Tại sao Thánh Giuse được gọi là Thánh Cả?
Phụng vụ còn gọi ai là thánh cả nữa không?
***
Trước khi trả lời cho câu hỏi này, thiết tưởng nên xác định từ ngữ. Trong tiếng Việt, tiếng “cả” thường được hiểu về một người lớn, chẳng hạn như trong gia đình, “anh cả” là người con trai lớn nhất; “chị cả” người con gái lớn nhất. Xưa kia, trong chế độ đa thê, thì vợ cả là người vợ thứ nhất (đi trước các bà vợ bé, vợ lẽ). Phải chăng Thánh Giuse được gọi là thánh cả bởi vì là thánh lớn nhất không? Tôi không nghĩ như vậy, bởi vì khó xác định được vị thánh nào lớn nhất trong Nước Trời: có thể là Thánh Phêrô, thủ lãnh Hội Thánh? Hoặc Thánh Phaolô, vị tông đồ đã mở rộng biên cương Giáo Hội? Nói cho đúng, khi gọi Thánh Giuse là thánh cả, thì chẳng qua là tại vì mình dịch sai. Trong nguyên ngữ La-tinh, không có chỗ nào gọi Thánh Giuse là “thánh lớn nhất” trong các vị thánh. Tước hiệu danh dự gán cho người là “tổ phụ” (patriarcha), danh xưng mà Kinh Thánh đã dùng để gọi các cụ tổ Abraham, Isaac, Giacop. “Tổ phụ” được hiểu về những người khai sáng một dòng họ, một dân tộc (cũng tựa như tổ Hùng vương ở nước ta); ở đây hiểu là tổ của dân tộc Do Thái. Những chương chót của sách Sáng Thế (chương 37-50) được dành cho ông Giuse. Ông Giuse cũng có thể được liệt vào hạng tổ phụ, bởi vì ông đã đưa gia đình sang lập nghiệp bên Ai-cập, để rồi từ đó bắt đầu cuộc giải phóng và Xuất hành hướng về Đất hứa. Nếu trong Cựu Ước đã có một tổ phụ Giuse, thì việc gán tước hiệu “tổ phụ” cho vị dưỡng phụ của Chúa Giêsu chẳng gì khó hiểu, bởi vì phần nào nhờ có Thánh Giuse mà Chúa Giêsu được đón nhận vào đại gia đình nhân loại và trở thành trưởng nam của một gia đình mới, tức là dòng dõi nhân loại được hoà giải với Thiên Chúa.
Như vậy, nếu muốn dịch cho đúng nguyên văn, thì phải gọi Thánh Giuse là “tổ phụ” chứ không phải là “thánh cả”. Tuy nhiên, lịch phụng vụ cũng kể ra nhiều vị thánh cả, chẳng hạn trước đây, vào ngày 12 tháng Ba, có lễ kính thánh Grêgôriô Cả. Hay là cũng lại dịch sai nữa!
Dịch đúng hay sai là tuỳ theo từ ngữ “cả” được hiểu theo nghĩa nào. Như vừa nói, trong gia đình, “cả” có nghĩa là “đứng đầu, thứ nhất”. Hiểu theo nghĩa này thì dịch Thánh Grêgôriô Cả là sai, bởi vì trong nguyên bản La-tinh, tên của Người là Gregorius Magnus (Pháp: Grégoire le Grand, và tiếng Anh, Gregory the Great). Dịch nôm na là Grêgôriô “Bự”, chứ không phải “Cả”.
Thánh Grêgôriô được đặt biệt hiệu là “Bự” vì có thân xác to lớn, phải không?
Không phải thế, bởi vì chúng ta không biết hình thù của người ra sao hết. “Bự” ở đây được hiểu về nghĩa tinh thần, một người lừng danh. Nếu tôi không lầm thì biệt hiệu này đã được dùng cho hoàng đế Alexandre, trong tiếng La-tinh là Alexander Magnus (được dịch là “A-lịch-sơn Đại đế”), sống vào thế kỷ IV trước Công Nguyên (356-323). Như vậy, “Bự” có nghĩa là “lớn, vĩ đại”.
Có mấy thánh được mang tước hiệu “bự, vĩ đại”?
Trong lịch phụng vụ, chúng ta đếm được 4 vị tiến sĩ Giáo Hội được mang biệt hiệu “vĩ đại”, xếp theo thứ tự thời gian như sau. Thứ nhất, Thánh Basiliô Cả giám mục (qua đời năm 379; lễ kính ngày 2 tháng 1) có lẽ đã được người đương thời gọi là “Bự” vì muốn bày tỏ lòng quý trọng đối với một người nghiêm trang đạo mạo. Kế đến là hai vị giáo hoàng Lêô Cả (lãnh đạo Hội Thánh từ năm 440 đến năm 461; lễ kính vào ngày 10 tháng 11) và thánh Grêgôriô Cả (giáo hoàng từ năm 590 đến năm 604; lễ kính vào ngày 3 tháng 9). Hai vị này đứng đầu danh sách của 13 giáo hoàng Lêô và 16 giáo hoàng Grêgôriô, nhưng có lẽ được gọi là “Cả” vì tầm ảnh hưởng đối với việc xác định đạo lý Kitô học và vai trò của giáo hoàng. Vị tiến sĩ thứ 4 mang biệt hiệu “Magnus” là Thánh Albertô giám mục (qua đời năm 1280, lễ kính ngày 15/11); Người được gọi là “vĩ đại” có lẽ do học thức uyên thâm về thần học, triết học và khoa học thực nghiệm. Dù sao, chúng ta cũng đừng quên một truyền thống lâu đời dành tước hiệu “đại tiến sĩ” cho 4 vị: Ambrôsiô, Hiêrônimô, Augustinô và Grêgôriô.
Ở Rôma, có đền thờ Đức Bà Cả. “Cả” có phải là to lớn không? Sự to lớn được áp dụng cho “đền thờ” hay là cho “Đức Bà”?
Lúc nãy tôi có nhắc đến tục lệ đa thê ở Việt Nam thời xưa, “bà cả” được dành để gọi bà vợ chính, phân biệt với các bà vợ bé. Dĩ nhiên, Đức Maria thì chỉ có một, cho nên không có chuyện phân biệt “bà cả, bà bé”. Tiếng “cả” phải hiểu về đền thờ. Đến đây chúng ta cũng gặp vấn đề dịch thuật nữa. Trong tiếng Ý, Santa Maria Maggiore, (tiếng Pháp Sainte Marie Majeure) được hiểu về nhà thờ lớn nhất trên thế giới dâng kính Đức Mẹ. Dĩ nhiên đó là hiểu vào lúc xây cất thời Trung Cổ, chứ ngày nay có lẽ còn nhiều thánh đường rộng lớn hơn. Dù sao, điểm độc đáo của đền thờ ở Rôma ở chỗ là được xây cất liền sau khi công đồng Êphêsô tuyên bố tín điều “Thân Mẫu Thiên Chúa” và lưu giữ một di tích quý giá đó là máng cỏ của Chúa Giêsu.
Trong các dòng tu, có chức vụ bề trên cả. Có phải bởi vì là bề trên lớn nhất không?
Bạn nên biết là ở nơi vài dòng nữ, bề trên được gọi là Chị Nhất; vì vậy “bề trên cả” không phải “người nhất trong số những người nhất”. Theo tôi nghĩ, “bề trên cả” được hiểu là bề trên của tất cả dòng, khác với những bề trên của một tu viện hoặc của một tỉnh dòng.
“Bề trên cả” cũng được gọi là “bề trên tổng quyền” phải không?
Đúng thế, tuy dịch không được chỉnh lắm. Trong lịch sử các dòng tu, tiếng “bề trên” đã gây khá nhiều dị ứng cho nhiều vị thánh sáng lập; nói đến “tổng quyền” thì càng làm cho họ đứng tim hơn nữa. Thực vậy, trong các dòng tu cổ điển, vị đứng đầu được gọi là “abbas” có nghĩa là “cha” theo nghĩa tinh thần, tức là sư phụ hướng dẫn đường tu đức. Sang thời Trung Cổ, nhiều dòng đổi danh xưng abbas (cha) xuống “prior”, nghĩa là người thứ nhất, anh cả, thủ trưởng. Thánh Phanxicô Assisi muốn cho các vị lãnh đạo mang danh là minister, nghĩa là “kẻ phục vụ”. Những dòng ra đời vào cận đại gọi người lãnh đạo là praepositus, nghĩa là kẻ được đặt làm đầu (ở đàng trước). Từ “generalis” thì không có nghĩa là “tổng quyền” (nắm trong tay tất cả mọi quyền hành), nhưng chỉ có nghĩa là bề trên của hết tất cả mọi phần tử của dòng, chứ không chỉ riêng một tu viện hoặc một tỉnh dòng. Có nơi chỉ gọi gọn ghẽ là “bề trên tổng” (hoặc chị tổng).
Nói thế thì dịch “tổng quyền” cũng được thôi, cũng như “Tổng giám đốc” thì ở trên các giám đốc vậy. Trong Giáo Hội cũng có chức “Tổng giám mục” đấy chứ?
Nếu đặt lại vấn đề dịch thuật thì nói “tổng giám mục” là không đúng. Theo nguyên ngữ Hy-lạp, archiepiscopus không có nghĩa là một vị giám mục đứng ở trên các giám mục khác, mà chỉ có nghĩa là vị giám mục đứng đầu: arche có nghĩa là thứ nhất, tương đương với tiếng La-tinh là primus (rồi từ đó mới ra danh từ primatus). Vì vậy thiết tưởng nên gọi là giám mục “trưởng” hoặc “cả”, nghĩa là giám mục niên trưởng trong giáo tỉnh, chủ toạ các buổi hội họp của các giám mục.
Nghe nói còn có chức “tổng linh mục” và “tổng phó tế” nữa phải không?
Ở Việt Nam không có ai mang chức vụ “tổng linh mục” hay “tổng phó tế”, nhưng trong lịch sử giáo hội, người ta thấy có các chức vụ archipresbyter và archidiaconus. Thoạt nghe nói đến “tổng linh mục” có lẽ có người sẽ liên tưởng ngay đến Cha Chính địa phận (nay gọi là “Tổng đại diện”). Sự thực không phải như vậy. Theo lịch sử, archipresbyter không phải là một linh mục đứng trên các linh mục khác, nhưng chỉ là linh mục “trưởng”, tương đương với chức vụ “quản hạt” hiện nay. Nói cho đúng, vai trò của archipresbyter đã biến chuyển nhiều trải qua thời đại. Vào lúc đầu, chức vụ này tương đương với linh mục phụ trách một họ đạo chính, với quyền cử hành tất cả các bí tích (khác với các nhà thờ họ lẻ). Từ thời Trung Cổ, khi các giáo xứ được gom thành các hạt, vì linh mục quản hạt được gọi là “tổng linh mục”. Sau công đồng Trentô, các quản hạt được gọi là vicarius foraneus, nhưng nhiều nơi vẫn còn giữ gốc cổ, chẳng hạn như trong tiếng Anh, cha quản hạt được gọi là “Dean”, có nghĩa là niên trưởng. Riêng tại Rôma, các hồng y đặc trách bốn đại thánh đường cũng được gọi là “tổng linh mục”.
Tổng phó tế là người đứng đầu các phó tế phải không?
Tước hiệu archidiaconus thay đổi ý nghĩa tuỳ thời tuỳ nơi. Có lẽ vào thời xưa, archidiaconus là người đứng đầu các phó tế. Nhưng vào thời Trung Cổ, chức vụ này được hiểu về tổng quản lý giáo phận. Nên biết là diaconus không phải là “phó tế” (giúp việc tế lễ), nhưng là người “phục vụ”, cách riêng là phục vụ người nghèo theo như nghĩa đã ấn định ở chương 6 sách Tông Đồ Công Vụ. Để phục vụ thì phải có tài sản; từ đó không lạ gì mà các giám mục giao việc quản lý tài sản cho các diaconus (dịch là “trợ tá” thì đúng hơn là “phó tế”), và “tổng trợ tá” giám sát công việc của các trợ tá. Sang thời Trung Cổ, cách riêng vào những thế kỷ XI-XII, chức vụ “Tổng trợ tá” trở thành nhân vật số 2 trong giáo phận, chỉ sau giám mục. Tổng trợ tá cũng có chức linh mục, và giám sát kỷ luật cũng như việc quản lý trong toàn giáo phận. Nói khác đi, chức “Tổng trợ tá” (tổng phó tế) còn lớn hơn chức “tổng linh mục” (nghĩa là các cha quản hạt) nữa. Kể từ công đồng Trentô, giáo luật đặt ra chức “Tổng đại diện”, vì thế chức vụ “tổng phó tế” mất chỗ đứng. Tuy nhiên, Giáo Hội Anh giáo vẫn còn giữ lại chức vụ “tổng phó tế”, được coi như một nhân vật thân tín của giám mục, và được ủy thác việc cai quản một vài lãnh vực trong giáo phận. Dù sao, thiết tưởng cũng nên biết là trong giáo triều Rôma, vị hồng y trưởng đẳng phó tế được gọi là Protodiaconus, chứ không phải là “archidiaconus”: “proto” chỉ có nghĩa là “thứ nhất” (“trưởng”, “cả”; chứ không phải là “tổng”).
Lm. Phan Tấn Thành, O.P.
https://www.giaophanbaria.org/chuyen-de/thanh-giuse/2019/03/18/tai-sao-thanh-giuse-duoc-goi-la-thanh-ca-phung-vu-con-goi-ai-la-thanh-ca-nua-khong.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét