Trang

Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

MƯỜI ĐỀ TÀI LUÂN LÝ KI-TÔ GIÁO : ĐỀ TÀI 5

MƯỜI ĐỀ TÀI LUÂN LÝ KI-TÔ GIÁO : ĐỀ TÀI 5

MƯỜI ĐỀ TÀI LUÂN LÝ KI-TÔ GIÁO

Đề tài năm : Đâu là ranh giới giữa sự phản kháng cần thiết đối với chính quyền và sự phản kháng bất hợp lí? (đạo đức học chính trị hay giới răn 4)

Nhập đề :

Ngày nay có lẽ không còn ai có tham vọng sống hạnh phúc mà không cần đến xã hội, dân tộc hay người khác, dù xã hội, dân tộc hay người khác ấy có thể không tốt như mình mơ ước. Vấn đề bây giờ không phải là xét xem con người có thể phát triển không cần đến xã hội và người khác hay không, cũng không phải là xét xem có cần hay không cần một hay nhiều người lãnh đạo xã hội ấy và tập thể ấy – nói cách chuyên môn, vấn đề bây giờ không phải là xét xem chiều kích chính trị (tức là tính xã hội của con người có tổ chức) có hợp lí và cần thiết hay không. Mà vấn đề lúc này là làm thế nào để thể hiện tính chính trị ấy cách tốt nhất, hay một cách cụ thể, làm thế nào để tổ chức xã hội tốt nhất, cầm quyền tốt nhất và tham gia xã hội tốt nhất.

Khai triển :

1. Trước hết, phải bắt đầu bằng cách xác tín xã hội và nhà nước có giá trị không chỉ về mặt nhân bản mà cả về mặt thần học nữa.

1.1. Ngày nay, người ta đã tiến tới chỗ có cái nhìn quân bình về xã hội và nhà nước : không theo chủ trương xã hội duy vật của Marx (xã hội và từ đó, nhà nước là kết quả tốt nhất của cả một lịch sử tiến hoá của vật chất và vì thế, cá nhân phải hoàn toàn tùy thuộc xã hội và nhà nước) hay chủ trương xã hội duy tâm của Hegel (xã hội và từ đó, nhà nước là kết quả tốt nhất của cả một lịch sử tiến hoá của tinh thần và vì thế, cá nhân phải hoàn toàn tùy thuộc xã hội và nhà nước) ; cũng không theo chủ trương cá nhân và tự do cực đoan như của các triết gia phương Tây, đặc biệt của các triết gia hiện sinh vô thần (cá nhân - đặc biêt là những cá nhân ưu tú - là trên hết và tất cả, xã hội và nhà nước chỉ là công cụ phục vụ các nhu cầu và ước muốn của các cá nhân). Trong cả hai cái nhìn cực đoan này – thần thánh hoá xã hội và nhà nước, hay giản lược tối đa xã hội và nhà nước – xã hội hay nhà nước và cá nhân luôn ở trong thế cạnh tranh và xung đột nhau, tới mức hoặc chỉ có xã hội độc tài hoặc chỉ có xã hội vô chính phủ – chỉ có cá nhân bị đè bẹp hay chỉ có cá nhân độc đoán. Và dĩ nhiên, trong cả hai cái nhìn ấy đều không có chỗ cho Thiên Chúa.

1.2. Theo quan điểm của Kitô Giáo, bản tính xã hội của con người là do Thiên Chúa tạo thành và vì thế, chẳng những không thể bỏ qua bản tính xã hội ấy, mà bản tính ấy còn được tạo dựng để được phát triển hài hoà với ngôi vị của mỗi người. Chúng ta có thể hài hoà hai chiều kích căn bản ấy của con người – xã hội và cá nhân – bằng cách thống nhất cả hai trong ơn gọi làm con cái hay thụ tạo của Thiên Chúa. Xã hội và cá nhân có thể chung sống với nhau cách êm đẹp khi cùng làm việc dưới ánh sáng của Chúa, theo ý muốn và kế hoạch của Thiên Chúa – thể hiện qua những đòi hỏi tự nhiên nơi bản tính các sự vật. Một cách cụ thể, xã hội (mà đại diện là nhà nước) và cá nhân sẽ hợp tác với nhau để theo đuổi một mục tiêu xa là phát triển con người và thế giới theo đúng ơn gọi của chúng, và một mục tiêu gần là tạo ra các công ích giúp con người và thế giới hoàn thành ơn gọi của mình. Nói thế là nhìn nhận xã hội và nhà nước không chỉ có giá trị trong nhãn quan loài người, mà còn có giá trị trong nhãn quan Thiên Chúa. Hay xã hội và nhà nước không phải chỉ là điều con người cần, mà còn là điều Thiên Chúa muốn. Có hiểu như thế ta mới thấy tại sao không chỉ Phaolô mà cả Phêrô đều kêu gọi sự hợp tác của các kitô hữu với nhà nước – không phải hợp tác thuần túy theo luật hay vì sợ bị phạt, mà còn hợp tác tận trong lương tâm.

2. Kế đó, phải nắm vững mục tiêu gần và xa của xã hội và nhà nước

2.1. Mục tiêu gần, cũng là điều thường xuyên được viện dẫn để minh chứng sự cần thiết hay để đánh giá tầm hiệu quả của một xã hội và một nhà nước nào đó, chính là công ích. Một xã hội và một nhà nước có mặt và cần thiết, cũng như được coi là tốt, là vì nó đem lại công ích cho người dân. Công ích là tổng hợp tất cả những điều kiện – vật chất lẫn tinh thần – giúp mỗi người và mọi người hoàn thành ơn gọi của mình. Những điều kiện ấy có thể là cơ sở hạ tầng của đất nước, từ đường sá đến điện nước, là các dịch vụ của đất nước, từ dịch vụ hành chánh đến dịch vụ y tế, giáo dục, kinh tế … Những điều kiện ấy còn là cơ sở thượng tầng của đất nước như văn hoá, đạo đức, chính trị, tôn giáo… của dân chúng trong đất nước ấy. Nói chung là tất cả những gì cần thiết cho con người hoàn thành bản thân mình đúng với phẩm giá và ơn gọi của mình.

2.2. Tuy nhiên, mục tiêu gần chưa đủ là lí do biện minh cho sự có mặt và vai trò của xã hội và nhà nước. Không phải hễ tạo ra càng nhiều công ích như vừa kể là đã chu toàn trách nhiệm của xã hội và nhà nước. Mà còn cần phải làm sao cho các công ích ấy thực sự phục vụ conngười trong xã hội (mục tiêu xa). Có nhiều công ích không phục vụ con người thực sự hay thậm chí còn gây hại (luật, chế độ, cơ sở … cho phép cờ bạc, mãi dâm, phá thai, li dị… vượt xa mức tương nhượng, nghĩa là không chỉ để làm giảm bớt những điều xấu lớn hơn mà còn làm tăng những điều xấu…). Cũng có nhiều công ích vẫn còn nằm trên giấy tờ hay chưa đi vào thực tế phục vụ dân chúng (những hình thức công ích lãng phí hay không được phân phối đồng đều…). Vì thế, còn phải xét xem các công ích do xã hội và nhà nước tạo ra có thực sự phục vụ mỗi người và mọi người không. Ở đây, không thể không đụng chạm đến quan điểm của xã hội và nhà nước về con người. Một xã hội và nhà nước chỉ nhìn con người như một con vật biết làm kinh tế chẳng hạn sẽ không chú ý tới những công ích liên quan đến đời sống đạo đức và tôn giáo của con người.

3. Sau cùng, phải chấp nhận nguyên tắc bổ trợ và liên đới khi sinh sống và làm việc

3.1. Trong lúc theo đuổi mục tiêu gần và xa, xã hội và nhà nước không thể độc quyền làm việc hay bao cấp trong tất cả mọi lãnh vực, mà phải biết tạo điều kiện cho các cá nhân và đoàn thể tham gia, theo nguyên tắc bổ trợ và liên đới. Nguyên tắc bổ trợ (“principe de subsidiarité”) giúp tổ chức mối quan hệ giữa nhà nước và cá nhân hay giữa nhà nước với các đoàn thể (gia đình, trường học, nghiệp đoàn, phong trào, tổ chức văn hoá – xã hội – chính trị, các tôn giáo…) bằng cách yêu cầu nhà nước không những tôn trọng mà còn giúp các cá nhân và đoàn thể ấy ngày càng có khả năng làm việc độc lập trong lãnh vực chuyên môn của mình, và chỉ can thiệp khi các cá nhân và đoàn thể ấy chưa đủ khả năng làm việc độc lập hay có thể gây hại cho con người và xã hội. Nhà nước không độc quyền làm kinh tế, giáo dục, văn hoá, mà cả không độc quyền làm chính trị, càng không độc quyền làm tôn giáo. Nhà nước chỉ theo dõi, đôn đốc, cảnh cáo, khích lệ, thông qua luật pháp và các can thiệp hợp lí, khi thật sự cần thiết.

3.2. Ngoài nguyên tắc bổ trợ là một cách thực hành đức công bằng trong các quan hệ xã hội, nhà nước và cá nhân còn cần thi hành nguyên tắc liên đới – một hình thức của đức ái ở cấp xã hội. Nguyên tắc này sẽ bù đắp những thiếu sót do việc thi hành sự công bằng để lại : nếu chỉ thực thi công bình cách sít sao, chắc chắn sẽ có nhiều lỗ hổng và chỗ trống mà không bên nào chịu đảm nhận. Trước khi và ngay cả trong khi quan hệ với nhau, nhà nước và cá nhân sẵn sàng liên đới với nhau trong trách nhiệm và bổn phận, như thông cảm với nhau, bù đắp cho nhau, giúp đỡ lẫn nhau vượt trên mức đòi hỏi của sự công bằng. Quan hệ nhà nước và cá nhân không chỉ là quan hệ pháp lí sít sao, mà còn là quan hệ của tình cảm nữa.

3.3. Trong tình hình chính trị hiện nay, nguyên tắc bổ trợ và liên đới còn được áp dụng cho các quan hệ quốc tế giữa các chính phủ với nhau, giữa chính phủ nước này với cá nhân hay đoàn thể nước khác, giữa chính phủ hay cá nhân và đoàn thể nước này với các cơ quan quốc tế… Chính vì sự phát triển của cá nhân và xã hội hiện nay không còn tùy thuộc các điều kiện hay công ích tại chỗ của một địa phương hay quốc gia, mà ngày càng tùy thuộc điều kiện hay công ích của nhiều quốc gia, thậm chí của quốc tế, nên cần phải áp dụng nguyên tắc bổ trợ và liên đới cả trên cấp độ khu vực và quốc tế nữa. Chẳng hạn cá nhân hay xã hội Việt Nam ngày nay không thể phát triển trọn vẹn chỉ nhờ vào các điều kiện giáo dục, kinh tế, xã hội, chính trị… của riêng nước Việt Nam, mà tùy thuộc khá nhiều vào các điều kiện giáo dục, kinh tế, xã hội, chính trị… của các nước chung quanh. Chính vì thế, Việt Nam phải chấp nhận tiếp thu không những các công nghệ và kĩ thuật, mà cả các mô hình giáo dục, kinh tế, xã hội, thậm chí chính trị của các nước khác; phải chấp nhận lệ thuộc phần nào – ít là bao lâu chưa độc lập đủ – không những trong các mặt hàng và công nghệ kĩ thuật, mà cả trong những chính sách và đường hướng của các nước ấy. Ngược lại, khi hỗ trợ Việt Nam, các nước khác cũng phải tìm cách làm cho Việt Nam ngày càng trưởng thành và độc lập để có thể không những đứng vững mà còn đóng góp ngược lại cho họ, thay vì tìm cách kềm hãm sự tiến bộ của Việt Nam. Về lãnh vực kinh tế, điều này đang được thể hiện qua việc thế giới cùng chấp thuận cho Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), và Việt Nam đồng ý tham gia. Dĩ nhiên, ngay cả khi đã bổ trợ cho nhau được, hai bên vẫn cần liên đới giúp đỡ nhau khi một trong hai bên đột xuất gặp tai nạn trong việc tự lực tự cường và đóng góp chung, thay vì thực thi sự công bằng quá sít sao.

3.4. Nguyên tắc bổ trợ này (được bổ sung bằng nguyên tắc liên đới) đã từng được đức cố giáo hoàng Piô XI đề xuất trong thông điệp “Quadragesimo Anno” (“Năm thứ 40” ngày Giáo Hội Công Giáo ban hành thông điệp đầu tiên về xã hội, thông điệp “Rerum Novarum” hay “Các hoàn cảnh mới” của đức cố giáo hoàng Leô XIII năm 1891), sau khi ngài chứng kiến thấy cảnh tượng các chính phủ độc tài – thành hình sau thế chiến thứ nhất – can thiệp quá sâu vào đời sống các cá nhân và các đoàn thể xã hội tới mức biến họ trở thành những nô lệ không hơn không kém.

4. Trường hợp các chính phủ bất công

4.1. Trước công đồng Vatican II, xem ra Giáo Hội đánh giá cao trật tự và ổn định hơn là những thay đổi xã hội, và vì thế tỏ ra rất ngại ngùng đưa ra quan điểm rõ ràng trước trường hợp một chính phủ trở nên bất công. Nhưng với công đồng Vatican II, Giáo Hội đã tỏ ra mạnh dạn hơn khi khẳng định: “Khi công quyền vượt quá quyền hạn của mình mà đàn áp công dân, lúc đó chính công dân cũng không nên từ chối những việc làm mà khách quan xét thấy phù hợp với đòi hỏi của công ích. Họ được phép bênh vực quyền lợi của riêng mình cũng như của đồng bào chống lại những lạm dụng của công quyền, trong khi vẫn tôn trọng những giới hạn của luật tự nhiên cũng như luật Phúc Aâm” (MV số 74).

4.2. Thế nào là một chính phủ bất công ? Hoặc đó là một chính phủ đã chiếm quyền một cách bất hợp pháp. Hiện nay, hầu hết mọi quyền hành của chính phủ được thủ đắc qua con đường ứng cử và bầu cử dân chủ. Thế nên, chiếm quyền bằng con đường bạo động có thể là bất hợp pháp. Trong trường hợp chính công ích đòi phải có sự đảo chính bằng quân sự, chính quyền được lập lên do quân đội chỉ có giá trị tạm thời và có bổn phận mau chóng tổ chức tuyển cử để một chính quyền dân sự được thành lập. Hoặc đó là một chính phủ đã nắm quyền cách hợp pháp, nhưng đã hoạt động một cách có hại nặng nề cho đất nước, đi ngược hiến pháp cách trầm trọng, và hầu như không thể cứu chữa được (những cải tổ của chính phủ ấy không cho thấy chính phủ ấy đang được điều chỉnh lại để trở nên hiệu quả hơn…). Không thể kết tội một chính phủ là bất công khi chính phủ ấy không làm được nhiều điều tốt cho hết mọi người trong một thời gian ngắn, nhất là khi nhìn đến hoàn cảnh quá khứ và hiện tại không mấy thuận lợi của đất nước.

4.3. Phản kháng các chính phủ này bằng cách nào ? Nếu thấy rõ không phản kháng là đồng loã với bất công, các kitô hữu – đặc biệt là giáo dân – có thể tham gia phản kháng theo trình tự sau đây :

. Trước hết, phải có cơ sở đầy đủ và xác đáng minh chứng đó là chính phủ bất công nặng nề (là một chính phủ đã chiếm quyền bất hợp pháp và không tạo được niềm tin nơi người dân qua những thành tích ổn định cuộc sống xã hội, hay một chính phủ hợp pháp nhưng đã có quá nhiều chính sách làm hại dân chúng và đất nước cách nặng nề, đã được cho thời gian sửa chữa nhưng vẫn không thành công – sửa chữa nhân sự và sửa chữa chính sách…) ;

. Thứ đến, phải phản kháng bằng những phương thế mà luật cho phép, như phản kháng bằng cách trao đổi với các cơ quan đại diện mình hay cơ quan đại diện chính phủ, bằng cách nhờ các phương tiện thông tin đại chúng lên tiếng, bằng cách khiếu nại và khởi tố với cơ quan tư pháp….

. Bước thứ ba là phản kháng mạnh hơn bằng sự bất hợp tác hay không hưởng ứng của mình đối với chính sách của chính phủ, bằng cách xuống đường biểu tình…
. Sau cùng là phản kháng mạnh nhất với sự bạo động cần thiết. Trong trường hợp này, phải cân nhắc cẩn thận mức thiệt hại và lợi ích có thể xảy ra. Giáo Hội Công Giáo chỉ coi đây là biện pháp cuối cùng khi mọi biện pháp khác đã thất bại và khi đã cân nhắc hầu chắc sẽ nắm phần thắng và có kết quả tốt hơn. Giáo Hội cũng cảnh giác không nên bạo động chỉ để trả thù hay để phù trợ cho một cá nhân hoặc một đảng phái nhất định, mà quên đi lợi ích của đông đảo quần chúng, cũng như không được bạo động hơn mức cần thiết vì có thể tái thiết từ những đổ vỡ đôi khi còn tốn kém và gây thiệt hại hơn là giữ nguyên trạng. Nếu là chính phủ đã tiếm quyền bất hợp pháp, nhưng sau nhiều lần thất bại trong việc đòi lại quyền hành, cũng như sau khi đã xác nhận những thành tích có thật của chính phủ này trong việc phục vụ dân chúng, và thấy có khả năng gây hại nhiều hơn nếu thay đổi chính quyền, thì thông thường ta đành phải chấp nhận chính quyền ấy. Tuy nhiên, đây không phải là sự chấp nhận vì tính hợp pháp của chính quyền mà là sự tương nhượng vì ích lợi của đất nước. Chính quyền này nên nhanh chóng hợp pháp hoá bản thân mình qua một cuộc tuyển cử mới.

4.4. Dựa vào cơ sở nào để phản kháng ? Dựa vào chính quyền lợi tự nhiên và căn bản của con người là được sống hạnh phúc và được tự vệ trước những đe dọa hạnh phúc, cũng như được liên kết với nhau để xây dựng cuộc sống hạnh phúc và để giúp nhau bảo vệ hạnh phúc. Thế nên, cấm tuyệt đối và một cách bất công mọi hình thức phản kháng cũng là một hành vi bất công nghiêm trọng. Tuy nhiên, dù sao đi nữa, mọi phản kháng cũng đều kéo theo một tai hại không nhỏ cho cá nhân và xã hội. Vì thế, thay vì tiến hành lật đổ, đảo chính hay cách mạng, Giáo Hội mong muốn những sự cải tổ hay đổi mới hữu hiệu hơn. Và tốt nhất là xây dựng một đất nước dựa trên luật pháp công bằng, có những con người chu toàn nhiệm vụ của mình và hướng tới một sự phát triển ngày càng toàn diện hơn.

5. Tương quan giữa cộng đồng chính trị và Giáo Hội

5.1. Có người tóm tắt lịch sử mối tương quan giữa nhà nước với Giáo Hội Kitô Giáo thành những thời kì sau đây : trước hết là bách hại (thế kỉ 1-3), rồi công nhận sự có mặt (hoàng đế Constantinus) - thậm chí còn nâng lên hàng quốc giáo (thế kỉ 4, hoàng đế Theodosius), càng lúc càng lệ thuộc Giáo Hội (Giáo Hội trở thành “nhũ mẫu” trong mọi sự, không những trong tôn giáo mà cả trong xã hội) (nhất là vào thời Trung Cổ), bắt đầu tách dần khỏi sự bảo hộ của Giáo Hội – nhất là từ khi thấy Giáo Hội càng lúc càng sai lầm (thời Phục Hưng, thế kỉ 16), chính thức tách khỏi Giáo Hội và thậm chí uy hiếp Giáo Hội (thế kỉ 18, đặc biệt thời kì Aùnh Sáng), lạnh nhạt hay dửng dưng với Giáo Hội (tách biệt đạo đời ngày càng rõ, thành lập các nhà nước thế tục đúng nghĩa, từ thế kỉ 19 đến nay). Các sắc thái quan hệ này có thể được kiểm chứng nơi quan hệ giữa nhà nước Pháp và Giáo Hội Công Giáo Pháp. Mãi tới gần đây, nghĩa là sau Vatican II, người ta mới nghĩ tới việc tái hôn phối giữa Nhà Nước và Giáo Hội. Nhà Nước tôn trọng Giáo Hội nhưng cũng có một phần quyền trên Giáo Hội, ngược lại Giáo Hội tôn trọng Nhà Nước nhưng cũng có một phần trách nhiệm trên Nhà Nước. Một chủ nghĩa thế tục ôn hoà hay một chủ nghĩa thần quyền tương đối ra đời.

5.2. Tương quan giữa cộng đồng chính trị và Giáo Hội không phải chỉ là tương quan mang tính thực dụng, do hoàn cảnh lịch sử đòi hỏi, mà là một tương quan căn bản xuất phát từ chính bản tính và mục tiêu của mỗi bên : cả hai đều là tổ chức xuất phát từ đòi hỏi của bản tính con người (con người vốn có bản tính xã hội – đòi liên kết với nhau trong mọi việc, và con người vốn không khép kín với mình và luôn mở ra cho vô biên), và như thế, cũng là những tổ chức do Chúa muốn (điều gì bản tính tự nhiên đòi hỏi cũng là điều Thiên Chúa Tạo Hoá muốn) ; cả hai đều phục vụ một đối tượng và một mục tiêu, dù hai bên có điểm nhấn mạnh khác nhau, làm việc theo những phương pháp khác nhau (cả hai đều nhắm giúp con người ngày càng hạnh phúc hơn theo như phẩm giá siêu việt của con người đòi hỏi : Nhà Nước chú ý hơn đến chiều kích nhân loại, Giáo Hội chú ý hơn đến chiều kích siêu việt; Nhà Nước nhấn mạnh tới những biện pháp nhân loại, Giáo Hội quan tâm tới ơn sủng. Thật ra, nói nhấn mạnh hơn có nghĩa là không loại bỏ phía bên kia mà chỉ là không quan tâm nhiều bằng). Chính vì thế, thay vì chạy trốn nhau hay tìm cách hạ bệ nhau, Nhà Nước và Giáo Hội chỉ có con đường duy nhất để tồn tại và hoạt động là hợp tác với nhau - không như một chiến thuật mang tính thời sự, mà như một đòi hỏi sinh tử và đời đời.

5.3. Thật ra, muốn xây dựng mối quan hệ giữa hai bên cho tốt đẹp và bền lâu, cả Giáo Hội lẫn Nhà Nước phải chấp nhận một cái nhìn chung về con người tới một mức nào đó : con người là một hữu thể vừa rất người vừa linh thiêng cách nào đó. Giáo Hội không thể bắt Nhà Nước chia sẻ quan điểm quá nặng tính tôn giáo về con người, cũng như Nhà Nước không thể bắt Giáo Hội chia sẻ quan điểm về con người chỉ mang tính trần tục. Giáo Hội có thể nhắc nhở Nhà Nước về chiều kích linh thiêng ấy của con người, cũng như Nhà Nước có thể làm Giáo Hội không quên chiều kích trần thế của con người. Đi từ quan điểm ấy, Giáo Hội không chỉ lên tiếng trong nhà thờ cho tín đồ của mình về những vấn đề nội bộ của mình; Giáo Hội còn có quyền và có bổn phận lên tiếng ngoài nhà thờ cho hết mọi người về những vấn đề chung của đất nước và dân tộc, nhưng dưới góc độ có liên quan tới chiều kích linh thiêng của con người. Nhà Nước không chỉ lên tiếng ngoài xã hội cho những người ngoài Giáo Hội về những vấn đề chung của đất nước và dân tộc ; Nhà Nước còn có quyền và có bổn phận lên tiếng trong khuôn khổ Giáo Hội cho cả các tín đồ và chức sắc của Giáo Hội về những vấn đề của Giáo Hội, nhưng dưới góc độ con người là một hữu thể xã hội (đọc lại hiến chế mục vụ chương IV hay “Đời sống cộng đoàn chính trị”, từ số 73 đến số 76). Nếu hai bên biết những giới hạn và chuyên môn của mình cũng như của nhau cách rõ ràng thì chắc là cá nhân và xã hội đã được thăng tiến tốt đẹp hơn nhờ sự cộng tác hữu hiệu ấy.

Kết luận :

Trước viễn tượng con người ngày càng trở nên khó phục vụ, xã hội ngày càng trở nên quá phức tạp, Nhà Nước và Giáo Hội không còn con đường nào khác là hợp tác với nhau như những người đồng hội đồng thuyền. Nhưng đã là người trên cùng một con thuyền thì không thể nào giành hết chỗ về phía mình hay giành chèo lái một mình, mà phải tương nhượng nhau, nghĩ đến nhau và giúp đỡ nhau, thậm chí sửa sai và chỉ vẽ nhau; sâu xa hơn, phải giúp nhau có “trí sáng và tâm ngay” trong mọi sự; có thế mới hy vọng sớm đưa thuyền về tới bến.

Lm. Pr. Đặng Xuân Thành

(Đại Chủng Viện Hà Nội)

NGUỒN : UBMVGIADINH
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét