MỘT TRĂM LẺ MỘT CÂU HỎI VỀ CHÚA GIÊSU: CÂU 31-40
Vũ Văn An
Câu hỏi 31: Nếu Chúa Giêsu là Con không tội lỗi của Thiên Chúa từ lúc được tượng thai, tại sao Người cần tới phép rửa?
Câu hỏi bạn hỏi từng là câu hỏi vào thời Mátthêu, Luca, và Gioan được viết ra và có lẽ còn sớm hơn nữa. Điều chắc chắn là lối trình bầy đơn giản và thẳng thắn lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa là một thực tại lịch sử. “Hồi ấy, Chúa Giêsu từ Nadarét miền Galilê đến, và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Giođan” (Mc 1:9). Như đã ghi nhận trong câu hỏi trước, Máccô giải thích sự kiện đơn giản ấy như một mạc khải thần linh bao gồm việc Thánh Thần ngự xuống và tiếng nói từ trời (Chúa Cha) khẳng định rằng Chúa Giêsu là “Con yêu dấu của Ta”. Đối với các Kitô hữu tiên khởi, điều nhắc họ nhớ đến phép rửa của chính họ “nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần” (Mt 28:19) và do đó đến việc được đồng nhất hoàn toàn với Chúa Giêsu.
So sánh việc bàn đến sự kiện Chúa Giêsu chịu phép rửa trong Mátthêu, Luca và Gioan quả có tính giáo huấn. Một so sánh như thế một lần nữa minh họa cho thấy một biến cố lịch sử như việc Chúa Giêsu chịu phép rửa đã được tiếp nhận và tái giải thích theo các quan tâm thần học và tôn giáo đang phát triển của các cộng đồng Kitô giáo tiên khởi. Xin tóm tắt như sau: với Mátthêu (3:13-17), phép rửa này chỉ được tiến hành sau khi Chúa Giêsu đã khắc phục sự phản đối của Gioan bằng cách nói: “chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính”. Điều này rất thích hợp với một trong các chủ đề chính của Mátthêu: Chúa Giêsu không những công bố mà còn hiện thân ý Thiên Chúa trong trọn đời sống Người. Như thế, câu trả lời của Mátthêu cho câu hỏi của bạn là Chúa Giêsu, Đấng rõ ràng là Con không tội lỗi của Thiên Chúa từ lúc được tượng thai, đã tự ý chấp nhận phép rửa giống y hệt việc Người chấp nhận cái chết trên thập tự (so sánh với 26:42). Với Luca, vấn đề phức tạp hơn vì Gioan Tẩy Giả thuộc thời kỳ Israel như được trình bầy trong các trình thuật tuổi thơ. Như thế, ngài lưu ý rằng Hêrốt nhốt giam Gioan (3:19-20) trước khi ngài thuật lại sự kiện Chúa Giêsu chịu phép rửa (các câu 21-22). Luca không giải thích chính phép rửa này. Ngài chỉ nhắc đến nó một cách gián tiếp để tập chú vào cảnh mạc khải. Tuy nhiên, việc bàn đến của ngài phản ảnh hai quan tâm thần học chính: (1) Chúa Giêsu trong tư cách một Thiên Chúa được xức dầu với Chúa Thánh Thần và quyền năng (Cv 10:38; Lc 4:16-21); (2) lịch sử cứu rỗi như đã được dị biệt hóa thành ba thời kỳ: thời kỳ Israel (Lc 1:5-3:20), thời kỳ Chúa Giêsu (Lc 3:21- 24:53) và thời kỳ Giáo Hội (Công vụ). Với Gioan, như đã nhắc trên đây (xem Câu hỏi 14), cả việc tượng thai lẫn phép rửa đã được thay thế bằng việc hiểu Chúa Giêsu như Ngôi Lời trong tương quan đời đời với Chúa Cha. Gioan Tẩy giả chỉ có thể là chứng tá cho tính siêu việt của Chúa Giêsu. Như thế, Gioan không có trình thuật nào về phép rửa của Chúa Giêsu.
Phân tích trên đây đem lại độ đáng tin lịch sử cho sự kiện đơn giản này là Chúa Giêsu chịu phép rửa ở đầu thừa tác vụ công khai của Người. Xét như thế, ngài không cần giải thích thêm. Có lẽ Chúa Giêsu theo Gioan một thời gian trước khi Người khởi sự sứ mệnh riêng của Người. Thậm chí, Người còn có thể thực hành phép rửa nữa (Ga 3:22; so với 4:1-2). Dù sao, phép rửa chính Chúa Giêsu lãnh nhận chắc chắn là khoảnh khắc Người lãnh nhận sứ mệnh riêng của Người từ Chúa Cha trong quyền năng Chúa Thánh Thần (xem câu hỏi 30).
Câu hỏi 32: Sứ mệnh đó là sứ mệnh gì? Chúa Cha kỳ vọng gì nơi Chúa Giêsu?
Đây là một câu hỏi tốt, và không dễ trả lời. Nếu ta chỉ có một Tin Mừng Gioan, ta dám nghĩ rằng Người đến để công bố về chính Người và mối tương quan của Người với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.Theo nghĩa này, Tin Mừng Gioan đại diện cho quan điểm nặng thần học của Giáo Hội tiên khởi. Các Tin Mừng nhất lãm cho ta một quan điểm khác: Người đến không phải để công bố về chính Người nhưng để nên trọn “thời gian” và việc gần đến của Nước Thiên Chúa (Mc 1:15; Mt 4:17; Lc 4:21). Người đến trong cung cách một tiên tri công bố “tin mừng” cho dân bằng cách kêu gọi họ đương đầu với cuộc khủng hoảng áp bức và nhục nhã hiện tại. Họ sẽ làm điều này bằng cách tưởng nhớ và tìm lại những điều sâu sắc nhất và tốt đẹp nhất trong quá khứ của họ. Người được sai tới dân tộc Israel của Người để cung ứng cho họ sự tự do đích thực của những người con trai con gái của Thiên Chúa, kêu gọi họ bước vào ơn gọi đích thực của họ làm ánh sáng cho Dân Ngoại. Bằng cách tưởng nhớ ý định đích thực “từ nguyên thủy” của Thiên Chúa, dân phải đáp trả bằng việc thay đổi căn để cả trí lẫn tâm (ăn năn), một điều sẽ để chân lý của Thiên Chúa sống trong họ lúc này và ở đây (đức tin) và do đó mở lòng cho khả thể một tương lai đích thực. Tương lai này sẽ được tạo dựng bởi sáng kiến của Thiên Chúa song song vời đáp trả của con người.
Chúa Giêsu công bố việc tới gần của nước Thiên Chúa bằng cả lời nói lẫn việc làm, nhưng việc nước này thực sự đến còn tùy ở việc đáp trả của con người. Không nên hiểu việc đáp trả này theo lối suy nghĩ phương tây của chúng vốn hết sức có tính duy cá nhân cao độ. Đây là ơn gọi cộng đoàn và như thế bao hàm việc biến đổi các cơ cấu xã hội.Thí dụ, khi Chúa Giêsu nói: “Phúc cho ai nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của họ” (Lc 6:20; so với Mt 5:3), Người không có ý nói: nghèo là điều tốt. Người cũng không nói rằng người nghèo phần nào có nhân đức hơn người giầu có. Người đủ biết rằng có những người tốt và những người xấu nơi người giầu cũng như nơi người nghèo, nghĩa là, trong số những người túng nghèo và không có các nhu cầu vật chất căn bản để có thể sống một cuộc sống nhân bản tươm tất. Sự thay đổi này không thể diễn ra nếu các cơ cấu chuyên áp bức và cầm tù người ta không thay đổi. Nước trời được coi là tới khi tù nhân được phóng thích, người mù trông thấy, và người bị áp bức được giải thoát (Lc 4:18).
Câu hỏi 33: Cha có thể cho chúng con biết nhiều hơn về việc Chúa Giêsu hiểu như thế nào về “nước Thiên Chúa”? Há đây không phải là một ý niệm lỗi thời đối với những người sống trong các xã hội dân chủ hay sao?
Dưới ách áp bức, các niềm hy vọng và khát vọng chung của người dân thời Chúa Giêsu ít nhất gồm những điều sau đây: (1) Chỉ có Thiên Chúa mới là vua cai trị Israel, chứ không phải Xêda; (2) Thiên Chúa muốn giải phóng dân Người khỏi sự áp chế (như được cử hành mỗi dịp Vượt qua để tưởng nhớ cuộc xuất hành); (3) Thiên Chúa sẽ đem đến việc đó qua một biến cố tương lai trong lịch sử. Điều này được phát biểu qua các hình ảnh như “Ngày của Chúa” và “Thiên Chúa là Vua”. Chúa Giêsu chọn một hình ảnh ít thịnh hành hơn nhưng cũng gợi hình trong kiểu nói “nước Thiên Chúa”. Nó là một biểu tượng gợi lên những chờ mong mạnh mẽ.
Nhưng Chúa Giêsu cho nó một ý nghĩa riêng. Khi được người biệt phái hỏi lúc nào nước Thiên Chúa đến, Người trả lời: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói : ‘Ở đây này !’ hay ‘Ở kia kìa !’, vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17:20-21). Ở đây, xem ra Người bác bỏ hai hình thức mong chờ khá phổ thông. Một, từ giai cấp luật sĩ có học thức nhiều hơn, chờ mong một loại can thiệp của Thiên Chúa nhằm phá hủy thế giới xấu xa hiện nay và tạo nên một thế giới hoàn toàn mới. Đây là hình thức cực đoan có tính khải huyền, có lẽ chung hơn đối với thời nay hơn thời Chúa Giêsu, một hình thức trông đợi một “dấu chỉ” ở trên trời hay trong các bản văn thánh nhằm tiên đoán chính xác khi nào, ở đâu, và cách nào việc tận cùng sẽ diễn ra. Bất chấp khá nhiều giáo phái khải huyền ngày nay luôn cố gắng làm điều này, Chúa Giêsu không bao giờ tiên đoán tương lai cách này. “Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi” (Mc 13:32). Chờ mong khác phát xuất từ bình diện bình dân hơn và trông chờ một anh hùng dũng sĩ từ nhà Đavít, sẽ lật đổ các kẻ thù của Israel và thiết lập Israel thành vương quốc của Thiên Chúa trên mặt đất. Dưới hình thức cực đoan của nó, niềm hy vọng duy quốc gia này khuyến khích nổi loạn vì lòng hận thù kẻ thù và dùng bạo lực lật đổ chúng và tiêu diệt chúng. Chúa Giêsu rõ ràng bác bỏ phương thế bạo động đó để đem nước trời đến, thí dụ khi Ngươi nói “đừng chống cự người ác” (Mt 5:39) và “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5:44).
Hai hình thức mong chờ phổ thông này mong đợi một thứ can thiệp thần linh từ bên ngoài để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại. Mặt khác, Chúa Giêsu hướng sự chú ý bên trong thế giới này tới các thực tại ở đây và lúc này của đời sống con người. Thực vậy, Người nói: đừng ngoảnh mặt khỏi đời sống nhân bản nhưng phải nhìn vào chúng cách sâu xa hơn trong các mối tương quan xã hội, văn hóa, chính trị, kinh tế, và tôn giáo vốn hàm chứa trong đó. Ở đấy, các ông sẽ khám phá ra Thiên Chúa của Israel sống động, tích cực, hiện diện. Biểu tượng nước Thiên Chúa không ám chỉ thời gian và không gian hay một người nào mà là chính chúng ta. Đúng hơn nó ám chỉ Thiên Chúa, Đấng chúng ta tìm kiếm giữa cuộc sống nhân bản. Điều đó, đối với tôi, xem ra rất “dân chủ”, nghĩa là lấy người dân làm trung tâm.
Câu hỏi 34: Nếu Chúa Giêsu nhìn Thiên Chúa như trung tâm đời sống con người, há Người không coi đó là chính Người hay sao?
Tối hậu, đúng như thế; một cách trung gian, thì không. Điều này có nghĩa Thiên Chúa được mặc khải nơi Chúa Giêsu cuối cùng bao gồm Chúa Giêsu. Đức tin Ba Ngôi đầy đủ chỉ khả hữu dưới ánh sáng mặc khải cuối cùng và dứt khoát ban cho trong biến cố phục sinh, nhưng mặc khải này được trung gian đối với chúng ta qua cuộc sống nhân bản của Chúa Giêsu Nadarét. Cuộc sống nhân bản của Chúa Giêsu có thể được coi như một cuộc sống được lên sức mạnh bởi Chúa Thánh Thần và hoàn toàn tập chú vào Chúa Cha, Đấng Người gọi là Abba (Bố). Như thế, mặc khải cuối cùng của Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần bắt nguồn và dựa vào cơ sở cuộc sống và kinh nghiệm nhân bản của Chúa Giêsu. Đây là chiều kích sâu xa hơn của mọi điều Người nói và làm.
Thế nhưng, Chúa Giêsu không đến chỉ để thông truyền tin tức, bất luận về tín lý hay luân lý. Người không nói với ta phải tin gì hay phải làm gì, nghĩa là, Người không ban cho chúng ta một mớ tín lý phải tin hay các luật lệ luân lý phải tuân theo. Giống như mọi thiên tài tôn giáo vĩ đại, đúng hơn Người ban cho chúng ta một lối sống chỉ có thể hiểu được qua việc tham gia nghĩa là kinh nghiệm bản thân bước theo đường của Người. Đó là lý do tại sao các Giáo Huấn của Người bằng dụ ngôn lại quan trọng đến thế. Người thông truyền bằng nhiều cách điều Người muốn nói về Nước Thiên Chúa, qua châm ngôn và lời lẽ khôn ngoan, qua việc chữa lành và những bữa ăn chia sẻ, nhưng có lẽ cách Người ưa thích nhất là kể chuyện, những câu truyện không cho phép người ta chần chừ, giống như các trẻ em ở ngoài chợ không chịu tham gia trọn vẹn vào trò chơi nhưng rồi lại phàn nàn khi sự việc không nên trò trống gì (Mt 11:16-17).
Câu hỏi 35: Cha có thể nói thêm ít điều về dụ ngôn được không? Há cách giảng dậy này không gây mơ hồ cho người ta hay sao?
Các dụ ngôn không nhằm gây mơ hồ cho người ta nhưng chúng nhằm làm người ta lúng túng, nghĩa là khiến ta suy nghĩ và suy gẫm về thế giới tiện lợi và có trật tự mà chúng ta nghĩ chúng ta biết. Phản ứng bình thường đối với dụ ngôn là: tôi nghĩ tôi biết điều bạn muốn nói qua nó, nhưng tôi biết tôi không thích nó. Các dụ ngôn là các câu truyện đòi có sự tham gia. Chúng không những chỉ thông tri cho chúng ta biết một số khía cạnh của nước trời hay minh họa cho ta những ý tưởng chúng ta đã có về Thiên Chúa và nền luân lý của con người. Các dụ ngôn là thực tại nước trời. Chúa Giêsu nói về kinh nghiệm sống bình thường, hàng ngày của những người đồng thời với Người: người đàn bà làm bánh, người gieo hạt gieo hạt, người lữ khách bị bọn cướp bao vây, đứa con trai thứ bỏ đi tới các vùng đất lạ, người lao công cần việc làm...Ấy thế nhưng, các câu truyện được cường điệu, việc quen thuộc thành không quen thuộc, việc bình thường thành phi thường. Đấy là thực tại của nước trời cho những ai có mắt để nhìn có tai để nghe (Mc 4:9, 23). Nước Thiên Chúa chính xác đang ở đó, giữa đời sống con người (Lc 17:21), chứ không ở một thế giới nào khác làm chúng ta ra xa lạ với kinh nghiệm sống cụ thể ở đây và lúc này.
Xin minh họa: dụ ngôn ta quen gọi là “đứa con hoang đàng” (Lc 15:11-32) có thể hợp lý sử dụng như một phúng dụ trong đó, chìa khóa nằm ở bên ngoài dụ ngôn. Thành thử, việc giải thích dụ ngôn cách chính xác tùy thuộc việc chúng ta đã biết người cha là Thiên Chúa, đứa con trai thứ là Israel biết ăn năn, và người con trưởng là Israel không ăn năn. Luca có ý định về nó như vậy với chủ đề của ngài về niềm vui trên thiên đàng vì một người ăn năn (Lc 15:1-2.7.10.17-19.32). Luca huấn luyện để chúng ta đọc dụ ngôn cách này và đúng như thế, vì viễn ảnh của ngài là viễn ảnh của đức tin Kitô giáo vào Chúa Phục sinh. Trọng điểm là đây là một cách đọc trong các hoàn cảnh lịch sử đã thay đổi của Giáo Hội sơ khai, chúng ta vẫn đặt câu hỏi điều này có nghĩa chi với Chúa Giêsu trong hoàn cảnh lịch sử của Người.
Đối với tôi, dường như nếu chúng ta đọc câu truyện bằng cách coi nó như một câu truyện nói về các giới hạn và khả thể của tác phong con người, thì một cách đơn giản nó là câu truyện về việc các người cha đối xử với các con trai ra sao và các con trai cư xử với các người cha ra sao, cũng như anh em cư xử ra sao với nhau. Như thế, nó là câu truyện về những con người thật với những vấn đề có thật. Tôi nghĩ Chúa Giêsu muốn nói rằng nếu chúng ta muốn vào nước Thiên Chúa, thì chúng ta phải bước sâu hơn vào các mối tương quan nền tảng nhất trong các mối tương quan nhân bản, tức mối tương quan cha-con. Chúng ta phải hàn gắn những gì cần hàn gắn và phát biểu loại tình yêu vô điều kiện và có tính biến đổi mà người cha này tỏ cho hai đứa con trai của ông. Nếu chúng ta có thể nhìn và nghe khả thể này cho chính mình, thì chúng ta sẽ khám phá ra Thiên Chúa của Chúa Giêsu sống động, tích cực, hiện diện ở chính tâm điểm các mối tương quan này. Trong giáo huấn dụ ngôn của Người, Chúa Giêsu tìm kiếm sự biến đổi của các mối tương quan nhân bản trên mọi bình diện của xã hội.
Câu hỏi 36: Há Chúa Giêsu đã không nói trực tiếp về Thiên Chúa hay sao? Danh hiệu Abba có nghĩa gì đối với Người?
Chúa Giêsu mời gọi người ta khám phá để thấy Thiên Chúa của Israel sống động, tích cực, hiện diện giữa cuộc hiện sinh của con người. Nhưng điều chắc chắn là Đấng cần được khám phá tận tâm điểm sâu xa nhất của cuộc sống ta là Thiên Chúa được Người gọi là Abba. Abba là chữ Do Thái hay Aram chỉ được dùng một lần trong các Tin Mừng khi Chúa Giêsu cầu nguyện trong Vườn Diệtsimani: “Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn.” (Mc 14:36). Chỉ có Máccô cho ta chữ đúng như thế và ngài cũng cho ta bản dịch đúng chữ ấy: Cha ơi! (ho pater). Chữ này ở thể xưng hô, được dùng một cách nhấn mạnh, do đó, rất thích hợp để cầu nguyện. Chỉ trong các trường hợp lúc cùng chữ nguyên thủy này được sử dụng, Thánh Phaolô hai lần nhắc lại ý nghĩa của nó như một lời cầu nguyện (có lẽ ngài nghĩ tới truyền thống Diệtsimani). Quả thực, ngài nói, để chứng thực anh em là con cái Thiên Chúa trong Chúa Con (và do đó là người thừa kế Chúa Kitô), Người đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên : “Áp-ba, Cha ơi” (Ga 4:6; Rm 8:15-16). Trong lời cầu như thế, chúng ta tìm được nền tảng trải nghiệm cho đức tin vào Ba Ngôi của chúng ta.
Như chúng ta đã biết, không ai trước Chúa Giêsu đã từng cầu nguyện cùng Thiên Chúa với tiếng Abba. Đó là từ ngữ xưng hô và quen thuộc, một từ ngữ trẻ thơ quen dùng, nhưng lại không phải là từ ngữ con nít. Nó có âm điệu của sự thân quen và thân mật sẽ ở lại mãi với trẻ thơ suốt cuộc đời trưởng thành của em sau này. Do đó, nó không phải là một từ ngữ chỉ dành cho trẻ thơ nhưng cho bất cứ ai cảm nghiệm được mối liên hệ tín thác, gần gũi và tôn kính một người cha hay một vị thầy khả kính. Chúa Giêsu dùng nó trong giờ phút nguy kịch đầy hấp hối và sợ sệt để nói với Đấng vốn là tâm điểm trọn cuộc đời Người, vị Thiên Chúa được Người biết đến như là người Cha nhân hậu đầy yêu thương, Đấng nuôi dưỡng chim trời và mặc áo cho huệ đồng, Đấng đếm từng sợi tóc trên đầu chúng ta và biết cách ban cho ta những điều tốt lành.
Tôi muốn nói thêm rằng điều quan trọng trong hình ảnh này không phải là nam tính của nó. Thực vậy, không như sự thống trị của người cha kiểu tổ phụ, đây là một Abba, Đấng nuôi ta, mặc cho ta, chăm sóc ta và dưỡng dục ta, Đấng ôm ẵm ta một cách yêu thương hoàn toàn và vô điều kiện như người cha dành cho hai đứa con trai trong dụ ngôn. Đây là vị Thiên Chúa đầy hiểu biết cảm thương và tha thứ, một Thiên Chúa vươn tay ra ôm lấy người nghèo, người bị khinh miệt, người bị hắt hủi, người bị vứt bỏ. Đây là vị Thiên Chúa của Chúa Giêsu được Người công bố bằng cả lời nói lẫn việc làm, một Thiên Chúa mà ta có thể gọi là “Mẹ ơi!” cũng như “Cha ơi!”
Câu hỏi 37: Nếu Chúa Giêsu thực sự là Thiên Chúa, tại sao Người còn cần phải cầu nguyện trong vườn Diệtsimani?
Câu hỏi của bạn làm nổi bật một chủ đề từng được lặp đi lặp lại. Chúng ta thường xuyên nghĩ tới thiên tính của Chúa Giêsu có tính áp đảo hay kiểm soát đến nỗi nhân tính của Người trở nên phụ thuộc và không quan trọng. Đây là do ảnh hưởng của truyền thống sau này vốn nhấn mạnh tới thiên tính. Nó bắt đầu với Tin Mừng Gioan, thí dụ, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong Gioan 17 được đọc lên bởi một Đấng biết mọi sự và nay đang trở về với vinh quang đời đời mà Người vốn đã có với Chúa Cha trước khi thế giới được tạo dựng (Ga 17:5). Các lời cầu nguyện trước đó trong Gioan cũng như thế. Chúa Giêsu tạ ơn Chúa Cha đã nghe Người, nhưng rồi nói thêm điều này: “Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con.” (Ga 14:42; so sánh với 12:27-28, vốn là trình thuật hấp hối trong Gioan). Có lẽ đây là hình ảnh thông thường của chúng ta về Chúa Giêsu khi cầu nguyện. Chắc chắn Thánh Gioan nắm vững điều có tính trung tâm và quyết định trong cuộc sống lịch sử của Chúa Giêsu: mối liên hệ bản thân với Chúa Cha.
Nhưng các Tin Mừng nhất lãm trình bầy một viễn ảnh khác với viễn ảnh của Gioan, một viễn ảnh nhấn mạnh tới các cuộc chiến đấu và cơn cám dỗ của Chúa Giêsu. Ở đây, lời cầu nguyện, không chỉ như cuộc đàm thoại vĩnh cửu với Chúa Cha nhưng như nói lên niềm vui và nỗi lo âu xao xuyến của thân phận làm người của chúng ta, rõ ràng bình thường và cần thiết. Có lời chép Chúa Giêsu dành nhiều giờ, thậm chí cả nhiều đêm, để cầu nguyện một mình (Mc 1:35; 6:46; Lc 5:16; 6:12; 9:18. 28; 11:1; 22:41- 46, hiển nhiên Luca nhấn mạnh đến hình ảnh Chúa Giêsu lúc cầu nguyện). Có rất ít lời cầu nguyện của Chúa Giêsu được ghi chép, nhưng những lời chúng ta hiện có, dù bị ảnh hưởng bởi các quan tâm tôn giáo và thần học của Giáo Hội sơ khai, chắc chắn vẫn có tính lịch sử ở điểm này: chúng diễn tả sự tín thác tuyệt đối của Chúa Giêsu vào tình yêu và đức tín thành của Abba Người, nhất là đứng trước điều xem ra hoàn toàn đi ngược lại niềm tín thác này. Người cảm tạ Chúa Cha vì sự khôn ngoan của Người khi đứng trước nghịch cảnh và thất bại Người đang chịu đựng trong thừa tác vụ của Người (Mt 11:25; Lc 10:21 đặt cùng lời cầu nguyện trong bối cảnh niềm vui vì sự thành công của 72 môn đệ). Người khẳng định Ý muốn của Chúa Cha giữa cơn hấp hối và sợ hãi của Người (Mc 14:36tt). Trên thập giá, Người đọc Thánh vịnh 22, một thánh vịnh nói về sự tín thác trước việc xem ra bị Thiên Chúa bỏ rơi (Mc 15:34 = Mt 27:46; Lc 23:34.46 thay thế lời cầu nguyện này bằng hai lời cầu nguyện xin tha thứ và xin hoàn toàn tín thác vào Chúa Cha). Bất kể bất cứ lời cầu nguyện này có tính lịch sử ra sao xét từng lời cầu nguyện một, tất cả, kể cả lời cầu nguyện trong Gioan, đều có tính lịch sử ở điểm này: chúng diễn tả cường độ và tính trung tâm của mối tương quan của Chúa Giêsu với Chúa Cha và niềm tín thác hoàn toàn vào thánh ý Chúa Cha. Tất cả chúng ta đều cần lời cầu nguyện như thế khi đương đầu với các cuộc chiến đấu, mơ hồ, và không chắc chắn của đời người.
Câu hỏi 38: Còn về các cơn cám dỗ thì sao? Chúa Giêsu có trải nghiệm các cơn cám dỗ như chúng ta hay không?
Dường như đối với tôi, vấn đề cám dỗ và tội lỗi là đá thử xem ta coi trọng nhân tính của Chúa Giêsu đến đâu. Người có thực sự cảm nghiệm mọi điều chúng ta cảm nghiệm hay không? Thư Do Thái nghĩ thế. Mặc dù nó có một học thuyết rõ ràng về thiên tính của Chúa Giêsu diễn tả như Đức Khôn ngoan của Thiên Chúa được tôn lên bên hữu Đấng Uy nghi trên tiên đàng (1:1-4) và do đó cao trọng hơn các tiên tri, các thiên thần, Môsê, các linh mục và hy lễ đền thờ, nó vẫn nói rằng “... Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (4:15). Chữ dịch là “chịu thử thách” cũng có nghĩa là “chịu cám dỗ”. Và một lần nữa: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (5:8), có ý nhắc đến lời cầu nguyện của Người trong Vườn Diệtsimani.
Bất cứ điều gì ta nói về thiên tính của Chúa Giêsu, ta cũng phải để nhân tính của Người đóng đầy đủ vai trò của nó. Ta biết rằng Người không phạm tội không phải vì ta phân tích tình trạng bên trong của tâm trí Người, nhưng vì Thiên Chúa đã làm Người trỗi dậy từ cõi chết. Nhưng sự kiện Người phải “học đức vâng lời” ngụ ý cuộc tranh đấu nhân bản chống lại các sức mạnh của sự ác. Vâng lời là vấn đề của ý chí con người, chứ không phải ý chí thần linh. Thánh Phaolo mô tả cuộc sống nhân bản của Chúa Giêsu như là việc đảo ngược sự bất tuân của Ađam qua đức vâng lời của chính Người (Rm 5:12-21). Điều này có nghĩa Chúa Giêsu trọn vẹn bước vào các cuộc tranh đấu và yếu đuối của cuộc sống nhân bản vốn bị quyền lực của tội lỗi, luật lệ, và cái chết thống trị, và ở đấy, có thể nói từ bên trong, biến đổi sự bất tuân của con người. Thánh Phaolô nói đến việc Thiên Chúa sai chính Con của Người đến “mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta” (Rm 8:3) nghĩa là với thư Do Thái, Người giống chúng ta trong mọi sự chỉ trừ tội lỗi (so sánh với Pl 2:6-8). Việc Người cần học đức vâng lời, việc Người tranh đấu để mãi trung thành với thánh ý Chúa Cha thậm chí cho đến chết, với các tác giả này là điều có thật.
Các trình thuật nhất lãm về cám dỗ, nhất là được khai triển trong Mátthêu và Luca, là các trình thuật thần học cô đọng của điều có lẽ diễn ra suốt trong thừa tác vụ của Chúa Giêsu. Chúng đụng tới quan tâm chính của sứ mệnh Người, vốn là đổi mới Israel, bằng cách nhắc nhở chính các cơn cám dỗ của Israel: thích các ơn phúc lạ lùng của Thiên Chúa (manna) hơn là ý muốn của Thiên Chúa; thử thách Thiên Chúa chứng tỏ việc Người chăm sóc và nhân từ; và sau cùng thay thế việc thờ phượng Thiên Chúa bằng việc thờ ngẫu thần. Như Israel, Chúa Giêsu phải mãi trung thành với thánh ý Thiên Chúa và tín thác vào sự chăm sóc và lòng nhân từ của Thiên Chúa, không đòi hỏi chứng cớ của chúng. Người phải khám phá ra ý nghĩa đích thực của sứ mệnh Chúa Cha đã trao cho Người, nhất là khi những người chung quanh Người có những ý nghĩ khác: “Nhưng Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình” (Ga 6:15).
Câu 39: Há Chúa Giêsu không là vua hay sao? Con nghe một số người nói rằng Người là một nhà cách mạng và Người muốn lật đổ các quyền lực cai trị bằng bạo lực. Điều đó có đúng không?
Khi Philatô hỏi Chúa Giêsu, “Ông có phải là vua dân Do Thái không?” (Mc 15:2), tất cả bốn Tin Mừng đều ghi lại rằng câu trả lời của Chúa Giêsu có tính lững lờ. Chính Philatô nói như thế. Điều này ngụ ý hai điều về phương diện lịch sử. Thứ nhất, người La Mã đóng đinh Người chỉ dựa trên cơ sở họ hiểu Người là tên phản loạn dám khích động người dân vá thách thức thẩm quyền của hoàng đế bằng cách tự xưng là vua (Lc 23:1-5). Điều này không có chi bất thường cả vì đã có các ông vua nổi loạn từng cố gắng làm cùng một điều trong thời người La Mã chiếm đóng Palestine. Tấm bảng trên thập giá: “Vua dân Do Thái” (Mc 15:26), do đó, nên được coi như lời chế giễu sự cao ngạo của ngừơi Do Thái. Tước hiệu thích đáng đáng lẽ nên là “Vua Israel” và trong Máccô, quả là một nghịch lý lớn lao khi các thượng tế và luật sĩ chế giễu Người lại đã dùng tước hiệu thích đáng ấy “Ông Kitô vua Ítraen, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, để chúng ta thấy và tin.” (Mc 15:32).
Hệ luận có tính lịch sử thứ hai là chính Chúa Giêsu bác bỏ cả hai tước hiệu, nghĩa là Mêxia và Vua, chính vì các hệ luận duy dân tộc của chúng. Chúa Giêsu quả là một nhà cách mạng theo nghĩa kêu gọi một sự biến cải xã hội triệt để, nhưng Người không phải là người “duy cách mạng” theo nghĩa cổ vũ việc bạo động lật đổ các kẻ thù của Israel. Người chọn cách khác, cách của tình yêu cảm thương và tha thứ cho cả kẻ thù. Người bác bỏ nguyên tắc trả thù, “mắt đền mắt răng đền răng” cho dù nguyên tắc này nhằm giới hạn và kiểm soát số lượng và loại trả đũa người ta có thể dùng. Thay vào đó, Người nói, “đừng chống cự người ác” (Mt 5:39). Người không nói: Đừng chống cự sự ác. Vì hiển nhiên, Chúa Giêsu có chống cự sự ác trong đời sống Người. Nhưng Người nói: Đừng chống cự sự ác bằng sự ác mà bằng điều tốt. Giơ má kia, cho quần áo anh em cho những người xin chúng, đi thêm một dặm nữa là không phải nói rằng nhục mạ, ăn cắp, và lao động cưỡng bách là điều tốt. Phải nói rằng cách duy nhất vượt thắng sự ác là biến đổi sự ác bằng điều tốt và tình yêu hơn là gia tăng sự ác. Thánh Phaolô nói cùng một điều này trong thư Rôma 12:14-21 nơi ngài kết luận” “...làm như vậy, ngươi sẽ chất than hồng lên đầu nó” nghĩa là đụng đến lương tâm họ và có lẽ sẽ mang họ tới sự hoán cải thực sự tâm và trí họ.
Ngày nay, khi chúng ta cử hành ngày lễ Chúa Kitô Vua, chúng ta nên nhớ rằng Người đã bị đóng đinh bởi quyền lực đế quốc theo cái hiểu của họ về ý nghĩa của các danh hiệu này. Chiến thắng của Người trong việc sống lại là cuộc chiến thắng trên chính các quyền lực như thế với tính bạo lực phá nát của nó. Trên thập giá, Chúa Giêsu biến đổi ý nghĩa của cả Mêxia lẫn Vua.
Câu 40: Nhưng còn Satan thì sao? Há chiến thắng của Chúa Giêsu không chống lại quyền lực của ma qủy hay sao?
Quả thực như thế. Đây là cách Máccô 1:12-13 trình bầy cơn cám dỗ của Chúa Giêsu. Sự đối kháng giữa Thần Khí, Đấng, theo nghĩa đen, “đẩy Người vào hoang địa” và Satan, kẻ cám dỗ Người trong 40 ngày. Chiến thắng của Đấng Mêxia được nhận ra dấu hiệu nhờ hai quan sát sau đây. Thứ nhất, “Người sống với loài dã thú” nghĩa là Người phục hồi sự hoà hợp giữa con người và thiên nhiên như con trẻ trong Isaia 11:6-9, em vốn điều khiển xúc vật và chơi đùa với chúng. Thứ hai, “Các thiên thần hầu hạ Người”, nghĩa là cử hành bữa tiệc thiên sai nhằm kết hợp trời và đất. Một bộ ba tương tự cũng diễn ra ở Luca 10:18-20 khi các môn đệ trở về nói cho Người hay ngay ma qủy cũng tùng phục họ: (1) Satan rơi như chớp; (2) có thẩm quyền dẵm lên rết và bọ cạp; (3) tên tuổi được viết trên thiên đàng. Không còn hoài nghi chi nữa các Tin Mừng trình bầy Chúa Giêsu như người sau cùng đánh nhau với quyền lực của Satan. Giáo Hội sơ khai thừa nhận rằng “chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao” (Ep 6:12; so sánh với Rm 8:38; 1Cr 15:24-26).
Luca thấy ảnh hưởng của Satan chủ yếu trong các cơn cám dỗ và một lần nữa tại thập giá khi “Satan nhập vào Giuđa” (22:3, đã dự ứng ở 4:13). Nhưng xem ra không còn hoài nghi gì nữa là chính Chúa Giêsu thấy nhiều biểu hiện sự ác được giăng ra chống lại Người, nhất là vô số những lần qủy ám và sự thù nghịch của giới lãnh đạo Do Thái, vốn tượng trưng cho một sức mạnh xấu xa được Người gọi là “Satan”. Khi bị tố cáo là xua đuổi ma qủy bằng thủ lãnh các ma quỷ, Người hỏi, “Làm thế nào Satan lại có thể xua đuổi Satan cho được?” (Mc 3:23). Để Chúa Giêsu thành công, trước nhất Người phải trói người mạnh lại(3:27). Những kẻ tố cáo Người bị qúy ám đã phạm thượng chống lại Chúa Thánh Thần và không bao giờ được tha thứ (3:28-30).
Bất chấp người ta tưởng tượng ma qủy như một hữu thể thiên thần có ngôi vị hay không, cuộc đấu tranh chống quyền lực sự ác vẫn có thực chất và man mác cũng như có hệ thống hơn quyền lực của bất cứ cá nhân đơn nhất nào. Thế nhưng, việc này không miễn trừ ai khỏi trách nhiệm bản thân. Trong Máccô, Chúa Giêsu được trình bầy như một Đấng uy quyền trong lời nói và việc làm. Người có quyền lực cưỡng bức trên ma qủy, trên bệnh tật, trên thiên nhiên, nhưng không trên cõi lòng con người. Cản trở vĩ đại đối với sứ mệnh của Người là “sự cứng lòng” của các nhà lãnh đạo (3:5-6), của chính dân làng Nadarét của Người (6:1-6), và ngay cả, có lẽ đặc biệt trong Máccô, các môn đệ của Người (6:52; 8:14-21). Cả Chúa Giêsu lẫn ma qủy cũng không thể cưỡng bức được con người phải đáp ứng nếu họ bác bỏ.
http://vietcatholicnews.org/News/Home/Archive?date=2023-08-19
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét