Trang

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016

Thứ Bảy Tuần VI PS




LI CHÚA MI NGÀY
Thứ Bảy Tuần VI PS
Bài đọc: Acts 18:23-28: Jn 16:23-28.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cùng nhau hoạt động để mang Ơn Cứu Độ cho mọi người.

Con người thường cảm thấy bất an và ghen tị khi thấy người khác nổi tiếng, uy quyền, giàu sang, và được mọi người kính trọng hơn mình. Vì thế, họ tìm cách làm sao để giảm danh giá, uy quyền, và thế lực của người khác bằng nhiều những thủ đoạn khác nhau như: nói xấu, bôi nhọ, và ngay cả hãm hại người khác. Nhưng đối với các tín hữu là những môn đệ của Chúa, họ không được phép làm như thế. Trái lại, Thiên Chúa đòi họ phải cộng tác với nhau, mỗi người một tài năng của Thánh Thần ban, cho việc xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô và cho việc loan báo Tin Mừng.

Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta những mẫu gương về tinh thần đoàn kết và cộng tác trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, khi cộng đoàn Ephesus nhận ra ông Apollo có những tài năng xuất chúng cho việc rao giảng Tin Mừng, họ không ghen tị với ông. Trái lại, họ tìm cách bổ khuyết những gì ông còn thiếu, và tạo mọi cơ hội dễ dàng để ông đem Tin Mừng cho mọi người trong tỉnh Akaia. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu không giữ các môn đệ lại cho mình; nhưng khuyến khích các ông đến với Chúa Cha. Ngài xác tín với các môn đệ là Chúa Cha yêu con người, và sẵn sàng ban mọi điều các ông xin nhân danh Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Các tín hữu cùng cộng tác với nhau trong việc rao giảng và bảo vệ Tin Mừng.

1.1/ Sự xuất hiện của một nhà rao giảng mới, ông Apollo: Trải qua lịch sử của Do-thái cũng như của Giáo Hội, Thiên Chúa không ngừng gởi tới những nhân tài: khôn ngoan, thánh thiện, can đảm, và nhiệt thành, để loan truyền những sứ điệp của Ngài; chẳng hạn, Moses, David, Solomon, Isaiah, Gioan Tẩy Giả, Phêrô và Phaolô. Trong cộng đoàn Ephesus, Thiên Chúa cũng cho xuất hiện một tài năng mới người Do-thái tên là Apollo, quê ở Alexandria, ông là người có tài hùng biện và thông thạo Kinh Thánh.

Alexandria bên Ai-cập và Antioch bên Syria là hai trung tâm nổi tiếng vế triết học và thần học của Giáo Hội trong những thế kỷ đầu tiên. Hai nơi này đã cống hiến cho Giáo Hội rất nhiều các thánh Giáo Phụ xuất chúng và nhiệt tâm bảo vệ Đạo Thánh Chúa. Apollo có những đặc tính của người rao giảng: đã được học Đạo Chúa, có tài hùng biện, và thông thạo Kinh Thánh. Với tâm hồn nồng nhiệt, ông thường lên tiếng giảng dạy chính xác những điều liên quan đến Đức Giêsu. Một điều ông còn thiếu: ông chỉ biết có Phép Rửa của ông Gioan.

1.2/ Rao giảng Tin Mừng là bổn phận của mọi người: Nhận ra tài năng và lòng nhiệt thành của Apollo, những người trong cộng đoàn giúp ông bổ khuyết những gì còn thiếu và tạo cơ hội cho ông đi rao giảng Tin Mừng trong tỉnh Akaia.
(1) Bà Priscilla và ông Aquila giúp cho ông Apollo hiểu Đạo của Thiên Chúa: Sau khi nghe ông mạnh dạn rao giảng trong hội đường, "bà Priscilla và ông Aquila mời ông về nhà để trình bày Đạo của Thiên Chúa cho ông chính xác hơn." Có nhiều điều cho chúng ta học hỏi từ biến cố này:

- Hai ông bà không ghen tị với Apollo, nhưng giúp ông hiểu biết tường tận hơn.

- Apollo không kiêu ngạo cho mình biết hết, nhưng sẵn sàng học hỏi từ người đi trước.

- Những người trong bậc gia đình có thể đóng góp trong việc giáo dục và đào tạo những người rao giảng Tin Mừng tương lai.

- Nữ giới cũng có vai trò trong việc rao giảng Tin Mừng mà không cần phải đòi cho được hưởng quyền lợi như nam giới.
(2) Các anh em trong cộng đòan giúp Apollo có cơ hội rao giảng Tin Mừng tại Akaia: "Khi biết ông Apollo muốn sang miền Akaia, các anh em khuyến khích ông và viết thư xin các môn đệ tiếp đón ông." Người khuyến khích ơn gọi và người tạo cơ hội đều góp phần trong việc rao giảng Tin Mừng. Để có người rao giảng, Thiên Chúa cần sự cộng tác của tất cả mọi người.

Kết quả là cả cộng đoàn cùng được hưởng: "Khi đến nơi, nhờ ơn Chúa, ông Apollo đã giúp ích nhiều cho các tín hữu, vì ông mạnh mẽ và công khai bẻ lại người Do-thái, dẫn Kinh Thánh mà minh chứng rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô."

2/ Phúc Âm: Chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy.

2.1/ Chúa Giêsu khuyến khích các môn đệ đến cùng Chúa Cha:Chúa Giêsu không hoạt động riêng lẻ, nhưng cùng hoạt động với Chúa Cha để sinh lợi ích cho con người. Ví dụ, Chúa Cha tạo cơ hội thuận tiện cho con người đến với Chúa Giêsu để nghe người rao giảng và chữa lành; đối lại, Chúa Giêsu nói cho con người biết về tình yêu Thiên Chúa. Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu chỉ đường cho các môn đệ đến với Chúa Cha: "Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn."

Khi không ích kỷ giữ lại cho mình, nhưng luôn rộng lượng cho đi, hậu quả là cả ba đều được hưởng: Chúa Cha yêu Chúa Giêsu, Chúa Giêsu yêu con người, và con người yêu cả Chúa Cha và Chúa Giêsu.

2.2/ Yêu thương Chúa Cha là yêu thương Chúa Giêsu: Từ chương 1 cho đến hết chương 12 của Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu đã dùng nhiều dụ ngôn giảng dạy cho các môn đệ và dân chúng; nhưng từ chương 13 trở đi, Ngài dành riêng để mặc khải và dạy dỗ các môn đệ. Đó là lý do Chúa Giêsu nói: "Sẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở."

Các môn đệ của Chúa có thể đến trực tiếp với Chúa Cha: "Ngày ấy, anh em sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho anh em. Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến. Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha." Nếu Cha yêu Con, Cha cũng yêu tất cả những ai thuộc về Con (Jn 10:29). Nếu Con yêu Cha, Con sẽ gìn giữ và bảo vệ tất cả những ai Cha đã ban cho Con (Jn 6:37, 39-40).

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Rao giảng Tin Mừng cho mọi người để họ tin yêu Thiên Chúa là bổn phận của mọi người. Vì thế, người góp công, người góp của, chúng ta phải cộng tác với nhau, và làm hết sức cho Nước Chúa ngày càng mở rộng.

- Chức vụ, danh giá, uy quyền, luôn len lỏi khắp nơi trong Giáo Hội, dòng tu, và giáo xứ. Những điều này không những đã làm trì trệ trong việc loan báo Tin Mừng, mà còn làm gương xấu và làm mất đức tin cho người khác, ngay cả cho chính đương sự.

- Chúng ta đã lãnh nhận Tin Mừng cách nhưng không, thì cũng phải cho đi cách nhưng không. Thiên Chúa không cho phép chúng ta lạm dụng Tin Mừng để mưu cầu danh giá, uy quyền, và lợi lộc cho cá nhân mình.

Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét