PHẦN II : MỘT SỐ VẤN ĐỀ THỜI SỰ VỀ HÔN NHÂN GIA ĐÌNH
A. ĐỒNG GIỚI LUYẾN ÁI
Một vấn đề không còn xa lạ ở Việt Nam. Đã gặp ở tòa giải tội cả nơi nam giới lẫn nữ giới.
Thánh Kinh ghi lại đôi trường hợp: x. Kn 19,1-29 và Rm 1,24-27; 1C 6,10; 1Tm 1,10. Truyền thống giáo huấn của Giáo hội vẫn coi đó là những hành vi “theo bản chất là lộn xộn”, trái luật tự nhiên. Đã nhiều nơi trên thế giới, người ta đòi luật pháp đời công nhận và bảo vệ quyền được sống chung như thế ngang hàng với mọi quyền lợi của đời lứa đôi thật. Có nơi cũng đòi Giáo hội công nhận như vậy. Gần đây, để yểm trợ cho đòi hỏi đó, có người dựa vào nghiên cứu khoa học cho rằng những người có xu hướng đồng giới luyến ái là do gen cha mẹ để lại, và câu kết luận tất nhiên sẽ là: các hành vi họ làm đều vô tội vì vô trách nhiệm.
Xét về mặt khách quan, các hành vi đồng giới luyến ái là “lộn xộn”, có tội. Nặng hay nhẹ hoặc có khi không mắc tội là tùy ở các nạn nhân có tâm lý bình thường hay ít nhiều bất bình thường.
Xét về mặt mục vụ, là mục tử nhân lành, linh mục giải tội phải hết sức tế nhị khuyến thiện, nâng đỡ họ sửa sai. Có thể giải tội cho họ, nếu đủ điều kiện.
B. SỐNG CHUNG MÀ KHÔNG KẾT HÔN
Ngày 21/11/2000, Hội đồng Tòa Thánh về gia đình đã công bố văn kiện về các cặp nam nữ sống chung mà không kết hôn.
Gần đây có nhiều ý kiến và phong trào vin cớ nhân quyền, đã lên tiếng yêu cầu quốc hội nhiều nước nhìn nhận tư cách pháp lý của các cặp nam nữ sống chung không kết hôn với quyền lợi được bảo vệ như luật hôn nhân.
Rõ ràng, điều bất thường muốn được ngang hàng với định chế hôn nhân về mặt pháp lý. Tình trạng này gây nên nhiều hậu quả trầm trọng cho xã hội và Giáo hội.
Vì thế, văn kiện Tòa Thánh nhằm giúp các vị mục tử biết ứng xử mục vụ thế nào đối với lớp người này (xem văn kiện phần VI). Chủ yếu, Tòa Thánh nhắc lại giá trị, phẩm giá của kết ước hôn nhân - phải lo phòng ngừa tệ nạn nhờ dạy giáo lý về hôn nhân và gia đình - những người Công giáo công tác về chính trị hay luật pháp phải theo đúng giáo lý của Phúc Âm.
Khi Nghị viện Châu Âu biểu quyết công nhận “các cặp nam nữ sống chung mà không kết hôn” (gọi là couples de fait), các cặp đồng giới luyến ái được hưởng qui chế ngang hàng với định chế gia đình, thì Hội đồng Tòa Thánh về gia đình đã ra tuyên bố ngày 17/3/2000 rằng: “Pháp chế đó đi ngược lại công ích và nghịch lại sự thật về con người; nói cho đúng đó là điều bất chính”. Bản Tuyên bố còn đánh giá các lối sống đó không xứn g với tầm vóc của một luật lệ, “Non videtur esse lex, quae justa non fuerit”. Do đấy, họ không đủ điều kiện để được giải tội, dù phải cư xử với họ trong tình yêu thương.
C. LIÊN QUAN ĐẾN ĐỜI SỐNG THÂN MẬT VỢ CHỒNG
Mọi Kitô hữu phải sống đức trong sạch tùy theo bậc sống của mình: đời độc thân tận hiến cho Chúa - đời đôi bạn - đời hứa hôn (x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo số 2349 và Tuyên bố của Bộ Giáo lý Đức tin, Persona Humana số 11).
Vợ chồng sẽ “chẳng làm điều gì xấu khi tìm kiếm và tận hưởng khoái lạc (xác thịt). Họ đón nhận những gì Đấng Sáng Tạo đã ban cho họ”.
Riêng các “hành vi thực hiện sự kết hợp thân mật và thanh khiết của đôi vợ chồng đều cao quí và chính đáng. Được thi hành cách thực sự nhân linh, những hành vi ấy biểu hiện và khích lệ sự hiến thân cho nhau, nhờ đó hai người làm cho nhau thêm phong phú trong hoan lạc và biết ơn”, “dù vợ chồng cũng phải vượt xa xu hướng nhục dục thuần túy, (…) nếu được sùng bái một cách ích kỷ, sẽ (…) kéo theo những hậu quả thảm bại” (ibi).
Một vấn đề thời sự nóng bỏng của đời vợ chồng là làm thế nào để điều hòa sinh sản. Công Đồng đã nhận định rất thẳng thắn: “muốn tổ chức đời sống vợ chồng cho thuận hòa, đôi bạn thường vấp phải một số tình huống khó khăn hiện tại, và có thể lâm vào những tình cảnh khiến họ không thể gia tăng số con cái, ít là trong một thời gian; đó là lúc phải khó khăn lắm mới duy trì được tình yêu trung thành và chung sống trọn vẹn” (GS 51,1).
Trong ứng xử cụ thể, giữ đúng cương vị nhà giáo dục, chúng ta không nên chọn biện pháp ngừa thụ thai nào thay cho vợ chồng, dù được hỏi, (cùng lắm) trừ bác sĩ. Cũng không kết án gì dù biết họ đã sử dụng cách thế chưa hợp đạo dạy. Cứ khách quan trình bày rõ ràng giáo huấn của Giáo hội, rồi để họ “chọn lấy trước mặt Thiên Chúa” như Công Đồng dạy (x. GS 50, tiết 2). Vì tin tưởng vào khả năng quyết định của một Kitô hữu trưởng thành, dù còn vấp váp và tiệm tiến. Vả lại, luật lệ nào do con người soạn ra, kể cả Giáo hội, cũng khong thể tránh hết mọi hạn chế. Vì vậy, khi thực tế cuộc đời không đủ điều kiện buộc thi hành luật, thì tín đồ cứ lòng ngay theo lương tâm thực tình mà coi như luật đó chưa thể áp dụng. Đó là nguyên tắc epikeia của Giáo Luật. Nguyên tắc đó tìm thi hành chủ đích thật của luật buộc (finis legis), hơn là làm theo mặt chữ. Ngày nay, vị trọng tự giác trách nhiệm hơn, Công Đồng Vatiacn II nêu nguyên tắc xử sự phổ cập sau đây: “Đừng lầm tưởng các chủ chăn có đủ thẩm quyền chuyên môn để có thể có ngay một giải pháp cụ thể cho mọi vấn đề xảy ra, kể cả những vấn đề quan trọng. Cũng đừng lầm tưởng chủ chăn vốn có sứ mệnh ấy. Nhưng tốt hơn là chính họ được đức khôn ngoan Kito giáo soi dẫn và cẩn thận chú ý các giáo huấn của Giáo hội, hãy nhận lấy trách nhiệm của mình” (GS 42, tiết 2). Ý ngay lành được bảo đảm bằng lòng thành tín và ngay thẳng, vừa tỏ ra lòng trọng luật Giáo hội, vừa biểu lộ ý chí trung thành với ý Chúa xuyên qua một hoàn cảnh cụ thể. Phải chăng cũng chiều hướng mục vụ thiết thực đó mà Đức Phaolô VI đã khuyến cáo các linh mục phải “trình bày minh bạch giáo huấn của Giáo hội về hôn nhân”, đồng thời “phải làm theo đức nhẫn nại và hiền từ như chính Chúa đã nêu gương trong cách cư xử với tha nhân. Ước gì các vợ chồng luôn luôn gặp được trong lời nói, nơi con tim các linh mục âm vang, tiếng nói và tình yêu của Đấng Cứu Thế, (…) hãy chuẩn bị cho họ thường xuyên và tin tưởng chạy đến các Bí tích Thánh Thể và Cáo Giải.
Đừng bao giờ để họ ngã lòng vì yếu đuối” (HV 29). Với chính đôi bạn còn vấp ngã, Đức Phaolô VI khuyến khích: “Nếu tội lỗi còn đè nặng trên họ thì họ cũng nản chí ngã lòng, nhưng với lòng khiêm cung bền bỉ, họ hãy cầu khẩn lòng nhân từ Chúa nơi Bí tích Cáo Giải” (HV 25). Đừng nản chí ngã lòng, vì tiến bộ nơi con người thường phải có thời gian và phải lên núi xuống đèo, chứ không lên như máy bay!
Dù sao, Ủy ban Giáo Hoàng về gia đình đã cho linh mục giải tội một nguyên tắc thật an tâm:
“Vị giải tội buộc phải báo cho hối nhân biết những vi phạm luật Chúa tự chúng là nặng. Phải làm cho họ ước mong được giải tội, được Chúa tha thứ và dốc quyết nghiêm túc tu sửa cách sống của họ. Sự sa đi ngã lại những tội ngừa thai, không phải tự nó là lý do để từ chối ban xá giải; chỉ có thể từ chối ban xá giải khi hối nhân thiếu ăn năn hay dốc lòng chừa”.
Chúa Giêsu tự giới thiệu: “Tôi chính là mục tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi” (Ga 10,14). Sự hiểu biết và tấm lòng cảm thông của Chúa, bao hàm trong chữ “biết” đã được tỏ rõ khi ứng xử vụ một phụ nữ ngoại tình (Ga 8,1-11). “Tôi cũng không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”. Am tường tội trạng và tâm tư sợ chết của chị, Chúa đã tìm ra lối thoát may mắn và khích lệ chị biến đổi cuộc đời.
Trong vụ xử kiện cho hai gái điểm dành giựt con, vua Salomon (x. IV 3,16-28) đã thấu cảm hết lòng người mẹ. Nhờ thế, vua đã cứu được đứa trẻ, nhờ bà mẹ thật của nó vừa sẳn lòng thà mất con hơn để con mình bị vua phân đôi. “Thưa Chúa thượng, xin Ngài cho chị ấy đứa trẻ còn sống, còn giết chết nó thì xin đừng”. Trái lại, chị không sinh ra n ó đã thậun tình theo ý vua: “Chẳng phải con tôi, cũng chẳng phải con chị, cứ chia (đôi) ra!” (câu 26).
Hai thái độ ứng xử đáng gẫm suy khi chúng ta ngồi tòa. Nếu vì tôn trọng sự thật khách quan, phải qui chiếu vào nguyên tắc, thì thái độ ứng xử có lý có tình như người trong cuộc, sẽ dễ thuyết phục và cảm hóa lòng người hơn!
PHẦN III
KITÔ HỮU TRƯỚC VẤN ĐỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG SỐNG
A. MỘT VẤN ĐỀ THỜI SỰ NÓNG BỎNG
1. Thực trạng môi trường sống
Saint-Exupéry đã nhắc nhở mọi người: “Chúng ta không thừa hưởng trái đất của tổ tiên chúng ta, chúng ta mượn trái đất đó của con em chúng ta”.
Hàng tháng nếu không phải hằng tuần, đài báo thông tin những biến động về môi sinh tên khắp thế giới: nạn ô nhiễm bầu khí quyển-tầng ôzôn bị thủng lớn khiến khí hậu và thời tiết đổi thay khôn lường. Các nhà máy thải khí cácbon quá nhiều, khiến trời nóng hơn, gây lũ lụt, giông bão thất thường; chiến tranh làm cho bạt ngàn hecta đất bị bỏ trống; nạn phá rừng khiến đất hoang hóa, gây nạn thiếu nguồn nước dự trữ v.v… Ngay tại Việt Nam, chúng ta không quên được cơn lũ lụt thế kỷ ở miền Trung năm 1999; nạn ô nhiễm nguồn nước hay môi trường sống ở nơi này nơi nọ; nạn săn bắt lậu các vật quý hiếm; nạn bắt cá bằng chất nổ v.v…
Đã có những báo động dư luận về nguy cơ mất thăng bằng sinh thái. Song còn cần đưa báo động thành phong trào rộng khắp nữa thì may ra cứu vãn vớt vát được môi trường sống hiện nay của thế giới. Phải thức tỉnh cho dư luận quần chúng nhìn nhận bảo vệ môi sinh là vấn đề sinh tử của loài người, là vấn đề đạo đức cấp bách hầu cải tạo cách nghĩ, cách sống, cách làm hợp đạo làm người đối với thiên nhiên cũng như đối với môi trường sống. Phải xác tín rằng, trái đất là của mọi người chứ không dành cho riêng ai hay riêng một lớp người nào, nước nào. Vì thế, phải chung lưng đấu cật mà bảo vệ, khai thác hợp lý để phục vụ mọi người.
2. Đâu là những nguyên cớ gây rối loạn môi sinh?
Mất ý thức đạo đức về trách nhiệm đối với môi sinh đồng thời có nghĩa vụ bảo vệ nó, thể hiện qua thái độ coi thường sự sống, coi khinh con người là nguyên cớ chủ yếu. Chẳng hạn tiến bộ khoa học và kỹ thuật ngày nay đã đem lại nhiều cải thiện cho đời sống con người. Đó cũng là biểu chứng con người đã cộng tác với trách nhiệm vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Song cùng lúc, người ta không nhìn đến các hậu quả tác hại lâu dài cho những người sống chung quanh, hoặc cho nơi mình không có liên hệ. Vì thế, say mê phát triển, khai thác thiên nhiên mà ít quan tâm đến hậu quả tác hại người khác, nơi khác phải chịu. Chẳng hạn, nạn “đào vàng” ở Tiên Phước, Quảng Nam. Nhà máy hóa chất ở đầu nguồn thải chất độc ra sông Danube ở Hungari, gây ô nhiễm và chết sinh vật trong sông. Nổ mìn bắt cá, phá hại luôn san hô ở Hạ Long với mọi sinh vật cư trú trong đó v.v… Thật là sống chết mặc bay miễn tôi được lợi! Sử dụng và khai thác môi trường để phát triển, phải luôn luôn kèm theo nhận thức nhân đạo: mình vì người khác, người khác vì mình.
Biểu chứng cho thái độ thờ ơ, coi thường ấy, Hiệp hội các Giám mục Á Châu (FABC) họp tại Tagaytay, Philippine từ 31/1 đến 5/2/1993, đã bày tỏ lo âu về môi trường sống ở Á châu như sau: nạn phá rừng làm xói lở núi đồi gây lũ lụt và hạn hán; nạn tích tụ khí hiệu ứng nhà kính, đặc biệt thán khí làm cho trái đất nóng lên; nguồn năng lượng bị cạn kiết dần vì ưu tiên cho chủ nghĩa sản xuất đe dọa chất lượng cuộc sống của các thế hệ mai sau; nguồn sinh vật biển giảm đi trầm trọng do đánh bắt bằng chất nổ phá hoại san hô, kèm theo nạn đổ chất thải độc hại vào ven biển; thải bừa bãi các chất độc hại của thành phố v.v…; cho thoát các chất phóng xạ giết người gây bao trọng bệnh; hoa mầu bị nhiễm độc do dùng thuốc trừ sâu không hạn chế; dân số phát triển quá nhanh khiến làm cạn kiệt dần nguồn thực phẩm; di dời dân vì mở mang xây dựng như đập thủy điện, làm xa lộ, đường sắt.
Có thể gộp tóm các nguyên cớ trên vào ba nguyên cớ trọng điểm sau đây:
- Dân quá nghèo, nên bụng đói đầu gối phải bò.
- Lòng tham vô đáy của con người, chỉ theo chủ nghĩa sản xuất.
- Không mấy ai ý thức về cuộc khủng hoảng môi sinh trên thế giới.
B. KITÔ HỮU PHẢI NGHĨ VÀ LÀM GÌ VỀ MÔI SINH?
• Thứ nhất: Phải quan niệm đúng về vũ trụ. Trời đất và vạn vật trong đó là một thể thống nhất hài hòa. Con người phải tôn trọng trật tự đó. Thiên Chúa giao vũ trụ cho loài người “thống trị nó” (x.Kn 1,28) bằng quản lý, khai thác, phát triển và làm đẹp, theo sự bảo toàn hệ sinh thái thống nhất hài hòa, ích lợi cho mọi người, chứ không phải được tự ý làm gì tùy thích. Công Đồng Vaticanô II đã nhắc lại sự thật ấy như sau: “Thiên Chúa đã ấn định cho trái đất và mọi cái nó chứa chất nên hữu dụng cho mọi người và mọi dân nước” (GS số 69). Bởi vậy, thật là bất công xã hội khi người ăn không hết, người lần không ra! Thiên Chúa Sáng Tạo mà Kitô hữu tôn thờ là một Thiên Chúa yêu thương, công bằng và có chủ trương giải phóng con người khỏi mọi ràng buộc bất công phi lý. Vì vậy, Kinh Tạ Ơn IV ca lên: “Chúa đã lấy thượng trí và tình thương mà sáng tạo muôn loài. Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Chúa, và giao cho trách nhiệm trông coi vũ trụ, để khi phụng sự một mình Chúa là Đấng Tạo Hóa, con người làm chủ mọi loài thọ sinh” trong hài hòa và cân bằng sinh thái. Điều này xảy ra hằng ngày trong cuộc sống thiên nhiên. Mươi năm trước đây, huyện Quế Sơn tỉnh Quảng Nam đã mất mùa lớn vì nạn chuột nhiều quá phá hết lúa trồng. Hỏi ra thì một nông dân trả lời rất đúng hệ sinh thái mà chính họ không hiểu ra: người ta đua nhau săn bắn hết rắn bán cho Trung Quốc, vì thế chuột phát triển rất nhiều. Cách đây vài tháng, đài THVN cho chiếu phóng sự việc cả ngàn dân tụ tập đào vàng ở vùng cao huyện Trá My, Tiên Phước tỉnh Quảng Nam. Hậy quả cho dân vùng hạ lưu sông ngòi: môi trường sống đã tiêu diệt hết tôm cá, lại còn làm hư đất không trồng trọt được, do nhiều hóa chất của lọc vàng… Cha ông ta đã nói sai một ly đi một dặm là thế. Lũ lụt lớn mấy năm qua, phải chăng không do nạn phá rừng phần nào? Tính cái lợi ngắn hạn và trước mắt, làm mất hết cái lợi sống còn lâu dài của người khác, nơi khác. Con người được quyền “thống trị địa cầu, làm chủ cá biển, chim trời và mọi giống vật” (Kn 1,28), song không phải là Chúa tể tuyệt đối và ích kỷ, độc quyền theo kiểu sống chết mặc bây. Người ta có quyền sử dụng vũ trụ, song không có quyền lạm dụng nó. Phải điều hành nó với trách nhiệm và với tinh thần liên đới với kẻ khác. Thái độ tôn trọng cân bằng hài hòa sinh thái được tỏ rõ trong lệnh Chúa ban bố cho dân xưa: “Trong sáu năm, ngươi sẽ gieo vãi ruộng ngươi, (…) và gặt lấy hoa lợi; nhưng đến năm thứ bảy sẽ có Hưu lễ đại hưu cho đất đai. (…) Ngươi sẽ không gieo (…), không tỉa. Lúa chín ngươi sẽ không gặt, nho không tỉa mà đơm quả, ngươi sẽ không hái; đó là năm hưu lễ cho đất đai”. “Ngươi sẽ tính bảy tuần năm sẽ là bốn mươi chín năm. (…). Các ngươi sẽ thánh hóa năm thứ năm mươi (…) rao (…) ân xá cho toàn thể dân cư. (…) Mỗi người sẽ về lại sản nghiệp của mình (…). Năm ấy, các ngươi sẽ không gieo, không gặt lúa sót mọc lại, và không hái vườn nho bỏ hoang” (Lv 25, 1-12). Cha ông chúng ta thường nói, dù không thể tuyệt đối đúng: Trời sinh voi sinh cỏ. “Hãy xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho, thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng” (Mt 6,26).
• Thứ hai:Kitô hữu hãy học cho biết chiêm ngưỡng, thưởng thức, bảo vệ quang cảnh hùng vĩ, vẻ đẹp của thiên nhiên.Vì thiên nhiên là phản quang sự tốt lành và vẻ đẹp của Thiên Chúa. Sách GLC viết: “Các tạo vật khác nhau phản ảnh mỗi vật một cách, theo bản chất riêng của chúng, một tia sáng của sự khôn ngoan và của sự tốt lành vô cùng của Thiên Chúa. Bởi vậy, người ta phải tôn trọng sự tốt lành riêng biệt của mỗi tạo vật để tránh đừng sử dụng chúng một cách mất trật tự, khinh bỉ Đấng Tạo Hóa” (số 339). Thánh vịnh 19 đã xác nhận:
“Vinh quang Thiên Chúa
Trời thẳm vang lời kể lễ
Và vòm cao xanh thuật lại
Việc của tay Người” (câu 2).
Như vậy, Kitô hữu dấn thân bảo vệ môi sinh lại là một cách biểu lộ lòng kính tin và yêu mến đối với Đấng dựng nên trời đất muôn vật. Trong sứ điệp ngày quốc tế hòa bình năm 1990, Đưc Gioan Phaolô II đã giới thiệu Thánh Phanxicô Assisi như tiêu biểu cho những ai tha thiết với môi trường sống qua bài ca tụng tạo vật thiên nhiên của thánh nhân:
“Lạy Chúa, xin cho Chúa
Được chúc tụng ngợi khen
Nơi mọi loài Chúa đã dựng nên.
Nhất là nơi anh Mặt Trời,
Nhờ Anh, Chúa cho chúng con
Ánh sáng ban ngày. Anh đẹp quá,
Tỏa ra ánh sáng rực rỡ
Và biểu tượng của Chúa, Đấng Tối Cao…
Lạy Chúa, chúc tụng Chúa
Vì chị Nước của con.
Chị rất hữu ích và khiêm nhường,
Chị thật quý hóa và thanh tịnh…
Lạy Chúa, chúc tụng Chúa
Vì chị Đất, mẹ chúng con,
Chị cưu mang và nuôi dưỡng chúng con,
Chị sinh ra đủ các thứ trái cây,
Và muôn hoa sặc sỡ và cỏ xanh…” (x. GLCG số 344).
Nếu có đức tin, du lịch sinh thái hoặc tham quan thắng cảnh quả là cơ hội để gặp Chúa nơi tạo vật thiên nhiên.
• Thứ ba: Bảo vệ môi sinh đã vượt tầm tay của mỗi người, mỗi nước.
Ở chung cư thì mọi người phải quan tâm chăm sóc, bảo vệ nó. Sẽ không thể giải quyết mọi nguyên cớ gây khủng hoảng môi sinh (x.phần A), nếu không có hợp tác quốc tế. Thật đáng mừng, những thao thức môi sinh đã được quốc tế quan tâm qua các hội nghị ở Stockholm và Rio de Janeiro. Phản ứng dữ dội cuả quốc tế chống lại Hoa Kỳ qua tuyên bố của tổng thống G.Bush tuần vừa qua, quyết định rút khỏi cam kết ở Tokyo năm trước về giảm thải khí carbon vào khí quyển, cho thấy rõ lòng Hoa Kỳ chỉ nghĩ “bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ” theo như ông Bush nói. Đang khi đó, Hoa Kỳ là nước thải khí ấy ra tới ¼ của thế giới.
• Thứ bốn: Chiến tranh, đói khổ, phát triển dân số nhanh vẫn là những cơ hội tốt cho việc hủy hoại môi trường sống. Chính vì vậy, Đức Gioan Phaolô đã chọn chủ đề cho ngày quốc tế về Hòa Bình cho năm 1990 là: “La paix avec Dieu Créateur, la Paix avec toute la création” (x. DC 1990 số 1997, tr.9-12).
ĐGM. PHAOLÔ TỊNH NGUYỄN BÌNH TĨNH
NGUỒN : UBMVGIADINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét