Bài giảng Lễ kính Chân phước Anrê Phú Yên
Tại Nhà thờ Mằng Lăng, ngày 26/07/2012
(Kn 3,1-9; Rm 8,31b-39; Ga 12,24-26)
Gm. Matthêu Nguyễn Văn Khôi
Giáo phận Qui Nhơn
Hôm nay, ngày 26-7, cùng với toàn thể Hội Thánh tại Việt
Nam, Giáo phận Qui Nhơn hân hoan và long trọng cử hành Thánh lễ tưởng niệm lần
thứ 368 cuộc tử đạo anh hùng của Á thánh Thầy giảng Anrê Phú Yên ngay tại quê
hương Mằng Lăng của thầy. Thầy là người chứng thứ nhất của Hội Thánh Việt Nam , là người con ưu tú của Giáo phận Qui Nhơn,
là một giảng viên giáo lý nhiệt thành, là mẫu gương sống đạo không những của
giới trẻ Công giáo Việt Nam ,
mà còn của giới trẻ Công giáo trên toàn thế giới.
Đặc biệt năm nay, 2012, Giáo phận Qui Nhơn bắt đầu năm đầu
tiên trong 6 năm chuẩn bị gần hướng đến Năm Thánh 2018, kỷ niệm 400 năm Tin
Mừng được rao giảng tại giáo phận. Thời gian chuẩn bị bao gồm một chiều kích
thiêng liêng và một định hướng truyền giáo. Trong suốt năm nay, ngoài việc sám
hối và thanh tẩy thuộc chiều kích thiêng liêng, mọi thành phần Dân Chúa trong
giáo phận còn ra sức tìm hiểu và học hỏi lịch sử giáo phận thời kỳ sơ khai, từ
năm 1618 đến 1659, tức là giai đoạn truyền giáo do các thừa sai Dòng Tên thực
hiện, trong đó Thầy giảng Anrê Phú Yên là nhân vật nổi bật với tư cách là vị tử
đạo tiên khởi của toàn thể Hội Thánh Việt Nam. Vì vậy, đời sống thánh thiện và
cuộc tử đạo anh hùng của thầy trở thành đề tài học hỏi cho chúng ta trong suốt
năm 2012, đặc biệt trong ngày lễ hôm nay.
Trong sứ điệp gửi Đại hội Giới trẻ lần thứ XVII tại Toronto,
Canada, từ ngày 23 đến 28-7-2002, với chủ đề: “Anh em là muối đất, là ánh sáng
trần gian” (Mt 5,13-14), Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nêu tên 10 vị thánh
trẻ để làm gương mẫu cho giới trẻ thế giới. Đứng đầu danh sách là Thánh Anê của
thành Rôma, tiếp đến là Á thánh Anrê Phú Yên của Giáo phận Qui Nhơn chúng ta.
Cả hai vị này đều có những điểm rất giống nhau. Trước hết, cả Thánh Anê và Á
thánh Anrê Phú Yên đều là những người trẻ còn ở độ “tuổi tin” (teenage), tức là
dưới 20 tuổi. Cuộc tử đạo của hai vị cũng có những nét giống nhau đến kỳ lạ và
cùng chứng tỏ một tình yêu tha thiết đối với Đức Kitô.
Theo khảo luận của Thánh Ambrôxiô giám mục, Thánh nữ Anê
chưa đủ sức chịu nổi lưỡi đòng đâm thâu, thế mà lại có sức thắng được lưỡi đòng
ấy. Chưa đủ sức chịu khổ mà đã thừa sức chiến thắng. Tuy chưa biết chết là gì,
nhưng người thiếu nữ ấy đã sẵn sàng đưa thân ra đón lưỡi gươm của tên lính hung
bạo. Tuổi đời còn non dại mà đã là bậc thầy về chí can trường. Tân nương vội vã
tới loan phòng cũng không lẹ bằng người trinh nữ này vui vẻ tiến ra nơi hành
quyết để được mau mắn gặp gỡ Đức Kitô. Mọi người đều khóc thương, nhưng chính
cô thì không. Nhiều người lấy làm lạ vì thấy sao cô dễ dàng xả thân như thế;
chưa được hưởng cuộc đời mà cô đã rộng rãi cho đi như là đã hoàn toàn mãn
nguyện. Ai nấy đều kinh ngạc, vì ở tuổi đó các thiếu nữ chưa làm chủ được chính
mình, thế mà cô đã có khả năng làm chứng cho Thiên Chúa. (x. Lễ Thánh Anê trinh
nữ tử đạo, trong Kinh sách. Các bài đọc, quyển III, tr. 530-532).
Trong bản tường trình đầu tiên của Cha Đắc Lộ về cuộc tử đạo
của Thầy giảng Anrê Phú Yên (01-08-1644), khi Cha hỏi thầy xem có điều gì làm
cho thầy phải đau lòng không, thầy trả lời rằng thầy không có điều gì phải hối
tiếc cả, tâm hồn thầy rất hài lòng đến nỗi lồng ngực như nổ tung ra vì sung
sướng. Và thầy làm chứng cho những lời đó qua sự thanh thản của một nét mặt như
thiên thần. Một thanh niên mới lớn đang tràn đầy sức sống mà không tiếc tuổi
thanh xuân; tuy còn mang dáng dấp thư sinh chưa một lần chạm đến binh khí hay được
tập luyện để làm chiến binh, thế mà có thể xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, như
một vị tướng quân trên chiến trường trong truyền thống hào hùng của dân tộc.
Dân chúng đến xem thật đông, cả giáo lẫn lương. Đặc biệt những người lương tỏ
ra ngỡ ngàng khi thấy có người muốn chết vì đạo và vì chân lý, đó là một việc
chưa từng có trong xứ sở của họ. Người ta điệu thầy ra pháp trường, nhưng trong
lúc mọi người cảm thấy ái ngại cho thầy thì nét mặt của thầy lộ vẻ thanh thản
vui tươi, bước chân của thầy nhanh nhẹn đến nỗi Cha Đắc Lộ và các tín hữu phải
chạy theo và vất vả lắm mới theo kịp thầy. Khi đến pháp trường, thầy mau mắn
quỳ xuống cầu nguyện, lớn tiếng khuyên bảo mọi người và sẵn sàng đón nhận cái
chết. Thầy đã nhận lãnh 3 nhát giáo đâm và 1 nhát đao chém đầu trong khi miệng
vẫn không ngừng kêu tên cực trong Giêsu với tất cả tâm tình yêu mến (x. Bản
tường trình đầu tiên của Cha Đắc Lộ, trong Rực sáng một vì sao, Tìm về chân
dung Á thánh Anrê Phú Yên (1625-1644), NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2006, tr. 13-15).
Thái độ thanh thản của Á thánh Anrê Phú Yên trước cái chết
phát xuất từ niềm xác tín vào tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu mạnh hơn sự
chết hay bất cứ một sức mạnh phân ly nào khác, như lời Thánh Phaolô khẳng định
trong Bài đọc II trích thư gửi giáo đoàn Rôma: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi
tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khó, đói rách, hiểm nguy,
bắt bớ, gươm giáo?… Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên
thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào,
trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách
được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa
chúng ta” (Rm 8,35.38-39).
Nhưng chắc chắn điều làm cho Á thánh Anrê Phú Yên sẵn lòng
đón nhận cái chết cách vui vẻ nhất chính là lời khẳng định và đồng thời cũng là
lời hứa của Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng hôm nay: “Ai yêu quý mạng sống mình
thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho
sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ
Thầy cũng ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy” (Ga 12,25-26).
Hơn nữa, niềm vui tử đạo của Á thánh Anrê Phú Yên không chỉ phát sinh từ phần
thưởng lớn lao mà bản thân thầy sẽ được hưởng theo lời hứa của Đức Kitô, nhưng
còn do thầy biết rằng những giọt máu của thầy đổ ra sẽ là hạt giống phát sinh
nhiều Kitô hữu khác, như lời Đức Kitô đã nói trước đó: “Thật, Thầy bảo thật anh
em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một
mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Đó là niềm
vui của người đi gieo trong lệ sầu để rồi gặt hái trong hân hoan.
Niềm vui là nét đặc trưng của tuổi trẻ. Á thánh Anrê Phú Yên
được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nêu lên như một mẫu gương của giới trẻ, vì
thầy có một tâm hồn luôn vui tươi ngay cả khi phải chịu cực hình. Tuy nhiên, sở
dĩ thầy có được niềm vui và sự thanh thản như thế là vì tâm hồn thầy không vẩn
đục, nhưng trong sạch, thánh thiện và chiếu toả ánh sáng của Thiên Chúa.
Á thánh Anrê Phú Yên đã vui vẻ và thanh thản chịu cực hình
và chịu chết vì đạo, nên bây giờ thầy đáng hưởng bình an và niềm vui thiên quốc,
như lời sách Khôn Ngoan trong Bài đọc I: “Linh hồn người công chính ở trong tay
Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa. Bọn ngu si coi họ như đã
chết rồi; khi họ ra đi, chúng cho là họ gặp phải điều vô phúc. Lúc họ xa rời
chúng ta, chúng tưởng là họ bị tiêu diệt, nhưng thật ra họ đang hưởng an bình”
(Kn 3,1-3).
Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho tất cả chúng ta, đặc biệt các
anh chị em giảng viên giáo lý và các bạn trẻ, biết noi gương Á thánh Anrê Phú
Yên, luôn sống trong sạch và thánh thiện, hết lòng yêu mến Đức Kitô và luôn gắn
bó với Người, để tâm hồn chúng ta luôn được bình an, vui tươi và hạnh phúc ở
đời này, và ngày sau được cùng với Á thánh Anrê vui hưởng niềm vui và hạnh phúc
vĩnh cửu trên trời.
+ Gm. Matthêu Nguyễn Văn Khôi
Nguồn: truyền thông công giáo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét