Tầm nhìn của Đức giáo hoàng Phanxicô về một Giáo hội hiệp hành
TẦM NHÌN CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ
VỀ MỘT GIÁO HỘI HIỆP HÀNH
Lm. Eamonn Conway[1]
WHĐ (22.03.2024) – Với Đức giáo hoàng Phanxicô, “Thượng Hội đồng” (Synod) và “hiệp hành” (synodality) đã trở thành đồng nghĩa. Kể từ khi Đức giáo hoàng Phaolô VI thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục như một cơ quan thường trực vào năm 1965, chưa có triều đại giáo hoàng nào dành nhiều quan tâm và chú ý đến những vấn đề này như Đức giáo hoàng Phanxicô. Tại sao lại như vậy, và tầm nhìn của Đức Phanxicô đối với một Giáo hội hiệp hành là gì? Cơ bản hơn, theo truyền thống của Giáo hội và Đức Phanxicô thì hiệp hành là gì? Vài năm sau các tiến trình và các cuộc họp đào tạo theo kiểu hiệp hành địa phương và hoàn vũ, dường như nhiều người, ngay cả những vị lãnh đạo nổi tiếng của Giáo hội, sẵn sàng thừa nhận rằng họ vẫn chưa hiểu đầy đủ về tính hiệp hành. Vì lý do này, bài viết nhằm cung cấp một cái nhìn tổng quan và giới thiệu về hiệp hành.
Tôi sẽ bắt đầu bằng cách giải thích rằng ý định của Đức giáo hoàng Phanxicô là đưa Thượng Hội đồng Giám mục vào trong một nền văn hóa hiệp hành hoạt động trong Giáo hội Công giáo. Sau đó, tôi sẽ tiếp tục đề xuất tầm nhìn của Đức Phanxicô về một tiến trình cải cách Thượng Hội đồng là cần thiết, dựa trên kinh nghiệm cá nhân của tôi khi tham gia Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XIII vào năm 2012, là Thượng Hội đồng cuối cùng diễn ra dưới thời Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI. Cuối cùng, bài viết sẽ lập luận rằng Đức giáo hoàng Phanxicô đang thực hiện tầm nhìn cải cách Giáo hội của Công đồng Vatican II, và do đó, tầm nhìn của ngài về một Giáo hội hiệp hành về cơ bản là một giai đoạn mới trong việc tiếp nhận Công đồng Vatican II.
Thượng Hội đồng Giám mục
Thượng Hội đồng Giám mục là cơ quan cố vấn cho Giáo hoàng tồn tại bên ngoài, độc lập với các cơ cấu quản trị giáo triều; và không phải là một cơ quan của giáo triều Rôma. Thượng Hội đồng chỉ mang tính tư vấn, hỗ trợ Giáo hoàng trong việc điều hành, trong khi luôn tuân theo thẩm quyền của ngài. Trong những thập niên gần đây, kể từ khi được Đức giáo hoàng Phaolô VI thành lập vào năm 1965, để bảo đảm rằng không chỉ các tài liệu của Công đồng sẽ được truyền đi, mà quan trọng không kém, là trải nghiệm công đồng về tính hiệp đoàn phổ quát, đã có 15 kỳ họp thường lệ của Thượng Hội đồng Giám mục cũng như nhiều Đại hội đặc biệt và ngoại thường. Thượng Hội đồng Giám mục XVI hiện đang được tiến hành (2021-2024), mà chúng ta sẽ thảo luận thêm.
Đức giáo hoàng Phanxicô đã gọi Thượng Hội đồng Giám mục là “một trong những thành quả quý giá nhất của Công đồng Vatican II”.[2] Theo đó, ngài đã mở rộng đáng kể ban Tổng Thư ký và giúp Thượng Hội đồng ngày càng nổi bật và có tầm vóc. Vì vậy, về tầm nhìn của Đức giáo hoàng Phanxicô đối với một Giáo hội hiệp hành, chúng ta có thể nói ngay rằng, ngài dự tính Thượng Hội đồng Giám mục sẽ “được tăng cường” trong những năm tới; ngày càng có ảnh hưởng hơn trong việc thi hành thừa tác vụ Phêrô so với trước đây. Động lực của Đức Phanxicô khi làm điều này là nhằm tạo điều kiện cho toàn thể Dân Chúa trên khắp thế giới, trong đó có các Giám mục, Linh mục và Phó tế, trong việc thực thi các đặc sủng và trách nhiệm đặc biệt của mình vì thiện ích của Giáo hội. Tất nhiên, điều này sẽ xảy ra, dưới quyền Phêrô và với Phêrô (sub Petro et cum Petro), dưới thẩm quyền của các Giám mục giáo phận, là những người tham gia vào thừa tác vụ Phêrô và được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Quan điểm của riêng tôi, như sẽ được trình bày rõ ở phần tiếp theo, đó là tầm nhìn của Đức Phanxicô về một Giáo hội hiệp hành cần phải trở thành hiện thực để thừa tác vụ Phêrô được thực thi một cách hiệu quả trong một Giáo hội thực sự mang tính hoàn vũ và phổ quát.
Có những lập luận thuyết phục giải thích tại sao phong cách hiệp hành trong Giáo hội, như Đức giáo hoàng Phanxicô ủng hộ, lại là phương tiện tốt nhất để giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng mà Giáo hội phải đối diện, cả trong nội bộ lẫn bên ngoài. Về phương diện nội bộ, tính hiệp hành đề xuất một lộ trình hướng tới việc thanh lọc Giáo hội khỏi những trở ngại hiện tại đối với sứ mạng của mình, chẳng hạn như giáo sĩ trị và sự mất uy tín. Về khía cạnh đối ngoại, tính hiệp hành đưa ra lộ trình tốt nhất hướng tới việc sắp xếp và chuyển tải nhiều hồng ân và đặc sủng của Dân Chúa hướng tới việc giải quyết cuộc khủng hoảng sinh thái mà chúng ta đang phải đối diện như là một hành tinh, cũng như những thách đố đối với hệ sinh thái nhân bản đích thực và sự rạn nứt của chủ nghĩa nhân văn huynh đệ toàn cầu, một thực tại đang trở nên quá rõ ràng khi chiến tranh, nạn đói và tình trạng di cư gia tăng.
Thượng Hội đồng là gì?
Từ “synod” (thượng hội đồng) xuất phát từ tiếng Hy Lạp và dùng để chỉ một cuộc họp hoặc một cuộc gặp gỡ, hay sát nghĩa đen hơn, là hành trình dọc theo một lộ trình chung. Từ này tương tự với thuật ngữ “council” (công đồng), là từ tương đương trong tiếng Latin. Trong Giáo hội Công giáo, ít là cho đến nay, Thượng Hội đồng biểu thị một Đại hội của các giám mục cùng với các chuyên gia và cố vấn gặp nhau để tư vấn cho giáo hoàng, hoặc một sự kiện tương tự ở cấp giáo phận hoặc khu vực được thành lập để tư vấn cho các giám mục địa phương. Nếu hiểu như vậy, Thượng Hội đồng chủ yếu phục vụ việc biểu lộ và cổ võ tính hiệp đoàn giám mục, nghĩa là việc thực thi quyền quản trị chung của các giám mục. Tuy nhiên, dưới thời Đức Phanxicô, chúng ta có thể quan sát thấy trong suốt thập niên vừa qua, một sự thay đổi từ tính hiệp hành được thực hiện một cách đơn độc hoặc chủ yếu nhằm phục vụ tính hiệp đoàn giám mục sang tính hiệp hành mang tính giáo hội đúng nghĩa, điều này có nghĩa là việc áp dụng một phong cách hiệp hành trong việc tham gia vào việc đưa ra quyết định của toàn thể Dân Chúa theo cách thức phù hợp với các hồng ân và đặc sủng tương ứng của họ. Chẳng hạn, điều này được thể hiện rõ qua quyết định của Đức Phanxicô dành 70 chỗ cho những người không phải là giám mục tham gia, với quyền biểu quyết, trong hai phiên họp chung vốn là những thời điểm quan trọng của Khoá họp thứ nhất Thượng Hội đồng 2021–2024, diễn ra vào tháng 10.2023.
Kể từ khi nhậm chức vào năm 2013, Đức giáo hoàng Phanxicô đã tổ chức hai Đại hội chung thường lệ của Thượng Hội đồng Giám mục, một Đại hội chung ngoại thường và một Đại hội đặc biệt. Đại hội thứ nhất do ngài triệu tập diễn ra vào năm 2014, một năm sau khi ngài được bầu chọn, và là một Đại hội Thượng Hội đồng ngoại thường về “Các thách đố mục vụ về Gia đình trong bối cảnh của công cuộc loan báo Tin Mừng”. Các Đại hội Thượng Hội đồng ngoại thường là những công việc tương đối nhỏ và ngắn gọn; nói chung, ngoài các chuyên gia và cố vấn, chỉ có một giám mục từ mỗi Hội đồng giám mục tham dự. Trái lại, các Thượng Hội đồng thường lệ có thể có hàng trăm người tham gia và là những sự kiện kéo dài hàng tháng. Thượng Hội đồng thường lệ thứ nhất dưới thời Đức Phanxicô diễn ra vào năm 2015 với chủ đề “Ơn gọi và sứ mạng của Gia đình trong Giáo hội và trong Thế giới ngày nay”. Chủ đề này được chú tâm liên kết với chủ đề của Đại hội Thượng Hội đồng ngoại thường diễn ra trước đó, và khoảng thời gian một năm xen kẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc tham vấn rộng rãi nhất về các vấn đề mục vụ cấp bách mà Giáo hội Công giáo toàn cầu đã chứng kiến kể từ Công đồng Vatican II. Tiếp theo hai Đại hội Thượng Hội đồng về gia đình này là Đại hội thường lệ năm 2018 về “Giới trẻ, Đức tin và Phân định Ơn gọi”, và vào năm 2019 là Đại hội Đặc biệt về Khu vực Amazon.
Thượng Hội đồng Giám mục XVI 2021–2024
Kể từ Công đồng Vatican II, mỗi Thượng Hội đồng đều có một trọng tâm hoặc chủ đề cụ thể. Thượng Hội đồng Giám mục XVI có chủ đề “Vì một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”. Nói cách khác, đây là một Thượng Hội đồng về chủ đề hiệp hành. Một số nhà bình luận vẫn nói như thể Thượng Hội đồng này sẽ chỉ thực sự bắt đầu khi Đại hội triệu tập vào tháng 10.2023. Họ nói như thể các cuộc thỉnh vấn và thảo luận đã diễn ra cho đến nay chỉ là một giai đoạn “khởi động” cho Thượng Hội đồng, một giai đoạn tạo điều kiện cho việc thỉnh vấn rộng rãi trước và điều này, tuy có giá trị, vẫn chỉ là khúc dạo đầu cho “sự kiện lớn”. Không phải thế. Thượng Hội đồng Giám mục XVI đã được triệu tập long trọng vào ngày 10.10.2021 trong Thánh lễ tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô và một tuần sau (ngày 17.10.2021), tại mỗi giáo phận trong Giáo hội hoàn vũ. Thật vậy, mỗi yếu tố tạo thành một phần của tiến trình Thượng Hội đồng, từ thỉnh vấn đến thực hiện, đều nhằm mục đích trở thành những cuộc gặp gỡ cầu nguyện, trong đó, một đàng qua lời nói trung thực và can đảm, đàng khác qua sự lắng nghe cởi mở và đích thực, ý muốn của Chúa Thánh Thần được biểu lộ. Theo Tông hiến Communio episcopalis (2018), việc thỉnh vấn hiện nay là bản chất của tính hiệp hành. Điều này tôn trọng và thừa nhận vai trò không thể thiếu của cảm thức đức tin nơi mọi tín hữu (sensus fidelium) trong việc xác định Giáo hội đáp ứng với các dấu chỉ của thời đại như thế nào. Là một phần của Thượng Hội đồng 2021–2024, hơn một trăm cuộc thỉnh vấn tổng hợp diễn ra ở mọi nơi trên thế giới đã được soạn thảo thành một tài liệu. Tài liệu này sau đó đã được cân nhắc tại 7 Đại hội khu vực trong giai đoạn được gọi là giai đoạn Châu lục. Kết quả của 7 Đại hội này trở thành cơ sở cho một tài liệu làm việc (Instrumentum laboris), được phát hành vào tháng 6/2023, hình thành chương trình nghị sự cho Đại hội Thượng Hội đồng vào tháng 10/2023.
Theo Austen Ivereigh, giai đoạn đầu tiên của tiến trình thỉnh vấn này kết thúc vào tháng 8.2022, là tiến trình tham gia và thỉnh vấn rộng rãi nhất từ trước đến nay trong lịch sử thế giới. Ngoài việc ảnh hưởng đến chương trình nghị sự của Đại hội vào tháng 10.2023, bản thân tiến trình thỉnh vấn còn nhằm mục đích trở thành một trải nghiệm sống động và năng động về hiệp hành trong thực tế. Nói cách khác, tiến trình thỉnh vấn, được hiểu là một tiến trình phân định cầu nguyện của và trong các cộng đoàn Giáo hội, không chỉ nhằm mục đích cung cấp cho một tiến trình Thượng Hội đồng diễn ra sau đó ở Roma mà đúng hơn là ngay trong hiện tại, tự nó, là một sự kiện mang tính hiệp hành trong đời sống của Giáo hội địa phương nơi tiến trình thỉnh vấn diễn ra, mặc dù nó cũng có ý nghĩa phổ quát. Vì vậy, đây là một điểm quan trọng cần xem xét: Liệu các Giáo hội địa phương có tích cực gặt hái và đánh giá dữ liệu mà họ thu thập được trong giai đoạn thỉnh vấn chăng? Liệu các Giáo hội địa phương có sử dụng các dữ liệu này trong việc phân định các chiến lược mục vụ chăng? Liệu các Giáo hội địa phương có chia sẻ dữ liệu này với các cơ quan mục tử khác nhau tại địa phương cũng như với các chuyên gia và cố vấn có liên quan để mọi thứ có thể học được từ dữ liệu sẽ được nghiên cứu từ đó chăng? Như Đức giáo hoàng Phanxicô đã viết trong Tông huấn Evangelii Gaudium,
Giáo hoàng không nên thay thế các giám mục trong việc phân định những vấn đề phát sinh trong địa hạt của họ. Về phương diện này, tôi ý thức được nhu cầu cổ xuý một sự “tản quyền” thích hợp” (số 16).
Do đó, sẽ là một sai lầm, cả về mặt lý thuyết lẫn thực hành, nếu dựa vào hoặc kỳ vọng một trong các Đại hội diễn ra trong Thượng Hội đồng 2021–2024 sẽ đưa ra tất cả các câu trả lời cần thiết cho việc canh tân đức tin Kitô giáo trong các cộng đoàn địa phương. Trong giai đoạn giữa hai Thượng Hội đồng về gia đình (2014–2015), một tiến trình thỉnh vấn có quy mô nhỏ hơn nhiều nhưng vẫn có ý nghĩa đã diễn ra tại các Giáo hội địa phương, nhưng các Hội đồng giám mục không phải lúc nào cũng phân định đầy đủ dữ liệu này để có thể cung cấp thông tin cho việc lập kế hoạch mục vụ và ảnh hưởng đến các chiến lược loan báo Tin Mừng và giáo lý trong khu vực của họ. Nếu làm vậy, một số vấn đề nảy sinh trong tiến trình thỉnh vấn của Thượng Hội đồng hiện tại, chẳng hạn như những vấn đề bị tổn thương và bị loại trừ, có thể đã được giải quyết rồi. Tốt nhất là đừng lặp lại sai lầm tương tự nữa.
Vì vậy, trong tầm nhìn của Đức giáo hoàng Phanxicô về Giáo hội hiệp hành, các Đại hội Thượng Hội đồng Giáo hội chỉ là một thời điểm, chắc chắn là một thời điểm quan trọng, nhưng dù sao cũng chỉ là một thời điểm, trong hoạt động của Thượng Hội đồng Giám mục. Đức giáo hoàng Phanxicô hiện đã chính thức thể chế hóa tiến trình thỉnh vấn vốn diễn ra trước tất cả các Đại hội của Thượng Hội đồng Giám mục trong tương lai. Những cuộc thỉnh vấn này không còn là “các phần bổ sung tùy chọn” nữa. Chúng là phần không thể thiếu trong hoạt động của Thượng Hội đồng Giám mục.[3]
Đức giáo hoàng Phanxicô cũng đã quy định một giai đoạn thực hiện là một phần không thể thiếu trong tiến trình Thượng Hội đồng. Đối với Thượng Hội đồng Giám mục XVI hiện đang diễn ra, việc này sẽ bắt đầu ngay sau khi Đại hội đồng Giám mục kết thúc vào cuối tháng 10.2024.[4] Trước đây, tác động của các Thượng Hội đồng chỉ có thời gian tiến hành ngắn và có xu hướng kết thúc bằng việc ban hành một Tông huấn hậu Thượng Hội đồng, thường là sau một thời gian đủ để mọi người quên đi những gì đã được thảo luận. Rất ít Tông huấn hậu Thượng Hội đồng có nhiều tác động thực sự hoặc có tác động đến cuộc sống hằng ngày của các tín hữu. Tuy nhiên, hiện nay, với việc thực hiện được dự kiến ngay từ đầu như một thời điểm quan trọng trong tiến trình Thượng Hội đồng, việc giảm thiểu tác động của Thượng Hội đồng khó có thể xảy ra trong tương lai.
Chúng ta có thể thấy tại Thượng Hội đồng 2021–2024 một loạt các thời điểm quan trọng khởi đầu bằng việc thỉnh vấn ở cấp Giáo hội địa phương, hướng về Giáo hội hoàn vũ và sau đó quay trở lại thực hiện với các Giáo hội địa phương một lần nữa. Cơ cấu này làm sống động mối tương quan phong phú và hỗ tương giữa các Giáo hội địa phương và Giáo hội hoàn vũ được trình bày rất đẹp trong Hiến chế Lumen gentium (số 23).
Đối với tất cả những điều này, cần phải nhớ rằng toàn bộ tiến trình Thượng Hội đồng chỉ mang tính tham vấn và cố vấn mà thôi. Do đó, các tiến trình và Đại hội Thượng Hội đồng, dù ở cấp khu vực hay hoàn vũ, dẫu có những yếu tố chung với các tiến trình dân chủ, đều không phải là nghị viện, như Đức giáo hoàng Phanxicô đã nhiều lần minh định. Được đặt nền tảng trên sự phân định trong cầu nguyện, tiến trình Thượng Hội đồng thực sự không có ý nghĩa tương đương với nghị viện thế tục.[5] Điều này làm cho khái niệm độc đáo về tính hiệp hành trong Giáo hội Công giáo dễ bị hiểu lầm.
Bây giờ tôi sẽ tiếp tục giải thích tại sao Thượng Hội đồng Giám mục trước đây không “phù hợp với mục đích” và cần được cải cách. Sau đó, tôi sẽ trình bày chi tiết một số yếu tố chính trong tầm nhìn của Đức giáo hoàng Phanxicô về một Thượng Hội đồng Giám mục được đổi mới, được lồng ghép, như ngài mong muốn, trong một Giáo hội hiệp hành. Cuối cùng, tôi muốn gợi ý rằng tầm nhìn của Đức Phanxicô về một Giáo hội hiệp hành về cơ bản là tầm nhìn của Công đồng Vatican II.
Liệu có cần thiết phải cải tổ Thượng Hội đồng Giám mục chăng?
Tôi có thể trình bày vấn đề tại sao Thượng Hội đồng Giám mục lại không phù hợp với mục đích từ trải nghiệm trực tiếp. Mười năm trước (2012), tôi tham dự Đại hội Thường lệ lần thứ XIII của Thượng Hội đồng Giám mục ở Roma có chủ đề “Tân Phúc âm hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo” với tư cách là cố vấn chuyên môn. Vào thời điểm đó, chúng tôi không biết nhưng đây đã được Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI dự định là Đại hội Thượng Hội đồng cuối cùng của ngài, và vì vậy, ngài bảo đảm rằng nó tập trung vào mối quan tâm hàng đầu trong triều đại giáo hoàng của ngài, đó là việc tái Phúc âm hoá ở châu Âu. Đối với Đức Bênêđictô XVI, như đã thấy rõ trong Diễn văn Regensburg nổi tiếng của ngài (2006), tình trạng lành mạnh của Kitô giáo trên toàn cầu phụ thuộc vào sự thịnh vượng của Kitô giáo ở Châu Âu. Sở dĩ như thế là vì theo cách nhìn của ngài về “sự gần gũi nội tại” giữa đức tin trong Kinh thánh và triết học Hy Lạp, và sự gần gũi này mang tính quyết định, không thể thay thế. Tuy nhiên, Châu Âu hiện đang bị tàn phá bởi chủ nghĩa thế tục, dẫn đến sự “sa mạc hóa” di sản Kitô giáo phong phú, sự suy giảm nghiêm trọng trong việc thực hành tôn giáo và thuyết tương đối về giáo lý lan rộng. Thập niên Phúc âm hoá của Đức Gioan Phaolô II dẫn đến thiên niên kỷ mới đã không dẫn đến sự hồi sinh của đức tin ở Châu Âu như triều đại giáo hoàng của ngài đã hy vọng. Cần phải có một sáng kiến mới.
Với tư cách là cố vấn, chúng tôi ngồi gần phía sau hội trường Thượng Hội đồng và nhiệm vụ của chúng tôi là ghi nhận những đóng góp khác nhau từ các Nghị phụ Thượng Hội đồng, tất cả là các giám mục, ngoại trừ một số ít các Bề trên nam tu sĩ. Các nữ tu không có đại diện. Chúng tôi được yêu cầu xác định những điểm tương đồng và khác biệt trong các bài thuyết trình của các giám mục, báo cáo về các chủ đề mới nổi và các chủ đề được quan tâm, đồng thời để ý đến bất kỳ điểm bất thường nào về thần học. Vì tất cả các đóng góp đều đã được viết sẵn và trên thực tế đã được hiệu đính trước, nó chủ yếu là một bài tập trên giấy. Giả định là có thời gian dành cho “những phát biểu tự do”, nhưng những điều này không xảy ra như vậy, vì người ta đã rất cẩn trọng trong việc ai được mời phát biểu. Một tu sĩ dòng Bênêđictô người Mỹ ngồi cạnh tôi đã tóm tắt lại trải nghiệm rất hay: nó giống như “ngày nào cũng ở trên chuyến bay xuyên Đại Tây Dương và bạn thậm chí không được chọn phim để xem”. Ngay từ đầu, trong Đại hội Thượng Hội đồng, các quan chức đã lo ngại về việc các giám mục đăng bài lên mạng xã hội từ bên trong hội trường Thượng Hội đồng, và do đó internet đã bị tắt, gây ra hàng dài khách xếp hàng ở các cửa hàng điện thoại gần đó khi những tham dự viên Thượng Hội đồng đổ xô đi mua thẻ SIM cho iPad của họ để có thể tiếp tục đăng bài lên mạng xã hội.
Chỉ có 3 quan điểm khác biệt đáng kể được đưa ra trong phiên họp Thượng Hội đồng. Vấn đề khác biệt đầu tiên liên quan đến việc sắp xếp thứ tự các Bí tích Khai tâm. Đức hồng y Ouellet, người được nhiều người cho là đại diện cho lập trường của Đức giáo hoàng Bênêđictô, ủng hộ việc quay trở lại với thứ tự truyền thống là chịu phép Thêm Sức trước khi được rước lễ lần đầu. Về vấn đề này, Đức hồng y Ouellet đã bị chất vấn bởi Đức hồng y Wuerl, lúc bấy giờ là Tổng Giám mục của Washington, Hoa Kỳ, và Tường trình viên của Thượng Hội đồng, ngài không phủ nhận sự chặt chẽ về mặt thần học trong quan điểm của Đức hồng y Ouellet, nhưng đã khéo léo bảo vệ sự hữu ích về mặt mục vụ của việc có bí tích khai tâm để cử hành đối với các nhóm tuổi lớn hơn. Sự khác biệt về quan điểm thứ hai nghiêm trọng hơn vì nó liên quan đến quyền lực và thẩm quyền, và vấn đề này dẫn đến một bản văn thỏa hiệp vào phút cuối được đưa vào tài liệu tổng kết của Đại hội Thượng Hội đồng nhằm xoa dịu một thiểu số có ảnh hưởng. Vấn đề là vai trò của các phong trào giáo hội mới và mức độ giám sát liên quan đến các phong trào này lẽ ra phải được trao cho các giám mục giáo phận.
Sự khác biệt thứ ba về quan điểm liên quan đến giáo lý viên. Trong Đại hội đã có một số lời kêu gọi, chủ yếu từ Châu Mỹ Latinh nhưng cũng từ các khu vực khác, về việc thiết lập vị trí của giáo lý viên như một tác vụ bền vững trong Giáo hội. Tuy nhiên, những điều này đã bị các giám mục phản đối vì lo ngại rằng việc thành lập các tác vụ giáo dân bền vững có thể làm giảm đi tính đặc thù của chức linh mục, và do đó, một đề xuất chắc chắn về vấn đề này đã không được đưa vào các đề xuất cuối cùng. Gần một thập niên sau, vào tháng 05.2021, Đức giáo hoàng Phanxicô chính thức thiết lập thừa tác vụ Giáo lý viên.
Các nhóm thảo luận nhỏ (circuli minores) diễn ra vào nửa sau của Đại hội sôi nổi hơn so với các thảo luận trong phòng họp Thượng Hội đồng mặc dù các nhóm thảo luận này cũng được quản lý cẩn thận. Khi quay trở lại Đại hội, không có gì mới ngoại trừ những gì đối với nhiều người trong chúng tôi là tương đối vô hại và điều đó phản ánh những quan điểm đã được định trước. Các nhóm có xu hướng “bầu chọn” người đứng đầu là giáo sĩ cao cấp nhất làm chủ tịch, và nói chung, các thành viên đều cẩn trọng trong những gì họ nói. Một số ít giáo dân tham gia đã được lựa chọn cẩn thận và, nếu có bất cứ chuyện gì, thì các giám mục nhận thấy mình đang xoa dịu những quan điểm cực đoan hơn của giáo dân hiện diện. Chẳng hạn, trong nhóm mà tôi tham gia, một thành viên giáo dân đã nhiều lần vận động Thượng Hội đồng về Tân Phúc âm hóa đưa ra một tuyên bố tiêu đề rõ ràng nhắc lại giáo huấn của Giáo hội về ngừa thai nhân tạo. Các Đức hồng y Dolan và Pell, cả hai đều là thành viên của nhóm, đã bảo đảm với thành viên giáo dân ấy rằng họ hoàn toàn chấp nhận giáo huấn của Giáo hội về vấn đề này nhưng cũng nói rõ, một cách khéo léo nhất có thể, rằng việc nhắc lại giáo huấn của Giáo hội về ngừa thai nhân tạo không thể là một trong những kết quả chính của Thượng Hội đồng về Phúc âm hóa.
Có một số đóng góp thực sự đáng nhớ. Như báo trước cung giọng khiêm tốn hơn của huấn quyền vốn sẽ được chấp nhận sau này dưới thời Đức giáo hoàng Phanxicô, Tổng giám mục Manila lúc bấy giờ là Luis Antonio Tagle đã thúc giục Giáo hội “… học hỏi sức mạnh của sự im lặng. Đối diện với những nỗi buồn, sự nghi ngờ và bấp bênh của mọi người, chúng ta không thể làm như thể có những giải pháp dễ dàng”. Trước sự ngạc nhiên của Đức cha Tagle, vào ngày cuối cùng của Thượng Hội đồng, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã phong ngài làm Hồng y và sau đó bổ nhiệm ngài vào vị trí cao cấp trong giáo triều. Cùng quan điểm tương tự, người đồng hương Philippines, Đức Tổng giám mục Villegas, nói rằng “Tin Mừng có thể được rao giảng cho những người bụng đói, nhưng chỉ khi cái bụng của nhà giảng thuyết cũng trống rỗng như giáo dân của ông ấy”. Đức Tổng giám mục Canterbury lúc bấy giờ là Rowan Williams đã nói rằng việc loan báo Tin Mừng trong nền văn hóa ngày nay, vốn được đánh dấu bằng những hiểu biết vụn vặt về ý nghĩa của cuộc sống con người, thì chỉ đơn giản là để khôi phục lại niềm tin của mọi người rằng có thể trở thành con người đúng nghĩa. Ngài nói: “Việc nhân hóa sẽ trống rỗng nếu không có định nghĩa về nhân loại được đưa ra trong Ađam thứ hai”. Tương đương với Williams về sự sâu sắc và trí năng, Đức giáo hoàng Bênêđictô chỉ thực hiện một sự can thiệp ngắn gọn nhưng sâu sắc trong Thượng Hội đồng, một bài suy niệm mà ngài hướng dẫn trong giờ Kinh sáng đề cập đến vẻ đẹp của Tin Mừng và sự khao khát khôn nguôi trong trái tim mỗi con người đối với sứ điệp Tin Mừng.[6] Ngài cật vấn:
… nỗi đau khổ lớn lao của con người – trước đây cũng như hiện nay – là thế này: đằng sau sự thinh lặng của vũ trụ, đằng sau những đám mây lịch sử, có hay không có Thiên Chúa? Và, nếu vị Thiên Chúa này ở đó, Ngài có biết chúng ta không, Ngài có liên quan gì đến chúng ta không?
Trong suốt Thượng Hội đồng, hầu như không có cách trình bày nào hay hơn hoặc sâu sắc hơn về nhiệm vụ mà các Nghị phụ Thượng Hội đồng phải đối diện – giải quyết những vấn nạn này của một nhân loại đang đau khổ – hơn những lời hay ý đẹp của Đức giáo hoàng Bênêđictô. Tuy nhiên, thật không may, cách tiến hành Đại hội đã ngăn cản mọi khả năng về một phản ứng giàu trí tưởng tượng và sáng tạo đối với những vấn nạn mà ngài đã đặt ra một cách rõ ràng.
Trong khi đó, khi hàng trăm giám mục từ khắp nơi trên thế giới đang cân nhắc về các chiến lược mới cho việc loan báo Tin Mừng, thì cách hội trường Thượng Hội đồng vài trăm mét, một thảm họa về quản trị có quy mô chưa từng có trong lịch sử Giáo hội gần đây đang diễn ra trong các căn hộ của giáo hoàng và Phủ Quốc vụ khanh. Đầu năm đó, quản gia của Đức Bênêđictô đã bị bắt vì lấy cắp tài liệu mật, nhưng đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nóng lòng muốn đưa ra ánh sáng toàn bộ hành vi sai trái, Đức Bênêđictô XVI đã ủy thác một cuộc điều tra do Đức hồng y Julian Herranz người Tây Ban Nha, đứng đầu, bản văn của cuộc điều tra này sẽ được đưa đến bàn làm việc của Đức Bênêđictô vài tuần sau khi Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục thường lệ lần thứ XVI kết thúc vào tháng 12/2012. Mặc dù chưa bao giờ được công bố, nhưng những phát hiện của cuộc điều tra đã chi phối các cuộc thảo luận trước mật nghị giữa các Hồng y sẽ diễn ra vài tháng sau đó và khiến các Hồng y phải kiếm một vị Giáo hoàng mà các ngài cảm thấy có đủ khả năng thực hiện những cải cách hết sức cần thiết trong việc quản trị trong Giáo hội ở mọi cấp độ.
Rõ ràng, vào thời điểm thất thế trong lịch sử Giáo hội hậu Vatican II, Thượng Hội đồng Giám mục, do Đức giáo hoàng Phaolô VI thành lập với mục đích hỗ trợ Giáo hoàng trong việc cai quản Giáo hội và chia sẻ gánh nặng trách nhiệm này với các giám mục với tư cách là một cơ quan hoàn vũ, trên thực tế, đã phải tham gia vào các vấn đề khác xa với những vấn đề cấp bách và nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến Giáo hội là không quan trọng
Đức giáo hoàng Phanxicô tiếp quản
Đức giáo hoàng Phanxicô không tham dự Thượng Hội đồng 2012. Mặc dù đã đến độ tuổi mà một giám mục phải nộp đơn từ chức, nhưng Đức hồng y Bergoglio lúc bấy giờ vẫn còn là Tổng giám mục của Buenos Aires, vì vậy ngài có thể tham dự. Chúng ta có lý do chính đáng để cho rằng Thượng Hội đồng Giám mục khi đó không cuốn hút ngài. Lúc đó, đã quen với các cuộc tranh luận công khai, những can thiệp trung thực và khiêm tốn từ những tiếng nói và quan điểm khác nhau, và sự tin tưởng sâu xa vào sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần vốn là đặc điểm của các cuộc họp theo phong cách hiệp hành của các giám mục thuộc các Hội đồng giám mục Châu Mỹ Latinh (CELAM), rất có thể các Thượng Hội đồng Roma được xếp đặt cẩn thận có lẽ đã làm cho Hồng y Bergoglio khó chịu. Ngoài ra, có thể ngài không mấy quan tâm đến chương trình nghị sự của Thượng Hội đồng mà ngài cho là chủ yếu lấy Châu Âu làm trung tâm. Thực ra, Đức Phanxicô có một quan điểm hoàn toàn đối lập với Đức Bênêđictô XVI về tầm quan trọng của Châu Âu đối với Giáo hội hoàn vũ qua việc bác bỏ một cách minh nhiên kỳ vọng rằng “các dân tộc ở mọi Châu lục, khi bày tỏ đức tin Kitô giáo của họ (sẽ) bắt chước các phương thức diễn đạt mà các quốc gia Châu Âu đã phát triển tại một thời điểm cụ thể trong lịch sử của họ”.[7]
Như chúng ta biết, trong vòng vài tháng sau khi kết thúc Thượng Hội đồng năm 2012, Đức Bênêđictô XVI đã từ nhiệm và Đức Phanxicô trở thành giáo hoàng. Đại hội lần thứ XIII của Thượng Hội đồng Giám mục là Thượng Hội đồng duy nhất kể từ Công đồng Vatican II không có Tông huấn hậu Thượng Hội đồng. Khi Đức Phanxicô tiếp quản, rõ ràng việc chuẩn bị một Tông huấn được Ủy ban Giám mục mà Thượng Hội đồng bổ nhiệm cho mục đích đó soạn thảo cẩn thận đã rất tiến bộ, nhưng Đức Phanxicô đã loại bỏ phần lớn và thay thế bằng bản văn của chính mình, Tông huấn Evangelii gaudium (2013), thực ra, là hiến chương cho triều đại giáo hoàng của ngài. Và với tông huấn đó, tiền tố “tân” (new) trước “phúc âm hóa” (evangelization), có nguồn gốc từ Đức Gioan Phaolô II, ít nhiều đã được đưa vào các sách lịch sử mang tính giáo hội.
Trái lại, Đức giáo hoàng Phanxicô đã hướng Giáo hội quay trở lại Tông huấn Evangelii Nuntiandi (1976) của Đức Phaolô VI, mà ngài đã đề cập đến 3 lần riêng biệt trong những tháng đầu của triều giáo hoàng của mình, mô tả Tông huấn này “chứa đựng những lời hợp thời như thể chúng mới được viết ngày hôm qua; một bản văn rất trọn vẹn nhưng không hề mất đi tính hợp thời của nó; điểm tham chiếu cơ bản vẫn còn phù hợp”; và, “theo thiển ý của tôi, đây là tài liệu mục vụ vĩ đại nhất từng được viết cho đến nay”.[8] Các định nghĩa đơn giản và dễ hiểu về việc Phúc âm hoá đã xuất hiện sớm trên tài khoản twitter @pontifex như, ‘‘Phúc âm hoá nghĩa là gì? Là làm chứng với niềm vui và sự đơn giản về những gì chúng ta là và những gì chúng ta tin tưởng”. Phản ứng của Mỹ Latinh đối với chủ nghĩa thế tục được đặc trưng bởi lời kêu gọi làm chứng vui tươi hơn là than phiền về tình trạng sa mạc hóa. Trong Thượng Hội đồng Giám mục năm 2012, một số giám mục Châu Mỹ Latinh đã bình luận về việc các giám mục Châu Âu nhìn chung có vẻ chán nản và thất vọng ra sao khi bị so sánh với Châu Mỹ Latinh. Nhìn lại quá khứ, chúng ta biết rằng điều này là do Giáo hội Châu Mỹ Latinh khi đó đã đặt ra một lộ trình mới và đầy sinh lực cho mình tại Aparecida vào năm 2007, vốn là một lộ trình đã mang lại hoa trái.
Việc lồng các Thượng Hội đồng trong một Giáo hội hiệp hành
Rõ ràng là thể chế Thượng Hội đồng Giám mục cần được khôi phục và Đức Phanxicô đã nhắm đến điều đó ngay từ những ngày đầu trong triều đại giáo hoàng của ngài. Trong Phần kết của cuốn The Great Reformer (2014) Ivereigh trích dẫn một cuộc phỏng vấn của Đức Phanxicô vào cuối năm 2013. Trong đó, Đức Phanxicô nhắc lại ước muốn của Đức hồng y Martini trong việc cải tổ tiến trình của các Công nghị và Thượng Hội đồng trong Giáo hội và lưu ý rằng Đức hồng y Martini biết rằng đây sẽ là một tiến trình lâu dài và khó khăn, nhưng Đức giáo hoàng Phanxicô đã quyết tâm kiên trì đi theo lộ trình đó “một cách nhẹ nhàng, nhưng chắc chắn và cương quyết”.[9] Đây là điều ngài đã thực hiện. Khi hồi tưởng lại, tôi tin rằng mọi người sẽ nhìn lại triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô và sẽ nhận ra rằng nó có kế hoạch hơn nhiều so với những gì nó thể hiện vào thời điểm đó.
Đức giáo hoàng Phanxicô đang cố gắng khôi phục Thượng Hội đồng Giám mục bằng cách lồng ghép các Đại hội Thượng Hội đồng vào trong một nền văn hóa hoạt động có tính hiệp hành vốn đặc trưng cho chính cách sống và hoạt động của Giáo hội (modus vivendi et operandi).[10] Tính hiệp đoàn giữa các giám mục, tức là tinh thần hiệp thông được chia sẻ và sự cộng tác được thể hiện trong các Đại hội Thượng Hội đồng, đang được neo giữ trong một tính hiệp hành mang tính giáo hội sâu sắc hơn và cơ bản hơn, tức là hành trình hiệp hành của người lữ hành của Thiên Chúa khi họ thực hiện cuộc hành trình đi qua lịch sử.[11]
Đối với Đức giáo hoàng Phanxicô, hiệp hành mô tả một phong cách được bày tỏ qua việc Giáo hội tiến hành nhiệm vụ và công việc hằng ngày của mình như thế nào, “việc thể hiện bản chất của mình là Dân Chúa cùng nhau thực hiện hành trình và được quy tụ lại trong cộng đoàn, được Chúa Giêsu triệu tập trong quyền năng của Chúa Thánh Thần để loan báo Tin Mừng”[12] Nói cách khác, tính hiệp hành, nếu thực sự có tác dụng, sẽ thể hiện trong cách Giáo hội cử hành phụng vụ, điều hành trường học, quản lý tài chính, chuẩn bị cho mọi người lãnh các bí tích, tạo điều kiện và trao quyền cho các hội đồng mục vụ và tài chính, v.v… Thời đại của chủ nghĩa độc tài giáo sĩ đã đến hồi kết. Chỉ bằng việc cầu nguyện và làm việc cùng nhau trong sự tôn trọng lẫn nhau với tư cách là Dân Chúa, người có chức thánh cũng như giáo dân, và dựa trên những ân sủng và đặc sủng đáng khen ngợi của mình, chúng ta mới có thể sống sứ vụ của mình với tư cách là Kitô hữu trong thế giới ngày nay. Tính hiệp hành có tác dụng khi thành quả lao động của chúng ta với tư cách là dân Chúa đang được thu hoạch, khi trải nghiệm hiệp đoàn của chúng ta trong việc phục vụ nhau và cộng đoàn của chúng ta đang được khai thác và hướng dẫn lộ trình xuyên suốt lịch sử mà Giáo hội đi theo.
Đức giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng hiệp hành là tính cấu thành của Giáo hội. Hiệp hành không phải là một tiện ích bổ sung để giáo dân có thể được tuyển mộ vào để củng cố một giai cấp giáo sĩ đang suy sụp. Hiệp hành xuất phát từ sự nhìn nhận rằng mỗi thành viên của Giáo hội đều có một vai trò duy nhất và quan trọng trong sứ mạng của mình, những hồng ân độc đáo được Chúa Thánh Thần ban qua Phép Rửa để phục vụ Vương quốc của Thiên Chúa. Để hoàn thành trách nhiệm của mình như là Kitô hữu, Dân Chúa phải được lên tiếng, được lắng nghe và được nghe. Đối với Đức Phanxicô, hiệp hành bắt đầu bằng việc lắng nghe Dân Chúa. Giáo Hội phải lắng nghe trước khi giáo huấn.
Đức Phanxicô tin chắc rằng cách tiếp cận quản trị này là điều thiết yếu đối với Giáo hội, và đó chính là điều mà Thiên Chúa đang kêu gọi Giáo hội trong thế kỷ XXI. Niềm tin của Đức Phanxicô dựa trên trải nghiệm sống của chính ngài. Tại Châu Âu, chúng ta đang cố gắng bắt kịp các khu vực khác trên thế giới đã đạt được tiến độ tốt hơn trong việc chuyển sang phong cách quản trị hiệp hành, nhất là Châu Mỹ Latinh bản địa của Đức Phanxicô. Sau nhiều thế kỷ là một Giáo hội “sai đi”, xét về mặt các nhà thừa sai, kiểu mẫu và tư duy, Châu Âu hiện đang trải qua một sứ mạng ngược lại, mà Châu Mỹ Latinh, dưới ảnh hưởng của Đức Phanxicô, là nguồn gốc. Chúng tôi không có đủ chỗ ở đây để trình bày chi tiết tầm nhìn của Đức Phanxicô về một Giáo hội hiệp hành có nguồn gốc từ hoạt động của CELAM trong vài thập niên qua và đặc biệt là từ Aparecida (2007), mà chúng tôi đã đề cập đến.
Là một Giáo hội hoàn vũ, có thể nói rằng có lẽ đây là lần đầu tiên kể từ những thập niên đầu của Giáo hội, chúng ta đang được mời khám phá ý nghĩa của việc “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung” (Cv 2,44). Đức Phanxicô không áp đặt cho Giáo hội một số hiểu biết mới mà ngài phát minh ra, nhưng thay vào đó, là loại bỏ những sự lớn dần lên hàng thế kỷ đang cản trở việc loan báo Tin Mừng, để thể hiện bản chất nguyên thủy của Giáo hội về cơ bản là có tính hiệp hành. Ngài mời gọi chúng ta từ bỏ các phong tục, cơ cấu và thực hành mang tính giáo sĩ liên quan đến sự lãnh đạo và quản trị Giáo hội mà chúng ta có xu hướng coi là đương nhiên về cách mọi thứ phải diễn ra nhưng trên thực tế không có sự biện minh hay mệnh lệnh nào của Phúc âm và chưa bao giờ làm như vậy. Điều ngài muốn chúng ta tái khám phá và đặt niềm tin tưởng vào, đó là “hoạt động của Chúa Thánh Thần trong sự hiệp thông với Thân Mình Chúa Kitô và trong hành trình sứ vụ của Dân Chúa”.[13]
Đức giáo hoàng Phanxicô đã mô tả sự biến đổi cần thiết khi chuyển từ một Giáo hội kim tự tháp sang một Giáo hội hiệp hành:
Có một Giáo hội kim tự tháp, trong đó những gì Phêrô nói phải được thực hiện, hoặc có một Giáo hội hiệp hành, trong đó Phêrô là Phêrô nhưng ngài đồng hành với Giáo hội, ngài để Giáo hội lớn lên, ngài lắng nghe Giáo hội, ngài học hỏi từ thực tế này và bắt đầu làm cho nó hài hòa, phân định những gì đến từ Giáo hội và khôi phục nó cho Giáo hội.[14]
Một Giáo hội hiệp hành chỉ có thể tồn tại nếu được lãnh đạo bởi các giám mục, linh mục và phó tế có khả năng đưa ra một phong cách lãnh đạo hiệp hành theo những đường lối mà Đức Phanxicô đã mô tả ở đây.
Bây giờ chúng ta chú ý đến lý do tại sao tầm nhìn của Đức Phanxicô về một Giáo hội hiệp hành về cơ bản lại là tầm nhìn của Công đồng Vatican II.
Tầm nhìn của Đức giáo hoàng Phanxicô là tầm nhìn của Công đồng Vatican II
Đức Phanxicô là vị giáo hoàng đầu tiên kể từ Công đồng Vatican II không tham gia bất kỳ phiên họp nào của Công đồng. Có thể cho rằng, điều này đã mang lại cho ngài một quan điểm mới mẻ khi xác định di sản của Công đồng. Như Massimo Faggioli đã lưu ý, triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô đánh dấu “sự tiếp nhận thứ hai… dưới khuôn đúc của lòng thương xót” và sự tái hội nhập văn hóa của triều giáo hoàng vào Giáo hội toàn cầu.[15] Tính chính thống của lộ trình hiệp hành mà Đức Phanxicô đang thúc giục chúng ta thực hiện trước hết được tìm thấy trong Hiến chế Lumen gentium của Công đồng Vatican II, cụ thể là trong Chương 2 về “Dân Chúa”, và thực ra là chương này đi trước việc bàn đến cơ cấu phẩm trật của Giáo hội và vai trò của hàng giám mục. Cụ thể hơn nữa, Đức Phanxicô chỉ ra một câu chứa đựng một khái niệm khá quan trọng mặc dù không hiển nhiên để hiểu được. Trong diễn văn dành cho các giám mục Ý năm 2021, ngài giải thích rằng,
Thượng Hội đồng không gì khác hơn là làm rõ những gì Hiến chế Lumen Gentium nói: Toàn thể dân Chúa, từ giám mục trở xuống, đều “infallibile in credendo” (bất khả ngộ trong đức tin), tức là không thể sai.[16]
Đức Phanxicô là vị Giáo hoàng đầu tiên kể từ Công đồng Vatican II đã yêu cầu Giáo hội phải nghiêm túc xem xét khía cạnh then chốt này của giáo huấn công đồng, và mặc dù vẫn cần nhiều nghiên cứu thần học hơn để giải thích chính xác “tính bất khả ngộ trong đức tin” của Dân Chúa nghĩa là gì, nhiều học giả đã nhìn thấy trong tầm nhìn của Đức Phanxicô về một Giáo hội hiệp hành là nỗ lực lần đầu tiên để thực hiện giáo huấn trọng tâm này của Công đồng Vatican II.[17]
Tính chính thống đối với cách tiếp cận của Đức giáo hoàng Phanxicô cũng được tìm thấy trong Hiến chế Dei Verbum của Công đồng, vốn chuyển cách hiểu của chúng ta về mạc khải ra khỏi cách hiểu chủ yếu về một tập hợp các giáo lý tĩnh tại ít nhiều được truyền lại từ Đức Kitô cho Phêrô và các tông đồ và tới những người “bé mọn nhất” trong các tín hữu, đến lời mời gọi bước vào mối tương quan giữa các cá nhân với Thiên Chúa Cha qua Đức Kitô, Đấng nói với chúng ta như những người bạn và mời gọi chúng ta hiệp thông với chính Thiên Chúa:
Do đó, qua sự mạc khải này, Thiên Chúa vô hình (x. Cl 1,15; 1 Tm 1,17) do tình yêu dồi dào của Ngài nói với loài người như những người bạn (x. Xh 33,11; Gn 15,14-15) và sống giữa họ (x. Br 3,38), để Ngài có thể mời gọi và đưa họ vào mối hiệp thông với chính Ngài.
Cách hiểu trước, việc truyền lại một hệ thống giáo lý tĩnh tại, không có nhiều chỗ cho Chúa Thánh Thần. Cách hiểu này cũng dẫn đến quan điểm sai lầm rằng huấn quyền là nguồn mạc khải. Trái lại, Hiến chế Dei Verbum dạy rằng huấn quyền là một biện pháp bảo vệ cho mạc khải nhưng không phải là nguồn của mạc khải. Nguồn của mạc khải là Lời Chúa được viết ra, tức là Kinh Thánh, và Lời Chúa được lưu truyền, tức là Thánh Truyền; trong cả hai trường hợp đều được truyền lại cho toàn thể Giáo hội với tư cách là Dân Chúa dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Nếu mạc khải chủ yếu là một tiến trình đối thoại giữa Thiên Chúa và nhân loại (xem thêm Dei Verbum các số 21, 25) thì cả hai đối tác trong cuộc đối thoại phải được lắng nghe với lòng thành kính, tức là lời Chúa và dân Chúa. Do đó, cần phải có một Giáo hội hiệp hành, là Giáo hội lắng nghe trước khi giảng dạy. Không phải ngẫu nhiên mà những lời đầu tiên của Hiến chế Dei Verbum là “Lắng nghe Lời Chúa với lòng thành kính…”).
Còn một điểm nữa cần được đưa ra về cách Công đồng Vatican II cung cấp nền tảng và biện minh cho tầm nhìn của Đức Phanxicô về một Giáo hội hiệp hành. Chúng ta cần xem xét không chỉ các bản văn của Công đồng mà còn cả diễn trình của Công đồng. Đối với Đức Phanxicô, việc tiếp nhận Công đồng không chỉ bao gồm việc đọc các bản văn Công đồng dưới ánh sáng của những hoàn cảnh đang thay đổi. Sự tiếp nhận cũng bao gồm việc khôi phục phong cách thảo luận mà Công đồng đã thông qua; cách thức cởi mở và tự tin để giải quyết những vấn đề cấp bách của thời đại dưới ánh sáng của Truyền thống. Do đó, Đức Phanxicô đang thực thi Công đồng Vatican II khi ngài kêu gọi chúng ta đưa tính hiệp hành vào đời sống hằng ngày của Giáo hội. Ngài coi cách thức hiệp hành mà Công đồng Vatican II tiếp cận những thách đố Giáo hội đang đối diện vào thời điểm đó cũng quan trọng như một di sản trong việc vạch ra con đường phía trước như chính các bản văn Công đồng. Mặc dù các văn kiện của Công đồng vẫn mang tính quy phạm, nhưng chúng nhất thiết bị hạn chế ở chỗ chúng không thể lường trước được sự biến chuyển sâu sắc, sự thay đổi của kỷ nguyên và thời đại như Đức Phanxicô đã gọi, ảnh hưởng đến cả con người lẫn hành tinh ngày nay. Vì thế, ngoài các bản văn Công đồng, người ta cũng tìm thấy một di sản bền vững của Công đồng trong cách thức Công đồng là khuôn mẫu cho Giáo hội hoàn vũ về việc chăm chú lắng nghe Chúa Thánh Thần. Công đồng tái khám phá rằng việc lắng nghe Chúa Thánh Thần như vậy là yếu tố cấu thành bản chất của Giáo hội và dự định yếu tố này sẽ tồn tại sau Công đồng qua việc Đức Phaolô VI thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục vào năm 1965.
Kết luận
Chúng ta không nên đánh giá thấp sự chuyển đổi tư duy và trí lực sẽ là cần thiết nếu chúng ta chấp nhận tầm nhìn của Đức giáo hoàng Phanxicô về một Giáo hội hiệp hành. Sẽ có cám dỗ chỉ chấp nhận tính hiệp hành một cách nửa vời, tỏ ra đồng tình với mọi việc với hy vọng rằng một triều đại giáo hoàng mới sẽ quan tâm đến những ưu tiên khác nhau. Một số người sẽ chỉ ra thực tế rằng trước đây chúng ta đã thử các tiến trình theo phong cách hiệp hành trong Giáo hội và những tiến trình đó đã thất bại, gây ra sự vỡ mộng sâu sắc cho nhiều người. Tuy nhiên, cần phải xem xét liệu nỗ lực mới nhất này có nhiều khả năng thành công hơn hay không vì nền tảng đang được chuẩn bị tốt hơn. Các sự kiện Thượng Hội đồng sẽ không còn được chấp nhận như những sự kiện biệt lập trong một nền văn hóa Giáo hội rộng lớn hơn vốn vẫn tiếp tục hoạt động theo phẩm trật và cách độc đoán.
Sẽ có những người khác trong Giáo hội khá thoải mái và đầu tư một cách cá nhân vào cách thức trở thành Giáo hội phẩm trật và độc đoán. Họ có thể có quan điểm rằng cá nhân họ có nhiều thứ để mất. Tuy nhiên, điều này không phải như vậy, bởi vì một Giáo hội theo chủ nghĩa phẩm trật và giáo sĩ trị đơn giản là không có tương lai. Nó không có gì để cống hiến cho Giáo hội, dù là ad intra hay ad extra.
Trái lại, đây là thời điểm để tin tưởng, hy vọng và ước mơ, hay như Đức Phanxicô thường kêu gọi chúng ta là hãy nhìn, đánh giá, và hành động. Hành tinh của chúng ta đang phải đối diện với một cuộc khủng hoảng sinh thái chưa từng có, cần có tiếng nói của một Giáo hội mạnh mẽ và sống động để bảo vệ nó. Giáo hội của chúng ta, đang phải đối diện với tình trạng gần như mất hoàn toàn uy tín tại một số nơi trên thế giới, cần một hình thức quản trị lành mạnh, trưởng thành và tôn trọng tất cả mọi người. Như Đức Phanxicô nói: “Chính con đường hiệp hành này là điều Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba”.[18]
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: onlinelibrary.wiley.com
[1] Linh mục Eamonn Conway thuộc Tổng giáo phận Tuam, Ireland. Cha là Chủ tịch đầu tiên của Ban Phát triển Con người Toàn diện tại Trường Triết học và Thần học, Đại học Notre Dame Australia. Cha tham gia Thượng hội đồng Giám mục lần thứ XIII vào năm 2012 với tư cách là cố vấn chuyên môn do Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đề cử. Vào tháng 7.2022, Đức giáo hoàng Phanxicô đã chọn cha làm cố vấn chuyên môn cho Đại hội Thượng hội đồng Giám mục XVI, tháng 10.2023.
[5] Gửi tới các nhà lãnh đạo phong trào Công giáo Tiến hành ở Pháp (13.01.2022). Xem https://www.thetablet.co.uk/news/14893/synod-not-aiming-for-parliament-style-consensus-says-pope.
[6] https://www.vatican.va/content/benedict-xvi/en/speeches/2012/october/documents/hf_ben-xvi_spe_20121008_meditazione-sinodo.html
[7] Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, (2013), số 118. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-niem-vui-cua-tin-mung-evangelii-gaudium-46656
[8] https://www.catholicworldreport.com/2013/12/12/the-greatest-pastoral-document-that-has-ever-been-written/
[9] Austen Ivereigh, The Great Reformer, (New York: Henry Holt, 2014), tr. 372 (trích dẫn bài phỏng vấn trên La Repubblica, tháng 10.2013).
[11] X. Sự đóng góp của Luciani và Nocetti cho tập sách này về sự chuyển đổi từ tính hiệp đoàn Giám mục sang hiệp hành mang tính hiệp đoàn đến tính hiệp hành mang tính giáo hội.
[12] Xem Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục, 1.2. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cam-nang-cho-thuong-hoi-dong-giam-muc-ve-tinh-hiep-hanh-42941
[14] Xem Cuộc phỏng vấn với Đức Thánh Cha Phanxicô, ngày 07.12.2016. https://press.vatican.va/content/salastampa/en/bollettino/pubblico/2016/12/07/161207a.html
[15] Bottigheimer, Christoph; Dausner, René (Eds.), VATICANUM 21, Die bleibenden Aufgaben des Zweiten Vatikanischen Konzils im 21. Jahrhundert. (Freiburg: Herder, 2016), p. 29, p. 31.
[16] X. Đức giáo hoàng Phanxicô, Diễn văn tại Đại hội lần thứ 74 của Hội đồng Giám mục Công giáo Ý, ngày 24/05/2021.
[17] Ví dụ, xem Miryam Wijlens, “The Church of God is convoked in Synod: Theological and Canonical Challenges Concerning the 2021-2023 Synod” (bài viết chưa xuất bản được trình bày tại Centro pro Unione, Roma, ngày 14.10.2021).
[18] Ủy ban Thần học Quốc tế, “Tính Hiệp hành trong Đời sống và Sứ vụ của Giáo hội”, số 1. https://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/cti_documents/rc_cti_20180302_sinodalita_en.html
https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/tam-nhin-cua-duc-giao-hoang-phanxico-ve-mot-giao-hoi-hiep-hanh-55760
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét