Ai cũng biết Đức Bênêđíctô XVI có nhóm cựu sinh viên nổi tiếng, trong đó, có Đức Hồng Y Christoph Maria Michael Hugo Damian Peter Adalbert Schönborn, O.P. nhưng chưa nghe tới nhóm Neuer Schülerkreis Joseph Ratzinger /Benedikt XVI [Nhóm Sinh viên mới của Joseph Ratzinger/Bênêđíctô XVI], những người tự nhận là sinh viên của ngài qua việc đọc các tác phảm của ngài. Daniel E. Burns, giáo sư chính trị tại Đại học Dallas và là thành viên của Nhóm, trên tờ America, ngày 7 tháng 8 năm 2023, nhân dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2023 tại Lisbon, có bài nhận định được tờ này chọn làm Câu chuyện Trang bìa, về Đức Cố Giáo Hoàng Bênêđícto XVI và nền giáo dục, nhất là nền giáo dục đại học Công Giáo:



Joseph Ratzinger, theo như tôi biết, chỉ cho phép mình một lần suy đoán công khai về lý do Thiên Chúa chọn ngài làm giáo hoàng. Ngài cho biết ngài nghĩ rằng khi chọn vị giáo sư đặc biệt đến từ Đức này, Thiên Chúa muốn kêu gọi sự chú ý đến lối suy tư trí thức đã từng làm cho nước Đức nổi tiếng khắp châu Âu, và làm nổi bật “cuộc đấu tranh cho sự thống nhất giữa đức tin và lý trí” đối với các tín hữu hiện đại.

Thế giới sẽ dành nhiều thế kỷ để thẩm hóa di sản bằng văn bản của Ratzinger. Tuy nhiên, trong khi ký ức về cuộc đời của ngài vẫn còn mới mẻ, đối với tôi, dường như chúng ta có thể đặc biệt chú ý đến những phẩm chất con người độc đáo của ngài. Để bắt đầu, một cách hữu ích là xem xét tất cả những cách trong đó ngài rõ ràng là một giáo sư, ngay cả sau 45 năm vô tình xa cách lớp học và những sinh viên được ngài yêu quý.

Vì mặc dù sự xuất sắc của Ratzinger trong tư cách một nhà văn thần học có liên quan đến những phẩm chất nhân bản của ngài trong tư cách một giáo sư, nhưng chúng không giống nhau. Nhiều nhà thần học xuất sắc đã không làm giáo sư. Nhiều giáo sư xuất sắc không để lại di sản bằng văn bản nào để nói đến. Ratzinger tình cờ có những phẩm chất đáng ngưỡng mộ của cả hai.

Ratzinger và giới trẻ

Giáo sư là một loại nhà giáo dục. Ngày nay, các tệ nạn của hệ thống giáo dục của chúng ta và của các nhà giáo dục của nó dường như là một chủ đề bàn tán không bao giờ cạn. Nhưng các giáo sư cũng có những đức tính đặc trưng của họ, và Ratzinger hiện thân những đức tính này ở một mức độ cao khác thường. Thí dụ, hầu hết các giáo sư đều yêu thích những người trẻ tuổi. Thật đáng ngạc nhiên khi những người không phải là giáo sư thường quên điều này, nhưng đó là sự thật nổi bật nhất về các giáo sư khi bạn biết họ. (Có lẽ hầu hết những người tốt nghiệp đại học, đã coi tình yêu đó là điều hiển nhiên khi họ còn là những người nhận được nó khi còn trẻ, sau đó quên nhìn lại và tự hỏi liệu họ có thực sự xứng đáng với nó hay không.)

Ratzinger luôn yêu mến những người trẻ tuổi, đặc biệt là những người lớn trẻ tuổi. Gần như tất cả những gì ngài từng viết hoặc nói trước công chúng đều được khơi dậy một cách rõ ràng bởi mối quan tâm khuyến khích—và trả lời—những câu hỏi hiện sinh trung thực mà những người trẻ đủ can đảm để nêu lên. Khi ngài bày tỏ mối quan ngại về tương lai của Kitô giáo (như ngài thường làm), ngài luôn quay lại câu hỏi liệu đức tin cổ xưa có được truyền lại dưới một hình thức mà những người trẻ tuổi có thể mong đợi một cách hợp lý để xây dựng cuộc sống của họ xung quanh hay không. Khi bày tỏ mối quan tâm đến tương lai của toàn nhân loại (như ngài cũng thường làm), ngài sẽ tập trung vào những nỗi khốn khổ của cuộc sống hiện đại nổi bật nhất trong cuộc sống của những người trẻ: sự vô vọng, sự không chắc chắn, nỗi sợ phải cam kết, sự miễn cưỡng bắt đầu một gia đình, lao vào ma túy, tình dục rỗng tuếch và suy đồi.

Những khoảnh khắc rất được yêu thích của ngài trong triều đại giáo hoàng kéo dài 8 năm đầy mệt mỏi là Ngày Giới trẻ Thế giới. Ở đó, ngài có thể nhìn thấy và chào hàng trăm ngàn thanh niên nam nữ từ khắp nơi trên thế giới đến quy tụ để cầu nguyện với vị kế vị Thánh Phêrô. Tại những cuộc tụ họp đó, ngài đặc biệt cảm động trước các phụng vụ. Cũng chính đám đông người trẻ hiện đại này, được cho là bồn chồn và mất tập trung, tất cả sẽ hiệp nhất trong lời cầu nguyện thầm lặng đến nghẹt thở với cùng một Thiên Chúa mà Ápraham đã tôn thờ trong sa mạc, Đấng mà Đức Ratzinger đã thấy một lần nữa được mạc khải trong những cuộc tụ họp đó.

Tôi tin rằng chính tình yêu dành cho giới trẻ này đã thúc đẩy và giải thích đầy đủ về quyết định từ chức giáo hoàng được thảo luận nhiều của Ratzinger. Trong cuộc phỏng vấn dài cuối cùng biến thàn sách của ngài, ngài gợi ý rằng ngài nên đưa ra quyết định đó ngay sau khi bác sĩ thông báo rằng ngài sẽ bị cấm bay đến Ba Tây để tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới năm sau. Có vẻ như ngài lý luận như sau: Giới trẻ thế giới xứng đáng có cơ hội hàng năm để cầu nguyện với Đức Giáo Hoàng; nếu giáo hoàng không thể tham dự thì cần có giáo hoàng mới. Đối với Joseph Ratzinger, điều đó thật đơn giản.

Tất nhiên, mối quan tâm dành cho giới trẻ không phải chỉ có ở các giáo sư. Các chính trị gia cũng luôn nói về giới trẻ và cố gắng chiều chuộng họ một cách vụng về. Nhưng ở điều tốt nhất, các giáo sư có mối quan hệ lành mạnh hơn với giới trẻ so với các chính trị gia. Chúng tôi phục vụ những nhu cầu thực sự của giới trẻ và ngưỡng mộ những điểm mạnh của họ mà không đui mù trước các điểm yếu của họ (đặc biệt là sự thiếu thận trọng của họ).

Trong tám năm ngắn ngủi, Ratzinger đã cho phép chúng ta hình thành một số tầm nhìn về việc một giáo hội sẽ được điều hành theo tinh thần thực sự của một giáo sư sẽ như thế nào. Nó sẽ mang lại sự tương phản rõ rệt với một giáo hội do các chính trị gia điều hành - tức là bởi những người đàn ông lớn tuổi tuyệt vọng với những gì họ tưởng tượng.

Tình cảm thầy trò

Ratzinger không chỉ yêu thương giới trẻ mà đặc biệt là các học trò của ngài, thậm chí rất lâu sau khi họ đã không còn trẻ nữa. Nhiều hiểu biết lâu dài của ngài về bản chất của giáo dục đã được nuôi dưỡng bằng kinh nghiệm sâu sắc của ngài về mối liên kết thiêng liêng và lâu dài giữa giáo sư và sinh viên, kể cả hoặc đặc biệt là sau khi sinh viên đã trở nên đồng nghiệp của giáo viên, ở một khía cạnh nào đó.

Ratzinger rời trường đại học vào năm 1977, theo lời kêu gọi đánh đổi sự tự do của lớp học để lấy gánh nặng của văn phòng. Trong suốt 35 năm phục vụ giáo hội tiếp theo, hàng năm ngài vẫn dành một ngày cuối tuần để tụ tập (trực tiếp) cùng nghiên cứu với những người từng là học trò của ngài — thậm chí còn tiếp tục làm như vậy, trước sự ngạc nhiên của họ, sau khi ngài trở thành giáo hoàng. Sau tang lễ của ngài, tôi đã nói với một trong những học trò cũ của Ratzinger rằng thật kỳ lạ khi chứng kiến một đám tang không có gia đình của người quá cố. Vị này trả lời: “Chúng ta là gia đình của ngài.”

Điển hình bản thân trong mối liên hệ của Ratzinger với các học trò của mình là điều hợp thời hơn bao giờ hết. Sau thử nghiệm quy mô lớn gần đây của quốc gia chúng ta với việc giáo dục ảo, mọi phụ huynh và học sinh lẽ ra nên có được một số nhận thức về thực tại và tầm quan trọng của mối liên hệ giữa giáo viên và cá nhân học sinh. Bất cứ lợi ích lâu dài, mang tính đào tạo nào đối với tâm hồn của học sinh – kiểu đào tạo mà hầu hết chúng ta đã nhận được từ một hoặc nhiều giáo viên của mình, và các học trò của Ratzinger chắc chắn biết rằng họ đã nhận được từ ngài – sẽ tùy thuộc vào mức độ lành mạnh của mối tương quan nhân bản này.

Tuy nhiên, đại dịch đã khiến nhiều trường học càng háo hức áp dụng các kỹ thuật làm suy yếu mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh bằng cách tước đi bối cảnh tự nhiên của con người. Điều này dường như đúng ngay cả với một số trường phái tuyên bố chia sẻ (ít nhiều) sự hiểu biết cổ điển của Ratzinger về linh hồn con người và sự đào tạo cho nó, có thể được kỳ vọng sẽ biết rõ hơn. Ngay cả khi những kỹ thuật như vậy đã có sẵn cho ngài, tôi không thể tưởng tượng Ratzinger lại chọn tiến hành cuộc họp thường niên với học trò cũ của mình một cách ảo. Thay vì đánh mất mối liên hệ trực tiếp này với các học trò cũ của mình, ngài đã thực hiện một bước đáng chú ý là đưa tất cả họ đến dinh thự mùa hè của giáo hoàng tại Castel Gandolfo. Điểm này không cần phải giải thích.

Ý nghĩa của giáo dục

Nhiệm vụ tế nhị là giáo dục giới trẻ, giống như bất cứ công việc khó khăn nào khác, được hiểu rõ nhất bởi những người đã thực hành nó. Ratzinger đã viết một cách hùng hồn và sắc sảo về nghề giáo dục và vai trò của nó trong việc xây dựng hoặc phá hủy toàn xã hội. Những suy nghĩ của ngài về nhiệm vụ giáo dục được thông tri sâu sắc qua kinh nghiệm của chính ngài và đáng được chú ý cẩn thận. Đối với ngài, chính trị và văn hóa phụ thuộc vào sự đào tạo con người, trong khi việc đào tạo con người phụ thuộc vào chất lượng của các cơ sở giáo dục của chúng ta.

Với tư cách là giáo hoàng, ngài đã nhiều lần chứng tỏ rằng giáo dục (đặc biệt là giáo dục đại học) luôn ở trong tim ngài. Ngài chỉ đưa ra hai bài diễn văn quan trọng trên đất Mỹ: một cho các nhà giáo dục, một cho sinh viên và giới trẻ, và cả hai tại các cơ sở giáo dục Công Giáo (Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và Chủng viện Thánh Giuse ở Yonkers). Trong chuyến thăm của vị giáo hoàng này tới Regensburg, ngài đã thực hiện một bước thậm chí còn khác thường hơn là thực hiện một bài thuyết giảng học thuật. Nó bắt đầu với những hồi ức về những năm ngài làm giáo sư và trưởng khoa, và kết thúc bằng việc xác định nhiệm vụ thích hợp của trường đại học hiện đại. Các bài phát biểu và bài viết khác của ngài luôn xoay quanh chủ đề giáo dục.

Ratzinger lập luận, trách nhiệm nghề nghiệp của chúng ta trong tư cách giáo sư gắn liền với nhiệm vụ chung giúp hợp nhất chúng ta vượt qua mọi ranh giới môn học của chúng ta. Chúng ta chịu “trách nhiệm chung, duy nhất về việc sử dụng lý trí đúng đắn,” không chỉ trong lớp học và văn phòng của chúng ta mà còn ở thế giới bên ngoài. Điều này không có nghĩa là chúng ta có thể giải quyết các vấn đề của thế giới từ tháp ngà; ngài noí, đúng hơn, các trường đại học của chúng ta phải là nơi chúng ta nuôi dưỡng thói quen suy nghĩ hợp lý để cho phép sinh viên tốt nghiệp của chúng ta tự mình tiếp cận những vấn đề đó một cách lành mạnh và nhân bản. Trong thông điệp “Caritas in Veritate” [Bác ái trong Sự thật], ngài đưa ra một danh sách dài các vấn đề xã hội của thế giới chúng ta, và ngài khẳng định cụ thể rằng các giải pháp giải quyết chúng phải xuất phát từ kiểu hợp lý tính, từng được ngài nói tới ở Regensburg, mà các trường đại học của chúng ta nên vun trồng.

Nhưng việc hợp lý tính đó ra sao? Hầu như tất cả các cuộc tranh luận giáo dục ngày nay đều là về chương trình giảng dạy hoặc “nội dung”, nhưng kinh nghiệm của Ratzinger trong tư cách một nhà giáo dục dẫn ngài vào tầng lớp sâu hơn của những cuộc tranh luận đó. Ngài lập luận, để khuyến khích việc sử dụng đúng đắn lý trí hiện thân, các trường đại học của chúng ta, trên hết, phải trau dồi những nhân đức luân lý chuyên biệt hướng dẫn lý luận lành mạnh. Đặc biệt, lòng can đảm là cần thiết nếu chúng ta muốn lý luận qua những câu hỏi khó nhất, “những câu hỏi thực sự mang tính nhân bản”, bao gồm “những câu hỏi về đạo đức và tôn giáo”. Trường đại học phải trau dồi “lòng can đảm để chấp nhận toàn bộ chiều rộng của lý trí, thay vì từ chối sự vĩ đại của lý trí”. Sự can đảm để lý luận về các chủ đề khó khăn và đầy cảm xúc ngày nay bằng cách nào đó phải được truyền lại từ các giáo sư đến sinh viên của họ, bất chấp những nỗ lực tốt nhất của phương tiện truyền thông xã hội và môi trường pháp lý của chúng ta nhằm khuyến khích sự hèn nhát về mặt trí thức hoặc sự tuân thủ giáo điều.

Socrates là mẫu mực của Ratzinger về lòng dũng cảm trí thức này. Và học trò Platông của Socrates cung cấp tiêu chuẩn cho Ratzinger về việc sử dụng lý trí mà các nhà giáo dục của chúng ta phải trau dồi. Những tìm hiểu thuần lý của Platông đã phủ dài các ngành hiện đại của chúng ta về thần học, vật lý, siêu hình học, nghiên cứu tôn giáo, khoa học chính trị, đạo đức, toán học, âm nhạc, thi ca, ngôn ngữ học và truyền thông, trong số những ngành khác. Ratzinger làm nổi bật cách hiểu rộng rãi theo kiểu Platông này về paideia [hệ thống giáo dục văn hóa phổ quát] là điều đã truyền cảm hứng cho tổ tiên Kitô giáo của chúng ta xây dựng các cơ sở giáo dục, từ các trường đại học thời trung cổ đến hệ thống trường giáo xứ của Mỹ (được Ratzinger ngưỡng mộ).

Quan niệm của Platông về lý trí đối lập với quan niệm hẹp hòi về lý trí đang thống trị diễn từ công khai và đời sống đại học của chúng ta ngày nay. Theo quan điểm thứ hai, được Ratzinger tìm thấy vết tích nơi Francis Bacon và René Descartes, các trường đại học hiện hữu tiến hành nghiên cứu để phục vụ tiến bộ kinh tế và kỹ thuật. Nhưng chống lại điển hình hiện đại này vốn “tự giới hạn lý trí vào những gì có thể được kiểm chứng bằng thực nghiệm”, Ratzinger cho rằng các trường đại học của chúng ta có trách nhiệm dạy cho những người trẻ tuổi “mở cửa lại lý trí theo chiều rộng đầy đủ của nó”. Chúng ta phải giúp giới trẻ hướng lý trí do Thiên Chúa ban cho họ đến mọi câu hỏi mà thế giới của chúng ta đặt ra cho họ, cho đến và bao gồm cả câu hỏi về chính Thiên Chúa.

Vì vậy, Thiên Chúa không thể vắng mặt trong các định chế giáo dục lành mạnh. Vì Thiên Chúa không vắng mặt trong thế giới mà các sinh viên tốt nghiệp của họ sẽ phải sống. Ratzinger thường nhấn mạnh rằng bất cứ nơi nào danh Thiên Chúa bị loại bỏ khỏi thế giới đương thời của chúng ta, thì các quyền lực thay thế danh ấy đều không nhân đạo cũng không hợp lý. Những suy tư của Ratzinger về vị trí cụ thể của Thiên Chúa trong đời sống của một định chế giáo dục vừa mang tính chuyên môn vừa thực tế, được thông tri qua nhiều thập niên bằng kinh nghiệm, bắt đầu, khi còn là một đứa trẻ, ngài đã chứng kiến Đức quốc xã gỡ bỏ những cây thánh giá khỏi các lớp học ở trường công lập của họ.

Cội nguồn tôn giáo của tự do học thuật

Trong một thế kỷ hay hơn, các trường đại học tôn giáo Hoa Kỳ đã chứng kiến những cuộc thảo luận bất tận về những căng thẳng giữa đòi hỏi tự do học thuật và sứ mệnh tôn giáo của họ. Không phủ nhận khả năng xảy ra những căng thẳng như vậy, thay vào đó, Ratzinger đã chọn cách nhấn mạnh đến những cách thức rất thực tế trong đó hai yêu cầu dường như đối lập này thực sự phụ thuộc vào nhau.

Trong một bài thuyết giảng bị bỏ quên có tựa đề “Những suy tư về Nhiệm vụ của một Học viện Công Giáo,” Ratzinger (tiếp nối Joseph Pieper) đã nhấn mạnh rằng Học viện ban đầu của Platông là một tổ chức tôn giáo tập trung vào một đền thờ các Nàng thơ. Ngài lập luận, tự do học thuật “trong căn bản, không phải ngẫu nhiên, thuộc về bối cảnh tôn kính và phụng vụ. Không có những thứ này, nó không còn hiện hữu.” Chỉ có sự tôn kính khiêm tốn đối với sự thật thần thiêng mới có thể giải thích tại sao các hoạt động giáo dục và nghiên cứu dựa trên sự thật của chúng ta nên được mãi tự do, được giải phóng khỏi những yêu cầu bức thiết khác của tiện ích kinh tế.

Sự nhấn mạnh của Ratzinger vào bản chất tôn giáo của Học viện Platông là rất đáng chú ý bởi vì, như ngài nói rõ ràng ở chỗ khác, chính lý lẽ riêng của Platông đã dạy ngài không nên tin vào các vị thần theo nghĩa đen của Athens. Nhưng, ngài nói, đồng thời, hành động phụng vụ ở trung tâm Học viện của chính Platông phải được hiểu như một điều gì đó hơn là “hành vi xã hội đơn thuần mang tính biểu tượng”. Do đó, việc Ratzinger khăng khăng đòi trở lại cội nguồn Platông của chúng ta giúp làm sáng tỏ một sự căng thẳng vẫn còn tồn tại trong các trường đại học Kitô giáo.

Một trường đại học lành mạnh thực sự phải khuyến khích đặt câu hỏi về thần thiêng, nhưng nó không thể để câu hỏi đó lấn át sự tôn kính tôn giáo mà từ đó nó lấy được sức sống và sự tự tin của chính mình trong tư cách một định chế học thuật. Đây là nguồn gốc thực sự của những căng thẳng mà chúng ta trải qua: về lâu về dài, tự do học thuật phụ thuộc vào một số hình thức hỗ trợ tôn giáo. Gợi ý này của Ratzinger dường như sẽ được xác nhận khi xem xét các trường đại học tôn giáo của đất nước chúng ta, những trường đại học này nói chung đã làm tốt hơn công việc bảo vệ tự do học thuật trước các cuộc tấn công gần đây so với các trường đại học thế tục đã làm.

Tương tự như vậy, như Ratzinger đã nhấn mạnh tại Regensburg, chúng ta không thể đào tạo sinh viên áp dụng lý trí của họ vào phạm vi rộng nhất của các vấn đề con người nếu trường đại học của họ xử lý các vấn đề thần học theo cách nào đó nằm ngoài lĩnh vực thảo luận học thuật hợp lý. Cuộc sống của một trường đại học lành mạnh phải bao gồm việc nghiên cứu thần học một cách nghiêm túc như một môn học thuật – ngay cả khi, như Ratzinger cũng khẳng định từ kinh nghiệm đại học của chính mình, những người vô thần và các câu hỏi của họ cũng vẫn phải được hoan nghênh.

Các trường đại học tôn giáo có một số nhận thức về việc việc tìm hiểu học thuật đích thực về Thiên Chúa có thể tạo nên tinh thần chung cho toàn bộ khuôn viên trường như thế nào. Các trường đại học phi tôn giáo có thể được hưởng lợi từ nhận thức tương tự. Hầu hết các trường đại học thế tục vẫn ngưỡng mộ Harvard, Princeton, Yale, Đại học Chicago và Columbia—tất cả các trường được hưởng lợi rất nhiều từ truyền thống lâu đời của nền tảng Kitô giáo của chính họ, được hiện thân rõ ràng cho đến ngày nay trong kiến trúc tôn giáo tráng lệ và các trường thần học nghiêm ngặt về mặt học thuật.

Những suy nghĩ cuối cùng từ vị Giáo hoàng giáo sư

Tôi may mắn được gặp Ratzinger hai lần, cả hai lần sau khi ngài nghỉ hưu. Lần đầu tiên tôi hỏi ngài công việc của một giáo sư đại học Công Giáo ngày nay nên là gì? Tôi ước tôi có thể truyền đạt được việc ngài đột nhiên trở nên nghiêm túc và chăm chú như thế nào, sau những gì chỉ là những lời nói bông đùa. Đây là chủ đề ngài quan tâm và muốn trả lời chính xác.

Ngài nói ngay về Thiên Chúa, về tầm quan trọng của ngài vào thời điểm mà chính câu hỏi về Thiên Chúa có nguy cơ biến mất khỏi các trường đại học của chúng ta. Ngài làm nổi bật sự kiện: vị Thiên Chúa này không phải là một giả thuyết hay dấu hỏi đơn thuần nhưng cực kỳ hợp lý, và thực sự là nguồn gốc của tính hợp lý làm cơ sở cho mọi yêu cầu học thuật của chúng ta. Và ngài nhấn mạnh sự thật thứ hai rằng, mặt khác, lý trí của con người chúng ta sẽ mất phương hướng khi nó đánh mất vị Thiên Chúa này. Ngài nói với tôi, nhiệm vụ đối với chúng ta trong tư cách các học giả có niềm tin, là làm cho cả hai sự kiện đó thành tỏ tường— mỗi chúng ta trong lĩnh vực học thuật chuyên môn của mình.

Lần gặp thứ hai của chúng tôi, vào năm 2015, là lần cuối cùng ngài đủ khỏe để cử hành Thánh lễ cho cuộc họp thường niên của các học trò cũ của ngài— hàng ngũ của nó giờ đã giảm dần theo tuổi tác nhưng cũng tăng lên bởi chúng tôi những người trẻ hơn, “Tân sinh viên” (Neuer Schülerkreis), những người đã trở thành sinh viên của ngài chỉ qua các bài viết của ngài. Người đàn ông 88 tuổi này đã thuyết giảng cho chúng tôi mà không cần bản viết hay thậm chí một chút do dự, ngài nói liên tục trong 12 phút.

Tin Mừng Chúa nhật là đoạn văn từ Máccô 7 về những gì làm và không làm ô uế một con người. Ratzinger dừng lại một lúc ở mục cuối cùng trong danh sách của Chúa Giêsu về các tật xấu làm ô uế, mà ngài dịch là “thiếu suy nghĩ”. Ngài nhấn mạnh thế giới kỹ thuật hiện đại của chúng ta khuyến khích thói xấu đạo đức của việc thiếu suy nghĩ đến mức nào và chúng ta phải đấu tranh chống lại nó khó khăn như thế nào. Hoàn toàn rõ ràng đây không phải là một nhà trí thức bảo tất cả các Kitô hữu phải là những nhà trí thức, mà đúng hơn là một giáo sư mà những mối quan tâm về nghề nghiệp đã giúp ngài có cái nhìn sâu sắc đặc biệt về đòi hỏi chân chính của Tin Mừng.

Đối với Joseph Ratzinger, những đòi hỏi của Tin Mừng quan trọng hơn những đòi hỏi của trường đại học. Nhưng ngài đã tiếp cận Tin Mừng trong tư cách một giáo sư, và nó đã định hình ngài như một giáo sư. Ngày nay, bất cứ ai quan tâm đến tương lai của giáo dục (theo nghĩa rộng nhất, theo nghĩa Platông của thuật ngữ này) sẽ có nhiều điều để học hỏi từ tấm gương và những hiểu biết sâu sắc của vị giáo hoàng giáo sư này.
 
http://vietcatholicnews.org/News/Home/Archive?date=2023-08-22