Trang

Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

Quyền Năng Của Thiên Chúa




Quyền Năng Của Thiên Chúa
(Sách Các Vua II 4,42-44; Thư Êphêsô 4,1-6; Tin Mừng Yoan 6,1-15)

Suy Niệm:
Chúa Nhật XVII Thường Niên Năm B
Sách Các Vua II 4,42-44; Thư Êphêsô 4,1-6; Tin Mừng Yoan 6,1-15
Chúng ta có thể nghĩ cả ba bài đọc hôm nay muốn chúng ta suy nghĩ về Thánh Thể là bánh hằng sống có sức nuôi cả nhân loại để họ được hợp nhất nên một. Nhưng không tất nhiên phải hiểu như vậy. Chúng ta cứ thử đọc lại từng bài. Sẽ có nhiều tư tưởng và chân lý phong phú không ngờ, làm giàu đời sống hằng ngày của chúng ta.

1. Bài Học Về Quyền Năng Của Thiên Chúa
Dĩ nhiên phụng vụ chọn đoạn sách Các Vua hôm nay để dẫn vào bài Tin Mừng. Nhưng chính đoạn sách này cũng có giá trị của nó. Và giáo lý ở đây cũng không kém phần sâu sắc.
Ðây là một câu chuyện lớn và là một phép lạ. 20 ổ bánh mà dọn được cho 100 người ăn no mà còn dư nữa. Thế mà tác giả hầu như không có một hứng thú nào khi kể lại một việc như thế. Người ta muốn ông phải thuật truyện sống động hơn và phải thêm nhiều chi tiết nữa. Phải nói người của Thiên Chúa tên là gì? Ðang ở đâu? Vì sao lúc ấy lại đang có 100 người ở tại chỗ đó? Và kẻ mang bánh từ nơi xa đến tên họ thế nào? Già hay trẻ? v.v... Dường như đây không phải là một bài thuật truyện. Tác giả viết vắn tắt và thiếu hứng khởi� đang khi lẽ ra phép lạ này phải làm ông kinh ngạc và gây chấn động, như chúng ta thấy trong bài Tin Mừng hôm nay.
Người ta đã cố gắng bổ khuyết những thiếu sót trên đây bằng cách nại đến văn mạch... Quả vậy, nếu đọc nối với đoạn trên, người ta có thể xây dựng lại câu chuyện như sau:
Bấy giờ Êlisê đã trở lại Gilgal gần Yêrikô trong xứ đang có nạn đói. Con cái tiên tri (tức là môn đồ của nhà tiên tri) đang ngồi trước mặt ông để nghe thuyết giáo. Chợt một người đến. Anh ta từ Shalishah, tức khoảng 70 cây số lại đây. Anh đến dâng bánh đầu mùa cho Thiên Chúa như luật dạy (Lêvi 23,20). Êlisê dùng quyền tiên tri, tương đương với quyền tư tế, truyền lấy bánh đó cho môn đồ ăn. Họ thì đông mà lại đang đói, thì 20 cái bánh kia sẽ thấm vào đâu? Êlisê bảo cứ dọn ra, vì lời Chúa phán: chúng sẽ ăn mà còn dư nữa. Và đã xảy ra như vậy thật.
Nhưng dù có xây dựng lại câu truyện như thế chúng ta vẫn chưa giải thích được thắc mắc trên đây: tại sao một phép lạ lớn như vậy đã không khiến được ngòi bút của tác giả linh hoạt và hào hứng hơn? Cuối cùng, đọc thêm nhiều đoạn khác trong quyển sách Các Vua này, người ta mới thấy rằng: khi kể lại nhiều phép lạ trong cuộc đời của Êlisê, tác giả không muốn kể truyện, nhưng chỉ ưu tư dạy đạo... Ông coi thường các nét tả và chú ý tới giáo thuyết. Ở đây cũng như trong nhiều câu truyện về Êlisê, ông muốn làm nổi bật nhà tiên tri này lên để tỏ ra vị này không kém gì Êlia là nhà tiên tri lừng danh đã chọn Êlisê để kế nghiệp. Tác giả phải đề cao các môn đệ chứng tỏ thần trí của Êlia vẫn còn tiếp tục và phong trào tiên tri trong dân Chúa thật đáng kính phục. Bài của tác giả không muốn cho chúng ta chú trọng tới phép lạ nhưng tới các nhà tiên tri, tới quyền năng của ông, tức là tới sức mạnh của Lời Chúa trong con người được gọi làm tiên tri. Rõ ràng chính Êlisê không làm phép lạ. Ông tuyên bố: Lời Chúa phán thế này: chúng sẽ ăn mà còn dư nữa. Và đã xảy ra như vậy, thì người ta phải kết luận: Lời Chúa, tức là chính Chúa đã làm phép lạ, củng cố uy tín cho nhà tiên tri.
Như vậy câu truyện trên đây có thể được coi như là một "hạnh thánh". Tác giả không muốn làm văn khi thuật truyện. Ông quan tâm làm nổi bật tính cách thiêng thánh. Những nét tả trở thành không quan trọng. Chính sự can thiệp của Thiên Chúa vào đời sống con người là điều phải ngưỡng mộ. Ở đây, chúng ta phải bỏ hết mọi chi tiết để nhớ rằng: Thiên Chúa đã cho một người ở xa đến, mang một ít bánh nuôi sống một số đông người đang đói để tăng uy tín cho người của Thiên Chúa và cho phong trào tiên tri ở trong dân Người.
Những ý tưởng tốt đẹp của bài sách Các Vua có thể dẫn chúng ta vào bài Tin Mừng hôm nay.

2. Quyền Năng Của Chúa Ðã Tỏ Hiện
Như trên đã nói, chúng ta có thể hiểu bài Tin Mừng này về Thánh Thể. Nhưng chúng ta hãy xem câu kết: "Thấy phép lạ Ngài vừa làm, người ta nói: hẳn Ngài là vị tiên tri. Ðấng sẽ đến trong thế gian". Như vậy hiệu quả trước mắt và cũng là ý nghĩa đầu tiên của phép lạ bánh hóa ra nhiều này là mạc khải cho người ta thấy quyền năng của Ðức Yêsu, và do đó nguồn gốc cao siêu của Người. Chúng ta không chối và chúng ta sẽ làm chứng, tác giả bài Tin Mừng hôm nay khi kể lại câu truyện phép lạ đã muốn có nhiều gợi ý về Thánh Thể. Nhưng đó là ý tứ thứ hai, có sau và tựa vào ý tứ thứ nhất là mạc khải thêm về con người Ðức Yêsu.
Thật vậy, nếu đọc cả bốn sách Tin Mừng, chúng ta có thể ngạc nhiên vì việc hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng là phép lạ duy nhất được cả bốn sách cùng thuật lại. Những phép lạ khác có thể được hai hoặc ba sách cùng nói, nhưng chẳng bao giờ được bốn sách cùng kể. Ðiều này cho thấy phép lạ hóa bánh ra nhiều có giá trị đặc biệt và giữ vai trò quan trọng trong lời giáo huấn và đời sống của Hội Thánh thời khai nguyên.
Nhưng một truyện được bốn tác giả viết lại, không ít thì nhiều sẽ có những sắc thái và những chi tiết hơi khác nhau tuỳ theo người viết. Chẳng hạn, không có tác giả nào như Yoan đã có một bài suy tư dài theo sau bài tường thuật phép lạ. Và cũng chẳng giống ai, ông để cho một mình Ðức Yêsu đóng vai chủ động và hầu như độc diễn trong câu truyện này. Nơi ba tác giả kia, các tông đồ như được kêu mời hợp tác tích cực. Nào là có sáng kiến đến xin Ðức Yêsu cho dân về để mua thức ăn (Mt 14,15); nào là bảo dân ngồi xuống từng hàng 100 người (Mc 6,39-40); nào là cầm bánh đi phát cho người ta (Lc 9,16). Theo Yoan, một mình Ðức Yêsu làm tất cả; vì ông muốn mọi cái nhìn của chúng ta phải quy về một mình Người. Sách của ông chỉ muốn làm nổi bật một mình Ðức Yêsu: mỗi nhân vật khác chỉ đóng vai phụ.
Ở đây ông cũng nói đến tên tông đồ Philipphê và Anrê, em của Simôn Phêrô. Nhưng ông này quê quán ở Bétsaiđa, tức là địa phương mà Ðức Yêsu đang ở khi xảy ra câu truyện này. Có lẽ Người đã trao đổi với hai người địa phương để làm cho người ta thấy rõ hoàn cảnh thật là vô vọng, vì Người đã biến trước việc Người sắp làm. Họ trình Người: "200 đồng quan bánh cũng không đủ cho họ để mỗi người được một chút đỉnh". Số tiền lớn lắm chứ. Nó ngang với 200 công nhật. Bòn vét đâu cho ra nơi hoang vắng này? Và nếu có số tiền ấy, cũng mua được đâu ra bánh? Tại chỗ, nơi có khoảng 5,000 người tụ họp mà cũng chỉ có một đứa bé có 5 chiếc bánh lúa mạch và 2 con cá. Chúng ta có thể coi em nhỏ này là "đứa bé bán bánh mì" trong vùng, vì chỉ có một mình em thôi. Và phải có Anrê quê quán ở đây mới tinh mắt nhận ra.
Nhưng ngần ấy thì thấm vào đâu! Ðó là thực trạng của hoàn cảnh lúc bấy giờ. Philipphê và Anrê đã đóng vai phụ để làm nổi bật công việc Ðức Yêsu sắp làm.
Tác giả Yoan còn chú thích: hôm ấy Ðức Yêsu vượt qua biển sang bên kia bờ; một đám đông dân chúng đi theo Người; và bấy giờ lại sắp đến lễ Vượt quan của người Dothái. Có lẽ chẳng khi nào tác giả viết một mạc khải nào lớn về Ðức Yêsu mà lại không đặt nó vào trong bối cảnh một ngày đại lễ. Ðiều này làm chứng Người có tinh thần phụng vụ; và chúng ta phải hiểu các ý tưởng của Người theo phụng vụ nữa. Ðàng khác các ngày lễ phụng vụ lại gợi lên lịch sử dân Chúa và lịch sử cứu độ. Thế nên sách của tác giả Yoan đòi được giải thích cả trong chiều hướng lịch sử thánh cũng gọi là nhiệm cục cứu thế.
Vậy ở đây, Yoan viết hôm ấy là khoảng trước lễ Vượt qua, và Ðức Yêsu vừa mới vượt biển và sang bên kia bờ, có đám đông dân chúng theo sau... Tác giả không muốn gợi lại hình ảnh một Môsê đưa dân vượt qua Biển Ðỏ sao? Và việc hóa bánh ra nhiều vào ngày trước lễ Vượt qua không muốn gợi lên ý tưởng bí tích Thánh Thể đã được thiết lập trước khi Ðức Yêsu vượt qua đời này để về cùng Chúa Cha là gì? Ý tứ phụng vụ và ám chỉ lịch sử thánh tỏ ra rõ rệt.
Chúng ta chưa vội suy nghĩ về bí tích Thánh Thể. Căn cứ vào câu kinh ngạc người ta thốt ra sau khi thấy phép lạ: "Hẳn Ngài là vị tiên tri, Ðấng sẽ đến trong thế gian", chúng ta hãy theo gợi ý của tác giả Yoan và so sánh Ðức Yêsu với Môsê.
Bấy giờ chúng ta sẽ phải nhớ lại sách Xuất hành đoạn 16 hay sách Dân số đoạn 11 kể chuyện dân Dothái sau khi vượt qua Biển Ðỏ để đi vào sa mạc. Họ nhớ bánh nhớ thịt của đất Aicập. Họ trách móc Môsê đã dẫn họ đến đây để họ chết đói, chết khát. Môsê chỉ còn biết đập đầu ăn vạ với Chúa. Ngài mà không cứu, chắc mạng ông sẽ chẳng còn. Chúa bảo ông cứ tuyên bố sẽ có thịt có bánh. Môsê phản ứng như các tông đồ hôm nay: ở nơi cô tịch này lấy đâu ra bánh ra thịt? Ðàng khác đểnuôi đám dân đông đảo này, phải mấy bầy súc vật lớn nhỏ? Nhưng rồi Chúa đã ban Manna và chim cút... khiến dân khiếp sợ quyền năng của Chúa và kính nể uy tín của Môsê. Từ đó hình ảnh một Môsê ban bánh thịt cho dân trong cơn quẫn bách, trở thành một tiêu chuẩn đển dân mơ ước về Ðấng tiên tri sẽ đến lãnh đạo dân ở thời thiên sai. Và câu truyện kể về Êlisê trong sách Các Vua muốn nói lên điều ấy. Dân trông chờ một vị tiên tri như Môsê sẽ đến dẫn đưa họ vượt qua cảnh đời đau khổ và tội lỗi để đi vào thời đại hạnh phục và sung túc.
Hôm nay vị tiên tri ấy đã đến nơi con người Ðức Yêsu. Người ngước mắt lên thấy dân, một dân đang cần được hướng dẫn. Người làm lại cử chỉ Môsê đã làm xưa, nhưng làm một cách siêu việt hẳn. Người nuôi dân một cách dễ dàng vì với năm chiếc bánh và hai con cá, Người nuôi cả khoảng 5,000 người. Mà lại còn dư, thu lại được 12 giỏ. Dân thấy ngay Người là Môsê mới, nên họ kêu lên: hẳn thật Ngài là vị tiên tri, Ðấng sẽ đến trong thế gian. Họ muốn rước Người như một Môsê đến làm vua ở đời này. Thế nên Người vội bỏ họ, và rút lui lên núi một mình.
Nếu thế thì rõ rệt, bài Tin Mừng hôm nay không có ý nói nhiều về Thánh Thể, nhưng chủ ý mạc khải Ðức Yêsu là Môsê mới, đến lãnh đạo dân; nhưng dân chưa hiểu Người... Người vượt xa Êlisê vì câu truyện bánh hóa ra nhiều của ông này thật là nhạt nhẽo sánh với phép lạ Ðức Yêsu vừa làm. Người là vị tiên tri đích thực của Thiên Chúa đến cứu độ trần gian.
Nói như vậy, chúng ta vẫn không muốn phủ nhận bài Tin Mừng hôm nay có một ý nghĩa đưa về Thánh Thể. Ðặc biệt những câu: Ðức Yêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, phát ra cho người ta... và bảo phải thu lại các vụn dư kẻo hư đi... đều là những câu văn phụng vụ Thánh Thể. Tác giả Yoan viết như vậy để đề cao bí tích Thánh Thể ở thời đại ông và để giới thiệu bài suy tư tiếp nối đoạn Tin Mừng này, mà chúng ta sẽ suy nghĩ vào các Chúa nhật sau.
Cố ĐGM.Bat.Nguyễn Sơn Lâm.

Hôm nay chúng ta hãy bằng lòng với lý tưởng: Ðức Yêsu là vị tiên tri mà Cựu Ước hằng hứa hẹn và Êlisê là hình ảnh rất nhạt nhẽo; Người là Môsê mới đến lãnh đạo dân ở bình diện khác hẳn với Môsê ngày trước. Người không hóa bánh ra nhiều để nuôi dân khỏi đói như Êlisê và Môsê, nhưng để bày tỏ uy quyền của Người một cách khác thường để người ta tin Người. Tất cả những điều ấy còn thiết thực đối với chúng ta, khiến giờ đây chúng ta hãy dựa vào bài Thánh Thư để biết đáp trả như thế nào.

3. Chúng Ta Hãy Sống Trong Hiệp Nhất
Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy đi đứng sao cho xứng với ơn Chúa đã kêu gọi chúng ta. Lời kêu gọi này chứng tỏ ơn gọi Kitô hữu có những đòi hỏi mà chúng ta phải có thiện chí và quyết tâm thi hành. Chắc chắn những đòi hỏi đó không ít; nhưng tất cả chỉ để sống xứng với ơn gọi. Chúng ta phải nắm vững ơn gọi này là gì để biết chấp nhận và thi hành các đòi hỏi của nó.
Ðối với thánh Phaolô, ơn gọi Kitô hữu biến chúng ta nên chi thể của một thân thể duy nhất mà chính Ðức Kitô là đầu. Nó chính là ơn gọi của Israel trở thành dân Chúa, là ơn gọi dân ngoại vào hưởng sản nghiệp các lời hứa, là ơn gọi mọi người trở nên con cái Thiên Chúa. Nhưng tất cả những điều này chỉ xảy ra nhờ Ðức Kitô và trong Ðức Kitô. Thế nên, nói rằng ơn gọi Kitô hữu muốn làm cho chúng ta trở thành chi thể của một thân thể duy nhất mà Ðức Kitô là đầu, nói như vậy là nói vắn tắt và gọn gàng hơn cả. Và đó là điều mà Ðức Yêsu muốn làm trong bài Tin Mừng hôm nay và được bài sách Các Vua dẫn vào. Người muốn mạc khải Người là vị Tiên tri Thiên Chúa sai đến, để làm một Môsê mới, kết nạp mọi người nên một dân mới có sự sống mới và lý tưởng mới.
Nếu ơn gọi của chúng ta là thế, thì muốn đáp lại chúng ta hãy sống hiệp nhất là điều rất phải. Một chi thể không thể ở lẻ loi. Nó phải liên kết chặt chẽ vào thân mình. Và vì thế chúng ta phải khiêm tốn, hiền từ đại lượng và chịu đựng để duy trì sự hiệp nhất. Ðó là những đòi hỏi tất yếu không cần chứng minh. Tuy nhiên thánh Phaolô còn khai triển thêm để chúng ta thấy ơn gọi của chúng ta cao quý như thế nào.
Người nói hiện tại chúng ta đã được kêu gọi vào cùng một niềm hy vọng, tức là Nước Trời, sản nghiệp của bao lời hứa mà việc tuôn đổ Thánh Thần xuống trong chúng ta là dấu hiệu và là bảo chứng vững vàng. Chúng ta được như vậy nhờ cùng một niềm tin, một phép rửa của một Ðức Yêsu Kitô để chúng ta hết thảy được một Thiên Chúa là Cha yêu mến của tất cả mọi người.
Thánh Phaolô nhắc đến ba nhân đức Tin, Cậy, Mến và Ba Ngôi Cha, Con và Thánh Thần. Không có quan niệm và từ ngữ nào tốt đẹp hơn nữa để diễn tả ơn gọi và lý tưởng của chúng ta. Tất cả đòi hỏi chúng ta một điều, là sống hiệp nhất.
Giờ đây chúng ta đang ở trong bầu khí hiệp nhất này. Chúng ta tham dự thánh lễ để thấy Ðức Kitô đến như vị tiên tri của Thiên Chúa và như một Môsê mới. Người ban thịt máu thánh kết hợp chúng ta vào Người và khắng khít với nhau, để chúng ta được tràn đầy Thánh Thần, hầu yêu mến một Cha chúng của mọi người thắm thiết hơn và sống cuộc đời siêu nhiên, thánh thiện hơn, xứng đáng làm con Thiên Chúa. Chúng ta hãy giục lòng tin yêu mạnh mẽ để cử hành bí tích hiệp nhất của thánh lễ này hầu sau đó sẽ thể hiện tinh thần hiệp nhất sâu sắc hơn trong đời sống hằng ngày.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN năm B
Bài đọc: II Kgs 4:42-44; Eph 4:1-6; Jn 6:1-15.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ :
Phải tin tưởng quyền năng Thiên Chúa và rộng lượng san sẻ cho mọi người.
Ca dao Việt Nam có câu: "Ở đời muôn sự của chung. Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi." Tư tưởng này rất gần với quan niệm của người Công Giáo: Thiên Chúa, Đấng dựng nên trời đất và ban cho mọi người cùng hưởng. Ngài muốn con người san sẻ cho nhau để đừng có cảnh người quá giàu trong khi người khác không có của ăn. Để làm được điều này, ca dao Việt Nam đòi con người phải có nhân đức anh hùng; Thiên Chúa đòi con người phải tin tưởng hoàn toàn vào sự quan phòng của Ngài. Con người không dám chia sẻ cho tha nhân những gì mình có, vì sợ sẽ không đủ cho mình; nhưng nếu con nguời biết rộng lượng cho đi, Thiên Chúa sẽ cho lại dư đầy. Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ: "Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất" (Mk 4:24-25).
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong hai tư tưởng này. Trong Bài Đọc I, tiên tri Elisha truyền tiểu đồng phát quà tặng dân chúng mang đến cho ông, mặc dù chẳng thấm vào đâu; nhưng Đức Chúa đã cho toàn dân ăn no. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu bảo vệ sự hiệp nhất mà họ đã được kêu gọi bằng cách ăn ở khiêm tốn, hiền từ, nhẫn nại, và bác ái. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu làm phép lạ nuôi năm ngàn người đàn ông ăn và còn dư thừa 12 thúng, từ năm chiếc bánh và hai con cá.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Đức Chúa phán thế này: Họ sẽ ăn, mà vẫn còn dư.

1.1/ Phải có lòng rộng lượng để chia sẻ cho tha nhân: "Có một người từ Baal-Shalisha đến, đem bánh đầu mùa biếu người của Thiên Chúa: hai mươi chiếc bánh lúa mạch và cốm đựng trong bị. Ông Elisha nói: "Phát cho người ta ăn.""
Trình thuật hôm nay nằm trong phần cuối của chương 4 trong Sách Các Vua II. Trong suốt chương 4, tác giả tường thuật sự kiện: Vì hành động tử tế của người đàn bà thành Shunem, tiên-tri Elisha đáp lại bằng cách cho bà có đứa con trai và cứu sống đứa bé khi nó chết vì nhức đầu (II Kgs 4:1-44).

1.2/ Phải tin tưởng nơi quyền năng Thiên Chúa: Nhưng tiểu đồng hỏi ông: "Có bằng này, sao con có thể phát cho cả trăm người ăn được?" Ông bảo: "Cứ phát cho người ta ăn! Vì Đức Chúa phán thế này: Họ sẽ ăn, mà vẫn còn dư." Tiểu đồng phát cho người ta. Họ đã ăn, mà vẫn còn dư, như lời Đức Chúa phán. Chúng ta còn nhớ trình thuật: Vì hành động tử tế của bà góa thành Zarephath mà tiên-tri Elijah đã làm phép lạ cho hũ bột và chai dầu olive của bà không bao giờ vơi và còn cứu sống con trai của Bà (I Kgs 17:1-18).
2/ Bài đọc II: Hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em.

2.1/ Ơn gọi hiệp nhất của người Kitô hữu: Thánh Phaolô viết lá thư này cho các tín hữu Ephesô, khi người đang bị tù tại Rôma. Ngài khuyên các tín hữu như sau: "Vậy, tôi là người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau."
Để hiệp nhất, con người cần biết những lý do tại sao họ phải hiệp nhất. Thánh Phaolô đưa ra 7 lý do quan trọng:
(1) Chỉ có một thân thể: Tất cả các tín hữu là chi thể của một thân thể là Hội Thánh với Đức Kitô là Đầu. Thân thể của Đức Kitô lành mạnh khi tất cả chi thể lành mạnh. Chi thể nào tách rời khỏi thân thể sẽ không thể tồn tại.
(2) Một Thánh Thần: Có nhiều quà tặng khác nhau, nhưng chỉ có một Thánh Thần, Đấng ban mọi quà tặng cho việc xây dựng Nhiệm Thể của Đức Kitô.
(3) Một niềm hy vọng: Tất cả các tín hữu đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng là cuộc sống hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa và với nhau.
(4) Chỉ có một Chúa: là Đức Kitô.
(5) Một niềm tin: là tin vào Đức Kitô.
(6) Một phép rửa: bởi Nước và bởi Thánh Thần.
(7) Chỉ có một Thiên Chúa: Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người, và trong mọi người.

2.2/ Những đức tính cần thiết của người Kitô hữu: "Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau." Đây là những đức tính tối quan trọng không chỉ cho người Kitô hữu, mà còn cho tất cả những ai muốn thành công và sống bình an với mọi người.
+ Khiêm tốn (tapeinofrosu,nh): Con người khiêm tốn nhận ra chỗ đứng thực sự của mình trong mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân. Những người kiêu ngạo không nhận ra điều này, họ tự cho mình đã biết quá nhiều, quá hay, quá đủ; nên bỏ qua những gì Chúa dạy, và lấy mình như tiêu chuẩn để phán xét tha nhân. Họ quên đi một sự thật là sự khôn ngoan của họ chỉ là một giọt nước trong biển khôn ngoan của nhân loại, và chẳng là gì so với sự khôn quan của Thiên Chúa. Người khiêm tốn sẽ được Thiên Chúa đoái thương nhìn tới và được mọi người quí mến; trong khi kẻ kiêu căng sẽ bị Thiên Chúa và tha nhân khai trừ.
+ Hiền từ (prau<thj): Con người hiền từ luôn biết cách cư xử nhã nhặn với tất cả mọi người; họ không để cho tính nóng giận làm chủ con người họ. Ngược lại, người dữ dằn để cho tính nóng giận làm chủ con người, họ nói những lời cộc cằn thô lỗ, và sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết mọi vấn đề.
+ Nhẫn nại (makroqumi,a): Con người nhẫn nại luôn biết kiên trì và tìm mọi cách để vượt qua những khó khăn và gian khổ trong cuộc đời. Họ không dễ nản lòng, ta thán, và bỏ cuộc.
+ Bác ái (avga,ph): Thánh Phaolô nêu bật tầm quan trọng của nhân đức này: "Trên hết mọi sự, anh em hãy có nhân đức yêu thương, vì đó là sợi giây ràng buộc mọi điều toàn thiện." Chúng ta đã nói nhiều lần về nhân đức này, nó chỉ tìm thấy trong khuôn khổ của Kitô Giáo, vì nhân đức này đến từ Thiên Chúa qua Đức Kitô. Chỉ khi nào một người có nhân đức này, họ mới có thể thi hành những điều khó khăn Đức Kitô dạy: phải cầu nguyện, tha thứ, và làm ơn cho kẻ thù; họ mới có thể sẵn sàng hy sinh chết để làm chứng cho Thiên Chúa và bảo vệ tha nhân.
3/ Phúc Âm: Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi.

3.1/ Con người phải tin nơi quyền năng của Thiên Chúa: "Sau đó, Đức Giêsu sang bên kia Biển Hồ Galilee, cũng gọi là Biển Hồ Tiberia. Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. Đức Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái. Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Philíp: "Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?""
(1) Uy quyền của Thiên Chúa trong biến cố Vượt Qua: Sự kiện Gioan đề cập đến Lễ Vượt Qua không phải là chuyện tình cờ, nhưng mang ý nghĩa thần học. Ngài có ý nhắc cho dân Do-thái nhớ lại uy quyền lớn lao của Thiên Chúa đã mang dân vượt Biển Đỏ an toàn; trong khi quân đội của vua Pharao bị nhận chìm giữa lòng đại dương. Nếu một Thiên Chúa có quyền năng đưa dân Do-thái vượt qua Biển Đỏ, Ngài cũng có thể làm cho dân có bánh ăn no nê trong sa mạc, điều bị coi là không thể đối với con người.
(2) Uy quyền của Chúa Giêsu khi nuôi năm ngàn người ăn: Đức Giêsu nói: "Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi." Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Vậy, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: "Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi." Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng.
(3) Hình bóng của Bí-tích Thánh Thể: Chúa Giêsu dư biết sự cứng lòng của con người, nên Ngài chuẩn bị cho họ bằng phép lạ "Bánh hóa nhiều." Nếu Chúa Giêsu có thể làm phép lạ "Bánh hóa nhiều" để nuôi năm ngàn người đàn ông ăn no nê, Ngài cũng có thể hiến thân mình để trở nên của ăn nuôi dân hàng ngày. Hơn nữa trong Tin Mừng Gioan, chúng ta không thấy tường thuật sự kiện Chúa Giêsu lập BT Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly, chúng ta chỉ có công thức truyền phép "Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó," và diễn từ về Thánh Thể trong phần kế tiếp của chương 6.

3.2/ Thiên Chúa đòi hỏi sự cộng tác của con người.
(1) Con người chỉ quan tâm đến mình: Hai lý do làm con người sợ không dám chia sẻ:
+ Sợ tốn tiền: Ông Philíp đáp: "Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút." Các môn đệ không muốn bỏ tiền của mình để mua bánh cho người khác, nhất là với một số dân đông đảo như thế. Trong Tin Mừng Nhất Lãm, các môn đệ khuyên Chúa Giêsu giải tán dân để họ vào các thành mà mua lương thực. Ngược lại, Chúa Giêsu truyền: "Chính anh em hãy cho họ ăn."
+ Sợ không đủ cho mình: Một trong các môn đệ, là ông Anrê, anh ông Simon Phêrô, thưa với Người: "Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!" Phản ứng của con người là lo đầu cơ tích trữ, nhất là trong những lúc khan hiếm lương thực và mạng sống bị đe dọa.
(2) Thiên Chúa muốn sự cộng tác của con người: Thiên Chúa làm được mọi sự, nhưng Ngài muốn con người biểu lộ niềm tin giống như em bé sẵn sàng đưa cho Chúa 5 chiếc bánh lúa mạch và hai con cá để chia sẻ với mọi người. Trong Kinh Tiền Tụng, chúng ta cũng dâng bánh và rượu là hoa mầu ruộng đất và lao công của con người lên Thiên Chúa, để xin Ngài làm cho trở thành Bánh Trường Sinh và của uống thiêng liêng cho chúng ta.
Khi linh mục dâng bánh và rượu lên cho Thiên Chúa, người linh mục cũng dâng những đau khổ của chính mình và của dân chúng, cộng với lễ hy sinh đau khổ của Đức Kitô. Tất cả những điều này có sức mạnh để Thiên Chúa chấp nhận và sinh ích cho con người.
(3) Thiên Chúa không muốn con người chỉ quan tâm đến nhu cầu vật chất: Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm thì nói: "Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!" Con người chỉ quan tâm đến những nhu cầu vật chất. Họ muốn tôn Chúa Giêsu làm vua để Ngài cung cấp bánh ăn cho họ, như ma quỉ đã từng cám dỗ Chúa trong sa mạc để biến đá thành bánh. Chúa Giêsu từ chối việc dân tôn Ngài làm vua để có bánh ăn nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình. Ngài muốn họ yêu mến Ngài và thực sự muốn mời Ngài làm vua trong lòng của họ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta có dám rộng lượng cho đi để được Thiên Chúa cho lại dư thừa không? Nếu không dám cho đi, ngay cả cái chúng ta đang có cũng sẽ dần dần hao hụt dần.
- Thiên Chúa vì yêu thương đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể để gia tăng nghị lực cho tâm hồn chúng ta. Sau khi đã lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể, chúng ta cũng phải trở nên tấm bánh để nuôi sống anh em về phần hồn cũng như về phần xác.
Lm.An-tôn Đinh Minh Tiên, OP.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét