II. Đời sống Chúa Giêsu:

A.Sinh ra, thơ ấu, tuổi trẻ em và niên thiếu

Câu hỏi 11: Các câu truyện về việc tượng thai và sinh hạ Chúa Giêsu có thật không?

Người ta buộc phải trả lời một cách không hàm hồ là có. Chúng chân thật bao lâu chúng là biểu thức đức tin hợp lý của các cộng đồng được nhắc đến trong hai chương đầu của các Tin Mừng Luca và Mátthêu. Chúng chân thật như hai khẳng định chân lý tôn giáo độc lập và quả thực rất khác nhau về Chúa Giêsu: rằng Người là (1) Con Thiên Chúa được tượng thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần trong lòng Trinh nữ Maria, và (2) Con Đavít qua cha Người là Giuse, vốn là hậu duệ của nhà và gia đình Đavít. Ý nghĩa đệ nhất đẳng của các trình thuật tuổi thơ là thông truyền cùng một chân lý tôn giáo vốn đã được Thánh Phaolô phát biểu trước đó. Ngài cũng đã trích dẫn chân lý này từ một trong các kinh tin kính trước đó nữa: “... Đó là Tin Mừng về Con của Người là Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Xét như một người phàm, Chúa Giêsu Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Đavít. Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng” (Rm 1:3-4). Các câu truyện về việc tượng thai và hạ sinh Chúa Giêsu, trong toàn bộ Tân Ươc, vốn chỉ thấy nơi Mátthêu và Luca, chủ yếu nhằm chuyển tải các xác tín đức tin căn bản của các cộng đồng Kitô giáo tiên khởi dưới ánh sáng phục sinh. Cho nên, chúng phải được hiểu cùng với toàn bộ sách thánh như chủ yếu có tính tôn giáo trong bản chất.

Nhưng câu hỏi của bạn dường như muốn hỏi về sự thật lịch sử hay sự kiện. Đọc cẩn thận cả hai trình thuật trong chính chúng và trong tương quan với nhau cho thấy: chúng không thể hoàn toàn có tính lịch sử và chủ yếu chúng liên quan tới sự thật tôn giáo. Tuy nhiên, ít nhất một cách tối thiểu, chúng ta có thể nói những điều sau đây có tính lịch sử: Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem miền Giuđê (nhưng có thể ở Nadarét) về cuối thời cai trị của Hêrốt Đại vương (vào khoảng năm 6-4 TCN). Cha của Người là Giuse và tên mẹ Người là Maria. Người được gọi là Giêsu và luôn được biết đến như xuất thân từ Nadarét miền Galilê. Những yếu tố này được xác nhận bởi các bản văn bên ngoài các trình thuật tuổi thơ và nói chung được chấp nhận như có tính cái nhiên về phương diện lịch sử.



Câu hỏi 12: Nhưng về sự kiện Chúa Giêsu được một trinh nữ sinh ra thì sao? Há nó không có tính lịch sử hay sao?

Cả Mt 1:18-25 lẫn Lc 1:26-38 đều khẳng định một cách không hàm hồ rằng Chúa Giêsu đã được tượng thai bởi một trinh nữ tên Maria, dù Luca kém rõ ràng hơn Mátthêu. Trình thuật Luca không nhất thiết loại bỏ sự can thiệp của một người cha phàm nhân; nó chỉ bỏ qua điều này. Điểm quan trọng là nhờ quyền năng của Thần khí Thiên Chúa “con trẻ sắp sinh sẽ thánh thiện; Người sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1:35). Mặt khác, Mátthêu rõ ràng loại bỏ người cha phàm nhân. Đức Maria được mô tả như một bà mẹ chưa cưới, người mà Thánh Giuse tính bác bỏ vì mang thai. Chỉ có sự mạc khải của Thiên Chúa, tức là “Con trẻ được tượng thai trong bà là do Chúa Thánh Thần” (Mt 1:20) mới ngăn cản ngài làm thế. Trình thuật của Luca dễ hiểu tìm được song hành của nó trong các trình thuật về các nhân vật khác của Cựu Ước mà sự tượng thai được coi là lạ lùng, như Samuen (Kinh Ngợi khen [Magnificat] của Đức Maria phần lớn dựa vào lời cầu nguyện của Khana, mẹ Samuen, trong 1Sm 2:1-10). Như thế, tại sao Mátthêu lại muốn nhấn mạnh tới điểm này đến thế? Một giải thích khả hữu là Mátthêu muốn tranh luận chống lại các thù nghịch Do Thái đối với Kitô giáo. Ở cuối Tin Mừng Mátthêu, có một cuộc bút chiến rõ ràng chống lại những người cho rằng các môn đệ đã lấy trộm xác Chúa Giêsu khỏi ngôi mộ (Mt 27:62-66; 28:11-15). một cuộc bút chiến khác chống lại những người nghi vấn nguồn gốc của Chúa Giêsu cũng rất có thể đã hiện diện ở đầu Tin Mừng. Liệu có lời tố giác con hoang rõ ràng hay không, lời tố cáo sớm sủa này nơi những người Do thái chống đối không có gì rõ ràng trong Tân Ước cả; nó chỉ rõ ràng vào khoảng năm 150 CN. Dù sao, quan tâm của Mátthêu ở chương một có hai phương diện: quả quyết Chúa Giêsu là Con Đavít qua Thánh Giuse khi kể lại gia phả từ Ápraham qua Đavít tới Thánh Giuse (các câu 1-17) và Người là Đấng Mêxia, Đấng Cứu Rỗi, Đấng Emmanuen (Ngài không dùng danh hiệu Con Thiên Chúa ở chỗ này) qua hành vi sáng tạo của Chúa Thánh Thần (các câu 18-25). Đây là chân lý thần học hay tôn giáo của cả hai trình thuật.

Còn về vấn đề lịch sử, ở đây, chúng ta gặp các giới hạn của phương pháp lịch sử. Lịch sử không thể quả quyết hay phủ nhận sự kiện tượng thai đồng trinh Chúa Giêsu. Chân lý của điều này phát xuất từ một chiều kích khác, tức chiều kích mặc khải. Xin lưu ý điều này: bên trong chính các câu truyện, khả thể của một nhận thức như thế tùy thuộc mặc khải. Trong trình thuật Mátthêu, một thiên thần của Chúa hiện ra với Thánh Giuse trong một giấc mơ; trong trình thuật Luca, thiên thần Gabrien hiện ra với Đức Maria. Điều này, một lần nữa, cho thấy: các quan tâm của cả hai tác giả đều có tính tôn giáo và thần học, không phải lịch sử.

Câu hỏi 13: Như vậy, Đức Maria và Thánh Giuse có biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa không khi Người sinh ra?

Có lẽ không, nhưng chúng ta biết. Điều tôi muốn nói khi viết như vậy, một lần nữa, là: các trình thuật tuổi thơ của Mátthêu và Luca, nói đúng ra, không phải là các trình thuật lịch sử, dù chúng có thể chứa đựng một số ký ức lịch sử như đã nói trước đây. Bất kể nhiều lý thuyết và giả thuyết từng được khai triển trong các thế kỷ qua, sự kiện đơn giản vẫn là: chúng ta không biết Mátthêu và Luca đã có được những nguồn nào để các ngài sử dụng. Chúng ta quả biết chắc rằng hai trình thuật tuổi thơ là những trình thuật rất khác nhau, nhưng cả hai đều nặng các quan tâm tôn giáo và thần học. Chúng ta cũng biết rằng chúng nhất trí với nhau ở điểm chủ yếu nhất của đức tin Kitô giáo, tức việc Chúa Giêsu, như Con Thiên Chúa, đã được tượng thai bởi Chúa Thánh Thần và sinh hạ bởi Trinh Nữ Maria. Điều này vẫn đúng cho đến muôn đời bất kể cảm nghiệm bản thân của Đức Maria và Thánh Giuse có ra sao. Nói rằng Đức Maria và Thánh Giuse có lẽ không biết còn chúng ta biết rằng Người là Con Thiên Chúa ở lúc Người sinh ra có nghĩa là chúng ta nhìn cuộc đời của Chúa Giêsu từ viễn ảnh ơn phúc của đức tin chúng ta vào sự phục sinh. Có thể nói, chúng ta nhìn được toàn bộ câu truyện.

Có phải điều này có nghĩa là chúng ta nên bác bỏ các trình thuật tuổi thơ “chỉ như là các mẩu truyện” hay không?” Dĩ nhiên không. Một phản ứng như thế biểu lộ thái độ của một tâm trí muốn đánh đồng sự kiện lịch sử với chân lý. Người ta đã sống chân lý diệu kỳ trong các rình thuật tuổi thơ của Mátthêu và Luca hàng thế kỷ nay, như chúng ta làm hàng năm vào lễ Giáng sinh. Chúng chân thật vì chúng đụng tới điều sâu sắc nhất trong cõi lòng ta và đem lại cho ta sự sống và niềm hy vọng mới. Thậm chí chúng còn thật hơn vì chúng công bố bằng những hình ảnh cụ thể và gây xúc động Chúa Giêsu thành Nadarét thực sự đã là và hiện là ai giữa chính trung tâm hữu thể Người.

Câu 14: Còn về sự kiện nói rằng Chúa Giêsu đã hiện hữu trước thời gian thì sao? Làm thế nào Người vừa vĩnh cửu vừa vẫn được sinh ra?

Câu hỏi của bạn khiến chúng ta trở về nguồn gốc của Chúa Giêsu như đã được Tin Mừng Gioan trình bầy. Điều đáng lưu ý một lần nữa là ngoài Mátthêu và Luca, phần còn lại của Tân Ước (gồm cả Thánh Phaolô với nền Kitô học cao siêu của ngài) cho thấy không biết hay ít nhất không quan tâm tới các trình thuật về việc tượng thai và sinh hạ của Chúa Giêsu. Điều này rõ rệt nhất nơi Gioan, người đã hết sức nhấn mạnh tới nguồn gốc thần thiêng của Người. Việc trực tiếp nhắc tới việc sinh hạ của Chúa Giêsu chỉ duy nhất xẩy ra tại phiên xử của Philatô “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này : làm chứng cho sự thật” (Ga 18:37). Nó rất có thể được ngụ ý trong phần tranh cãi hết sức hung dữ khi các địch thủ của Chúa Giêsu nói: “chúng tôi không phải con hoang”, nhưng quan tâm của Thánh Gioan là vượt qua các bận tâm như thế về nguồn gốc trần gian của Chúa Giêsu, vì thực sự Người đến từ Thiên Chúa. Do đó, Người nói về Người trong cùng phần này: “Trước khi Ápraham hiện hữu, ta vẫn hiện hữu rồi” (8:58). Tin Mừng Gioan quan tâm tới mối liên hệ đời đời của Chúa Giêsu với Chúa Cha, chứ không phải nguồn gốc trần gian cả lúc sinh lẫn lúc chịu phép rửa của Người. Điều đáng lưu ý là Gioan không có cả trình thuật về phép rửa, nhưng ngài có lời tuyên xưng của Gioan Tẩy giả, được nhắc lại hai lần: “Đây là Đấng mà tôi đã nói: ‘Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi’” (1:15.30). Chúa Giêsu hiện hữu trước Gioan Tẩy giả, trước Ápraham, đúng hơn trước việc sáng tạo ra thế giới trong tư cách Ngôi Lời vốn là Thiên Chúa (1:1-5). Mặc dù Gioan cũng đã khẳng định rằng “Ngôi Lời đã trở thành xác thịt và ở giữa chúng ta” (1:14), ngài vẫn không nối kết khẳng định này với bất cứ trình thuật nào về việc Người được tượng thai và sinh hạ.

Như thế, liên quan tới chứng tá sách thánh, có ít nhất bốn truyền thống khác biệt về nguồn gốc của Chúa Giêsu như Con Thiên Chúa: (1) thiết lập và công bố lúc phục sinh (Rm 1:4); (2) lúc chịu phép rửa (Mc 1:10-11); (3) lúc Người được tượng thai và sinh hạ (Mt 1:20; Lc 1:35); (4) trước sáng thế (Ga 1:1-5; 17:5). Với sự đơn giản không tô vẽ, các truyền thống này được để đứng cạnh nhau mà không có bất cứ cố gắng nào giải quyết hay hoà hợp các căng thẳng giữa chúng với nhau. Việc này để lại cho các thế hệ tiếp theo. Chính chúng ta phải tìm cách đem lại với nhau lời tựa của Gioan và các trình thuật tuổi thơ của Mátthêu và Luca.

Câu hỏi 15: Theo nguyên tắc giải thích liên tục của cha, thì tất cả đều tốt thôi, phải không? Nhưng con luôn thắc mắc điều đó có nghĩa gì khi Kinh Tin Kính dạy rằng Chúa Giêsu “được sinh ra chứ không phải được tạo thành”.

Nhận xét của bạn đúng mục tiêu. Tôi đã muốn nói rõ ràng điều sách thánh nói để trả lời cho câu hỏi trước, nhưng điều chắc chắn đúng là Giáo Hội tiếp tục giải thích mầu nhiệm, ngay sau thời kỳ sách thánh. Thực thế, bẩy công đồng đầu tiên từ năm 325 tới năm 787 tất cả đều được triệu tập chủ yếu để giải quyết các vấn đề xoay quanh ý nghĩa của Chúa Giêsu.

Công đồng thứ nhất tại Nixêa năm 325 liên quan tới lời giảng dậy của một linh mục bình dân và nổi tiếng xuất thên từ Alexandria tên là Ariô. Ảnh hưởng của ông rất mạnh mẽ và tiếp tục cả đến ngày nay, ở một mức độ nào đó. Theo cái hiểu bình thường của nền triết lý Hy lạp vào lúc đó, Ariô chủ trương rằng nếu ai đó sinh ra và trở thành xác thịt, thì người đó là một tạo vật. Nói rằng “Ngôi Lời trở thành xác thịt” là nói rằng Con Thiên Chúa là một tạo vật, mặc dù là tạo vật đầu tiên và đệ nhất đẳng trong kế hoạch của Thiên Chúa. Công đồng lấy lời tuyên xưng đức tin vào Chúa Cha – Chúa Con – Chúa Thánh Thần lúc rửa tội ngày xưa và lồng vào bốn tuyên bố về Chúa Con minh nhiên nhắm vào Ariô. Công đồng khẳng định rằng: “Chúa Giêsu Kitô duy nhất, Con Thiên Chúa” là (1) “sinh bởi Chúa Cha... nghĩa là từ hữu thể của Chúa Cha”: chống lại bất cứ ý niệm nào cho rằng Người được sinh ra từ Chúa Cha như một tạo vật trong thời gian; (2) “Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”: chống lại bất cứ ý niệm nào cho rằng Người là một Thiên Chúa kém hơn hay thấp hơn, nghĩa là thần linh nhưng không thực sự và trọn vẹn là Thiên Chúa; (3) “được sinh ra, chứ không được tạo thành”: chống cái hiểu thông thường cho rằng hai điều hoàn toàn chỉ là một, đến nỗi được sinh ra cũng là được tạo thành; (4) “đồng bản thể [homoousion] với Chúa Cha”: hạn từ nổi tiếng homoousion đã được sử dụng, cũng như sự phân biệt giữa “được sinh ra” và “được tạo thành” trên đây, ngược với cái hiểu thông thường về từ ngữ này. Nó được coi là hữu ích để duy trì thiên tính trọn vẹn của Chúa Giêsu. Bằng tất cả bốn tuyên bố này chống lại Ariô, công đồng đã khẳng định rằng Chúa Giêsu thực sự được Chúa Cha sinh ra nhưng bên trong năng động tính đời đời của chính hữu thể Thiên Chúa.

Nên lưu ý rằng trong chính tuyên bố có tính tín điều trên, các giáo phụ không cố gắng giải thích việc làm thế nào Chúa Giêsu được Chúa Cha sinh ra từ thuở đời đời mà vẫn lại sinh ra trong thời gian. Tín điều chỉ đơn giản tiếp tục tuyên bố các khẳng định của Kinh Thánh về việc Người trở thành con người, chịu đau khổ, sống lại, và lên trời “vì những con người chúng ta và vì ơn cứu rỗi của chúng ta”. Vấn đề “làm thế nào” đã tiếp tục vận hành các trí khôn thần học từ đó cho đến tận nay. Một vấn nạn do tuyên bố tín điều này tạo ra là việc phân tách biểu kiến, dù có lẽ không cố ý, giữa mối tương quan đời đời của Chúa Giêsu với Chúa Cha và việc Người xuất hiện trong thời gian.

Cuối cùng, nên nhắc đến việc Kinh Tin Kính chúng ta đọc mỗi Chúa Nhật, dù thường được gọi là Kinh Tin Kính Nixêa, thực sự là một Kinh Tin Kính khác và dài hơn vốn được soạn thảo tại Công đồng thứ hai họp tại Constantinốp năm 381. Nó nhắc lại cùng những khẳng định căn bản chống lại Ariô như Công đồng Nixêa, nhưng quan tâm chính của nó là khẳng định thiên tính trọn vẹn của Chúa Thánh Thần chống lại những người bác bỏ điều đó. Như thế, với Constantinốp I, chúng ta có định tín chính thức về bản tính ba ngôi của Thiên Chúa, một định tín đặt căn bản trên thực hành liên tục phép rửa nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần (Mt 28:19).



Câu hỏi 16: Trở lại thời thơ ấu và trẻ em của Chúa Giêsu, ai đặt tên cho Chúa Giêsu? “Giêsu” nghĩa là gì và do đâu có tên “Giêsu Kitô”?

Theo Mt 1:25, Thánh Giuse đặt tên cho Chúa Giêsu theo chỉ thị của thiên thần (1:21). Theo Lc 1:31, thiên thần Gabrien nói với Đức Maria: “Bà sẽ đặt tên cho em là Giêsu”. Sau này, lúc cắt bì, Luca chỉ nói: “Em được gọi là Giêsu, tên được thiên thần cung cấp trước khi em được tượng thai trong dạ mẹ” (2:21). Như thế, theo cả Mátthêu lẫn Luca, Thiên Chúa qua mạc khải thiên thần đã đặt tên cho Chúa Giêsu. Dù sao, Giêsu là tên khá thông thường vào thời ấy. Nó phát xuất từ tiếng Do Thái Joshua [Yehošua’, sau này viết tắt là Yešua’ và Yešu]. Có lẽ thoạt đầu nó có nghĩa “Giavê giúp đỡ” nhưng sau đó được giải thích trong cách dùng bình dân là “Giavê cứu độ”. Do đó, thiên thần nói với Thánh Guse: "...ông phải đặt tên cho em là Giêsu, vì em sẽ cứu dân em khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1:21).

Về phương diện lịch sử, Chúa Giêsu được biết đến như là Yešu bar Yosef, Giêsu con trai Giuse. Về phương diện thần học, Người được biết đến như “Đấng Kitô” vốn phát xuất từ chữ Hylạp ho christos, nghĩa là “Đấng được xức dầu” và được dịch sang tiếng Do Thái là ha mašiaḥ hay messiah (mêxia). Nguyên thủy, Kitô là một trong nhiều danh hiệu được Giáo Hội tiên khởi dành cho Chúa Giêsu dưới ánh sáng phục sinh. Dần dần, khi các danh hiệu khác trở nên thịnh hành và khi Giáo Hội di chuyển ra ngoài Palestine nơi danh hiệu được dễ dàng hiểu rõ hơn bên trong môi trường Do Thái của nó và tràn vào khung cảnh văn hóa và ngôn ngữ La Hy rộng lớn hơn, “Kitô” có xu hưóng ngày càng được sử dụng nhiều hơn như một phần của tên riêng của Chúa Giêsu. Nhưng, chúng ta nên nhớ luôn luôn rằng sinh thời của Người, tên riêng của Người là Yešu bar Yosef.

Câu 17. Chúa Giêsu có anh chị em không?

Máccô 6:3 (so với Mt 13:55-56) nói; “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Giôxết, Giuđa và Simôn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?”. Cũng có chỗ đã nhắc tới việc mẹ và anh chị em Người tới tìm Người (Mc 3:31-35). Gioan cho thấy mẹ và anh em Người đôi khi đồng hành với Người trong thừa tác vụ của Người (Ga 2:12; 7:3.5). Các anh em Người dường như khá nổi bật trong Giáo Hội tiên khởi (Cv 1:14; 1Cr 9:5), nhất là Giacôbê vốn là nhà lãnh đạo của cộng đồng tiên khởi Giêrusalem (Gl 1:19; Cv 15:13-21). Điều đặc biệt có ý nghĩa là Thánh Phaolô nhắc đến Giacôbê như em của Chúa Giêsu. Đây là một người ngài đích thân quen biết. Liệu ngài có kể riêng người này ra với chi tiết này nếu ngài có bất cứ lý do gì để nghĩ khác không? Như thế, một ý nghĩa khả hữu của các bản văn Kinh Thánh là Chúa Giêsu quả có anh chị em. Chính Chúa Giêsu được gọi là “con trai đầu lòng” (Lc 2:23) nhưng điều này không nhất thiết ngụ ý có các anh chị em.

Các giải thích câu Kinh Thánh sau này, nhất là trong thế kỷ thứ tư, đã đi tìm các lối giải thích thay thế. Một giải thích chủ trương rằng anh em của Chúa Giêsu là anh em kế (một ý nghĩa khả hữu của chữ Hylạp adelphos: xin xem Mc 6:17) do cuộc hôn nhân trước của Thánh Giuse. Vấn nạn duy nhất với lối giải thích này là không có bằng chứng nào về cuộc hôn nhân trước. Một lối giải thích hợp lý hơn là anh chị em của Chúa Giêsu thực sự là anh chị em họ. Thánh Giêrônimô cổ vũ lối giải thích này dựa trên chữ Do Thái chỉ anh (‘āh) cũng chỉ anh họ hay bất cứ liên hệ họ hàng nào (thí dụ St 14:16; 29:15; Lv 10:14). Những bản văn này được dịch sang ấn bản Cựu Ước tiếng Hylạp (Bản Bẩy Mươi) như adelphos (=anh) dù tiếng Hylạp có chữ khác biệt để chỉ anh em họ anepsios như ở Cl 4:10. Có thể quan niệm rằng Thánh Phaolô, vốn xuất thân từ một hậu cảnh Do Thái mạnh mẽ, có thể tự phát dùng chữ adelphos để chỉ Giacôbê theo nghĩa anh em họ hay có liên hệ họ hàng gần.

Trên cơ sở thuần túy Kinh Thánh, các lập luận từ việc sử dụng ngôn ngữ mà thôi sẽ nhìn nhận một trong các lối giải thích trên đây. Các Tin Mừng quan tâm tới việc duy trì việc tượng thai đồng trinh Chúa Giêsu (xem câu hỏi 12). Sau thời Kinh Thánh, và nhất là trong thế kỷ thứ tư với việc phong trào đơn tu lý tưởng hóa bậc sống đồng trinh, Đức Maria, đấng luôn được tôn kính cả trong lòng đạo bình dân lẫn chính thức, vì lý do đức đồng trinh mãi mãi của ngài, đã trở thành biểu tượng trung tâm và tối cao hay khuôn mẫu của bậc sống này. Không có điều nào trong sách thánh bác bỏ khả thể trọn đời đồng trinh của Đức Mẹ, và thật khó tưởng tượng một lòng sùng kính như thế có thể phát sinh nếu người ta nghĩ một cách phổ biến rằng Chúa Giêsu có anh chị em theo nghĩa chúng ta thường hiểu các từ ngữ này.

Câu hỏi 18: Tại sao Đức Maria lại quan trọng như thế? Đôi khi ngài được dành nhiều chú ý hơn cả Chúa Giêsu.

Đức Maria là biểu tượng mạnh mẽ của điều sâu xa nhất và tốt đẹp nhất trong đức tin Kitô giáo. Người ta thường nói: “đó chỉ là một biểu tượng, đâu có thật”. Các biểu tượng là có thật, có thật hơn hết của các trải nghiệm nhân bản vì chúng ta sẽ không hề là con người nếu không có các biểu tượng. Các biểu tượng đích thực có sức mạnh vì chúng gợi lên các bình diện sâu xa nhất của trải nghiệm và ý thức nhân bản, không những về phương diện cá nhân mà còn về phương diện tập thể, không những bây giờ mà xuyên suốt lịch sử nhân loại. Nói rằng Chúa Giêsu và Đức Maria là các biểu tượng mạnh mẽ là khẳng định tầm quan trọng trung tâm và có tính quyết định của các ngài đối với toàn thể nhân loại.

C.G. Jung, nhà tâm lý học vĩ đại của vô thức tập thể, nghĩ rằng tín lý tượng thai vô nhiễm nguyên tội (được định tín năm 1854) có tầm quan trọng có tính quyết định vì, trên bình diện tâm lý học, nó định vị tính nữ giới bên trong tính thần linh. Lẽ dĩ nhiên, trong quá khứ, người Thệ Phản thường tố cáo người Công Giáo biến Đức Maria thành một nữ thần, và điều này có khi diễn ra trong trí tưởng tượng bình dân. Nhưng chúng ta có thể tìm được thỏa thuận chung trong Tân Ước. Ở đó, tầm quan trọng của Đức Maria luôn luôn nằm trong mối liên hệ với Chúa Giêsu và, dĩ nhiên, điều này chủ yếu dựa trên sự kiện ngài là mẹ của Người. Gần đây, có nhiều cố gắng thử tái khám phá Đức Maria Nadarét “lịch sử”, và một số hình ảnh mạnh mẽ đã xuất hiện mà nếu không thường bị quên lãng: bà mẹ không cheo cưới (Mt 1:18-19); người phụ nữ tị nạn với con thơ (Mt 2:13-15); góa phụ; mẹ một người vô tội bị bách hại và bị quyền lực đế quốc sát hại, v.v... Giống Chúa Giêsu, các hình ảnh này nổi bật trong kinh nghiệm người nghèo và người bị bách hại. Trên hết, ngài được coi như người phụ nữ của đức tin sẵn lòng bước theo con mình tới tận thập giá.



Nhưng đối với Luca và Gioan, hai tác giả biểu lộ quan tâm lớn nhất đối với Đức Maria, tầm quan trọng biểu tượng của ngài chủ yếu là hiện thân của dân tộc Israel của ngài. Trong trình thuật tuổi thơ của Luca, các loan báo song hành về Gioan Tẩy giả và Chúa Giêsu lên cao điểm trong hành trình thăm Elisabét của Đức Maria: Kinh “Ngợi khen” là một bài ca giải phóng cho “Israel đầy tớ của Thiên Chúa”. Các việc sinh hạ song hành cũng lên cao điểm trong một cuộc hành trình khác, lần này tới đền thờ lúc Chúa Giêsu mười hai tuổi. Hình ảnh Đức Maria hằng ghi nhớ những lời ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng khi các mục đồng tới thăm (2:19) được nhắc lại ở cuối cảnh trong đền thờ (2:51). Với Luca, việc Thiên Chúa hoàn tất các lời hứa của Người với Israel, vốn là thể tài chính của trình thuật tuổi thơ, được thể hiện nơi Đức Maria. Ngài là người rõ ràng hiện thân cho các niềm hy vọng và giấc mơ của dân tộc ngài. Ngài không những chỉ là mẹ Chúa Giêsu; qua Người, ngài còn là mẹ của dân tộc Israel của ngài. Đối với tôi, xem ra một hình ảnh tương tự cũng đã hiện diện trong Tin Mừng Gioan. Tại tiệc cưới Cana (2:1-11), ở đầu Tin Mừng, Đức Maria dự ứng trước các niềm hy vọng của toàn thể Israel rằng “giờ” của Chúa Giêsu sẽ đến (rượu nho là biểu tượng của những ơn phúc cứu rỗi hằng mong chờ). Khi cuối cùng giờ đã đến, vào cuối Tin Mừng, Chúa Giêsu trên thập giá (19:25-27) phó thác mẹ Người (Israel) cho “môn đệ Người yêu mến” (biểu tượng của Giáo Hội như Israel mới). Thế là nay, Israel tìm được mái ấm chân thật của mình.

Đức Maria là biểu tượng của Israel thế nào, thì, với chúng ta, ngài cũng trở thành biểu tượng của Giáo Hội như vậy. Nơi ngài, chúng ta thấy nên trọn các niềm hy vọng và giấc mơ của chúng ta, từ việc ngài được tượng thai vô nhiễm nguyên tội tới việc ngài được triệu về trời. Chúng ta nên luôn có lòng sùng kính sâu xa đối với ngài nhưng để cử hành trọn vẹn hơn ý nghĩa trung tâm và có tính quyết định của con ngài, như chính ngài vốn cử hành.

Câu hỏi 19: Cha nhắc đến việc Đức Maria là một góa phụ. Điều gì đã xẩy tới với Thánh Giuse?

Trong trình thuật tuổi thơ của Mátthêu, Thánh Giuse là nhân vật chính tiếp nhận các mạc khải, nhưng trong Luca, Đức Maria là nhân vật chính, còn Thánh Giuse là nhân vật ngoài lề nhiều hơn. Các khác biệt này phản ảnh các quan tâm thần học: dòng dõi Chúa Giêsu từ Thánh Giuse trong Mátthêu, việc hiện thân cho Israel của Đức Maria trong Luca. Trong Mátthêu, lần cuối cùng chúng ta nghe nói về Thánh Giuse “đến ở tại một thành kia gọi là Nadarét” (2:23), rõ ràng lần đầu tiên theo Tin Mừng này, khi Chúa Giêsu còn nhỏ tuổi. Trong Luca, ngài và Đức Maria đi tìm Chúa Giêsu ở đền thờ Giêrusalem khi Chúa Giêsu mười hai tuổi. Chúa Giêsu trở về Nadarét với cha mẹ Người và “vâng lời các ngài” (2:51). Vì mẹ và anh chị em Chúa Giêsu được nhắc đến trong thừa tác vụ công khai nhưng Thánh Giuse thì không thấy được nhắc đến, nên chúng ta chỉ có thể phỏng đoán là Thánh Giuse đã qua đời giữa khoảng Chúa Giêsu 12 tuổi và 30 tuổi. Do đó, Đức Maria trở thành góa phụ. Lòng đạo bình dân luôn có lòng tôn sùng lớn lao đối với Thánh Giuse, và quả thực nên như thế. Nhưng quả chúng ta không biết gì thêm về ngài ngoài điều Kinh Thánh để lại cho ta.

Câu hỏi 20: Mátthêu và Luca xem ra không nói với chúng ta nhiều về thời trẻ em và thiếu niên của Chúa Giêsu. Có các trình thuật chính xác nào về phương diện lịch sử nói về giai đoạn đó trong đời Người không?

Không. Các trình thuật đáng tin duy nhất là các trình thuật trong các Tin Mừng quy điển được viết vào khoảng năm 70 và 100 CN. Thời hậu Kinh Thánh, xuất hiện một số trước tác Kitô giáo, một số gọi là “tin mừng” nhưng không được nhận vào Tân Ước. Người Công Giáo gọi chúng là “apocrypha” (ngụy thư) trong khi người Thệ Phản gọi là “pseudepigraphy” (mạo đề thư). Chúng bị coi như “trước tác giả” theo nghĩa chúng không được chấp nhận như các biểu thức đúng đắn hay chính xác của đức tin Kitô giáo. Mặt khác, chúng chứa phần lớn các tư liệu gây ảnh hưởng lớn trên lòng đạo Kitô hữu. Thí dụ, Tin Mừng Giacôbê (Protoevangelium Jacobi), được viết vào thế kỷ thứ hai, từng là một “tin mừng” gây ảnh hưởng nhất vì chứa các trình thuật kỳ lạ về Thánh Gioakim và Thánh Anna, cha mẹ Đức Maria, song song với câu truyện Đức Maria sinh ra và kết hôn với Thánh Giuse v.v... Dù có nhiều điều thích thú, nhưng những trước tác này cũng cho thấy mối nguy hiểm thả lỏng óc tưởng tượng kỳ cục vì thiếu nguồn tài liệu và còn có mối nguy hiểm nữa là đầu óc bình dân lẫn lộn chúng với các trình thuật khác hẳn của Mátthêu và Luca.

Một trước tác khác rất có ảnh hưởng từ thế kỷ thứ hai là Tin Mừng Tuổi Thơ của Tôma, một trước tác nhằm trám khoảng trống giữa tuổi 12 và tuổi 30 của Chúa Giêsu. Tính bình dân của nó xem ra rất gây ngạc nhiên cho chúng ta vì Chúa Giêsu được mô tả như một nhãi ranh khó chịu, khó tính, muốn giết muốn chữa lành tùy tiện. Nó có giá trị là cho chúng ta biết không nên tưởng tượng tuổi trẻ của Chúa Giêsu. Những năm đầu trong đời của Chúa Giêsu trôi qua một cách giấu ẩn trong tình liên đới thầm lặng của một người vui lòng bước đi với dân tộc mình suốt trong 30 năm trước khi lên tiếng công khai. Các vấn đề lịch sử chính đáng về những năm này chỉ có thể kéo chú ý của chúng ta tới những lời và việc làm công khai của Người, và nhận thức nói chug của chúng ta về thời và nền văn hóa trong đó Người sống.
 

Vietcatholic News