Trang

Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2017

CHÚ GIẢI hay NGHỆ THUẬT GIẢI THÍCH

CHÚ GIẢI hay NGHỆ THUẬT GIẢI THÍCH


Chú giải (l’herméneutique) là một từ ngữ được vãi tung toé lên trên tất cả mọi tấm phông vẽ thần học. Chú giải là nghệ thuật hiểu và giải thích. Người ta có thể ghi nhận được có ba khuynh hướng: hiểu những bản văn tuỳ theo môi trường gốc của chúng; hiểu thực tại hiện sinh của con người trong tương quan với Lời Thiên Chúa; hiểu thực tại đang trở thành có tính chất chính trị-xã hội trên cơ sở chân trời của những lời hứa. Một vài tên tuổi nổi bật: BULTMANN, EBELING, SCHILLEB- EECKX, MOLTMANN, RICOEUR và những người khác.

Đi tìm ý nghĩa.
Theo nghĩa nguyên khởi, chú giải tự đồng hoá với việc giải thích đúng những bản văn thánh: HERMÈS là người thông ngôn của các thần. Cần phải nhận rõ điều nầy: so với cội nguồn, chúng ta hiện đang ở trên một miền văn hoá xa lạ, xa xôi, biết bao cách trở quan san, thời gian cũng như không gian và còn hơn thế nữa, giữa Lời Thiên Chúa và chúng ta còn xa cách nhau ngăn cách bởi cả một bức tường dày là một bản văn do con người soạn thảo. Chỉ có một cách duy nhất để lân la đến được với Lời nầy và vượt qua được cái “hố hiểm nghèo” ngăn cách chúng ta với Lời Thiên Chúa là phải vượt qua 3 lớp rào chắn: trước tiên là chính thủ bản chuyên chở Lời đó, rồi đến cái hoàn cảnh làm nẩy sinh ra Lời đó và, cuối cùng là chính người chứng nhân đã diễn đạt Lời đó thông qua lăng kính chủ quan của mình. Ý nghĩa chỉ được tiết lộ ra cho người nào bằng lòng luồn lách vòng vo chính giữa những yếu tố khác biệt đó.
Sai lầm của khuynh hướng duy căn (fondamentalisme) cho rằng người ta chỉ việc cầm lấy bản văn và đọc là tức khắc rút ra được Lời Thiên Chúa phát xuất từ tiên đề cho rằng giữa Lời (của Thiên Chúa) và bản văn viết (của con người) có một sự tương ứng hoàn toàn. Những bản văn nói về Thiên Chúa là những thủ bản được viết ra trong những hoàn cảnh nhất định: chúng nhằm giải thích một kinh nghiệm tin trong đó một chứng nhân đọc ra được dấu hiệu của một hành động của Thiên Chúa. Đi sùng bái cái được viết ra là biến bản văn thành một linh vật, một cái tuyệt đối, một ngẫu tượng. Khuynh hướng duy căn sa vào trong con đường của một sự lặp đi lặp lại nghèo nàn khô khốc, xa lạ với nguyên động lực luôn luôn sinh động của Lời.
Ngược lại, chú giải đề xuất nghệ thuật khám phá nội dung ý nghĩa của Lời hằng sống của Thiên Chúa, xuyên qua độ dày đậm đặc và đầy khuyết điểm của ngôn ngữ loài người. Cùng với sự phát triển của những ngành khoa học về ngôn ngữ, khoa chú giải thấy nỗ lực của mình được canh tân và bành trướng thêm ra. Phạm vi hoạt động của khoa chú giải, hơn nữa, còn vượt qua ranh giới Thánh Kinh: đến cả với những bản văn cổ của Kitô-giáo, đến những tín điều mà hình thức diễn đạt không hẳn là những sản phẩm không lệ thuộc thời gian, đến những cách thức Giáo hội đọc và thực hành tiếp sau đó, bao giờ cũng lệ thuộc lịch sử.

Tính hiện hành của Lời Thiên Chúa.
Nếu như “chú giải về nguồn gốc” là một nỗ lực không thể không có được, tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại đó thôi, vẫn chưa đủ. Còn cần phải tìm cho ra chân lý hiện hành của Lời Thiên Chúa. Theo một nghĩa thứ hai, chú giải cho thấy toàn bộ nỗ lực cố gắng thần học là làm sao phát hiện ra Lời Thiên Chúa trong bối cảnh hiện tại của con người. Làm thế nào để nói lại được ý nghĩa của Lời đó cho chúng ta ngày hôm nay? Phải diễn dịch Lời đó ra trong thứ ngôn ngữ nào đây? Làm sao thích nghi Lời đó trong hoàn cảnh chúng ta hiện tại? Làm thế nào trình bày Lời đó ra trong văn hoá của chúng ta (hoặc trong những nền văn hoá khác)? Nên nhớ rằng HERMÈS, người thông ngôn của các thần, đồng thời cũng là bậc thầy trong khoa hùng biện và am tường tất cả mọi nền văn hoá.
Chính BULTMANN đã khai phá ra con đường nầy: BULTMANN, để lân la đến gần Lời Thiên Chúa, đã tháo gỡ tách bạch thực tại hiện sinh của con người ra. Ngoài ra cũng còn những người khác đã mạo hiểm dấn thân vào những con đường nầy: RAHNER, EBELING v.v..., tuy những kết quả đạt được không đồng đều, nhưng họ đều xác tín rằng chỉ có một sự hiểu biết đích thực về con người trong hoàn cảnh hiện sinh của nó, trong cấu trúc tính thể của nó, trong ngôn ngữ của nó, mới có thể lân la đến gần được ý nghĩa của Lời Thiên Chúa.
Dù để giải thích Lời Thiên Chúa, họ đã dùng những thông số nào, những nhà thần học nầy đều muốn giúp con người thực hiện biến cố Vượt qua của đời mình, tức là việc con người phải vượt qua để hướng về Đấng hoàn tất ý nghĩa của thực tại hiện sinh của họ. Các nhà thần học nầy đều nhất trí vượt qua khuôn khổ chật hẹp của một lối giải thích cứng ngắc các bản văn theo một thứ khuynh hướng khoa học thực nghiệm, lối giải thích gạt con người ra ngoài cuộc và đặt con người vào trong tư thế duy nhất là kẻ bị chất vấn. Trên thực tế lại đã chẳng rất thường xẩy ra chuyện người ta để cho các bản văn lệ thuộc vào cách hiểu của con người đấy sao? RICOEUR ý thức rõ về nguy cơ đó. Để vượt qua được nguy cơ đó, cần phải không ngừng chạy vòng vo loanh quanh từ cực nầy qua cực khác, liên tục nhảy từ nhãn giới Lời qua thực tại hiện sinh, vì ý nghĩa của chúng cấu kết hỗ tương với nhau. Đó chính là điều mà, nối gót BULTMANN, “hiện trường chú giải” hiện đang mời gọi.

Tính hiệu năng của Lời trong lịch sử.
Khoa chú giải ngày nay đảm nhiệm thêm một trách nhiệm mới liên quan đến chiều kích tập thể của nhân loại. Cùng với MOLTMANN và những khuynh hướng thần học chính trị, một thế hệ thứ 3 những nhà chú giải bắt đầu xuất hiện. Chuyển hướng trọng tâm từ chính thuyết (orthodoxie) qua chính hành (orthopraxie), từ một thứ Kitô-giáo như là “học thuyết” sang một thứ Kitô-giáo như “thực hành”. Ở nơi từng giây phút của Lịch sử, cần phải xướng xuất một kiểu thực hành vẫn chưa từng thấy, mới mẻ, nhằm đáp ứng đúng hoàn cảnh hiện tại, do Tin mừng gợi hứng, Tin mừng mà vẫn mang trong mình nội dung đó, tuy dưới dạng tiềm thế chứ chưa là hiện thực.
Một ngày kia, thấy cuốn sách Thánh bị cột chặt vào nơi giảng đài chính điện bằng một dây xích, chàng LUTHER trẻ đã tự hứa với lòng mình quyết đem giao trả nó lại cho quảng đại quần chúng. Khoa chú giải vẫn coi nỗ lực chính của mình là giải phóng cho Lời Thiên Chúa để Lời đó lấy lại tính hiệu năng của mình ở trong Lịch sử. Khoa chú giải vẫn đứng lên đấu tranh chống lại những lệch hướng khả dĩ của mình khi bị đưa đẩy hướng về chỗ đưa ra những ý thức hệ đáng ngờ (chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa thực dân, những giai cấp thống trị, vv...) và giải thích Lời Thiên Chúa như sức mạnh phản kháng và lời hứa giải phóng. Kitô-giáo thôi không còn là một mớ lý thuyết suông, mà là một chân lý “để thực hiện” (une vérité “à faire”).
Theo nghĩa nầy, chú giải trở thành một trường học dạy phải có thái độ biết nghi ngờ, vạch trần ra ý đồ nhào nặn các bản văn để nhằm mục đích phục vụ lợi ích của giai cấp; chú giải trở thành người chiến sĩ đấu tranh đòi về lại cho các bản văn sức mạnh mổ xẻ và phá đổ của chúng; chú giải trở thành người phải có một lập trường dứt khoát đòi trả lại các bản văn cho những người yếu thế và bị bóc lột; chú giải trở thành sứ ngôn, giải phóng các bản văn ra khỏi tình trạng chỉ là những lời động viên suông, chỉ có chức năng không tưởng, chỉ mang phẩm tính là những lời hứa suông, để xây dựng một tương lai khác. Lời Thiên Chúa không phải là chữ chết. Từ nguyên thuỷ là Hành động, như FAUST nói.
Những mũi khoan thăm dò trong hiện trường chú giải cho người ta có cái cảm tưởng là hạn từ đó quả có một trương trường vô cùng vô tận không thể nào kiểm soát nổi. Chí ít, chúng ta thấy được rằng những vấn đề đã thay đổi trọng tâm: chân lý lịch sử, nội dung ý nghĩa hiện sinh, tính chất xác thực mang màu sắc xã hội. Một điều chắc chắn: Lời Thiên Chúa siêu vượt lên trên vượt ra ngoài khuôn khổ chật hẹp của một bản văn đã trở thành đông cứng và ngày nay vẫn giữ được đặc tính hoạt năng của mình. Lời đó không hẳn là một cái “kho chứa hàng mà người ta chỉ có việc phải quản lý mà thôi” (dépôt à gérer) cho bằng là một hành trình mạo hiểm vẫn chưa hoàn tất. Chúng ta liệu có bị kết án là đã đi vào con đường lầm lạc không đây? Vẫn còn thiếu, chưa đủ nếu như chúng ta chỉ có mỗi một việc công nhận được phép có một tình trạng đa dạng nào đó trong những giải thích và những thực hành. Nếu như không có được “sợi chỉ của Ariane” không thể nào dẫn đưa sai lối lạc đường, thì ít ra cũng phải có những giới hạn không cho phép vượt qua. Nếu vượt qua những giới hạn đó, những nỗ lực chú giải sẽ mất phương hướng vì chúng sẽ sa vào tình trạng mâu thuẫn với những chứng nhân đích thực nhất của đức tin ở trong quá khứ và mâu thuẫn với lề lối thực hành của người chứng nhân ưu việt: Đức YÊSU KITÔ.
Marcel NEUSCH


X       X
X


Chú giải, một đòi hỏi bức thiết của niềm tin.
Chú giải là một đòi hỏi bức thiết của chính niềm tin, trong mức độ chân lý được mạc khải không phải là một thứ chân lý chết mà là một chân lý vẫn còn đang sống, luôn luôn cần phải được lưu chuyển trong một nỗ lực suy gẫm suốt trong giòng lịch sử và cần phải được hiện hành hoá không ngừng.
Vì thế, người ta có thể định nghĩa thần học tín lý như là một nỗ lực hiện hành hoá ý nghĩa của mạc khải cho ngày hôm nay. Điều đó muốn ám chỉ một nỗ lực phức tạp khởi phát từ Sách Thánh hay từ nỗ lực hiện hành hoá Lời thiên Chúa đầu tiên để đi đến nỗ lực hiện hành hoá sau cùng trong lời rao giảng sau khi đã kinh qua những nỗ lực hiện hành hoá liên tục kế tiếp nhau trong truyền thống sống động của Giáo hội. Người ta có thể nói về “con tàu chú giải” (arche herméneutique) để ám chỉ công việc phức tạp nhiêu khê nầy. Cũng như tất cả mọi nhận thức về lịch sử, nhận thức chú giải nầy luôn luôn được tiến hành trên cơ sở đối chiếu với biến cố gốc đã xẩy ra ở trong lịch sử, biến cố mà từ đó đã đưa đến khẳng định về niềm tin và xác định ý nghĩa tức thời của khẳng định đó. Các bản văn đó có liên quan đến những biến cố có thực, và chính thực tại khách quan lịch sử đó ngăn cấm không cho phép một thứ tự do chú giải bất định, không bờ không bến. Nhưng, đàng khác, nhận thức đó còn sẽ được tiến hành dựa trên cơ sở đối chiếu với hoàn cảnh đương thời của chúng ta và với câu hỏi của chúng ta liên can đến ơn cứu độ. Hai cực nầy không được tách rời nhau và chỉ có nỗ lực nối kết chúng lại với nhau mới sản sinh ra được một nhận thức sinh động.
Nỗ lực tế nhị của nhà thần học làm công tác chú giải chính là trong cùng một lúc đồng thời tiến hành hai công việc: một đàng là phải tránh không được phản bội lại với quá khứ và đàng khác, không được dưới chiêu bài trung thành với quá khứ chỉ có việc thông truyền một thứ quá khứ đã chết. Một vấn đề nghiêm túc được đặt ra là xét xem trong trạng huống hiện nay của Giáo hội phải nên coi trọng một thứ ngôn ngữ chính thống đồng nhất cho tất cả mọi người hay là phải đề cao thực trạng cũng cùng chân lý ấy nhưng được diễn tả trong những định thức khác nhau. Thần học vừa phải trung thành với một chứng từ lịch sử mà bản thân thần học không được phép sử dụng cách tuỳ tiện, đồng thời lại phải vừa tỏ ra có tính hiện đại theo cái nghĩa đúng đắn nhất của từ “hiện đại”. Phương thế duy nhất để có thể đáp ứng được với cái đòi hỏi kép đó chính là phải đấu kết chung lại với nhau hai nỗ lực nầy, một là nỗ lực chú giải Lời Thiên Chúa và một nữa là nỗ lực chú giải thực tại hiện sinh của con người trong tất cả mọi chiều kích của nó.
(Extrait de Claude GEFFRÉUn nouvel âge de la théologie, Paris, Cerf, 1972, p. 61)

Tài liệu tham khảo:
·           Georges CASALIS, Les idées justes ne tombent pas du ciel, Paris, Cerf, 1977.
·           André DUMAS, “L’herméneutique”, dans Foi et Vie, 1969.
·           Claude GEFFRÉ, Un nouvel âge de la théologie, Paris, Cerf, 1972, coll. “Cogitatio Fidei”, n0 68.
·                    //          , “La crise de l’herméneutique et ses consé- quences pour la théologie”, dans Revue des Sciences religieuses, Strasbourg, 1978, pp. 268 - 296.
·           Jean GREISCH, “La crise de l’herméneutique. Réflexions métacritiques sur un débat actuel”, dans l’ouvrage collectif La crise contemporaine, du modernisme à la crise des l’herméneutiques, Paris, Beauchesne, 1973, pp. 135 - 190.
·           R. LAPOINTE, Les trois dimensions de  l’herméneutique, Paris, Gabalda, 1957, coll. “Cahiers de la Revue Biblique” n0 8. Xoay quanh vấn đề chú giải chứ không đề cập gì tới 3 chiều kích được ghi nhận trong phần trình bày trên đây.
·           René MARLÉ, Le problème théologique de l’ herméneu- tique, Paris Éditions de l’Orante, 1968, 2e  éd.
·            Jean-Paul RESWEBER, La théologie face au défi  hermé- neutique, Bruxelles-Paris-Louvain, Van der Nauwelaerts, 1975.
·             Paul RICOEUR, Le conflit des interprétations. Essais d’ herméneutique, Paris, Seuil, 1969. 
Tác giả: Bruno CHENU - Lm Phêrô Nguyễn Thiên Cung chuyển ngữ
Nguồn: giaolyductin.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét