Chú giải của Noel Quesson
Hôm nay chúng ta đọc một phần bản văn Luca về “Trình thuật Phục sinh”.
Theo Tin Mừng của ông, năm biến cố đã xảy ra trong ngày Phục sinh:
– Các phụ nữ đến viếng mộ vào buổi sáng và việc báo tin Chúa Phục sinh (24, 1-10).
– Phêrô cũng đến thăm mộ và thái độ bối rối của ông (24, 11-12).
– Chúa hiện ra với hai môn đệ làng Emmau (24, 13-35).
– Chúa hiện ra với mười một môn đệ, cùng buổi chiều hôm đó (24, 36-49).
– Đức Giêsu thăng thiên và việc Người được tôn dương trên trời (24, 50-53).
Còn hai ông thì thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và chuyện mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. Các ông còn đang nói thì Đức Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông.
Từ ba ngày qua, biết bao là biến cố bi thảm đã xảy ra cho con người đáng thương này? Bữa ăn cuối cùng của Đức Giêsu vào tối thứ năm, cuộc vây bắt tại vườn Ghétsêmani, mọi người đều bỏ trốn, Phêrô chối Chúa, việc xét xử bêu nhục Chúa như kẻ phản đạo và phạm thượng, cái chết của Chúa trên thập giá ngoài cửa thành, việc treo cổ tự sát của Giuđa, một bạn hữu của họ. Nhóm Mười Hai trở thành nhóm Mười Một, do một người trong họ bỏ cuộc và đã chết!
Chính trong bối cảnh này mà cuộc “Phục sinh” xảy đến một cách bất ngờ và làm cho mọi người bàng hoàng sửng sốt.
Người nói với các ông: “Chúc anh em được bình an”
Đó là lời chào hỏi thông thường của Người Do Thái: “Shalom!” có nghĩa là “Bình an”.
Nhưng ta có thể nghĩ rằng, chiều hôm đó, lời chào chúc cổ truyền đó hẳn phải mang một ý nghĩa hoàn toàn đặc biệt: chính vào lúc vô cùng tuyệt vọng thì Chúa hiện đến trấn an các ông: “Anh em đừng sợ”, “Hãy an tâm”. Theo Thánh Gioan, trước khi bước vào cõi chết, hôm thứ năm vừa qua, Đức Giêsu đã hứa các tông đồ sẽ được bình an sau một ‘thời gian khủng hoảng đớn đau’: “Thầy để lại sự bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em phúc bình an của chính Thầy” (Ga 14,27). “Anh em sẽ bị phân tán mỗi người mỗi ngả và để Thầy cô đơn”. “Thầy nói với anh em những điều ấy để nhờ kết hợp với Thầy, anh em được bình an” “Anh em can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian rồi” (Ga 16,32-33). Hôm nay vào chiều tối Phục sinh, lời hứa đã được thực hiện.
Các ông sợ hết hồn hết vía, tưởng là thấy ma.
Rõ ràng, như các trình thuật khác đều đã nói cho ta. Nhóm “Mười Một” bắt đầu run sợ và nghi ngờ. Một lát nữa, Luca sẽ nhấn mạnh giúp ta lưu ý tới sự kiện Đức Giêsu phải “mở trí lòng” họ: họ còn không hiểu gì cả. Chỉ ngắm nhìn thì chưa đủ còn phải “mở trí lòng” tới mầu nhiệm.
Nhưng Người nói: “Việc gì mà hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như Thầy đây?”
Trong trình thuật tương song của Gioan, Đức Giêsu đã cho các tông đồ xem “tay và cạnh sườn” Người (Ga 20,20). Còn ở đây Luca lại ghi, Người cho họ xem “chân tay” Người? Ta biết rằng, đối với Thánh Gioan “cạnh sườn” rộng mở tượng trưng cho nguồn nước vọt ra từ đền thờ mới, theo lời tiên báo của ngôn sứ Êdêkien.
Những điểm cốt yếu của trình thuật vẫn là chung, đó nhằm minh chứng rằng chính Đức Giêsu, Đấng bị đóng đinh, nay đã sống lại. Đối với những người Sêmít, này, là những người không có ý niệm phân biệt linh hồn và thể xác theo triết thuyết của Platon và Descartes, thì nếu Đức Giêsu đang sống động, chỉ có thể hiểu Người sống động với toàn diện con người mình. Đức Giêsu muốn quả quyết, Người không phải là một bóng ma như thế, Người phải có một thân xác, sự sống lại không thể giản lược vào nguyên một tình trạng “linh hồn bất tử”. Do đó, mọi chi tiết trên đây đều diễn tả cách cụ thể: “Cứ rờ vào Thầy. Hãy xem chân tay Thầy. Hãy cho Thầy ăn”.
Tuy nhiên, chúng ta không nên ảo tưởng. Cần phải vượt qua vẻ vật chất của ngôn từ diễn tả, để hiểu ý nghĩa sâu xa của công cuộc Phục sinh. Nhằm đề cao chân lý đó, chính Thánh Phaolô sau này sẽ xác quyết: “Chúa là thần khí”(2Cr 3,17-18). Ngài cũng nói về thân xác Phục sinh như một “thân-thể-thuộc-linh” (1Cr 15,44).
Các ông vẫn chưa dám tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có ăn gì không” Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng, Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.
Việc ám chỉ tới một bữa ăn như trên, gợi lại cử chỉ của Chúa tại làng Emmau, sau này Phêrô cũng tuyên bố: chính chúng tôi đã được cùng ăn, “cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại” (Cv 10,41). Trong trình thuật của Luca trên đây, không có gì ám chỉ cách công khai tới Thánh Thể nhưng bầu không khí vẫn là khung cảnh của những “bữa tiệc thánh”, mà ở đó các môn đệ sẽ nhận ra một sự hiện diện mới của Đấng Phục sinh.
Rồi Người bảo: “Anh em hãy nhớ lại những lời Thầy đã nói, khi Thầy còn ở với anh em”
Công cuộc Phục sinh không thể dược hiểu như một thứ hiện tượng cách biệt, một thứ hành động ma thuật. Đức Giêsu cố gắng giúp cho người ta “hiểu” và dồn “tâm trí” vào sự kiện đó. Và bước đường đầu tiên mà Người gợi lên cho các tông đồ đi tới hiểu biết, đó là vận dụng “ký ức” Người đã báo trước cái chết và sự phục sinh của Người. Người mong muốn chúng ta khám phá ra sự liên tục giữa Đức Giêsu trước Phục sinh ‘và’ Đức Giêsu sau Phục sinh, Đức Giêsu lịch sử và Đức Giêsu vượt qua lịch sử, Đức Giêsu cụ thể và Đức Giêsu của lòng tin.
Về vấn đề này, chúng ta nên ghi nhận kiểu nói kỳ lạ của Đức Giêsu: khi Thầy còn ở với anh em ‘thuộc về quá khứ’ Nhưng, lạy Chúa Giêsu, lúc này Chúa đang hiện diện với chúng con mà! Các môn đệ đã có thể đáp lại với Chúa như thế. Đúng vậy, nhưng Người đâu có hiện diện cũng một cách thức như trước nữa: Vẫn chính là Người, nhưng không phải y như trước. Đây luôn là mầu nhiệm đức tin.
Tất cả những gì sách Luật Môsê, các sách Ngôn sứ và các Thánh vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm. Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh.
Các Sách Thánh loại nào? Đó là toàn bộ Cựu ước: Luật, Ngôn sứ và Thánh Vịnh. Đúng ra, Đức Giêsu là một người rất quen thuộc với Kinh thánh. Người đã đọc đi đọc lại cho riêng mình một số đoạn để ứng dụng vào số phận đời Người. “Kinh thánh đã nói về đời tôi!”. Các bạn hãy đọc lại và sẽ thấy. Và chúng ta hình dung ra như Đức Giêsu, đang dạy một lớp giáo lý Kinh thánh, chú giải Kinh thánh. Công cuộc Canh tân Phụng vụ theo ý Công đồng Vatican II lại tạo điều kiện cho chúng ta đọc nhiều đoạn Kinh thánh hơn: mỗi Chúa nhật sẽ đọc ba bài đọc thay hai như cũ và được phân bổ trong ba năm để cung cấp cho ta một toàn bộ các văn bản đầy đủ hơn. Ta cũng có thể nhận thấy, công việc đó đã đi đúng hướng biết bao, như ý Đức Giêsu mong muốn. Lạy Chúa, xin ban cho chúng con, các Kitô hữu, biết đói khát Kinh thánh. Xin giúp chúng con đừng tới dâng lễ “trễ muộn”, bỏ qua phần phụng vụ Lời Chúa, luôn vắng mặt trong phần đầu thánh lễ, thời gian mà “Chúa mở trí cho chúng con hiểu Kinh Thánh”.
Người bảo có lời Kinh Thánh chép rằng: “Đấng Mêsia phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba sẽ từ bỏ cõi chết chỗi dậy”.
Ôi! nếu như chúng ta có mặt ở đó thì thích biết bao, lúc mà Đức Giêsu bình luận lời ngôn sứ Isaia, sách Khôn ngoan và các Thánh Vịnh! Nhờ sách Công vụ Tông đồ, ta biết được những bản văn đặc biệt mà trong đó, Đức Giêsu “tự nhận ra mình” và nhờ đó Người mới quả quyết người ta đã nói về mình là những bản văn nào. Đó là những bản văn được trích dẫn Đệ Nhị Luật 18, 16-19 và 21,23; Hôsê 6,1, Isaia 52,13, Thánh Vịnh 2,22. Cựu ước hướng về Đức Giêsu. Mọi chương trình của Thiên Chúa, mọi công cuộc chuẩn bị đều nhằm đến “việc hoàn tất” này: đó là sự hy sinh vinh quang của Đức Giêsu vì tình yêu cứu độ. Những bài thơ về Người Tôi Tớ và nhiều Thánh vịnh đặc biệt đã minh chứng rằng, “đau khổ của người công chính, không phải là uổng công vô ích, nhưng luôn đạt tới một sự phong phú phi thường”. Thực vậy người ta phải vượt qua giai đoạn đau khổ mới tới giây phút tạ ơn và thời gian loan truyền những kỳ công của Thiên Chúa cho mọi dân tộc, “sứ vụ” truyền giáo cho khắp hoàn vũ như đã hiện diện trong các bản văn đó (Is 49,50).
Đấng Mêsia phải chịu khổ hình, sẽ từ cõi chết chỗi dậy. Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.
Vâng, mối quan tâm truyền giáo đã tràn ngập tâm hồn Đức Giêsu. Người nhìn thấy trước hàng tỉ người nam nữ sẽ theo Người, sẽ yêu mến Người. Người nhìn thấy hàng tỉ tội nhân sẽ được tắm trong “nước tha thứ tội lỗi”, sẽ được ghìm ngập trong tình yêu xót thương của Thiên Chúa, sẽ được thanh tẩy trong Thánh Thần, Đấng tha thứ và “ban sự sống”. Thiên Chúa là tình yêu! ở đây chúng ta gặp lại điều mà Thánh Gioan đã nói trong Chúa nhật vừa qua: “Đức Giêsu thổi hơi để tha thứ tội lỗi!”.
Và chúng ta đón nhận sứ điệp “Phục sinh” đó. Chúng ta có thể nói, Phục sinh làm gì? Để loan báo sự thay đổi, cuộc hoán cải, một “métanoia”: Hãy đổi đời. Hãy phục sinh. Hãy sống động và cứ tiếp tục như thế. Phục sinh là một động lực sống! Nó luôn vận hành.
Phải rao giảng cho muôn dân, bắt đâu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối. Chính anh em làm chứng về những điều này.
“Sứ vụ của Giáo Hội” khởi sự từ công cuộc Phục sinh. Trong sức sống sinh động Phục sinh, cùng với “Đức Giêsu hằng sống” giữa các nhân chứng của Người, từ một điểm trung tâm của hành tinh chúng ta: đó là Giêrusalem! Thực vậy, đó là nơi có một không hai, mà người ta đã đào lỗ dưới đất để dựng cây thập giá lên, và từ đó đã trở nên trục của thế giới. Thành phố duy nhất này, nơi mà nhờ đó hành tinh đáng thương của chúng ta, thay vì là nghĩa địa mênh mông chứa chôn kẻ chết, đã trở thành nơi có “ngôi mộ trống”, nơi của sự sống hiển thắng.
Lạy Chúa, xin ban cho con “sức mạnh” từ trời ban xuống đó (Lc 24,49) để con trở nên nhân chứng cho Chúa: Veni Creator Spiritus. Lạy Thần khí Tác sinh, xin hãy ngự đến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét