Trang

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2018

Lễ Thăng Thiên – Khát Vọng Lên Trời

Lên Trời Là Lên Đường


CHÚA NHẬT LỄ CHÚA GIÊSU LÊN TRỜI
Mc 16, 15-20
Hôm nay toàn thể Giáo hội mừng lễ Chúa lên trời hay lễ Thăng Thiên. Ngày lễ Thăng Thiên có một ý nghĩa rất quan trọng trong dòng lịch sử Giáo hội. Lý do là vì Thăng Thiên vừa kết thúc mùa Phục Sinh, vừa là một mạc khải cuối cùng nói về vinh quang của Chúa Phục Sinh. Tuy nhiên Thăng Thiên vẫn chưa là biến cố sau cùng mà là một khai mở cho biến cố mới: biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống như Chúa Giêsu đã hứa.
Chúa lên trời, cũng có nghĩa là từ nay Người không còn hiện diện cách hữu hình, cách khả giác nữa mà là một sự hiện diện khác – hiện diện bằng chính quyền năng của Chúa Thánh Thần, hiện diện qua chính Giáo hội. Hiểu được như thế chúng ta sẽ thấy rằng, việc Chúa lên trời quả là một niềm vui cho chúng ta. Vì nhờ đó, chúng ta cũng sẽ hướng về quê trời – nơi chúng ta sẽ được hưởng sự sống Thần linh với Ba Ngôi Thiên Chúa.
Khi suy niệm Lời Chúa hôm nay, chúng ta có cảm giác dường như thánh sử Máccô muốn diễn tả sự kiện Thăng Thiên diễn ra một cách chóng vánh để cho các Tông đồ bắt tay ngay vào việc lên đường truyền giáo. “Lên trời là lên đường”, phải chăng đó là thông điệp mà thánh sử muốn gửi đến cho chúng ta? Dù sao, lệnh truyền của Chúa cho các tông đồ và cho cả chúng ta nữa cần được chúng ta suy chiêm và đem vào cuộc sống.
Lần hiện ra sau cùng với các môn đệ, Chúa Giêsu trao cho các ông một sứ mệnh, là ra đi loan báo Tin mừng. “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo”. Đây chính là một lời mời gọi của Chúa và Người muốn các môn đệ đáp lại mời gọi này với sự tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa. Lời mời gọi đó đòi buộc các môn đệ rời bỏ quê hương – nơi chôn rau cắt rốn, thậm chí rời bỏ luôn dân tộc Israel để hướng về lương dân, công bố Tin mừng Phục sinh cho hết mọi người. Truyền thống Tân ước cho biết lời rao giảng đầu tiên của các Tông đồ là công bố việc Thiên Chúa cứu nhân loại khỏi chết, khỏi mọi tội lỗi nhờ cái chết, sự phục sinh và lên trời của Chúa Giêsu. Vâng lời Thầy, các môn đệ ra đi dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần Thiên Chúa và với sự hiện diện cách vô hình của Thầy Chí Thánh.
Sau khi Chúa về trời, và nhất là sau ngày lễ Ngũ tuần – ngày các môn đệ đón nhận ơn Chúa Thánh Thần, sứ mệnh loan báo Tin mừng Phục sinh của các môn đệ mới lớn mạnh và ngày một lớn mạnh không ngừng. Tuy nhiên, chúng ta thấy, Tin mừng được loan đi, nhưng thái độ đáp trả của con người vẫn còn là điều đáng để chúng ta suy nghĩ. Bởi bên cạnh những người đón nhận lời rao giảng của các môn đệ và tin tưởng bước theo Chúa Kitô Phục sinh, thì vẫn còn đó không ít người không tin, thậm chí còn mỉa mai chê cười. Chính vì thế, Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ về hiệu quả của việc đón nhận hay từ chối lời loan báo Tin mừng Phục sinh của Giáo hội. Đó là, “Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ” và, “Ai không tin, thì sẽ bị kết án”.
Chúng ta biết, đức tin – một hành động được diễn tả như là quá trình xuất phát từ chính trong tâm hồn để rồi biểu lộ ra bên ngoài bằng việc chịu phép rửa. Như vậy, tin và chịu phép rửa là đáp lại sứ điệp của Tin mừng và như thế sẽ nhận được ơn cứu độ, được thứ tha tội lỗi và huởng sự sống đời đời. Ngược lại, nghĩa là bị án phạt. Đây chính là án phạt trong ngày tận thế, ngày Chúa Kitô trở lại để khánh thành công trình cứu độ. Ai không tin Chúa, từ chối lời rao giảng tức là khước từ sự sống và như thế, bị luận phạt đời đời chính là hậu quả mà họ sẽ đón nhận. Ở đây cần phân biệt người chưa nghe lời Chúa với người nghe lời Chúa mà chối từ. Người chưa nghe lời Chúa không thể gọi họ là kẻ khước từ. Họ sống theo lương tâm ngay thẳng thì không thể kể họ là kẻ không tin.
Giai đoạn đầu của sứ mệnh rao giảng Tin mừng, chúng ta thấy có nhiều dấu lạ đi kèm theo lời rao giảng của các môn đệ. Điều này được nói đến trong đoạn kết của Tin mừng Máccô cũng như được minh hoạ trong sách Công vụ tông đồ. Tất cả những dấu lạ như trừ quỷ (x. Cv 5, 12-16; 8,9; 16,16-18); nói tiếng lạ (x. Cv 2, 4-13; 10, 44-46); cầm được rắn (x. Cv 28, 3-6); đặt tay chữa bệnh (x. Cv 4, 30; 9, 10-17),v.v… phải chăng là những ma thuật để khuyến dụ những người thích phù phép hay những người kém hiểu biết? Hoàn toàn không phải như vậy. Tất cả chỉ để diễn tả quyền năng tất yếu của Đấng Phục sinh chiến thắng những thế lực sự ác và sự chết. Đấng ấy, nay thông qua các dấu lạ kèm theo lời rao giảng của các môn đệ, để minh chứng rằng rằng những ai tin và bước theo Người cũng sẽ chiến thắng mọi thế lực của ác thần.
Mừng lễ Thăng Thiên, xin cho mỗi người chúng ta biết hướng về trời cao, tiến bước lên đường rao giảng Tin mừng Phục sinh và ơn cứu độ của Thiên Chúa cho khắp nhân trần. “Lên trời là lên đường”, đó là thông điệp, và cũng là sứ mệnh Giáo hội muốn nhắn gửi cho con cái mình trong thời đại hôm nay.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét