***
MỤC 4: NHỮNG HÌNH ẢNH TRONG CỰU ƯỚC
Lẽ ra mục “Thánh Giuse trong Cựu Ước” phải được trình bày trước mục “Thánh Giuse trong Tân Ước”, nhưng đó là nói theo thứ tự thời gian chứ không theo ý nghĩa của lịch sử cứu độ. Thật vậy, phải chờ sự giải thích của Đức Giêsu Phục sinh, các môn đệ mới hiểu được những đoạn văn nào trong Cựu Ước nói về Đấng Kitô (xc. Lc 24,27), cách riêng những đoạn nói đến người Đầy tớ đau khổ (xc. Cv 8,34) chứ không riêng gì những đoạn nói về Đấng Messia ngự trên ngai David.[21]
Một đặc trưng của Tin Mừng Thánh Matthew là việc sử dụng thuật ngữ “ngõ hầu ứng nghiệm lời ngôn sứ đã nói” (hoặc: để kiện toàn, hoàn tất, làm trọn,.v.v…). Thuật ngữ này xuất hiện 41 lần trong toàn tác phẩm, và ngay trong hai chương đầu tiên đã gặp thấy 5 lần (1,23; 2,6.15.18.23). Tác giả muốn chứng minh cho các độc giả(người Do Thái) rằng, Đức Giêsu thật là Đấng Messia mà Thiên Chúa hứa sẽ sai đến để cứu dân tộc. Người không chỉ là con cháu vua David mà thôi, nhưng còn giữ vai trò ngang với ông Moses nữa. Điều này được khẳng định trong bài giảng trên núi: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Moses hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17). Một cách gián tiếp, sự kiện toàn được bày tỏ qua các phản đề tiếp đó: “Anh em đã nghe luật xưa rằng… còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…” (Mt 5,21.27.31.33.38.43).
Dựa trên nguyên tắc đó, Giáo Hội tiên khởi cũng lục lọi trong Cựu Ước những đoạn văn có thể áp dụng cho Hội Thánh (chẳng hạn: giao ước, Dân Chúa, đoàn chiên, đền thánh,.v.v…), cho Đức Maria (bà Eva, thiếu nữ Sion,.v.v…). Một cách tương tự như vậy, các Giáo phụ cũng cố gắng đi tìm những đoạn văn Cựu Ước có thể áp dụng cho Thánh Giuse. Tuy có nhiều đường hướng đã được sử dụng (thí dụ những mẫu “người công chính” trong Cựu Ước), nhưng chúng tôi chỉ giới hạn vào một nhân vật cụ thể do chính Thánh Matthew gợi lên, đó là tổ phụ Giuse.[22] Có nhiều điểm tương đồng giữa tổ phụ Giuse trong Cựu Ước và Thánh Giuse.
– Xét về tên gọi, “Giuse” theo nguyên ngữ có nghĩa “Thiên Chúa đã tăng thêm” (St 30,22-24).[23] Thân sinh của cả hai người đều mang tên là “Jacob” (Mt 1,16). Xem ra Matthew cũng muốn nhắc đến tên gọi của thân mẫu nữa khi trưng dẫn bà “Rachel” trong cảnh tàn sát các anh hài (1,18; xc St 30,22-24).
– Một điểm tương đồng khá nổi bật, là cả hai người đã nhận được mặc khải qua “giấc mộng”. Tổ phụ Giuse đã nhận được giấc mộng báo trước sự nghiệp của mình (St 37,5-9 = 42,6-9)và ông cũng giải thích giấc mộng của người khác (St 41,12.16.25). Cả hai đã nắm bắt được ý định của Thiên Chúa qua giấc mộng.
– Lánh nạn qua Ai Cập. Tổ phụ Giuse bị các anh mưu toan ám hại, và nếm cảnh lưu vong bên Ai Cập (St 37,18-20.28). Thánh Giuse đưa thánh gia sang Ai Cập để tránh cuộc tàn sát của vua Herode (Mt 2,13.16).
– Dính líu tới nhà vua. Thánh Giuse đưa thánh gia sang Ai Cập vì vua Herode sợ tiếm vị, và phải chờ đến lúc nhà vua băng hà thì mới trở về quê hương. Tổ phụ Giuse tuy được lòng vua Pharaoh, nhưng ông biết trước rằng khi nhà vua này qua đời thì dân Israel sẽ bị áp bức và buộc phải rời bỏ Ai Cập (Xh 1,8; 13,18-19).
– Con người liêm khiết. Tổ phụ Giuse là người ngay chính, không chiều theo lời dụ dỗ phạm tội (St 39,7-20). Thánh Giuse là người công chính và không muốn xúc phạm đến Đức Maria.
– Trách nhiệm. Tổ phụ Giuse được giao phó nhiều chức vụ quan trọng: quản lý ở nhà quan Potiphar (St 39,4), quản đốc trại giam (St 39,22), quản đốc hoàng gia Pharaoh và quản trị toàn xứ Ai Cập (St 41,41-45). Thánh Giuse chịu trách nhiệm trông coi thánh gia tại Bethlehem, Ai Cập, Nazareth.
Vào thời cận đại, nhiều vị Giáo Hoàng thường đối chiếu Thánh Giuse với tổ phụ Giuse, cách riêng khi nói đến vai trò bảo trợ Giáo Hội.[24] Thế lực bầu cử của Người dựa theo câu nói của vua Pharaoh: “Ite ad Joseph” – “Hãy đến cùng Giuse” (St 41,55), đã được sử dụng từ Thánh Bernado. [25]
KẾT LUẬN
Trong chương này chúng tôi chỉ giới hạn vào việc tìm hiểu ý nghĩa những đoạn văn Tân Ước nói về Thánh Giuse. Trong những chương kế tiếp, chúng ta sẽ thấy tầm áp dụng của những đoạn văn đó để hiểu biết sứ mạng của Người cũng như mẫu gương cho các môn đệ Chúa Kitô. Một cách cụ thể, chúng ta sẽ thấy rằng, Tông huấn Redemptoris Custos của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II sẽ dựa trên những đoạn văn Tân Ước vừa nói, tựa như những “mầu nhiệm kinh Mân Côi”, để chiêm ngắm vai trò của Thánh Giuse trong sứ mạng cứu độ của Chúa Kitô.
– Thánh nhân trở nên “môi giới” để Đức Giêsu trở thành “Con vua David” hoàn tất những lời hứa về Đấng Messia.
– Thánh nhân đã “đặt tên” cho Hài nhi là Giêsu, trình báo cho nhân loại biết Người là Đấng cứu tinh nhân loại, là Emmanuel.
– Thánh nhân đã “đăng ký” Đức Giêsu vào sổ kiểm tra của hoàng đế Roma, để chứng thực Người là thành phần của thế giới nhân loại.
– Thánh nhân đã “dâng tiến” Đức Giêsu cho Chúa Cha, báo trước hy tế cứu chuộc trên thập giá.
– Thánh nhân không những đã bảo vệ Hài nhi Giêsu tại Bethlehem và Ai Cập, nhưng còn tạo điều kiện để Đức Giêsu trở thành “người Nazareth”, một danh hiệu gắn liền với sự nghiệp của Chúa Cứu Thế.
– Dĩ nhiên, Thánh nhân đã góp phần không nhỏ trong việc giáo dục Hài nhi Giêsu về nhân bản, đạo hạnh, cũng như nghề nghiệp.
Đó là cơ sở cho danh hiệu “Redemptoris Custos” (người giữ gìn Đấng Cứu chuộc), “Minister Salutis” (kẻ phục vụ ơn cứu độ) của Tông huấn mà chúng ta sẽ nghiên cứu trong những chương tới.
Nguồn Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP | catechesis
[1] Thí dụ: A. Michel, art. Saint Joseph in: Dictionnaire de Théologie Catholique VIII, col.1510-1520.
[2] Larry M. Toschi, Joseph in the New Testament, Guardian of the Redeemer Book, Santa Cruz 1991. Tarcisio Stramare, Vangelo dei Misteri della Vita Nascosta di Gesù, Sardini, Bornato in Franciacorta, 1999.
[3] Trong Tân Ước, còn có ba nhân vặt mang tên Giuse: Giuse Arimatea, một người môn đệ đã hiến ngôi mộ để chôn Thầy (Mt 27,57-60); Giuse Barsabba, một người được đề cử cùng với Matthia giữ chức vụ tông đồ thế chỗ Judas (Cv 1,23); Giuse Barnabea (Cv 4,56). Ngoài ra, trong hàng thân thích của Chúa Giêsu, có một người tên là Giuse (Mt 13,55), và gia phả của Luca liệt kê hai người trong hàng tổ tiên (Lc 3,25.30).
[4] Xc. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 517; 1115.
[5] Nên lưu ý lời của thiên sứ nói với ông Giuse: “những kẻ tìm giết Hài nhi đã chết rồi” (Mt 2,20). Chủ từ ở số nhiều.
[6] Trái lại, Cựu Ước nhiều lần đề cập đến giấc mơ như là phương thế Thiên Chúa mặc khải, chẳng hạn trong trường hợp của ông Abraham (St 15,12-13), Jacob (St 28,12-13; 31,10-18; 46,2-4), Giuse (St 37,5-11), Samuel (1 Sm 3,1-14), Nathan (2 Sm 7,4-17), Salomon (1V 3,5), Đaniel (Đn 2,18-23).
[7] Trong Cựu Ước, thuật ngữ “Sứ thần Chúa” (sứ giả của Thiên Chúa, hoặc sứ giả của Giavê) đôi khi ám chỉ chính Thiên Chúa (xc. St 22,15-16). Vai trò chính yếu là thông báo một sứ điệp của Thiên Chúa.
[8] Ngoài ra, việc xen vào tên của 5 phụ nữ vào bản gia phả (Tamar, Racab, Rut, Betsabea, Maria) cũng là đề tài cho nhiều cuộc tranh cãi.
[9] Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng số 14 là nhân đôi con số 7, ám chỉ tuần lễ. Từ ông Abraham đến Đức Giêsu có 6 tuần (3 x 14), chuẩn bị cho cuộc giáng sinh của Chúa Giêsu khai trương tuần lễ thứ bảy (Ảnh hưởng của sách Henoch, 91,15-17; 93,3-5).
[10] Xc. Bộ Giáo Luật 1983, điều 1062.
[11] I. de La Potterie, Maria nel mistero dell?alleanza, Marietti Torino, pp. 65-92.
[12] Thánh Irénee đã giải thích ý nghĩa biểu trưng của ba lễ phẩm: “mộc dược” tiên báo Đức Giêsu sẽ chết để cứu chuộc loài người; “vàng” tiên báo Hài nhi sẽ là vua của muôn dân; “nhũ hương” dâng tiến Chúa tể trời đất (xc. Adv. Haereses III,9,2). Từ thế kỷ XI, ba nhà chiêm tinh(hay đạo sĩ) được gọi là “ba vua” có lẽ vì được móc nối với Thánh Vịnh 72,10 (“Từ Thác-si và hải đảo xa xăm, hàng vương giả sẽ về triều cống. Cả những vua Arap, Saba đều tới tiến dâng lễ vật”). Họ cũng được mang tên là Balthazar, Melchior, Gaspar, đại diện cho các chủng tộc Âu (da trắng), Á (da vàng), Phi (da đen).
[13] Có người cho là sao chổi (Halley), sao mới (nova), chòm sao; có người giải thích là một điềm sao (mà các nhà chiêm tinh nhận ra). Có người cho rằng, “sao” ám chỉ nhà David, dòng dõi Judas (xc. Ds 24,17). Có người cho rằng sao ám chỉ ánh sáng đức tin.
[14] Nên biết là 5 mầu nhiệm mùa Vui của kinh Mân Côi đều dựa theo Tin Mừng Luca: truyền tin (1,26-38), thăm viếng (1,39-56), giáng sinh (2,1-20), dâng con trong đền thờ (2,22-39), lạc mất con trong đền thờ (2,41-51).
[15] Có người nhận xét rằng, thay vì trưng dẫn các đoạn văn Cựu Ước như Matthew, Thánh Luca nêu bật tác động của Chúa Thánh Thần: Lc 1,15.35.41.67; 2,25-27.
[16] Có nhiều điểm tương đồng giữa cuộc đời của Samuel với câu chuyện của Thánh Gioan Tiền Hô và Chúa Giêsu. Bà Anna và bà Elizabeth đều là người son sẻ. Ông Êli và ông Zacaria là những tư tế năng lui tới đền thờ. Mặt khác bài ca Magnificat của Đức Maria có nhiều nét giống như bài ca tạ ơn của bà Anna (1Sm 2,1-10). Một cách tương tự như vậy, cậu Giêsu cũng năng lui tới đền thờ giống cậu Samuel (1Sm 1,21-2,11), và cũng trưởng thành về nhân bản và đạo đức như nhau (1Sm 2,21.26).
[17] Eusebio Cesarea , Historia Ecclesiastica lib.I, cap.VII.
[18] Theo Luca, thiên sứ đến truyền tin cho Đức Maria trước khi bà thụ thai. Theo Matthew, thiên sứ hiện ra với ông Giuse sau khi Đức Maria đã có thai.
[19] Có Giáo phụ (như Origène) không chỉ giải thích việc cắt bì như là dấu hiệu được kết nạp vào dân giao ước (xc. St 17,12; Lv 12,3), nhưng còn như tiên báo việc hiến tế trong tương lai(đổ máu xá tội: Xh 4,24-26).
[20] xc. 7,43-44: “Đức Kitô mà lại xuất thân từ Galilee sao? Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua David và từ Bethlehem, làng của vua David sao?”.
[21] Thánh Phaolô đã nói cách tổng quát: “Tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã chỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh” (1 Cr 15,3-4).
[22] Ông được nhắc đến gần 200 lần trong Cựu Ước và 8 lần trong Tân Ước.
[23] Trong nguyên gốc Hippri, “Yôsep” viết tắt của “Yehôsep” ghép bởi hai từ “Yhw” (Yahweh)và “ysp”: nguyện xin Thiên Chúa tăng thêm (xc. St 30,23-24; 49,22-26).
[24] Xc. Đức Giáo Hoàng Leo XIII, Thông điệp Quamquam Pluries, 15/8/1889, in: Leonis XIII Pontificis Maximi Acta, vol. IX, Romae 1890, p. 179-180.
[25] Homilia II Super missus est, PL 183, 69-70.
https://dcvxuanloc.net/su-mang-cua-thanh-giuse-trong-cuoc-doi-chua-kito-va-hoi-thanh/3/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét