Trang

Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2017

Tự sắc về việc hiến dâng mạng sống cho tha nhân vì lòng bác ái

Tự sắc về việc hiến dâng mạng sống cho tha nhân vì lòng bác ái
ĐTC Phanxicô công bố Tự Sắc "Maiorem hac dilectionem" về việc hiến dâng mạng sống cho tha nhân vì tình bác ái - ANSA

11/07/2017 18:10

VATICĂNG: Hôm qua (11-7) ĐTC  Phanxicô đã công bố Tự Sắc “Maiorem hac dilectionem” về việc hiến dâng sự sống của các kitô hữu trong tương quan với việc phong chân phước và phong thánh.

Trong phần mở đầu ĐTC khẳng định rằng các kitô hữu noi gương Chúa Giêsu đã tự hiến mạng sống cho tha nhân và kiên trì cho đến chết trong ý hướng này thật đáng vinh danh. Việc hiến dâng sự sống, được tình bác ái gợi hứng và nâng đỡ, diễn tả một việc noi gương Chúa Kitô đích thật, tràn đầy, và vì thế đáng ca ngợi, mà công đoàn kitô thường dành cho những người tự ý chấp nhận việc tử đạo hay thực thi các nhân đức kitô tới mức anh hùng. Theo ý kiến thuận của Bộ Phong Thánh đã nghiên cứu trong Phiên họp khoáng đại  ngày 27 tháng 9 năm 2016, ĐTC  thiết định 7 điều lệ, trong đó có một số thay đổi liên quan tới Tông hiến Divinus perfectionis Magister công bố ngày 25 tháng giêng năm 1983.

Sau đây là vài điều lệ:

Thứ nhất, việc dâng hiến sự sống  là một loại sự kiện mới của lộ trình phong chân phước và phong thánh, khác với các loại sự kiện về tử đạo và tính cách anh hùng của các nhân đức.

Thứ hai, việc dâng hiến sự sống, để có giá trị và hữu hiệu cho việc phong chân phước một vị Tôi tớ Chúa, phải theo các tiêu chuẩn sau đây:

dấng hiến sự sống một cách tự do và cố ý, và anh hùng chấp nhận vì bác ái một cái chết chắc chắn và trong thời gian ngắn liên hệ giữa việc hiến dâng sự sống và cái chết quá sớm thực hành ít nhất trong mức độ bình thường các nhân đức kitô trước khi hiến dâng mạng sống và rồi cho tới chết sự hiện hữu hương thơm thánh thiện và các dấu chỉ, ít nhất sau khi chết cần có phép lạ cho viêc phong chân phước, xảy ra sau cái  chết của vị  Tôi tớ Chúa và do sự bầu cử của ngài.

Thứ ba, việc cử hành điều tra cấp giáo phận hay giáo quận và tài liệu liên hệ được quy định bởi Tông hiến Divinus perfectionis Magister ngày 25 tháng giêng năm 1983  và bởi tài liệu Normae servandae in inquisitionibus ab Episcopis facendis in Causis Sanctorum ngày mùng 7 tháng 2 cùng năm, với các thay đổi liên quan tới việc thu thập tài liệu và điều tra cuộc sống, các nhân đức, việc hiến dâng mạng sống hay tử đạo, hương thơm thánh thiện, các phép lạ, và việc tôn kính cổ xưa vị Tôi tớ Chúa được xin phong thánh.

Việc điều tra các phép lạ phải làm tách biệt với việc điều tra các nhân đức, việc dâng hiến mạng sống hay việc tử đạo. Các Giám Mục giáo phận hay giao quận và những người có quyền trong lãnh vực pháp lý có thể nghiên cứu các vụ được giao phó với các cộng sự viên ngoại tại trong việc chuẩn bị các tài liệu.

Thêm vào đó có việc phân biệt các án mới hay cũ: án mới có thể minh chứng với lời khai của các chứng nhân còn sống, án cũ với các nguồn chứng tá viết vv… (REI 11-7-2017)

Linh Tiến Khải
Nguồn: vi.radiovaticana.va

 

 

 

 

“Hiến dâng sự sống”, một tiêu chuẩn mới để phong chân phước


Một tiến trình cần sự công nhận của một phép lạ

Đức Phanxicô vừa đưa một tiêu chuẩn mới vào các án phong chân phước và phong thánh, ngài thêm một tiêu chuẩn thứ tư vào ba tiêu chuẩn đã có: “hiến dâng sự sống”, khi người đã được rửa tội chấp nhận một cái chết sớm hơn để phục vụ người khác. Trong Tự sắc công bố ngày thứ hai 11 tháng 7, Đức Giáo hoàng đưa ra tiêu chuẩn của con đường mới này, một con đường cần sự công nhận một phép lạ để có thể phong chân phước.

“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Đó là lời dẫn đầu của Tự sắc “Maiorem hac dilectionem” (Không có tình thương nào lớn hơn) của Đức Phanxicô, ấn định, các kitô hữu “dâng hiến sự sống một cách tự do và có chủ ý cho người khác và kiên trì cho đến chết theo chủ ý này”, họ “xứng đáng được xem trọng và vinh danh”. Họ “xứng đáng được phong chân phước”.

Báo Osservatore Romano nêu rõ, để được hợp pháp cho việc phong chân phước, con đường mới này “của các tín hữu vì đức ái, đã dâng hiến đời sống mình cho người anh em một cách anh hùng, chấp nhận một cách tự do và chủ ý một cái chết chắc chắn và đến sớm, với chủ ý đi theo Chúa Giêsu”.

Đức Giáo hoàng viết, “hiến dâng sự sống một cách anh hùng, được thúc đẩy và nâng đỡ bởi đức ái, nói lên việc noi gương Chúa Kitô đích thực, trọn vẹn và gương mẫu” mà cộng đồng tín hữu dành cho các chân phước.

Con đường thứ tư

Cho đến bây giờ, Giáo hội công giáo có ba tiêu chuẩn để mở án phong chân phước: tử đạo, thực hiện các đức hạnh nhân bản và kitô một cách “anh hùng”, và tiêu chuẩn thứ ba là một tiêu chuẩn rất hiếm “tương đẳng tính”, (équipollent), đơn giản do giáo hoàng quyết định. Đó là trường hợp của Linh mục Dòng Tên Pierre Fravre (1506-1546), được Đức Phanxicô phong thánh ngày 17 tháng 12 năm 2013.

Báo Osservatore Romano viết, “ba con đường này chưa đủ để diễn giải tất cả các trường hợp nên thánh có thể có”. Vì thế thêm vào một con đường thứ tư, gồm các yếu tố tử đạo qua sự “hy sinh mạng sống cho đến chết” và các yếu tố của những đức tính anh hùng qua “hành vi anh hùng của đức ái” được thần khởi theo gương của Chúa Kitô.

Nhưng con đường này khác với hai con đường khác: ngược với tử đạo, ở đây không có “người bách hại áp đặt một chọn lựa chống Chúa Kitô” và ngược với các đức hạnh anh hùng, ở đây không có “sự tu hạnh lâu dài”.

Bản văn viết tiếp, hiến dâng sự sống nâng giá trị của một “chứng tá kitô anh hùng” theo một thứ trật mới. Sự “trọn hảo của đức ái” trong trường hợp này không phải là “kết quả của một hạnh được tu tập lâu dài, luôn sẵn sàng và vui vẻ, nhưng duy nhất từ một hành vi anh hùng bởi tính tận căn, dứt khoát và kiên trì cho đến chết, nói lên sự chọn lựa trọn hảo theo tinh thần kitô”.

Trong các tiêu chuẩn của con đường mới này, bản Tự sắc nêu chính xác, đây là cái chết “trong ngắn hạn”: không ngay lập tức cũng không xa (biến đổi hành vi anh hùng thành đức hạnh anh hùng). Tài liệu giáo hoàng cũng giải thích, để được tiến hành phong chân phước, phải có một “dây liên kết giữa hiến dâng sự sống và một cái chết đến sớm”, việc thực hành đức hạnh “ít nhất trong một chừng mực bình thường” trước sự dâng hiến, một sự thánh thiện nổi tiếng “ít nhất sau khi chết” và một phép lạ do sự cầu bàu của chân phước với Chúa. 

Mở rộng ra các khả năng có thể

Trong quá khứ, có thể bao gồm trường hợp những người giúp các người bị bệnh dịch hạch chẳng hạn, họ bị lây và chết vì nhiễm trùng. Hoặc gần đây, bà Chiara Corbella, một phụ nữ trẻ người Ý bị ung thư, từ trần ngày 13 tháng 6 năm 2012, vì bà từ chối chữa trị, sợ nguy hại đến đời sống của đứa bé mà bà đang mang. Án phong chân phước của bà đang tiến hành ở Rôma.

Linh mục Maximilien Kolbe – chết năm 1941 ở trại thiêu người Do Thái ø Auschwitz là “tử đạo vì đức ái”, theo chữ của Đức Gioan-Phaolô II dùng (1978-2005) – cũng có thể được đưa vào thể loại này.

Như thế Tự sắc nới rộng ra các khả năng thăm dò cho các hoàn cảnh hiện đại. Chẳng hạn, chúng ta có thể hình dung các trường hợp các thiện nguyện viên, tu sĩ hoặc giáo dân, bị chết sau khi bị nhiễm virus vì tham dự vào các vụ cấp cứu bệnh nhân khi có các nạn dịch, đài Radio Vatican cho biết, các trường hợp này được Bộ Phong thánh nghiên cứu.

Một suy tư lâu dài

Suy từ về thể loại này có từ năm 2014 trong đại hội thường niên của Bộ Phong thánh. Sau đó được Đức Giáo hoàng khuyến khích qua việc nghiên cứu bổ túc. Tháng 6 năm 2016, một cuộc tranh luận với nhiều ý kiến đối nghịch được Bộ Phong thánh tổ chức với 15 chuyên viên.

Đa số nhưng không toàn thể, tuyên bố thuận cho con đường mới này. Nhưng phải cần có một phép lạ để được phong chân phước. Tháng 9 năm 2016, phiên họp khoáng đại các hồng y và giám mục của Bộ Phong thánh phê chuẩn các quy định này trước khi đệ lên Đức Giáo hoàng vào tháng 11. Và chính Đức Giáo hoàng chứng duyệt ngày 10 tháng 1-2017, đưa đến việc soạn thảo Tự sắc bởi Bộ Phong thánh.

Theo các tiến trình của việc phong thánh thì có thể xếp theo thứ trật, tử đạo là hàng đầu, kế đến là anh hùng tính của các đức hạnh và cuối cùng là dâng hiến sự sống. Quyết định này đã mở rộng ra thêm các chân trời để xây dựng dân Chúa.

cath.ch, 2017-07-11
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
By phanxico.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét