Trang

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2016

Lòng thương xót, yếu tính của Tin Mừng và chìa khóa dẫn vào đời sống Kitô hữu (27)

Lòng thương xót, yếu tính của Tin Mừng và chìa khóa dẫn vào đời sống Kitô hữu (27)


 
Tác giả: 
 Vũ Văn An

VIII. Hướng về nền văn hóa thương xót

1. Tầm cỡ và tham số của nhà nước an sinh xã hội hiện đại

Chúa Giêsu sai các môn đệ của Người và Giáo Hội vào thế gian. Thành thử, với sứ điệp thương xót của mình, Giáo Hội không thể giới hạn các hoạt động của mình vào lãnh vực cá thể, bản thân hay lãnh vực bên trong Giáo Hội mà thôi. Có thể nói, Giáo Hội không thể thu mình ở phòng mặc áo lễ. Giáo Hội phải là men bột, là muối, là ánh sáng thế gian (xem Mt 5:13tt; 13:33) và phải dấn thân nhân danh thế giới. Tuy nhiên, Giáo Hội không có năng quyền chuyên biệt nào đối với các vấn đề kỹ thuật trong các chính sách kinh tế hay xã hội. Vì các vấn đề liên quan tới trật tự kinh tế và xã hội có sự độc lập chính đáng và thực sự có nền tảng. Không phải các nhà thần học, mà là các giáo dân có khả năng mới có trách nhiệm chính đối với các vấn đề này (1).

Dĩ nhiên, sẽ là điều hoàn toàn sai lầm khi nghĩ rằng trật tự kinh tế và xã hội chỉ xử lý các vấn đề kỹ thuật thuộc sự kiện mà thôi. Nó xử lý con người cũng như kế sách và văn hóa sự sống nhân bản, sự hiện hữu có tính cộng đoàn, và, trong nhiều trường hợp, cả sự sinh tồn của con người nữa. Cơm bánh là điều tuyệt đối cần thiết cho sự sống, nhưng con người nhân bản không phải chỉ sống nhờ cơm bánh mà thôi. Họ hơn điều họ ăn nhiều. Họ cần sự chăm sóc có tính nhân bản và cần người khác xử sự với họ ít nhất cũng bằng một chút lòng thương xót. Do đó, việc kinh tế hóa đương thịnh hiện nay đối với lãnh vực xã hội đang làm giảm và thậm chí “cắt cụt” con người nhân bản. Khi xẩy ra điều này, xã hội sẽ đánh mất linh hồn của nó và trở thành một hệ thống vô hồn.

Bởi thế, cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chánh hiện nay, xét cho cùng, là một cuộc khủng hoảng nhân học và tâm linh. Người ta lo lắng về giá mua sự vật và tự hỏi không biết đồng tiền có giá trị gì không, mà quên hỏi điều gì mới có giá trị và mới xứng đáng với con người và xã hội nhân bản. Muốn không để cho câu hỏi điều gì có giá điều gì đem lại sự sống cho con người nhân bản không bị lãng quên, Giáo Hội phải có tiếng nói trong những vấn đề đạo đức nền tảng liên quan tới kinh tế và xã hội; Giáo Hội phải được can dự vào đó, không phải vì mình hay vì tư lợi, mà chỉ vì lợi ích người ta và vì tình nhân ái xã hội (2).

Vấn đề công lý là điều chủ yếu đối với trật tự xã hội đích thực. Theo định nghĩa cổ điển của Cicero, công lý hệ ở việc dành cho mỗi người những gì vốn là của họ (suum cuique) (3). Ngay từ đầu, Thánh Augustinô cũng đã nhấn mạnh tới ý nghĩa nền tảng của công lý đối với hệ thống chính trị.

“Nếu để công lý qua một bên, thì còn gì là các vương quốc nếu không phải là những bọn cướp? Vì các bọn cướp là chi nếu không phải là các vương quốc nho nhỏ. Chính bọn cướp cũng bao gồm nhiều người, được thống trị bởi thẩm quyền một tên đầu đảng, được nối kết với nhau bằng một thỏa ước liên minh, và chia chác chiến lợi phẩm tùy theo thỏa thuận cứng rắn giữa chúng với nhau” (4).

Trên nguyên tắc, trong khi có sự nhất trí hết sức rộng rãi liên quan tới ý nghĩa của công lý đối với việc trật tự hóa xã hội cách thích đáng, thì nhiều người vẫn còn nêu lên nhiều luận bác về ý nghĩa của thương xót. Họ lý luận rằng thương xót chắc chắn là một nhân đức Kitô Giáo nền tảng nhưng nó không có chỗ đứng trong kế sách của xã hội thế tục. Họ cho rằng thương xót phá hoại cam kết đối với chính nghĩa công lý và, qua việc bố thí, nó chỉ dùng để khoét nhiều lỗ hổng trong mạng lưới xã hội, chứ không hề lên khuôn lại hệ thống để nó trở nên công chính hơn. Qua các trợ giúp tự phát đó đây, thương xót bị tố cáo là che đậy các bất công của hệ thống xã hội, thay vì thay đổi triệt để hệ thống ấy (5). Ngay Mẹ Têrêxa Thành Calcutta và việc Mẹ bênh vực một cách gương mẫu cho những người nghèo nhất trong số người nghèo, cũng không tránh được lời chỉ trích này.

Từ một viễn ảnh khác hẳn, Adam Smith, ông tổ của lý thuyết kinh tế tự do, cũng đã tiến tới một chỉ trích tương tự. Để vượt qua các vấn đề xã hội thời ông, Smith đã không muốn dựa vào tình yêu người lân cận và lòng nhân thương xót, mà muốn sử dụng tư lợi, hay đúng hơn, việc theo đuổi lợi nhuận. Ông xây dựng lý thuyết của mình không trên lòng vị tha, mà đúng hơn, trên lòng vị kỷ và ông tin tưởng rằng “bàn tay vô hình” của thị trường sẽ mang lại trật tự xã hội (6). Như cảnh khốn cùng của chủ nghĩa tư bản thoạt đầu đã chứng minh, đây chỉ là môt giả thuyết ngây thơ.

Marx trút hết sự chế giễu của ông lên sự hòa hợp tiền chế này. Thực vậy, hệ thống tư bản thoạt đầu đầy tàn bạo của thế kỷ 19 quả không hề dẫn tới một trật trự xã hội nào, mà dẫn tới cảnh khốn cùng không thể nào tả xiết nơi các công nhân kỹ nghệ. Trong khi các giả thuyết duy lạc quan của Adam Smith diễn khởi từ một hình ảnh nhân loại hoàn toàn cá nhân chủ nghĩa, đúng hơn, hoàn toàn vị kỷ, thì Marx và chủ nghĩa Marx diễn khởi từ một hình ảnh nhân loại cũng một chiều không kém và có tính duy tập thể, một hình ảnh không hề nhìn nhận phẩm giá bất khả nhượng của mọi hữu thể nhân bản và, trong thực hành, đã chà đạp nó dưới chân, vi phạm nó một cách không thương xót. Cảm thương và thương xót bị quăng ra bên đường.

Hai chủ nghĩa duy tự do và Mácxít diễn khởi từ những khởi điểm khác nhau; nhưng chúng đều khởi đi từ một hình ảnh một chiều và sai lạc về nhân loại. Và do đó, chúng đã làm cho quần chúng trở thành nghèo nàn do việc phát triển kỹ nghệ của thế kỷ 19. Vì thế, ý tưởng nhà nước an sinh xã hội hiện đại đã xuất hiện như một phản phát triển thuộc một loại khác hẳn. Ngược với việc chăm sóc người nghèo đã được Giáo Hội khai triển trong các thế kỷ đầu tiên, nhà nước an sinh xã hội hiện đại không chỉ quan tâm đến việc trợ giúp hay giảm thiểu nghèo đói và túng thiếu trong các trường hợp cá thể, mà còn quan tâm đến việc loại trừ cảnh nghèo tập thể nữa, được coi như một hiện trạng hết sức tồi tệ về phương diện xã hội (7). Trách vụ bảo đảm điều đúng và điều chính đáng cho mọi người và xây dựng một trật tự công chính cho toàn bộ cơ chế chính trị không phải là một việc có thể đạt được chỉ dựa vào cá nhân; nó đòi các chính sách có tính qui chế của chính phủ. Bởi thế, ý tưởng căn bản về nền kinh tế xã hội thị trường là nhà nước thiết lập ra các tham số giúp cho nền kinh tế thị trường tự do trở thành khả hữu (8). Các tham số này giả thiết phải đem lại cho mọi người cơ hội để họ tự lập lên khuôn đời họ một cách tôn trọng nhân phẩm và cơ hội tham gia vào việc phát triển xã hội. Hơn nữa, các tham số này còn giả thiết phải lót nệm chống lại các đe dọa đối với đời sống (tuổi già, bệnh tật, thất nghiệp, tai nạn), nhờ thế nói lên một thứ liên đới được định chế hóa.

Ý tưởng kinh tế thị trường xã hội tự chứng minh cho nó. Trên nguyên tắc, nó phù hợp với các điều lệ, vốn đã có trong Sách Thánh, nhằm qui định việc sắp xếp đời sống của xã hội, tức, phẩm giá của mỗi cá nhân, sứ mệnh làm việc và lên khuôn thế giới, công lý, và bảo vệ tài sản, mà còn cả các nghĩa vụ xã hội vốn từ đó phát sinh (9). Như thế, ý tưởng này nói lên một tiến bộ trong chủ nghĩa nhân đạo, một chủ nghĩa, cả trong viễn ảnh Kitô Giáo, cũng cần phải được duy trì và khai triển thêm để đáp ứng với các hoàn cảnh đang thay đổi.

Tuy nhiên, cùng một lúc, điều rõ ràng là ý tưởng nhà nước an sinh xã hội hiện đại cũng gặp những hạn chế của nó vì nhiều lý lẽ và nhiều cách khác nhau; do đó, nó cần được khai triển thêm (10). Cũng như trong quá khứ, người ta không thể lấy tỷ lệ phát triển kinh tế gia tăng đều đặn làm khởi điểm cho việc tài trợ hệ thống an sinh. Mối tương quan có tính số học giữa khu vực sản xuất và khu vực được nó nâng đỡ đã thay đổi một cách đáng kể vì các thay đổi dân số học và tuổi thọ trung bình lớn hơn. Các phát triển kỹ thuật vì xử lý, nhiều cách khác nhau, bằng máy móc và điện tử, những việc trước đây vốn được làm bằng tay, nên đã làm mất đi nhiều chỗ làm và do đó tạo ra nạn thất nghiệp. Điều này cho thấy không những một vấn đề vật chất mà cả một vấn đề nhân bản toàn diện nữa, gây ảnh hưởng tới cảm quan tự trọng bản thân, nhất là đối với giới trẻ và những người thất nghiệp lâu dài. Nó có thể trở thành một thùng thuốc nổ xã hội.

Vấn đề có thực sẽ xuất hiện từ các diễn trình hoàn cầu hóa hiện nay về kinh tế và tài chánh. Các diễn trình này sẽ dẫn tới tình thế trong đó, các nền kinh tế quốc gia càng ngày càng kém độc lập đi và kết cục sẽ là một hệ thống lệ thuộc hoàn cầu. Trước việc hoàn cầu hóa kinh tế này, ngày giờ của các nhà nước an sinh xã hội tự chủ, vốn miễn nhiễm đối với các ảnh hưởng bên ngoài, sẽ cáo chung (11). Vì hầu như không có các hệ thống kiểm soát hoàn cầu, kiểu nhà nước, hoặc chỉ có những hệ thống yếu ớt, nên phần lớn ảnh hưởng sẽ nghiêng về lợi ích của trò chơi thị trường, thông thường vốn tự do, không bị kiềm chế, cụ thể là lợi ích của tư bản; đối với lợi ích này, chỉ các dữ kiện thuần kinh tế, chứ không phải các giá trị nhân bản hoặc những gì có giá trị nhân bản, là đáng kể. Do đó, đối với thị trường tư bản, điều đáng kể nhất là lợi nhuận và tỷ lệ lời lãi. Kết quả là số phận cá thể của nhiều con người nhân bản và thậm chí, số phận của toàn bộ nhiều dân tộc, sẽ lâm nguy. Đại đa số người ta ít nhiều trở thành bất lực khi bị phó mặc cho các lực lượng bốc đồng này và các đe dọa kèm theo đối với cuộc sống của họ.

Ngoài ra, hố phân cách giữa các nước giầu ở Phương Bắc và các nước nghèo ở Phương Nam sẽ gia tăng. Hố phân cách cũng sẽ gia tăng giữa các vùng thịnh vượng (ở Phương Nam) nơi các cá nhân được sống dư dật, và các vùng khốn khổ, nơi nhiều người, đặc biệt các trẻ em, chết vì đói. Sự phân chia của cải cực kỳ bất công trên thế giới đã dẫn tới áp lực phải di cư hàng loạt, tạo gánh nặng cho hệ thống kinh tế và xã hội của các nước đã phát triển về kinh tế và xã hội, và hơn nữa còn có thể đẩy họ vào khủng hoảng. Cho tới nay, mọi cố gắng nhằm vượt qua tình huống cực kỳ bất công này và đạt được một trật tự kinh tế thế giới tương đối công chính chỉ thu lượm được rất ít tiến bộ. Điều chúng ta cần là một nền kinh tế thị trường có tính hoàn cầu, nhưng việc này trước nhất giả thiết phải có một hình thức cai trị hoàn cầu (12), một hình thức mà nếu xét một cách thực tiễn, chỉ có thể đạt được bằng các thoả hiệp liên chính phủ. Bất hạnh thay, các thoả hiệp này khó có thể thực hiện được.

Mặt khác, trong nhiều thập niên qua, tác phong tiêu thụ và các đòi hỏi của người tiêu thụ đã gia tăng. Do đó, các đòi hỏi đối với hệ thống xã hội cũng gia tăng đến nỗi, trong nhiều trường hợp, hệ thống này không còn được bảo bọc bởi sức mạnh kinh tế và thu nhập thuế khóa nữa. Ta đã đánh mất mức cân đo đúng đắn, ta đã và đang sống quá các phương tiện của mình và do đó, đã đem hệ thống xã hội của ta tới chỗ mất cân bằng. Nhiều quốc gia đang mang nợ khiến họ trở thành chúa chổm và sa vào cuộc khủng hoảng tài chánh hiện nay. Do đó, hiện đang có cảnh nghèo mới, không những cho các cá nhân, mà còn cho cả các quốc gia và cộng đồng nữa, những quốc gia và cộng đồng hết còn khả năng tự tài trợ mình và cung cấp các dịch vụ xã hội cần thiết. Cuộc khủng hoảng nợ nần có thể gây lâm nguy cho hệ thống kinh tế và xã hội như một toàn thể. Trong nhiều trường hợp, cuộc khủng hoảng này khiến những khoản cắt bỏ trong các dịch vụ xã hội của nhà nước trở nên cần thiết. Việc tái cơ cấu hoặc bãi bỏ hệ thống an sinh nhà nước lúc đó có thể dẫn tới nhiều vấn đề xã hội mới. Mặt khác, nợ nần thái quá dẫn tới những khoản tiền lời nặng nề mà thế hệ hiện nay không thể trả được hay không muốn trả, đành phải để nó chồng chất lên các thế hệ sắp đến. Vì thế, có vấn đề công lý giữa các thế hệ với nhau.

Tất cả các điều trên, dĩ nhiên, khiến nhiều công dân lo âu sợ hãi. Họ thấy ý tưởng nhà nước an sinh xã hội bị thách thức trở lại vì việc hoàn cầu hóa và các khuynh hướng tân tư bản chủ nghĩa đã xuất hiện khiến nhiều cá nhân trở nên giầu có do tham lam trâng tráo, gây hại đến nhiều người khác. Trong tình huống này, giáo huấn xã hội của Giáo Hội cũng đang bị thách thức một cách mới mẻ. Câu hỏi đặt ra là: trong tình huống này, các Kitô hữu có thể làm gì đối với một xã hội có óc xã hội và biết thương xót? Giáo huấn xã hội của Giáo Hội có thể và nên khai triển thêm ra sao? Trong tình huống này, lòng thương xót của Kitô Giáo có thể thu lượm được một ý nghĩa mới nào không, vuợt quá vấn đề công lý nền tảng?

Kỳ sau: 2. Sự liên tục trong giáo huấn xã hội của Giáo Hội
___________________________________________________________________
(1) Xem Lumen Gentium, 36tt; Gaudium et Spes, 36, 42, 56, 76; Apostolicam Actuositatem, 7.
(2) Xem Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, do Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, phát hành. Xem một số trình bầy có tính cổ điển: Oswald von Nell-Breuning, Gerechtigkeit und Freiheit: Grundzüge katholischer Soziallehre (Vienna: Europaverlag, 1980); Joseph Hӧffner,Christian Social Teaching, bản dịch của Stephen Wentworth và Grerard Finan Arndt (Cologne: Ordo Socialis, 1996). Các trình bầy gần đây theo quan điểm nhân học: W. Korff, “Sozialethik”,Lexikon für Theologie und Kirche, ấn bản 3, do Walter Kasper và nhiều người khác hiệu đính (Freiburg: Herder, 1993-2001), 9:767-77; Reinhard Marx, Das Kapital: Ein Plädoyer für den Menschen (Munich: Pattloch, 2008).
(3) Cicero, De legibus, 1,6,19. Xem Thánh Tôma Aquinô, Summa Thelogiae, pt. II/II, q. 58 a. 1. Về một loạt các vấn đề liên quan tới ý niệm công lý, xin xem ghi chú 42 bên dưới.
(4) Thánh Augustinô, Kinh Thành Thiên Chúa, IV, 4.
(5) Về điểm này, xem G. Wingen, “Barmherzigkeit IV”, Theoliogische Realenzyklopädie, do Gerard Müller, Horst Balz, và Gerhard Krause hiệu đính (Berlin: Walter de Gruyter, 1977-2007), 5:233-38.
(6) Xem Marx, Das Kapital, 72tt.
(7) Franz-Xaver Kaufmann, Herausforderungen des Sozialstaates (Frankfurt a. M.: Suhrkamp, 1997); Kaufmann, Varianten des Wohlfahrtsstaates: Der deutsche Sozialstaat im internationalen Vergleich (Frankfurt a. M.: Suhrkamp, 2003); Kaufmann, Sozialpolitik und Sozialstaat: Soziologische Analysen (Wiesbaden: Verlag füsozialwissenschaften, 2005).
(8) Các lý thuyết gia có thế giá: W. Eucken, W. Rӧpke, A. Rüstow, A. Müller-Armack, L. Erhard, và nhiều người khác. Xem A. Anzenbacher, “Soziale Marktwirtschaft”, Lexikon für Theologie und Kirche, ấn bản 3, 9:759-61.
(9). Xem Chương III, 6.
(10) Jürgen Habermas, “Die Krise des Wohlfahrtsstaates und die Erschӧpfung utopischer Energien”, trong Zeitdiagnosen: Zwӧlf Essays (Frankfurt a.M.: Suhrkamp, 2003), 27-49; cả bài “Glaunen und Wissen” trong cùng tác phẩm, 249-62; Wolfgang Ockenfels, Was kommt nach dem Kapitalismus? (Augsburg: Bay Sankt Ulrich, 2011).
(11)Marx, Das Kapital, 16tt.
(12) Đòi hỏi bị tranh cãi và quả tình không thực tiễn này đã được Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình nêu ra trong tài liệu của nó, “Hướng tới việc Cải Tổ Các Hệ Thống Tài Chánh và Tiền Tệ trong Bối Cảnh Thẩm Quyền Công Cộng Hoàn Cầu” (2011).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét