Trang

Thứ Tư, 17 tháng 4, 2024

Lễ phép, chiếc gương phản chiếu nội tâm con người

 Lễ phép, chiếc gương phản chiếu nội tâm con người

fr.aleteia.org, Linh mục Dòng Tên Jean-François Thomas, 2024-02-15

Trước hết lễ phép không phải là quy tắc của những nghi thức, nhưng là tấm gương phản chiếu nội tâm con người. Sự thanh lịch của tinh thần làm dịu đi những đam mê và cảm xúc.

Trong nhiều thế kỷ, nước Pháp là gương mẫu điển hình về lễ phép, phép xử thế và văn minh. Hiện nay nước Pháp đã mất đi vai trò chủ đạo ở phương Tây và phần còn lại của thế giới, đặc biệt nếu chúng ta so sánh cách xử sự của một số nước ở Á châu như Nhật Bản. Có một khác biệt giữa lễ phép của người Pháp và của người Nhật, vì lễ phép của người Pháp xuất phát từ đức tin kitô giáo, từ việc áp dụng đức tin trong những việc bình thường hàng ngày: phản ánh lòng bác ái trong hành động, trong thực hành chứ không chỉ bằng lời nói. Trong một xã hội đã mất đi cơ cấu tôn giáo, lễ phép có nguy cơ biến mất để nhường chỗ cho những quy tắc đơn giản, vô hồn, khô khan, bị rút gọn thành những biểu hiện đơn giản nhất.

Một đức tính xã hội góp phần vào lợi ích chung

Cho đến thế kỷ 14, chúng ta chỉ nói đến “xã giao”, một lãnh vực rộng hơn là những việc làm tốt đơn giản. Trong “lễ phép” còn có sự thanh lịch, chăm sóc vì từ ‘politesse‘ xuất phát từ polire và politus, tức là hành động đánh bóng và tô điểm. Sau đó đến thế kỷ 17, lễ phép biến thành “phép xử thế”, tất nhiên nó không biến mất vì sau này nó nhanh chóng mang ý nghĩa kiến thức của cách xử sự, một loại “hiểu biết” của lễ phép mà chính nó thực hiện các nguyên tắc. Có một rủi ro là lễ phép chỉ ở vai trò làm tròn các góc cạnh bề ngoài mà không chạm đến được những người quan tâm đến xã giao.

Lễ phép không phải là chiếc mặt nạ, một che đậy, một trò giả tạo đạo đức giả nhưng là một đức tính xã hội góp phần vào lợi ích chung, tạo nên sự hòa hợp giữa tất cả mọi người.

Lễ phép không phải là chiếc mặt nạ, một che đậy, một trò đạo đức giả tạo, nhưng là một đức tính xã hội góp phần vào lợi ích chung, tạo nên sự hòa hợp giữa tất cả mọi người. Hơn nữa, nó không thể dành riêng cho  tầng lớp thượng lưu khi người dân thường vẫn còn ở trong những mối quan hệ hụt hẫng, thô thiển. Vào thế kỷ 18, sự khinh miệt của các triết gia và những bộ óc cao đẹp của thời kỳ Khai sáng là rõ ràng, họ nghĩ người dân có thể lịch thiệp nhưng chắc chắn không lễ phép. Cuộc Cách mạng Pháp gây thêm hoang mang và hỗn loạn khi lập tức họ tấn công ngay vào tất cả các quy tắc lịch sự bị cho là phương tiện thống trị và chuyên chế. Chúng ta hãy nghĩ đến cách Vua Lu-i XVI bị đối xử trong vụ án được gọi là Capet, bị xưng hô một cách thiếu tôn trọng, bị bắt nạt, bị buộc phải đứng trước các thẩm phán đang ngồi: như một cách đảo ngược những lề lối cũ, một trả thù nhằm xóa bỏ mọi luật lệ có hiệu lực từ trước đến nay trong các quan hệ xã hội. Những người chủ mới cũng áp đặt, bằng hình phạt nặng nề hoặc tử hình, việc từ bỏ mọi quy tắc lịch sự và tôn trọng, với lý do bình đẳng: lễ phép được đấu tranh để ủng hộ một nền văn minh mới gọi là “đạo đức cộng hòa”.

Ân sủng của tinh thần

Thời đại của chúng ta, khi các mối quan hệ giữa con người với nhau trở nên nghèo nàn vì “’mạng xã hội” dùng lại điệp khúc của xã giao cộng hòa để tố cáo “người không xã giao”, mà không nhận ra những người không xã giao thường là kết quả của một giáo dục đã làm khổ cho phép xử sự. Nhà văn La Bruyère đã viết trong quyển Các tính cách (Caractères) “lễ phép làm cho con người cư xử bên ngoài, cũng như mình phải cư xử bên trong”. Một hệ thống chính trị xem đời sống thiêng liêng là vô dụng hoặc là kẻ thù chỉ có thể ghét bỏ vẻ bề ngoài vốn là tấm gương phản chiếu con người bên trong. Cứ muốn được tôn trọng – có thể sâu sắc hơn – những mệnh lệnh đạo đức mới này không còn hiệu lực, không thể áp đặt nhờ vào vẻ lịch sự của lễ phép.

Triết gia Henri Bergson đã thấy rõ “lễ phép là ân sủng của tinh thần” Lễ phép, Bài phát biểu tại buổi trao giải của trường trung học Henri IV năm 1892 (La Politesse, Discours prononcé à la distribution des prix du lycée Henri IV). Khi nói với những người trẻ tuổi, triết gia, trên con đường đi tìm linh đạo đã khuyên họ điều này, viện dẫn tấm gương của các tác giả thời Cổ đại: Chính bằng cách yêu thương cuộc sống mà họ làm cho họ đáng yêu, và họ yêu cuộc sống vì họ biết khám phá vẻ đẹp trong đó, và, như Plato đã nói, biến mọi thứ thành ý tưởng. Chúng ta phải theo gương họ, và nếu chúng ta không còn thích thú để chiêm ngưỡng vẻ đẹp, thì ít nhất chúng ta cũng học ở trường sự lễ phép tinh thần và nghệ thuật để tìm kiếm một cuộc sống đáng yêu.

Làm dịu các phong tục

Lễ phép, không giả tạo, giúp cuộc sống tươi sáng hơn. Nếu lễ phép liên quan thực sự đến sự quan tâm tôn trọng người khác, nó sẽ xoa dịu đáng kể những đam mê và cảm xúc mà đôi khi có thể nhận chìm chúng ta, làm chủ chúng ta. Nicolás Gómez Dávila lưu ý “sự tôn trọng tôn vinh người tôn trọng nhiều hơn là người được tôn trọng” (Nhật ký của người bại trậnCarnets d’un vaincu). Đôi khi cần phải bằng lòng với một lễ phép hình thức, loại chỉ đơn giản thừa nhận “các vĩ đại của cơ chế”, dùng lại sự phân biệt do triết gia Blaise Pascal đưa ra. Trong mọi trường hợp, như tác giả Oscar Wilde đã nói một cách hài hước, “điều duy nhất mà sự lễ phép có thể làm chúng ta bị mất, đôi khi, chỉ là chiếc ghế trên chiếc xe buýt chật cứng”. Một thách thức rất đáng để cố gắng vì không có phương tiện nào đáng bị bỏ qua để làm mềm đi các phong tục, kể cả trong những thời điểm bi thảm hay căng thẳng nhất.

Lễ phép soi sáng và làm dịu các quan hệ của chúng ta với nhau, góp phần tạo nên sự hòa hợp và bình yên trong tâm hồn.

Thật đáng tiếc khi khi chúng ta xem thường lễ phép trong gia đình và trong trường học trong nhiều thập kỷ. Những lời trách móc đương thời với trẻ em và thế hệ trẻ trong lãnh vực này đặc biệt là phi logic, vì chính những người lớn tuổi không những không truyền lại tài sản họ thừa kế mà còn từ chối nó và cư xử theo luồng tự do vĩ đại của tháng 5 năm 1968, như những người mất dạy, những người không biết xấu hổ. Tuy nhiên, không có gì là ti tiện trong các quy tắc lễ phép nếu chúng ta làm với chân tình, chứ không chỉ bằng lời nói suông hay với thái độ ghê tởm hoặc dè dặt. 

Tôn trọng chính mình

Đúng là rất khó tôn trọng người khác nếu mình không tôn trọng chính mình. Đời sống cá nhân, riêng tư, không bị cản trở, không có giới hạn về mặt đạo đức thì chỉ có thể dẫn đến chủ nghĩa ích kỷ đè bẹp nhất, và những người yếu đuối nhất, nhỏ bé nhất luôn là nạn nhân. Chỉ cần thấy thái độ kiêu căng và khinh thường của những người có quyền lực trên thế giới này là hiểu, họ không chịu áp dụng mọi hình thức lịch sự, cư xử tốt nào với những người mà họ cho là thấp kém. Chúng ta không còn ở thời mà vua Lu-i XIV bỏ mũ ra chào với mọi phụ nữ ông tiếp ở Điện Versailles, kể cả với người hầu khiêm tốn nhất. Triết gia Alain nhận xét “bất cứ điều gì có vẻ tàn bạo và giận dữ đều là vô lễ; các dấu hiệu là đủ; mối đe dọa là đủ. Có thể nói, sự vô lễ luôn là một loại đe dọa” (Về lễ phép, Propos. Sur la politesse). Ông đã đúng khi khẳng định, một âm thanh của giọng nói, một dáng đi thường đủ để phát hiện ra sự vô lễ, một trấn an sai lầm ít có điểm chung với vũ lực. Một số tập luyện nào đó như đấu kiếm, cho thấy tính cách con người. Triết gia Alain nhấn mạnh: “Chúng ta hiểu tách trà cầm trên tay sẽ văn minh hóa một con người như thế nào. Bậc thầy vũ khí đánh giá một tay súng qua cách anh khuấy cái thìa trong ly cà phê, anh không làm thêm một động tác.”

Lễ phép không phải là kiểu cách. Nó soi sáng và làm dịu đi mối quan hệ của chúng ta với nhau, góp phần tạo nên sự hòa hợp và bình yên trong tâm hồn. Sẽ mệt sức nếu chỉ sống xung quanh những người không khéo léo, không tế nhị, điều này trong những cử chỉ bình thường nhất của cuộc sống hàng ngày. Đó là tất cả về sự cân bằng. Lễ phép cho phép chúng ta đặt mọi thứ vào đúng vị trí của nó và tránh sự thái quá. Lễ phép mang lại sự nghỉ ngơi cho tâm hồn và tâm trí.

Marta An Nguyễn dịch

https://phanxico.vn/2024/04/17/le-phep-chiec-guong-phan-chieu-noi-tam-con-nguoi/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét