Ronald Rolheiser, 2024-04-08
Trong bài thơ Serenade, nhà thơ Brazil Adelia Prado nói về nỗi đau nhức nhối mà chúng ta cảm nhận khi luôn mãi chờ đợi một điều gì đó hay một ai đó đến làm cho chúng ta được nên toàn vẹn. Chúng ta chờ đợi gì? Tình yêu? Tri kỷ? Thiên Chúa? Dù là gì, thì sự chán nản cuối cùng đẩy chúng ta đến một lựa chọn, là phát điên hay thánh thiện.
Tôi bắt đầu tuyệt vọng
Và chỉ thấy có hai lựa chọn:
Hoặc phát điên hoặc thánh thiện.
Và khi người đó hay việc đó cuối cùng cũng đến thì:
Làm sao tôi mở được cửa sổ lòng, trừ phi tôi điên?
Làm sao tôi đóng được cửa lòng, trừ phi tôi thánh thiện?
Phát điên hoặc thánh thiện. Càng thêm tuổi chúng ta càng nhận ra câu này đúng như thế nào, nhận ra cuối cùng, đó là lựa chọn mà tất cả chúng ta phải chọn, cả theo cách chúng ta được hình thành và những giới hạn nội tại của cuộc đời. Tại sao? Cuộc đời và chúng ta có gì không ổn sao? Tại sao chúng ta không thể tìm được một nơi yên bình giữa điên loạn và thánh thiện?
Tác giả sách Giảng viên đã cho chúng ta một lý do. Ông viết một câu văn mỹ miều thường được trích dẫn về việc chuyện gì cũng có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa thế; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây; một thời để giết chết, một thời để chữa lành; một thời để khóc lóc, một thời để vui cười; một thời để than van, một thời để múa nhảy; một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn; một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng; một thời để yêu thương, một thời để thù ghét; một thời để gây chiến, một thời để làm hòa – rồi sau đó, ông lại nói cho chúng ta, Thiên Chúa đã đặt một nhịp điệu mỹ miều cho cuộc sống và làm cho mọi thứ đẹp đẽ vào thời của nó, nhưng Thiên Chúa đã đưa sự vô tận vào tâm hồn con người, nên từ đầu đến cuối, chúng ta cứ lạc nhịp với các thời. Thiên Chúa đã thiết lập một nhịp điệu mỹ miều cho tự nhiên, nhưng chúng ta, khác với những nguyên tố vật lý, khác với thực vật và động vật vốn không có sự vô tận trong linh hồn, nên chúng ta không bao giờ quá hòa hợp với nhịp điệu đó. Chúng ta cưu mang quá nhiều, vượt quá cuộc sống đời này. (Giảng viên 3, 1-11)
Quý vị sẽ thấy cách diễn tả này trong các tác phẩm cả tôn giáo lẫn thế tục. Chẳng hạn, thần học gia người Đức Karl Rahner từng quả quyết, trong sự giày vò của việc bất đạt mọi thứ khả đạt, chúng ta học được, cuộc đời không có bản hòa âm trọn vẹn. Và lời này vang vọng câu nói bất hủ của Thánh Augutinô, một lời vẫn đúng và thích hợp cho thời nay, dù đã được viết cách đây 17 thế kỷ: “Lạy Chúa, Ngài đã tạo thành chúng con cho Ngài, và tâm hồn chúng con khắc khoải mãi cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài.” Một câu thể hiện cả nhận thức bất di bất dịch về con người và con đường bất di bất dịch mà con người phải đi. Chúng ta không có mái ấm tối hậu và đó là lý do vì sao, đến cuối cùng, chúng ta chẳng có lựa chọn nào khác ngoài phát điên hoặc nên thánh. Chẳng ngạc nhiên khi bà Ruth Burrows, ngòi bút thiêng liêng trứ danh đã mở đầu tự truyện của bà với câu: “Tôi được sinh ra trong thế giới này với sự nhạy bén bị giày vò và cuộc sống của tôi chẳng dễ dàng gì.”
Mô-típ này xuất hiện khắp trong văn học tôn giáo, nó cũng xuất hiện trong suy nghĩ của nhiều thi sĩ, văn sĩ và triết gia thế tục. Ví dụ nhà văn Albert Camus, người tự cho là vô thần, sau khi được giải Nobel Văn học, ông trả lời một phóng viên hỏi ông có tin vào Thiên Chúa không: “Không, tôi không tin vào Thiên Chúa, nhưng không phải vì vậy mà tôi không bị ám ảnh với câu hỏi về Thiên Chúa.” Tại sao ông lại bị ám ảnh này? Vì trong suy nghĩ của ông, ông không thể nào lý giải được, thế giới cũng không tìm được một nơi hoàn toàn hợp lý trên thế giới cho con người, trừ phi, nơi đó có Thiên Chúa. Không có Thiên Chúa, sự hiện hữu của con người không thể nào thấy bình an với chính mình. Ông xem tình trạng của một con người trong thế giới này giống tình trạng của tù nhân nhà tù thời Trung cổ nào đó, nơi ngươi ta bắt tù nhân ở một phòng giam quá nhỏ đến nỗi họ không bao giờ có thể đứng thẳng hoặc nằm duỗi hoàn toàn. Cảm giác tù túng mãi mãi này cuối cùng có thể làm ti
h thần của tù nhân suy sụp. Theo Camus, tình trạng trong đời của chúng ta cũng vậy. Chúng ta không bao giờ có thể thật sự đứng thẳng hoặc nằm duỗi thẳng hoàn toàn toàn. Cuối cùng, chuyện này sẽ làm tinh thần chúng ta suy sụp, chúng ta hoặc phát điên hoặc nên thánh. Đây cũng là quan điểm căn bản của các nhà triết học hiện sinh vô thần khác như Martin Heidegger hay Jean-Paul Sartre.
Phát điên hoặc nên thánh. Tác giả Richard Rohr còn cho chúng ta một lựa chọn thứ ba, đó là cay đắng. Ông cho rằng khi đến một tuổi nào đó, chúng ta chỉ có ba lựa chọn: Chúng ta có thể trở thành một người già thảm hại, một người già cay đắng, hoặc một người già thánh thiện. Quý vị lưu ý, đây là chuyện bất di bất dịch. Cuối cùng chúng ta đều là người già. Chúng ta chỉ được lựa chọn xem mình sẽ trở thành người già nào – điên cuồng, cay đắng hay thánh thiện.
J.B. Thái Hòa dịch
https://phanxico.vn/2024/04/13/phat-dien-hay-nen-thanh/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét