Trang

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016

Ôn cố tri tân – hội ngộ văn hóa đông tây

Ôn cố tri tân – hội ngộ văn hóa đông tây

Lm. Giuse  Vũ Kim Chính, S.J.
Văn hóa hàm chứa hai yếu tố chính là “văn trị” và “giáo hóa”, nên được gọi là văn hóa. Văn trị là kho tàng khôn ngoan tinh túy mà tiền nhân tích lũy qua bao thế hệ để lại cho con cháu hưởng. Nhưng thành độ giáo hóa mỗi thời là mức phẩm định sức sống động của văn trị. Bởi đó, một nền văn hóa sẽ mai một dần, nếu nó không được truyền giao trung thực và phát huy hữu hiệu. Mặt khác, một nền văn hóa tuy được truyền đạt, nhưng bao lâu chưa giúp con người sống theo nhân bản, thì tự nó chưa được hoàn hảo và cần được thăng hoa. Mỗi bước tiến triển văn hóa đều được đánh dấu bằng cơn khủng hoảng nào đó. Bởi vậy, nguy cơ và cơ hội là một hiện tượng văn hóa mang hai ý nghĩa giá trị.
Ôn cố nhi tri tân (khả dĩ vi sư hĩ)” là lời nhắn nhủ của Khổng Tử (trong Luận Ngữ, chương Vi Chính) rất có thể giúp chúng ta hóa giải cơn khủng hoảng, chuyển “nguy cơ” thành “cơ hội”, nhưng mấy ai đã hiểu thấu lời tâm huyết đó?
Thực vậy, bao thế hệ nho sĩ miệt mài học từ chương từng pho kinh điển, nhưng họ chỉ “ôn cố” mà không nghĩ tới “tri tân”, nên khi phải đối diện với vấn đề thời đại, nhất là sự thách đố của một nền văn hóa khác, họ đã không ngần ngại “bế quan tỏa cảng”, hay sống lạc lõng giữa dòng đời mới với những giấc mộng “hoài cổ” như một loại thuốc an thần thường xuyên. Một tình trạng văn hóa vong thân khác là những người tự mệnh danh là “cầu tiến”, chỉ mãi miết chạy theo cơn lốc văn minh kỹ thuật làm chóa mắt họ, như những con thiêu thân. Họ tưởng rằng mình “tri tân”, nhưng thực ra vì mất gốc nhân bản, nên dễ trở thành vật hy sinh của một nền văn hóa vong thân của chủ nghĩa duy vật cơ giới.
Có lẽ bài học “Ôn cố nhi tri tân” của Khổng Tử sẽ giúp chúng ta định đúng hướng đi của văn hóa Việt Nam hiện tại chăng? Khổng Tử sinh vào thời Chiến Quốc Xuân Thu, ông đau lòng nhìn thấy hiện trạng văn hóa bại hoại làm đảo lộn luân thường đạo lý. Bởi thế, ông đã nỗ lực tìm hiểu nền văn hóa nhân bản của tiền nhân Nghiêu Thuấn, Văn Vũ và phát hiện giá trị cổ truyền được cô đọng trong chữ “Lễ”. Ðồng thời ông đã suy tư và đề xướng một quan niệm mới, “Nhân” như một thích ứng cần thiết và viên mãn hóa tinh thần “Lễ Nghĩa” cho hợp thời Xuân Thu. Như vậy ông thực sự đã “dĩ thân tác trắc” sống đúng ngôn hành “ôn cố nhi tri tân” vậy.
Văn hóa sống động và phát triển, không những chỉ lệ thuộc vào hai vế “ôn cố” và “tri tân”, nhưng quan trọng hơn cả là thông hiểu và thực thi chữ “nhi”. Nhi ở đây có nghĩa là “đồng thời”, nhưng cũng có nghĩa là “tiến bộ”. Vì thế J. Legge đã dịch “nhi” là “continually developing”, một động thái liên tiếp. Trong bài này, chúng ta thử hỏi, làm sao chúng ta tuy sống trong một quan điểm đặc thù, nhưng học được lòng bao dung và “cầu tiến” để kết hợp những khía cạnh tinh anh khác nhau, cũng như bảo tồn được tâm hồn “Việt”, để vượt qua những cản trở hầu thăng hoa mình đón nhận những tinh hoa nhân bản mà chúng ta đụng chạm thường ngày khác? Ðược như thế, người Việt Nam dù sống rải rác trong “Thôn trang thế giới” vẫn giữ được “Việt tính” của nhà mình.
Hội ngộ văn hóa Ðông Tây
Từ ngẫu hợp qua tương khắc tới tương phùng

Hội ngộ văn hóa Ðông Tây là một đề tài hấp dẫn nhưng đa diện và phức tạp. Trong bài tiểu luận này tác giả chỉ giới hạn trong phạm vi văn hóa Tây phương và văn hóa Trung Hoa. Có một lịch sử kéo dài hơn mười thế kỷ, cuộc hội ngộ này là một bài học quí giá cho những người quan tâm tới việc gặp gỡ và hỗ tương giữa các văn hóa, nhất là những nền văn hóa hoàn toàn khác biệt nhau. Mặt khác, bài học này cũng lưu dấu tiến trình con người dần dần khám phá ra giá trị tương trợ của mọi nền văn hóa hầu khẳng định nhân bản là nền tảng và giao điểm của các quan niệm về giá trị.
Tuy các cuộc tiếp xúc giữa hai nền văn hóa Trung Hoa và Tây phương diễn ra cách tiệm tiến, vì thế khó xác định được mốc thời gian, nhưng đại để có thể chia thành ba giai đoạn, cũng có thể coi là ba trạng thái của một cuộc gặp gỡ theo chiều hướng biện chúng Hegel, đó là: sơ ngộ, khắc ngộ và tương ngộ.
1. Sơ ngộ giữa văn hóa Tây Phương và Trung Hoa
Sơ ngộ là cuộc dò dẫm, ngẫu nhiên phát giác hơn là có một sự tính toán rõ ràng. Trong giai đoạn này, đại biểu của văn hóa Tây Phương thường là các nhà truyền giáo hay thương gia. Họ đã trèo non lội suối hay vượt trùng dương, để bên cạnh các hoạt động truyền giáo hay buôn bán, cũng đã khám phá ra văn hóa cổ kính Trung Hoa mở đường cho công cuộc giao duyên và hội ngộ giữa hai nền văn hóa Ðông Tây đầy thăng trầm sau này.
Cuối thế kỷ thứ năm, Kitô giáo ở Tây Phương kết thúc cuộc tranh chấp gay go về tín lý, cũng là lúc mà các giáo phái dị đoan bị kết án. trong số đó phải kể tới giáo phái Nestorian. Giáo phái này vì thế không thể bành trướng ở Tây Phương được, họ đã hướng về Ðông Phương để phát triển. Theo gót các thương gia hay chính họ cũng đội lốt thương gia, các tín đồ giáo phái Nestorian đã len lỏi tới Ấn Ðộ, xuyên qua Ðông Phương, Java, Tibet và cuối cùng đã đặt chân tới Trung Hoa năm 578. Theo sử liệu Trung Quốc, giáo sĩ Alopen đã tới Tràng An (bây giờ là Tây An) và đã tiếp kiến hoàng đế Ðại Tông nhà Ðường. Căn cứ vào các tài liệu mà các nhà khảo cổ đã tìm thấy trong động Ðôn Hoàng, thì các tác phẩm của giáo phái Nestorian về Ðấng Cứu Thế (Messia) đã được dịch sang Hán Văn. Ở đây cũng phải kể tới những áng thơ đặc thù của Dương Luyện và nhất là bia đá nổi tiếng được dựng lên vào năm 781, khắc giáo lý của Kitô giáo bằng tiếng Syria và Hán văn ở Tây An. Một đặc điểm đáng lưu ý là: Mặc dầu giáo phái Nestorian vẫn giữ “Thánh Giá Vinh Thắng”, Thánh Giá có hào quang nhưng không có tượng Ðức Kitô, làm dấu hiệu đặc thù của niềm tin Kitô của mình, nhưng họ đã hòa đồng với đặc trưng Hoa Sen của Phật Giáo. Vì lý do này, chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy Thánh Giá được diễn tả qua hình ảnh được mọc lên từ lòng Hoa Sen. Vào cuối thế kỷ thứ bảy, khi Phật Giáo tại Trung Hoa bị bách hại, họ cũng chịu chung số phận với các Phật tử.
Cuộc sơ ngộ thứ hai vào thế kỷ thứ bảy do giáo phái Manichean theo “đường buôn lụa” tới Trung Hoa. Họ được mệnh danh là “tôn giáo của Quang Minh”. Theo chiếu chỉ của hoàng đế thời đó, một “giáo chủ” của phái này đã biên soạn một quyển sách mang tựa đề là “Ý nghĩa của Phật giáo Quang Minh”. Sách giáo lý này đã kết hợp những tư tưởng Kitô giáo, Phật giáo và Nho giáo. Về đạo lý đã thế, về cách tu thân, dinh dưỡng, họ cũng sống chay tịnh như các Phật tử thành tín. Sau này giáo phái Manichean đã thật sự hòa đồng với Phật giáo biến thành “Bạch Sen Giáo”. Ở Trung Hoa, giáo phái này đã đóng một vai trò quan trọng trong những cuộc phản kháng và khởi nghĩa trong thế kỷ 13 tới thế kỷ 15.
Giai đoạn sơ ngộ này thực sự đạt tới cao điểm để chuyển tiếp qua giai đoạn tương khắc là vào thế kỷ 16 các giáo sĩ Thiên Chúa Giáo tới truyền giáo đã cố gắng hội nhập văn hóa Trung Hoa và được các người trí thức kính nễ cũng như hoàng đế trọng dụng. Trong các giáo sĩ nổi tiếng này phải kể tới hai linh mục dòng Tên là Matteo Ricci và Michele Ruggieri. Hai ông này không những là thần học gia, triết gia mà còn tinh thông tóan học và thiên văn. Các nhà truyền giáo đầu tiên này đã dụng tâm học Kinh điển Trung Hoa cũng như cố gắng thông hiểu nghi lễ và phong tục của người Trung Hoa, nhất là cách giao tiếp của người trí thức. Sau hai mươi năm đặt chân lên phần đất miền Nam Trung Hoa, họ đã tới Bắc Kinh năm 1601. Trong thời gian này, tuy họ chỉ rửa tội được khoảng một ngàn người, nhưng trong đó một số đáng kể là nho sĩ hay quan lại, nhất là phải kể tới hai quan đại thần Từ Quang Khải và Lý Chi Thao.
2. Tương khắc giữa văn hóa Trung Hoa và Tây Phương
Cuộc tương khắc này khởi đầu bằng những khác biệt sâu xa về những quan niệm căn bản của hai nền văn hóa cổ truyền, như “Thiên”, “Lý”, “Thái Cực”, v.v… Với quan điểm thông diễn (hermeneutic) hiện nay, chúng ta biết được những quan niệm trên không thể hiểu riêng rẽ được, nhưng phải được xét theo mạch văn. Mỗi áng kinh điển đều có bối cảnh lịch sử, xã hội, tâm lý… khác nhau. Chúng kết thành một kiến vực (Horizont) đặc thù, được đan liền với nhau trong giá trị văn hóa phức tạp. Hai nền văn hóa để thông đạt quan điểm nhau, họ, phải tìm cách “dung hợp” hai kiến vực đó (Horizontsverschmelzung) thành một toàn thể mới, mà không để thất thiệt một bên. Dĩ nhiên hoàn toàn dung hợp chỉ là một mức lý tưởng mà con người phải luôn nỗ lực mới có thể tiếp cận được. Một công việc phức tạp và tế nhị như thế mà có người muốn giải quyết nhanh chóng một sớm một chiều, thì làm sao tránh khỏi những hiểu lầm đáng tiếc, gây nên cuộc tương khắc tai hại, nhất là thay vì đối thoại với nhau, để thấu hiểu vấn đề. Ðó là thảm cảnh mà cuộc “Tranh chấp Lễ nghi” đã xảy ra và đã để lại một hậu quả tai hại, đánh dấu sự thất bại trong cuộc hội ngộ giữa hai nền văn hóa Ðông Tây. Cuộc tranh chấp này, đầu tiên chỉ là một sự xích mích trong nội bộ tôn giáo giữa những giáo sĩ truyền giáo, nhưng sau đó đã kéo thêm phe cánh để trở thành sự xung đột chính trị và văn hóa nên càng phức tạp và thảm khốc. Lúc đó làm sao tránh được dùng giải pháp đầy bạo lực và cường quyền.
Thực vậy, cuộc xô xát giữa hai nền văn hóa đã trở thành võ đài ý thức hệ, tạo dịp thuận tiện cho những con buôn, những tay đầu tư chính trị và những thành phần quá khích lợi dụng, thao túng, nấp dưới những giả hiệu hoa mỹ. Về phía Trung Hoa, triều đình đình chỉ chính sách dung hòa, sau đó đề ra chính sách bài ngoại cực đoan, “bế quan tỏa cảng”: kết quả là những nỗ lực để đẩy mạnh các cuộc tiếp xúc vàvà hội ngộ văn hóa Ðông Tây được các nhà truyền giáo dầy công gây dựng bấy lâu nay đã đột nhiên bị phá hủy và biến thành mây khói. Ðối diện với phong trào bế quan và bài ngoại đó. Tây phương mượn chiêu bài “bảo vệ” sinh mệnh công dân mình để biện hộ cho hành động xử dụng võ lực để gây chiến và tấn công Trung Hoa. Cuộc gây hấn này đã đưa tới một kết cục thảm bại và vô nhân đạo: Chiến Tranh Á Phiện năm 1842. Sau biến cố này, cuộc đối đầu giữa Ðông Tây đã tiếp diễn trên một bình diện hoàn toàn bất công: lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng, dù dân chúng Trung Hoa liên tiếp phát động những phong trào khởi nghĩa, như Thái Bình Thiên Quốc (1850-1886), Nghĩa Hợp Ðoàn chống lại hiệp ước Bất Bình Ðẳng (1870) của Bát Quốc Liên Minh. Cuối cùng là cuộc cách mạng Tân Hợi (1911) do Tôn Dật Tiên khởi xướng, lật đổ chế độ phong kiến, dẫn hai nền văn hóa Ðông Tây hội ngộ sang một giai đoạn mới: Ðông Tây tương phùng.
Trước khi bước qua giai đoạn tương ngộ này, chúng ta thử duyệt lại ý nghĩa hai hình thức hội ngộ trên. Trong thời sơ ngộ, văn hóa Tây phương tương đối đơn giản, được đồng hóa với một hình thức tôn giáo nào đó. Vì thế, nó dễ đồng hóa với Phật giáo hay Khổng giáo như một yếu tố văn hóa làm phong phú quan điểm Phật giáo hay Khổng giáo hơn là khởi xướng cuộc hội ngộ tương đồng giữa Ðông Tây. Cuộc tương ngộ này thực sự chớm nở vào cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, khi các nhà thừa sai Thiên Chúa giáo tới Trung Hoa, mang theo những kiến thức khoa học mới về thiên văn, về kỹ thuật làm đồng hồ… làm cho người Trung Hoa nhận ra những dân tộc khác không hẳn là man di mọi rợ, như họ đã từng có thành kiến. Nhưng thời giao tiếp “trăng mật” này vừa khai mào, đã bị những hiểu lầm đáng tiếc xảy ra, làm tổn thương lòng thành hai bên, nhưng tai hại hơn nữa là kéo theo cuộc tranh chấp vũ khí vô nhân đạo. Lần đầu tiên trong lịch sử, văn hóa Trung Hoa bị khủng hoảng trầm trọng, hầu như đầu hàng vô điều kiện trước sức mạnh vũ bão của văn minh kỹ thuật Tây phương. Ðứng trước thảm cảnh này, người trí thức Trung Hoa, một đàng muốn bảo tồn giá trị truyền thống lâu đời của mình, đàng khác không thể phủ nhận được sức mạnh của văn minh kỹ thuật, họ suy xét và tìm ra cách phân định ranh giới hai nền văn hóa Ðông Tây theo quan điểm: Văn hóa Trung Hoa có giá trị tinh thần (luân lý, tôn giáo…) vượt trên giá trị tinh thần văn hóa Tây phương. Ngược lại, văn minh kỹ thuật Tây phương vượt thắng hẵn kỹ thuật cổ truyền Trung Hoa, nên họ hô hào dân chúng học “cái hay” của người. Những học giả thời này dễ nhìn ra yếu tố ý thức hệ núp dưới khẩu hiệu “nghiệm chứng” này. Thực ra, khi tiếp xúc với tư tưởng Tây phương, họ một đàng không có giờ tìm hỏi tinh thần khoa học cầu tiến phải chăng tự nhiên mà có hay được nuôi dưỡng trong triết học và tôn giáo Tây phương. Ðàng khác, họ bị các chủ nghĩa khoa học gia thu hút và nhồi sọ, coi sự tiến hóa của khoa học là kết quả của sự đào thải tôn giáo, triết lý siêu hình, như chủ trương tam đoạn luận của A. Comte, thuyết Tiến hóa của C. R. Darwin, biện chứng duy vật của K. Marx, hay quan điểm vô thần của J. Dowey, B. Russell… Như vậy họ coi kiến thức khoa học là kết tinh tất nhiên và phổ biến của cả nhân loại. Tây phương chỉ là người đã sớm khám phá và phát triển mà thôi.
Ðịnh kiến trên được coi là một tín điều “bất khả ngộ” của phần đông các nhà trí thức Trung Hoa trong một thời gian khá dài, được ngầm hiểu hay biến dạng trong những hệ thống tư tưởng Trung Hoa khác nhau. Tỉ dụ, trong cuộc cách mạng được mệnh danh là “Ngũ-Tứ”, diễn ra vào ngày 4 tháng 5 năm 1919, núp dưới danh nghĩa phản hủ nho và cầu tiến, tinh thần này là hiện thân của phong trào “Khai Sáng” (Aufklaerung) trên đất Trung Hoa. Mặt khác, các cán bộ cộng sản chỉ biết nhắm mắt tin theo những giáo điều duy vật tiến hóa của Mác-xít. Họ không ngần ngại lấy quan điểm duy vật thuyết minh giá trị văn hóa Trung Hoa. Nếu đào bới trong đám tro tàn văn hóa truyền thống và tìm ra một vài đốm lửa để soi và hợp lý hóa chủ nghĩa của họ, thì họ coi đó là sự góp mặt của nền văn hóa Trung Hoa trong văn hóa thế giới đại đồng và vô sản. Chúng ta thấy rõ quan điểm này khi so sánh hai lần xuất bản pho sách “Lịch sử Triết học Trung Quốc” của triết sử gia nổi tiếng Phùng Hữu Lan, lần đầu tiên vào năm 1931, khi ông này có thể tự do diễn đạt tư tưởng của mình và lần “tái” bản trong thời cách mạng văn hóa của Vệ Binh Ðỏ, khi ông đã phải bóp méo nhiều quan điểm, hay giải thích nhiều dữ kiện để hợp với cái nhìn chủ nghĩa duy vật. Ðịnh kiến này cũng được ngụy trang kín đáo và tinh vi trong những triết thuyết Tân Khổng học, như quan điểm của triết gia Mâu Tông Sơn, khi ông mượn phương pháp của triết học Kant để biện hộ cho luân lý Khổng Mạnh, chống lại luân lý Kitô giáo.
3. Tương ngộ của hai nền văn hóa Ðông Tây
Giai đoạn này được coi là tương phùng của hai nền văn hóa, không phải vì nó không gặp khó khăn, hay không trải qua những cơn khủng hoảng, nhưng trong quá trình đầy thăng trầm này, nó mang những tính chất khác với những giai đoạn trước. Ðặc tính đầu tiên là văn hóa Trung Hoa đã chủ động khi tiếp xúc với văn hóa Tây phương và tự chọn cho mình một lập trường. Một đặc tính khác cũng có thể quan sát là: những phong trào tiếp xúc mang nhiều sắc thái khác nhau đã tạo nên cuộc hội ngộ văn hóa đầy màu sắc đa dạng, từ chủ trương theo chủ nghĩa tư bản, tới chủ nghĩa cộng sản, từ những luồng văn hóa “chủ lưu” tới “phi chủ lưu”, và nhất là những hiện tượng của nền “văn hóa lưu vong”. Ðặc tính thứ ba là không phải chỉ những người Trung Hoa, nhưng là những học giả Hán học hay triết gia về triết học Trung Hoa cũng đang nỗ lực nghiên cứu và góp công vào phong trào gặp gỡ, tương phùng giữa hai nền văn hóa Ðông Tây. Ông Ðỗ Vệ Minh đã phân tích hiện tượng này và phân việc nghiên cứu văn hóa Hoa kiều và nhóm học giả ngoại quốc. Nhóm người Trung Hoa sống ở Trung Hoa đại lục, Ðài Loan, Hương Cảng và Tân Gia Ba. Nơi đây văn hóa Trung Hoa được sống và truyền đạt trong môi trường bình thường, theo chiều hướng được ý thức hệ vạch sẵn. Ở đây, cuộc tiếp xúc Ðông Tây được thấm nhập và nuôi dưỡng, phần lớn qua phương tiện truyền thông. Nhóm thứ hai là các Hoa kiều sống rãi rắc khắp thế giới. Họ là những người chủ trương một lập trường “phi chủ lưu” nào đó, nên bị đàn áp và phải thoát thân. Hay họ là những người di dân nhưng vẫn thiết tha với văn hóa của tổ tiên. Họ họp với nhau để chung tay xây dựng một loại văn hóa có thể gọi được là “văn hóa lưu vong”. Nhóm này thường được nhóm thứ ba, là những chuyên gia Hán học hay triết học nâng đỡ và hợp lực.
Ðể tiến tới hiện trạng tương phùng hiện nay, giai đoạn này đã trải qua những biến cố thăng trầm liên tục. Cuộc cách mạng Song Thập năm Tân Hợi (1919) đã dần dần dẫn tới cuộc cách mạng văn hóa “Ngũ-Tứ”. Trong quá trình này, các nhà trí thức Trung Hoa đã cải tổ hầu như toàn cục diện, từ chính trị tới xã hội, văn hóa. Họ quyết tâm chọn con đường dân chủ hóa, tân thời hóa Trung Hoa. Nhưng một phần vì lực bất tòng tâm, một phần bị thời cuộc cản trở, như: Bắc phạt, kháng Nhật, nội chiến giữa hai phe Quốc-Cộng, nên không đạt được kết quả như ý. Tiếp đến, cuộc chiến thắng của Trung Cộng đã chia lãnh vực Trung Hoa thành hai khối, đưa đẩy cuộc giao tiếp với Tây Phương theo hai chiều hướng đối nghịch nhau: Ðài Loan hướng về chủ nghĩa tư bản; Trung cộng phát động văn hóa vô sản và duy vật theo chủ nghĩa Mác Lê. So với cuộc cách mạng Tân Hợi, biến cố mới này đào thải văn hóa cổ truyền Trung Hoa để theo ý thức hệ mới một cách cực đoan hơn. Thực vậy, nếu Ðài Loan đem hết tâm lực để theo gót chủ nghĩa văn minh kỹ thuật và kinh tế tự do phát triển mà quên hay lơ là giá trị nhân bản truyền thống nên đưa tới một tình trạng bất quân bình giữa văn minh và văn hóa, kỹ thuật và tinh thần, thì Trung cộng ngược lại bám sát ý thức hệ cộng sản, cố phát huy hết mức theo nếp sống vô sản, và chuyên chế, nên đã dẫn tới cuộc cách mạng văn hóa do Hồng Vệ Binh thao túng dưới sự chỉ huy của “Tứ Nhân Bang” Thượng Hải. Họ đã dầy nát giá trị nhân bản của Khổng Mạnh, đạp đổ nhiều di tích lịch sử vô giá, lại tưởng rằng họ đang phát động một cuộc văn hóa vĩ đại. Dù chọn đường quân phiệt chuyên chế hay độc tài cộng sản, cả hai đều gây ra những phong trào thoát ly tìm tự do, nhất là tụ do tư tưởng. Những người ly hương này trở nên thành phần nồng cốt của một lực lượng bảo trì và phát huy văn hóa Trung Hoa cổ truyền trên đất lạ quê người. Nền văn hóa “lưu vong” này đã được các chuyên gia Hán học ngoại quốc đặc biệt chú ý tới và nâng đỡ, tạo thành cuộc tương phùng Ðông Tây hy hữu và đầy sinh lực. Nền văn hóa lưu vong này hiện nay trở thành một lực lượng đặc biệt ảnh hưởng ngược lại cả Trung Hoa đại lục, lẫn Ðài Loan, Hương Cảng và Tân Gia Ba.
4. Văn hóa lưu vong chiếm ưu thế trong cuộc tương phùng văn hóa
Văn hóa lưu vong là một hiện tượng khá đặc thù của nhân loại ở thế kỷ 20. Khi cách mạng đẫm máu lật đổ Nga hoàng 1917 thành công, đã nảy sinh ra lớp trí thức thượng lưu lưu vong đầu tiên của thế kỷ này. Họ đã thoát thân qua Tây phương và mang theo phần gia nghiệp văn hóa đã từng làm thế giới ngưỡng mộ và gây ảnh hưởng khá lớn ở Âu Mỹ, nhất là ở Pháp trong những năm 1930. Kế đó, phong trào Ðức quốc xã hưng khởi ở Ðức, Áo rồi bành trướng đe dọa cả Âu châu. Tới đâu họ cũng chủ trương bài Do Thái của Hít Le, khiến cho nhiều người Do Thái, nhất là lớp trí thức đã trốn thoát qua Mỹ, mang theo nhiều tinh anh văn hóa và tư tưởng thượng thặng của Âu châu lục địa. Những gia tài văn hóa và tư tưởng sâu sắc này đã xúc tác và thăng hoa văn hóa quá nghiêng chiều về thực tiễn và kỷ thuật của Mỹ quốc. Chúng ta chỉ cần nhắc tới vài luồng tư tưởng triết học như: trường phái Frankfurt với Adorno, Horkheimer, Marcuse…, trường phái hiện tượng xã hội học “New school” ở Nữu Ước với Schutz, Gurwitsh, Berger, Luckmann… là đủ. Những tư tưởng gia này không những khuấy động văn hóa Mỹ, nhưng đồng thời đã giao lưu với triết học ngôn ngữ, tân thực nghiệm… và đã mở đường đối thoại văn hóa, tư tưởng giữa Âu Mỹ và sau đó ảnh hưởng tới cả thế giới. Chúng ta chỉ cần nhìn lại cuộc tranh luận gay go nhưng hào hứng giữa trường phái Tân Mác Frankfurt với Adorno, Habermas và trường phái Phê Phán lý tính luận (Kritischer Rationalismus) với Popper và Albert, trong những năm 1960 và 1970. Một nền văn hóa lưu vong nữa mà chúng ta đã nhắc ở trên, đó là văn hóa lưu vong Trung Hoa. Sau 1949, những lớp người trốn nạn, di dân hay những sinh viên du học mà không muốn hồi hương, họ ôm ấp một bầu tâm huyết muốn gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa Trung hoa đang bị suy thoái ở quê nhà cũng như tìm môi trường tự do để đẩy mạnh những luồng tư tưởng “phi chủ lưu” đang bị đàn áp ở quê hương. Sau khi cách mạng văn hóa của Ðặng Tiểu Bình được hé mở thì mọi tương giao giữa hai nền văn hóa Ðông Tây một lần nữa cũng theo đà chấm dứt thời kỳ chiến tranh lạnh mà khai phóng dần. Tại Trung Quốc người ta quan sát thấy hiện tượng những tư tưởng bên ngoài được tiếp thu và được dụng tâm nghiên cứu, kể cả tư tưởng Kitô giáo, nhất là trong giới trí thức trẻ, những người đã chán ngấy những tư tưởng độc đoán một chiều. Tại Ðài Loan, sau một thời gian dài các hoạt động chính trị bị gò bó, những tư tưởng “phi chủ lưu” một thời bị đàn áp nặng nề, giờ đây dân chúng được tự do hơn, có thể xuất ngoại dễ dàng hơn, kể cả tới Trung Hoa đại lục thăm viếng hay mậu dịch, dẫn đến một cuộc tương giao đáng mừng: các kết quả nghiên cứu văn hóa, dịch thuật của Trung cộng được in và bày bán công khai tại các tiệm sách ở Ðài Bắc. Các cuộc hội thảo quốc tế về tư tưởng văn hóa được tổ chức cả hai bên tuyến đã coi trọng các tư tưởng gia trong giới “lưu vong” như là những người môi giới và xúc tác cho các cuộc nghiên cứu trong tương lai. Như vậy văn hóa lưu vong đã nghiễm nhiên chiếm một địa vị quan trọng trong cuộc phục hưng văn hóa Trung Hoa hiện nay.
*
* * *
Phong trào “văn hóa lưu vong” của Việt Nam sinh sau đẻ muộn, không được sửa soạn trước, cũng chưa được các học giả chú ý và ủng hộ, nhưng nhìn gương lịch sử của các nền văn hóa lưu vong trên, chúng ta vẫn có thể ôm ấp nhiều hy vọng. Mà mối hy vọng cụ thể nhất là chúng ta đang sống trong những môi trường thuận tiện, luôn có dịp giao tiếp với những nền văn hóa khác. Chúng ta được tự do học hỏi nghiên cứu, lại có nhiều dịp suy tư, trao đổi tư tưởng, nhờ đó có thể định rõ giá trị văn hóa lưu vong trong chiều hướng bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống Việt Nam. Như thế, văn hóa lưu vong Việt Nam là một lực lượng hy hữu để gìn giữ giá trị “Việt tính” đã được tôi luyện qua các cuộc thử thách hàng ngàn năm đô hộ của Trung Hoa, hàng gần một thế kỷ Pháp thuộc và giờ đây vẫn ngấm ngầm sinh tồn trước mọi nghịch cảnh. Văn hóa lưu vong Việt Nam thực sự là dịp may hiếm có để phát huy cuộc tương ngộ trong tinh thần “tứ hải giai huynh đệ” giữa nền văn hóa Việt Nam và các nền văn hóa trên toàn thế giới.
 
Thuộc về mục: Thần Học

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét