Trang

Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2024

Vững Tin

 

Vững Tin

Vững Tin

CN 1 MV C Lc 21, 25-28, 34-36

 
Hãy tỉnh thức luôn mãi
Và cầu nguyện không ngừng
Niềm vui ngày cứu độ
Ngập tràn trong hân hoan.

Thế gian đầy lo sợ
Vũ trụ càng hoang mang…
Lòng con luôn sẵn sàng
Vững tin vào Lời Chúa.
Nguyễn Thái Hùng

HỌC HỎI PHÚC ÂM CN 1 MV - NĂM C

 

HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG - NĂM C (LC 21, 25-28.34-36)

avatarLm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
 
Có nhiều lời đồn đoán về Ngày Tận thế, khiến người ta bỏ công ăn việc làm, lo tích trữ gạo hay nến… Bạn nghĩ sao về những chuyện đó? Nếu mai là Ngày Tận thế, Ngày Chúa Quang Lâm, bạn sẽ làm gì hôm nay? Đâu là những cám dỗ trần tục khiến con người thời nay quên chuẩn bị cho Ngày Chúa trở lại?

PHÚC ÂM: Lc 21, 25-28.34-36

Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ rằng: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến. Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!”


CÂU HỎI TÌM HIỂU

1. Đọc cả bài Tin Mừng hôm nay. Hãy cho biết trong bài này, Đức Giêsu nói về biến cố nào sẽ xảy ra?

2. Đọc Lc 21, 25-26. Những hiện tượng thiên nhiên nào sẽ xảy ra trong Ngày đó? Đọc thêm Is 13,10; Ed 32,7-8.

3. Trước những hiện tượng đó, đâu là tâm trạng của những người chứng kiến? Đọc Lc 21,25-26.

4. Những hiện tượng kinh khủng trong Ngày ấy sẽ xảy ra trước mắt ai? Đọc Lc 21,25.35.

5. Nhưng biến cố quan trọng nhất của Ngày đó là biến cố nào? Đọc Lc 21,27. Kinh Tin Kính có nói đến biến cố này không? Đọc thêm Đanien 7,13-14.

6. Đức Giêsu khuyên các Kitô hữu làm gì khi những chuyện ấy bắt đầu xảy ra? Tại sao họ lại không sợ? Đọc Lc 21,28.

7. Trong khi trông chờ Ngày ấy đến cách bất ngờ, các Kitô hữu cần xa tránh những thái độ nào? Đọc Lc 21,34. Ngược lại đâu là những thái độ chúng ta cần có để sẵn sàng đón chờ Ngày bất ngờ ấy? Đọc Lc 21,36.

8. Tại sao Giáo Hội lại cho đọc bài Tin Mừng về ngày Quang Lâm trong Mùa Vọng?


GỢI Ý SUY NIỆM

Có nhiều lời đồn đoán về Ngày Tận thế, khiến người ta bỏ công ăn việc làm, lo tích trữ gạo hay nến… Bạn nghĩ sao về những chuyện đó? Nếu mai là Ngày Tận thế, Ngày Chúa Quang Lâm, bạn sẽ làm gì hôm nay? Đâu là những cám dỗ trần tục khiến con người thời nay quên chuẩn bị cho Ngày Chúa trở lại?


PHẦN TRẢ LỜI

1. Chủ đề của bài Tin Mừng hôm nay là về ngày Quang Lâm của Chúa Giêsu (Lc 21,27). Đây là ngày Nước Thiên Chúa đến gần, đến một cách trọn vẹn và chung cục (Lc 21,31). Đó cũng là ngày tận thế (Lc 21,34-35). Như thế ngày này có nhiều ý nghĩa phong phú. Ngày tận thế cũng là ngày Chúa Giêsu sẽ trở lại trong vinh quang, và Nước Thiên Chúa sẽ đến trọn vẹn như chúng ta xin trong Kinh Lạy Cha (Lc 11,2). Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu báo cho biết những biến cố sẽ xảy ra trước Ngày Quang Lâm (Lc 21,25-28), và thái độ chúng ta cần có trước khi Ngày đó bất ngờ ập đến (Lc 21,34-36). Còn trong Lc 21,5-24, Đức Giêsu không nói về những dấu hiệu báo trước ngày tận thế, nhưng nói về những biến cố báo trước sự sụp đổ của thành Giêrusalem.

2. Trước Ngày Quang Lâm của Chúa Giêsu sẽ có những “dấu lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao”, “các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển”, và “biển gầm sóng vỗ”. Đây là những hình ảnh mạnh mẽ để chỉ những biến động trong vũ trụ mà các ngôn sứ trước đây hay dùng (Is 13,10; Ed 32,7-8). Như thế, trước Ngày Chúa quang lâm, cũng là ngày Tận thế, có những dấu lạ trên trời cũng như ngoài biển khơi. Tuy nhiên, chúng ta không nhất thiết phải hiểu những mô tả trên theo nghĩa đen. Điều chắc chắn xảy ra là sẽ có một chấn động lớn trong vũ trụ.

3. Vào ngày tận thế, sẽ có những biến động ghê gớm trên trời hay ngoài biển, nhưng điều đáng sợ hơn lại là những biến động xảy ra trong lòng con người đang sống trên mặt đất. “Dưới đất các dân tộc sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét” (Lc 21,25), và “người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển” (Lc 21,26). Như thế lo âu và hoảng sợ là tình trạng của lòng người vào ngày tận thế, khi chứng kiến những biến động đang diễn ra trong vũ trụ.

4. Những hiện tượng kinh khủng trên đây sẽ xảy ra ngay trước mắt “các dân tộc” trên thế giới (Lc 21,25), trước mắt “tất cả mọi dân cư khắp mặt đất” (c. 35). Như thế ngày tận thế sẽ được tỏ hiện không phải chỉ riêng cho các tín hữu, mà cho mọi người đang sống trên mặt đất vào lúc bấy giờ.

5. Nhưng biến cố quan trọng nhất của ngày tận thế lại không phải là những biến động đáng sợ nơi vũ trụ đang chuyển mình, mà là biến cố Chúa Giêsu Quang Lâm. Vào ngày đó, “thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang đến trong đám mây” (Lc 21,27). Kinh Tin Kính nói đến biến cố quan trọng này trong câu: “Và Người sẽ trở lại trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết.” Con Thiên Chúa đã đến trong thế gian này lần đầu cách đây hơn 2000 năm. Ngài đã đến trong khiêm hạ, khó nghèo, yếu đuối ở Belem, và nhiều kẻ đã từ khước Ngài. Vào Ngày Quang lâm, Ngài sẽ trở lại trong tư cách là Chúa vũ trụ, với toàn bộ quyền năng và vinh quang do Chúa Cha ban. Ngài trở lại từ trời trong tư cách là Vị Thẩm phán uy phong xét xử mọi người. Bấy giờ mọi người, kể cả các kẻ thù của Ngài, sẽ phải thần phục Ngài. Ngài là Con Người được nói đến trong sách Đanien 7,13-14: “Đấng ngự giá mây trời mà đến…được trao quyền thống trị, vinh quang và vương vị…”.

6. Khi biến cố Quang lâm bắt đầu xảy ra, Đức Giêsu khuyên các kitô hữu hãy giữ tư thế “đứng thẳng và ngẩng đầu” để đón Ngài từ trời trở lại (Lc 21,28). Họ không được sợ hãi lo âu, vì đây là Ngày mà họ mong chờ từ lâu. Họ phải rất vui vì giờ đây Đức Giêsu được vinh quang trọn vẹn trước mặt cả thế giới. Họ còn hân hoan vì biết mình “sắp được cứu chuộc” và giải thoát.

7. Để có thể có thái độ “đứng thẳng và ngẩng đầu,” đón Chúa trở lại trong bình an, các kitô hữu cần đề phòng, cảnh giác. Cần tránh chè chén say sưa và lo lắng sự đời, vì những điều ấy làm cho tâm của mình ra nặng nề (Lc 21,34). Nếu quá bận tâm về những chuyện trần tục thì khi Ngày ấy đến một cách bất ngờ, chúng ta sẽ như con vật bị vướng vào cái bẫy hay cái lưới được giăng ra, không sao thoát được. Hơn nữa, để có thể đứng vững trước mặt Con Người trong Ngày đó, Đức Giêsu khuyên ta có thái độ tỉnh thức luôn luôn, và cầu xin cho mình có sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến (Lc 21,36).

8. Mùa Vọng là Mùa trông đợi, Mùa chờ mong. Người Do-thái xưa chờ mong Đấng Mêsia đến cứu dân tộc mình. Còn kitô hữu hôm nay là người chờ mong Chúa lại đến trong vinh quang vào Ngày Quang Lâm, để Nước Thiên Chúa được hiển trị cách trọn vẹn. Mùa Vọng không chỉ là thời gian chúng ta chuẩn bị kỷ niệm Lễ Giáng Sinh, mà còn là thời gian chúng ta chuẩn bị đón Ngày Chúa quang lâm. Cả cuộc đời kitô hữu là một mùa Vọng kéo dài. Họ sống hết mình cho đời sống hiện tại, nhưng vẫn luôn mong đợi một tương lai ở phía bên kia. Họ hy vọng có ngày Chúa từ trời đến và đón họ về với Ngài, để họ được chung hưởng hạnh phúc vinh quang. “Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến, và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14,3).

WHĐ (30.11.2024

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2024

Kinh Tin Kính phổ quát

 Kinh Tin Kính phổ quát


Ronald Rolheiser, 2024-10-28

Các tín điều làm nền tảng cho chúng ta. Trong một công thức ngắn gọn, các tín điều tóm tắt các nguyên lý chính của đức tin và giúp chúng ta ghi nhớ những chân lý đã giữ neo để chúng ta cắm vào.

Là tín hữu kitô, tôi cầu nguyện với hai Kinh Tin Kính, Kinh của các Tông đồ  Kinh Nicea. Nhưng tôi cũng cầu nguyện với một Kinh Tin Kính khác, giúp tôi có nền tảng trong một số chân lý sâu sắc không phải lúc nào cũng được công nhận trọn vẹn trong các Kinh Tin Kính của chúng ta. Đó là Thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Thành Êphêsô, rất ngắn và chỉ đơn giản như sau: Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha của tất cả chúng ta.

Chỉ vài từ nhưng nói lên rất nhiều điều! Kinh này tuy của kitô giáo nhưng bao gồm tất cả các giáo phái khác, mọi tín ngưỡng và tất cả những người chân thành ở khắp nơi trên thế giới. Mọi người trên hành tinh này đều có thể cầu nguyện với Kinh này, vì cuối cùng chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa tạo dựng và yêu thương tất cả chúng ta.

Điều này có các hậu quả sâu rộng với cách chúng ta hiểu về Chúa,  về các giáo phái kitô khác, các tín ngưỡng khác, về những người không tin nhưng chân thành và hiểu cả chính chúng ta. Dù giáo phái nào, đức tin nào hay không có đức tin thì cũng chỉ có một Chúa, một Chúa duy nhất, Đấng Tạo Dựng, là cha mẹ yêu thương của nhân loại. Và Chúa duy nhất này không thiên vị, không ghét ai, không ghét một giáo phái, một đức tin nào, không bao giờ xem thường lòng tốt, lòng chân thành của ai, dù người đó có tôn giáo hay không có tôn giáo.

Và đây là một số hậu quả: Đầu tiên, Chúa Giêsu bảo đảm với chúng ta, Chúa là Đấng của mọi điều tốt lành. Thêm nữa, là tín hữu kitô, chúng ta tin Chúa có một số thuộc tính siêu việt, duy nhất, chân thật, tốt lành  đẹp đẽ. Nếu điều đó đúng (nhưng làm sao lại không đúng?) thì mọi thứ chúng ta thấy trên thế giới này là toàn vẹn, chân thật, tốt lành, đẹp đẽ, cho dù nhãn hiệu bên ngoài của chúng là gì (công giáo la-mã, tin lành, do thái giáo, ấn độ giáo, phật giáo, hồi giáo, thời đại mới, tân ngoại giáo hay hoàn toàn thế tục), tất cả đều từ Chúa mà đến và phải được tôn vinh.

Nhà văn Mỹ John Muir (1838-1914) đã từng thách thức kitô giáo với câu hỏi: Vì sao tín hữu kitô lại ngần ngại không để các loài vật vào thiên đàng keo kiệt của họ? Thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Êphêsô cũng đặt ra câu hỏi tương tự: Vì sao tín hữu kitô lại ngần ngại không để các giáo phái, các tín ngưỡng khác, những người chân thành nhân từ không có đức tin rõ ràng vào khái niệm keo kiệt của chúng ta có về Chúa, về đức tin và Giáo hội? Vì sao chúng ta lại sợ hiệp thông đức tin với các tín hữu thuộc các giáo phái khác? Vì sao chúng ta sợ sự hiệp thông đức tin với người do thái, người hồi giáo, ấn độ giáo, phật giáo và những người theo các phong trào New Age? Vì sao chúng ta sợ người ngoại giáo? Vì sao chúng ta sợ các bí tích tự nhiên?

Có thể có những lý do chính đáng. Đầu tiên, chúng ta cần bảo vệ chính xác những chân lý được thể hiện trong tín điều của chúng ta, chúng ta không muốn mình sa vào một loại pha trộn vô định hình, trong đó mọi thứ đều tương đối, mọi chân lý, mọi tôn giáo đều như nhau, yêu cầu duy nhất là chúng ta phải tử tế với nhau, dù trên thực tế, có một điều gì đó mang tính tôn giáo khi nói đến việc phải đối xử tốt với nhau, nhưng điều quan trọng hơn trong việc giữ nhau trong đức tin không có nghĩa mọi đức tin đều ngang nhau, giáo phái hay truyền thống đức tin cụ thể của một người nào đó là không quan trọng. Thay vào đó, xét cho cùng, điều quan trọng phải chấp nhận: tất cả chúng ta đều là một gia đình của một Chúa và chúng ta cần ở trong vòng tay nhau như anh chị em. Dù chúng ta khác biệt nhau, nhưng tất cả chúng ta đều có cùng một tín điều tận căn.

Ngoài ra, là người thiên chúa giáo, chúng ta tin Chúa Kitô là trung gian duy nhất giữa Chúa và chúng ta. Như Chúa Giêsu đã nói, không ai đến được với Chúa Cha mà không qua tôi. Nếu điều này đúng, với tư cách là tín hữu thiên chúa giáo, chúng ta xem đây là tín điều, vậy với những người theo đạo hinđu, phật giáo, lão giáo, do thái giáo, hồi giáo, tin lành, New Age, tân ngoại giáo và những người không tin khác, họ sẽ nghĩ như thế nào? Làm sao họ có thể chia sẻ Nước Chúa với chúng ta, khi họ không tin vào Chúa Kitô?

Là người có đạo, chúng ta luôn có câu trả lời cho câu hỏi đó. Sách giáo lý công giáo thời trẻ của tôi nói về “rửa tội do lòng khao khát” như một cách để bước vào mầu nhiệm của Chúa Kitô. Thần học gia Karl Rahner nói các tín hữu chân thành là “những người ẩn danh theo đạo”. Frank de Graeve nói về một thực tế mà ông gọi “đạo Thiên chúa” như một mầu nhiệm rộng lớn hơn “đạo Thiên chúa lịch sử”; và thần học gia Pierre Teilhard de Chardin nói về Chúa Kitô như một cấu trúc nhân học và vũ trụ học cuối cùng trong chính quá trình tiến hóa. Tất cả những điều này đều nói lên mầu nhiệm Chúa Kitô không thể được xác định một cách đơn giản với các giáo hội kitô lịch sử. Mầu nhiệm của Chúa Kitô hoạt động thông qua các Giáo hội kitô lịch sử nhưng cũng hoạt động, và hoạt động rộng rãi, bên ngoài các Giáo hội của chúng ta và bên ngoài các khuôn khổ đức tin rõ ràng.

Chúa Kitô là Chúa và do đó Ngài được tìm thấy ở bất cứ đâu có bất kỳ ai trong sự hiện diện của hợp nhất, chân lý, lòng tốt và vẻ đẹp. Kenneth Cragg, sau nhiều năm làm nhà truyền giáo cho người Hồi giáo, đã gợi ý cần phải có tất cả các tôn giáo trên thế giới để thể hiện đầy đủ Chúa Kitô trọn vẹn.

Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa tội, một Thiên Chúa là  Cha của tất cả chúng ta – và vì vậy chúng ta không nên ngần ngại để những người khác, những người không cùng loại với chúng ta bước vào thiên đàng keo kiệt của chúng ta.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch


https://phanxico.vn/2024/10/30/kinh-tin-kinh-pho-quat/

Thiên đàng mỗi người mỗi khác

 Thiên đàng mỗi người mỗi khác

Ronald Rolheiser, 2024-11-25

Linh mục Dòng Tên Daniel Berrigan (1921-2016) đã từng nói: Trước khi bạn nghiêm túc nói về Chúa Giêsu, xin bạn nghĩ lại xem mình có thích bị treo trên thập giá không!

Đây là lời cảnh báo cần có, vì Chúa Giêsu đã cảnh báo chúng ta, nếu chúng ta muốn đi theo Ngài, thì đời chúng ta sẽ khổ đau, chúng ta sẽ chịu đóng đinh vào thập giá với Ngài.

Chính xác điều này có nghĩa là gì? Nỗi đau là để thử thách người môn đệ sao? Chúa Giêsu có muốn những người đi theo Ngài phải cảm nhận nỗi đau của Ngài không? Chúa có muốn những ai theo Ngài phải chịu đau đớn để trả giá cho tội của họ không? Vì sao chấp nhận vác thập giá với Chúa Giêsu lại làm cho đời chúng ta đau khổ?

Một điều thú vị đáng chú ý là nhà thần nghiệm Gioan Thánh Giá đã dùng nỗi đau đi vào đời chúng ta để làm tiêu chuẩn chính phân định, liệu chúng ta có thật sự đi theo Chúa Giêsu hay không. Theo ngài, chúng ta biết mình theo Chúa Giêsu khi nỗi đau bắt đầu đi vào đời chúng ta. Vì sao? Vì sao Chúa đặt nỗi đau đặc biệt lên những ai chân thành đi theo Ngài?

Không, Thiên Chúa không đặt nỗi đau đặc biệt lên những ai kính trọng Ngài. Nỗi đau đi vào cuộc đời chúng ta khi chúng ta xem trọng Chúa Kitô, nó không phát xuất từ Thiên Chúa. Nó đi vào tâm hồn chúng ta vì chúng ta có một tâm hồn cởi mở sâu đậm, một nhạy cảm sâu sắc và một chiều sâu mới. Đại đa số hoạt động theo cách này: khi chúng ta chân thành mở lòng ra với Chúa, chúng ta sẽ không còn bảo vệ mình quá mức, chúng ta dễ tổn thương hơn, dễ nhạy cảm hơn để cuộc sống với tất cả mọi thứ có thể đi vào tâm hồn chúng ta một cách thoải mái và sâu sắc hơn.

Một phần của những gì đi vào tâm hồn chúng ta chính là nỗi đau: nỗi đau của người khác, nỗi đau của trái đất, nỗi đau của sự bất lực và thiếu vị tha của mình, nỗi đau do tác động của tội lỗi khắp nơi. Nỗi đau này sẽ đi vào tâm hồn chúng ta sâu sắc hơn, chúng ta sẽ cảm nhận nó theo cách chúng ta chưa hề cảm nhận trước đó, vì trước đó chúng ta trơ lì và tự quy để phòng vệ.

May thay, chuyện này còn một mặt khác: nỗi đau bây giờ đi vào cuộc sống chúng ta thoải mái và sâu sắc hơn, thì ý nghĩa và hạnh phúc cũng vậy. Một khi chúng ta thôi phòng vệ bằng cách tự quy, thì cả nỗi đau và hạnh phúc đều có thể đi vào lòng chúng ta một cách thoải mái và sâu sắc, và chúng ta bắt đầu toát ra một phần thâm sâu hơn của mình.

Nhà phân tâm học Freud từng nhận định: đôi khi chúng ta hiểu rõ nhất mọi chuyện bằng cách xem xét cái đối lập của nó. Chuyện ở đây phần nào cũng vậy. Trái ngược với người mở lòng với nỗi đau của nhân loại, với nỗi đau của thập giá là người vô cảm trơ trơ, họ không cảm nhận nhiều về nỗi đau, những người này cũng chẳng cảm nhận gì về bất cứ điều gì khác.

Và điều này ngụ ý nhiều điểm:

Thứ nhất, Chúa không đặt nỗi đau lên chúng ta khi chúng ta là môn đệ của Ngài, khi chúng ta hiểu sâu mầu nhiệm thập giá và Chúa Kitô. Nỗi đau kèm theo là điều nội tại của thập giá, chúng ta cảm nhận được, đơn giản là vì bây giờ chúng ta không ở thế phòng vệ, nhưng chúng ta để toàn bộ cuộc đời đi vào tâm hồn mình một cách thoải mái và sâu sắc hơn. May thay, nỗi đau đã được bù đắp với đầy đủ ý nghĩa và hạnh phúc mới mà bây giờ chúng ta mới cảm nhận được.

Thứ hai, như thánh Gioan Thánh Giá đã khéo léo diễn tả, trải nghiệm nỗi đau nội tại trong cương vị của người môn đệ và thập giá là một trong những tiêu chuẩn chính để phân biệt Phúc âm thật và Phúc âm Thịnh vượng. Khi nỗi đau của thập giá đi vào cuộc đời chúng ta, chúng ta biết chúng ta không nhân danh Phúc âm để bảo vệ cho tư lợi của mình.

Thứ ba, thật đáng để nhạy cảm! Freud đã từng nói chứng cuồng hoảng (một dạng lo lắng không lành mạnh) là căn bệnh của người bình thường. Điều ông không nói, nhưng có thể ông đã nói, đối lập của lo lắng (cả lành mạnh và không lành mạnh) là sự vô cảm trơ ì cực độ, mặt dày như mặt mo nên nó che cho mình khỏi đau – nhưng nó cũng che và làm cho chúng ta không sâu sắc, không có tình yêu, không thân mật, không cộng đồng.

Nếu bạn là người nhạy cảm (thậm chí là người quá nhạy cảm, có khuynh hướng trầm cảm, lo lắng đủ kiểu) thì xin bạn yên lòng vì sự đấu tranh của bạn cho thấy bạn không phải là người trơ lì chai sạn, không phải là người thô kệch về mặt đạo đức.

Cuối cùng, một trong những ngụ ý của điều này là thiên đàng với mỗi người một khác. Cũng như nỗi đau, chúng ta có thể đau sơ sơ, đau sâu đậm thì ý nghĩa và hạnh phúc cũng vậy. Chúng ta mở lòng đến mức độ nào, thì ý nghĩa và hạnh phúc vào tâm hồn chúng ta cũng ở mức độ đó. Với tấm lòng đóng kín thì ý nghĩa của chúng ta hời hợt. Với tấm lòng mở ra phần nào thì ý nghĩa có phần nào sâu sắc, nhưng không trọn vẹn. Còn với tấm lòng hoàn toàn mở ra thì chúng ta có ý nghĩa sâu sắc nhất.

Ở đời này, ý nghĩa và hạnh phúc có những chiều sâu khác nhau, và tôi cho rằng, ở đời sau cũng vậy. Cho nên, lời mời của Chúa Giêsu chính là hãy đón nhận nỗi đau từ thập giá, còn hơn là để tâm hồn trơ trơ!

J.B. Thái Hòa dịch

https://phanxico.vn/2024/11/27/thien-dang-moi-nguoi-moi-khac/

Tháp Babel

 Tháp Babel

Ronald Rolheiser, 2024-11-18



Những trang đầu tiên của Kinh thánh kể cho chúng ta một loạt các câu chuyện diễn ra vào thời điểm bắt đầu lịch sử để giải thích vì sao thế giới ngày nay lại như vậy. Câu chuyện của ông A-đam và bà E-và về tội nguyên tổ là một trong những câu chuyện này. Và cũng có những câu chuyện khác. Các chuyện này dùng hình ảnh làm chúng ta nghe như chuyện cổ tích nên chúng ta nghĩ đó là những chuyện hoàn toàn do tưởng tượng, nhưng thật ra đó là những chuyện còn thật hơn cả sự thật. Và nó đã xảy ra. Đã xảy ra với người đàn ông và phụ nữ đầu tiên trên hành tinh, và tiếp tục xảy ra cho đến ngày nay theo cách ảnh hưởng đến mọi người đàn ông và phụ nữ trong suốt lịch sử. Đó là các câu chuyện về trái tim, không phải theo nghĩa đen mà theo những bài học của trái tim.

Một trong những câu chuyện nền tảng đầu tiên này là câu chuyện Tháp Babel. Theo ngôn ngữ bình dân thì nó như thế này: Lúc đầu (trước đây cũng giống như bây giờ) có một thành tên là Babel quyết định làm cho thành của mình có tên tuổi, họ xây một tháp ấn tượng đến mức tất cả các thành khác sẽ phải thán phục. Họ bắt đầu xây nhưng có điều gì đó kỳ lạ xảy ra. Khi họ xây, bỗng nhiên họ nói các loại ngôn ngữ khác nhau, họ không còn hiểu nhau và ra đi sống rải rác khắp nơi trên thế giới, họ nói ngôn ngữ mà người khác không thể hiểu được.

Bài học ở đây là gì? Có phải để giải thích nguồn gốc các ngôn ngữ khác nhau trên thế giới không? Không, nhưng để giải thích những hiểu lầm sâu xa, dường như không thể hòa giải giữa chúng ta. Vì sao chúng ta mãi hiểu lầm nhau? Nguồn gốc của những chuyện này là gì?

Có nhiều cách để hiểu, để làm sáng tỏ sự chia rẽ trong thế giới chúng ta ngày nay. Ví du: năm ngoái, nhà tâm lý học xã hội Jonathan Haidt viết trên tờ The Atlantic cho rằng có lẽ không có phép ẩn dụ nào tốt hơn để giải thích sự chia rẽ giữa chúng ta ngày nay cho bằng câu chuyện của Tháp Babel. Lập luận của ông như sau: Phương tiện truyền thông xã hội dùng để kết nối chúng ta không chỉ với bạn bè và gia đình mà còn với mọi người từ khắp nơi trên thế giới, nhưng trên thực tế đã dẫn đến sự phân mảnh triệt để trong xã hội và làm tan vỡ tất cả mọi thứ, điều đó có vẻ vững chắc, sự phân tán của những người đã từng là một cộng đồng. Lấy nước Mỹ làm ví dụ: chúng ta vẫn dùng một ngôn ngữ, nhưng các phương tiện truyền thông xã hội và các nơi loan tin tức đã cung cấp cho chúng ta những tập hợp dữ kiện, giá trị và tầm nhìn khác nhau làm cho trong thực tế, cuộc trò chuyện ngày càng trở nên bất khả thi.

Khi những căng thẳng gần đây xung quanh cuộc bầu Tổng thống Mỹ trở nên rõ ràng, với tư cách là một xã hội, chúng ta không còn nói cùng một ngôn ngữ, ở chỗ chúng ta không còn có thể hiểu nhau về hầu hết mọi vấn đề quan trọng – hiện tượng nóng lên toàn cầu, nhập cư, nghèo đói, giới tính, sức khỏe, phá thai, vị trí của tôn giáo trong phạm vi công cộng – sự thật đứng về phía nào, và quan trọng nhất: sự thật là gì. Chúng ta không còn chia sẻ bất kỳ sự thật chung nào nữa. Đúng hơn, tất cả chúng ta đều có sự thật riêng, ngôn ngữ riêng của mình. Như chúng ta vẫn thường nói, tôi đã thực hiện nghiên cứu của riêng tôi! Tôi không tin vào khoa học. Tôi không tin vào bất kỳ sự thật chính thống nào. Tôi có nguồn tin riêng của tôi.

Và những nguồn tin đó thì rất nhiều, nhiều không đếm xuể được! Hàng trăm kênh truyền hình, vô số podcast và hàng triệu người cung cấp cho chúng ta phiên bản đặc trưng của họ trên mạng xã hội để bây giờ chúng ta hoài nghi về bất kỳ sự thật nào. Điều này chia rẽ chúng ta ở mọi cấp độ: gia đình, láng giềng, nhà thờ, đất nước và thế giới. Tất cả chúng ta hiện đang nói những ngôn ngữ khác nhau giống như người dân đầu tiên của Tháp Babel sống rải rác trên khắp thế giới.

Dưới ánh sáng của điều này, điều đáng chú ý là lễ Hiện Xuống được mô tả trong Kinh thánh sẽ như thế nào. Sách Công vụ Tông đồ mô tả Lễ Hiện Xuống, sự hiện đến của Chúa Thánh Thần, như một sự kiện đảo ngược những gì đã xảy ra tại Tháp Babel. Tại Tháp Babel, các ngôn ngữ (“tiếng lạ”) trên trái đất bị chia cắt và phân tán. Nhưng trong  Lễ Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên mỗi người như một “lưỡi lửa” đến nỗi, trước sự ngạc nhiên tột độ của mọi người, giờ đây mọi người đều hiểu nhau bằng ngôn ngữ của mình.

Một lần nữa, những gì đang được mô tả ở đây không phải là về ngôn ngữ theo nghĩa đen của con người khi mọi người đột nhiên hiểu được tiếng Hy Lạp hoặc tiếng La-tinh trong lễ Hiện Xuống. Đúng hơn, bây giờ mọi người đều hiểu người khác bằng ngôn ngữ của mình. Tất cả các ngôn ngữ đã trở thành một ngôn ngữ.

Ngôn ngữ chung đó là gì? Đó không phải là tiếng Hy lạp, tiếng La-tinh,  tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Yiddish, tiếng Trung Quốc hay tiếng Ả Rập hay bất kỳ ngôn ngữ nào khác trên thế giới. Đó cũng không phải là ngôn ngữ thiếu nhân ái của những người bảo thủ hay những người theo chủ nghĩa tự do. Như Chúa Giêsu và Kinh thánh đã nói rõ, đó là ngôn ngữ của bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tin tưởng và tiết độ.

Đó là ngôn ngữ duy nhất có thể hàn gắn những hiểu lầm và khác biệt giữa chúng ta – và khi chúng ta nói bằng ngôn ngữ này, chúng ta sẽ không tìm cách xây một tòa tháp để tạo ấn tượng cho bất cứ ai.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

https://phanxico.vn/2024/11/20/thap-babel/



TRUYỀN GIÁO TẠI Á CHÂU, MỘT CUỘC HỘI NHẬP VĂN HOÁ THEO BƯỚC CHÂN CỦA NHỮNG CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA ĐỨC TIN

 

TRUYỀN GIÁO TẠI Á CHÂU, MỘT CUỘC HỘI NHẬP VĂN HOÁ THEO BƯỚC CHÂN CỦA NHỮNG CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA ĐỨC TIN

avatarVatican News
28/11/2024
Trong một cuộc trò chuyện với Vatican News, cha Gilles Berceville, giám đốc Viện Lịch sử Truyền giáo tại Học viện Công giáo Paris, thần học gia Đa Minh và chuyên gia về linh đạo truyền giáo, nhìn lại những đặc điểm và lịch sử truyền giáo tại lục địa đông dân nhất thế giới, tập trung vào những thách đố của thế giới đương đại...

Dưới đây là cuộc phỏng vấn của Vatican News với cha Gilles Berceville.

Thưa cha, Kitô giáo đến châu Á như thế nào?

Truyền thống cho rằng châu Á đón nhận Kitô giáo khi thánh tông đồ Tôma đến Ấn Độ. Thực tế, có thể các cộng đoàn Kitô giáo đã có mặt từ rất sớm ở Ấn Độ. Lịch sử xác lập việc truyền bá đức tin Kitô giáo qua Giáo hội Nestorian đến Trung Quốc từ thế kỷ thứ 6 và thứ 7. Sau khi Đế quốc Mông Cổ chuyển sang Hồi giáo vào thế kỷ 14, sự hiện diện của Kitô giáo ở châu Á đã giảm dần. Vào thời điểm có những khám phá vĩ đại vào thế kỷ 15, một trong những ước mơ của các Kitô hữu là vượt qua trở ngại của Hồi giáo và kết nối các cộng đoàn Kitô giáo xa xưa mà người ta có thể đã không còn thấy ở châu Á. Đây là nguồn gốc của việc Christopher Columbus phát hiện ra châu Mỹ vào cuối thế kỷ 15. Khi đi vòng quanh Cape Magellan, người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đến châu Á và ở đó, đi vào các lãnh thổ, đồng thời chịu trách nhiệm được Đức Giáo Hoàng giao phó để truyền bá đức tin Kitô giáo. Do đó, Kitô giáo hiện diện ở châu Á với con số rất ít từ thế kỷ 16.

Lịch sử truyền giáo của thế kỷ 15 và 16 có mối liên hệ như thế nào với các quyền bính chính trị?

Trong những giai đoạn cuối của thời Trung cổ, tâm linh và thế tục luôn đi với nhau. Do đó, các nhà truyền giáo đầu tiên do các vua Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha phái đi được hình thành từ Cuộc tái chinh phục trong bối cảnh xung đột với Hồi giáo và ly giáo ở châu Âu cùng với sự lan rộng của Tin lành. Thương mại, chinh phục và truyền bá đức tin Kitô giáo dường như không thể tách rời trong các hoạt động truyền giáo này.

Ở châu Á, hoạt động thăm dò, nghiên cứu và khám phá mang tính khoa học được triển khai cụ thể như thế nào giữa các nhà truyền giáo?

Từ thế kỷ 16, với khuôn mặt vĩ đại là Thánh Phanxicô Xaviê, và các tu sĩ Dòng Tên ở Ấn Độ và đặc biệt là ở Trung Quốc với cha Matteo Ricci, đã cố gắng làm cho Kitô giáo được biết đến qua sách vở và cải đạo giới thượng lưu bằng cách cho thấy mình không phải như những tu sĩ khổ hạnh nhưng là những học giả Nho giáo. Như thế các tu sĩ Dòng Tên đã được các hoàng đế Trung Quốc chấp nhận, trong khi Kitô giáo bị cấm ở đó từ khi Đức Giáo Hoàng không cho phép thờ cúng tổ tiên.

Thánh Phanxicô Xaviê được coi là nhà truyền giáo vĩ đại nhất của thời hiện đại, đã đi khắp châu Á, từ Indonesia đến Nhật Bản. Giá trị chứng từ của ngài đối với sứ vụ truyền giáo ở Viễn Đông là gì?

Ngài đã đánh dấu lịch sử truyền giáo bằng những lá thư, với những lời kêu gọi tham gia cùng ngài trong sứ vụ, và nhờ ngài mà các thế hệ tu sĩ Dòng Tên mơ ước đi truyền giáo. Thánh Phanxicô Xaviê là vị đại diện của Đức Giáo Hoàng theo yêu cầu của Vua Bồ Đào Nha, ở tất cả các vùng đất mà ngài đã khám phá, từ đảo Moluccas đến Nhật Bản. Ngài qua đời trước khi có thể đến Trung Quốc, hoạt động truyền giáo của ngài bao phủ một vùng lãnh thổ đáng kể. Hoạt động này không có tác dụng lớn về việc theo Kitô giáo của dân chúng; chỉ sau ngài, đặc biệt là ở Nhật Bản, các cộng đoàn mới phát triển trước khi bị các quyền bính tại chỗ bách hại và tiêu diệt. Thánh Phanxicô Xaviê là mẫu gương vĩ đại của hoạt động truyền giáo, người đã truyền cảm hứng cho các thế hệ tu sĩ Dòng Tên cống hiến hết mình cho sứ vụ truyền giáo sau ngài và phát triển các hoạt động truyền giáo ở Viễn Đông.

Người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, và sau đó người Pháp và người Anh. Động lực nào đánh dấu cuộc canh tân truyền giáo ở châu Á vào thế kỷ 19?

Các sứ vụ của Dòng Tên được phát triển từ thế kỷ 16, và Tòa Thánh đã kiểm soát các hoạt động truyền giáo với việc thành lập Bộ Truyền bá Đức tin vào năm 1622, với mong muốn chấm dứt hệ thống bảo trợ và tách hoạt động chinh phục với hoạt động loan báo Tin Mừng. Vào thế kỷ 19, về các nhà truyền giáo Công giáo Pháp, chúng ta phải đề cập đến Hội Thừa sai Hải ngoại Paris được thành lập vào thế kỷ 17, để thực hiện chương trình này của Bộ Truyền bá Đức tin của Tòa thánh, nhằm tách biệt rõ ràng hoạt động chính trị với loan báo Tin Mừng.

Các nhà truyền giáo Tin lành người Anh đã phát triển hoạt động của họ đặc biệt từ thế kỷ 19. Các nhà truyền giáo này nhấn mạnh đến việc phân phối Kinh Thánh bằng hoạt động mạnh mẽ trong việc in ấn và dịch Kinh Thánh. Họ liên kết hoạt động truyền giáo với hoạt động văn minh hoá, bằng cách mang lại sự thịnh vượng, cố gắng mang lại sự phát triển kinh tế và văn hóa cho các quốc gia nơi họ thành lập, và cũng bằng cách mong muốn rất nhanh, nhanh hơn người Công giáo, đảm bảo quyền tự quản của các Giáo hội thuộc cộng đoàn Kitô giáo mà họ đã thành lập. Về phía Công giáo, có sự nhấn mạnh nhiều hơn đến các bí tích và phụng vụ, một quan niệm về Giáo hội phổ quát tập trung vào Rôma, và thực tế đảm bảo một sự độc lập nhất định khỏi quyền lực chính trị. Đó cũng là thế kỷ của các hoạt động bác ái lớn được thực hiện đặc biệt bởi các dòng tu nữ. Sau đó, vào đầu thế kỷ 20 Giáo hội Công giáo nhấn mạnh, theo giáo huấn của các Giáo hoàng, về quyền tự quản của các Giáo hội và các giáo sĩ địa phương.

Từ quan điểm này, có một sự thụt lùi, bởi vì vào thế kỷ 17, người ta đã rất xác tín, sau sự việc Kitô giáo ở Nhật Bản hầu như biến mất, rằng cần phải hình thành và phát triển một hàng giáo sĩ bản địa, trong khi vào thế kỷ 19, các nhà truyền giáo đến từ châu Âu và trên thực tế đã hình thành một sự bất bình đẳng giữa các giáo sĩ truyền giáo châu Âu và các giáo sĩ bản địa.

Tại sao khi vào châu Á, Công giáo xuất hiện không như một tôn giáo ở châu Âu?

Chúng ta không còn ở vào hoàn cảnh của thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, chủ nghĩa thực dân châu Âu và các Giáo hội Công giáo địa phương ngày nay có quyền tự quản rất lớn. Các Giáo hội không còn phụ thuộc vào các quốc gia đã gửi các nhà truyền giáo, bắt đầu từ Pháp, dù vẫn tiếp tục có những mối quan hệ thân thiết tồn tại giữa các Giáo hội, với sự bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những nơi đã gửi các nhà truyền giáo và những người đã thành lập Giáo hội trong các xứ truyền giáo.

Trong số các quốc gia đã được Đức Thánh Cha viếng thăm, Giáo hội ở Timor và Papua New Guinea rất hội nhập văn hóa. Họ cũng đã phát triển và được dẫn dắt bởi các giám mục và các giáo sĩ trong nước. Hiện nay chính các Giáo hội châu Á cũng gửi các nhà truyền giáo của mình đến châu Âu, như Giáo hội Việt Nam.

Sự hội nhập văn hóa như thế nào trong các lễ nghi địa phương?

Khi bước vào các nhà thờ Công giáo, ở Singapore, Việt Nam, Timor, chúng ta thấy các nhà thờ, từ quan điểm kiến trúc, nghệ thuật, điêu khắc, hội họa, chịu ảnh hưởng rất nhiều của nghệ thuật phương Tây. Chỉ liên quan đến khía cạnh bên ngoài và kiến trúc này thôi, đó là dấu hiệu của một đức tin vẫn cần phải thực hiện một công cuộc hội nhập văn hóa lớn lao. Đây là vấn đề không phải liên quan đến sự độc lập về mặt pháp lý và hàng giáo sĩ địa phương, mà liên quan đến việc họ đã mang đến cho Giáo hội hoàn vũ những nguồn tài nguyên văn hóa của chính họ trong lĩnh vực hiểu biết đức tin, những cách thể hiện đức tin, đặc biệt là những cách thể hiện kiến trúc tôn giáo hoặc nghệ thuật tôn giáo. Người dân địa phương và các Giáo hội địa phương cần hội nhập đức tin của họ và hiện diện với xã hội một cách thực sự theo tinh thần Tin Mừng, với những thách đố về tình trạng nghèo đói trầm trọng, đặc biệt đối với các quốc gia Đông Timor hoặc Papua New Guinea, các quốc gia trong đó Giáo hội làm chứng cho sự hiện diện rất quảng đại giữa những người nghèo. Điều này mang tính quyết định trong việc người dân địa phương ở các quốc gia như Timor hay Papua New Guinea tiếp nhận Kitô giáo.

Đâu là những thách đố và khó khăn trong công cuộc truyền giáo ở một số Giáo hội địa phương?

Chúng ta phải thực sự coi là lỗi thời cái ý tưởng về các vùng lãnh thổ nơi các nhà truyền giáo từ nơi khác đến, ngay cả khi luôn có một số, đặc biệt là Hội Thừa sai Hải ngoại Paris, tiếp cận các khu vực xa xôi nơi Kitô giáo không hiện diện. Giờ đây chúng ta có các cộng đoàn địa phương được thiết lập trong xã hội, nền văn hóa của họ và trước hết phải sống Tin Mừng trong chứng tá và niềm hy vọng được ban cho những người nghèo nhất. Và từ đó xuất hiện một đức tin sống động, một đức tin phát triển và tìm ra những cách diễn đạt có khả năng làm phong phú toàn thể Giáo hội.

Có những thách đố sứ vụ khác nhau. Như ở Indonesia về đối thoại liên tôn, đặc biệt giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo; cuộc gặp gỡ giữa các tôn giáo được nhìn nhận dưới hình thức quý trọng và đối thoại lẫn nhau.

Tiếp đến, truyền giáo là sự hiện diện giữa những người nghèo nhất, trong đó có các lãnh thổ, các cộng đồng dân cư đang sống với những khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục, bởi tất cả những thảm họa do suy thoái khí hậu gây ra. Đông Nam Á đã mất 15% diện tích rừng tự nhiên kể từ năm 2000, do việc áp dụng độc canh, trong khi người dân địa phương sống bằng nông nghiệp tự nhiên, v.v. Sự hiện diện với người nghèo, sau đối thoại liên tôn, là hình thức hiện diện thứ hai theo tinh thần Tin Mừng do các Giáo hội địa phương đảm nhận.

Nguồn: vaticannews.va/vi