MƯỜI ĐỀ TÀI LUÂN LÝ KITÔ GIÁO : ĐỀ TÀI 3
MƯỜI ĐỀ TÀI LUÂN LÝ KITÔ GIÁO : ĐỀ TÀI 3
Đề tài ba : Thế nào là ý thức đúng đắn về tội? Những khám phá mới của các khoa Thánh Kinh, thần học, nhân văn và xã hội… có thể đóng góp gì vào quan niệm về tội? Làm sao phân biệt tội nặng và tội nhẹ theo quan điểm thần học luân lí hiện nay?
Nhập đề :
Không những các nhà lãnh đạo Công Giáo hiện nay đang lo lắng về tình trạng mất ý thức hay ý thức sai của giáo dân về tội (một trong các bằng chứng là sự sụt giảm số người xin lãnh bí tích Hoà Giải), mà cả các nhà lãnh đạo xã hội bây giờ cũng rất ưu tư trước tình hình phạm pháp ngày càng tăng của nhân dân – thậm chí phạm pháp vào độ tuổi rất trẻ và phạm pháp nhiều lần. Thế nên, khi biên soạn sách giáo lí hay tu đức, giáo trình thần học hay khảo luận luân lí, Giáo Hội Công Giáo luôn cân nhắc để trình bày thế nào về tội cho thuyết phục mà không sai sự thật của Mặc Khải.
Khai triển :
1. Đi tìm một quan niệm đúng đắn và đầy đủ về tội
Từ những quan niệm hiện hành trong xã hội…
- Tội là sự xâm phạm cách bất công tới quyền lợi của người khác : Đây là cách hiểu phổ biến nhất hiện nay vì nó đáp ứng sự nhạy bén ngày càng cao của con người tới người khác, quyền lợi và công bằng. Cái gì làm hại đến người khác đều là tội và chỉ khi nào làm hại tới người khác mới là tội. Nhưng như thế, hễ khi nào không làm hại tới người khác hoặc khi người khác bỏ qua không chấp nhất thì không có tội. Trong thực tế, các quyền lợi của người khác và các sự xâm phạm quyền lợi của người khác thường được minh định trong các bộ luật quốc gia. Thế nên, tội cũng chính là sự vi phạm các lề luật do Nhà Nước qui định. Cũng chỉ có tội khi quyền lợi người khác bị xâm phạm hay khi luật lệ Nhà Nước bị vi phạm. Và sẽ không có tội khi quyền lợi người khác được ghi trên giấy trắng mực đen của pháp chế quốc gia không bị xâm phạm, hay khi người khác hay cơ quan Nhà Nước không khởi tố, không kết án và đã tha bổng.
- Tội là sự phá hỏng nhân cách hay lí tưởng sống của bản thân mình: sở dĩ một người cảm thấy day dứt dằn vặt hay mạnh mẽ hơn, sở dĩ một người cảm thấy mình có tội là vì không hoàn thành nhân cách hay lí tưởng sống của mình. Chính vì thế, chỉ những hành vi nào cản trở sự thăng tiến của mình hay cản trở mình thực hiện lí tưởng của mình mới là tội; và chỉ cần được mình cho phép bắt đầu lại là mình đã được tha tội.
- Cả hai quan niệm trên đây, dù đã nhìn ra đúng một số hậu quả tai hại do tội gây ra (làm hại tới xã hội và bản thân mình), vẫn chưa đầy đủ và chưa sâu sắc. Vì trong tư cách là hữu thể mở ra cho tuyệt đối và vô biên hay trong tư cách là hữu thể có tôn giáo, tội còn gây hại tới quan hệ căn bản giữa con người với Đấng Tối Cao. Cũng chính vì bỏ qua chiều kích này mà trong hai quan niệm trên không có chỗ dành cho bí tích Hoà Giải (con người nhìn nhận tội trước mặt Chúa và chờ đợi Chúa tha thứ). Vì nếu tội chỉ là sự xúc phạm đến con người và xã hội, thì chỉ cần được con người và xã hội bỏ qua là hết tội, hoặc chỉ cần bồi thường cho con người và xã hội là xong. Đó là chưa kể đến trường hợp các luật lệ xã hội mà ai vi phạm là có tội không hẳn là những luật lệ công bằng và đúng đắn (trong trường hợp đó, nhiều khi giữ luật lại là gây ra tội), hay trường hợp lí tưởng mà cá nhân đã theo đuổi không thành công và vì thế có tội chưa hẳn là lí tưởng đúng đắn (trong trường hợp này, nhiều khi sống theo lí tưởng đó lại gây ra tội).
Đến quan niệm của Kitô Giáo về tội, dựa trên mặc khải Thánh Kinh
- Ngay từ đầu trong Kinh Thánh Cựu Ước, người ta đã luôn luôn nhìn tội trong tương quan với Thiên Chúa, chứ không chỉ trong tương quan với xã hội và bản thân. Thậm chí, nếu tội đụng chạm đến con người và xã hội thì tội chỉ bị khiển trách là vì con người và xã hội ấy là thụ tạo của Thiên Chúa, là hình ảnh và hiện thân của Thiên Chúa. Nói cách khác, bất cứ tội nào – dù bên ngoài có vẻ chỉ xúc phạm đến con người và xã hội – cũng đều là tội đụng đến Thiên Chúa. Tội không chỉ có chiều kích xã hội và cá nhân, mà còn có chiều kích thần học (liên quan đến Thiên Chúa). Và nếu đã có liên quan sâu đậm với Thiên Chúa thì chỉ có Thiên Chúa mới có khả năng và quyền hạn kết tội chúng ta và ra hình phạt hay tha thứ. Ngay cả khi nói tội là vi phạm lề luật, người Do-Thái không hiểu đó như một bộ sách ghi các thứ luật, mà coi lề luật là chính Thiên Chúa, là chính ý muốn của Ngài, và vì thế đụng chạm đến luật là đụng chạm đến chính Thiên Chúa.
- Đức Giêsu còn minh định rõ hơn quan hệ giữa người phạm tội với Thiên Chúa là quan hệ giữa dân được cứu và Đấng Cứu Tinh, giữa con với Cha, giữa vợ với chồng, người yêu với người yêu, bè bạn với bè bạn… Những sự mô tả này càng cho thấy rõ tính nhân văn của tương quan con người và Thiên Chúa, cũng như tính nhân văn của tội: tội không phải là sự vi phạm một mệnh lệnh vô ngã hay một bộ luật vô hồn, mà là sự xúc phạm tới tình cảm của một con người rất thân thiết với mình. Chính vì tội là sự xúc phạm sâu xa tới một đấng gần gũi với chúng ta đến thế, nên tội thật kinh khủng và không có giá nào tương xứng để con người trả cho Thiên Chúa về tội của mình. Chỉ có Thiên Chúa tự nguyện tha thứ cho con người. Cũng vì muốn cho con người thấy được tầm mức kinh khủng của tội mà Thiên Chúa không ban ơn tha thứ một cách qua loa dễ dàng : Ngài tha thứ bằng cách để cho Con mình chết vì tội lỗi của chúng ta và chết thay cho chúng ta.
- Hiểu mọi tội đều là sự xúc phạm đến Thiên Chúa, nhiều hay ít, nặng hay nhẹ, sẽ đưa chúng ta tới chỗ phải nhìn nhận tội trước mặt Chúa, chờ đợi Ngài đánh giá và tha thứ – qua bí tích Hoà Giải hay qua các việc làm khác cũng mang tính tôn giáo và cũng có hiệu quả tha thứ (sám hối đền tội và chay tịnh với tinh thần tôn giáo hay hướng về Chúa). Đây có thể là một trong những lí do giải thích tại sao hiện nay nhiều kitô hữu không “đi xưng tội”, dù ý thức rất rõ về tội của mình. Phải giúp các kitô hữu thấy rõ tương quan giữa tội với Thiên Chúa, họ mới hiểu ra cần phải “đi xưng tội”, tại đó họ không những được nghe sự đánh giá của Thiên Chúa về tội của họ (qua trung gian Hội Thánh hay linh mục giải tội) mà còn được chính Thiên Chúa tha thứ (cũng qua trung gian Hội Thánh hay linh mục giải tội).
2. Các khoa học về con người, đặc biệt khoa tâm lí chiều sâu, làm sáng tỏ thêm nhiều khía cạnh của tội, giúp ta đánh giá tội đúng đắn hơn
- Trong quá trình tìm hiểu cặn kẽ về con người, các khoa học khám phá ra mối tương quan hết sức mật thiết giữa con người và gia đình, con người và xã hội hay môi trường. Khác với con vật sớm có được sự độc lập trong cuộc sống, con người phải nhờ vả đến người khác rất nhiều, từ gia đình đến xã hội, từ khi bé đến khi lớn… mới được như hiện nay. Trong hành trình ấy, con người tiếp thu cả điều tốt lẫn điều xấu từ người khác và môi trường. Tiếp thu vừa nhiều vừa sâu vừa lâu dài như thế khiến con người cứ ngỡ mình đang hành động, tư duy và nói năng hoàn toàn do mình, không biết là mình đang hành động, tư duy và nói năng giống những người đi trước và những người chung quanh mình. Chính vì thế, tội không phải là một hành vi đơn lẻ hay bất ngờ, mà là kết quả của bao nhiêu điều đi trước và là một mắt xích trong một chuỗi rất dài. Bởi vậy, muốn phê phán công bằng tội của một người, người ta không chỉ phân tích cách đồng đại – tức là phân tích những gì có liên quan ngay lúc này với đuơng sự như ảnh hưởng của môi trường, dư luận, nghề nghiệp, tính khí… – mà còn phải phân tích cách xuyên đại – tức là phân tích con người qua một hành trình, đôi khi dài bằng cả một cuộc đời.
- Nói thế không có nghĩa là phủ nhận hết mọi trách nhiệm và tội của cá nhân, để qui kết cho môi trường và hoàn cảnh chung quanh, cho thế hệ và lịch sử đã qua… nhưng là để cảnh giác chúng ta cẩn thận hơn khi đánh giá một hành vi hay một con người, và nhất là để chúng ta lưu ý hơn tới việc cải tạo môi trường thay vì chỉ tập trung sửa chữa bản thân người có tội. Não trạng hay cơ cấu tội lỗi có mạnh đến đâu cũng không tước đoạt hết mọi tự do của con người, và vì thế không thể cải tạo môi trường mà quên sửa chữa cá nhân, cũng như không thể thay đổi cá nhân một con người mà không đồng thời tìm cách lành mạnh hoá môi trường.
3. Có tội nặng và nhẹ không? Làm sao phân biệt được các mức độ của tội?
3.1. Đã phân tích tội, chúng ta không thể không thấy có nhiều điều khác nhau giữa tội này với tội kia, tội lần này với tội lần nọ, tội của người này với tội của người kia. Chính luật pháp các quốc gia cũng phân biệt các mức tội để luận phạt cho công bằng. Bản thân mỗi người cũng ý thức thiệt hại nặng thiệt hại nhẹ do tội gây ra. Kinh Thánh cũng đã nhìn nhận có các loại tội khác nhau, các mức tội khác nhau, các hậu quả tội khác nhau, và vì thế các hình phạt khác nhau. Thế nên, không thể nói như một số người : tội nào cũng như nhau, hoặc tất cả đều nặng hay tất cả đều nhẹ.
3.2. Vấn đề còn lại là làm sao phân biệt đúng đắn các mức tội ấy? Người ta thường căn cứ trên hai điểm sau đây để phân biệt:
- Tầm mức của vấn đề mà chúng ta đã lỗi phạm: Thông thường, chỉ trong những hành vi có liên quan đến các vấn đề lớn chúng ta mới dồn tâm sức để suy nghĩ, tính toán, trù liệu và quyết định. Hay nói theo ngôn ngữ của thần học kinh viện, thường thường mô thức tăng theo chất thể, vụ việc càng nghiêm trọng người ta càng suy tư, bàn bạc nhiều, càng tham gia vào đó nhiều. Tuy nhiên, làm sao biết một vụ việc hay một vấn đề quan trọng? Có hai việc phải làm: một đàng tham khảo các ý kiến liên quan đến vấn đề, trong đó đáng kể nhất là lập trường chính thức của Giáo Hội (giáo lí) dựa trên mặc khải Thánh Kinh và truyền thống Giáo Hội, rồi tới ý kiến của các nhà thần học nghiêm túc, cả những quan điểm của các tôn giáo, các triết học, các xã hội…; đàng khác, phải dùng lí trí để biện biệt, căn cứ trên hậu quả lớn hay nhỏ mà hành vi ấy có thể tạo ra trên đời sống con người hay trên việc theo đuổi để thực hiện một ơn gọi.
- Mức độ dấn thân của chủ thể: song song với nhận thức tầm mức của vấn đề, đương sự còn phải xem lại mình đã tích cực tham gia vào hành vi ấy tới mức nào (hiểu biết và tự nguyện tham gia tới mức nào ? có bị những ngăn trở làm cho mình kém hiểu biết hay hiểu biết sai, và bớt tự do tự nguyện khi tham gia?). Thông thường, việc lớn thì chủ thể càng tích cực tham gia. Nhưng cũng có khi việc lớn mà lại tham gia rất hời hợt và gượng ép, hoặc việc nhỏ mà lại dấn thân tham gia tới cùng. Trong hai trường hợp này, tội không hội đủ hai yếu tố vừa kể ở mức cao (còn gọi là chất thể và mô thể) nên chỉ còn là tội nhẹ.
3.3. Mới đây, có người cho rằng ai cũng có một lựa chọn căn bản, tức là lựa chọn chi phối tất cả cuộc sống của mình, như sống độc thân tu trì hay kết hôn… Và nếu muốn đánh giá hành vi của một người, chúng ta không thể không liên hệ đến lựa chọn căn bản của người ấy. Chúng ta cũng sẽ hiểu đầy đủ hơn một hành vi của con người nếu liên hệ đến sự lựa chọn căn bản ấy, như ta sẽ hiểu rõ hơn hành vi vâng phục của một người nếu biết đó là người đã chọn đời tu và đã cam kết thể hiện lòng mến Chúa qua sự tùng phục của mình. Bằng không, chúng ta có thể đánh giá không đúng mức sự vâng phục của họ bằng cách cho rằng người ấy làm thế vì những lí do hay hoàn cảnh tự nhiên… Một khi đã nhận thức lại vị trí quan trọng của các lựa chọn căn bản trong đời sống một con người, có người cho rằng chỉ là tội nặng khi hành vi của người ấy làm người ấy bội phản lựa chọn căn bản hay khi hành vi người ấy làm trở ngại nặng nề việc thực hiện lựa chọn căn bản của mình. Nhận xét này rất sâu sắc, nhưng cũng có thể bị lạm dụng để cho rằng tôi có thể làm mọi sự không tốt miễn là chưa bội phản ơn gọi căn bản của mình, như tiêu xài hoang phí, giao du bừa bãi, tự ý tự quyết, miễn là chưa bỏ đời tu… Nên nhớ rằng không phải chỉ khi nào triệt tiêu hẳn sự lựa chọn căn bản, hành vi ấy của tôi mới là tội nặng. Mà chỉ cần làm vô hiệu hoá sự lựa chọn căn bản của mình, hay cản trở không cho tôi sống lựa chọn căn bản của mình (có sự lựa chọn ấy nhưng cũng gần như không!), các hành vi ấy cũng có thể trở thành tội nặng.
Kết luận :
Tội là một thực tại cũng có lâu như con người, đến nỗi nó gần như trở thành số kiếp của con người. Nhưng có lâu đến đâu và có trở thành số kiếp của con người tới mức nào, nó vẫn không phải là tất cả con người. Con người còn là một điều gì quí giá hơn nữa, và trong thực tế con người từ xưa đến nay vẫn đã, đang và sẽ làm được nhiều điều tốt đẹp. Đó là chưa nhắc đến phẩm giá, ơn gọi và định mệnh cao quí Thiên Chúa đã ban cho con người. Chính vì thế, khi tìm hiểu về tội, chúng ta không bao giờ tìm hiểu để buông tay đầu hàng mà là để tiến lên – trong khiêm tốn mà cũng trong tin tưỡng nữa.
Lm. Pr. Đặng Xuân Thành
(Đại Chủng Viện Hà Nội)
NGUỒN : UBMVGIADINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét