Trang

Thứ Tư, 26 tháng 7, 2017

CÒN PHẢI VẤT VẢ VỚI NHỮNG ÔNG THẦY ĐA NGHI.

CÒN PHẢI VẤT VẢ VỚI NHỮNG ÔNG THẦY ĐA NGHI.





Thần học vẫn không ngừng được mời gọi lên đường đến những miền đất xa lạ. Nếu thần học quả thực quan tâm tới Lời của Thiên Chúa, thần học phải để ý đến những con người của một thời đại nhất định, sử dụng ngôn ngữ của họ, trả lời cho những vấn đề của họ. Trừ phi muốn tự khép mình trong một phe nhóm nào đó với một thứ diễn từ đóng băng của chủ nghĩa duy tâm cực đoan, thần học chỉ hoàn thành được cách đầy đủ sứ mạng của mình khi sẵn sàng đón nhận tất cả mọi vấn nạn đến từ những con người ngày nay.
Trong sổ tay ghi chép những việc cần làm ngay của mình, thần học có ba cuộc gặp gỡ phải làm. Những người đối thoại sẽ là MARX, FREUD, NIETZSCHE, ba “bậc thầy tư tưởng” của thời đại chúng ta, và đồng thời đấy cũng là những “ông thầy đa nghi” (“maitres du soupcon”), theo lối gọi của RICOEUR. Cuộc tranh cãi lòng dòng muốn coi những ông thầy đa nghi nầy là những kẻ thù của thần học thì còn lâu mới chấm dứt. Nhưng, bầu khí ngày nay đã thay đổi. Thay vì là những địch thủ cần phải loại trừ, những nhà chống thần học nầy (ces antithéo- logiens) trở thành những con người đối thoại sáng giá, những con người đại diện cho những trào lưu tư tưởng sâu sắc của thời đại hiện nay của chúng ta.

Dưới ngọn đèn của chủ nghĩa MARX.
Đã từ lâu, đối với nhiều người, MARX đã là và hiện vẫn còn là một cái đích không thể thiếu vắng. Người ta chỉ còn có nước là tống khứ ông ta đi. Các nhà thần học ngày nay chỉ tiếp ông ta trong những phòng hội nghị. MARITAIN đã ghi chú: “Nỗi bất hạnh của thế kỷ XIX không phải là vì đã có MARX mà là vì không có Kitô-hữu-MARX”. Bởi vì MARX chẳng làm gì ngoài việc lột trần mặt nạ những hình thái bất công đáng phẫn nộ mà lẽ ra chính những người Kitô-hữu đã phải tố cáo trước cả ông ta. Vì không có Kitô-hữu-MARX, nên nhiều người Kitô-hữu cuối cùng đã phải đành đến với MARX vô thần. Trên lĩnh vực xã hội, tình hình quả thực như thế: những “Kitô-hữu marxít” chấp nhận không chút băn khoăn những phân tích và những chiến thuật marxít.
Ngay trên lĩnh vực tôn giáo, người ta khám phá ra một vài phê bình chỉ trích của người marxít về tôn giáo không phải là không có cơ sở. Những lời phê bình chỉ trích nầy nhắm tới những chức năng xã hội mà tôn giáo vẫn hành xử và tố cáo một thứ Kitô-giáo đã phản bội lại với sứ mạng của mình:
-   Chức năng hợp pháp hoá (la fonction de légitimation): tôn giáo vẫn quá thường có khuynh hướng biện minh cho trật tự hiện tồn, cho những giá trị đang ngự trị, cho quyền lực hiện hành, cho những bất bình đẳng được pháp luật thừa nhận, cho quyền tư hữu, vv... Tôn giáo, như vậy, tự để lộ mình ra như là một thứ lực lượng chỉ cố bảo thủ chứ không phải là phản kháng.
-   Chức năng đền bù (la fonction de compensation): để làm cho người ta chấp nhận số phận bất công do xã hội trần thế gây ra, tôn giáo đơn giản chỉ đưa ra những sự đền bù thoả đáng trong thế giới bên kia. Như thế, tôn giáo là một thứ quyền lực ảo tưởng, chứ không phải là biến đổi.
-   Chức năng hội nhập (la fonction d’intégration): tôn giáo động viên người ta dấn thân hội nhập vào trong chế độ hiện hành, như thế là tôn giáo đang hành xử một thứ sức mạnh bảo thủ ù lì bất động, chứ không phải là cách mạng.
MARX đã cảnh cáo các nhà thần học về vấn đề vai trò ý thức hệ đã được hành xử như thế bởi tôn giáo. Diễn từ Kitô-giáo, nói theo ngôn ngữ chính trị, không phải là trung lập. Diễn từ nầy cắm rễ sâu trong “môi trường vật chất” (“matérialité”) kinh tế-xã hội và vì thế không phải chỉ có “tính chất thiêng liêng” mà thôi. Có như thế, người ta mới có thể hiểu được tại sao ngày nay lại có tình trạng say mê đọc Thánh Kinh và những lập trường của Giáo hội thông qua lăng kính “triết học duy vật”, lan nhanh như nấm, nhưng lành mạnh.
Nhờ vào sự phản kháng của người marxít, Giáo hội đã ý thức được vai trò vận hành bên trong xã hội của mình và có phần đã tự mình rút chân ra khỏi trong tương quan đối với những lực lượng bảo thủ xưa nay vẫn kéo vây Giáo hội về phía mình. Có như thế, Giáo hội mới có thể tìm thấy lại được ơn kêu gọi sứ ngôn của mình: lời kinh Magnificat thôi không còn chỉ là một bài ca để đọc và để hát suông mà là một bài ca cách mạng. Về phần mình, những người marxít có thể nhìn Tin mừng dưới một cái nhìn khác, như tập sách của Milan MACHOVEC, “Jésus pour les athées” (Desclée, 1978) (Đức YÊSU cho những người vô thần), đã chứng tỏ điều đó.

Thử liều với phân tâm học.
FREUD lúc ban đầu cũng đã gây ra một phản ứng ngờ vực như người ta đã có đối với MARX. Trong một thời gian dài, FREUD vẫn bị đặt vào trong tư thế là phải ăn năn hối cải. Tuy nhiên, người ta phải thừa nhận sự đóng góp tích cực của FREUD: cái vô thức không phải do FREUD bịa đặt ra mà có. Sự chú tâm của FREUD có thể được nhận ra ở nhiều mức độ:
-   Mức độ hiểu những hành vi của con người: FREUD đã giúp phát hiện ra lãnh vực của khát vọng, của óc tưởng tượng, của phái tính. Con người luôn luôn là kẻ kế thừa một di sản nào đó. Tình trạng cấu trúc hoá ngã vị của con người gắn liền với một lịch sử. Từ đó, việc soát xét lại là điều bắt buộc phải có. Đâu là ranh giới giữa ý thức luân lý và siêu ngã (surmoi), giữa tội lỗi và tình trạng vi phạm, giữa lề luật và những quy chế do xã hội áp đặt, giữa tự nhiên và văn hoá, giữa ơn kêu gọi và những khát vọng do cha mẹ nhập hoá vào? Sự nghi ngờ như một thứ axít gặm mòn tất cả mọi cung cách ứng xử luân lý và tôn giáo.
-    Mức độ giải thích Sách Thánh: Sách Tin mừng là một nơi có sự vận hành của niềm khát vọng và óc tưởng tượng – của Đức YÊSU, của các môn đệ của Ngài, của các địch thủ của Ngài, vv... F. DOLTO chứng tỏ điều đó trong tác phẩm “L’Évangile au risque de la psychanalyse”, một cuốn sách đã gây một vài xôn xao dư luận. Chẳng có gì làm giảm tín nhiệm những cách thức đọc khác, có tính chất “thần học” hơn, phân tâm học đọc Tin mừng với mục đích làm phát lộ ra sự vận hành của niềm khát vọng. Dù làm thế nào đi chăng nữa, chẳng ai tiếp cận với bản văn mà lại không mang theo vào đó niềm mơ ước riêng tư của mình, mà lại chẳng xảy ra cái chuyện để cho một chút tưởng tượng bản thân nào đó làm dao động đến bản văn.
-    Cuối cùng là mức độ thực hành suy tư thần học: một nhà thần học như Jacques POHIER, trong một tác phẩm gây xôn xao dư luận là cuốn “Quand je dis Dieu”, tự thấy mình cần phải soát xét lại toàn bộ những lập trường thần học của mình sau khi đã tiếp xúc với phân tâm học. Từ nay, không thể nào thoả mãn được với những chú giải bình luận coi là khách quan đối với các bản văn thánh, không thể nào có thể xây dựng những diễn từ mạch lạc và có thể lặp lại được. Cần phải tự giải quyết vấn đề bằng cách nói ở ngôi thứ nhất, khởi từ tình trạng hữu hạn của con người. Sở dĩ như thế, là vì không thể nghi ngờ căn tính của Thiên Chúa (l’identité de Dieu), nhà thần học tự nguyện nghi ngờ căn tính của riêng mình (vì có tính chất manh mún). “Cách thức tôn vinh Thiên Chúa không phải là nhằm thoát khỏi cái nơi nầy là chính tôi đây, mà là để nói rằng Ngài đang hiện hữu nơi mà tôi đang tồn tại.” Tất cả mọi thứ diễn từ về Thiên Chúa đều là diễn từ từ con người, vì thế nó mang dáng dấp ngập ngừng ấp úng và đầy tì vết.

Đập vỡ tung diễn từ Kitô-giáo.
Lời phê bình chỉ trích của NIETZSCHE tuy có nhiều nét giống trên đây, nhưng thâm hiểm hơn, ít đi vào trung tâm hơn. NIETZSCHE sử dụng chiến thuật cười cợt đả kích. Người ta có thể ghi lại 4 khía cạnh mà NIETZSCHE thường phản kháng:
-   Thái độ chống siêu hình học (l’antimétaphysique): Siêu hình học chỉ ra những thực tại nhị nguyên, những nền sau của thế giới (les arrière-mondes), năng lực của lý trí. Siêu hình học cấu kết với Kitô-giáo, cái cùng một guộc với cái thứ “chủ thuyết PLATON cho quần chúng” đó. Trong khi Kitô-giáo rao giảng sự khổ hạnh và thoát tục để hướng về trời cao, NIETZS- CHE mời gọi hãy trung thành với trái đất. Lời phản kháng đó đã được đồng ý cách rộng rãi. Các nhà thần học đang toan tính tìm cách loại trừ những hình thái nhị nguyên (hồn/ xác; tự nhiên/ siêu nhiên; ở trong thời gian/ thiêng liêng... ) và nhằm tìm lại ý nghĩa của những thực tại trần thế. Các nhà thần học nhờ đó trở nên quan tâm đến chân trời của diễn từ của mình.
-   Thuyết “chủ phối” (perspectivisme): mọi diễn từ, ở đây kể cả diễn từ thần học, đều được định vị. Không một diễn từ nào chiếm lĩnh được toàn bộ ở trung tâm; mỗi diễn từ chỉ là một nắm bắt bởi cái nhìn cục bộ, có giới hạn. Như vậy, thần học buộc phải quan tâm tới chính cái nơi mà từ đó diễn từ được phát biểu ra. Thần học từ nay phải chấp nhận tình trạng đa dạng, vì mọi diễn từ đều chỉ là cấu thành từ một kinh nghiệm nào đó, một ý muốn nào đó, một khát vọng nào đó, vv... Nguy cơ là thần học có thể trở nên đơn giản chỉ là một trò chơi của hộp kính vạn hoa.
-   Mơ ước: Trước cả FREUD, NIETZSCHE nghi ngờ rằng ở bên dưới quá trình luận lý của diễn từ vẫn có những mơ ước ẩn giấu ở đấy, nhưng không được nói ra. Trong diễn từ Kitô-giáo, NIETZSCHE nhận thấy có tàng ẩn nỗi oán hờn (le ressen- timent) bàng bạc trong đó. Ngay cả trong thần học, không thể nào tách rời diễn từ ra khỏi chủ thể nói ra diễn từ đó. Từ đó một câu hỏi không thể tránh khỏi: ai nói? Như vậy là từ thực tại khách quan là chính diễn từ người ta bị ném hất trở lại thực tại chủ quan là người đang thủ đắc diễn từ đó.
-   Thực hành: Đối với NIETZSCHE, làm thì ưu tiên hơn là nói, bởi vì, nhờ có giới hạn rõ ràng, tất cả đều có thể được chứng minh. Vì thế, người ta được ném trả lại từ chính thuyết (orthodoxie) trở về với chính hành (orthopraxie). Cần phải vứt bỏ đi những thứ chứng minh lý thuyết (démontrer) và phải chứng thực rõ cho người ta thấy (montrer): “Nếu Tin mừng của Kinh Thánh của các ông cũng được viết ở trên khuôn mặt của các ông, các ông chẳng cần gì việc đòi người ta phải tin vào thẩm quyền của Cuốn sách nầy: công việc của các ông, hành động của các ông sẽ phải không ngừng biến Kinh Thánh thành cuốn sách thừa không cần thiết, một cuốn Kinh Thánh mới sẽ phải được viết ra không ngừng do chính bàn tay của các ông.”
Tất cả những chỉ trích phê bình nầy đã gặp được một sự đón tiếp còn hơn là cảm tình nồng hậu nữa trong một cuốn sách của Yves Le GAL: Question (s) à la théologie chrétienne (câu hỏi-những-gửi tới thần học Kitô-giáo). Vì muốn hoá nhập những khước từ của NIETZSCHE, Le GAL đề nghị một thứ “thần học-hy vọng”, nghĩa là một thứ thần học từ chối không nhận mình là diễn từ của những bậc thầy đã đạt đến tình trạng trí tri mà trái lại dám phiên lưu đi vào những con đường mạo hiểm, chưa từng được khai phá, chẳng ai đã biết trước chúng sẽ dẫn tới đâu; Le GAL cũng đề nghị một lối “thực hành Tin mừng”, biểu lộ Tin mừng như là “sống cho tha nhân và tha thứ” (comme “don et par-don”.
Những ông thầy đa nghi quả thực đã có công lớn trong việc tống tiễn “các vị thần linh đến buổi hoàng hôn của mình” (crépuscule des dieux), nghĩa là tất cả mọi thứ thần tượng do con người nhào nặn ra. Chính họ cũng là những con người đã đưa đến thất bại những thứ thần học vẫn tự huênh hoang cho mình là đã thủ đắc được một thứ diễn từ toàn bích về Thiên Chúa. Nhưng đâu là hướng bình minh mà người ta có thể hy vọng? Con người chẳng lẽ không có một ngọn đèn cũng chẳng tìm ra một chốn nương thân, bị nộp mình vào nơi lầm lạc?
Thần học, chí ít, trong cuộc hành trình đó, đã tìm thấy lại được lời kêu gọi lúc ban đầu của mình là, thay vì có thể phản ánh hoàn toàn, phải chấp nhận cái nghịch lý của Kitô-giáo vẫn khẳng định có một lịch sử và một con người với những nét đặc thù đã trở nên nơi quy chiếu tối hậu để nhận ra Thiên Chúa.
Marcel NEUSCH


X       X
X


Những giới hạn của diễn từ thần học.
Nhận thức mà tôi có thể có được về Thiên Chúa vẫn gắn chặt với thực tại bất tất là chính giòng lịch sử của bản thân tôi: một cá nhân có một phái tính nhất định, được sinh ra trong một gia đình và trong một môi trường xã hội nhất định, có một kiểu kiến trúc nầy hay kiểu kiến trúc nọ nhất định với những khát vọng, những thái độ, những yêu cầu và những từ khước dội lại từ phía tất cả những người đã sinh thành ra tôi: cha mẹ, thầy giáo, vv... Được định hình bởi những khát vọng vẫn đang tồn tại, bị chi phối bởi những cơ chế nơi mà tôi đã sống, chọn lựa do mình hoặc không do mình. Được nhào nặn bởi những khát vọng, những yêu cầu và những khước từ được kết câu lại và được kết thúc trong nền văn hoá và xã hội mà tôi đã sống và đang sống, vv... Những “giới hạn” đó không phải là một thứ khuyết điểm hạn chế thực tại là người của tôi, trái lại, chúng là những cái đang phác hoạ ra những nét chính của dung mạo, của tính cách, của ngã vị của tôi. Không có những giới hạn đó, tôi sẽ chẳng là gì cả. Nhờ có chúng, tôi mới có cái mà tôi đang là. Diễn từ mà tôi có thể có về Thiên Chúa vì thế gắn kết với thực tại bất tất là chính tôi đây. Tôi chỉ có thể nói Đấng mà vẫn là Thiên Chúa của tôi thôi.
Tình hình cũng sẽ như vậy thôi, cho dù tôi có là một thiên tài hay là một ông thánh thay vì  đơn giản chỉ là tôi như tôi hiện nay vẫn là. BACH không nói và cũng không làm ra hết được nhạc; BACH không phải là nhạc, cũng như REMBRANDT chẳng phải là hoạ, cũng như MOORE chẳng phải là điêu khắc. Chẳng có tình nhân nào là tình yêu cả. Chẳng có nhà thần học nào là Thần linh cả. Hình tượng Thần linh của tất cả mọi nhà thần học, ngay cả của LUCA, của PHAOLÔ, của YOAN, của AUGUSTIN, của THOMAS, của LUTHER, hay của BARTH đều chưa phải là phản ánh đầy đủ tất cả về Thiên Chúa. Nếu như tôi có được một may mắn nào đó đạt tới được thực tại là Thiên Chúa, và nếu như lời tôi có được may mắn nào đó bao hàm được một nội dung phổ quát nào đó, thì đấy không phải có cao vọng nói được tất cả về Thiên Chúa mà quả thực chỉ là nhằm thử nói lên Thiên Chúa của tôi là ai. Cũng như – gác qua một bên sự khác biệt là thiên tài – nếu BACH có được may mắn nào đó quả thực sáng tác được nhạc và đạt tới được tình trạng phổ quát, đấy không phải có cao vọng nói lên hết được về nhạc, mà là cố gắng đi sâu vào nơi thực tại sâu thẳm nhất của cái mà nhạc là đối với ông ta. Có người sẽ vặn lại rằng tình hình không phải như thế đối với thần học, vì đây là vấn đề Thiên Chúa. Tôi xin thưa rằng tình hình vẫn hoàn toàn đúng như thế, bởi vì điều quan trọng ở đây không phải là sự khác biệt to lớn thực sự giữa Thiên Chúa và nhạc, mà là sự kiện nầy là – cũng như nhà nhạc sĩ – nhà thần học là một con người và chỉ là một con người. Đó là cái vừa có thể là đáng kể nhưng đồng thời cũng chẳng là gì cho lắm. Nhà thần học không trách nhiệm về Thiên Chúa được như Thiên Chúa có trách nhiệm về chính mình Ngài. Nhà thần học không thể trả lời về Thiên Chúa được như chỉ mình Thiên Chúa có thể trả lời về chính Ngài. Nhà thần học chỉ có thể trả lời về chính mình như là tín hữu, về Thiên Chúa mà ông ta tin, về vị Thiên Chúa mà ông ta đang cố gắng hình dung ra trong mức độ mà mọi thứ nhận thức, mọi thứ tình yêu, mọi thứ diễn từ đều có khả năng xây đắp lên cho mình một đối tượng.
(Trích đoạn của Jacques POHIER, “Les conséquences d’une familiarité de vingt ans avec la psychanalyse sur ma pratique de la théologie”, trong Concilium, số 135 (1978), trg. 75 - 76)

X        X
X


Tài liệu tham khảo:
·           Fernado BELO, lecture matérialiste de l’Évangile de Marc, Paris, Cerf, 1974.
·           Michel CLÉVENOT, Approches matérialistes de la Bible, Paris, Cerf, 1976.
·           Francoise DOLTO, l’Évangile au risque de la psych- analyse,  Paris, Delarge, 1977. Về cuộc tranh luận xoay quanh cuốn sách nầy, xem Le Supplément, số 125, tháng 5 năm 1978. Một tập thứ hai xuất hiện năm 1978.
·           J. -CL. et Th. DEPREUX, Ici, il n’y a point de chemin, Toulouse Privat, 1977.
·           Viktor E. FRANKL, La psychothérapie et son image de l’homme, Paris, Resma, 1970.
·                       //       , Le Dieu inconscient, Paris, Centurion, 1975.
·           Yves Le GAL, Question(s) à la théologie chrétienne, Paris, Cerf, 1975. Có một cuộc tranh luận lý thú trong Le Supplément, số 115, tháng 11, 1975.
·           Marcel NEUSCH, Aux sources de l’athéisme contemporain, Paris, Centurion, 1977.
·           Jacques POHIER, Au nom du Père. Recherches théolo- giques et psychanalytiques, Paris, Cerf, 1972, coll. “Cogitatio Fidei”, số 66.
·                    //                 , Quand je dis Dieu, Paris, Seuil, 1977.
·           Paul RICOEUR, Le conflit des interprétations, Essais d’herméneutique, Paris, Seuil, 1969.
·           Denis VASSE, Le temps du désir, Paris, Seuil, 1968.
·           Antoine VERGOTE, Interprétation du langage religieux, Paris, Seuil, 1974.
·           Philippe WARNIER, Marx pour un chrétien, Paris, Fayard-Mame, 1977.
Tác giả: Bruno CHENU - Lm Phêrô Nguyễn Thiên Cung chuyển ngữ
Nguồn: giaolyductin.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét