Bác sĩ pháp y giải thích các nguyên nhân đưa đến cái chết của Chúa Kitô: “Ngài cực kỳ đau đớn”
Sau 32 năm trong nghề và đã thực hiện hơn 4.000 trường hợp khám nghiệm tử thi, nhà nghiên cứu pháp y người Bỉ Philippe Boxho vẫn còn say mê nghiên cứu bí ẩn xung quanh cái chết của Chúa Giêsu Kitô. Dựa trên Tấm khăn liệm Turin, ông giải thích những sai, đúng trong những giờ cuối của cuộc khổ nạn và đóng đinh của Chúa Giêsu Kitô. Theo bác sĩ, Chúa Kitô có thể sống cho đến đồi Gôngôta nơi Ngài bị đóng đinh vì thể trạng bắp thịt của Ngài vững mạnh.
famillechretienne.fr, Cyriac Zeller và Louis Jaboulay, 2024-03-07
Trước khi nói về chính Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô, bác sĩ có thể giải thích cho chúng tôi điều gì đã thúc đẩy bác sĩ làm cuộc khám nghiệm tử thi không giống ai này: khám nghiệm tử thi Chúa Giêsu Kitô.
Bác sĩ Philippe Boxho. Đó là Tấm khăn liệm Turin. Tấm khăn dài gần bốn mét rưỡi, rộng một mét, hai bên có hình một xác chết. Tôi luôn thấy đây là hiện trường của một vụ án ly kỳ. Trước hết vì chúng ta không có câu trả lời, nó luôn làm chúng ta hiếu kỳ đi tìm kiếm. Sau đó là nhờ chúng ta có thể áp dụng hầu hết các kỹ thuật khoa học mà khoa pháp y hiện đại có thể đưa ra, nhưng nó không đưa ra giải pháp hoàn toàn chắc chắn.
Trong Tin Mừng, chúng ta biết Chúa Giêsu đã đổ mồ hôi máu ở Đồi Canvê. Về mặt thể chất, có thể đổ mồ hôi máu không và nếu có thì xảy ra trong những trường hợp nào?
Có, ngày nay chúng ta biết được điều này. Vào thời điểm đó, đúng là chúng ta không thực sự tin chuyện này, nhưng ngày nay chúng ta có những cơ chế sinh lý có thể giải thích được. Chúng ta có thể thấy trong những tình huống cực kỳ căng thẳng. Vì vậy là có thể. Điều đáng ngạc nhiên nếu Tấm khăn liệm Turin thực sự là tấm khăn liệm thi thể của Ngài, nhưng lại không thấy một dấu vết nào của thi thể… Và chúng ta biết giữa Đồi Canvê và nơi ngài bị đóng đinh, không có nơi nào để giặt tấm khăn. Vì vậy, chi tiết nhỏ này làm thắc mắc.
Nhưng trong thời gian chịu khổ nạn, từ lúc Ngài bị đánh đòn đến lúc Ngài ở trên thập giá, những vết máu này có thể nào bị xóa đi không?
Thật khó để tưởng tượng làm cách nào, vì vết máu sẽ dính lại, để loại bỏ máu phải chà thật kỹ. Vì thế lẽ ra chúng ta phải thấy vết máu trên khăn liệm… Nhưng chúng ta không thể chắc chắn!
Sau khi bị đưa đến đền thờ nơi Ngài bị xét xử và bị giam qua đêm, ngày hôm sau Chúa Giêsu bị đánh đòn. Kiểu đánh đòn của người la-mã như thế nào ở thời buổi đó?
Tôi nhắc lại Tấm khăn liệm và những gì tôi thấy ở đó. Có gần 120 cú đánh. Roi có nút thắt là các kim loại nhỏ giống hình quả tạ. Theo những gì chúng ta thấy trên Tấm khăn liệm, đó là dụng cụ để đánh Chúa Kitô. Chúng ta thấy có hai nhân vật khác nhau đánh Ngài.
Hậu quả như thế nào nếu một thân thể con người bị đánh 120 cú như vậy?
Chi tiết này cực kỳ quan trọng. Có người sẽ bị bất tỉnh hoặc không còn sức. Ở đây, một lần nữa, nếu chúng ta dựa trên Tấm khăn liệm thì nhân vật bị đánh có khối lượng bắp thịt rất lớn, cao từ 1,78 đến 1,80 mét. 120 cú đánh không giết được họ nhưng chắc chắn sẽ làm họ xuống sức rất nhiều.
Một yếu tố quan trọng khác trong Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô là chiếc mũ gai. Nó như thế nào và tạo thương tích gì?
Ngày nay, người ta nghĩ nó không có hình thức của vòng gai, nhưng là mũ miện. Họ dùng các cây mọc trong sa mạc. Chúng có những chiếc kim rất dài, khoảng ba hoặc bốn xăng-ti-mét và rất sắc ở mũi nhọn.
Như vậy vết thương sẽ ra sao khi bị đâm? Khi bị kim đâm, da sẽ tạo một vết thương hình lỗ, được gọi là tổn thương thủng. Và nếu bị thương ở hộp sọ thì phần cơ thể này bị chảy máu rất nhiều, nên những vết thương do gai đâm vào bên trong hộp sọ tự động gây ra tình trạng chảy máu tương đối nặng. Kết quả là tóc sẽ dính đầy máu và đó là những gì chúng ta thấy trên Tấm khăn liệm.
Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta đi đàng Thánh giá để tưởng nhớ cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô. Chúa Giêsu vác thánh giá, hình ảnh này có đúng không?
Chắc chắn Ngài vác một phần của thập giá. Đó là một phần trong sự tra tấn của người la-mã vào thời đó. Thập giá có hai phần. Một phần được gọi là cây thánh giá là phần thẳng đứng trồng xuống đất. Và một phần ngang là patibulum. Như thế thập giá của Chúa Kitô giống chữ T hơn. Người bị tra tấn không bao giờ vác cả cây thập giá, cả cây thập giá nặng không dưới 150 kílô. Họ chỉ vác patibulum là phần ngang, nặng từ 40 đến 50 kílô tùy loại gỗ.
Chúng ta biết Chúa Kitô đã phải vác thập giá này bao xa không?
Ngày nay, chúng ta biết vào khoảng một trăm mét, có thể hơn một chút. Đây không phải là Via Dolorosa được trình bày ở Giêrusalem. Tất cả các nhà sử học đều đồng ý đó là một phát minh của thời Trung cổ. Vì vậy, đây không phải là con đường thực sự mà Chúa Kitô đã đi đến Gôngôta.
Khi đến Gôngôta, Chúa Kitô đã trải qua những giờ phút vô cùng khó khăn… Liệu con người có đủ khả năng chịu đựng những giây phút này không?
Chịu đựng được… Ngài bị đánh đòn, trải qua một đêm khủng khiếp, Ngài bị đội mũ gai, mất nước, rất nhiều nước vì thời tiết ở đây rất nóng, ngài cũng bị mất máu… Vì thế ngài dần dần rơi vào tình trạng giảm trọng lượng (thiếu máu trong hệ tuần hoàn). Ngài có thể sống sót sau những chuyện này, nhưng cơ thể ngài yếu. Nhờ thể chất mạnh, ngài có thể đi đến Gôngôta. Thông thường, người la-mã không bao giờ có hai khổ hình. Một tội, một khổ hình, không phải hai. Nhưng Ngài bị hai khổ hình. Ngài bị đánh đòn, đó là một khổ hình, và bị đóng đinh, một khổ hình thứ hai. Bình thường, họ không làm như vậy, Ngài bị làm như vậy.
Một yếu tố khác chúng ta thường thấy trong các bức tranh, đinh đóng vào lòng bàn tay Chúa, hình ảnh này có đúng không?
Hoàn toàn không đúng. Năm 1951, bác sĩ giải phẫu Pierre Barbet viết quyển sách có tựa đề Cái chết của Chúa Giêsu Kitô theo một bác sĩ giải phẫu (La mort de notre Seigneur Jésus-Christ selon le chirurgien). Không phải mọi thứ đều đúng trong quyển sách này, nhưng ông kể một kinh nghiệm thú vị… Ông dùng xác chết trong bệnh viện nơi ông làm việc, ông treo xác lên xà bằng cách đóng đinh vào lòng bàn tay, và ông chứng minh toàn cơ thể bị tách rời… Không có gì trong bàn tay để có thể giữ một chiếc đinh. Lòng bàn tay bị rách! Nhưng người la-mã là người thực tế. Họ đónh đinh một cách hiệu quả. Thế là họ đâm vào cổ tay Ngài! Và vì thế xác không bị rơi.
Cuối cùng, người bị đóng đinh cảm thấy thế nào? Lý do y khoa cho cái chết của Chúa Kitô là lý do nào?
Chúa Giêsu đã bị đau đớn tột cùng… Những cái đinh không là gì! Khi đóng đinh thì đau, khi kéo thì đau như kéo bàn tay bàn chân, nhưng những cơn đau này cơ thể đã quen. Cơ thể có khả năng làm quen với cơn đau, nhưng không phải tất cả. Cái chết của Chúa Kitô trên thập giá là cái chết do cái mà chúng ta gọi là ngạt thở do tư thế. Đó là tình trạng ngạt thở, thiếu oxy do tư thế khi bị treo trên thập giá. Cánh tay bị gập ra sau và thân mình hướng về phía trước. Ở tư thế này rất khó thở. Vì thế mức oxy của Ngài giảm, Ngài không còn thở bình thường được. Sự trao đổi oxy là ở phổi, lấy oxy và thải CO2 không còn được chính xác. Dần dần vì CO2, nên máu có tính axit, gọi là nhiễm axít. Và vì tình trạng nhiễm axít do thở kém nên trong y học chúng tôi gọi là nhiễm toan hô hấp. Đó là lý do Chúa Kitô chết. Ngài chết vì máu của Ngài có pH axit không tương thích với sự sống. Sự gia tăng nồng độ CO2 còn gây ra tình trạng chuột rút rất đau đớn ở tất cả các cơ. Cơ thể trở nên cứng đơ, đau đớn khắp người và hơn hết là tê cứng. Đúng là một cái chết khủng khiếp…
Trong Tin Mừng, chúng ta biết nhiều người kinh ngạc trước cái chết nhanh chóng của Chúa Kitô trên thập giá. Thông thường một người bị đóng đinh sẽ chết trong bao lâu?
Điều này tùy thuộc vào tình trạng của người bị đóng đinh, nhưng thường thường phải mất vài ngày. Những người bị kết án thường bị đập nát chi dưới để họ không thể đứng vững trên chân được. Vì thế họ chết nhanh vì ngạt thở do ở tư thế bị đóng đinh.
Trong trường hợp Chúa Kitô, một người lính la-mã lấy lưỡi đòng đâm vào cạnh sườn Ngài. Nước và máu chảy ra. Mục đích của việc này là gì? Có bất ngờ khi thấy nước và máu chảy ra từ cạnh sườn Chúa Kitô không?
Quan Philatô được thông báo Chúa Kitô đã chết. Ông không ngờ Ngài chết nhanh như vậy. Chúa Kitô đã bị đánh đòn trước đó nên có mọi lý do để Ngài bị suy yếu trầm trọng, dù ngài có thể trạng tốt. Quan Philatô lo lắng, ông cử một người lính đến để xác minh thông tin, ông này dùng lưỡi đòng đâm vào cạnh sườn thay vì đập ống chân. Ở đây người lính muốn biết chắc Ngài đã chết. Vì vậy, ông lấy lưỡi đòng cắm vào cạnh sườn Chúa Kitô. Sau đó Thánh Gioan cho chúng ta một nhận xét khoa học đích thực duy nhất có trong Tin Mừng. Ngài nói những gì ngài thấy từ bên ngoài: nước và máu. Bác sĩ Pierre Barbet đã lầm. Bác sĩ nói máu từ bên trong cơ thể đọng lại, có nghĩa là khi khám nghiệm tử thi, các nguyên tố nặng hơn trong máu sẽ ở dưới cùng và các nguyên tố nhẹ hơn sẽ ở trên cùng. Trên thực tế, khi chúng ta để máu trong ống nghiệm, chúng ta sẽ thấy tất cả các tế bào hồng cầu ở trên và bạch cầu ở dưới. Điều này có nghĩa là máu đang lắng đọng. Nhưng tôi đã khám nghiệm gần 4000 tử thi, và tôi có thể nói, máu không bao giờ đọng lại trong cơ thể. Đó là một sai lầm. Vì vậy, đây không phải là một giải thích tốt, nhưng vẫn là một giải thích. Khi Chúa Kitô bị roi đòn trên ngực và trên cơ thể, phổi bị đau và bị bầm tím. Bất kỳ sự đụng dập nào cũng gây ra tình trạng huyết tương chậm đông trong vùng nằm giữa ngực và phổi. Đây là điều tôi thường thấy khi khám nghiệm tử thi. Và như vậy, người lính đâm lưỡi đòng xuyên qua vùng ngực và đụng vào tim. Lưỡi đòng đi qua vùng phổi chứa đầy huyết tương. Vì thế huyết tương chảy. Sau đó ngọn giáo chạm vào trái tim. Máu chảy. Đây là một quan sát chính xác về mặt khoa học. Chính Thánh Gioan là người báo cáo, và để báo cáo ngài phải ở đó, hoặc có một nhân chứng kể cho ngài nghe những gì họ thấy. Chúng tôi cũng tìm thấy dấu vết này trên Tấm khăn liệm Turin.
Cha lấy Tấm khăn liệm làm yếu tố căn bản để nghiên cứu cái chết của Chúa Kitô, liệu thánh tích này có thực sự là khăn liệm của Chúa Giêsu Kitô không?
Đây là câu hỏi hay và là câu hỏi nhiều người đang cố gắng trả lời. Trên thực tế, mọi người đều đồng ý, cơ thể hiện diện trên tấm khăn liệm này có mọi dấu vết của sự thương khó. Không thiếu một chi tiết nào. Ngoài ra, nó còn cực kỳ chính xác. Tất cả những sai lầm mà lịch sử đã mắc phải liên quan đến cái chết của Chúa Kitô, Khăn Liệm Thánh đều tránh được… Có vô số chi tiết lạ lùng chúng ta sẽ khám phá lại… Tấm khăn liệm là tấm khăn ngoại hạng.
Marta An Nguyễn dịch
https://phanxico.vn/2024/03/30/bac-si-phap-y-giai-thich-cac-nguyen-nhan-dua-den-cai-chet-cua-chua-kito-ngai-cuc-ky-dau-don/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét