PLEIKU ƠI…
Nghĩa tử là nghĩa tận.
Ngày 5.3.2024, anh em Ban VHTT Giáo phận Ban Mê Thuột đi Pleiku kính viếng ông cố Anrê, thân phụ của nữ tu Nguyễn Thị Bích, Ban Thi ca, thuộc Ban VHTT Giáo phận. Đoạn đường dài hơn 200 km. Ra đi lúc nắng lên. Trở về khi trăng tròn đã lên trên đỉnh đầu.
Đến Pleiku người ta nhớ đến “Biển Hồ”.
Biển Hồ Pleiku
Biển Hồ là Hồ T’Nưng (cách viết khác là hồ Tơ Nuêng, hồ Tơ Nưng) hoặc hồ Ea Nueng là một hồ nước ngọt nằm tại xã Biển Hồ ở phía bắc thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Biển Hồ vốn là 3 miệng núi lửa cổ, cách đây 200 triệu năm, thông với nhau, bờ hồ chính là miệng núi lửa nhô cao nên dù đứng từ xa vẫn nhìn thấy rõ. Mỗi miệng tạo ra một vực sâu khó dò đến đáy, nên người ta còn gọi T’nưng là “hồ không đáy”.
Mọi người gọi là Biển Hồ vì diện tích hồ rất rộng, lên tới 228 ha bao quanh những rừng thông và núi, vào mùa mưa, mặt nước có thể lan rộng ra trên 400 ha. Bờ hồ chính là miệng núi lửa nhô cao cho nên đứng từ xa vẫn trông thấy rõ. Hồ T’Nưng là một trong những hồ đẹp nhất ở Tây Nguyên. khi gió to thường có sóng lớn nên mới gọi là biển hồ. Còn người địa phương gọi là T’Nưng, có nghĩa là “biển trên núi”.
Hồ T’Nưng cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 7 km theo quốc lộ 14, nằm trên cao nguyên địa hình bằng phẳng cao khoảng 800 m so với mực nước biển.(1)
Năm 2015, nhóm nghiên cứu tại Đại học Quốc Gia Hà Nội (sau lấy tên EOS) bắt đầu thảo luận về việc tổ chức khảo sát Biển Hồ với TS. Arndt Schimmelmann từ ĐH Indiana, Hoa Kỳ. Sau 4 lần khảo sát (2016-2018), nhóm đo được độ sau trung bình từ 17-19 m. Sâu nhất là khoảng 21 m. (2)
Truyền thuyết
Đối với Biển Hồ T’Nưng, đồng bào Gia Rai có truyền thuyết:
Ngày xưa nơi đây là buôn làng sầm uất với những dòng suối nước trong veo. Hàng ngày tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng đàn hòa vang thành những khúc nhạc rộn rã, âm vang khắp núi rừng. Thế rồi một năm nọ, trâu bò cả làng đều chết. Dân làng cho là Giàng (Yang) ghét bỏ nên cùng tộc trưởng vào rừng săn bắt nai đem về làm lễ cúng Giàng. Lễ xong, mọi người đang vui say, tin rằng Giàng sẽ phò trợ. Nào ngờ, mặt đất bỗng nhiên rung chuyển mạnh làm sụp đổ cả làng xuống vực sâu, nước tràn ngập, không còn một ai sống sót. Riêng có vợ chồng Mạc Mây bận đi thăm bà con ở xa nên đã tránh được tai nạn thảm khốc. Về làng, chỉ thấy toàn biển nước mênh mông, quá bàng hoàng, khiếp sợ bèn chạy đi báo các làng lân cận về tin khủng khiếp này. Cũng từ đó, người Gia Rai nhớ thương da diết những người đã khuất vì tai nạn trên và luôn luôn xem biển hồ T’Nưng là chứng tích của một sự kiện bi thảm khó quên. (3)
Còn Chút Gì Để Nhớ
Đến Pleiku tôi cũng nhớ đến bài thơ “Còn Chút Gì Để Nhớ” của thi sĩ Vũ Hữu Định.
Vũ Hữu Định tên thật Lê Quang Trung, sinh 1942, tại Thừa Thiên - Huế trong một gia đình nghèo. Mất năm -1981. Anh từng sống tại Tây Nguyên và Sài Gòn. Anh làm thơ đăng báo từ khoảng những năm 1960 với bút danh Hàn Phong Lệ hay Hàn Giang Tử, về sau đổi thành Vũ Hữu Định. Bài thơ “Còn Chút Gì Để Nhớ” được viết năm 1970, khi nhà thơ sang thăm một người bạn gái ở Pleiku và được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, rồi trở nên phổ biến với giọng hát Thái Thanh. Ca khúc được phổ theo nhịp 3/4, điệu Boston, lời thơ vẫn giữ nguyên, với khổ thơ cuối được nâng thành cao trào.
Phố núi cao phố núi đầy sương
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
Anh khách lạ đi lên đi xuống
May mà có em đời còn dễ thương
Phố núi cao phố núi trời gần
Phố xá không xa nên phố tình thân
Đi dăm phút đã về chốn cũ
Một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng
Em Pleiku má đỏ môi hồng
Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
Nên mắt em ướt và tóc em ướt
Da em mềm như mây chiều trong
Xin cảm ơn thành phố có em
Xin cảm ơn một mái tóc mềm
Mai xa lắc bên đồn biên giới
Còn một chút gì để nhớ để quên. (4)
Ra đi khi nắng ấm.
Trở về lúc chiều buông.
Sương đêm rơi giá lạnh.
Pleiku buồn, nhớ thương.
Pleiku ơi, Pleiku…
Nhớ thương. Ôi, da diết…
Nguyễn Thái Hùng
6.3.2023
+++++++
(1) https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%93_T%27N%C6%B0ng
(2) https://eosvnu.net/key-events/bienho-pleiku/
(3) https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%93_T%27N%C6%B0ng
(4) https://www.thivien.net//poem-r8LKhD8vol6-pv-B2m073Q
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét