Trang

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2024

Chiều kích vũ trụ của sự phục sinh

 Chiều kích vũ trụ của sự phục sinh

 

Ronald Rolheiser, 2021-03-29



Một nhà phê bình từng hỏi linh mục thần học gia Pierre Teilhard de Chardin như thế này: “Cha đang cố làm gì thế? Sao cha lại nói về nguyên tử và phân tử lúc nói về Chúa Giêsu Kitô?” Câu trả lời của ngài: Tôi đang cố diễn đạt một cách có hệ thống một Kitô học đủ rộng để có thể nói đến Đức Kitô, bởi Đức Kitô không chỉ là một sự kiện của nhân loại mà là một hiện tượng toàn vũ trụ.

Về căn bản, ý của cha là Đức Kitô không chỉ đến để cứu rỗi nhân loại, Ngài đến để cứu rỗi cả địa cầu nữa.

Thấu suốt này thật sự cần thiết để hiểu trọn những hàm ý trong sự phục sinh của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã từ cõi chết sống lại. Thân xác là một hữu thể vật chất, nên khi thân xác (chứ không chỉ linh hồn) sống lại, thì có gì đó cao hơn thuần tâm linh và tâm lý. Có một điều gì đó cực kỳ vật chất trong chuyện này. Khi xác chết sống lại, các phân tử và nguyên tử được sắp đặt lại. Sự phục sinh không chỉ là sự thay đổi gì đó bên trong ý thức của con người.

Sự phục sinh là căn cứ cho niềm hy vọng của con người, không có nó, chúng ta không thể hy vọng vào một tương lai có gì đó vượt ngoài những giới hạn ngột ngạt của đời này. Trong sự phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta được trao ban một tương lai mới, vượt quá cuộc đời này của chúng ta. Tuy nhiên, sự phục sinh cũng đem lại một tương lai mới cho trái đất, cho hành tinh vật chất của chúng ta. Đức Kitô đến để cứu rỗi địa cầu, chứ không chỉ những người sống trên địa cầu. Sự phục sinh của Ngài bảo đảm một tương lai mới cho địa cầu cũng như những loài cư ngụ trên đó.

Cũng như chúng ta, địa cầu này cần được cứu rỗi. Cứu rỗi khỏi cái gì? Để hướng đến điều gì?

Theo nhận thức Kitô giáo đúng đắn, địa cầu không chỉ là sân khấu cho nhân loại, không chỉ là một thứ nếu không có chúng ta, nếu chỉ có nó, thì vô giá trị. Như nhân loại, nó cũng là tác phẩm của Thiên Chúa, là con của Thiên Chúa. Thật vậy, trái đất vật chất là mẹ của chúng ta, là ma trận nảy sinh chúng ta. Xét tận cùng, chúng ta không tách biệt với thế giới tự nhiên, nói đúng hơn, chúng ta là một phần của thế giới tự nhiên tự ý thức. Chúng ta không tách biệt với địa cầu và nó không chỉ tồn tại vì lợi ích của chúng ta, không chỉ là sân khấu cho diễn viên con người rồi bị bỏ không khi vở kịch đã hết. Thụ tạo vật chất có giá trị của nó, không phụ thuộc vào chúng ta. Chúng ta cần phải công nhận điều này, và không phải chỉ để sống có đạo đức với thiên nhiên hơn hầu cho địa cầu có thể tiếp tục cung cấp không khí, nước và thức ăn cho các thế hệ con người mai sau. Chúng ta cần công nhận giá trị cố hữu của địa cầu. Nó cũng là tác phẩm của Thiên Chúa, nó là mẹ của chúng ta, và số mệnh của nó là chia sẻ sự vĩnh hằng cùng chúng ta.

Hơn nữa, như chúng ta, nó cũng là thứ sẽ bị mục rữa. Nó cũng có giới hạn thời gian, cũng khả tử. Nếu không có sự can thiệp từ bên ngoài, nó cũng không có tương lai. Khoa học từ lâu đã dạy chúng ta về định luật biến thiên. Nói đơn giản, định luật đó nói rằng năng lượng trong vũ trụ đang giảm dần, mặt trời đang ngày càng cạn lửa. Tuổi đời còn lại của trái đất, cũng như tuổi đời của chúng ta là đếm được, là hữu hạn. Có thể là cả tỷ tỷ năm, nhưng đếm được là hữu hạn. Chúng ta biết rằng, cũng như cuộc đời chúng ta rồi sẽ đến lúc kết thúc, thì địa cầu cũng có hồi kết. Nếu không có sự tái tạo từ bên ngoài, thì cả trái đất lẫn con người sống trên nó đều không có tương lai.

Thánh Phaolô đã nói rõ điều này trong thư gửi tín hữu Rôma, rằng thụ tạo, vũ trụ vật chất, là thứ phù du, và nó đang rên rỉ khát khao được giải phóng để tận hưởng sự tự do vinh quang của con cái Thiên Chúa. Thánh Phaolô cam đoan với chúng ta rằng địa cầu sẽ hưởng cùng một tương lai như nhân loại, là sự phục sinh, sự biến đổi vượt quá hình dung hiện thời của chúng ta, một tương lai vô tận.

Địa cầu sẽ được biến đổi cách nào? Nó sẽ biến đổi theo cùng một cách như chúng ta, qua sự phục sinh. Sự phục sinh đem lại cho thế giới tâm linh và vật chất của chúng ta một sức mạnh mới, một sắp đặt mới cho vạn vật, một hy vọng mới, một thứ quá căn nguyên (và vật chất) đến nỗi chỉ có thể so sánh với sự tạo dựng ban đầu, khi các nguyên tử và phân tử của vũ trụ này được Thiên Chúa tạo ra từ hư không. Trong sự tạo dựng khởi nguyên đó, tự nhiên được hình thành, và hiện thực cũng như những quy luật của nó hình thành mọi sự cho đến khi Chúa Giêsu phục sinh.

Tuy nhiên, trong sự phục sinh, có một chuyện mới xảy ra chạm đến mọi khía cạnh của vũ trụ, từ linh hồn và tâm thần trong mọi con người cho đến mọi lõi của mọi nguyên tử và phân tử. Không phải tình cờ khi thế giới xác định thời gian theo mốc đó. Chúng ta đang ở năm 2021 sau sự tái tạo tận căn đó.

Sự phục sinh không chỉ mang tính tâm linh. Trong sự phục sinh, các nguyên tử vật chất của vũ trụ được sắp đặt lại. Cha Teilhard đã đúng. Chúng ta cần một tầm nhìn đủ rộng để thấy được chiều kích vũ trụ của Đức Kitô. Sự phục sinh là cho con người và cho cả địa cầu.

J.B. Thái Hòa dịch

https://phanxico.vn/2021/03/31/chieu-kich-vu-tru-cua-su-phuc-sinh/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét