Trang

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2016

Gdpv : Thế nào là việc đền tội thích đáng?

Giải đáp phụng vụ: Thế nào là việc đền tội thích đáng?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Xin cha cho biết bình luận của cha về việc đền tội thích hợp và thích đáng trong bí tích Hòa giải. Con thường ra việc đền tội cho hối nhân là đọc một số Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng, nhưng đôi khi con cảm thấy như thế là chưa thích đáng cho hối nhân. Một linh mục bạn ra việc đền tội "khó khăn" hơn: thí dụ, đi Đàng Thánh Giá, lần hai hoặc ba chuỗi, đọc vài Thánh vịnh hoặc đọc vài đoạn Kinh Thánh. Nhiều hối nhân của ngài lại đến lần sau, nhưng chưa hoàn thành việc đền tội lần trước, nên khá bối rối. Là một linh mục trẻ, con được hướng dẫn là ra việc đền tội như thế nào, để hối nhân có thể hoàn thành trước khi ra khỏi nhà thờ. Xin cha giúp ý kiến cho con. - H. J., Peabody, Massachusetts, Hoa Kỳ.


Đáp: Trước tiên có lẽ cần nhận định rằng tất cả việc đền tội là không hề tương xứng cho việc đền tội thật sự. Sự nặng của bất cứ tội nào là vượt quá khả năng của chúng ta, để sửa chữa việc chúng ta thiếu lòng yêu mến Chúa. Điều kỳ diệu của việc xưng tội là sự rộng lượng của Thiên Chúa đối với chúng ta trong việc ban cho chúng ta sự hòa giải, và đưa chúng ta trở lại với tình bạn của Ngài.

Giáo Hội tự giới hạn trong việc dạy các linh mục đưa ra việc đền tội thích đáng, tương ứng với tính chất của từng trường hợp. Tập tục áp đặt việc đọc một số kinh như việc đền tội là không có công thức đơn thuần; đúng hơn, chính vì đó là lời cầu nguyện, nó là một dấu hiệu của sự đổi mới của ân sủng trong tâm hồn, vốn làm cho việc cầu nguyện đích thực trở nên có thể được và có công.

Trong việc áp đặt một việc đền tội thích hợp, có một số điều cần được chú ý.

Trước hết, bản chất của tội lỗi phải được coi như là một sự, mà việc đền tội tìm cách khắc phục hậu quả, và các tội trọng hơn cần phải có việc đền tội nặng hơn, để đánh thức lương tâm về sự nghiêm trọng của tội, đặc biệt là nếu chúng lặp đi lặp lại thường xuyên. Tội về bất công, chẳng hạn như ăn cắp hoặc vu khống, cũng phải được khắc phục, thông qua một số hình thức đền trả của cải, hoặc tiếng tốt của người khác.

Tuy nhiên, cũng quan trọng là bản tính của hối nhân, vì không có bản mẫu đền tội tự động tương ứng với một số tội nhất định.

Một linh mục cố gắng hết sức để phán đoán sức nặng tinh thần của hối nhân, trước khi áp đặt việc đền tội thích hợp. Điều này thường trở nên rõ ràng, thông qua cách thức của chính việc xưng tội. Một người có một sự cộng hưởng tinh thần mạnh mẽ, và sự đào tạo Công Giáo vững chắc, có nhiều khả năng được hưởng lợi từ các việc đền tội như đọc Kinh Thánh, đọc Thánh vịnh, hoặc thực hành các việc đạo đức nảo đó.

Khi một người có ít tri thức về đức tin và không quen với một số việc đạo đức như lần chuỗi Mân Côi, Đi Đàng Thánh Giá (Via Crucis), hoặc ăn chay, thì có lẽ tốt hơn không nên áp đặt các việc đền tội như vậy, vì chúng có thể dẫn đến sự thất vọng.

Quy tắc rằng, việc đền tội nên được hoàn thành trước khi hối nhân rời khỏi nhà thờ, nên được áp dụng trước tiên cho tầng lớp này của hối nhân. Nếu linh mục nghĩ rằng việc đền tội với vài Kinh Lạy Cha và vài Kinh Kính Mừng là chưa thích đáng trong các trường hợp đặc biệt, ngài có thể áp đặt một việc đền tội có thể thực hiện được, nhưng ít chính thức hơn. Thí dụ, ngài bảo hối nhân làm việc đền tội bằng cách viếng Thánh Thể, hoặc đến một bàn thờ Đức Mẹ, cầu nguyện trong một thời lượng nào đó, và trong bầu khí thân tình này, hãy tạ ơn về sự tha thứ đã nhận được, và cầu xin sự trợ giúp vượt thắng một lỗi đặc biệt.

Hình thức cuối cùng này của việc đền tội thường là rất hữu ích cho các linh hồn, vốn đã lâu chưa xưng tội, và đã được tác động bởi một ơn đặc biệt, để đên với bí tích Hòa giải.

Đôi khi chính việc đền tội có thể là một nguồn hoán cải. Có một giai thoại cũ của một linh mục, khi ngài nghe lóm chuyện một nhóm thanh niên đánh cược với nhau, mà ai thua thì phải đi xưng tội. Biết chuyện này, linh mục liền ngồi tòa giải tội, và khi một thanh niên vào xưng tội, ngài ra việc đền tội là hối nhân phải đi trước cây thánh giá lớn của nhà thờ, và nói 20 lần: "Chúa đã làm việc này cho con, và con không thể chăm sóc ít hơn". Lúc đầu, thanh niên này nhắc lại lời một cách thờ ơ, sau đó nói chậm hơn và cuối cùng đã khóc nhiều. Đối với người thanh niên, lần xưng tội này là sự khởi đầu của một cuộc hành trình hoán cải, vốn sẽ dẫn mình trở thành Tổng Giám mục Paris sau này.

Sau khi trả lời như trên đây, tôi xin giải quyết tiếp một vài câu hỏi liên quan.

Một bạn đọc ở Oregon hỏi: "Lần trước con đi xưng tội, cha giải tội cố ý không đưa ra việc đền tội cho con. Liệu điều này có ảnh hưởng gì đến bí tích không, thưa cha?”.

Từ cái nhìn của hối nhân, tôi tin rằng không có hậu quả tiêu cực nào ở đây. Để cho bí tích thành sự, hối nhân phải chấp nhận sự đền tội, nghĩa là, người ấy không được từ chối chấp nhận nó, hoặc công khai hoặc trong lòng. Bởi vì ước muốn này hiện diện, mặc dù thực tế là linh mục đã không đưa ra việc đền tội, do đó người ấy đã hợp lệ hòa giải với Thiên Chúa.

Tuy nhiên, linh mục trong trường hợp này đã không hành động tốt. Là người đại diện của Chúa Kitô và Giáo Hội, và hoàn toàn tôn trọng quyền của tín hữu để lãnh nhận các bí tích, ngài phải tuân giữ các bước cách cẩn thận, vốn được đòi hỏi cho việc việc giải tội tốt.

Các bổn phận này bao gồm, sự ra việc đền tội (thậm chí một sự đền tội nhẹ), vì sự chấp nhận đền tội tạo thành một trong ba hành vi của hối nhân, vốn làm nên chất thể của bí tích Hòa giải: ăn năn tội, xưng tội, và đền tội.

Một bạn đọc ở New York hỏi: "Gần đây con đọc, trong một loạt bài về bí tích Hòa giải, rằng việc đền tội mà người ta nhận, chẳng hạn ba Kinh Kính Mừng, tha hình phạt tạm được phát sinh bởi các tội đã xưng. Con đã không bao giờ nghe nói về điều này trước đây. Thưa cha, điểu này là đúng không?”.

Điều này cũng là mới đối với tôi. Trong khi việc đền tội, giống như bất kỳ sự cầu nguyện nào, sẽ chắc chắn có một số tác dụng trong việc cân bằng tác động của tội lỗi chúng ta, tôi nghi ngờ rằng người ta có thể cho rằng việc đền tội hoàn toàn loại bỏ tất cả các hình phạt tạm do tội lỗi đã xưng.

Nếu giả thuyết này là đúng, một hệ quả có thể là làm cho vô dụng học thuyết và sự thực hành của Giáo Hội liên quan đến việc sử dụng ân xá. Trong kịch bản này, việc xưng tội sẽ có được hiệu quả, là nó được tìm kiếm để thực hiện sự thực hành có ân xá.

Bởi vì giáo huấn Giáo Hội không hủy bỏ điều này điều khác, nhưng kết nối chúng trong một tổng thể hài hòa, tôi tin rằng lý thuyết được đề cập bởi độc giả trên là không tương hợp với học thuyết chân chính. (Zenit.org 2-9-2008, 17-9-2008)

Nguyễn Trọng Đa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét