Tranh luận về ngày chết và ngày phục sinh của Đức Giêsu
Bấy lâu nay vẫn luôn có những tranh luận giữa các học giả về ngày chết và ngày phục sinh của Đức Giêsu. Truyền thống của Giáo Hội vẫn tin rằng Đức Giêsu đã chịu chết vào ngày thứ Sáu và phục sinh vào sáng Chúa Nhật. Chính vì thế mà chúng ta thường cử hành mầu nhiệm Vượt Qua vào ngày gọi là thứ Sáu Tuần Thánh, thứ Bảy Tuần Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh. Tuy nhiên, vẫn có một số người không đồng ý với điều này. Mỗi bên đều có những lập luận của mình. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về cuộc tranh luận này, trước hết là của phía bác bỏ, sau đó là của bên ủng hộ.
Dựa vào câu nói của Mt 12,40: “Như Giona đã ở trong bụng cá ba ngày ba đêm như thế nào thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy”, những người bác bỏ cho rằng nếu Đức Giêsu chết vào thứ Sáu và phục sinh vào Chúa Nhật thì không thể trọn vẹn “ba ngày ba đêm” được. Nhưng các Tin Mừng lại nói rằng ngày hôm sau ngày chết của Đức Giêsu là ngày Sabat (là ngày thứ bảy của chúng ta). Như thế, chẳng phải Đức Giêsu chết vào thứ Sáu sao? Phe bác bỏ nói rằng thật ra, chúng ta đã lầm lẫn liên quan đến chi tiết “ngày Sabat” này.
Theo sách Lêvi, chương 23, có hai loại ngày Sabat: một loại là chính ngày thứ bảy trong tuần (gọi là Sabat theo tuần), còn loại kia là những dịp lễ lớn (lễ Bánh Không Men) (gọi là Sabat theo năm). Loại thứ hai này có thể rơi vào bất cứ ngày nào trong tuần, và nó sẽ trở thành ngày nghỉ lễ, theo như luật truyền. “Ngày áp lễ” mà Gioan 19,31 nói đến chính là ngày chuẩn bị cho ngày lễ Sabat theo năm. Hay nói cách khác, đó là ngày chuẩn bị cho ngày lễ Bánh Không Men. Những người này lập luận thêm rằng theo Mt 26,19-20; Mc 14,16-17; Lc 22,13-15, tối hôm lễ Vượt Qua, Đức Giêsu ăn tối với các môn đệ. Sau đó, Ngài bị bắt, bị tra tấn và bị hành hình vào ngày hôm sau (vẫn là ngày lễ Vượt Qua vì với người Do Thái, một ngày được tính từ chiều hôm trước đến chiều hôm sau chứ không phải tính từ buổi sáng sớm như chúng ta). Ngày cử hành lễ Vượt Qua này cũng là “ngày áp lễ” cho lễ Bánh Không Men (sẽ được cử hành vào ngày hôm sau) của năm đó. Gioan đã gọi lễ Bánh Không Men này là “lễ lớn” (x.Ga 19,31). Nói cách khác, Đức Giêsu đã chết vào buổi chiều ngày lễ Vượt Qua, một vài giờ trước khi mặt trời lặn để bắt đầu ngày lễ Bánh Không Men.
Có một chi tiết khác đáng lưu ý củng cố cho lập trường này. Trong Mc 16,1, tác giả nói rằng: “Bấy giờ khi đã qua ngày Sabat, bà Maria Magdalena, bà Maria mẹ của ông Giacôbê và bà Salômê đã mua dầu thơm để đi ướp xác Đức Giêsu.” Lc 23,55-56 bổ túc thêm: “Cùng đi với ông Giuse có những người phụ nữ đã theo Đức Giêsu từ Galilê. Các bà để ý nhìn ngôi mộ và xem xác Người được đặt như thế nào. Rồi các bà về nhà, chuẩn bị dầu và thuốc thơm. Nhưng ngày Sabat, các bà nghỉ lễ như luật truyền.” Những người theo phe bác bỏ cho rằng ngày Sabat mà Marcô nói đến và ngày Sabat mà Luca nói đến là hai ngày Sabat khác nhau. Ngày Sabat của Marco là ngày lễ Bánh Không Men; còn của Luca là ngày Sabat bình thường.
Tổng hợp tất cả những dữ kiện này lại, cộng với lời tiên báo của Đức Giêsu “ba ngày ba đêm”, những người này đi đến kết luận rằng Đức Giêsu phải ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ vào tối thứ Ba; buổi chiều ngày hôm sau (thứ Tư), Đức Giêsu bị hành hình. Từ tối thứ Tư đến tối thứ Năm là ngày lễ Bánh Không Men. Từ tối thứ Năm đến tối thứ Sáu là ngày các phụ nữ bắt đầu đi mua dầu thơm như Mc 16,1 nói. Từ tối thứ Sáu đến tối thứ Bảy là ngày Sabat bình thường và các phụ nữ phải nghỉ lễ như Lc 23,55-56 nói đến. Từ tối thứ Bảy đến tối Chúa Nhật (theo từ ngữ của chúng ta) là “ngày thứ nhất trong Tuần” (Ga 20,1), là ngày mà từ “sáng sớm”, các bà ra mộ và đã thấy tảng đá bị lăn ra rồi. Và vì “khi trời còn tối mịt”, các bà ra mồ và thấy tảng đá đã bị lăn đi, nên Đức Giêsu phải phục sinh trước đó. Nghĩa là Ngài phải phục sinh vào tối thứ Bảy chứ không phải là sáng Chúa Nhật. Với suy luận như thế, nhóm bác bỏ cho rằng mình đã giải quyết được chuyện “ba ngày ba đêm” mà Đức Giêsu nói đến.
Nhóm ủng hộ truyền thống Giáo Hội trả lời thế nào?
Khi tiên báo “thời điểm” cho sự phục sinh, Đức Giêsu đã dùng nhiều từ khác nhau. Có khi Ngài dùng “vào ngày thứ ba” (10 lần), có lúc thì “trong ba ngày” (5 lần), lúc khác thì “sau ba ngày” (2). Chỉ một lần duy nhất khi nói về cái chết của mình, Ngài dùng từ “ba ngày ba đêm”. Nếu Đức Giêsu là người nhất quán trong lời tiên báo của mình thì chắc hẳn là những cụm từ này mà Ngài sử dụng cũng phải cùng một nghĩa với nhau, dù được diễn tả dưới những ngôn từ khác nhau. Ta không thể hiểu “ba ngày ba đêm” là 72 tiếng đồng hồ được. Vì như thế, ta sẽ chẳng thể nào giải thích được chuyện làm sao nó có thể ăn khớp với “trong ba ngày” (chưa đủ 72 tiếng), hay với “sau ba ngày” (nhiều hơn 72 tiếng). Nhưng phải dung hoà nó bằng cách nào? Dĩ nhiên là phải áp dụng cách tính ngày theo truyền thống Do Thái thời đó.
Đối với người Do Thái, một phần của một ngày cũng được xem là một ngày trọn vẹn. Đó là ngày thứ nhất, ngày tiếp theo sẽ là ngày thứ hai; chứ không phải đợi đến ngày hôm sau mới là ngày thứ nhất. Ta có thể thấy nhiều ví dụ về cách tính thời gian như thế này trong các trình thuật khác của Kinh Thánh. Ví dụ như chuyện lụt Đại Hồng Thuỷ của Nôe. Ở St 7,4, Thiên Chúa nói: “Trong vòng bảy ngày…”. Nhưng ở St 7,10, thì lại nói: “Bảy ngày sau…”. Hay ví dụ khác về chuyện cắt bì cho trẻ mới sinh: St 17,12 nói là “khi được tám ngày tuổi”, Lc 1,59 lại nói “vào ngày thứ tám”, Lc 2,21 viết “khi đủ tám ngày”. Thật ra, không có sự khác biệt nào cả về cách nói này, tất cả có ý muốn nói đến ngày thứ 8 kể từ khi đứa bé được sinh ra (ngày mà đứa bé được sinh ra được xem là ngày thứ nhất). Đức Giêsu đã phục sinh vào ngày thứ ba, như lời Ngài đã nói. Chính các môn đệ Emmaus cũng xác nhận điều này: “Hôm nay là ngày thứ ba để từ khi những sự việc đó xảy ra.” (Lc 24,46). Các Thượng Tế và Kinh sư cũng cho thấy điều khi đối thoại với Philatô: “Thưa Ngài, chúng tôi nhớ là còn sống, hắn có nói về sẽ sống lại sau ba ngày. Vậy xin Ngài hãy ra lệnh canh gác mộ cẩn thận cho đến ngày thứ ba, kẻo các môn đệ hắn ban đêm đến trộm xác hắn và phao tin khắp nơi là hắn đã sống lại (Mt 27,63-64). Điều đó có nghĩa là: ngày Ngài chết là ngày thứ nhất, sau đó là ngày thứ hai, tiếp theo là ngày Ngài phục sinh.
Nhóm bác bỏ truyền thống Giáo Hội cho rằng có hai ngày Sabat vào tuần đó: một cái rơi vào thứ Năm (lễ Bánh Không Men), cái kia là ngày thứ Bảy Sabat như hàng tuần. Nhưng thực ra, nếu đọc kỹ Ga 19,31, ta sẽ thấy hai ngày Sabat này trùng nhau, chứ không tách biệt nhau. Hay nói cách khác, lễ Bánh Không Men của năm ấy rơi vào đúng ngày thứ bảy Sabat. “Hôm đó là ngày áp lễ, người Do Thái không muốn để xác chết trong ngày Sabat, mà ngày Sabat đó lại là ngày lễ lớn.” (Ga 19,31). Ngày nằm sau ngày Đức Giêsu chịu đóng đinh không chỉ là ngày Sabat hàng tuần bình thường, nhưng còn là ngày lễ lớn. Vì thế, ngày Chúa Giêsu chịu đóng đinh chỉ có thể là vào ngày thứ Sáu.
Những người phụ nữ sau khi thấy xác Đức Giêsu bị đưa xuống khỏi thánh giá, quan sát việc người ta đặt xác Ngài trong mộ trống, đã vội vàng về nhà chuẩn bị dầu thơm để có thể táng xác Chúa. Nhưng họ chưa kịp làm thì đã chuyển sang ngày Sabat và họ phải nghỉ việc như luật truyền. (x.Lc 23,54 – 24,1). Đợi hết ngày Sabat (hết ngày thứ Bảy), sáng sớm hôm sau (sáng Chúa Nhật), họ ra mộ thì thấy mọi chuyện như Tin Mừng thuật lại. Nếu Đức Giêsu bị đóng đinh vào thứ Tư như nhóm bác bỏ nói thì ta sẽ không thể nào giải thích được tại sao họ không đi xức dầu thơm cho xác Chúa vào thứ Sáu, mà phải đợi đến Chúa Nhật (ngày thứ tư sau cái chết). Bởi lẽ thời đó, người ta biết rằng khi người chết đã vào ngày thứ tư thì không còn xức dầu nữa vì xác đã bắt đầu có mùi hôi. Matta và Maria đã nói điều này với Đức Giêsu liên quan đến việc Chúa làm cho Ladaro sống lại. “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày.” (Ga 11,39). Câu nói này của Matta cho thấy cách quan niệm của người thời đó về việc phân huỷ của xác chết mà người nào cũng phải biết, đó là sau bốn ngày bị đặt trong vào mộ, xác chết đã trở nên nặng mùi. Việc mở nắp quan tài ra là điều không thể, chứ đừng nói gì đến chuyện xức dầu thơm.
Về thời điểm phục sinh, nhóm bác bỏ vịn vào Ga 20,1 “sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần”, “lúc trời còn tối mịt” để khẳng định rằng “sáng sớm” ở đây được hiểu là “chiều tối ngày thứ Bảy”, Đức Giêsu phải phục sinh vào chiều hoặc tối thứ Bảy (ngay sau khi ngày Sabat kết thúc), để tính cho đủ “ba ngày ba đêm” hay 72 tiếng đồng hồ. Nhưng Marcô thì nói rằng các bà ra mộ “khi mặt trời vừa ló dạng” của ngày thứ nhất trong tuần (ngày Chúa Nhật) (x.Mc 16,2).
Việc Đức Giêsu chịu chết ngày thứ Sáu, và Phục Sinh vào ngày Chúa Nhật có một ý nghĩa thần học gì không?
Đọc lại Lv 23,5-6, ta thấy có nhắc đến một số lễ: ngày 14 của tháng đầu tiên là lễ Vượt Qua, ngày 15 sẽ ngày lễ Bánh Không Men, và ngày 16 là ngày dâng của lễ đầu mùa. Lv 23,10-11 nói rằng: “Hãy nói với con cái Israel và bảo chúng rằng: ‘Khi các ngươi vào đất Ta ban cho các ngươi và gặt mùa ở đó, thì phải đem đến cho tư tế một bó lúa, sản phẩm đầu mùa gặt hái của các ngươi. Nó sẽ làm nghi thức tiến dâng trước nhan Đức Chúa để các ngươi đoái nhận; tư tế sẽ làm nghi thức tiến dâng hôm sau ngày Sabat.”
Thứ tự và ý nghĩa của các lễ này làm cho chúng ta nhớ đến Đức Giêsu. Ngài thật sự là con chiên chịu hiến tế, như Gioan Tẩy Giả đã từng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa!” (Ga 1,36). Ngài đã chịu chết vào ngày 14 tháng Nisan, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, như thánh Phaolo nói: “Đức Kitô đã chịu chết vì tội lỗi chúng ta, như lời Kinh Thánh.” (1Cor 15,3). Không những thế, Đức Giêsu cũng phải sống lại theo như lời Kinh Thánh (x.1Cor 15,4). Hơn thế nữa, Đức Giêsu không chỉ là cuộc vượt qua của chúng ta nhưng còn là “hoa trái đầu mùa tiến dâng cho Thiên Chúa (1Cor 15,20). Với ý nghĩa sâu xa này, ta hiểu được lý do vì sao Đức Giêsu dùng từ “ngày thứ ba” hơn những từ khác để nói về thời điểm phục sinh của mình. Như là Của Lễ Đầu Mùa, Đức Giêsu phải được tiến dâng cho Thiên Chúa sau ngày Sabat (ngày Chúa Nhật của chúng ta). Vào năm Đức Giêsu chịu chết, ngày Sabat theo tuần này trùng khớp với ngày Sabat theo năm (ngày lễ lớn, lễ Bánh Không Men). Tất cả những gì xảy ra cho Đức Giêsu đều ứng nghiệm lời Kinh Thánh đã viết năm xưa: Đức Giêsu chịu hiến tế vào ngày thứ Sáu và phục sinh vào ngày Chúa Nhật.
Tổng hợp và trình bày: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
https://dongten.net/2018/04/01/tranh-luan-ve-ngay-chet-va-ngay-phuc-sinh-cua-duc-giesu/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét