Trang

Thứ Năm, 17 tháng 5, 2018

Cầu Nguyện Trong Kinh Thánh

Cầu Nguyện Trong Kinh Thánh
Lm. Eugene Hensell, OSB
 
Con người khi cầu nguyện thường có khuynh hướng cầu nguyện để xin một điều gì đó. Lý do có thể là vì một phần lớn các kinh cầu chú trọng nhiều đến việc xin Chúa thương cứu giúp. Ngoài việc cầu nguyện để thỉnh cầu, còn có nhiều hình thức cầu nguyện khác, chẳng hạn như chuyển cầu (cầu nguyện giúp một ai đó), tạ ơn, và ngợi khen, tuy nhiên thỉnh cầu vẫn là cách cầu nguyện phổ biến hơn cả. Chúng ta có thể thấy được điều tương tự ngay trong Kinh Thánh.

Chỉ cần đọc lướt qua sách Thánh Vịnh, chúng ta cũng có thể thấy đa số các Thánh Vịnh là những lời kinh cầu xin, và trong một số lời kinh đó lại dưới hình thức kêu ca hay than vãn. Những lời kinh này thường bắt nguồn từ những hoàn cảnh khó khăn của cá nhân hay tập thể. Tuy nhiên, những lời kinh cầu xin đó không chỉ được thấy trong các Thánh Vịnh. Chúng ta còn tìm thấy chúng nơi những sách tiên tri và kể truyện trong Cựu Ước cũng như nơi các Tin Mừng và các Thánh Thư trong Tân Ước. Những tình huống khó khăn khiến các tín hữu cầu nguyện kêu cứu bắt nguồn từ nhiều hoàn cảnh khác nhau. Đôi lúc người ta nghĩ là Thiên Chúa hay thay đổi và bất công. Lúc khác, người ta lại nghĩ Chúa chẳng thương xót người đang chịu khổ đau. Và có lúc, họ lại nghĩ Chúa đã bỏ rơi hay chối từ họ. Dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, thì lời cầu xin có liên quan đến cá nhân hay cộng đoàn khi họ đối mặt với sự hữu hạn kiếp con người. Con người đã dùng cạn nguồn lực của riêng mình để giải quyết những vấn đề của mình người. Vào lúc tuyệt vọng, họ cầu cứu Chúa. Dù sao đi nữa, phía sau nỗi lo lắng tận cùng này là niềm tin tưởng kiên vững khiến các lời kinh cầu xin giúp đỡ thấm đẫm lòng cậy trông. Họ cũng tỏ ra kiên trì khi cầu nguyện nữa.

Sau đây là ba ví dụ của hình thức cầu nguyện xin giúp đỡ. Ví dụ thứ nhất liên quan đến việc ông Mô-sê cầu bầu cho dân (Ds 14, 13-19), Ví dụ thứ hai về An-na xin Chúa chữa khỏi bệnh hiếm muộn (1Sam 1, 9-20). Ví dụ thứ ba về việc Chúa Giêsu đi vào vườn Ghết-sê-ma-ni nơi Người đối chất với Thiên Chúa về vận mệnh tương lai của mình (Mc 14, 32-42).

Mô-sê cầu khẩn cho Dân Người (Ds 14, 13-19)

Đoạn Kinh Thánh này kể về khung cảnh mà dân Ít-ra-en định nổi loạn chống lại Thiên Chúa vì đã đưa họ vào một tình huống vô vọng. Đất Ca-na-an có một sắc dân hùng mạnh đang chiếm ngụ và họ được trang bị vũ khí đầy đủ hơn hẳn dân Ít-ra-en. Mặc dầu đất này trù phú, nơi chảy sữa và mật ong, nhưng dân Ít-ra-en chẳng có cách nào để chiếm lấy (Ds 13, 25-33). Mô-sê và A-ha-ron phải gánh chịu cơn thịnh nộ của dân vì họ đã đưa dân tới hoàn cảnh này. Dân muốn chọn một thủ lãnh mới để đưa họ quay về lại Ai-cập. Họ nghĩ rằng nếu không làm như thế, mọi người sẽ phải chết.

Mô-sê và A-ha-ron cố gắng làm dịu dân nổi loạn và khuyến khích họ rằng nếu họ làm vui lòng Chúa, Chúa sẽ giúp họ chiến thắng và tiến vào vùng Đất Hứa. Những lời khuyên giải này chẳng đi tới đâu, trái lại họ còn muốn ném đá hai ông (Ds 14, 1-10). Đối với họ, sự đáp ứng của Thiên Chúa đã không như điều họ mong đợi. Qua suốt toàn bộ cuộc hành trình qua sa mạc dân Israel đã phàn nàn về phương tiện sống nghèo nàn với đồ ăn nhàm chán, và họ cảm thấy rằng Thiên Chúa không chăm sóc họ đúng mực. Mối đe dọa nổi dậy cuối cùng khiến Chúa phải phản ứng. Ngài cho Mô-sê biết rằng một số người trong dân phải dừng ngay cái hành vi nổi loạn của họ. Thế nhưng, họ không vâng phục, vì vậy Thiên Chúa không muốn cho họ hưởng gia nghiệp nữa và Ngài muốn xóa bàn làm lại với Mô-sê là người thủ lãnh. Quyết định của Thiên Chúa có vẻ như là chung cuộc và không còn gì để kì kèo nữa (Ds 14, 11-12).

Mô-sê đã tỏ ra khôn khéo khi đối ứng với cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Ông cầu xin Thiên Chúa đừng để ý đến những gì dân đã làm hoặc những gì họ xứng đáng phải chịu. Thay vào đó, Mô-sê mạnh dạn thưa với Chúa rằng dự định của Ngài không hay vì nó sẽ làm nhơ danh tiếng của Thiên Chúa. Các vua nước ngoài sẽ biết chuyện này và sẽ mỉa mai Thiên Chúa vì Ngài không thể đưa dân đến nơi đã hứa (Ds 14, 13-16). Mô-sê còn đi xa hơn nữa bằng cách trích dẫn lời tự mô tả của Thiên Chúa để bắt bí Ngài: "ĐỨC CHÚA chậm giận và giàu ân nghĩa, chịu đựng lỗi lầm và tội ác, nhưng không dung tha điều gì; phạt con cháu đến ba bốn đời vì lỗi lầm của cha ông”. (Ds 14,18; Xh 34, 6-7)

Tuyệt vời thay, lời cầu nguyện dông dài này của Mô-sê (Ds 14: 1,3-17) lại có hiệu quả! Mô-sê nhận được sự giúp đỡ mà ông tìm kiếm từ Thiên Chúa, không phải vì dân xứng đáng được giúp đỡ nhưng chính vì bởi tình yêu Thiên Chúa rất đỗi kiên trung. Sự giúp đỡ mà Mô-sê muốn có được từ Thiên Chúa là Thiên Chúa sẽ tha thứ tội lỗi của con người. Ở đây, Mô-sê đã cố tình nhắc khéo Thiên Chúa về bản tính của Ngài.

Bà An-na nài xin Thiên Chúa hủy bỏ lời nguyền hiếm muộn (1 Sm 1, 9-20)

Hiếm muộn được coi là một lời nguyền trong thời Kinh Thánh. Tự thân người phụ nữ không phải là căn nguyên của lời nguyền. Nhưng lời nguyền này có thể xuất phát từ những hoàn cảnh thuộc các thế hệ trước đó. Người ta biết rằng bà ấy đã thừa hưởng tội tổ tông. Kinh Thánh thuật chuyện một số phụ nữ nổi tiếng chịu cảnh hiếm muộn nhưng nhờ Chúa can thiệp, nỗi đau hiếm muộn của họ đã biến thành ân sủng và họ có thai rồi sinh con, nhiều đứa con của họ đã trở thành nổi tiếng. Điều này giúp chúng ta đặc biệt nhớ đến Xa-ra, Rê-bê-ca, Ra-khen (St 17, 16-19; 25: 21 - 26; 29, 31- 30:24), và mẹ của Sam-sôn (Tl 13, 2-5). Chúng ta hãy tìm hiểu về bà An-na, mẹ của tiên tri nổi tiếng Sa-mu-en, với vị trí của bà trong nhóm các phụ nữ với niềm tin trung kiên.

Bà An-na có một người chồng tên là En-ca-na, người thực lòng yêu bà nhưng không thể nắm bắt đầy đủ sự phức tạp của tình hình. Bà An-na, người vợ hiếm muộn, có hiềm khích nghiêm trọng với bà vợ khác của ông En-ca-na tên là Pơ-nin-na, người có nhiều con (1 Sam 1, 6). Ông En-ca-na nghĩ rằng ông có thể an ủi bà An-na với lòng quảng đại và tình yêu của mình (1 Sam 1: 8). Ông không nhận ra rằng bà An-na cảm thấy bị nguyền rủa cách bất công và bị nhục vì bà sẽ không bao giờ trở thành một người đàn bà thực thụ với khả năng sinh con đẻ cái. Nhân chuyến thăm hàng năm đền thờ Shi-lô, bà An-na quyết định cầu nguyện trước nhan Chúa (1 Sam 1, 9-11). Bà cay đắng dốc hết bầu tâm sự trong lời cầu nguyện dâng lên Chúa. Bà không chỉ cầu xin Chúa thương cứu mình thoát cảnh hiếm muộn bằng cách cho bà sinh một đứa con trai, bà lập thệ hứa sẽ hiến dâng và trả lại đứa con này cho Chúa như một người giữ lời khấn Na-dia mãi mãi (người được thánh hiến phục vụ Chúa, không uống rượu, để tóc dài, không để ô uế vì gần xác chết) (Ds 6, 5).

Đến đây trọng tâm câu chuyện chuyển từ bà An-na đến ông Ê-li, vị tư tế phụ trách đền thờ tại Si-lô. Ông ta kém năng lực về mục vụ bao nhiêu thì bà An-na lại người tín trung bấy nhiêu. Ông quan sát thấy cô cầu nguyện thật sốt sắng. Tuy nhiên, ông Ê-li quá dở và không nhạy cảm đủ để phân biệt được sự khác nhau giữa cầu nguyện và say rượu (1 Sam 1, 12-14). Ông đến gặp bà An-na và buộc tội bà say rượu, có lẽ đây là điều mà ông sẽ không bao giờ làm nếu người ông đối diện là một người đàn ông. Tuy nhiên, tại thời điểm này, bà An-na không để cho vị tư tế vụng về này quấy rối buổi cầu nguyện của mình bằng những lời vu khống. Bà nói với ông Ê-li một cách rõ ràng rằng bà không say rượu nhưng đang cầu nguyện, khẩn thiết xin Chúa thương bà là người đàn bà nghèo hèn và cứu bà khỏi cảnh hiếm muộn. (1 Sm 1, 15-16). Chẳng biết ông Ê-li có hiểu bà An-na nói gì không, nhưng ông đã chúc bà về bình an và khẳng định rằng Thiên Chúa sẽ ban cho bà sự giúp đỡ mà bà cầu xin. Có lẽ không cần nhờ đến lời chúc của ông Ê-li, bà An-na vẫn có thế đi từ đền thờ Shi-lô về đến nhà và bà biết rằng lời cầu nguyện của mình sẽ được nhận lời. Bà hết buồn và không còn hiếm muộn nữa (1 Sm 1, 18-19).

Trong câu chuyện này, bà An-na là một ví dụ điển hình của một trong những người đau khổ, đã cầu nguyện xin Thiên Chúa dủ lòng thương cứu giúp. Đau khổ của bà ấy có chiều kích thần học, cá nhân, và cả xã hội nữa. Bà đã cầu nguyện cách dễ dàng như những lời van xin trong Thánh Vịnh 6, 1-2: "Lạy CHÚA, xin đừng trách mắng con khi thịnh nộ, đừng sửa trị con lúc nổi lôi đình. Lạy CHÚA, xin đoái thương, này con đang kiệt sức, chữa lành cho, vì gân cốt rã rời."

Chúa Giêsu cầu nguyện trong vườn Cây Dầu (Mc 14, 32-42)

Cảnh tượng khi Chúa Giêsu, cùng các môn đệ, đi vào vườn Ghết-sê-ma-ni để cầu nguyện cho vận mệnh của mình là một trong những khoảnh khắc ấn tượng nhất trong toàn bộ Phúc Âm Máccô. Đến lúc này, Chúa Giêsu biết rõ rằng hành trình sứ vụ Ngài đã chọn rốt cuộc sẽ đưa Ngài đến cái chết. Thánh sử Mác-cô không do dự cho thấy rằng Chúa Giêsu rất lo âu vì tình huống nguy hiểm và nghiêm trọng này. Chúa Giêsu được mô tả có tâm trạng "đau buồn" và "bồn chồn lo lắng." Những từ tâm lý cơ bản này thường được sử dụng để diễn đạt một tâm trạng bấn loạn, rối bời với những cảm xúc chồng chéo. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Tâm hồn Thầy buồn đến chết được." (Mc 14, 33-34). Ngài chỉ cho các môn đệ cách giữ được sự tỉnh thức trong khi Ngài đi vào vườn cầu nguyện một mình. Chúa Giêsu cần sự giúp đỡ, và Ngài biết rằng chỉ có Thiên Chúa mới giúp được Ngài thôi.

Tiếp đến là một lời cầu nguyện đầy kịch tính được thể hiện dưới hình thức một cuộc điều đình. Chúa Giêsu tin chắc rằng Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng và có thể làm bất cứ điều gì. Thế nên Thiên Chúa có thể "cất chén này" đi để Ngài khỏi phải uống. Chúa Giêsu không muốn tiếp tục thực hiện cuộc hành trình với điểm dừng là cái chết của Ngài, mặc dù Ngài sẽ nhượng bộ trong sự vâng phục nếu cần thiết (Mc 14, 35-36). Ngài sử dụng ngôn từ thân mật "Abba" để thưa cùng Thiên Chúa, điều này cho thấy mối quan hệ cha con của Ngài với Chúa Cha. Chúa Giêsu tín thác vào quyền năng Thiên Chúa sẽ thay đổi con đường thương khó của Ngài mà giờ đây Ngài đang cận kề cái chết. Dường như Chúa Giêsu nhắc nhở Thiên Chúa rằng Thiên Chúa thực sự có quyền năng đó. Thế nhưng Chúa Giêsu không nhận được câu trả lời Ngài đã mong. Ngài không dừng lại ở đó. Ngài nhắc lại lời cầu xin một lần nữa và lời yêu cầu của Ngài lại bị từ chối. Ngài lặp lại lần thứ ba nhưng cũng không thành công. Kế hoạch của Thiên Chúa được tiếp tục và Chúa Giêsu sẽ là người thực hiện kế hoạch đó. Đây không phải là điều Chúa Giêsu muốn, nhưng là điều Ngài đã đồng ý.

Trong lúc đó, các môn đệ không tỉnh thức. Họ không biết đến những điều đã xảy ra từ một nơi không xa chỗ họ ngủ (Mc 14, 37-41). Chúa Giêsu không khiển trách họ. Thật vậy đã có một chuyển đổi mạnh mẽ và lạ lùng nơi tâm hồn Ngài. Tuy Ngài không nhận được câu trả lời Ngài đã mong chờ từ Thiên Chúa, nhưng Ngài lại nhận được sự giúp đỡ Ngài cần. Cái tâm trạng bấn loạn trước kia không còn nữa. Giờ đây Ngài cảm thấy bình tĩnh, biết rằng giờ định mệnh đã đến và Ngài sẵn sàng đón nhận nó. Kể từ thời điểm này cho đến lúc kết cuộc Ngài sẽ đảm nhận vai trò Người Tôi Tớ đau khổ như Tiên Tri Isaia mô tả (Is 52, 13- 53,12). Ngài sẽ là con chiên vô tội bị đem đi làm thịt. Thiên Chúa đã ban cho Chúa Giêsu sự giúp đỡ Ngài cần để đối mặt với số phận khủng khiếp đang chờ đợi Ngài. (Mc 14, 42).

Phần kết luận

Những lời cầu nguyện xin giúp đỡ mà chúng ta tìm thấy trong Kinh Thánh cho chúng ta một cái nhìn bao quát về thân phận con người trong tất cả sự yếu đuối của mình. Những mẫu chuyện ngắn gọn ở trên cho chúng ta thấy rằng Kinh Thánh không miêu tả những nhân vật trong các câu chuyện đó là những kẻ thất vọng, cho dù họ đang lâm cơn cùng quẫn hoạn nạn. Họ không sợ phải đối đầu với Thiên Chúa và biết cách nói lên các nhu cầu của họ. Họ có một đức tin thúc giục họ chấp nhận rủi ro và tỏ ra dạn dĩ trong cách tiếp cận với Thiên Chúa. Chẳng có gì cấm cản họ, và chẳng có câu hỏi hay cảm xúc nào là điều cấm kỵ với họ. Họ không bao giờ có thể dự đoán được kết quả của lời cầu nguyện xin giúp đỡ.

Tuy nhiên, họ vững tin rằng bằng cách nào đó Thiên Chúa sẽ giúp đỡ họ, cho dù sự giúp đỡ đó không phải là hình thức giúp đỡ mà họ cầu mong chờ. Thường thì Thiên Chúa giúp đỡ bằng cách ban ơn sức mạnh để người xin ơn đủ mạnh mẽ đáp ứng các thách thức mà họ đang gặp phải. Đôi lúc chúng ta thấy rằng kết quả của sự trợ giúp từ Thiên Chúa là sự biến đổi tâm hồn nơi người xin ơn, qua đó nỗi đau của những cảnh đời bi thương được chuyển thành lời ca ngợi lòng nhân lành của Thiên Chúa. Điều này được thể hiện rõ nét nơi các thánh vịnh thở than. Những lời cầu nguyện xin ơn cho thấy rằng không phải tất cả những vấn đề của chúng ta về Thiên Chúa sẽ được đáp ứng. Thế nhưng, sẽ không có vấn đề nào mà chúng ta không dám cầu xin.

 
Luke Quang chuyển ngữ 
Nguồn: Gpquinhon.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét