KITÔ HỮU TRƯỚC MỘT SỐ VẤN ĐỀ THỜI SỰ LUÂN LÝ (1)
PHẦN I : ÍT VẤN ĐỀ THỜI SỰ VỀ SINH HỌC
A. NHẬP ĐỀ
1. Thực trạng vấn đề
Đạo đức sinh học không còn là vấn đề xa lạ với dư luận đại chúng Việt Nam nữa. Cũng là điều may hơn rủi cho nền đạo đức của dân Việt Nam mà nhiều người đánh giá có nhiều hướng suy thoái. Báo đài thỉnh thoảng đề cập đến vần đề qua ít phóng sự, nhất là dịp chú cừu Dolly của nhà bác học Jan Wilmut được sinh ra bằng sinh sản vô tính (1997) chứ không cần thụ tinh. Vấn đề thỉnh thoảng còn được gợi lên qua các thông tin về tình trạng phá thai, thụ thai trong ống nghiệm, sinh đẻ có kế hoạch… tại Việt Nam. Một vấn đề gây dị ứng nơi người Việt Nam trước đây mấy thập niên, nay đã trở thành quen tai, quen nghĩ rồi!
Ngày nay, chúng ta chẳng còn xa lạ gì những giống hoa mầu, như lúa, bắp, đậu… chịu hạn tốt, kháng sâu bịnh hiệu quả, lại còn cho năng xuất cao. Cũng đã có những giống heo, bò, gà, vịt… đem lại lợi ích cao trong chăn nuôi, sản xuất. Tất cả những đặc tính tốt đó đều nhờ bao tiến bộ của ngành sinh học. Sự can thiệp của khoa học kỹ thuật có thể đưa tới nhiều biến dạng nơi các sinh vật, hoa màu, thậm chí còn tạo ra các giống loại mới. Chẳng hạn khoa học có khả năng làm ra các trái cà chua hình vuông để dễ xếp hộp. Áp dụng khoa sinh học vào con người, khoa học đã có thể tạo một số cơ phận thay thế cơ phận hư trong con người… Với những thành tựu khoa học hiện nay về gien, người ta còn thấy trước nhiều vấn đề khác về sinh học vừa phức tạp vừa trầm trọng hơn.
Vì những vấn đề sinh học tiến bộ của khoa học được áp dụng cho con người mà nảy sinh nhiều đụng chạm đến đạo đức sinh học (bioethies). Nghĩa là, có những áp dụng phục vụ con người mà không đặt ra vấn đề gì về đạo đức, như để ngừa và chữa bệnh, để sửa sang sắc đẹp… Song cũng không ít áp dụng gây tranh cãi sôi nổi, ví dụ vấn đề bản sao con người, thụ tinh trong ống nghiệm, chửa đẻ mướn v.v… Mà có tranh cãi ngay cả nơi những người không tôn giáo. Trong năm 2000, báo Tuổi Trẻ (Đoàn Thanh niên Cộng Sản) có bài đặt vấn đề đạo đức sinh học. Nhân dịp chú cừu Dolly ra đời năm 1997 thì cùng lúc, các nhà khoa học Mỹ thuộc phòng thí nghiệm Oregon nói đã thành công tạo ra khỉ bằng phương pháp sinh sản vô tính. Mạnh Hùng, tác giả bài “Sẽ có bản sao con người?”… đăng trong Tuổi Trẻ 9/3/1997 đã tự hỏi để kết thúc bài: “giả sử nếu các thế lực xấu cố tạo ra một số những Terminator (=kẻ hủy diệt) thử loài người sẽ sống ra sao đây?”. Giáo sư Trương Đình Kiệt, trưởng khoa phôi và gène, đại học Y Dược TP.HCM trả lời phỏng vấn sau vụ cừu Dolly: “Với con người, thì tôi nghĩ thậm chí về mặt khoa học cũng không nên thử nghiệm. Và thực tế thì cũng chẳng có nhu cầu tạo nên những con người như vậy. Thứ nữa, hiện nay người ta không thể kiêm soát được những hậu quả vế mặt xã hội (…). Không thể lường hết được điều gì sẽ xảy ra” (Báo Lao Động 11/3/1997). Và trong số ra ngày 13/3/1997, trả lời cho phóng viên Bích Hà, giáo sư Đặng Vũ Minh, giám đốc Trung tâm KHTN và CNQG cho biết ý nghĩ: “Bất cứ một phát minh nào cũng có mặt phải và mặt trái. Phát minh ra năng lượng nguyên tử dẫn đến bom guyên tử, nhưng cũng đem lại rất nhiều lợi ích cho con người. Riêng một mình nhà khoa học không có lỗi, mà trách nhiệm lớn thuộc những người sử dụng, thuộc về tất cả xã hội”.
Khoa học như thanh gươm hai lưỡi. Nếu tuần Le Monde ra ngày 1/3/1997 trang 7 ca tụng chú Cừu Dolly là một thành công kỷ lục (perfomance) thì Giáo hội Công giáo đã lên án gắt gao “mọi mưu toan làm ra con người không theo hoạt động tình dục thông thường” như chính tác giả của chú cừu ấy đã “lo lắng” phát biểu. Vì hơn ai hết, Wilmut hiểu rõ sự kiện “cloning” đã gây sốc đối với mọi tôn giáo, bởi lẽ một trật tự mới cho tự nhiên đã được chính con người lập ra. Thay vì Chúa sáng tạo, nay con người cũng tỏ ra “bằng Thiên Chúa”, một tham vọng con người đã cưu mang ngay từ khi mới được Chúa dựng nên và được tỏ ra trong chuyện kể về “cây trái cấm” và về “xây dựng tháp Babel”. Lee Silver, giáo sư sinh học của Princeton University, cho cừu Dolly là “thật vĩ đại quá sức tưởng tượng”. Dù sao, ngay sau vụ cừu Dolly, hàng loạt khoa học gia đã tỏ thái độ hết sức lo lắng về mặt trái của sinh sản vô phối. Giáo sư sinh học Mc Gee thuộc đại học Pensylvania phát biểu: “Chúng ta cần có một hội đồng quốc gia về di truyền và gia hệ”. Nigel Cameron, một nhà nhân sinh học Mỹ, khẳng định “Cloning con người hàng loạt giờ đây chỉ là vấn đề thời gian và tiền bạc. Và ai cũng thấy rằng điều đó xúc phạm phẩm giá của tất cả mọi người”.
Tại Việt Nam, vào thời điểm đó, một số nhà khoa học cũng đã lên tiếng trả lời cho nhiều cuộc phỏng vấn. Chúng tôi chỉ lấy ra một số tuyên bố tiêu biểu thôi. Ts. Lê thị Muội, viện trưởng viện Công nghệ sinh học (CNSH) cho rằng: “Nghiên cứu (=kỹ thuật sinh sản vô phối) trên thực vật thì thế giới đã làm rất nhiều và Việt Nam cũng đã làm và đạt được một số kết quả, tạo ra những giống cây trồng nông nghiệp và công nghiệp như khoai tây, chuối, mía, các loại hoa… Đối với động vật thì chưa làm (…). Tất nhiên, về khía cạnh nhân đạo thì tôi (…) muốn dư luận hiểu cho đúng về CNSH, không cẩn thận cứ nói đến gene là mọi người phát hoảng. Thực ra, CNSH đã tạo ra rất nhiều kết quả hữu ích cho con người”. Ts. Bùi Xuân Nguyên, trưởng phòng Nghiên cứu phôi động vật Viện CNSH phát biểu: “Để tạo ra một con vật mới, ngoài các sinh sản tự nhiên có các kỹ thuật sau: đầu tiên và khá đơn giản là thụ tinh nhân tạo. Sau đó, là sinh sản vô phối. Thế giới đã tạo ra nhiều vật nuôi theo cách này. (…) Đối với kỹ thuật như trường hợp cừu Dolly, thì có thể nói Việt Nam bị loại ra khỏi vòng tranh cãi vì không có điều kiện để làm. (…) Theo tôi, nên cấm hoàn toàn (nghiên cứu sinh sản vô phối) đối với người. Còn đối với động vật thì nên giới hạn nghiên cứu cho một số động vật cụ thể phục vụ cho những mục đích tích cực của khoa học”. Theo thực tế, các phát minh khoa học thì luôn có sự đóng góp của nhiều người, có khi nhiều thế hệ cộng lại. Ví dụ: không có Newton thì có lẽ không có Einstein! Các phát minh khoa học về sinh học cũng theo qui luật ấy. Và việc sinh sản con người theo cách vô phối cũng thế, và sẽ “là thuần túy công nghệ sinh học. Nế họ làm ra được người, thì liệu có thể coi đó là con người không? Con người, ngoài phần thể xác còn có đời sống tâm hồn, trí tuệ và tình cảm vô cùng phong phú. Liệu ai có thể tạo ra được những điều đó? Người ta đã thấy hai đứa trẻ sinh đôi cùng trứng có những tính cách khác nhau”.
B. LẬP TRƯỜNG CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
Một sự thật đau lòng song hiển nhiên trong thế giới hôm nay: suy thoái đạo đức. Thánh hiền Gandhi đã nói với tướng Omar N.Bradley, tổng tham mưu quân đội Hoa Kỳ, ngày 10/10/1948 tại Boston như sau: “(…) Thế giới đã thực hiện sự huy hoàng mà không có sự khôn ngoan; đã làm ra quyền năng mà không có lương tâm. Thế giới của chúng ta là một thế giới của những người khổng lồ hạt nhân, và những đứa bé đạo đức”. Lời nhận định đó vẫn còn là thời sự của ngày hôm nay. Nhất là về những vấn đề sinh học.
Là Kitô hữu, chúng ta phải nghĩ thế nào về các vấn đề đang đặt ra trước mắt chúng ta? Càng là quan tâm lớn của Đức Gioan Phaolô II. Vì thế, ngày 25/3/1995 ngài đã công bố thông điệp Tin Mừng Sự Sống, sau gần bốn năm chuẩn bị, với sự đóng góp ý kiên của nhiều giám mục, chuyên viên… Qua thông điệp, Đức Thánh Cha đã dựa vào Lời Chúa làm chứng cho thiên hạ thấy rằng: sự sống là hồng ân lớn Chúa ban cho con người; không ai được vi phạm đến sự sống bằng bất cứ cách nào. Vì thế, Chúa “đòi người ta phải tôn trọng sự sống, phải yêu mến sự sống, và phải cổ võ sự sống” (EV. Số 52). Và ngài đã nhắc lại ngay ba vấn đề sôi bỏng hiện nay:
- “Tôi xác định: trực tiếp và hữu ý giết chết một người vô tội, luôn luôn là điều vô luân nặng” (số 57).
- “Tôi tuyên bố: trực tiếp phá thai, nghĩa là muốn phá thai như mục đích hoặc như phương tiện, luôn luôn là một xáo trộn luân lý nặng, vì đó là cố sát một người vô tội” (số 62).
- “Tôi xác nhận: làm cho chết êm dịu là một vi phạm nặng đến luật Chúa, vì đó là cố sát một người, điều không thể chấp nhận xét về mặt luân lý” (số 65).
Ấy là chưa kể một số vấn đề sinh học khác có liên hệ đến đạo đức làm người như: ngừa thai nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm, ngân hàng mầm sống, tạo sinh con người bằng phương pháp vô tính, chửa đẻ mướn… Chúng ta còn dịp bàn đến chi tiết hơn các vấn đề nói trên.
Song, chung quy các vấn đề trên đều tập trung vào mấy nguyên tắc đạo đức sau đây:
• Thứ nhất: Cấm giết người
Vì lẽ “sự sống con người là linh thánh bởi vì từ nguồn gốc của nó, (…) có hành động sáng tạo của Thiên Chúa và mãi mãi nó ở trong một liên lạc đặc biệt với Đấng Tạo Hóa, (…). Chỉ mình Thiên Chúa là chủ của sự sống, từ đầu đến cuối: không một ai, ở bất cứ hoàn cảnh nào, có thể đòi cho mình cái quyền trực tiếp hủy diệt một con người vô tội”.
Từ nguyên tắc, Thiên Chúa còn phán dạy cụ thể: “Ta sẽ đòi giá máu mỗi người trong các ngươi (…). Ai đổ máu một người, người ta sẽ đổ máu nó. Bởi vì con người đã được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa” (Kn 9,5-6).
Cấm giết người là Luật ngàn đời cho mọi người, cho khắp nơi và cho mọi thời! Vì vậy, chính Chúa Giêsu còn nhắc lại: “ngươi sẽ không được giết người” (Mt 5,21).
• Thứ hai: Mỗi người là “họa ảnh” của Thiên Chúa
Một thuật ngữ diễn tả con người giống Thiên Chúa nên khác xa mọi thú vật. Bản dịch Thánh Kinh TOB (1994) cũng cho biết, trong văn liệu các lời của một vua Ai Cập khuyên con trai mình là Mérikaré (khoảng năm 2000 trước Chúa Kitô) có ghi: “Người ta là hình ảnh của Thiên Chúa, xuất sinh từ chi thể của Người (Les hommes sont les images de Dieu qui sont sorties de ses membres)”. Họ giống Thiên Chúa bởi quyền quản cai trên vạn vật và bởi đó là “họa ảnh” của Thiên Chúa về tính siêu vật chất như có trí khôn, tự do, lòng yêu thương… Vì vậy, sự thật này xác định nguyên tắc: mạng người phải được tôn trọng. Đụng chạm đến con người là đụng chạm đến Thiên Chúa. Lời Chúa Giêsu nói với Saulô : “Saulô, Saulô, tại sao ngưới bắt bớ ta?” (Cv. 9,4) khiến ông hiểu ngay bắt bớ đồ đệ của Chúa là bắt bớ chính Chúa. Với lời Chúa phán về thời phán xét chung lại càng rõ rằng mỗi con người thực là hiện thân của chính Chúa: “Quả thật, Ta bảo các ngươi; những gì các ngươi đã làm (hay “đã không”) cho một trong các anh em hèn mọn nhất này của Ta là các ngươi đã làm (hoặc “không làm”) cho chính mình Ta” (Mt 25,40-45). Lời quả quyết đanh thép không cần chứng minh! Từ đó, mới có bao vị thánh Kitô hữu đã sẵn sàng hy sinh mạng mình vì tha nhân, như Thánh Maximiliano Kolbe đã chết thay cho một bạn tù có vợ có con, Đức cha Cassagne hy sinh đến chết phục vụ anh em phong cùi ở Di Linh, Lâm Đồng… thánh hiền Gandhi xác tín chỉ được gặp Thiên chúa nơi tha nhân: “Tôi biết rằng tôi không thể tìm thấy Ngài ở ngoài nhân loại… Tôi đeo đuổi hiểu biết hằng triệu người của tôi. Tôi ở với họ mọi giờ khắc của ngày sống. Họ là mối lo đầu tiên của tôi, là mối lo cuối cùng của tôi, bởi lẽ tôi không nhận ra được Thiên Chúa ngoại trừ Đấng mà thiên hạ tìm thấy trong lòng hàng triệu con người thầm lặng đó”. Một tín đồ Ấn giáo đã tìm gặp Thiên Chúa nơi đồng loại dù ông không đi theo Chúa. Vì mỗi người là hình ảnh của Thiên Chúa!
• Thứ ba: Phải tôn trọng phẩm giá làm người
Phẩm giá làm người rất cao cả, vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Hiến chế Gaudium et Spes của Công đồng Vaticanô II tuyên bố: “Những kẻ tin cũng như những người không tin, dường như đồng quan điểm là mọi vật trên địa cầu phải được hướng về con người như là trung tâm và tột điểm của chúng” (số 12). Phẩm giá này càng được biểu lộ cách hoàn toàn và được đóng ấn bảo đảm nơi Chúa Giêsu : “Thật vậy, mầu nhiệm con người chỉ thật sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể” (số 22).
Chính những nhìn nhận trên đã trở thành tiền đề cơ sở cho đòi hỏi phải tôn trọng nhân quyền. Thật vậy, trước huyền nhiệm về thân phận làm người, tác giả Thánh Vịnh 8 có lý để tự hỏi:
“Phàm nhân là gì để Người nhớ đến,
Con người là gì để Người phải bận tâm?
So với thần linh,
Người không để cho thua mấy tí.
Người cho thống trị các kiệt tác tay Người làm.
Muôn sự Người đã đặt cả dưới chân” (câu 5-7).
Phải, nếu con người là vô tích sự, thì sao Chúa đã dầy công để dựng nên: “Ta hãy làm ra người” (Kn 1,26). Nhiều nhà chú giải câu này cho nhận xét: “Số nhiều bàn bạc, mình với mình hay với triều thần. Bản dịch Hi Lạp và sau đó Vulgata của Tv. 8,6 và Hr. 2,7 đã hiểu như vậy. Số nhiều này cũng có thể chỉ sự oai vệ, phong phú của Thiên Chúa (…). Các Giáo phụ nghĩ đến Chúa Ba Ngôi”. Tất cả thuật ngữ và chú giải chỉ ngụ ý: con người quả là một tạo phẩm đáng quý đáng trọng. Cũng vì thế, nó được dựng nên sau cùng của công trình sáng tạo. Vạn vật được dựng nên trước, để chuẩn bị cho con người có đủ điều kiện sinh sống và tồn tại. Như vậy, phẩm giá làm người hoàn toàn lệ thuộc vào sự quan tâm và quan phòng của Thiên Chúa. Và con người được bất khả xâm phạm là vì nó đã được làm ra “theo hình ảnh Thiên Chúa” (Kn 1,26), mang dấu ấn của Người: “Yavê đã đánh dấu trên Cain để đừng ai hạ thủ nó (…) khi gặp nó” (Kn 4,15). Nhân quyền là những dấu của Thiên Chúa in ấn nơi con người ngay từ lúc thụ thai trong lòng mẹ. Đặc biệt nó được quyền sống, quyền tồn tại, quyền không bị đánh đập, gây thương tích (x. Xh 21,12-17)… Tích cực hơn nữa, nó phải được kính trọng yêu mến: Thương người như thể thương thân. “Người sẽ yêu mến đồng loại ngươi như chính mình. Ta là Yavê” (Lv 19,18).
Nhân quyền như Công đồng dạy đều được “kẻ tin cũng như những người không tin” nhất trí nhìn nhận. Ví dụ chủ tịch Hồ Chí Minh là người không tin, cũng đã mở đầu bản Tuyên ngôn Độc Lập đọc tại vườn hoa Ba Đình ngày 2/9/1945 như sau: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo Hóa cho những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. (…). Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.
• Thứ bốn: “Nếu ngươi muốn vào sự sống thì hãy giữ các giới răn” (Mt 19,17)
Người ta thường nói: tự do trong quy định. Mới nghe qua thì câu khẳng định có vẽ nghịch lý. Song thực tế lại chứng thực sự thật ấy. Ở nhiều nước phát triển, xa lộ rộng thênh thang là đòi hỏi của đi lại, của phát triển… Trên xa lộ, bạn tha hồ phóng xe. Song bạn không được quá tốc độ qui định, không được rời lằn xe đang chạy ở những nơi không cho phép. Muốn chặt cây, không cần phải là cây lưu niên, bạn trồng trong vườn, bạn phải xin phép trước nơi cơ quan có trách nhiệm. Ở sân banh, bạn có thể vận dụng mọi sáng kiến, kỹ thuật cao để giành banh, để dẫn banh… song bạn không được chơi xấu như đẩy phía sau lưng cầu thủ đối phương, không ở thế việt vị, không được khoèo chân đối thủ, không được giả đò ngã.
Tự do là quý. Nhưng trên đời, không có tự do tách rời tất yếu bao giờ. Ít ra lúc tập luyện, uy quyền và pháp chế giúp chúng ta tiến tới tự do thật. Vì vậy, Jean Mouroux nhận định tự do vừa là “một ân huệ Trời ban, vừa là một cuộc chinh phục”. Các chuyên gia vi tính, những kiện tướng chơi đàn đã khổ công biết bao khi tập luyện và phải tập luyện đúng phương pháp (=hình ảnh của uy quyền và pháp chế). Nữ võ sĩ Wusu Nguyễn Thúy Hiền cho biết, cô đã khổ công tập luyện, kiêng khem đủ điều. Uy quyền và pháp chế được ví như bảng chỉ đường cho bộ hành và người lái xe, vừa khỏi tai nạn vừa đi tới đích.
Muốn thật sự không vi phạm quyền làm người, nhất là quyền sống, tồn tại, sống hạnh phúc, thì chúng ta phải dừng lại ở một giới hạn nào đó, dù là để phát triển nghiên cứu khoa học (ví dụ việc nhân bản), hoặc để thỏa mãn ước nguyện của người trong cuộc (ví dụ xin được chết êm dịu). Con người không là chủ tể mạng sống của mình hay của tha nhân. Khi động chạm đến ranh giới sống chết của con người, ai cũng phải biết giới hạn của mình mà dừng lại. Tôn trọng và bảo vệ mạng sống con người là luật tự nhiên, ràng buộc hết mọi người, không trừ ai, dù là chuyên gia khoa học,là bản thân,là người đang có quyền và trách nhiệm giám hộ chủ thể vị thành niên… Luật này còn ràng buộc xã hội dân sự và nền pháp chế nữa (x. GLCG số 2273), trừ khi vì công ích, xã hội dân sự và pháp chế có thể can thiệp phần nào vào các quyền bất khả nhượng đó. Là Kitô hữu, tôn trọng và bảo vệ các luật Tự nhiên ấy càng ràng buộc hơn nữa. Vì thế, Thánh Phaolô đã dạy: “Ví thử dân ngoại không có luật (=luật Môsê, trong đó có luật cấm giết người), nhưng theo lương năng mà làm những điều Luật dạy thì họ, những kẻ không có Luật, họ là Luật cho chính mình họ. Những người như thế, cho thấy rằng việc Luật dạy đã được viết trong lòng họ” (Rm 2,14-15). Còn Kitô hữu thì biết rõ rằng:
“Luật điều của Người, tôi sẽ luôn nhắm đến,
Người xưa đi mọi kẻ lạc xa luật điều Người dạy” (Tv 119,118).
Dư luận, luật pháp quốc gia… không miễn cho ai phải giữ luật tự nhiên cả!
Lại nữa “phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng theo loài người” (Cv 5,29).
ĐGM.PHAOLÔ TỊNH NGUYỄN BÌNH TĨNH
NGUỒN : UBMVGIADINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét