Trang

Thứ Năm, 27 tháng 7, 2017

SUY NIỆM CHÚ GIẢI LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN A - LM. INHAXIO HỒ THÔNG


CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN A
Vào Chúa Nhật này, Phụng Vụ Lời Chúa đề nghị chúng ta suy niệm về “đức biện phân”.
1V 3: 5, 7-12
Bài Đọc I trích từ sách Các Vua quyển thứ nhất: để cai trị dân Chúa chọn, vua Sa-lô-mon cầu xin Thiên Chúa ban cho mình một con tim “biết lắng nghe” và một khối óc “biết phân biệt thị phi”. Thiên Chúa nhậm lời vua và ban cho vua một tâm hồn hiểu biết và khôn ngoan.
Rm 8: 28-30
Trong thư gởi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô nhắc cho các tín hữu nhận ra rằng Thiên Chúa tiền định cho họ trở nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài và làm cho mọi sự đều sinh lợi cho những ai yêu mến Ngài.
Mt 13: 44-52
Trong Tin Mừng, Đức Giê-su đòi hỏi chúng ta phải biết nhận ra giá trị khôn sánh của Nước Trời và sẵn sàng hy sinh mọi sự để thủ đắc cho bằng được Nước Trời.  
BÀI ĐỌC I (1V 3: 5, 7-12)
Vào năm 970 trước Công Nguyên, vua Sa-lô-mon lên ngôi kế vị vua cha là vua Đa-vít. Lúc đó, vua chỉ là “một thanh niên chưa từng trải”, như chính nhà vua nói trong lời cầu nguyện của mình. Theo sử gia Giô-sê-phút, khi lên ngôi, vua ở độ tuổi mười bốn; còn theo truyền thống Kinh Thánh, vua ở độ tuổi mười hai.
1.Giấc mộng của vua Sa-lô-mon:
Vua đi đến thánh địa Ghíp-ôn, cách Giê-ru-sa-lem khoảng chín cây số về hướng tây-bắc, để tế lễ, chỗ ấy là nơi cao trọng nhất, vì lúc đó, Đền Thờ Giê-ru-sa-lem chưa được xây dựng. Vua Sa-lô-mon dâng lễ tế lên Đức Chúa. Đêm sau đó vua được một mộng báo.
Giấc mộng đóng một vai trò quan trọng tại các dân tộc thời xưa. Các Pha-ra-ô Ai-cập và các vua miền Lưỡng Hà Địa luôn có các nhà giải mộng bên cạnh. Ở Hy-lạp, các tín đồ ngủ trong các đền thánh với hy vọng là mình nhận được một sứ điệp thần linh trong khi ngủ. Dân Ít-ra-en chắc hẳn cũng đã biết những mặc khải thần linh được thông truyền trong những giấc mơ. Đây là một trong ba hình thức thông truyền mặc khải thần linh rất phổ biến vào thời xưa: mộng báo, thị kiến và thần hiển.
2.Lời cầu xin của vua Sa-lô-mon:
Sa-lô-mon tỏ cho thấy một con người khôn ngoan trước tuổi; vua cầu xin Chúa ban cho mình một con tim “biết lắng nghe” và một khối óc “biết phân biệt phải trái” để vua có thể cai trị dân Chúa chọn, một dân lớn mạnh như thế.
Như người nông dân gặp được kho báu hay một thương gia gặp được viên ngọc quý trong Tin Mừng hôm nay, vị vua trẻ biết nhận ra những giá trị đích thật. Khi thức dậy, vua hiểu lời báo mộng của Đức Chúa. Quả thật, vua điều hành việc nước một cách khôn ngoan (ít ra trong giai đoạn đầu của triều đại mình). Trong giấc mộng, nếu vua từ chối những phú quý giàu sang, tuy vậy, vua được Thiên Chúa ban cho không chỉ sự khôn ngoan như lời vua cầu xin, nhưng còn muôn vàn vinh quang tuyệt bực.
3.Tính chất thần học của chuyện tích:
Chuyện tích không có tính chất lịch sử theo nghĩa nhặt. Quả vậy, các nhà biên soạn hai sách Các Vua (qua nhiều giai đoạn biên soạn) đã tra cứu những tài liệu bằng văn bản và đã thu thập những truyền khẩu, trong suốt thời gian làm việc nghiêm túc; nhưng nỗi bận lòng hàng đầu của họ thuộc trật tự thần học. Chìa khóa của lịch sử Ít-ra-en nằm trong tay Thiên Chúa. Về vấn đề này, chuyện tích về giấc mộng của vua Sa-lô-mon cho thấy hai khía cạnh quan trọng.
Trước tiên, chuyện tích này nhấn mạnh tính cách đặc biệt của vương quyền Ít-ra-en. Vương quyền này thuộc trật tự “ân sủng”. Chúng ta biết rằng dân Chúa chọn đã từ lâu ghê tỡm ý tưởng tôn một vị vua cho mình. Đối với họ, chỉ mình Đức Chúa là Vua duy nhất của họ. Tuy nhiên, những hoàn cảnh đã dẫn họ đến thể chế quân chủ; nhưng để thể chế quân chủ này được tín nhiệm, điều quan trọng là vị quân vương nhận ra mình chỉ là người trung gian giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Chúng ta nên lưu ý rằng vua Sa-lô-mon không nói “dân của tôi”, nhưng “dân của Ngài” khi vua ngỏ lời với Thiên Chúa. Về vấn đề này, mộng báo ở Ghíp-ôn đáp ứng mọi thỏa mãn và mặc lấy tinh cách của việc Thiên Chúa trao quyền.
Thứ nữa, những phẩm chất đặc biệt của con vua Đa-vít và vinh quang của triều đại vua hiển nhiên phải là lời đáp trả của Thiên Chúa, Đấng, ngay từ khởi đầu việc lên ngôi của vị vua trẻ, cầm tay vị vua bé nhỏ để hướng dẫn vận mệnh của vua. Như vậy, khi đọc lại lịch sử của dân tộc mình, người thuật chuyện có thể phát hiện ở đây Lịch Sử Thánh.
BÀI ĐỌC II (Rm 8: 28-30)
Đoạn trích thư của thánh Phao-lô này là phần kết của chương 8 thư gởi tín hữu Rô-ma. Phần kết này được bài ca Đức Ái kèm theo. Đây là bản văn gây nên những suy luận thần học về tiền định, ngay từ thời thánh Âu-gút-ti-nô.
1.Vấn đề:
Phải hiểu những lời này của thánh Phao-lô: “Những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, Con của Người, để Đức Ki-tô làm trưởng tử giữa một đoàn em đông đúc” như thế nào?

Trước tiên, chúng ta nên đặt những phát ngôn này trở lại mạch văn của chúng. Một cách khái quát, thánh Phao-lô lấy lại sự khai triển của mình trên sự công chính hóa nhờ đức tin và trên vinh quang của những người được tuyển chọn. Khởi điểm lập luận của thánh nhân là ý định rộng lớn của Thiên Chúa về nhân loại. Từ ngữ “ý định” luôn luôn được thánh Phao-lô dùng theo nghĩa phổ quát, không giới hạn. Một đàng, thánh Phao-lô nhấn mạnh lời kêu gọi của Thiên Chúa và lời đáp trả của con người. Đằng khác, về phía Thiên Chúa, Ngài “biết trước”, về phía con người, họ “được kêu gọi”; giữa Thiên Chúa và con người có “sự tự do”. Cứu cánh của con người là ơn gọi, chứ không là tiền định. Không còn có bất kỳ chỗ nào cho việc tiền định phải chịu kết án cả.

2.Tình Chúa yêu thương:

Đây là đề tài chủ đạo. Tiếng gọi của Thiên Chúa là tiếng gọi của tình yêu. Những người đáp trả tiếng gọi của Ngài, tức là “những ai yêu mến Người”, sẽ thấy rằng “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho họ”. Lợi ích hiển nhiên là ơn cứu độ chung cuộc, nhưng chắc chắn cũng là lợi ích tinh thần đối với thời hiện tại. Từ ngữ “mọi sự” chỉ những thế sự thăng trầm, cũng như những gian nan thử thách mà mỗi người phải chịu. Khi dẫn dắt các biến cố, Thiên Chúa muốn cứu độ những ai yêu mến Ngài, đôi khi Ngài dùng những phương cách gây sửng sốt bằng cách “làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho họ”.

Khái niệm yêu mến thậm chí ở nơi những lời: “Những ai Người đã biết từ trước”, vì từ ngữ Híp-ri tương đồng luôn luôn có một âm vang tuyển chọn xuất phát từ tình yêu. Chắc chắn thánh Phao-lô biết quá rõ ý nghĩa thâm sâu này. Sự kiện Thiên Chúa “biết từ trước” này không đồng nghĩa với sự chọn lựa cho bằng cái nhìn biện phân của Thiên Chúa, qua thời gian, đối với những ai đáp trả tiếng gọi của Ngài bằng đức tin.

3.Nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài:

Một lần nữa, thánh Phao-lô có một cái nhìn đầy lạc quan của mình trên chương thứ nhất của sách Sáng Thế, trong đó người ta rất dễ thấy một dấu chỉ đầy lạc quan này. Thiên Chúa đã sáng tạo con người theo hình ảnh và họa ảnh của Ngài; người Ki-tô hữu, trở nên con cái của Ngài, được ân sủng nhào nắn, được tiền định trở nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài, như Chúa Con đồng hình đồng dạng với Chúa Cha. Việc hiệp nhất của người Ki-tô hữu với Đức Ki-tô cho phép “phục hồi hình ảnh và họa ảnh nguyên thủy”.

Tiếp đó, thánh Phao-lô trở về khởi điểm của mình (kỷ thuật đóng khung); thánh nhân vạch lại những giai đoạn cứu độ: tiếng gọi của Thiên Chúa, câu trả lời của con người bằng đức tin, ơn công chính hóa và vinh quang. Chúng ta lưu ý rằng thánh Phao-lô đặt vinh quang mà người Ki-tô hữu nhận được không ở thì tương lai mà ở thì quá khứ: “Người đã cho hưởng vinh quang” để diễn tả một điều chắc chắn. Về việc sử dụng thì quá khứ để diễn tả điều chắc chắn trong tương lai, chúng ta gặp thấy một ví dụ khác trong Tin Mừng Mác-cô: về việc cầu nguyện, Đức Giê-su nói: “Tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý” (Mc 11: 24).

Chúng ta nên đọc lại bản văn: nếu có tiền định, thì không gì khác hơn đó là Thiên Chúa yêu thương chúng ta từ muôn thuở. Chủ đề về niềm hy vọng đem lại cung giọng cho toàn bộ chương 8 này: ý định của Thiên Chúa chính là hướng dẫn con người đến vinh quang và cho Con của Ngài trở nên “trưởng tử giữa một đoàn em đông đúc”.

TIN MỪNG (Mt 13: 44-52)

Vào Chúa Nhật này, chúng ta hoàn tất bài diễn từ dài trong đó Đức Giê-su rao giảng bằng những dụ ngôn. Đoạn Tin Mừng hôm nay thuật lại ba dụ ngôn mới: hai dụ ngôn “kho báu” và “ngọc quý” có ý nghĩa rất gần với nhau, còn dụ ngôn “chiếc lưới” rất gần với dụ ngôn “người gieo giống” và dụ ngôn “cỏ lùng”.

1.Dụ ngôn “kho báu” và dụ ngôn “ngọc quý”:

Hai dụ ngôn này được phân biệt rất rõ nét với các dụ ngôn trước đó. Các dụ ngôn trước đó liên quan đến lời loan báo về Nước Trời và sự phát triển của nó; chúng mang tính cách chủ yếu “miêu tả”. Dụ ngôn kho báu, cũng như dụ ngôn ngọc quý, là những “khuyến dụ” cá nhân, khẩn trương, đanh thép, nhằm thay đổi đời sống. Nếu chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa mời gọi chúng ta vào vương quốc của Ngài và Đức Giê-su là con đường dẫn chúng ta đến đó, lúc đó việc chúng ta kết hiệp với Đức Ki-tô là chuyện đương nhiên, không chậm trễ, trọn vẹn, không thể nào đảo ngược được; và việc chúng ta từ bỏ mọi sự cho điều cốt yếu duy nhất này là điều tất yếu dễ hiểu! Với sự hiện diện của Đức Ki-tô, Nước Trời hiện có mặt ở đây rồi. Kho báu này và ngọc quý này ở trong tầm tay của chúng ta. Việc từ bỏ mọi sự để có được kho báu này và ngọc quý này là nguồn vui lớn lao, niềm vui của sự tự do, niềm vui vì được giải thoát khỏi những điều bất tất.

2.Dụ ngôn “chiếc lưới”:

Dụ ngôn “chiếc lưới” này là dịp cho các môn đệ sống lại những kỷ niệm về nghề nghiệp xưa kia của mình. Dụ ngôn này lập lại những chủ đề của dụ ngôn “người gieo giống” và dụ ngôn “cỏ lùng”. Như người nông dân gieo hạt giống trên cánh đồng, thì ngư phủ thả chiếc lưới xuống biển. Như người nông dân chờ đợi mùa thu hoạch, thì ngư phủ phải chờ đợi mẽ cá hoàn tất. Các Tông Đồ đã trở thành những người lưới người như lưới cá – và Giáo Hội tiếp nối bước chân của các ngài. Giáo Hội phải biết kiên nhẫn hết mực. Số phận đe dọa bọn ác nhân được diễn tả theo cùng những ngôn từ như ở phần kết của dụ ngôn “cỏ lùng”.

3.Ý nghĩa lời kết của Chúa Giê-su: 

Đoạn Tin Mừng hôm nay kết thúc với cuộc đối thoại ngắn của Đức Giê-su với các môn đệ trong đó Đức Giê-su hỏi các ông để bảo đảm rằng các ông đã hiểu những lời dạy của Ngài và căn dặn các ông:“Bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như gia chủ kia lấy từ kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ”. Câu này được hiểu theo hai cách:

Trước hết, kinh sư Do thái được dân chúng kính trọng như một bậc thầy dạy, vì ông là một chuyên viên Kinh Thánh và là nhà ứng dụng Kinh Thánh vào đời sống. Vì thế, các nhà chú giải coi câu nói này liên quan đến chân dung kín đáo của tác giả Tin Mừng này, tức “Mát-thêu Hy-lạp”. Người ta tin rằng tác giả này, trước đây là một “kinh sư Do thái”, một chuyên viên Kinh Thánh, nay đã trở thành một trong các môn đệ của Đức Giê-su, ông đem áp dụng các sở trường của mình vào việc biên soạn Tin Mừng. Chỉ cần nghĩ đến sự tinh tế của việc “ứng nghiệm lời ngôn sứ” đã từng gặp thấy trong sách Tin Mừng này cũng đủ để xác nhận về những điều được nêu trên.

Thứ nữa, ở đây, Chúa Giê-su sử dụng thuật ngữ “kinh sư” để quy chiếu đến các Tông Đồ, họ sẽ là những bậc thầy dạy trong Giáo Hội của Ngài. Quả thật, các Tông Đồ và những người kế nghiệp các ngài, các Giám Mục, là những bậc thầy dạy của Giáo Hội: họ có uy quyền và sứ mạng giảng dạy. Đức Thánh Cha và các Giám Mục thực thi quyền này cách trực tiếp với sự cộng tác của các linh mục. Các thành viên khác của Giáo Hội hình thành nên các môn sinh của Giáo Hội, tức là “Giáo Hội thụ huấn”.

Vì thế, lời rao giảng của các vị mục tử không phải là điều gì mới lạ, nhưng là một chân lý duy nhất bất biến được chứa đựng trong kho tàng Mặc Khải. Trong hai ngàn năm qua, Tin Mừng đã luôn luôn là “tin vui, tin mừng”. Cách thức thánh Mát-thêu biên soạn Diễn Từ Dụ Ngôn phải là mẫu mực cho các vị hữu trách trong Giáo Hội: phải luôn biết trở về cái “Cũ”, tức là truyền thống chứa đựng những lời nói của Chúa Giê-su, nhưng đồng thời cũng phải mạnh dạn biết vận dụng truyền thống này, bằng cách khai triển và bổ sung nhằm cung ứng cho các nhu cầu “Mới” của các cộng đoàn Ki-tô hữu, như lời thánh Âu-gút-ti-nô “Thiên Chúa là Đấng vừa rất cổ xưa vừa vô cùng mới mẽ”.

Tuy nhiên, mỗi môn đệ của Chúa Ki-tô, mỗi người Ki-tô hữu đã nhận được giáo huấn của Chúa Ki-tô, đều có nghĩa vụ thông truyền giáo huấn này cho những người khác, bằng ngôn từ mà người ta có thể hiểu được; vì thế, người ấy phải đảm bảo mình hiểu đạo lý Ki-tô giáo. Kho tàng Mặc Khải phong phú đến mức nó có thể cung ứng giáo huấn cho mọi thời mọi lúc, bởi vì Lời Chúa soi sáng mọi thế hệ và luôn luôn là nguồn sống cho mọi cảnh huống.  

 
LM. INHAXIO HỒ THÔNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét