Suy niệm chú giải Tin Mừng – Chúa Nhật XXXII thường niên –
Lm. Inhaxiô Hồ Thông
1V 17: 10-16
Bài Đọc I thuật lại tấm lòng quảng đại của một bà góa ngoại
giáo xứ Xa-rếp-ta, bà cho vị ngôn sứ Ê-li-a tất cả phần còn lại của mình trong
thời kỳ đói kém để đón nhận tất cả từ Thiên Chúa.
Dt 9: 24-28
Đoạn trích thư gởi tín hữu Do thái ca ngợi việc Đức Giê-su
đã tận hiến một lần cho tất cả để vĩnh viễn tiêu hủy tội lỗi và thánh hóa những
ai tin vào Ngài.
Mc 12: 38-44
Tin Mừng thuật lại tấm lòng quảng đại của một bà góa nghèo
khổ, bà cho tất cả những gì mình có. Xét về lượng, hai đồng xu dâng cúng của bà
thật là khiêm tốn, nhưng về phẩm, của dâng này chất chứa biết bao lòng yêu mến
và niềm tin của bà đối với Chúa.
BÀI ĐỌC I (1V 17: 10-16)
Trong bộ Kinh Thánh Cựu Ước, hai cuốn sách Các Vua chứa đựng
một số lượng lớn những giai thoại ngoạn mục; tập truyện về ngôn sứ Ê-li-a và
ngôn sứ Ê-li-sa minh họa rõ nét nhất điều này. Được lưu truyền lâu dài trong
dân gian trước khi được biên soạn, những chuyện tích này được thêu dệt thành những
chuyện sử thi.
Cuộc mạo hiểm của ngôn sứ Ê-li-a đến xứ Xa-rép-ta minh chứng
về tấm lòng quảng đại của những người nghèo và chuẩn bị cho câu chuyện Tin Mừng
về tấm lòng quảng đại của một bà góa. Hơn nữa, hoàn cảnh, nơi chốn, các nhân vật
đem lại cho câu chuyện một tầm mức tôn giáo.
Hoàn cảnh của ngôn sứ Ê-li-a
Ngôn sứ Ê-li-a sống vào thế kỷ thứ chín trước Công Nguyên,
trong vương quốc miền Bắc, dưới triều đại vua A-kháp (874-853 tCn). Ông thi
hành sứ vụ ngôn sứ của mình trong một hoàn cảnh rất gian nan. Vua A-kháp cưới công
chúa I-da-ven ngoại giáo. Bà hoàng hậu này rất sùng đạo thờ thần Ba-an nên tìm
mọi cách loại bỏ việc phụng thờ Đức Chúa trong vương quốc Ít-ra-en, trong khi vị
ngôn sứ ra sức bảo vệ việc phụng thờ Đức Chúa, Thiên Chúa của Ít-ra-en.
Ngôn sứ Ê-li-a tuyên sấm trước vua A-kháp một cơn hạn hán sẽ
giáng xuống xứ sở vì tội thờ ngẫu tượng. Cơn hạn hán này sẽ kéo dài trong suốt
ba năm. Ngôn sứ Ê-li-a rời miền Sa-ma-ri, nơi không dung thứ ông vì lòng oán hận
của hoàng hậu I-da-ven đối với ông; ông đến tá túc ở phía bắc sông Gio-đan, bên
con suối vẫn còn nước chảy. Nhưng khi con suối này cạn khô, ngôn sứ Ê-li-a ra
đi tìm một nơi lánh nạn khác. Ông đi về miền duyên hải Phê-ni-xi ngoại giáo và
đến làng Xa-rếp-ta, cách địa hạt Xi-đôn khoảng mười lăm cây số về phía đông và ở
lại đó.
Cuộc gặp gỡ của vị ngôn sứ với một bà góa xứ Xa-rếp-ta
Một bà góa xứ Xa-rếp-ta nhận ra người khách lạ xin bà một
chút nước và miếng bánh là một người Do thái, vì thế bà trả lời: “Có Đức Chúa,
Thiên Chúa hằng sống của ông tôi thề là tôi không có bánh”.
Được định vị vào trong bối cảnh sứ vụ của ngôn sứ Ê-li-a,
tình tiết này mang đến một lời chứng đáng chú ý khác về những người khiêm hạ mà
các ngôn sứ Cựu Ước luôn luôn nói đến. Nhưng ngoài ra, tình tiết này nêu bật sự
tương phản giữa thái độ của một bà góa nghèo ngoại giáo xứ Xa-rếp-ta, bà bày tỏ
trọn niềm tin tưởng vào Đức Chúa khi phó thác vào lời hứa của vị ngôn sứ của
Ngài, với cách hành xử của một người phụ nữ ngoại đạo khác, hoàng hậu I-da-ven,
bà này dùng quyền lực và sự giàu có của mình để lôi kéo dân Chúa sa vào tội bội
giáo. Bà góa ngoại giáo xứ Xa-rếp-ta sẽ được trích dẫn trong Tin Mừng như báo
trước cuộc hoán cải của lương dân (Lc 4: 25-26).
Mặt khác, được định vị vào trong khung cảnh của cuộc khủng
hoảng tôn giáo khắp vương quốc Ít-ra-en, cuộc mạo hiểm của ngôn sứ Ê-li-a đến xứ
Xa-rép-ta cung cấp cho vị ngôn sứ một dịp chứng tỏ rằng chính Đức Chúa – chứ
không phải thần Ba-an – là Đấng phân phát đích thật những của cải trần gian.
Chính Ngài ban cho những ai tin tưởng phó thác vào Ngài, ngay cả vào lúc túng
thiếu.
BÀI ĐỌC II (Dt 9: 24-28)
Tác giả thư gởi tín hữu Do thái tiếp tục chứng minh chức tư
tế của Đức Ki-tô cao trọng hơn bội phần chức tư tế của vị Thượng Tế Cựu Ước.
Tác giả định vị viễn cảnh trên hai bình diện: bình diện “trên trời”: Đức Ki-tô
vinh quang là Đấng Trung Gian bên cạnh Chúa Cha, và bình diện “dưới thế”: chức
vụ trung gian đòi hỏi Đức Ki-tô phải vượt qua cuộc Tử Nạn. Như trước đây, tác giả sử dụng những so sánh
của mình, mặc nhiên hay minh nhiên – nghi lễ Đền Tội ở đó vị thượng tế Cựu Ước
dâng hy lễ lên Thiên Chúa để cầu xin Thiên Chúa tha thứ tội lỗi cho mình và
toàn thể cộng đoàn con cái Ít-ra-en vì đã trót phạm trong năm qua.
Chức vụ cao trọng của Vị Thượng Tế Tân Ước
Vào ngày đại lễ Đền Tội, để lời chuyển cầu của mình có thể
thấu đến Thiên Chúa chừng nào có thể, vị thượng tế Cựu Ước vào tận nơi cực
thánh Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, “do bàn tay người phàm làm ra”; trong khi Đức
Ki-tô “đã vào chính cõi trời”. Vị thượng tế Cựu Ước không thể đến tận nơi Thiên
Chúa ngự, nhưng chỉ đến chỗ mà xưa kia đặt Hòm Bia Giao Ước, biểu tượng nơi ở
cõi thế của Đức Chúa; trong khi Đức Ki-tô “đứng trước mặt Thiên Chúa mà chuyển
cầu cho chúng ta”.
Phẩm chất cao trọng của Hy Lễ Tân Ước
Vị thượng tế Cựu Ước dâng máu của tế vật chứ không phải máu
của chính mình, trong khi Đức Ki-tô dâng máu của chính mình. Thế mà người ta có
thể dâng hiến mạng sống mình chỉ một lần. Vì thế, hiến lễ tự nguyện và tự hiến
của Đức Giê-su có một hiệu quả dứt khoát. Những hy lễ được vị thượng tế Cựu Ước
hằng năm dâng lên để xin ơn tha thứ tội lỗi, trong khi hy lễ của Đức Giê-su có
giá trị cho mọi thời và mọi thế hệ.
Một thế giới mới không bóng dáng tội lỗi
Việc Đức Ki-tô nhập thể đã đặt Ngài vào trong mối liên đới với
các tội nhân, nhằm tiêu diệt tội lỗi, như sấm ngôn về người tôi trung của Đức
Chúa “đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân; nhưng thực ra, nó
đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi” (Is 53: 12). Việc
Đức Ki-tô xuất hiện vào Ngày Quang Lâm sẽ không còn bất kỳ liên hệ nào với tội
lỗi. Đức Ki-tô sẽ phục hồi một thế giới không bóng dáng của sự chết và tội lỗi.
Ngài sẽ cứu độ những ai trông cậy vào Ngài.
TIN MỪNG (Mc 12: 38-44)
Mới đây, những người Biệt Phái đã ca ngợi nhân cách của Đức
Giê-su: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật. Thầy chẳng vị nể
ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy
đường lối của Thiên Chúa” (Mc 12: 14). Tiếc thay họ đã sử dụng lời ngợi ca này
để gày bẫy Đức Giê-su, nhưng lời ca ngợi này càng minh chứng đây là nhân cách
thường hằng của Ngài mà đoạn Tin Mừng hôm nay bày tỏ rõ nét nhất.
Khi đặt hai lời dạy của Chúa Giê-su bên cạnh nhau: tránh xa
thói giả hình của người Biệt Phái (12: 38-40) và noi gương cách sống đạo của một
bà góa (12: 41-44), thánh Mác-cô muốn nêu bật sự tương phản giữa cách sống đạo
của các kinh sư, tiêu biểu cho thành phần trí thức có quyền thế và địa vị, với
thái độ khiêm hạ và quảng đại của một bà góa, đại diện cho thành phần hèn mọn
nhất.
Tránh xa thói giả hình của những kinh sư (12: 38-40):
Các kinh sư là những người học rộng biết nhiều về Kinh Thánh
và về truyền thống các tiền nhân, vì thế họ là những nhà chú giải có thẩm quyền.
Nhưng vì tự hào và tự phụ về kiến thức của mình, họ tự hình thành nên một giai
cấp tách biệt quần chúng. Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su thẳng thắn vạch mặt
chỉ tên họ và phác họa chân dung của họ với vài nét tiêu biểu mang tính châm biếm:
“Những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người
ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa thích chiếm ghế danh dự trong hội đường,
thích ngồi cổ nhất trong đám tiệc”.
Nhưng lời tố cáo nghiêm khắc nhất mà Ngài gởi đến các kinh sư
chính là: “Họ nuốt hết tài sản của các bà góa”. Bản văn không nói cho chúng biết
làm thế nào những kinh sư nuốt hết tài sản của các bà góa. Phải chăng họ đã
khai thác sự nhẹ dạ cả tin của những người hiền lành chất phát mà thu góp tiền
của cho riêng mình? Hay họ lợi dụng uy tín của những người giải thích lề luật
có thẩm quyền mà giải thích lề luật theo chiều hướng có lợi cho mình? Hoặc với
tư cách những nhà thông luật, họ biết rất rõ luật Mô-sê lên án nghiêm khắc những
ai ức hiếp mẹ góa con côi và hứa cơn thịnh nộ của Đức Chúa (Xh 22: 21), nhưng lại
nhắm mắt làm ngơ trước thực trạng bất công của những kẻ có thế có quyền hà hiếp
bóc lột những người thấp cổ bé miệng? Chúng ta không biết chính xác, nhưng quả
thật, ngôn sứ I-sai-a đã nghiêm khắc tố cáo thái độ này rồi: “Khốn thay những kẻ
đặt ra các luật lệ bất công, những kẻ viết nên các chỉ thị áp bức, để cản người
yếu hèn hưởng công lý, tước đoạt quyền lợi người nghèo trong dân tôi, để biến
bà góa thành mồi ngon cho chúng, và bóc lột kẻ mồ côi” (Is 10: 1-2).
Về đời sống tôn giáo, “họ còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu
giờ”. Việc đọc kinh cầu nguyện lâu giờ là một nhu cầu tâm linh tất yếu của bất
cứ tín hữu đạo hạnh nào; nhưng điều đáng nói ở đây chính là “họ làm bộ” chứ
không thực tâm, chỉ cốt phô trương nếp sống đạo hạnh của mình trước mặt người đời.
Quả thật, họ cầu nguyện tại những nơi và theo những cách để ai cũng phải thấy rằng
họ là những người đạo hạnh. Ngay từ bài diễn từ trên núi của Ngài, Đức Giê-su
đã lên án nghiêm khắc thói đạo đức giả này rồi: “Khi cầu nguyện, anh em đừng
làm như bọn đạo đức giả: chúng thích cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài
các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy” (Mt 6: 5).
Đức Giê-su kết thúc những lời lên án thói giả hình của kinh
sư như sau: “Cho nên, họ sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn” mà Ngài đã khai triển
trong phần kết thúc dụ ngôn “Người đầy tớ trung thành đợi chủ trở về”: “Đầy tớ
nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ
bị đòn nhiều… Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều, và được giao phó
nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn” (Lc 12: 47-48).
Lời kết án của Đức Giê-su xem ra quá cứng rắn, nếu không muốn
nói vơ đũa cả nắm, bởi vì ngay trước đoạn Tin Mừng này, thánh Mác-cô kể cho
chúng ta một người kinh sư thành tâm thiện chí tìm kiếm Nước Thiên Chúa đến nổi
Đức Giê-su đã khen: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” (12: 34). Dĩ nhiên,
chúng ta không phủ nhận tính lịch sử của đoạn Tin Mừng này, chính vì sự xung đột
giữa Đức Giê-su và những giai cấp lãnh đạo Do thái đã dẫn đến cuộc Tử Nạn của
Ngài. Nhưng đoạn Tin Mừng này khó thoát khỏi ảnh hưởng của những cuộc khẩu chiến
giữa Giáo Hội tiên khởi và Hội Đường Do thái khi Tin Mừng được biên soạn.
Tuy nhiên, khi đoạn Tin Mừng được công bố trong cộng đoàn
Ki-tô hữu tiên khởi, nó mang tính thời sự và vẫn tiếp tục mang tính thời sự
xuyên suốt lịch sử của Giáo Hội tại thế. Việc Đức Giê-su lên án nghiêm khắc
thói giả hình của các kinh sư là những lời nhắc nhở cho các môn đệ của Ngài. Đến
phiên mình, các môn đệ của Ngài sẽ là những người có nguy cơ đi lại lối mòn xưa
cũ của những người kinh sư này, tự hào tự phụ vì đã được sống mật thiết với Thầy,
đã nhận được trực tiếp lời giáo huấn của Thầy, nên đòi hỏi được hưởng những đặc
quyền đặc lợi trong các cộng đoàn Ki-tô hữu. Các môn đệ của Đức Giê-su phải
tránh xa đừng để mình rơi vào những thói giả hình của các kinh sư này bằng cách
noi gương cách sống đạo đơn sơ, chân thành và quảng đại của một bà góa nghèo. Sứ
vụ của họ phải là phục vụ một cách khiêm tốn và vô vị lợi… Đây là bài học mà các
môn đệ của Đức Giê-su sẽ không bao giờ được quên.
Noi gương cách sống đạo của một bà góa (12: 41-44):
Xét về hình thức, thánh Mác-cô đã nối kết rất khéo hai lời dạy
khác nhau của Đức Giê-su vào cùng một đơn vị. Lời dạy về các kinh sư đóng lại với
việc lên án “nuốt hết tài sản của các bà góa”, thì cũng chính “một bà góa” mở
ra lời dạy thứ hai. Xét về nội dung, việc liên kết hai lời dạy thành một đem lại
một bài học nhớ đời. Các môn đệ phải tránh xa cách sống đạo giả hình của các
kinh sư, những người đại diện hàng lãnh đạo của dân Chúa chọn; trái lại cách sống
đạo đơn sơ, chân thành và quảng đại của một bà góa, đại diện hạng người rốt hết,
lại trở nên mẫu gương cho các môn đệ Ngài noi theo.
Khi cùng với các môn đệ đang ngồi đối diện với thùng tiền
dâng cúng, Đức Giê-su quan sát thấy nhiều người giàu có đến dâng cúng những món
tiền lớn, nhưng Ngài chỉ để ý đến một bà góa nghèo đến dâng cúng hai đồng xu.
Theo Kinh Thánh, các bà góa được liệt vào số những người nghèo nhất cùng với những
kẻ mồ côi và những kẻ tha phương cầu thực (Đnl 24: 17-22). Số tiền bà bỏ vào
thùng dâng cúng chẳng đáng là bao so với những món tiền lớn của những người
giàu có. Nhưng Chúa Giê-su không đánh giá của dâng cúng dựa trên số lượng mà
trên chất lượng. Ngài muốn các môn đệ của Ngài phải ghi khắc điều này: “Thầy bảo
thật anh em: bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi
người đều rút ra từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì
rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà
có để nuôi sống mình”. Của dâng cúng của bà góa này, xét về số lượng, chẳng có
nghĩa lý gì, nhưng xét về chất lượng, lại chất nặng đức tin, đức cậy và đức mến
của bà, vì bà đã đặt mọi ngày sắp đến của mình vào tình yêu quan phòng của
Chúa.
Dung mạo của bà góa này là dung mạo sau cùng xuất hiện trong
sứ vụ công khai của Đức Giê-su. Giáo huấn của Ngài đã bắt đầu với “Phúc cho những
người nghèo khó” và kết thúc với lời ca ngợi một người nghèo khó biết cho tất cả
những gì mình có để đón nhận tất cả từ Thiên Chúa và để Thiên Chúa trở nên tất
cả cho cuộc đời mình.
Lm. Inhaxiô Hồ Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét