SỰ DỮ, MỘT VẤN ĐỀ NAN GIẢI (Phần V)
LTS : Bài viết gồm có 5 phần. Sẽ đăng lần lượt từng phần.
Dẫn nhập &
1. Sự dữ, một vấn nạn lớn.
2. Những nỗ lực hóa giải sự dữ bằng huyền thoại và triết học.
3. Hóa giải sự dữ theo thánh Âu Tinh, thánh I-rê-nê và thánh Thomas.
4. Hóa giải sự dữ dưới lăng kính Kitô giáo.
5. Giải pháp bằng lòng tin và hành động.
2. Bằng hành động
· Kinh thánh Cựu Ước và Tân Ước, Bản dịch của Nguyễn Thế Thuấn
· Vatican II, Hiến Chế vui mừng và hy vọng
· Gioan Phaolô II, Thông điệp Tin mừng về Sự sống
· H. Bergson, Les Deux Souces de la Morale et de la Religion, Alcan, 1932,
· É. Borne, Le Problème du Mal, Paris, Puf 1958
· Đa Minh Thiện Bản, Vấn Đề Đau Khổ, 20 Bùi Chu, Sài Gòn, 1969
· Giuse Đinh Thanh Bình, Lạy Chúa! Tại sao Ngài im lặng? Tủ sách Dân Chúa, 1995
· L. Lavelle, Le Mal et La Souffrance, Paris, Plon, 1940
· Lê Tôn Nghiêm, Socrate, Ca dao
· Daniel Liderbach, Why do we suffer? St. Pauls Philippines, 1994
· Dominique Morin, Gọi tên Thượng Đế, tủ sách chuyên đề
· Nhân văn luận thần học qua các tác giả (dịch theo: Anthropologie), Nguyễn Văn Hòa chuyển ngữ.
· Trần Hữu Phương, Giáo trình "Nhân học và Kitô giáo"
1. Sự dữ, một vấn nạn lớn.
2. Những nỗ lực hóa giải sự dữ bằng huyền thoại và triết học.
3. Hóa giải sự dữ theo thánh Âu Tinh, thánh I-rê-nê và thánh Thomas.
4. Hóa giải sự dữ dưới lăng kính Kitô giáo.
5. Giải pháp bằng lòng tin và hành động.
Phần 5: GIẢI PHÁP BẰNG LÒNG TIN VÀ HÀNH ĐỘNG
Niềm tin và sự liên kết với Con Người của những đau khổ, Đức Kitô Con Thiên Chúa, Đấng đã bị treo trên khổ giá vì tội lỗi chúng ta và để cứu độ chúng ta. Đức Kitô đã không loại trừ đau khổ, thậm chí Ngài đã không muốn mạc khải cho chúng ta trọn vẹn mầu nhiệm này: Ngài đã gánh lấy đau khổ trên mình và như thế cũng đã đủ để chúng ta hiểu được tất cả cái giá của sự đau khổ. Hỡi tất cả các bạn, những người đang cảm thấy sức nặng của thập giá đè trên vai, những người nghèo khổ và bị bỏ rơi, những người đang than khóc, những người bị bách hại vì công lý, những người không ai đếm xỉa tới, những nạn nhân vô danh của sự đau khổ. Hãy can đảm lên: Các bạn là những người được ưu ái của Nước Thiên Chúa, Nước của hy vọng, của hạnh phúc và của sự sống: Các bạn là những người anh em của Đức Kitô đau khổ, và nếu muốn, các bạn sẽ cùng với Ngài cứu vớt thế gian này.[1]
Cũng như bao con người khác, người Kitô hữu đã cần đến những phương thế của nhân loại để giải quyết nguyên nhân hay hậu quả của sự dữ. Tuy nhiên, họ không dừng lại hay nói đúng hơn là đặt tất cả hy vọng của mình nơi những phương thế đó. Trên hết, tất cả mọi hoàn cảnh, người Kitô hữu vẫn đặt hy vọng của mình nơi Thiên Chúa. Chính niềm tin vào Thiên Chúa đã cho con người tin có được can đảm để đón nhận, để đương đầu với sự dữ. Nhờ niềm tin mà họ biết được rằng những gì họ đang phải chịu không phải là điều hoàn toàn vô lý.
Trong lúc gian nguy, người có niềm tin thực sự vào Thiên Chúa sẽ tìm được câu trả lời cho đau khổ của mình. Câu trả lời đó chính là Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên cây thập giá. Khi nhìn lên Chúa Giêsu trên thập giá, trong lúc đau khổ, người tin sẽ biết rằng mình không đơn độc, không bị bỏ rơi. Nếu con người cứ dùng lý trí để tìm hiểu: Thiên Chúa toàn năng tại sao Người không loại trừ sự dữ? Con người sẽ không nhận được câu trả lời thoả đáng cho lý trí của mình về vấn đề sự dữ. Nhưng nếu con người biết rằng Thiên Chúa là tình yêu và nhận ra được tình yêu của Người thể hiện nơi con người, thì một phần nào đó câu trả lời về sự dữ sẽ được thỏa đáng.
Để trả lời cho những thắc mắc của con người về sự dữ, Thiên Chúa đã không đề nghị một triết lý; mặt khác, Người cũng không tỏ ra xa lạ với tội lỗi và các hậu quả của tội. Câu trả lời của Thiên Chúa là “khuôn mặt không còn hình người” của Đấng chịu đóng đinh trên thập giá. Gặp được khuôn mặt này là tìm được câu trả lời cho vấn đề sự dữ. Không có thập giá,Thiên Chúa sẽ ở bên này và ta ở bên kia. Với thập giá, Thiên Chúa đứng về phía những người bị áp bức, bóc lột, những nạn nhân vô tội[2].
Dù thế, con người vẫn không dễ dàng nhận ra tình yêu và chấp nhận câu trả lời này. Câu trả lời mà con người không thể nhận bằng lý trí, nhưng bằng con tim, bằng chính tình yêu. Chỉ có tình yêu mới có thể hiểu được và đáp trả được cho tình yêu.
Thiên Chúa làm tất cả vì yêu thương con người. Ngài tìm đủ cách để nói với con người rằng Ngài yêu thương họ, và cuối cùng, Ngài đã trở thành một con người đến chia sẻ kiếp sống của con người. Ngài đã đồng hành và chia sẻ kiếp sống đau khổ với con người. Và rồi Ngài đã thể hiện tình yêu đó một cách trọn vẹn qua cái chết trên thập giá. Ngài đã chiến thắng sự dữ bằng lòng tin của Ngài vào Thiên Chúa Cha và chứng minh tình yêu của Ngài đối với nhân loại.
Tin là một hành động tự do. Cho nên không một suy tư hay bằng chứng nào có thể mang lại niềm tin cho người khác. Tin là một hành động nhân linh cao quý nhất nơi con người; nó hoàn toàn phù hợp với thân phận của con người, bởi vì bao lâu còn sống là bấy lâu con người còn phải tin tưởng. Do đó, niềm tin vào Thiên Chúa là điều cốt yếu. Chỉ có niềm tin vào Thiên Chúa là tình yêu, con người mới có thể giải quyết được vấn đề sự dữ, vì chỉ một mình Thiên Chúa là kẻ chiến thắng sự dữ.
2. Bằng hành động
Hiện nay, con người tự hào vì đã đạt được những tiến bộ về mọi mặt: kiến thức của con người ngày càng gia tăng, cuộc sống con người ngày càng đầy những tiện nghi. Tuy nhiên, tội ác và sự dữ vẫn còn đó. Mỗi ngày chúng ta bị bao vây bởi không biết bao nhiêu hành động tội ác. Có những tội ác chúng ta chứng kiến được bằng hình ảnh, có những tội ác chúng ta ý thức được. Nhưng còn biết bao hành động tội ác mà vì lương tâm chai lì, chúng ta không nhận ra được. Mỗi ngày có biết bao người rên siết quằn quại trong đau khổ, có biết bao nhân phẩm bị chà đạp, có biết bao thai nhi bị tước đoạt quyền sống. Tội ác vẫn song hành với lịch sử loài người: mỗi trang sử nhân loại đều bị hoen ố bởi tội ác.
Tội ác đã đi vào trong thế gian. Tội ác đã ở ngay trong bản tính con người. Đó là một trong những khẳng định nền tảng của Kitô giáo. Khi nói đến mầu nhiệm của con người. Thiên Chúa đã tỏ cho con người biết phẩm giá cao cả của nó là được Ngài tạo dựng để sống yêu thương và hạnh phúc, nhưng đồng thời cũng nói cho con người biết rằng con người đã phạm tội. Sự kiện tội ác tự nó không phải là một mầu nhiệm. Tội ác là mầu nhiệm, bởi vì con người không hiểu biết tại sao mình phạm tội và hướng về điều xấu. Thánh Phaolô suy tư về tội ác và thốt lên rằng: “điều thiện tôi muốn, tôi không làm, còn điều ác tôi không muốn, tôi lại làm”[3]. Phải chăng đó là kinh nghiệm hàng ngày của chúng ta? Biết bao lần trong cuộc sống, chúng ta phải vật lộn với sức mạnh vô hình trong chúng ta luôn lôi kéo chúng ta về điều ác. Thiên Chúa đã mặc khải cho con người biết con người là ai; Thiên Chúa cũng mặc khải cho con người biết họ đã phạm tội và tội lỗi như một sức mạnh khủng khiếp đã xâm nhập trong con người.
Đứng trước thảm trạng của sự dữ, người Kitô hữu cần nhận biết rằng Thiên Chúa là tình yêu. Người không bất lực trước sự dữ, không vui thú khi con người phải đau khổ, nhưng đã đến, đã sống, đã chia sẻ đau khổ với con người và chia sẻ đến cùng là cái chết thảm thương. Do đó, người Kitô hữu chúng ta có bổn phận góp sức để loại trừ sự dữ, để đem lại niềm vui, sự nâng đỡ đến cho những ai đau khổ. Họ sẽ cùng “vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc” như Thánh Phaolô đã dạy. Do đó, “người Kitô hữu chắc chắn cần phải có bổn phận chiến đấu chống lại sự dữ khi phải trải qua nhiều gian nan cũng như cái chết nữa”[4].
“Con người cũng khám phá ra rằng mình đã hướng về sự dữ và đã ngụp lặn trong muôn vàn sự dữ là những điều không thể xuất phát từ Đấng Tạo Hoá tốt lành của mình. Con người cũng đã phá đổ trật tự phải có để đạt tới cùng đích của mình. Và đồng thời phá vỡ mọi hoà hợp nơi chính bản thân cũng như đối với những người khác và với mọi loài thụ tạo”[5].
Do đó, phương thế chống lại sự dữ của người Kitô hữu không có cách nào khác ngoài chính cách nhận thức theo gương Chúa Giêsu đã sống, đã hành động.
Người Kitô hữu cũng luôn ý thức rằng, bổn phận của họ là xây dựng một cộng đồng nhân loại tình thương, loại trừ những chia rẽ hận thù. Một xã hội công bằng, bác ái, biết chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau trong tình huynh đệ, đó là lý tưởng và bổn phận trách nhiệm của mỗi người Kitô hữu. Hơn nữa, người Kitô hữu phải chống trả với sự dữ bằng hành động yêu thương, tha thứ và đón nhận chứ không chạy trốn nó. Nếu người Kitô hữu sống và hành động theo gương Đức Kitô là yêu và tha thứ thì sự dữ đã bị quyền lực tình yêu khống chế, như thánh Phaolô hoàn toàn xác tín khi nhấn mạnh rằng: “Ai sẽ tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô? Gian nan, khốn khó, bắt bớ, đói khát, trần truồng, hiểm nguy hay gươm giáo ư? Không, nhờ Đấng yêu thương mình, chúng ta thắng được tất cả những điều này”[6]. Bởi thế, cách thế để chiến thắng sự dữ là hãy lớn lên trong tình yêu của Chúa Cha, Đấng đã mạc khải mình cho chúng ta nơi Chúa Giêsu Kitô.
KẾT LUẬN
Đứng trước mầu nhiệm sự dữ, mọi giải đáp của con người đều tỏ ra bất lực. Dù là triết gia hay thần học gia cũng không làm được gì hơn khi đứng trước mầu nhiệm sự dữ. Từ nay con người chỉ biết im lặng, một sự im lặng đáng sợ trước quyền lực sự dữ và không còn một biện minh hay lý giải nào cho sự dữ, vì mọi sự biện minh và lý giải không đem lại một sự thỏa đáng nào cho con người.
Vậy phải chăng con người đành bất lực đứng nhìn trước quyền lực sự dữ hoặc là tìm đủ mọi cách để trốn chạy chúng? Có lẽ một số người thì như vậy, họ cho rằng “tẩu vi là thượng sách”. Nhưng đối với người Kitô hữu, là những người tin vào Thiên Chúa, tin vào quyền năng, tình thương và quan phòng của Ngài, họ không chạy trốn mà luôn đón nhận sự dữ nếu nó xảy tới. Bản thân người Kitô hữu không đẩy lui được sự dữ. Đấng quyền năng ấy là chính Đức Kitô, Ngài chính là trung tâm của niềm tin, là nền tảng cho đời sống của người Kitô hữu. Khi đứng trước sự dữ, người không có đức tin có thể chối bỏ Thiên Chúa, vì họ cho rằng Thiên Chúa ác tâm để cho sự dữ xảy ra gây bao đau khổ cho con người; nhưng đối với người Kitô hữu, họ nhận thấy nơi những biến cố đau khổ của con người có Thiên Chúa đang cùng đồng hành và chia sẻ với họ. Đó là niềm hạnh phúc của người Kitô hữu mà người không có đức tin không có được điều đó.
*********
Tài liệu tham khảo
· Kinh thánh Cựu Ước và Tân Ước, Bản dịch của Nguyễn Thế Thuấn
· Vatican II, Hiến Chế vui mừng và hy vọng
· Gioan Phaolô II, Thông điệp Tin mừng về Sự sống
· H. Bergson, Les Deux Souces de la Morale et de la Religion, Alcan, 1932,
· É. Borne, Le Problème du Mal, Paris, Puf 1958
· Đa Minh Thiện Bản, Vấn Đề Đau Khổ, 20 Bùi Chu, Sài Gòn, 1969
· Giuse Đinh Thanh Bình, Lạy Chúa! Tại sao Ngài im lặng? Tủ sách Dân Chúa, 1995
· L. Lavelle, Le Mal et La Souffrance, Paris, Plon, 1940
· Lê Tôn Nghiêm, Socrate, Ca dao
· Daniel Liderbach, Why do we suffer? St. Pauls Philippines, 1994
· Dominique Morin, Gọi tên Thượng Đế, tủ sách chuyên đề
· Nhân văn luận thần học qua các tác giả (dịch theo: Anthropologie), Nguyễn Văn Hòa chuyển ngữ.
· Trần Hữu Phương, Giáo trình "Nhân học và Kitô giáo"
· Sáng thế luận qua các tác giả, Nguyễn Văn Hòa chuyển ngữ.
· Tại sao Chúa để sự dữ xảy ra ? (VietCatholic News, 15/9/2001).
· Trịnh Ngọc Sương, Những lý thuyết về Sự Ác, bản Rônêô.
· The Twentieth Centuty Encyclopedia of Catholism, “The Problem of Evil” Vol. 20.
· Tại sao Chúa để sự dữ xảy ra ? (VietCatholic News, 15/9/2001).
· Trịnh Ngọc Sương, Những lý thuyết về Sự Ác, bản Rônêô.
· The Twentieth Centuty Encyclopedia of Catholism, “The Problem of Evil” Vol. 20.
--------------
[1] Sứ điệp của Công Đồng Vaticanô II
[2] Trần Hữu Phương. Giáo trình Nhân học Kitô giáo-Quyền lực sự dữ, tr 12-13.
[3] Rm 7,19
[4] Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế Mục vụ, số 22.
[5] Sđd, số 13.
[6] Rm 8, 35-37.
http://tsthdm.blogspot.com/2015/01/su-du-mot-van-e-nan-giai-phan-v.htmla
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét