Trang

Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2021

Phái Ngũ Tuần và những thách đố cho Giáo hội Công giáo

 

Phái Ngũ Tuần và những thách đố cho Giáo hội Công giáo

      
  •  


PHÁI NGŨ TUẦN VÀ NHỮNG THÁCH ĐỐ CHO GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Một số thông tin

Phái Ngũ Tuần hay còn được gọi là phong trào Hiện Xuống (Pentecostalism) mới chỉ bùng nổ vào những năm 1906-1909 ở Azusa Street tại Los Angeles (Hoa Kỳ), thế mà chỉ sau 100 năm, số tín đồ hiện tại (bao gồm cả phong trào canh tân đặc sủng của Công giáo) đã lên tới 600 triệu người, nghĩa là trở thành cộng đồng Kitô hữu lớn hàng thứ hai, chỉ sau Giáo hội Công giáo (1 tỷ 100 triệu) và lớn hơn các Giáo hội Tin Lành khác. Riêng tại Á châu, con số tín đồ thuộc phong trào này đã lên tới 135 triệu, phần lớn ở Hàn quốc, Trung Hoa, An Độ, Indonesia, nhưng cũng khá mạnh tại Philippines, Myanmar và Nhật Bản.

Sự phát triển của phong trào Hiện Xuống đồng thời cũng là mối đe dọa nặng nề cho Giáo hội Công giáo, bởi lẽ khá nhiều tín hữu công giáo đã rời bỏ Giáo hội để gia nhập phong trào này. Từ sheep-stealing (ăn cắp chiên) được sử dụng nghe sao cay đắng và xót xa cho dẫu phản ánh khá trung thực cách thế mà phong trào này áp dụng để lôi kéo tín đồ, những cách thế không mấy phù hợp với tinh thần Kitô giáo. Tình hình này đã là nỗi băn khoăn mà các giám mục từ nhiều miền trên thế giới đề cập với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI suốt 20 năm qua.

Ngoài ra, cũng nên ghi nhận phong trào này đã có mặt tại Việt Nam nhưng xem ra người Công giáo Việt Nam không nắm được tình hình. Theo phân tích của các chuyên viên thì phong trào này đã có mặt tại nhiều nước trong khu vực Á châu nhưng ở những giai đoạn khác nhau: giai đoạn ấu thơ, giai đoạn đang phát triển, và giai đoạn thành công rực rỡ.  Theo đó, phong trào Hiện Xuống tại Việt Nam được xếp vào giai đoạn ấu thơ, nghĩa là đã có sự hiện diện và đang tìm đường phát triển. Từ khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO, cánh cửa đất nước mở rộng cho tiến trình toàn cầu hoá, đây là cơ hội thuận tiện cho phong trào này phát triển mạnh như tại Hàn quốc, Singapore, Malaysia, Philippines, và Indonesia.

Và những bài học

Những thông tin trên kéo theo những nỗi e ngại khi tự hỏi: Giáo hội Công giáo tại Việt Nam đã biết đến tình hình này chưa? Đối diện với tình hình đó, định hướng mục vụ nào có thể được coi là thích hợp và hiệu quả nhất?

Có lẽ phản ứng tự nhiên là lên án, lên án những sai lầm về mặt đức tin cũng như cách thế chiêu dụ tín đồ của phong trào này. Thế nhưng nếu chỉ ngưng lại ở đó thì liệu có ích lợi gì ? Chính ở đây, khá nhiều bài học có thể rút ra từ kinh nghiệm mục vụ của các Giáo hội chị em tại châu Á.

Bài học đầu tiên là cần mang lấy một lối nhìn tích cực hơn là tiêu cực, nghĩa là khám phá nơi đó sự hồi sinh tôn giáo. Chính Đức Gioan Phaolô II là người đi bước trước về thái độ này. Trong thông điệp Redemptor hominis, Ngài đã nhìn vấn đề và những thách đố của nó trong bối cảnh của một cuộc hồi sinh tôn giáo khi ngài viết: “Thời đại chúng ta vừa vĩ đại vừa hấp dẫn. Một đàng, trong khi xem ra người ta đang theo đuổi sự thịnh vượng vật chất và càng lúc càng chìm sâu trong chủ nghĩa tiêu thụ và duy vật, đàng khác ta lại đang chứng kiến sự kiếm tìm ý nghĩa đời sống, nhu cầu đời sống nội tâm, và một khát vọng học hỏi những hình thức và phương pháp mới giúp suy niệm và cầu nguyện. Không chỉ trong các nền văn hoá vốn có những yếu tố mạnh về tôn giáo nhưng ngay cả trong những xã hội tục hoá, người ta vẫn kiếm tìm chiều kích thiêng liêng của đời sống như phương thuốc chống lại tình trạng phi nhân. Hiện tượng này, cái được gọi là sự hồi sinh tôn giáo, không phải là không mơ hồ nhưng cũng là một cơ may” (số 38). Là một cơ may bởi lẽ người môn đệ Chúa Giêsu có thể giới thiệu cho thời đại này Tin Mừng như là lời đáp trả tuyệt hảo cho những khát vọng căn bản và sâu xa nhất của con người. Thế nhưng vấn đề là tại sao người ta không tìm thấy câu trả lời trong Giáo hội Công giáo mà lại đi tìm ở nơi khác, kể cả người Công giáo cũng bỏ đạo mà đi theo họ?

Câu hỏi đó dẫn đến bài học thứ hai mà hội nghị này muốn mọi tham dự viên quan tâm, ấy là thay vì trách người thì phải trách mình, thay vì vội vã lên án thì phải tự tra vấn cung cách làm mục vụ của mình. Đức Hồng y Walter Kasper đã nhấn mạnh đặc biệt điểm này khi ngài nói: Phản ứng đầu tiên của ta là phải nghiêm túc xét lại cách làm mục vụ của mình. Phải tự hỏi xem tại sao một số người Công giáo lại bỏ Giáo hội và trở thành những nạn nhân của các giáo phái và các nhóm ngoài Công giáo? Chúng ta không nên chỉ dừng lại với câu hỏi: đâu là điểm sai lầm của những giáo phái này, nhưng phải tự hỏi chính mình sai ở chỗ nào? Trong lòng Giáo hội, tín hữu cảm thấy thiếu thốn điều gì đến nỗi phải bỏ Giáo hội mà đi tìm trong những phong trào và giáo phái khác? Ta có thể học được điều gì từ họ?

Phong trào Hiện Xuống nhấn mạnh đến ba điểm, có thể được tóm tắt bằng ba từ tiếng Anh: believing, belonging, và behaving.

Believing là tin. Dĩ nhiên cả người Công giáo cũng như tín đồ của phong trào Hiện Xuống đều nhấn mạnh đến đức tin. Thế nhưng điều đáng nói là phong trào Hiện Xuống đề cao cảm nghiệm, cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa, cảm nghiệm sự hiện diện và tác động của Thánh Thần, được biểu hiện cách cụ thể qua các đặc sủng, việc nói tiếng lạ, chữa lành bệnh tật thể xác cũng như tâm hồn... Những câu hỏi mà các tín đồ của phong trào Hiện Xuống hay đặt ra cho người khác là: Bạn đã gặp Chúa chưa? Bạn đã nhận Chúa Giêsu vào lòng bạn chưa? Bạn đã thực sự là Kitô hữu chưa? Bạn có cảm nghiệm được tình yêu của Chúa chưa?  Đồng thời những buổi cầu nguyện của phong trào này thường đầy cảm xúc, tác động mạnh trên tình cảm của người tham dự.  Trong khi đó, xem ra phía Công giáo nhấn mạnh nhiều đến chân lý về mặt tri thức và có vẻ coi nhẹ cảm nghiệm vì cho rằng nó nặng cảm tính và dễ mang tính chủ quan. Câu hỏi có thể đặt ra là phải chăng chúng ta đã quá nhấn mạnh đến ý tưởng hơn là tình cảm, đến chân lý khách quan (objectivity) mà xem thường sự đáp ứng chủ quan của tín hữu (subjectivity)? Chẳng hạn như trong công tác giảng dạy, ta nhấn mạnh nhiều đến những lý luận mà không quan tâm xem những lý luận đó tác động trên tình cảm người nghe ra sao và được đón nhận thế nào. Rồi cử hành phụng vụ của ta không biết có tác động trên tâm hồn người tham dự không hay chỉ là những nghi thức máy móc, vô hồn? Nếu khoa tâm lý ngày nay nói với ta rằng không phải những ý tưởng nhưng chính tình cảm mới là cái gì sâu xa nhất nơi con người và có thể huy động sức mạnh của toàn bộ con người, thì nhận xét đó lại chẳng nên quan tâm trong cung cách làm mục vụ sao?

Thế rồi khi người Kitô hữu đặt niềm tin vào Chúa Kitô, thì đồng thời họ thuộc về Giáo hội của Chúa, đó là belonging. Nói về mặt lý thuyết là thế nhưng vấn đề là trong thực tế, người tín hữu có cảm nhận được rằng họ đang thuộc về một cộng đoàn, và được cộng đoàn đó yêu thương, quan tâm chăm sóc không. Không ít người cho rằng các cộng đoàn giáo xứ công giáo thường rộng lớn với nhiều ngàn người, vì thế khi đến nhà thờ dâng Thánh lễ, nhiều tín hữu cảm thấy mình như kẻ xa lạ và vô danh chứ không phải là thành viên của một cộng đoàn. Ấy là chưa kể đến một vài người có trách nhiệm mục vụ lại thích mang bộ mặt hình sự với giáo dân! Có vị giám mục Hồng Kông kể rằng có nhiều người công giáo Philippines sang Hồng Kông làm việc, và mỗi Chúa nhật, họ đến dự những buổi cầu nguyện của phong trào Hiện Xuống chứ không đi dâng lễ. Lý do là vì ở đó họ gặp được sự đón tiếp rất nồng hậu và cảm thấy được thoát ra khỏi tâm trạng cô đơn của những người phải làm việc xa nhà. Còn vị giám mục ở Mindanao, Philippines thì chia sẻ rằng ngài không phải lo lắng gì về phong trào này trong giáo phận của ngài, vì phần lớn các tín hữu thuộc về những cộng đoàn giáo hội cơ bản rất gắn bó với nhau và quan tâm chăm sóc cho nhau những gì rất cụ thể trong đời sống. Âu cũng là những kinh nghiệm quý báu cho các mục tử.

Cuối cùng, behaving là lối sống của những ai tin vào Chúa Kitô. Ở đây không muốn nói đến chuyện luân lý đạo đức nhưng chỉ liên tưởng đến điều mà Đức Hồng y Walter Kasper nhìn nhận rằng người Công giáo nên học hỏi từ các tín đồ của phong trào Hiện Xuống, ấy là dám tuyên xưng và làm chứng cho đức tin của mình. Cho dẫu không bằng lòng với cách thế loan báo Tin Mừng và chiêu dụ tín đồ của phong trào này, ta vẫn không thể phủ nhận sự nhiệt thành và lòng can đảm của họ trong việc giới thiệu Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài cho người khác. Họ sẵn sàng nói về Chúa ở bất cứ nơi đâu và nói say sưa, nói với tất cả xác tín. Còn người Công giáo thì sao? Trong nghi thức rửa tội, sau khi mời gọi người xin lãnh nhận Phép Rửa tuyên xưng đức tin, vị chủ sự kết thúc “Đó là đức tin của chúng ta, đó là đức tin của Hội Thánh. Chúng ta hãnh diện tuyên xưng đức tin đó trong Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta.” Thế nhưng không biết người Công giáo có thực sự hãnh diện về đức tin của mình không? Có trang báo nào đó kể rằng trong một lớp học, khi giáo sư hỏi sinh viên nào là người Công giáo, chỉ có hai, ba cánh tay ngần ngại giơ lên đang khi có ít nhất là 10 sinh viên Công giáo trong lớp! Hình như mỗi lần ngồi ăn trong nhà hàng hay ngoài quán chợ, người Công giáo cũng cảm thấy ngại ngùng khi phải làm dấu Thánh Giá trước bữa ăn. Nghe những nhận xét đó, có người giáo dân phản ứng ngược lại: ngay cả các cha, khi ra ngoài đường, cũng không muốn cho người khác biết mình là linh mục công giáo nữa là! Mà đã không hãnh diện về niềm tin của mình thì còn nói gì đến chuyện giới thiệu cho người khác, có chăng cũng chỉ là nói theo bổn phận thôi.

Như thế, khi thay đổi lối nhìn, người Kitô hữu  khám phá ra nhiều điều mình có thể và cần học hỏi từ người khác. Cùng với những bài học đó, chúng ta được nhắc nhớ về tầm quan trọng của việc dạy giáo lý. Theo các chuyên viên, hầu hết những người Công giáo rời bỏ Giáo hội để gia nhập phong trào Hiện Xuống là những người dân sống trong vùng nông thôn hoặc trong những khu ngoại ô nghèo. Và lý do sâu xa khiến họ rời bỏ Giáo hội là do thiếu hiểu biết về giáo lý. Thiếu hiểu biết về giáo lý nên dễ bị lung lạc trước những lời tố cáo Giáo hội không trung thành với Chúa Giêsu và Tin Mừng của Chúa. Do đó, Giáo hội Công giáo cần phải có nỗ lực mới trong việc giảng dạy giáo lý, đặc biệt là cho giới trẻ, để họ thực sự hiểu biết niềm tin của mình và vững vàng trước những tấn công của bất cứ ai. Theo Đức Hồng y Walter Kasper, để có thể làm công việc này cách hiệu quả, bước đầu tiên mà các Giáo hội địa phương phải quan tâm là đào tạo đội ngũ giảng viên giáo lý thật tốt, vì chính qua họ mà việc dạy giáo lý trong các giáo xứ và các cộng đoàn mới có thể đạt hiệu quả. Đây chính là công việc mục vụ cần được quan tâm đặc biệt trong Năm Đức Tin.

Kết luận

Phong trào Hiện Xuống là một thách đố lớn vì gây ra nhiều khó khăn cho đời sống Giáo hội. Nhưng cũng lại là cơ may vì không cho phép Giáo hội ngủ quên trong chiến thắng, đồng thời thúc bách Giáo hội đào sâu đức tin cũng như đổi mới cung cách làm mục vụ của mình. Vấn đề là làm sao biết vận dụng kairos (thời điểm) này và biến thách đố thành cơ may, thành lễ Hiện Xuống mới. Câu trả lời dĩ nhiên là của Chúa Thánh Thần nhưng cũng không loại trừ sự cộng tác của mỗi người và mọi người trong Giáo hội, cách riêng là các vị lãnh đạo cộng đoàn Dân Chúa.

WHĐ (28.02.2021)
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 76 (Tháng 05 & 06 năm 2013)


https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/phai-ngu-tuan-va-nhung-thach-do-cho-giao-hoi-cong-giao-41524

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét