn chia bánh và cá, yếu tố thiết yếu cho sự sống của “năm ngàn người.” (Mc 6:30-44).
Ignace Trần An Huy dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét