Giải đáp phụng vụ: Khi nào linh mục bỏ đọc ‘Đây là Mầu nhiệm Đức tin’ ?
Nguyễn Trọng Đa
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Ngày 14-11-2006, cha đã đưa ra ý kiến cá nhân của cha đối với các cử chỉ của một linh mục cử hành Thánh lễ một mình. Trong bài viết đó, cha đã giải thích rằng không có chỉ thị tổng quát rõ ràng nào, nhưng người ta phải giải thích nguyên tắc chung rằng các lời mời gọi trực tiếp hướng tới cộng đoàn được bỏ đọc. Con cho rằng các lời cổ xưa như lời ‘Đây là Mầu nhiệm Đức tin, Mysterium Fidei’ - thực ra, trong nhiều thế kỷ là thành phần của phần truyền phép - là còn quan trọng hơn một lời mời gọi trực tiếp hướng tới cộng đoàn. - J. M., Belleville, Illinois, Hoa Kỳ.
Đáp: Mặc dù bài báo gốc ngày 14-11-2006 của tôi có chứa một số yếu tố giải thích cá nhân, nhưng chỉ thị về việc bỏ đọc ‘Đây là Mầu nhiệm Đức tin, Mysterium Fidei’ không nằm trong số giải thích ấy. Chỉ dẫn này là lần đầu tiên được tìm thấy trong một câu trả lời cho một nghi ngờ được công bố trong Notitiae vào năm 1969. Nó đã được đưa vào trong chữ đỏ cho Thánh lễ đồng tế, mà nhiều Hội Đồng Giám Mục đã công bố. Gần đây nhất, theo sự hiểu biết của tôi, là tập sách thánh lễ đồng tế rất chi tiết, được xuất bản bởi Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha vào năm 2017; sách này cũng hướng dẫn các vị đồng tế không tham gia với cộng đoàn trong việc đọc lời tung hô.
Câu hỏi và câu trả lời gốc trong Notitiae là:
“3. Khi không có tín hữu nào diện diện để có thể đọc lời tung hô sau truyền phép, linh mục có xướng lời ‘Đây là Mầu nhiệm Đức tin, Mysterium Fidei’ không?
“Đáp: Không. Lời ‘Đây là Mầu nhiệm Đức tin, Mysterium Fidei’, vốn được lấy từ bối cảnh của lời Chúa và được đặt sau khi truyền phép, ‘là như một lời giới thiệu cho việc các tín hữu đọc lời tung hô’ (Xem Const. Missale Romanum). Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đặc biệt, không ai có mặt để đáp lời, linh mục bỏ qua lời này, như được thực hiện trong Thánh Lễ mà, do sự cấp thiết, được cử hành không có người giúp lễ, và trong đó lời chào và ban phép lành cuối Thánh lễ cũng được bỏ qua (Inst. gen., số 211). Điều tương tự cũng là đúng cho một Thánh lễ đồng tế mà không có giáo dân nào có mặt. (Notitiae: 5 (1969), 324-325, số 3)”.
Để gỉai thích bối cảnh của chữ đỏ này, chúng tôi phải nhắc lại những gì chúng tôi đã viết trong bài ngày 7-10-2014.
“Trong phụng vụ tiền Công đồng, và do đó cũng trong hình thức ngoại thường, các từ ngữ này được tìm thấy trong nghi thức làm phép Chén thánh. Xin đọc:
“Vì này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới và vĩnh cửu: là mầu nhiệm Đức tin: sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.
“Mọi người đều thừa nhận rằng cụm từ “Đây là mầu nhiệm Đức tin” là không có trong Kinh Thánh, và được bổ sung vào công thức Truyền phép trước thế kỷ VI. Một số tác giả nói một cách đáng tin cậy rằng cụm từ này đã Đức Thánh Giáo Hoàng Lêô Cả (440-461) dùng để chống lại bè rối Manikê, vì bè này phủ nhận sự tốt lành của các vật chất. Bằng cách này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng hồng ân cứu độ đến nhờ việc đổ máu thân thể của Chúa Kitô, cũng như nhờ sự tham dự trong bánh và rượu được dùng để Truyền phép, vốn làm cho hy lễ của Chúa Kitô hiện diện ở đây và ngay bây giờ.
“Cụm từ trên đã được rút khỏi nghi thức Truyền phép, sau một loạt cuộc tranh luận lâu dài, bởi các chuyên viên soạn thảo nghi thức Thánh lễ mới. Lúc đầu người ta đã không có ý định giới thiệu Kinh nguyện Thánh Thể mới, nhưng chỉ đơn giản thực hiện một số sửa đổi nhỏ cho Lễ Quy Rôma. Tuy nhiên, các chuyên viên, khi họ không làm như thế, đã vội bị kẹt vào các đề xuất ngược lại. Sau đó, Đức Thánh Cha Phaolô VI quyết định sẽ thôi sử dụng Lễ Quy cũ, khi sự đề nghị soạn thảo các Kinh nguyện Thánh Thể được chấp thuận.
“Không Kinh nguyện Thánh Thể mới nào đề xuất cụm từ không có nguồn gốc Kinh thánh “Đây là mầu nhiệm Đức tin” cả, và các hình thức Truyền phép đều là hơi khác nhau trong các Kinh nguyện Thánh Thể. Đức Thánh Cha Phaolô VI một lần nữa can thiệp và bắt buộc rằng hình thức Truyền phép phải là như nhau trong mọi Kinh nguyện Thánh Thể, và rằng cụm từ “Đây là mầu nhiệm Đức tin”, mà sự hiện diện của cụm từ trong Lễ Quy đã là linh thiêng trong nhiều thế kỷ, cần được duy trì, không phải trong công thức Truyền phép, nhưng như sự mở đầu cho lời tung hô của cộng đoàn.
“Sự tung hô sau Truyền phép là một điều mới mẻ cho nghi lễ Rôma, mặc dầu nó là khá phổ biến trong một số nghi lễ xưa khác, chẳng hạn như nghi lễ Alexandria.
“Về ý nghĩa của cụm từ, chúng tôi có thể nói như sau. Bối cảnh lịch sử có thể có của bè rối Manikê, như được nêu ra ở trên, là có ít liên quan cho ngày nay. Tôi tin rằng chìa khóa tốt nhất để giải thích ý nghĩa phụng vụ hiện tại của cụm từ đến từ các bản văn của việc các tín hữu tung hô:
“Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến”.
“hoặc:
“Lạy Chúa , mỗi lần ăn bánh và uống chén này, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa đến”.
“hoặc:
“Lạy Chúa Cứu Thế, Chúa đã dùng thánh giá và sự phục sinh của Chúa để giải thoát chúng con, xin cứu độ chúng con” (bản dịch Việt ngữ của Uỷ Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).
“Cả ba lời tung hô cho thấy rằng cụm từ "Đây là mầu nhiệm Đức tin” là không giới hạn vào sự Hiện diện Thực sự, nhưng đúng hơn là vào toàn thể mầu nhiệm của sự cứu độ nhờ cái chết, sự phục sinh và lên trời vinh hiển của Chúa Kitô, vì mầu nhiệm này đang hiện diện trong việc cử hành Hy tế Tạ ơn.
“Ở Ireland, các Giám mục nhận được sự phê duyệt cho một lựa chọn thứ tư của lời tung hô, đó là "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”. Thật là một sự tò mò rằng trong một bản ghi chép của mình, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã gợi ý rằng lời rao truyền đặc biệt này là không thích hợp cho việc tung hô, bởi vì trong khi nó thể hiện một chân lý Đức tin, nó dường như tập trung sự chú ý chủ yếu vào sự Hiện diện Thực sự, hơn là vào toàn bộ Hy tế Tạ ơn.
“Có lẽ nếu người ta quan tâm đến bối cảnh Kinh thánh của lời tung hô của thánh Tôma Tông đồ về thần tính của Chúa Kitô, một khi đã chết và phục sinh, thì lời này cũng bao trùm toàn bộ mầu nhiệm”.
Như tôi đã đề cập trước đây, trong một số nghi lễ Công Giáo, các lời tung hô như vậy là một phần không thể thiếu trong Kinh Nguyện Thánh Thể. Thí dụ, trong Qurbana (Thánh Lễ) của nghi lễ Syro-Malabar, họ sử dụng Kinh tiến hiến (anaphora) hoặc Kinh nguyện Thánh Thể Addai và Mari, một trong các bản văn cổ xưa nhất được biết đến, có lẽ có niên đại từ thế kỷ III.
Trong bản văn này, lời cầu nguyện gần như tương ứng với câu “Xin Chúa chấp nhận lễ vật của chúng ta…” được tìm thấy trong Kinh nguyện Thánh Thể sau phần tương đương với “Thánh, Thánh, Thánh, Sanctus”:
“Xướng: Lạy Chúa, xin chúc lành cho con!
“Chủ tế hướng về cộng đoàn và nói:
“Anh chị em thân mến, xin cầu nguyện cho tôi để cho Qurbana (Thánh lễ) này được hoàn thành qua bàn tay tôi.
“Rồi ngài quay về bàn thờ
“Đáp (Cộng đoàn): Xin Chúa Kitô nghe lời cầu nguyện của cha và nhận Thánh lễ (Qurbana) của cha. Xin Ngài tôn vinh chức linh mục của cha trên Nước Trời, và hài lòng với hy lễ này mà chính cha dâng hiến, cho chính cha, cho chúng con và cho cả thế giới, đang hy vọng chờ đợi ân sủng và lòng thương xót của Ngài đến muôn đời. Amen”.
“Sau đó, là trình thuật lập Bí tích Thánh Thể. Cộng đoàn thưa Amen sau truyền phép Mình Thánh Chúa Kitô, và một lần nữa sau truyền phép Máu Thánh Chúa Kitô.
“Kế đó, trong kinh nguyện chuyển cầu, có các khoảnh khắc khác mà cộng đoàn có thể đáp lời. Thí dụ:
“Cầu cho Đức Giáo Hoàng, Mar (Tên), Giám Mục Rôma, người đứng đầu và cai trị mọi Giáo Hội của Chúa; cầu cho Đức Tổng Giám Mục Cả, Mar (Tên), người đứng đầu và cha của Giáo Hội chúng con; cầu cho Đức Tổng Giám Mục, Mar (Tên) của chúng con; cầu cho Đức Giám Mục, Mar (Tên) của chúng con, hiện đang lãnh đạo dân của Ngài; cầu cho toàn thể Hội Thánh Công Giáo thánh thiện; cầu cho các linh mục, các vị lãnh đạo và các vị có thẩm quyền. Lạy Chúa tối cao, xin đón nhận Qurbana này!
“Đáp: Amen. [Hoặc: Lạy Chúa, xin thương xót chúng con!]
“Xướng: Vì danh dự của tất cả các vị ngôn sứ, tông đồ, tử đạo, các thánh hiển tu, và vì tất cả các Giáo phụ công chính và thánh thiện đã tìm thấy sự ưu ái trước mặt Chúa. Lạy Chúa, xin đón nhận Qurbana này!
“Đáp: Amen. [Hoặc: Lạy Chúa, xin thương xót chúng con!]
“Xướng: Cầu cho mọi người than khóc và đau khổ, cầu cho người nghèo và người bị áp bức, cầu cho người bệnh và người tật nguyền, cầu cho tất cả những người đã ra đi giữa chúng con trong Thánh Danh Cha; và cầu cho cộng đoàn này đang tìm kiếm và chờ đợi lòng thương xót của Cha; và cầu cho chính bản thân con yếu đuối, tội lỗi và bất xứng. Lạy Chúa, xin đón nhận Qurbana này!
“Đáp: Amen. [Hoặc: Lạy Chúa, xin thương xót chúng con!]”.
Vì vậy, trong khi sự tung hô của cộng đoàn tín hữu là tương đối mới trong phụng vụ Rôma, nó là một phần phổ biến và đáng kính của các truyền thống phụng vụ khác. (Zenit.org 22-5-2018)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét