Trang

Thứ Hai, 24 tháng 7, 2017

Jurgen MOLTMANN Niềm hy vọng của Thập giá.

Jurgen MOLTMANN Niềm hy vọng của Thập giá.




Jurgen MOLTMANN, hiện nay, là một trong những giá trị được nhắc tới nhiều hơn cả trong thị trường giao dịch thần học. Công trình tư tưởng của MOLTMANN chẳng xa lạ gì đối với những vấn đề cơ bản của thần học Kitô-giáo. Đồng thời nó cũng rất cởi mở cho những vấn đề đại kết. Kể từ năm 1970,     J. MOLTMANN quan hệ rất mật thiết với Ủy ban đại kết các Giáo hội mà MOLTMANN đã đề tặng cuốn sách mới đây nhất của mình. Ảnh hưởng của MOLTMANN vượt ra khỏi biên thuỳ của những Giáo hội Cải cách mà ông là một thành viên. Nếu như lúc ban đầu mối quan tâm lớn của MOLTMANN là làm sao đem lại cho Kitô-giáo đặc tính có thể tin được, thì hiện nay càng ngày MOLTMANN càng ưu tư đặt nặng vấn đề, trong cơn khủng hoảng hiện nay, làm sao đưa ra ánh sáng nền tảng của Kitô-giáo.

Sinh tại Hambourg (Đức, ctnd) năm 1926, MOLTMANN đã biết cuộc chiến tranh 1939. MOLTMANN bắt đầu nỗ lực suy tư thần học của mình trong một trại giam tù ở Anh. MOLT- MANN đã thi hành nhiều tác vụ, giữa những năm 1953 và 1958, tuần tự ở Berlin rồi ở Brême. Sau đó, MOLTMANN bắt đầu giảng dạy thần học, trước tiên ở Wuppertal (1958 - 1963) và ở Bonn (1963 - 1967), rồi ở Tubingen là nơi năm 1967 ông được gọi ngồi vào ghế giáo sư thần học hệ thống ở Viện Đại học.

Nhờ có một văn phong sáng sủa, tư tưởng của MOLTMANN ngày nay đã được quảng bá trong quảng đại quần chúng. Một vài sưu tập những bài viết hay những bài giảng khuôn đúc tư tưởng của ông được người ta đọc cách dễ dàng. Những tác phẩm có ý nghĩa nhất của MOLTMANN đòi phải có nhiều động não hơn. J. MOLTMANN, một cách tổng quát, đặt cơ sở những luận đề của mình trên một lượng thông tin rộng rãi. MOLTMANN thường xuyên đối thoại với truyền thống của các Giáo hội và văn hoá hiện đại.

Những lời hứa của Thiên Chúa trong lịch sử.

Trong tác phẩm Théologie de l’Éspérance ( Thần học về Niềm hy vọng) J. MOLTMANN tự hoạch định cho mình trách nhiệm giải đố lời thách thức của chủ nghĩa Marx. Chủ nghĩa Marx, đối với nhiều người ngày nay, được coi như là học thuyết duy nhất có trong tay chìa khoá mở tương lai. Kitô-giáo phải chăng sẽ thành câm lặng, chẳng có một lời nào về cái tương lai nầy? Trong khi đối thoại với Ernest BLOCH, một nhà tư tưởng Marxít (1958 - 1977), người vẫn ca tụng một thứ hy vọng không cần có Thiên Chúa, J. MOLTMANN quyết tâm đem lại cho Kitô-giáo nguyên động lực tự nguồn gốc nguyên thuỷ của nó. MOLTMANN chứng tỏ rằng ở nơi Kitô-giáo có những tài nguyên phong phú để có thể là sức mạnh biến đổi ở trong lịch sử.

Theo Ernst BLOCH, Kitô-giáo vẫn dừng lại nửa đường không chịu đi nốt. Kitô-giáo có hé thấy mục tiêu cần phải đạt tới – hình ảnh không tưởng về Vương quốc của thiên Chúa – nhưng Kitô-giáo đã phản bội lại mục đích nầy khi đem nó chuyển qua một thế giới khác. Niềm hy vọng Kitô-giáo lưu đày biệt xứ con người thay vì giúp con người biến đổi trần gian để làm cho trần gian trở thành một thế giới khác. J. MOLTMANN nhượng bộ điểm nầy: người Kitô-hữu đã bỏ rơi tương lai vì thế giới bên kia, đã bỏ rơi Thiên Chúa đang đến vì Thiên Chúa hiện có đấy, đã bỏ rơi “cái chưa đến” vì “cái đã ở đấy”, ngay cả nếu như những khía cạnh bị bỏ rơi nầy có sống lây lất bên lề giữa những Kitô-hữu phản kháng của tất cả mọi thời. Kitô-giáo thôi không còn là muối của đất. Nếu muốn vẫn còn trung thành với bản chất của mình, Kitô-giáo phải thừa nhận điều nầy là ý tưởng thay đổi là một ý tưởng đồng tồn tại trong chính bản thể của nó (consubstantielle). Cuộc sống của nó, đó là những lời hứa của thiên Chúa, vẫn không ngừng cứ phải mở tung những cánh cửa lòng của nó ra để hướng nó về một tương lai mới.

J. MOLTMANN lại đem trở vào Kitô-giáo một chiều kích vẫn quá bị lãng quên: đó là tương lai. “Chỉ có một vấn đề thực sự ở trong thần học, đó là vấn đề tương lai”. Nếu thời gian Kitô-giáo là một thứ thời gian đi theo đường thẳng, hướng về tương lai, điều đó phát xuất từ chính bản chất của Thiên Chúa của nó, Đấng mà “đặc tính tính thể riêng biệt của Ngài là tương lai”. Thiên Chúa là “Đấng đang đến”. Ngài mở ra cho con người khoảng không gian của lời hứa. Và tương lai không phải là đã được bãi bỏ với Đức KITÔ. Trái lại, chính tương lai lại nhận từ nơi Đức KITÔ chân trời đích thực của mình. Nếu biến cố phục sinh là sự hoàn tất của lời hứa, thì nó đồng thời cũng là khai mào một lời hứa mới cho thời “sẽ phải đến”.

Thực tại hiện sinh Kitô-giáo từ đó trở thành nỗi đam mê đối với tất cả những gì đã trở thành khả dĩ nơi Đức KITÔ, nhưng đồng thời cũng bao hàm sứ mạng là phải biến nó thành hiện thực. Niềm hy vọng Kitô-giáo bao hàm nỗi bức bách phải có một nỗ lực đổi thay thế giới. J. MOLTMANN nhấn mạnh mối dây hiện hữu giữa promissio (lời hứa) và missio (sứ mạng).

Trở về với căn cước tính của người Kitô-hữu.

Với thần học về niềm hy vọng, J. MOLTMANN đã đáp ứng một niềm mong đợi của những người Kitô-hữu. Trên cơ sở thần học, J. MOLTMANN đã biện minh cho sự dấn thân xã hội và chính trị của người Kitô-hữu. Với hai tác phẩm khác, MOLTMANN quay trở lại hướng về nền tảng của Kitô-giáo. MOLTMANN đưa ra thành chân lý hiển nhiên những tiêu chuẩn thần học cho hành động của Kitô-giáo. Như vậy, người ta thấy được đấy là một công trình được xây dựng với một thế quân bình đáng kể, qua lại giữa nỗ lực “chú giải về những hậu kết” nhằm làm lộ rõ ra đặc tính thường tồn của Kitô-giáo vì thế giới, và nỗ lực “chú giải về nguồn gốc”, đấy chính là một cuộc tìm kiếm căn cước tính của Kitô-giáo. Một đàng, J. MOLTMANN ước lượng định giá những cơ may của Kitô-giáo đối với tương lai, đàng khác, J. MOLTMANN bám riết nỗ lực giữ gìn cho được căn tính của Kitô-giáo giữa cơn phong ba khủng hoảng hiện thời.

Đôi khi, người ta đã muốn cắt nghĩa tác phẩm Le Dieu crucifié (Thiên Chúa bị đóng đinh) như là một sự quay từ Chúa nhật Phục sinh trở lại ngày Thứ Sáu tuần thánh. Lối đọc như thế không thích hợp với ý đồ của J. MOLTMANN, người trong tác phẩm nầy muốn điều chỉnh khuynh hướng quá lạc quan của thần học về niềm hy vọng. Ở đây, J. MOLTMANN để lộ hai mối ưu tư: 1/  Du nhập vào, như là một yếu tố hiện diện ở trong lịch sử, “yếu tố tiêu cực” (những bất công, những trại tập trung, khổ đau, sự chết). Đó là một khía cạnh mà chủ nghĩa Marx lẩn tránh, đặc biệt khi đối diện với những vấn nạn có tính chất hiện sinh (ở đây phải hiểu là trên bình diện triết học, chủ yếu là Siêu hình học, trong khi đó thì triết học duy vật phủ nhận sự tồn tại của siêu hình học, ctnd). J. MOLTMANN vẫn rất nhạy cảm với khía cạnh nầy, vừa do kinh nghiệm bản thân vừa nhờ đọc những triết gia thuộc Trường Francfort (Đức, ctnd) (ở Pháp được phổ thông hoá nhờ các “nhà triết học mới”. Vấn đề sự dữ đặt tất cả mọi thái độ lạc quan vào ngõ bế tắc thất bại);           2/  Cung cấp cho niềm hy vọng Kitô-giáo nền tảng đích thực của nó: tương lai được tạo ra do Đức KITÔ là tương lai của Đấng bị đóng đinh trên Thập tự giá. Thần học về niềm hy vọng thôi không còn tính chất Kitô-giáo nữa nếu như nó quay lưng lại với Thập giá.

Chính xuất phát từ cơ sở đó mà J. MOLTMANN sẽ đi tìm nơi Thập giá chìa khoá mở lịch sử. Thập giá mang một nội dung ý nghĩa chính trị. Đức YÊSU được gặp thấy ở đây như là một kẻ vi phạm lề luật, nổi loạn chống lại quyền lực, phỉ báng tôn giáo. Ngài chết, bị Thiên Chúa bỏ rơi. Tất cả mọi thứ quyền lực đều tự liên minh tập trung lại để chống lại Ngài. Nhưng, khi Phục sinh Ngài, Thiên Chúa đã làm cho Ngài trở nên Trưởng tử của sự sống. Phục sinh không gạt bỏ Thập giá, mà mở ra từ Thập giá chân trời đích thực. Phục sinh loan báo rằng tương lai thuộc về tất cả những ai bị đóng đinh trên thập tự giá của lịch sử.

Như vậy, Thập giá truất phế tước đoạt ra khỏi tất cả mọi thứ quyền lực nhân loại cái mặt nạ thánh thiêng của chúng: lề luật, chính trị, tôn giáo. Còn hơn nữa: Thập giá lập phiên toà của thiên Chúa để chống lại Thiên Chúa. Thiên Chúa “khác” với tất cả mọi thứ mộng tưởng, ý niệm, chính trị của chúng ta. Dung mạo của Đấng bị đóng đinh trên Thập tự giá ghi dấu, đối với người Kitô-hữu, con đường phân ranh giữa một thứ thần học dựa trên siêu hình học và thần học Kitô-giáo. Thập giá là mạc khải đích thực của thiên Chúa, và với tước hiệu đó, Thập giá không chỉ là một đoản kỷ lịch sử mà là một biến cố nội tại trong thực tại Ba Ngôi. Cần phải khởi từ Thập giá để suy tư về quan hệ giữa thiên Chúa với nhân loại khổ đau, nhưng cũng cần phải cả tương lai của con người nữa. 

Giáo hội trong quyền năng của Thần Khí.

Còn Giáo hội? Giáo hội không được quan niệm bên ngoài lịch sử của thực tại Ba Ngôi, vì đây chính là nguồn gốc và cùng đích của nó. Giáo hội đến từ một sáng kiến của Thiên Chúa và có được đặc tính có cùng đích ở nơi Thiên Chúa. Nhưng, Giáo hội ở trong thời gian, hiện diện giữa lòng nhân loại. Tại sao? Nếu nguồn gốc về cùng đích của Giáo hội là ở nơi Thiên Chúa, thì sứ mạng của Giáo hội trong lòng thế giới cũng đến từ Thiên Chúa nữa: Giáo hội phải làm cho tình yêu Thiên Chúa trở nên hoạt năng, phải mạc khải ra huyền nhiệm tình yêu của Ba Ngôi.

Sứ mạng đó không được lẫn lộn với một vài thứ dự phóng của chủ nghĩa nhân bản, ngay cả như khi Giáo hội  phục vụ nhân loại. Là cộng đoàn “đang xuất hành”, Giáo hội lấy Thập giá làm điểm gốc xuất phát và phải từ Thập giá rút ra tiêu chuẩn cho tất cả mọi thứ chính trị: Giáo hội phải nói lên niềm hy vọng mà chắc chắn được làm nẩy sinh do vị “Thiên Chúa đã tự đồng hoá nơi Đức KITÔ cùng với những con người nghịch đạo (impies) và những kẻ bị Thiên Chúa bỏ rơi” đó. Giáo hội là “lịch sử của Ba Ngôi Thiên Chúa với thế giới”. Cụ thể, sứ mạng của Giáo hội hệ tại ở điều nầy:

“Giáo hội thông phần nỗ lực làm cho Thiên Chúa được vinh quang trong khi giải phóng thực tại tạo thành. Ở đâu mà nỗ lực giải phóng nầy được thực hiện do hành động của Thần Khí, ở đấy là Giáo hội. Giáo hội đích thực là bài ca chúc tụng của những con người được giải phóng.

“Giáo hội thông phần nỗ lực giải hoà giữa con người với nhau, giữa xã hội với thiên nhiên, giữa tạo thành với Thiên Chúa. Ở đâu thực hiện được những nỗ lực hoà giải như thế, dù chỉ là từng mảnh vụn và mỏng dòn đến đâu chăng nữa, ở đấy là Giáo hội. Giáo hội đích thực là cộng đoàn tình yêu.

“ Giáo hội thông phần lịch sử khổ đau của Thiên Chúa. Ở đâu có những người vác trên vai thập giá của mình và, do tận hiến, đồng hoá với Đấng bị đóng đinh trên Thập tự giá (... ), ở đấy là Giáo hội. Giáo hội đích thực là “Giáo hội ở dưới Thập giá”.

“Nhưng, bằng cách đó, Giáo hội cũng thông phần niềm vui của Thiên Chúa. Giáo hội vui mừng mỗi khi có người trở lại, và mỗi lần có biến cố giải phóng. Ở đâu vang vọng niềm vui của Thiên Chúa nầy, ở đấy là Giáo hội. Giáo hội đích thực là niềm vui trong Thần Khí.

“Như vậy, toàn thể thực thể của giáo hội được đặc trưng bởi sự thông phần vào lịch sử của Thiên Chúa với thế giới...” (trg. 81).

Tên tuổi của MOLTMANN vẫn còn gắn chặt với thần học về niềm hy vọng mà thành công của nó những người công giáo một phần cũng phải mang ơn do sự kiện nó đã được Hiến chế Vui mừng và Hy vọng (Giáo hội và thế giới) trưng dụng lại như là chính lập trường thần học của mình. MOLTMANN đã giúp cho người công giáo tự cảm thấy thoải mái ở trên quỹ đạo mới nầy. Nhưng, suy tư của MOLTMANN ngày càng hướng ông ta, khởi từ lịch sử Thiên Chúa với con người, quay về huyền nhiệm Ba Ngôi, nguồn cội của giòng suối lịch sử nầy. Khi lại đưa chúng ta trở về lại với những nền tảng của tất cả mọi thứ thần học như thế. MOLTMANN muốn giúp chúng ta tránh đừng sa ngã vào một thứ Kitô-giáo “tắc kè”, thay đổi đủ mọi thứ màu sắc tuỳ theo tất cả mọi môi trường và tất cả mọi thứ ý thức hệ.
Marcel NEUSCH

X       X
X

Tương lai Thiên Chúa dành cho lịch sử.

Cùng với Đức KITÔ, có cái gì mới đã đến với thế giới? Đó là việc con người được xem thấy Thiên Chúa, cùng đi đôi với việc được xem thấy một tạo thành mới và xem thấy một con người mới. Nhưng, trong Đức KITÔ, người ta có thể xem thấy gì về cái tương lai mới nầy của Thiên Chúa, của thế giới và của con người? Đứng hàng đầu, điều độc nhất, đấy là sự phủ nhận cái phủ nhận (négation du négatif) (... ). Trong ngã vị của Đấng bị đóng đinh trên Thập tự giá, biểu lộ rõ ra là gì tình trạng bị Thiên Chúa bỏ rơi, tình trạng tha hoá và nỗi bất hạnh. Tương lai mới của Đức KITÔ trở nên tác hoạt trong lịch sử hệ tại ở chỗ phơi bày ra cái phủ định, quá khứ, cái phải chết và sự chiến thắng trên tất cả những cái đó. Chúng ta, hiện nay, chỉ có thể khám phá ra vinh quang sắp đến đó trên dung mạo của Đấng bị đóng đinh, chúng ta chỉ có thể cảm nhận được tương lai đó khi nhận ra cái đã già nua của hiện tại; chúng ta có cảm nghiệm được tự do trước nhất là khi chúng ta bắt đầu phải chịu khổ đau vì tình trạng nô lệ, khi chúng ta không còn chấp nhận nó nữa với một tâm trạng bệnh hoạn coi đó như là một định mệnh. Từ nơi Đấng được phục sinh, không có những hình ảnh tỏ bày được nhân tính mới và tự do vô hạn của Ngài – có chăng, thì cũng không đúng, vì chúng tất yếu phải bị pha lẫn những mầu sắc của tấm nền tương lai và vẫn bị nhúng chàm trong cuộc sống bầm dập hạ giới nầy. Ngược lại, những hình ảnh của Đấng bị đóng đinh trên Thập giá luôn luôn phản ánh lại cho chúng ta tất cả mọi nỗi bất hạnh như là của cả một thời đại chồng chất lên (... ).

Đối với niềm hy vọng Kitô-giáo, cái nhìn bao quát rộng rãi về Thiên Chúa và về thực tại tạo thành mới đó cắm sâu trong hồi niệm về biến cố Phục sinh của Đức KITÔ bị đóng đinh trên Thập tự. Trong biến cố Phục sinh của Đức KITÔ, người ta biện biệt ra được một thứ tự do mới trong lịch sử, không chỉ là một sự giải phóng ra khỏi một tình trạng chuyên chế  ở trong lịch sử mà kể cả tình trạng chuyên chế là chính lịch sử: ở đây, người ta biện biệt ra được một sự phản ánh về vinh quang của thiên Chúa đang đến và về thực tại tạo thành mới của Ngài. Quả thực, theo niềm tin Kitô-giáo, chỉ một mình Đức KITÔ được phục sinh; cái tương lai về thực thể mới đó chỉ mới bắt đầu nơi Ngài một cách tiềm thể (matériellement), còn về phần chúng ta, chúng ta vẫn chưa ở trong thực tại hiện thực của thực thể mới nầy; tuy nhiên, do bởi niềm tin và niềm hy vọng, ngay bây giờ, chúng ta được thông phần “những sức mạnh của thế giới mới đó”. Chính như vậy mà đối với niềm tin, Đức KITÔ trở nên trung tâm điểm của niềm hy vọng tràn đầy vào cái thế giới mới đó, nơi mà Thiên Chúa hiện diện.

(Conversion à l’avenir, Paris, Seuil, 1975, pp. 174 et 177)

Tài liệu tham khảo:

Về Jurgen MOLTMANN, trước tiên cần lưu ý 3 tác phẩm chính nầy:
·           Théologie de l’espérance. Études sur les fondements et les conséquences d’une eschatologie chrétienne, paris, Cerf-Mame, 1970, coll. “Cogitatio Fidei”, n0 50.
·           Le Dieu crucifié. La croix du Christ, fondement et critique de la théologie chrétienne, Paris, Cerf-Mame, 1974, coll. “Cogitatio Fidei”, n0 80, (éd. Allemande, 1972).
·           Kirche in der Kraft des Geistes, Munchen, Chr. Kaiser, 1975. (L’Église dans la puissance de l’Esprit, non traduit).
Những tác phẩm khác, kém phần quan trọng hơn, thường lại có thể giúp bạn tiếp thu được dễ dàng hơn tư tưởng của Jurgen MOLTMANN, đó là:
·           Discussion sur la “Théologie de la Révolution” (en collaboration), Paris, Cerf-Mame, 1972.
·           Le Seigneur de la danse. Essai sur la joie d’être libre et sur le plaisir de jouer, Paris, Cerf-Mame, 1972.
·           Théologie de l’espérance, Débats (en collaboration), Paris, Cerf-Mame, 1973.
·           L’homme. Essai d’anthropologie chrétienne, Paris, Cerf-Mame, 1974.
·           L’espérance en action, Paris, Seuil, 1975.
·           “L’absolu et l’historique dans la doctrine de la Trinité”, dans l’ouvrage collectif Hegel et la théologie contem- poraine Neuchâtel-Paris, Delachaux et Niestlé, 1977.
Về MOLTMANN, người ta có thể tham khảo số đặc biệt trong Études théologiques et religieuses, 1974, 4.
Tác giả: Bruno CHENU - Lm Phêrô Nguyễn Thiên Cung chuyển ngữ
Nguồn: giaolyductin.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét