Trang

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016

Học hỏi Thánh Kinh 100 tuần – Tuần 10 SÁCH XUẤT HÀNH (chương 16-24)

Học hỏi Thánh Kinh 100 tuần – Tuần 10

SÁCH XUẤT HÀNH
(chương 16-24)


I. TỔNG QUÁT
Hành trình trong sa mạc (15,22 – 18,27)
15, 22-27: Mara
16,1-36: Manna và chim cút
17,1-7: Nước phun từ tảng đá
17,8-16: Giao chiến với người Amalek
18,1-27: Môsê gặp ông Jethro

Giao ước Sinai (19,1 – 24,11)
19,1 – 19,8: Bối cảnh. Thái độ với giao ước
19,9-20: Hai truyền thống về thần hiện
20,1-17: Mười điều răn
20,8-21: Môsê được chỉ định làm người trung gian
20,22-26: Dẫn vào luật giao ước
21,1- 23,33: Nội dung luật giao ước
24,1-18: Ký giao ước

II. KINH NGHIỆM SA MẠC

1. Kinh nghiệm của dân Israel trong sa mạc (15,22 – 18,27)

Được giải thoát khỏi cảnh nô lệ bên Ai Cập, Israel còn phải trải qua hành trình lâu năm trong sa mạc mới được đặt chân vào Đất Hứa. Hành trình sa mạc đã ban tặng cho họ nhiều kinh nghiệm. Trước hết, họ kinh nghiệm về sự thiếu thốn lương thực cũng như những hiểm nguy đe doạ, và những khó khăn này không chỉ dừng lại ở mức độ vật chất nhưng còn dẫn đến những thử thách cho chính đức tin: “Có Đức Chúa ở giữa chúng ta hay không?” (17,7). Cùng với kinh nghiệm về những khó khăn và thử thách trong sa mạc, Dân Chúa lại cảm nghiệm được từng ngày và qua từng biến cố sự đồng hành và tình thương chăm sóc Thiên Chúa dành cho dân của Người.

2. Kinh nghiệm sa mạc trong đời sống Kitô hữu

Kinh nghiệm sa mạc của Dân Chúa trong Cựu Ước cũng giúp ta nhìn lại đời sống Kitô hữu của mình trong ánh sáng mới. Trở thành Kitô hữu là bước vào một hành trình dài trong đó ta phải đối diện với rất nhiều cám dỗ và thử thách, hi sinh và từ bỏ. Như Dân Chúa ngày xưa, nhiều lần ta cảm thấy mệt mỏi, muốn bỏ cuộc và quay về nếp sống cũ. Tuy nhiên chính những khó khăn và thử thách đó lại là những cơ hội Thiên Chúa dùng để giáo dục và thanh luyện ta nên giống Chúa Kitô hơn.

III. MƯỜI ĐIỀU RĂN (20,1-21)

1. Trong bối cảnh Giao Ước

Giao ước là sự thiết lập một tương quan trong đó quyền lợi và trách nhiệm của mỗi bên được xác định và chấp nhận, vd. giao ước giữa Giacóp và Laban (St 31,43-32,3). Tuy nhiên, giao ước giữa Thiên Chúa và Israel không phải là giao ước giữa hai bên ngang hàng với nhau. Đúng hơn, Thiên Chúa ký kết giao ước với Israel chỉ vì tình thương cho không. Môsê đã nhấn mạnh điều này nhiều lần, và trình thuật về Mười Điều Răn cũng làm nổi bật tình thương của Thiên Chúa giao ước: Mười điều răn được mở đầu bằng khẳng định của Thiên Chúa là Đấng đã trực tiếp can thiệp vào đời sống của dân: “Ta là Đức Chúa đã đưa ngươi ra khỏi cảnh nô lệ Ai Cập” (20,2). Thiên Chúa dùng ngôi thứ hai để nói trực tiếp với dân. Như thế, thập điều không phải là hệ thống luật pháp vô hồn, nhưng được đặt nền trên một ngôi vị.

2. Đón nhận Mười điều răn cách tích cực

Những nhận xét trên giúp ta khám phá Mười điều răn như là những điều khoản của giao ước tình yêu. Kinh nghiệm về giao ước hôn nhân có thể giúp ta hiểu phần nào ý nghĩa cao quý này. Trong giao ước hôn nhân có những điều khoản mà hai người phối ngẫu cam kết với nhau, chẳng hạn một vợ một chồng, chung thủy với nhau đến trọn đời. Tuy nhiên, tất cả những điều khoản đó được đặt nền trên tình yêu, và là sự diễn tả ra bên ngoài những đòi hỏi nội tại của tình yêu đích thực. Tương tự như thế, Mười điều răn là cách thể hiện tương quan yêu thương trong giao ước giữa Thiên Chúa và dân của Người. Tách biệt Mười điều răn ra khỏi tương quan giao ước sẽ biến Mười điều răn thành một bộ luật luân lý vô hồn và mất đi tính năng động của nó. Đồng thời khi nhìn Mười điều răn trong bối cảnh của giao ước, ta sẽ khám phá giá trị tích cực của Mười điều răn như con đường đưa đến sự sống phong phú chứ không chỉ là những rào cản ngăn lối hạnh phúc của con người như nhiều người ngày nay lầm tưởng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét