THÔNG ĐIỆP DILEXIT NOS - NGƯỜI ĐÃ YÊU THƯƠNG CHÚNG TA
THÔNG ĐIỆP
DILEXIT NOS - NGƯỜI ĐÃ YÊU THƯƠNG CHÚNG TA
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
VỀ TÌNH YÊU NHÂN LOẠI VÀ THẦN LINH CỦA TRÁI TIM CHÚA GIÊSU KITÔ
1. “NGƯỜI ĐÃ YÊU THƯƠNG CHÚNG TA”, Thánh Phaolô nói về Chúa Kitô (x. Rm 8,37), để giúp ta nhận ra rằng không gì có thể “tách chúng ta” ra khỏi tình yêu ấy (Rm 8,39). Thánh Phaolô có thể khẳng quyết chắc chắn điều này vì chính Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,9.12). Ngay cả bây giờ, Chúa vẫn nói với chúng ta: “Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15,15). Trái tim rộng mở của Người đã đi trước và chờ đợi chúng ta, một cách vô điều kiện, chỉ muốn trao cho ta tình yêu và tình bạn của Người. Vì “Người đã yêu thương chúng ta trước” (x. 1Ga 4,10). Nhờ Chúa Giêsu, “chúng ta đã biết và tin vào tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta” (1Ga 4,16).
CHƯƠNG MỘT - TẦM QUAN TRỌNG CỦA TRÁI TIM
2. Biểu tượng trái tim thường được dùng để diễn tả tình yêu của Chúa Giêsu Kitô. Một số người chất vấn liệu biểu tượng này có vẫn còn ý nghĩa hôm nay hay không. Tuy nhiên, sống trong một thời đại hời hợt, hối hả từ việc này sang việc khác mà không thực sự biết tại sao, rồi rốt cuộc trở thành những người tiêu thụ không biết chán và những nô lệ cho các cơ chế của một thị trường không quan tâm gì đến ý nghĩa sâu xa hơn của đời sống mình, thì tất cả chúng ta cần khám phá lại tầm quan trọng của trái tim.[1]
CHÚNG TA MUỐN NÓI GÌ KHI NÓI “TRÁI TIM”?
3. Trong tiếng Hy lạp cổ, từ kardíachỉ về phần sâu thẳm nhất của con người, động vật và thực vật. Đối với Homer, nó không chỉ nói về trung tâm của cơ thể, mà còn nói về tâm hồn và tinh thần người ta. Trong Iliad, tư tưởng và cảm xúc xuất phát từ trái tim và gắn kết chặt chẽ với nhau.[2] Trái tim được coi là nơi của ước muốn và là chỗ mà các quyết định quan trọng hình thành.[3] Trong Plato, trái tim luôn đảm trách việc thống nhất các khía cạnh lý trí và bản năng của con người, vì các xung lực của các năng lực thượng đẳng lẫn các đam mê được cho là đi qua các mạch máu hội tụ nơi trái tim.[4] Vì thế từ thời xa xưa, người ta đã chân nhận sự kiện rằng con người không chỉ là tổng hợp các năng khiếu khác nhau, mà còn là sự hợp nhất của cơ thể và tâm hồn, với một trung tâm điều phối cung cấp phông nền ý nghĩa và chiều hướng cho tất cả những gì mà con người kinh nghiệm.
4. Kinh Thánh nói với ta rằng “Lời Chúa sống động và hữu hiệu… có khả năng xét đoán các tư tưởng và ý định của trái tim” (Dt 4,12). Như vậy, Kinh Thánh nói về trái tim như một cốt lõi nằm ẩn dưới mọi vẻ bề ngoài, ngay cả dưới những suy nghĩ hời hợt có thể làm lung lạc chúng ta. Các môn đệ Emmau, trên hành trình huyền nhiệm của họ, được đồng hành bởi Chúa Kitô phục sinh, đã kinh nghiệm một thời khắc ưu phiền, hoang mang, chán nản và thất vọng. Tuy nhiên, vượt quá và bất chấp tình trạng này, một điều gì đó đã xảy ra sâu thẳm trong lòng họ: “Trái tim chúng ta đã chẳng bừng cháy lên khi Người nói chuyện với chúng ta trên đường sao?” (Lc 24,32).
5. Trái tim cũng định vị sự chân thành, trong đó không có chỗ cho sự lừa dối và ngụy trang. Nó thường cho thấy những ý hướng thực sự của chúng ta, những gì ta thực sự nghĩ, tin và mong muốn, những “bí mật” mà ta không tiết lộ với ai – nói tóm lại, nó cho thấy sự thật trần trụi về chính chúng ta. Đó là phần nơi chúng ta vốn không phải là ngoại hình hay ảo ảnh, mà là phần chân thực, hiện thực, hoàn toàn là “con người thật của ta”. Vì thế nên Samson, người đã giấu Delilah bí mật về sức mạnh của mình, đã bị cô ấy hỏi “Làm sao chàng có thể nói ‘anh yêu em’, khi mà trái tim chàng không ở gần em?” (Tl 16,15). Chỉ khi Samson mở lòng mình với cô, Delilah mới nhận ra “rằng chàng đã kể cho mình nghe tất cả bí mật của chàng” (Tl 16,18).
6. Thực tại bên trong này của mỗi người thường bị che lấp bởi rất nhiều “tán lá”, làm ta không chỉ khó hiểu chính mình, mà còn khó hiểu hơn về người khác: “Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người, ai dò thấu được?” (Gr 17,9). Vì thế, ta có thể hiểu lời khuyên của sách Châm ngôn: “Hãy gìn giữ trái tim con cho thật kỹ, vì từ nơi đó mà sự sống phát sinh; lời nói lọc lừa con hãy đẩy cho xa” (4,23-24). Sự chăm chút chỉ những thứ bề ngoài, sự không trung thực và lừa dối sẽ làm tổn hại và hư hỏng trái tim con người. Bất chấp mọi cố gắng của ta để giả hình, trái tim chúng ta sẽ là thẩm phán cuối cùng, không phải về những gì ta thể hiện hay che giấu đối với người khác, mà là về con người thật của mình. Đó là cơ sở cho bất cứ kế hoạch nào nhằm sống lành mạnh; người ta không thể nhận được gì đáng giá ở ngoài trái tim. Những vẻ giả tạo bề ngoài và những điều không trung thực cuối cùng sẽ để lại cho ta bàn tay trắng.
7. Để minh họa điều này, tôi muốn nhắc lại một câu chuyện mà mình từng kể. “Dịp lễ hội hóa trang hồi chúng tôi còn nhỏ, bà tôi làm món bánh bột nhào bằng những lát bột rất mỏng. Khi bà thả các lát bột vào chảo dầu, chúng sẽ nở to ra, nhưng sau đó, khi chúng tôi cắn vào, hóa ra bên trong chúng trống rỗng. Trong thổ ngữ của chúng tôi, những chiếc bánh này được gọi là ‘bánh phồng’… Bà tôi giải thích: ‘Giống như những lời dối trá phóng đại, chúng trông to, nhưng bên trong trống rỗng; chúng giả tạo, không thật'”.[5]
8. Thay vì theo đuổi những thỏa mãn hời hợt và thay vì làm bộ giúp ích người khác, tốt hơn chúng ta nên suy nghĩ về những câu hỏi thực sự quan trọng trong đời. Tôi thực sự là ai? Tôi đang tìm kiếm gì? Tôi muốn định hướng thế nào cho đời mình, cho những quyết định và những hành động của mình? Tại sao tôi có mặt trên đời này, và nhằm mục đích gì? Tôi muốn nhìn thấy cuộc sống mình thế nào khi đời mình kết thúc? Đâu là ý nghĩa mà tôi muốn trao cho tất cả những kinh nghiệm của mình? Tôi muốn trở thành ai đối với người khác? Tôi là ai đối với Thiên Chúa? Tất cả những câu hỏi này đưa dẫn chúng ta trở lại với trái tim mình.
TRỞ VỀ VỚI TRÁI TIM
9. Trong cái thế giới “lỏng lẻo” này của mình, chúng ta một lần nữa cần bắt đầu nói về trái tim, và cần suy nghĩ về chính nơi mà mọi người, thuộc mọi tầng lớp và hoàn cảnh, tạo ra một tổng hợp trong đó họ gặp thấy căn nguyên của những sức mạnh, những niềm xác tín, những sự say mê và những quyết định của mình. Tuy nhiên, chúng ta thấy mình bị nhận chìm trong xã hội của những người hăm hở tiêu thụ, ngày này qua ngày khác bị chi phối bởi nhịp sống hối hả và bị dội bom công nghệ, thiếu sự kiên nhẫn cần thiết để dấn mình vào những tiến trình mà bản chất của đời sống nội tâm đòi hỏi. Trong xã hội ngày nay, con người “có nguy cơ đánh mất trung tâm của mình, trung tâm của chính bản ngã mình”.[6] “Thật vậy, những con người nam nữ của thời đại chúng ta thường thấy mình bị bấn loạn và xâu xé, hầu như bị tước mất một nguyên lý bên trong vốn có thể tạo lập sự thống nhất và hòa hợp trong cuộc sống và hành động của họ. Đáng buồn là các mô hình ứng xử lan rộng hiện nay đang quá đẩy mạnh chiều kích lý tính-công nghệ của chúng ta, hay ngược lại, quá đẩy mạnh chiều kích bản năng của chúng ta”.[7] Không còn chỗ nào dành cho trái tim.
10. Những vấn đề đặt ra bởi xã hội lỏng lẻo ngày nay đang được thảo luận nhiều, nhưng sự coi thường cái cốt lõi thâm sâu của nhân tính chúng ta – là trái tim – thì có một lịch sử lâu đời hơn nhiều. Chúng ta vốn thấy nó có mặt trong chủ nghĩa duy lý Hy lạp và tiền Kitô giáo, trong chủ nghĩa duy tâm hậu Kitô giáo và trong chủ nghĩa duy vật dưới nhiều dáng dấp khác nhau. Trái tim đã bị bỏ qua trong nhân học, và truyền thống triết học đồ sộ coi nó là một khái niệm xa lạ, trong khi ưa chuộng các ý niệm khác như lý trí, ý chí hay tự do. Bản thân ý nghĩa của hạn từ này thì mơ hồ và khó định vị trong kinh nghiệm con người của chúng ta. Có lẽ điều này là do sự khó khăn trong việc xem nó như một “ý tưởng rõ ràng và phân biệt”, hoặc vì nó gắn với vấn đề tự nhận thức, trong đó phần sâu xa nhất của chúng ta cũng là phần ít được hiểu biết nhất. Ngay cả việc gặp gỡ người khác cũng không nhất thiết được coi là một cách để gặp gỡ chính mình, trong mức độ các khuôn mẫu suy nghĩ của chúng ta bị chi phối bởi một chủ nghĩa cá nhân không lành mạnh. Nhiều người cảm thấy an toàn hơn khi xây dựng hệ thống tư tưởng của mình trong phạm vi dễ kiểm soát hơn của trí năng và ý chí. Việc không dành chỗ cho trái tim, phân biệt với các sức mạnh và các đam mê của con người chúng ta khi được nhìn tách rời nhau, đã gây cản trở việc ý niệm về một trung tâm của cá nhân, trong đó rốt cuộc tình yêu là thực tại duy nhất có thể thống nhất tất cả những thực tại khác.
11. Nếu coi thường trái tim, chúng ta cũng coi thường ý nghĩa của việc nói từ trái tim, hành động bằng trái tim, vun đắp và chữa lành trái tim. Nếu chúng ta không trân trọng tính chuyên biệt của trái tim, chúng ta sẽ bỏ hụt những thông điệp mà duy chỉ trí óc thì không thể truyền đạt; chúng ta sẽ bỏ lỡ sự phong phú của những cuộc gặp gỡ với người khác; chúng ta sẽ bỏ lỡ thi ca. Chúng ta cũng đánh mất dấu vết của lịch sử và quá khứ của chính mình, vì lịch sử con người thực của chúng ta được xây dựng bằng trái tim. Vào lúc cuối đời, chỉ điều đó mới quan trọng.
12. Vì thế phải nói rằng chúng ta có một trái tim, một trái tim cùng tồn tại với những trái tim khác giúp làm cho nó thành một “Bạn”. Vì không thể khai triển dông dài chủ đề này, chúng ta sẽ lấy nhân vật Nikolai Stavrogin từ một tiểu thuyết của Dostoevsky.[8] Romano Guardini lập luận rằng Stavrogin chính là hiện thân của sự dữ, bởi vì đặc điểm chính của ông ta là sự vô tâm: “Stavrogin không có trái tim, do đó đầu óc ông ta lạnh lùng và trống rỗng, cơ thể ông ta chìm ngập trong sự ươn lười và nhục cảm thú tính. Không có trái tim, ông ta không thể thân thiết với ai, và không ai có thể thực sự thân thiết với ông. Vì chỉ trái tim mới tạo nên sự mật thiết, sự gần gũi thực sự giữa hai người. Chỉ trái tim mới có thể trao và nhận lòng hiếu khách. Sự mật thiết là hoạt động riêng và là lãnh vực của trái tim. Stavrogin luôn vô cùng xa cách, ngay cả xa cách chính mình, bởi vì người ta chỉ có thể đi vào bên trong chính mình bằng trái tim, không phải bằng trí óc. Với khả năng của mình, người ta không thể đi vào nội tâm mình bằng trí óc. Vì thế, nếu trái tim không sống động, người ta vẫn xa lạ với chính mình”.[9]
13. Mọi hành động của chúng ta phải được đặt dưới “quy tắc chính trị” của trái tim. Theo cách này, sự hung hăng và những dục vọng ám ảnh của chúng ta sẽ lắng dịu trong điều tốt đẹp hơn mà trái tim mời gọi, và trong sức mạnh của trái tim đề kháng sự dữ. Trí năng và ý chí được đặt phục vụ cho điều tốt đẹp hơn bằng cách cảm nhận và thưởng thức những sự thật, thay vì tìm cách làm chủ chúng như khoa học có xu hướng làm. Ý chí sẽ khao khát điều tốt đẹp hơn mà trái tim nhận ra, trong khi chính trí tưởng tượng và các cảm xúc được dẫn dắt bởi nhịp đập của trái tim.
14. Do đó, có thể nói rằng tôi là trái tim của tôi, vì trái tim của tôi là cái làm cho tôi khác biệt, định hình căn tính tâm linh của tôi và đưa tôi vào hiệp thông với những người khác. Các thuật toán vận hành trong thế giới kỹ thuật số cho thấy rằng các tư tưởng và ý chí của chúng ta “đồng nhất” hơn nhiều so với chúng ta từng nghĩ trước đây. Chúng dễ dàng được dự đoán và do đó có thể bị thao túng. Nhưng trái tim thì không như vậy.
15. Từ “trái tim” chứng tỏ giá trị của nó đối với triết học và thần học trong các cố gắng nhằm đạt được một tổng hợp toàn diện. Ý nghĩa của nó cũng không thể được thấu triệt bởi sinh học, tâm lý học, nhân chủng học hay bất cứ khoa học nào khác. Đó là một trong những từ nguyên thủy “mô tả những thực tại thuộc về con người đúng theo mức độ con người là một tổng thể (như một con người tâm-thân)”.[10] Theo đó thì các nhà sinh học không hề “thực tiễn” hơn khi họ thảo luận về trái tim, vì họ chỉ nhìn thấy một khía cạnh của nó; cái tổng thể không hề ít thực hơn, mà thậm chí còn thực hơn. Ngôn ngữ trừu tượng cũng không thể đạt được cùng một ý nghĩa cụ thể và tích hợp ấy. Từ “trái tim” gợi lên cốt lõi sâu thẳm nhất của con người chúng ta, và do đó nó cho phép chúng ta nhận hiểu chính mình trong tính toàn nhập của mình chứ không chỉ dưới một khía cạnh tách biệt.
16. Năng lực độc đáo này của trái tim cũng giúp chúng ta hiểu tại sao – khi chúng ta nắm bắt một thực tại bằng trái tim – thì ta sẽ hiểu biết nó tốt hơn và đầy đủ hơn. Điều này tất yếu dẫn chúng ta đến tình yêu là điều vốn thuộc năng lực của trái tim, vì “cốt lõi thâm sâu nhất của thực tại là tình yêu”.[11] Đối với Heidegger, như được một nhà tư tưởng đương thời diễn giải, triết học không bắt đầu bằng một ý niệm đơn giản hay sự chắc chắn, mà bằng một cú sốc: “Tư tưởng phải được khơi dậy trước khi nó bắt đầu làm việc với các ý niệm, hoặc trong khi nó làm việc với chúng. Nếu không có cảm xúc sâu sắc, tư duy không thể bắt đầu. Do đó, hình ảnh tâm thần đầu tiên sẽ là nổi da gà. Điều đầu tiên kích động người ta suy nghĩ và chất vấn chính là cảm xúc sâu sắc. Triết học luôn diễn ra trong một trạng thái hưng phấn cơ bản (Stimmung)”.[12] Đó là lúc trái tim nhập cuộc, vì nó “chứa đựng các trạng thái tâm cảm và nó làm việc trong tư cách một ‘người giữ các trạng thái tâm cảm’. ‘Trái tim’ lắng nghe theo một cách phi ẩn dụ ‘tiếng nói lặng thầm’ của hữu thể, cho phép chính nó được tôi luyện và được xác định bởi tiếng nói ấy”.[13]
TRÁI TIM KẾT HỢP CÁC PHÂN MẢNH
17. Đồng thời, trái tim làm cho mọi mối gắn kết chân thực trở thành có thể, vì một mối tương quan không được hình thành bởi trái tim thì sẽ không thể vượt qua tình trạng phân mảnh do chủ nghĩa cá nhân gây ra. Hai đơn tử có thể tiếp cận nhau, nhưng chúng sẽ không bao giờ thực sự kết nối. Một xã hội bị thống trị bởi bệnh ái kỷ và qui ngã sẽ ngày càng trở nên “vô tâm”. Điều này đến lượt nó sẽ dẫn tới tình trạng “mất khát vọng”, vì khi những người khác biến mất khỏi chân trời, chúng ta thấy mình bị mắc kẹt trong những bức tường do chính mình tạo ra, không còn khả năng có những mối tương quan lành mạnh.[14] Kết quả là chúng ta cũng trở nên mất khả năng cởi mở với Thiên Chúa. Như Heidegger diễn tả, để cởi mở với thực tại thần linh, chúng ta cần xây dựng một “nhà khách”.[15]
18. Do đó, chúng ta thấy rằng trong trái tim của mỗi người có một mối nối kết thần nhiệm giữa sự tự thức và sự cởi mở với người khác, giữa việc gặp gỡ tính độc đáo của riêng mình và sự sẵn lòng hiến thân cho người khác. Chúng ta chỉ trở thành chính mình trong mức độ ta đạt được khả năng nhìn nhận người khác, trong khi chỉ những ai có thể nhìn nhận và chấp nhận bản thân mình thì mới có thể gặp gỡ người khác.
19. Trái tim cũng có khả năng thống nhất và hòa hợp lịch sử cá nhân của chúng ta, lịch sử này dường như bị phân mảnh một cách vô vọng, nhưng lại là nơi mà mọi thứ khả dĩ có ý nghĩa. Phúc Âm kể cho ta điều này khi nói về Đức Mẹ, người đã nhìn mọi sự bằng trái tim. Mẹ có thể đối thoại với những điều Mẹ đã trải nghiệm bằng cách suy ngẫm chúng trong lòng, trân quí ký ức về chúng và nhìn chúng trong một viễn cảnh rộng lớn hơn. Diễn tả hay nhất về cách trái tim suy nghĩ được tìm thấy trong hai bản văn của Tin Mừng Luca nói với chúng ta về cách Đức Maria “ghi nhớ (synetérei) tất cả những điều ấy và suy ngẫm (symbállousa) trong lòng” (x. Lc 2,19 và 51). Động từ Hy lạp symbállein, “suy ngẫm”, gợi hình ảnh của việc ghép hai thứ lại với nhau (“các biểu tượng”) trong tâm trí của mình và suy tư về chúng, trong một cuộc đối thoại với chính mình. Trong Luca 2,51, động từ được dùng là dietérei, có nghĩa là “giữ gìn”. Điều Đức Maria đã “giữ gìn” không chỉ là ký ức của Mẹ về những gì Mẹ đã thấy và nghe, mà còn là những khía cạnh mà Mẹ vẫn chưa hiểu; tuy nhiên, những khía cạnh này vẫn hiện diện và sống động trong ký ức của Mẹ, chờ đợi để được “ghép lại” trong trái tim của Mẹ.
20. Trong thời đại trí tuệ nhân tạo này, chúng ta không thể quên rằng thi ca và tình yêu thật cần thiết để cứu nhân loại chúng ta. Sẽ không có thuật toán nào nắm bắt được, chẳng hạn, nỗi hoài vọng mà tất cả chúng ta đều cảm thấy, bất kể tuổi tác và bất kể ta đang sống ở đâu, khi chúng ta nhớ lại lần đầu tiên mình dùng một cái nĩa để dán mép vỏ những chiếc bánh nhân mà ta giúp mẹ hay bà của mình làm ở nhà. Đó là khoảnh khắc học nghề nấu nướng, vào khoảng giữa tuổi chơi đùa của trẻ con và tuổi trưởng thành, khi chúng ta lần đầu tiên cảm thấy có trách nhiệm làm việc và giúp đỡ nhau. Bên cạnh chiếc nĩa, tôi cũng có thể kể đến hàng ngàn điều nhỏ nhặt khác vốn thuộc về phần quí giá trong cuộc sống của mỗi người: một nụ cười ta nhận được khi kể một câu chuyện vui, một bức vẽ ta phác họa dưới ánh sáng bên khung cửa sổ, trận bóng đá đầu tiên chúng ta chơi với quả bóng làm bằng nùi giẻ, những con sâu chúng ta thu thập được trong hộp giày, một bông hoa ta ép vào trang sách, nỗi lo lắng của ta về một chú chim non rơi khỏi tổ, điều ước của mình khi hái một bông hoa cúc. Tất cả những điều nhỏ nhặt này, vốn dĩ bình thường, nhưng lại phi thường đối với chúng ta, không bao giờ các thuật toán có thể nắm bắt được. Chiếc nĩa ấy, câu chuyện vui ấy, khung cửa sổ ấy, quả bóng, hộp giày, quyển sách, chú chim, và bông hoa ấy: tất cả còn sống động như những kỷ niệm quí báu được “giữ gìn” trong sâu thẳm trái tim chúng ta.
21. Cốt lõi thâm sâu này, hiện diện trong mỗi người nam nữ, không phải là cốt lõi của linh hồn, mà là của toàn bộ con người trong căn tính tâm-thể-lý độc đáo của mình. Mọi thứ đều tìm thấy sự thống nhất của nó nơi trái tim, có thể là cư sở của tình yêu trong tất cả các chiều kích tâm linh, tinh thần và ngay cả thể chất của nó. Nói tóm lại, nếu tình yêu ngự trị trong trái tim mình, chúng ta sẽ trở thành – một cách trọn vẹn và sáng ngời – con người mà ta được nhắm trở thành, vì mỗi con người được tạo dựng trước hết là để yêu thương. Trong sâu thẳm hiện hữu của mình, chúng ta được tạo nên để yêu và được yêu.
22. Vì thế, khi chúng ta chứng kiến sự bùng nổ của các cuộc chiến tranh mới, với sự đồng lõa, dung túng hoặc thờ ơ của các quốc gia khác, hoặc các cuộc tranh giành quyền lực nhỏ nhen vì lợi ích đảng phái, chúng ta có thể thiên về kết luận rằng thế giới của chúng ta đang đánh mất trái tim. Chúng ta chỉ cần nhìn và lắng nghe những cụ bà – từ cả hai phía – những người đang phải điêu đứng bởi những xung đột tàn khốc này. Thật đau lòng khi thấy họ than khóc cho những đứa cháu nội cháu ngoại của mình bị sát hại, hoặc chính họ chỉ mong được chết sau khi mất đi mái nhà mà họ đã gắn bó cả đời. Những người phụ nữ ấy, vốn thường là những trụ cột của nghị lực và của khả năng phục hồi giữa những truân chuyên khổ ải của cuộc sống, giờ đây, vào cuối đời, họ đang trải qua không phải sự nghỉ ngơi xứng đáng, mà chỉ có đau khổ, sợ hãi và phẫn nộ. Việc đổ lỗi cho người khác không giải quyết được những tình cảnh bi thương đáng xấu hổ này. Nhìn những cụ bà này khóc, mà không cảm thấy rằng đây là một điều không thể chấp nhận được, thì đó là dấu hiệu của một thế giới đã trở thành vô tâm.
23. Bất cứ khi nào một người suy nghĩ, chất vấn và suy tư về căn tính thực sự của mình, cố gắng nhận hiểu những vấn nạn sâu xa hơn của đời sống và tìm kiếm Thiên Chúa, hoặc cảm nhận niềm phấn khích khi thoáng thấy sự thật, thì điều đó sẽ dẫn đến nhận thức rằng sự viên mãn của chúng ta trong tư cách con người được tìm thấy nơi tình yêu. Khi yêu, chúng ta cảm thấy mình nhận hiểu được hướng đích sự hiện hữu của mình trên thế giới này. Mọi thứ kết hợp lại với nhau trong tình trạng nhất quán và hài hòa. Khi đó, trong chiêm nghiệm về ý nghĩa cuộc sống của mình, có lẽ câu hỏi quyết định nhất mà chúng ta đặt ra là: “Phải chăng mình có một trái tim?”
LỬA
24. Tất cả những gì chúng ta đã nói đều có những hàm nghĩa cho đời sống tâm linh. Chẳng hạn, thần học ẩn chứa trong sách Linh Thao của thánh Inhaxiô Loyola dựa trên “tình cảm” (affectus). Cấu trúc của Linh Thao giả định một khao khát mạnh mẽ và chân thành muốn “dàn xếp lại” đời sống mình, một khao khát đến lượt nó sẽ cung cấp sức mạnh và phương tiện để đạt được mục tiêu ấy. Các qui tắc và các việc thiết lập khung cảnh mà Inhaxiô cung cấp là để phục vụ cho một điều gì đó quan trọng hơn nhiều, đó là: mầu nhiệm của trái tim con người. Michel de Certeau cho thấy tại sao “các chuyển động” được Inhaxiô nói đến chính là sự “thâm nhập” của ước muốn Thiên Chúa và ước muốn của chính trái tim chúng ta giữa tiến trình mạch lạc của các bài suy niệm. Một điều gì đó bất ngờ và chưa từng được biết đến bắt đầu nói trong trái tim chúng ta, đột phá sự hiểu biết hời hợt của chúng ta và chất vấn nó. Đây là khởi đầu của một tiến trình mới “sắp xếp lại cuộc sống chúng ta”, bắt đầu từ trái tim. Nó không phải là các ý niệm thuộc trí năng cần được đưa vào thực hành trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, như thể tâm cảm và thực hành chỉ đơn thuần là kết quả của các dữ liệu kiến thức và phụ thuộc vào các dữ liệu ấy.[16]
25. Nơi mà tư duy của triết gia dừng lại, thì ở đó trái tim của người tín hữu tiếp tục bước tới vững vàng trong yêu mến và tôn thờ, trong cầu xin sự tha thứ và trong thái độ sẵn sàng phục vụ ở bất kỳ nơi nào Chúa cho phép chúng ta lựa chọn, để đi theo bước chân của Người. Tại thời điểm đó, chúng ta nhận ra rằng trong mắt Thiên Chúa, chúng ta là một “Bạn”, và vì thế chúng ta có thể là một “Tôi”. Quả thật, chỉ có Chúa mới đề nghị đối xử với mỗi người chúng ta như một “Bạn”, luôn mãi như thế. Việc chấp nhận tình bạn của Người là chuyện của trái tim; đó là điều làm cho chúng ta nên như những nhân vị theo nghĩa đầy đủ nhất của từ ngữ này.
26. Thánh Bonaventura nói với chúng ta rằng cuối cùng ta không nên cầu xin ánh sáng, mà là cầu xin “ngọn lửa mãnh liệt”.[17] Ngài dạy rằng “đức tin ở trong trí năng, theo cách khơi dậy tâm cảm. Theo nghĩa này, chẳng hạn, sự hiểu biết rằng Chúa Kitô đã chết vì chúng ta không còn chỉ là sự hiểu biết, mà nhất thiết phải trở thành tình cảm, trở thành tình yêu”.[18] Cùng chiều hướng ấy, thánh John Henry Newman đã lấy cụm từ Cor ad cor loquiturlàm châm ngôn của mình, bởi vì, vượt quá mọi tư tưởng và ý niệm của ta, Chúa cứu chúng ta bằng cách ngỏ lời với trái tim chúng ta từ Thánh Tâm của Người. Nhận thức này đã khiến thánh nhân, con người trí thức lỗi lạc, nhận ra rằng cuộc gặp gỡ sâu xa nhất của ngài với chính mình và với Chúa không đến từ việc đọc sách hay suy tư, mà đến từ cuộc đối thoại cầu nguyện của mình, từ trái tim tới trái tim, với Chúa Kitô, Đấng hiện diện sống động. Chính trong Thánh Thể mà Newman đã gặp được trái tim sống động của Chúa Giêsu, có sức giải thoát chúng ta, trao ý nghĩa cho từng khoảnh khắc đời ta, và ban tặng sự bình an đích thực: “Lạy Trái Tim Cực Thánh và tràn đầy yêu thương của Chúa Giêsu, Trái Tim Chúa giấu ẩn trong Thánh Thể, và vẫn đập vì chúng con… Con tôn thờ Trái Tim Chúa với tất cả lòng mến yêu và kính sợ tốt nhất của con, với tình cảm nồng nhiệt của con, với ý chí kiên quyết và kìm nén nhất của con. Lạy Thiên Chúa của con, khi Chúa hạ mình xuống để con được đón nhận Chúa, được ăn và uống Chúa, và trong một khoảnh khắc Chúa ngự trong con, xin hãy làm cho trái tim con hòa nhịp đập cùng Trái Tim Chúa. Xin thanh tẩy trái tim con khỏi mọi thứ phàm tục, mọi kiêu hãnh và nhục dục, mọi khắc nghiệt và tàn nhẫn, mọi sự đồi bại, mọi hỗn loạn, và mọi chết chóc. Xin lấp đầy trái tim con bằng chính Chúa, để những biến cố hằng ngày hay những hoàn cảnh của thời thế đều không đủ sức làm xáo trộn trái tim con, nhưng trong lòng yêu mến và kính sợ Chúa, trái tim con được bình an”.[19]
27. Đứng trước trái tim Chúa Giêsu sống động và hiện diện, tâm trí chúng ta, được Chúa Thánh Thần soi sáng, lớn lên trong sự hiểu biết lời Chúa, và ý chí của chúng ta được thúc đẩy để đưa lời Chúa vào thực hành. Điều này rất dễ nằm lại ở cấp độ một loại chủ nghĩa đạo đức tự lực. Tuy nhiên, việc lắng nghe và cảm nếm Chúa, và việc tôn vinh Chúa cách xứng hợp, là việc của trái tim. Chỉ trái tim mới có khả năng đặt các sức mạnh và đam mê khác của chúng ta, cùng toàn bộ con người chúng ta, vào tư thế tôn kính và vâng phục đầy mến yêu trước Chúa.
THẾ GIỚI CÓ THỂ THAY ĐỔI, BẮT ĐẦU TỪ TRÁI TIM
28. Chỉ bằng cách bắt đầu từ trái tim, các cộng đồng của chúng ta mới thành công trong việc hợp nhất và hòa giải những tâm thức và ý chí khác biệt, để Chúa Thánh Thần có thể dẫn dắt chúng ta trong sự hiệp nhất như anh chị em. Sự hòa giải và hòa bình cũng phát sinh từ trái tim. Trái tim của Chúa Kitô là “sự xuất thần”, sự cởi mở, sự ban tặng và gặp gỡ. Trong trái tim đó, chúng ta học biết liên hệ với nhau theo những cách lành mạnh và hạnh phúc, và xây dựng vương quốc tình yêu và công lý của Thiên Chúa trên thế giới này. Trái tim chúng ta, kết hợp với trái tim Chúa Kitô, sẽ có khả năng làm nên kỳ tích xã hội này.
29. Vì thế, việc chú trọng trái tim sẽ có những hiệu ứng cho toàn xã hội. Công Đồng Vatican II dạy rằng “mỗi người chúng ta cần thay đổi trái tim; chúng ta phải chăm chú nhìn toàn thế giới và xem xét những nhiệm vụ mà tất cả chúng ta có thể cùng nhau thực hiện hầu mang lại sự cải thiện cho giống loài”.[20] Vì “những sự mất cân bằng đang ảnh hưởng đến thế giới hôm nay thực ra là triệu chứng của sự mất cân bằng sâu xa hơn bắt nguồn từ trái tim con người”.[21] Khi suy ngẫm về những thảm kịch đang gây đau thương cho thế giới chúng ta, Công Đồng thúc giục chúng ta trở về với trái tim. Công Đồng giải thích rằng con người “với đời sống nội tâm của mình, siêu vượt trên toàn bộ vũ trụ vật chất; con người kinh nghiệm chiều sâu nội tâm này khi họ đi vào trái tim của chính mình, ở đó Thiên Chúa, Đấng thăm dò trái tim, đang chờ đợi họ, và ở đó họ quyết định vận mệnh của chính mình trước mặt Thiên Chúa”.[22]
30. Điều này không hề hàm nghĩa rằng chúng ta sẽ cậy dựa quá mức vào khả năng của chính mình. Đừng bao giờ quên rằng trái tim chúng ta không tự túc, mà yếu đuối và bị tổn thương. Nó có được một phẩm giá về mặt hữu thể, nhưng đồng thời nó phải tìm kiếm một sự sống ngày càng có phẩm giá hơn.[23] Công Đồng Vatican II chỉ ra rằng “men của Phúc Âm đã và đang tiếp tục khơi lên trong trái tim con người một cơn khát nhân phẩm khôn nguôi”.[24] Tuy nhiên, để sống phù hợp với phẩm giá này, chỉ biết Phúc Âm hay thực thi cách máy móc các yêu cầu của Phúc Âm thì chưa đủ. Chúng ta cần sự trợ giúp của tình yêu Thiên Chúa. Vì thế chúng ta hãy hướng về trái tim Chúa Kitô, cốt lõi bản thể của Người, là lò lửa rực cháy của tình yêu thần linh và nhân loại, và là sự viên mãn tột đỉnh mà con người có thể khao khát. Ở đó, trong trái tim ấy, cuối cùng chúng ta thực sự nhận biết chính mình và chúng ta học biết yêu thương.
31. Cuối cùng, Thánh Tâm Chúa là nguyên lý thống nhất của mọi thực tại, vì “Chúa Kitô là trái tim của thế giới, và mầu nhiệm vượt qua – với cái chết và sự phục sinh của Người – là trung tâm của lịch sử, chính nhờ Người mà lịch sử là lịch sử cứu độ”.[25] Mọi loài thụ tạo “đang tiến về phía trước cùng với chúng ta và qua chúng ta hướng tới một đích điểm chung là Thiên Chúa, trong sự hoàn thành siêu việt, ở đó Chúa Kitô Phục sinh ôm lấy và chiếu soi mọi sự”.[26] Trong sự hiện diện của trái tim Chúa Kitô, một lần nữa tôi cầu xin Chúa xót thương thế giới đau khổ này, nơi Người đã chọn cư ngụ như một trong chúng ta. Xin Người đổ tràn kho tàng ánh sáng và tình yêu của Người, để thế giới chúng ta, đang tiến về phía trước bất chấp chiến tranh, bất chấp những chênh lệch về kinh tế xã hội và về việc sử dụng công nghệ vốn đang đe dọa nhân loại này, có thể lấy lại được điều quan trọng và cần thiết nhất: chính là trái tim của nó!
CHƯƠNG HAI - NHỮNG HÀNH ĐỘNG VÀ NHỮNG LỜI NÓI YÊU THƯƠNG
32. Trái tim Chúa Kitô, biểu tượng của nguồn tình yêu sâu xa và biệt vị nhất của Người đối với chúng ta, là chính cốt lõi của lời rao giảng tiên khởi về Phúc Âm. Trái tim nằm ở gốc rễ đức tin của chúng ta, như suối nguồn làm tươi mới và sống động các niềm tin Kitô giáo của chúng ta.
NHỮNG HÀNH ĐỘNG PHẢN ÁNH TRÁI TIM
33. Chúa Kitô đã thể hiện tình yêu sâu thẳm của Người dành cho chúng ta không phải bằng những giải thích dài dòng mà bằng những hành động cụ thể. Xem xét những tương tác của Người với người khác, chúng ta có thể nhận ra cách Người đối xử với mỗi người chúng ta, mặc dù đôi khi có thể khó nhận ra điều này. Giờ đây chúng ta hãy hướng đến Lời Chúa, nơi mà đức tin của mình có thể gặp gỡ sự thật ấy.
34. Phúc Âm cho ta biết rằng Chúa Giêsu “đã đến nhà của Người” (x. Ga 1,11). Những lời này hướng chỉ chúng ta, vì Chúa không đối xử với chúng ta như những kẻ xa lạ, mà như một tài sản mà Người luôn coi sóc và quí trọng. Người thực sự đối xử với chúng ta như “người nhà của Người”. Điều này không có nghĩa chúng ta là nô lệ của Người, như chính Người phủ nhận: “Thầy không gọi anh em là tôi tớ” (Ga 15,15). Đúng hơn, điều đó hướng chỉ cảm thức thuộc về nhau, vốn là đặc trưng của những người bạn. Chúa Giêsu đã đến gặp chúng ta, xóa mọi khoảng cách; Người trở nên gần gũi với ta như những thực tại giản dị nhất của đời sống thường ngày. Thật vậy, Người có một tên khác là “Emmanuel”, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, Thiên Chúa như một phần của cuộc sống của chúng ta, Thiên Chúa như đang sống giữa chúng ta. Con Thiên Chúa đã nhập thể và “hủy mình ra không, mặc lấy thân nô lệ” (Pl 2,7).
35. Điều này trở nên rõ ràng khi chúng ta nhìn Chúa Giêsu làm việc. Người tìm kiếm người ta, đến gần họ, luôn cởi mở để gặp gỡ họ. Chúng ta thấy điều này khi Người dừng lại để trò chuyện với người phụ nữ Samaria tại giếng nơi bà đến lấy nước (x. Ga 4,5-7). Chúng ta thấy điều này khi Người gặp Nicôđêmô vào ban đêm, vì Nicôđêmô sợ bị bắt gặp đang lân la với Người (x. Ga 3,1-2). Chúng ta ngạc nhiên khi Người cho phép một gái điếm rửa chân cho Người (x. Lc 7,36-50), khi Người nói với người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình: “Tôi cũng không lên án chị” (Ga 8,11), hoặc một lần nữa khi Người khiển trách các môn đệ vì sự thờ ơ của họ và Người nhẹ nhàng hỏi anh mù bên vệ đường: “Anh muốn Ta làm gì cho anh?” (Mc 10,51). Chúa Kitô cho thấy rằng Thiên Chúa thật gần gũi, đầy trắc ẩn và dịu dàng yêu thương.
36. Bất cứ khi nào Chúa Giêsu chữa lành cho ai đó, Người thích làm điều đó không phải từ xa mà là ở gần: “Người giơ tay chạm vào anh ta” (Mt 8,3). “Người chạm vào tay bà” (Mt 8,15). “Người chạm vào mắt họ” (Mt 9,29). Thậm chí có lần Người dừng lại để chữa lành một người điếc bằng chính nước bọt của Người (x. Mc 7,33), như một người mẹ vẫn làm, để mọi người không nghĩ Người xa cách với cuộc sống của họ. “Chúa biết tác dụng tinh tế của sự vuốt ve. Trong lòng thương cảm của Ngài, Thiên Chúa không yêu thương chúng ta bằng lời nói; Ngài đi đến gặp chúng ta, và bằng sự gần gũi, Ngài cho ta thấy tình yêu dịu dàng sâu thẳm của Ngài”.[27]
37. Nếu chúng ta thấy khó tin tưởng người khác vì chúng ta đã bị tổn thương bởi những lời nói dối, bởi những vết thương và những thất vọng, Chúa thì thầm vào tai chúng ta: “Này con trai, hãy yên tâm!” (Mt 9,2), “Này con gái, hãy yên tâm!” (Mt 9,22). Người khích lệ chúng ta vượt qua nỗi sợ hãi và nhận ra rằng có Người ở bên thì chúng ta chẳng mất gì. Với Phêrô, trong lúc ông hoảng sợ, “Đức Giêsu liền giơ tay nắm lấy ông và nói: ‘Sao kém tin thế, sao lại hoài nghi?” (Mt 14,31). Bạn cũng đừng sợ. Hãy để Người đến gần và ngồi bên bạn. Có thể có nhiều người gây dị ứng cho chúng ta, nhưng Người thì không. Đừng ái ngại vì tội lỗi của bạn. Hãy nhớ rằng nhiều người tội lỗi “đã đến và ngồi đồng bàn với Người” (Mt 9,10), nhưng Chúa Giêsu không hề bị sốc bởi bất kỳ ai trong họ. Chính giới tinh hoa tôn giáo đã phàn nàn và coi Người như “một kẻ mê ăn uống, làm bạn với những người thu thuế và tội lỗi” (Mt 11,19). Khi những người Pharisêu chỉ trích Người vì gần gũi với những người bị coi là đê tiện hoặc tội lỗi, Chúa Giêsu đã trả lời: “Ta muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế” (Mt 9,13).
38. Cũng chính Chúa Giêsu giờ đây đang chờ bạn trao cho Người cơ hội mang ánh sáng đến cho cuộc đời bạn, để nâng bạn lên và ban cho bạn đầy tràn sức mạnh của Người. Trước khi chết, Người đã bảo đảm với các môn đệ rằng: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi; Thầy sẽ đến với anh em. Ít lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy, nhưng anh em sẽ được thấy Thầy” (Ga 14,18-19). Chúa Giêsu luôn tìm cách hiện diện trong cuộc đời bạn, để bạn có thể gặp gỡ Người.
ÁNH NHÌN CỦA CHÚA GIÊSU
39. Phúc Âm kể cho chúng ta rằng một người giàu có đã đến gặp Chúa Giêsu, đầy lý tưởng nhưng lại thiếu sức mạnh cần thiết để thay đổi cuộc đời mình. Lúc ấy, Chúa Giêsu “nhìn anh ta” (Mc 10,21). Bạn có thể hình dung khoảnh khắc đó, sự gặp gỡ ấy giữa ánh mắt của anh ta và ánh mắt của Chúa Giêsu không? Nếu Chúa Giêsu gọi bạn và mời gọi bạn đảm nhận một sứ mạng, trước tiên Người nhìn bạn, thăm dò sâu thẳm trái tim bạn và biết mọi điều về bạn, Người sẽ chăm chú nhìn bạn. Cũng vậy khi “Người đi dọc theo biển Galilê, Người thấy hai anh em… và khi Người đi khỏi đó, Người thấy hai anh em khác” (Mt 4,18, 21).
40. Nhiều trang Phúc Âm cho thấy Chúa Giêsu lưu tâm biết bao đến từng cá nhân, và nhất là lưu tâm đến các vấn đề và các nhu cầu của họ. Chúng ta nghe kể rằng “khi thấy đám đông, Người chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng” (Mt 9,36). Bất cứ khi nào chúng ta cảm thấy mọi người đều thờ ơ chúng ta, không ai quan tâm đến tình cảnh của chúng ta, và chúng ta không quan trọng đối với bất kỳ ai, thì Người vẫn quan tâm đến chúng ta. Với Nathanael, người đứng một mình và loay hoay với những chuyện của riêng mình, Chúa Giêsu có thể nói: “Tôi đã thấy anh dưới cây vả trước khi Philip gọi anh” (Ga 1,48).
41. Chính vì quan tâm đến chúng ta, Chúa Giêsu biết rõ từng ý định tốt lành và những hành động bác ái nhỏ bé của chúng ta. Phúc Âm kể rằng có lần Người “thấy một bà góa nghèo bỏ hai đồng tiền kẽm” vào thùng dâng cúng Đền thờ (Lc 21,2) và Người liền lưu ý các môn đệ về điều đó. Như vậy, Chúa Giêsu trân trọng những điều tốt lành mà Người nhìn thấy nơi chúng ta. Khi viên đại đội trưởng đến gần Người với trọn vẹn lòng tin tưởng, “Chúa Giêsu lắng nghe ông và kinh ngạc” (Mt 8,10). Thật an ủi biết bao khi biết rằng ngay cả khi những người khác không biết đến những ý định hay hành động tốt lành của chúng ta, thì Chúa Giêsu vẫn nhìn thấy và trân quí chúng.
42. Trong nhân tính của mình, Chúa Giêsu đã học được điều này từ Đức Maria, mẹ của Người. Đức Mẹ đã suy đi ngẫm lại những điều Mẹ đã trải qua; Mẹ “ghi nhớ chúng… trong trái tim mình” (Lc 2,19, 51) và cùng với thánh Giuse, Mẹ đã dạy Chúa Giêsu ngay từ những năm đầu đời biết chú tâm như vậy.
LỜI NÓI CỦA CHÚA GIÊSU
43. Mặc dù Kinh thánh lưu giữ những lời của Chúa Giêsu, luôn sống động trong hiện tại, nhưng có những lúc Người nói với chúng ta trong lòng, kêu gọi và dẫn chúng ta đến một nơi tốt đẹp hơn. Nơi tốt đẹp hơn ấy chính là trái tim Người. Ở đó, Người mời gọi chúng ta tìm thấy sức mạnh và sự bình an mới mẻ: “Hãy đến với Ta, hỡi những ai vất vả mang gánh nặng nề, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Theo nghĩa này, Người có thể nói với các môn đệ của mình: “Hãy ở lại trong Thầy” (Ga 15,4).
44. Lời của Chúa Giêsu cho thấy sự thánh thiện của Người không loại trừ những cảm xúc sâu xa. Trong nhiều dịp khác nhau, Người đã cho thấy một tình yêu vừa nồng nhiệt vừa trắc ẩn. Người có thể vô cùng xúc động và đau buồn, ngay cả đến rơi nước mắt. Rõ ràng là Chúa Giêsu không thờ ơ với những lo toan bận bịu hằng ngày của mọi người, chẳng hạn như sự mệt mỏi hay đói khát của họ: “Thầy chạnh lòng thương đám đông này… họ không có gì ăn… họ sẽ ngất xỉu dọc đường, và một số trong họ đến từ nơi rất xa” (Mc 8,2-3).
45. Phúc Âm không hề che giấu tình yêu của Chúa Giêsu dành cho Giêrusalem: “Khi đến gần và trông thấy thành, Người khóc thương thành” (Lc 19,41). Lúc ấy, Người đã nói lên khao khát sâu xa nhất trong lòng mình: “Phải chi hôm nay ngươi nhận ra những điều đem lại bình an” (Lc 19,42). Các tác giả Phúc Âm, trong khi có những lúc cho thấy Người trong quyền năng và vinh quang của Người, cũng miêu tả những cảm xúc sâu sắc của Người trước cái chết và nỗi đau buồn của bạn hữu Người. Trước khi kể lại việc Chúa Giêsu “bắt đầu khóc” (Ga 11,35) khi đứng trước mộ của Ladarô, Phúc Âm ghi nhận rằng “Đức Giêsu yêu mến Martha và em gái bà và Ladarô” (Ga 11,5), và khi thấy Maria và những người xung quanh bà khóc, “Người thổn thức trong lòng và xao xuyến” (Ga 11,33). Trình thuật Phúc Âm không cho phép nghi ngờ gì sự kiện rằng những giọt nước mắt của Người là thật, là dấu hiệu của sự xao động nội tâm. Phúc Âm cũng không tìm cách che giấu nỗi khổ sở của Chúa Giêsu trước cái chết dữ dằn sắp xảy ra của Người, dưới tay những kẻ mà Người đã yêu thương rất nhiều: Người “bắt đầu buồn rầu và xao xuyến” (Mc 14,33), thậm chí đến mức kêu lên: “Thầy buồn đến chết được” (Mc 14,34). Sự xao động nội tâm này thể hiện mạnh mẽ nhất trong tiếng kêu của Người trên thập giá: “Lạy Thiên Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ con?” (Mc 15,34)
46.Thoạt nhìn, tất cả những điều này có vẻ giống như chủ trương đạo đức tình cảm. Nhưng thực ra, chúng vô cùng nghiêm túc và có tầm quan trọng quyết định, và chúng biểu lộ tột đỉnh nhất nơi Chúa Kitô chịu đóng đinh. Thập giá là lời tỏ tình hùng hồn nhất của Chúa Giêsu. Một lời không hời hợt, ủy mị hay chỉ mang tính giáo hóa. Thập giá là tình yêu, tình yêu nguyên tuyền. Vì thế thánh Phaolô, khi loay hoay để tìm đúng từ ngữ để mô tả tương quan của mình với Chúa Kitô, đã có thể nói về “Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương tôi và hiến mình vì tôi” (Gl 2,20). Đây là niềm xác tín sâu sắc nhất của Phaolô: hiểu biết rằng mình được yêu. Sự tự hiến của Chúa Kitô trên thập giá đã trở thành động lực cho đời sống của Phaolô, nhưng điều đó chỉ có ý nghĩa với Phaolô vì ngài biết rằng đằng sau sự tự hiến ấy còn có điều gì đó thậm chí lớn lao hơn: sự thật rằng “Người đã yêu tôi”. Vào một thời đại mà nhiều người đang tìm kiếm sự cứu rỗi, sự thịnh vượng hoặc an ninh ở những nơi khác, thì Phaolô, được Thánh Thần thúc đẩy, đã có thể nhìn xa hơn và kinh ngạc trước điều vĩ đại nhất và thiết yếu nhất trong tất cả: “Chúa Kitô đã yêu thương tôi”.
47. Giờ đây, sau khi nhìn Chúa Kitô và thấy cách mà những hành động và lời nói của Người giúp chúng ta hiểu được trái tim Người, chúng ta hãy xét đến những suy tư của Giáo hội về mầu nhiệm Thánh Tâm Chúa.
CHƯƠNG BA - ĐÂY LÀ TRÁI TIM ĐÃ HẾT MỰC YÊU THƯƠNG
48. Lòng sùng kính trái tim Chúa Kitô không phải là sự tôn kính một cơ quan riêng biệt ngoài Ngôi vị của Chúa Giêsu. Điều chúng ta chiêm ngưỡng và tôn thờ là Chúa Giêsu Kitô toàn thể, là Con Thiên Chúa làm người, được trình bày bằng một hình ảnh làm nổi bật trái tim của Người. Trái tim bằng thịt đó được coi là dấu hiệu ưu biệt của bản thể sâu thẳm nhất của Chúa Con nhập thể và tình yêu của Người, cả thần linh lẫn nhân loại. Hơn bất kỳ bộ phận nào khác trên thân thể Người, trái tim của Chúa Giêsu là “dấu hiệu và biểu tượng tự nhiên cho tình yêu vô biên của Người”.[28]
THỜ PHƯỢNG CHÚA KITÔ
49. Điều cốt yếu là phải nhận ra rằng tương quan của chúng ta với Ngôi vị Chúa Giêsu Kitô là tương quan của tình bạn và sự tôn thờ, rút ra từ tình yêu được trình bày dưới hình ảnh trái tim của Người. Chúng ta tôn kính hình ảnh đó, nhưng sự thờ phượng của chúng ta chỉ hướng đến Chúa Kitô hằng sống, trong thiên tính và trong nhân tính trọn vẹn, để chúng ta có thể được ôm lấy bởi tình yêu nhân loại và thần linh của Người.
50. Dù sử dụng hình ảnh nào, thì rõ ràng là trái tim sống động của Chúa Kitô – chứ không phải hình ảnh đại diện trái tim ấy – mới là đối tượng thờ phượng của chúng ta, vì đó là một phần của thân thể thánh thiện phục sinh của Người, không thể tách rời khỏi Con Thiên Chúa, Đấng đã mặc lấy thân thể đó mãi mãi. Chúng ta thờ phượng trái tim ấy vì đó là “trái tim của Ngôi Lời, Đấng mà trái tim ấy gắn kết không thể tách rời”.[29] Chúng ta cũng không thờ phượng trái tim ấy vì chính nó, nhưng bởi vì với trái tim này, Chúa Con nhập thể đang sống, yêu thương chúng ta và đón nhận tình yêu đáp trả của chúng ta. Như thế, bất kỳ hành động yêu mến hay tôn thờ nào đối với trái tim Chúa Kitô đều “thực sự được trao cho chính Người”,[30] vì nó tự nhiên quy hướng về Người và nó là “một biểu tượng và một hình ảnh biểu cảm tình yêu vô biên của Chúa Giêsu Kitô”.[31]
51. Vì thế, đừng bao giờ nghĩ rằng lòng sùng kính này có thể làm nhiễu loạn hay tách chúng ta khỏi Chúa Giêsu và tình yêu của Người. Theo cách tự nhiên và trực tiếp, nó hướng chúng ta đến Người và chỉ hướng đến Người mà thôi, bởi Người kêu gọi chúng ta đi vào một tình bạn quý báu được ghi dấu đối thoại, cảm xúc, tin tưởng và tôn thờ. Đấng Kitô mà chúng ta thấy được mô tả với trái tim bị đâm thủng và rực cháy cũng chính là Chúa Kitô, Đấng vì yêu thương chúng ta, đã sinh ra tại Bêlem, đã rảo qua vùng Galilê chữa lành các bệnh nhân, đã ôm lấy những người tội lỗi và bày tỏ lòng thương xót. Chính Đấng Kitô ấy đã yêu thương chúng ta đến cùng, đã dang rộng hai tay trên thập giá, rồi Người đã chỗi dậy từ cõi chết và hiện đang sống giữa chúng ta trong vinh quang.
TÔN KÍNH HÌNH ẢNH CỦA CHÚA
52. Đành rằng hình ảnh của Chúa Kitô và trái tim của Người tự nó không phải là đối tượng của sự thờ phượng, nó cũng không chỉ là một trong nhiều hình ảnh khác. Nó đã không được phác họa trên bàn giấy hay được thiết kế bởi một họa sĩ; nó “không phải là biểu tượng có tính tưởng tượng, mà là một biểu tượng thực sự diễn tả cái trung tâm và nguồn gốc từ đó sự cứu rỗi chảy tràn cho toàn nhân loại”.[32]
53. Kinh nghiệm phổ quát của con người đã làm cho hình ảnh trái tim thành một cái gì đó độc đáo. Thật vậy, suốt dòng lịch sử và ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới, nó đã trở thành một biểu tượng của sự mật thiết cá nhân, của tình cảm, của sự gắn bó cảm xúc và của khả năng yêu thương. Vượt trên mọi giải thích khoa học, một bàn tay đặt trên trái tim của một người bạn sẽ diễn tả tình cảm đặc biệt: khi hai người yêu nhau và xích lại gần nhau, trái tim họ đập nhanh hơn; khi chúng ta bị bỏ rơi hay bị lừa dối bởi một người mà mình yêu, trái tim chúng ta nặng trĩu. Cũng vậy, khi chúng ta muốn nói điều gì đó rất riêng tư, ta thường nói rằng mình đang “tâm sự”. Ngôn ngữ thi ca phản ánh sức mạnh của những kinh nghiệm này. Trong dòng lịch sử, trái tim đã mặc lấy một giá trị biểu tượng độc đáo, chứ không chỉ là qui ước thông thường.
54. Vì thế, dễ hiểu việc Giáo hội đã chọn hình ảnh trái tim để tượng trưng cho tình yêu nhân loại và thần linh của Chúa Giêsu Kitô và tượng trưng cho cốt lõi sâu thẳm nhất của Ngôi vị Người. Tuy nhiên, trong khi việc khắc họa một trái tim rực cháy có thể là biểu tượng hùng hồn về tình yêu cháy bỏng của Chúa Giêsu Kitô, thì điều quan trọng là trái tim này không được biểu trưng tách biệt với Người. Hiểu như thế, những lời Người kêu gọi đi vào mối tương quan cá vị qua gặp gỡ và đối thoại sẽ trở nên có ý nghĩa hơn nhiều.[33] Hình ảnh đáng kính miêu tả Chúa Kitô trưng ra trái tim yêu thương của Người cũng cho thấy Người nhìn thẳng vào chúng ta, mời gọi chúng ta gặp gỡ, đối thoại và tin tưởng; nó cho thấy đôi bàn tay mạnh mẽ của Người có khả năng nâng đỡ chúng ta và đôi môi của Người ngỏ lời cách riêng tư với từng người chúng ta.
55. Trái tim cũng có lợi thế là được nhận ra ngay lập tức như là trung tâm thống nhất sâu xa của cơ thể, một diễn tả toàn thể tính của con người, không giống như các cơ quan riêng lẻ khác. Là một bộ phận đại diện cho toàn thể, nó có thể dễ dàng bị hiểu sai, nếu chúng ta chiêm ngắm nó tách biệt khỏi chính Chúa. Hình ảnh trái tim phải dẫn chúng ta đến chiêm ngưỡng Chúa Kitô trong tất cả vẻ đẹp và sự phong phú của nhân tính và thần tính của Người.
56. Bất kể nét thẩm mỹ nào được chúng ta gán cho những bức vẽ khác nhau về trái tim Chúa Kitô khi chúng ta cầu nguyện trước chúng, thì đấy không phải là ta “tìm kiếm điều gì đó từ chúng hay đặt niềm tin mù quáng vào những hình ảnh như dân ngoại đã từng làm”. Đúng hơn, “qua những hình ảnh mà chúng ta hôn, và trước những hình ảnh mà chúng ta quỳ gối và để đầu trần, chúng ta đang tôn thờ Chúa Kitô”.[34]
57. Một số hình ảnh này thực sự có thể khiến chúng ta cảm thấy vô vị và không ích lợi cách riêng cho tình cảm hoặc cho cầu nguyện. Tuy nhiên, điều này không mấy quan trọng, vì chúng chỉ là những lời mời gọi cầu nguyện, và chúng ta không nên giới hạn tầm nhìn của mình vào ngón tay đang hướng chỉ chúng ta đến mặt trăng – nói theo một ngạn ngữ Đông phương. Trong khi Bí tích Thánh Thể là sự hiện diện thực sự cần được tôn thờ, thì những ảnh thánh, mặc dù đã được ‘làm phép’, hướng chỉ ra ngoài bản thân chúng, mời gọi chúng ta nâng tâm hồn lên và kết hợp trái tim mình với trái tim của Chúa Kitô hằng sống. Như vậy, hình ảnh mà chúng ta tôn kính phục vụ như một lời kêu gọi dọn chỗ cho cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, và tôn thờ Người theo bất kỳ cách nào chúng ta muốn hình dung về Người. Đứng trước hình ảnh ấy, chúng ta đứng trước Chúa Kitô, và trong sự hiện diện của Người, “tình yêu dừng lại, chiêm ngưỡng mầu nhiệm, và thuởng ngoạn mầu nhiệm trong thinh lặng”.[35]
58. Đồng thời, chúng ta không bao giờ được quên rằng hình ảnh trái tim nói với chúng ta về xác thịt và về các thực tại trần thế. Theo đó, nó hướng chúng ta đến Thiên Chúa, Đấng muốn trở thành một trong chúng ta, thành một phần của lịch sử chúng ta, và là bạn đồng hành trên hành trình trần thế của chúng ta. Một hình thức sùng kính trừu tượng hơn hoặc cách điệu hơn thì không nhất thiết trung thành hơn với Phúc Âm, vì trong dấu chỉ hùng hồn và hữu hình này, chúng ta thấy cách mà Thiên Chúa muốn mặc khải chính Ngài và cách Ngài xích lại gần chúng ta.
MỘT TÌNH YÊU SỜ CHẠM ĐƯỢC
59. Mặt khác, tình yêu và trái tim con người không luôn luôn đi với nhau, vì lòng oán ghét, sự thờ ơ và ích kỷ cũng có thể ngự trị trong trái tim chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta không thể đạt được sự viên mãn trong tư cách con người nếu chúng ta không mở lòng ra với người khác; chỉ qua tình yêu, chúng ta mới trở thành chính mình trọn vẹn. Phần sâu thẳm nhất trong chúng ta, được tạo ra để yêu, sẽ hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa chỉ khi chúng ta học biết yêu thương. Và trái tim chính là biểu tượng của tình yêu ấy.
60. Con Thiên Chúa vĩnh cửu, trong tất cả sự siêu việt của Người, đã chọn yêu mỗi người chúng ta bằng một trái tim nhân loại. Những cảm xúc nhân loại của Người đã trở thành bí tích của tình yêu vô biên vô tận đó. Vì thế, trái tim của Người không chỉ là biểu tượng cho một chân lý thiêng liêng nào đó phi xác thể. Khi nhìn ngắm trái tim Chúa, chúng ta chiêm ngưỡng một thực tại thể chất, xác thịt nhân loại của Người, điều cho phép Người có được những cảm nghĩ và cảm xúc đích thực của con người, giống như chúng ta, mặc dù những cảm nghĩ và cảm xúc ấy đã được biến đổi hoàn toàn bởi tình yêu thần linh của Người. Lòng sùng kính của chúng ta phải hướng lên tình yêu vô hạn của Ngôi vị Con Thiên Chúa, nhưng ta cần ghi nhớ rằng tình yêu thần linh của Người không thể tách rời khỏi tình yêu nhân loại nơi Người. Hình ảnh trái tim bằng thịt của Người giúp chúng ta hiện thực chính điều này.
61. Vì trong tâm thức phổ thông trái tim vẫn được coi là trung tâm tình cảm của mỗi con người, nên nó vẫn là phương tiện tốt nhất để biểu thị tình yêu thần linh của Chúa Kitô, kết hợp mãi mãi và không thể tách rời khỏi tình yêu hoàn toàn nhân loại của Người. Đức Piô XII đã ghi nhận rằng Phúc Âm – khi đề cập đến tình yêu của trái tim Chúa Kitô – “không chỉ nói về đức ái đối thần mà còn nói về tình cảm nhân loại”. Thật vậy, “trái tim Chúa Giêsu Kitô, được kết hợp về mặt ngôi vị với Ngôi Lời thần linh, chắc chắn đập rộn ràng với tình yêu và với mọi tình cảm dịu dàng khác”.[36]
62. Các Giáo phụ, khi chống lại những người phủ nhận hoặc hạ thấp nhân tính thực sự của Chúa Kitô, đã nhấn mạnh đến thực tại cụ thể và hữu hình là tình cảm con người của Chúa. Thánh Basil nhấn mạnh rằng sự nhập thể của Chúa không phải là điều gì đó kỳ quặc, và rằng “Chúa đã sở hữu những tình cảm tự nhiên của chúng ta”.[37] Thánh Gioan Kim Khẩu đã nêu một ví dụ: “Nếu Người không thủ đắc bản tính của chúng ta, thì Người hẳn đã không kinh nghiệm nỗi buồn lúc này lúc khác”.[38] Thánh Ambrôsiô tuyên bố rằng “khi nhận một linh hồn, Người đã nhận lấy những đam mê của linh hồn”.[39] Đối với thánh Augustinô, những tình cảm của con người chúng ta – mà Chúa Kitô đảm nhận – giờ đây mở ra cho đời sống ân sủng: “Chúa Giêsu đã đảm nhận những tình cảm này của sự yếu đuối nhân loại chúng ta – cũng như Người đã đảm nhận xác thịt của sự yếu đuối nhân loại chúng ta – không phải vì cần thiết, mà là với ý thức và tự do… để bất kỳ ai cảm thấy đau khổ buồn phiền giữa những thử thách của cuộc sống thì đừng nghĩ rằng mình bị tách biệt khỏi ân sủng của Người”.[40] Cuối cùng, thánh Gioan Damascene đã xem những tình cảm chân thực mà Chúa Kitô thể hiện trong nhân tính của Người là bằng chứng cho thấy Người đã đảm nhận toàn bộ bản tính của chúng ta để cứu chuộc và biến đổi toàn bộ bản tính đó: Như vậy, Chúa Kitô đã đảm nhận tất cả những gì thuộc về bản tính con người, để tất cả có thể được thánh hóa.[41]
63. Ở đây, chúng ta có thể dựa vào những suy nghĩ của một nhà thần học khẳng định rằng “do ảnh hưởng của tư tưởng Hy lạp, thần học từ lâu đã xếp thân xác và cảm xúc vào thế giới trước-khi-có-loài-người, hoặc cấp-dưới-loài-người, hoặc có thể là không-có-tính-người; nhưng những gì thần học không giải quyết được trong lý thuyết, thì linh đạo giải quyết được trong thực hành. Điều này, cùng với lòng đạo đức bình dân, đã bảo tồn mối tương quan với thực tại thể lý, tâm lý và lịch sử của Chúa Giêsu. Các Chặng Đàng Thánh Giá, lòng sùng kính các vết thương của Chúa Kitô, Máu Châu Báu và Thánh Tâm Chúa, và những hình thức sùng kính Thánh Thể khác nhau… tất cả đều giúp lấp những khoảng cách trong thần học bằng việc nuôi dưỡng trái tim và trí tưởng tượng của chúng ta, tình yêu trìu mến của chúng ta đối với Chúa Kitô, hy vọng và ký ức của chúng ta, những khát vọng và những cảm xúc của chúng ta. Lý trí và luận lý thì đi theo những chiều hướng khác”.[42]
MỘT TÌNH YÊU BA CHIỀU KÍCH
64. Chúng ta cũng không dừng lại chỉ ở cấp độ cảm xúc nhân loại của Chúa, dù đẹp đẽ và cảm kích đến mấy. Khi chiêm ngắm trái tim Chúa Kitô, chúng ta cũng thấy cách mà sự thật sâu xa hơn về tình yêu thần linh vô biên của Người được bộc lộ – trong những tình cảm thanh cao và tinh tế, trong lòng nhân hậu và dịu dàng của Người, và trong những dấu hiệu của tình cảm nhân loại chân thực của Người. Như Đức Bênêđictô XVI nói: “Từ chân trời vô hạn của tình yêu, Thiên Chúa muốn đi vào trong những giới hạn của lịch sử loài người và của thân phận con người. Người đã mang lấy một thân xác và một trái tim. Như vậy, chúng ta có thể chiêm ngưỡng và gặp gỡ sự vô hạn trong cái hữu hạn, gặp gỡ mầu nhiệm vô hình và khôn tả trong trái tim nhân loại của Đức Giêsu người Nadarét”.[43]
65. Hình ảnh trái tim Chúa quả thật nói với chúng ta về một tình yêu ba chiều kích. Trước tiên, chúng ta chiêm ngưỡng tình yêu thần linh vô hạn của Người. Rồi suy nghĩ của chúng ta hướng đến chiều kích tâm linh của nhân tính Người, trong đó trái tim là “biểu tượng của tình yêu nồng cháy nhất, tình yêu ấy thấm đẫm trong hồn Người, làm phong phú cho ý chí nhân loại của Người”. Cuối cùng, “nó cũng là biểu tượng của tình yêu khả giác nơi Người”.[44]
66. Ba tình yêu này không tách biệt, song song hay rời rạc, nhưng cùng hành động và tìm thấy sự diễn tả trong một sự thống nhất sống động và thường xuyên. Vì “bởi đức tin – qua đó chúng ta tin rằng bản tính nhân loại và thần linh đã được kết hợp trong Ngôi vị của Chúa Kitô – ta có thể thấy mối gắn kết chặt chẽ nhất giữa tình yêu dịu dàng của trái tim thể chất nơi Chúa Giêsu và tình yêu thiêng liêng hai chiều kích, tức chiều kích nhân loại và chiều kích thần linh”.[45]
67. Bước vào trái tim của Chúa Kitô, chúng ta cảm thấy được yêu thương bởi một trái tim nhân loại tràn đầy tình cảm và cảm xúc giống như trái tim chúng ta. Ý chí con người của Chúa Giêsu tự do lựa chọn yêu thương chúng ta, và tình yêu thiêng liêng ấy tràn ngập ân sủng và bác ái. Khi chúng ta lao mình vào trong sâu thẳm trái tim Người, chúng ta thấy mình chìm ngập trong vinh quang bát ngát của tình yêu vô hạn nơi Người trong tư cách Người Con vĩnh cửu, tình yêu vô hạn này chúng ta không còn có thể tách rời khỏi tình yêu nhân loại của Người được nữa. Chính trong tình yêu nhân loại của Người – chứ không phải ở ngoài tình yêu đó – mà chúng ta gặp được tình yêu thần linh của Người: chúng ta khám phá “cái vô hạn trong cái hữu hạn”.[46]
68. Giáo huấn liên tục và rõ ràng của Giáo hội dạy rằng việc chúng ta tôn thờ Ngôi vị Chúa Kitô là không thể chia cắt, bao gồm cả bản tính thần linh và bản tính nhân loại của Người một cách không tách rời. Từ thời xa xưa, Giáo hội đã dạy rằng chúng ta phải “thờ phượng một Chúa Kitô duy nhất, là Con Thiên Chúa và Con Người, bao gồm và cốt ở hai bản tính không thể chia cắt và không thể tách rời”.[47] Và chúng ta làm thế “bằng một hành động tôn thờ… vì Ngôi Lời đã trở nên xác phàm”.[48] Chúa Kitô không “được tôn thờ trong hai bản tính, nếu vậy người ta sẽ có hai hành động tôn thờ”; thay vào đó, chúng ta tôn kính “bằng một hành động tôn thờ Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở nên xác phàm, cùng với chính thân xác Người”.[49]
69. Thánh Gioan Thánh Giá đã tìm cách giải thích rằng trong kinh nghiệm thần bí, tình yêu vô hạn của Chúa Kitô phục sinh không được hiểu là xa lạ với đời sống chúng ta. Cái vô hạn “hạ giáng” cách nào đó để cho phép chúng ta – xuyên qua trái tim rộng mở của Chúa Kitô – có thể kinh nghiệm một cuộc gặp gỡ của tình yêu thực sự hỗ tương, vì “thực sự có thể tin rằng một con chim bay thấp có thể bắt được đại bàng trên cao, nếu con đại bàng này lao xuống với mong muốn bị bắt”.[50] Ngài cũng giải thích rằng Chàng Rể, “nhìn thấy cô dâu bị thương do tình yêu dành cho mình, vì tiếng rên rỉ của cô ấy, chàng cũng bị thương do tình yêu dành cho cô ấy. Giữa những người yêu nhau, vết thương của một người là vết thương của cả hai”.[51] Gioan Thánh Giá coi hình ảnh cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Kitô là lời mời gọi kết hợp trọn vẹn với Chúa. Chúa Kitô là con nai bị thương, Người bị thương khi chúng ta không để cho tình yêu của Người chạm đến mình, Người đã đi xuống dòng nước để giải cơn khát, và Người được an ủi bất cứ khi nào chúng ta hướng về Người:
“Bồ câu hỡi, quay lại đi!
Con nai bị thương
đang xuất hiện trên đồi,
cảm thấy mát nhờ làn gió do em vỗ cánh”.[52]
NHÃN GIỚI BA NGÔI
70. Lòng sùng kính trái tim Chúa Giêsu, xét như việc trực tiếp chiêm ngắm Chúa vốn có sức lôi kéo chúng ta kết hợp với Người, rõ ràng có bản chất Kitô học. Chúng ta thấy điều này trong Thư gửi tín hữu Do thái, trong đó chúng ta được thúc giục “hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giêsu” (12,2). Đồng thời, chúng ta cần nhận ra rằng Chúa Giêsu tự giới thiệu về Người là con đường dẫn đến Chúa Cha: “Thầy là con đường… Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Chúa Giêsu muốn đưa chúng ta đến với Chúa Cha. Vì thế, ngay từ đầu, lời rao giảng của Giáo hội không kết thúc với Chúa Giêsu, mà với Chúa Cha. Là căn nguyên và sự viên mãn, Chúa Cha là Đấng được tôn vinh tối hậu.[53]
71. Ví dụ, nếu lật lại Thư gửi tín hữu Êphêsô, chúng ta có thể thấy rõ sự thờ phượng của chúng ta hướng đến Chúa Cha như thế nào: “Tôi quỳ gối trước mặt Chúa Cha” (3,14). Chỉ có “một Thiên Chúa là Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (4,6). “Hãy tạ ơn Thiên Chúa Cha trong mọi hoàn cảnh và mọi sự” (5,20). Chính Chúa Cha là “cùng đích của hiện hữu chúng ta” (1Cr 8,6). Trong ý nghĩa này, thánh Gioan Phaolô II có thể nói rằng “toàn bộ đời sống Kitô hữu giống như một cuộc hành hương vĩ đại về nhà Chúa Cha”.[54] Đây cũng là kinh nghiệm của thánh Inhaxiô thành Antiôkia trên chuyến đi tuẫn đạo của ngài: “Trong tôi không còn tia lửa nào của sự ham muốn những điều phàm trần, nhưng chỉ có tiếng thì thầm của nước hằng sống trong lòng tôi: ‘Hãy đến với Chúa Cha’”.[55]
72. Chúa Cha trước hết là Cha của Chúa Giêsu Kitô: “Chúc tụng Thiên Chúa và là Cha của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Ep 1,3). Ngài là “Thiên Chúa của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, là Cha vinh hiển” (Ep 1,17). Khi Chúa Con làm người, mọi niềm hy vọng và mọi cảm hứng nơi trái tim nhân loại của Người đều hướng về Chúa Cha. Nếu chúng ta xem xét cách Chúa Kitô nói về Chúa Cha, chúng ta có thể nắm bắt được tình yêu và sự trìu mến mà trái tim nhân loại của Người dành cho Cha, sự qui hướng hoàn toàn và liên lỉ về Cha.[56] Đời sống của Chúa Giêsu giữa chúng ta là một hành trình đáp trả tiếng gọi liên tục trong trái tim nhân loại của Người để đến với Chúa Cha.[57]
73. Chúng ta biết rằng Chúa Giêsu dùng từ “Abba” trong tiếng Aram để xưng hô với Chúa Cha, một từ thân mật và quen thuộc mà một số người cảm thấy bối rối (x. Ga 5,18). Đó là cách Người xưng hô với Chúa Cha khi diễn tả nỗi đau của Người trước cái chết sắp xảy ra: “Abba, Cha ơi, Cha có thể làm được mọi sự; xin cất chén này xa Con; nhưng đừng theo ý Con, mà là theo ý Cha” (Mc 14,36). Chúa Giêsu biết rõ rằng Người luôn được Chúa Cha yêu thương: “Cha đã yêu thương Con trước khi tạo thành thế gian” (Ga 17,24). Trong trái tim nhân loại của Người, Người đã vui mừng khi nghe Chúa Cha nói với Người: “Con là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Con” (Mc 1,11).
74. Phúc Âm thứ tư cho chúng ta biết rằng Chúa Con hằng hữu luôn “ở nơi cung lòng Chúa Cha” (Ga 1,18).[58] Do đó, thánh Irênê tuyên bố rằng “Con Thiên Chúa ở với Chúa Cha ngay từ đầu”.[59] Về phần mình, Origen khẳng định rằng Chúa Con miệt mài “chiêm ngưỡng không ngừng chiều sâu thẳm của Chúa Cha”.[60] Khi Chúa Con nhập thể, Người đã thức thâu đêm trò chuyện với Chúa Cha yêu dấu của Người trên núi (x. Lc 6,12). Người nói với chúng ta: “Ta phải ở trong nhà Cha Ta” (Lc 2,49). Chúng ta cũng thấy cách mà Người ngợi khen Cha: “Được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: ‘Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, Con cảm tạ Cha’ (Lc 10,21). Người nói những lời cuối cùng với đầy tin tưởng: “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).
75. Giờ đây chúng ta hãy hướng về Chúa Thánh Thần, Đấng đốt lửa tràn ngập trái tim của Chúa Kitô. Như thánh Gioan Phaolô II từng nói, trái tim Chúa Kitô là “kiệt tác của Chúa Thánh Thần”.[61] Đây không chỉ là một sự kiện quá khứ, vì ngay cả bây giờ “trái tim Chúa Kitô vẫn sống động với hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Giêsu nhận nguồn cảm hứng cho sứ mệnh của Người (x. Lc 4,18; Is 61,1) và trong Bữa Tiệc Ly, Người đã hứa sẽ sai Đấng ấy đến. Chính Chúa Thánh Thần giúp chúng ta nắm bắt được sự phong phú của dấu chỉ về cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Kitô, từ đó sinh ra Giáo hội (x. Sacrosanctum Concilium, 5)”.[62] Nói tóm lại, “chỉ Chúa Thánh Thần mới có thể mở ra trước mắt chúng ta sự viên mãn của ‘con người nội tâm’, được tìm thấy trong trái tim của Chúa Kitô. Chỉ có Thánh Thần mới có thể khiến trái tim nhân loại của chúng ta rút ra sức mạnh từ sự viên mãn đó, từng bước một”.[63]
76. Nếu chúng ta suy ngẫm sâu hơn về hoạt động thần nhiệm của Thánh Thần, chúng ta sẽ biết rằng Ngài rên rỉ bên trong chúng ta, thưa lên “Abba!”. Thật vậy, “để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí đến ngự trong lòng chúng ta, kêu lên: ‘Abba! Cha ơi!’” (Ga 4,6). Vì “chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,16). Thánh Thần hoạt động trong trái tim nhân loại của Chúa Kitô không ngừng kéo Người đến với Chúa Cha. Khi Thánh Thần kết hợp chúng ta với những tâm tình của Chúa Kitô qua ân sủng, Ngài làm cho chúng ta được chia sẻ trong mối tương quan của Chúa Con với Chúa Cha, nhờ đó chúng ta nhận được “Thần Khí làm nghĩa tử, nhờ đó chúng ta kêu lên: ‘Abba! Cha ơi!’” (Rm 8,15).
77. Do đó, mối tương quan của chúng ta với trái tim Chúa Kitô được thay đổi, nhờ sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần là Đấng dẫn dắt chúng ta đến với Chúa Cha, căn nguyên của sự sống và là nguồn mạch của ân sủng. Chúa Kitô không mong đợi chúng ta duy chỉ ở lại trong Người. Tình yêu của Người là “sự mặc khải lòng thương xót của Chúa Cha”,[64] và Người mong muốn rằng, được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần trào dâng từ trái tim Người, chúng ta sẽ đi lên với Chúa Cha, “với Người và trong Người”. Chúng ta tôn vinh Chúa Cha “nhờ” Chúa Kitô,[65] “với” Chúa Kitô,[66] và “trong” Chúa Kitô.[67] Thánh Gioan Phaolô II dạy rằng “trái tim của Đấng Cứu Thế mời gọi chúng ta trở về với tình yêu của Chúa Cha, là nguồn mạch của mọi tình yêu đích thực”.[68] Đây chính xác là điều mà Chúa Thánh Thần, Đấng đến với chúng ta qua trái tim của Chúa Kitô, tìm cách vun đắp trong trái tim chúng ta. Vì lý do này, thông qua hoạt động tác sinh của Chúa Thánh Thần, phụng vụ luôn hướng về Chúa Cha từ trái tim phục sinh của Chúa Kitô.
NHỮNG GIÁO HUẤN GẦN ĐÂY CỦA HUẤN QUYỀN
78. Bằng nhiều cách, trái tim Chúa Kitô luôn hiện diện trong lịch sử linh đạo Kitô giáo. Trong Kinh Thánh và trong những thế kỷ đầu của đời sống Giáo hội, nó xuất hiện dưới hình ảnh cạnh sườn bị thương của Chúa, như một nguồn ân sủng và lời kêu gọi đến một cuộc gặp gỡ thâm sâu và đầy yêu thương. Cũng dưới hình thức này, nó đã xuất hiện trở lại trong các tác phẩm của nhiều vị thánh, trong quá khứ và hiện tại. Trong những thế kỷ gần đây, linh đạo này đã dần dần mang hình thức sùng kính cụ thể đối với Thánh Tâm Chúa Giêsu.
79. Một số vị Tiền nhiệm của tôi đã nói theo nhiều cách khác nhau về trái tim Chúa Kitô và khuyến dụ chúng ta kết hợp chính mình với trái tim ấy. Vào cuối thế kỷ 19, Đức Lêô XIII đã khích lệ chúng ta tận hiến cho Thánh Tâm, tức là liên kết giữa tiếng mời gọi chúng ta kết hợp với Chúa Kitô và niềm thán phục của ta trước sự cao cả của tình yêu vô hạn nơi Người.[69] Khoảng ba mươi năm sau, Đức Piô XI đã trình bày lòng sùng kính này như một “summa” (tổng hợp) của kinh nghiệm đức tin Kitô giáo.[70] Đức Piô XII tiếp tục tuyên bố rằng việc tôn thờ Thánh Tâm diễn tả xuất sắc chính bổn phận tôn thờ của chúng ta đối với Chúa Giêsu Kitô, như một sự tổng hợp tột đỉnh.[71]
80. Gần đây hơn, thánh Gioan Phaolô II đã trình bày sự phát triển của lòng sùng kính này trong những thế kỷ gần đây như một phản ứng trước sự trỗi dậy của các hình thức linh đạo khô khan và phi xác thể đã bỏ qua sự phong phú của lòng Chúa thương xót. Đồng thời, ngài coi đó là lời kêu gọi kịp thời để chống lại những toan tính tạo ra một thế giới không còn chỗ cho Thiên Chúa. “Lòng sùng kính Thánh Tâm, như đã phát triển ở châu Âu cách đây hai thế kỷ, dưới sự thúc đẩy của những kinh nghiệm thần bí của thánh Margaret Marie Alacoque, là một phản ứng trước sự nghiêm khắc của phái Gian-sê-nít, phái này cuối cùng đã đi đến chỗ không lưu tâm gì đến lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa… Những con người nam nữ của thiên niên kỷ thứ ba cần trái tim Chúa Kitô để biết Thiên Chúa và biết chính mình; họ cần trái tim Chúa để xây dựng nền văn minh tình yêu”.[72]
81. Đức Bênêđictô XVI đã yêu cầu chúng ta nhận ra trong trái tim Chúa Kitô một sự hiện diện mật thiết hằng ngày trong cuộc sống mình: “Mỗi người cần một ‘trung tâm’ cho đời sống mình, một nguồn sự thật và sự thiện để kín múc trong những biến cố, những tình huống và những đấu tranh của cuộc sống thực tế hằng ngày. Tất cả chúng ta, khi dừng lại trong thinh lặng, cần cảm nhận không chỉ nhịp đập của trái tim mình, mà thâm sâu hơn nữa, cảm nhận nhịp đập của một sự hiện diện đáng tin cậy, có thể cảm nhận được bằng các giác quan của đức tin nhưng hiện thực hơn nhiều: đó là sự hiện diện của Chúa Kitô, trái tim của thế giới”.[73]
NHỮNG SUY TƯ THÊM VÀ TÍNH PHÙ HỢP ĐỐI VỚI THỜI ĐẠI CHÚNG TA
82. Hình ảnh biểu tượng và biểu cảm của trái tim Chúa Kitô không phải là phương tiện duy nhất mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta để gặp gỡ tình yêu của Chúa Kitô, nhưng như chúng ta đã thấy, đó là một hình ảnh đặc biệt được ưu tiên. Dù vậy, nó thường xuyên cần được bồi đắp, đào sâu và làm mới lại thông qua việc suy niệm, việc đọc Phúc Âm và sự tiến triển trong trưởng thành tâm linh. Đức Piô XII nói rõ rằng Giáo hội không hề tuyên bố “chúng ta phải chiêm ngưỡng và tôn thờ nơi trái tim Chúa Giêsu một hình ảnh ‘chính thức’, nghĩa là một dấu hiệu hoàn hảo và tuyệt đối về tình yêu thần linh của Người, vì yếu tính của tình yêu này không thể được diễn tả thích đáng bằng bất kỳ hình ảnh nào được tạo ra”.[74]
83. Lòng sùng kính trái tim Chúa Kitô là điều thiết yếu cho đời sống Kitô hữu chúng ta trong mức độ nó diễn tả sự cởi mở của chúng ta trong đức tin và sự tôn thờ đối với mầu nhiệm tình yêu thần linh và nhân loại của Chúa. Theo nghĩa này, chúng ta có thể một lần nữa khẳng định rằng Thánh Tâm là sự tổng hợp của Phúc Âm.[75] Chúng ta cần nhớ rằng các thị kiến hoặc những sự tỏ lộ thần bí do một số vị thánh kể lại, những người đã nhiệt thành cổ võ lòng sùng kính trái tim Chúa Kitô, thì không phải là điều mà các tín hữu buộc phải tin như thể chúng là lời của Chúa.[76] Tuy nhiên, chúng là những nguồn khích lệ phong phú và có thể chứng tỏ là rất hữu ích, cho dù không ai bị ép buộc phải theo chúng nếu chúng không chứng tỏ là hữu ích trên hành trình tâm linh của họ. Tuy nhiên, đồng thời chúng ta nên lưu ý rằng, như Đức Piô XII đã chỉ ra, lòng sùng kính này không thể được cho là “có nguồn gốc từ những mặc khải riêng tư”.[77]
84. Ví dụ, việc quảng bá rước lễ vào thứ Sáu đầu tháng đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ vào thời đại mà nhiều người đã ngừng rước lễ, vì họ không còn tin tưởng vào lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa và coi việc rước lễ như một loại phần thưởng cho sự hoàn hảo. Trong bối cảnh của trào lưu Gian-sê-nít, việc truyền bá thực hành này đã chứng tỏ là vô cùng hữu ích, vì nó dẫn đến nhận thức rõ ràng hơn rằng trong Bí tích Thánh Thể, tình yêu thương xót và luôn hiện diện của trái tim Chúa Kitô mời gọi chúng ta kết hợp với Người. Cũng có thể nói rằng thực hành này có thể chứng tỏ ích lợi tương tự trong thời đại của chúng ta, vì một lý do khác. Giữa nhịp sống hối hả của thế giới ngày nay và nỗi ám ảnh của chúng ta với thời gian rảnh rỗi, tiêu dùng và giải trí, điện thoại di động và phương tiện truyền thông xã hội, chúng ta quên nuôi dưỡng cuộc sống mình bằng sức mạnh của Bí tích Thánh Thể.
85. Đành rằng đừng ai cảm thấy mình buộc phải dành một giờ để chầu Thánh Thể vào mỗi thứ Năm, nhưng thực hành này hẳn nên được khuyến khích. Khi chúng ta thực hành việc này với lòng sùng kính, trong liên kết với nhiều anh chị em chúng ta và khám phá trong Thánh Thể tình yêu bao la của trái tim Chúa Kitô, chúng ta “cùng với Giáo hội tôn thờ dấu chỉ và sự biểu lộ của tình yêu thần linh đã đi xa đến mức yêu thương nhân loại qua trái tim của Ngôi Lời nhập thể”.[78]
86. Nhiều người Gian-sê-nít thấy điều này khó hiểu, vì họ hoài nghi khi nhìn tất cả những gì thuộc về con người, tức những gì thuộc về tình cảm và thể xác, và vì vậy họ coi sự sùng kính này là điều kéo chúng ta xa khỏi việc tôn thờ tinh thuần đối với Thiên Chúa Tối Cao. Đức Piô XII mô tả là “thần bí giả hiệu”[79] đối với thái độ của những nhóm coi Thiên Chúa là quá cao cả, tách biệt và xa cách đến mức họ coi những biểu hiện tình cảm của lòng đạo đức bình dân là nguy hiểm và cần sự giám sát của Giáo hội.
87. Có thể lập luận rằng ngày nay, thay vì chủ thuyết Gian-sê-nít, chúng ta thấy mình đang đứng trước một làn sóng thế tục hóa mạnh mẽ đang tìm cách xây dựng một thế giới không có Thiên Chúa. Trong xã hội của mình, chúng ta cũng đang nhìn thấy sự tràn lan của nhiều hình thức sùng ngưỡng khác nhau không liên quan gì đến tương quan cá vị với vị Thiên Chúa của tình yêu, mà là những biểu hiện mới của một linh đạo phi xác thể. Tôi phải cảnh báo rằng cả trong Giáo hội, một trào lưu nhị nguyên Gian-sê-nít đầy tai hại cũng đã nổi lên lại dưới những hình thức mới. Trào lưu này đã đạt được sức mạnh mới trong những thập kỷ gần đây, nhưng đây là sự tái phát của thuyết Ngộ đạo vốn đã tỏ ra là mối đe dọa rất lớn về linh đạo trong những thế kỷ đầu của Kitô giáo, vì nó từ chối thừa nhận thực tế về “sự cứu rỗi của xác thịt”. Vì lý do này, tôi hướng tầm nhìn vào trái tim Chúa Kitô và tôi mời gọi tất cả chúng ta hãy canh tân lòng sùng kính của mình đối với trái tim Chúa. Tôi hy vọng điều này cũng sẽ thu hút được những nhạy cảm của ngày hôm nay và qua đó giúp chúng ta đương đầu với chủ nghĩa nhị nguyên, cũ và mới, mà lòng sùng kính này là một phản ứng hiệu quả.
88. Tôi muốn nói thêm rằng trái tim Chúa Kitô cũng giải thoát chúng ta khỏi một loại nhị nguyên khác gặp thấy trong những cộng đoàn và những mục tử quá bận rộn với các hoạt động bên ngoài, các cải cách cơ cấu không liên quan mấy đến Phúc Âm, các kế hoạch tái tổ chức đầy ám ảnh, các dự án thế tục, những cách nghĩ và các chương trình bắt buộc mang tính phàm trần. Kết quả thường là một Kitô giáo bị tước mất những an ủi dịu dàng của đức tin, niềm vui phục vụ người khác, lòng hăng say của người dấn thân cho sứ mạng, vẻ đẹp của việc biết Chúa Kitô, lòng biết ơn sâu xa nảy sinh từ tình bạn mà Người mời gọi, và ý nghĩa tối hậu mà Người ban cho cuộc sống của chúng ta. Đây cũng là biểu hiện của một thứ siêu phàm mông lung và phi xác thể.
89. Một khi chúng ta đầu hàng trước những thái độ này, vốn rất phổ biến trong thời đại chúng ta, ta sẽ dễ đánh mất mọi khát vọng được chữa lành khỏi chúng. Điều này thúc đẩy tôi đề nghị với toàn thể Giáo hội việc suy tư về tình yêu của Chúa Kitô được diễn tả nơi Thánh Tâm của Người. Bởi vì ở đó chúng ta tìm thấy toàn bộ Phúc Âm, một tổng hợp các chân lý đức tin của chúng ta, tất cả những gì chúng ta tôn thờ và tìm kiếm trong đức tin, tất cả những gì đáp ứng các nhu cầu thâm sâu nhất của chúng ta.
90. Khi chúng ta chiêm ngắm trái tim Chúa Kitô, sự tổng hợp cụ thể của Phúc Âm, thì theo gương thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu chúng ta có thể “đặt niềm tín thác chân thành không phải nơi chính mình mà ở lòng thương xót vô hạn của một Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô điều kiện và đã ban cho chúng ta mọi thứ trên thập giá Chúa Giêsu Kitô”.[80] Têrêsa có thể tín thác như thế vì trong trái tim Chúa Kitô, ngài đã khám phá rằng Thiên Chúa là tình yêu: “Người đã ban cho tôi lòng thương xót vô hạn của Người, và qua đó, tôi chiêm ngưỡng và tôn thờ những sự hoàn hảo khác của Thiên Chúa”.[81] Đó là lý do tại sao một lời cầu nguyện phổ biến, hướng đến trái tim Chúa Kitô như một mũi tên, chỉ nói đơn giản: “Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng vào Chúa”.[82] Không cần những lời nào khác.
91. Trong các chương sau, chúng ta sẽ nhấn mạnh hai khía cạnh thiết yếu mà lòng sùng kính Thánh Tâm hiện đại cần kết hợp, để nó có thể tiếp tục nuôi dưỡng chúng ta và đưa chúng ta đến gần hơn với Phúc Âm: kinh nghiệm tâm linh cá nhân và việc cùng nhau dấn thân sứ mạng.
CHƯƠNG BỐN - MỘT TÌNH YÊU TỰ BAN TẶNG NHƯ NƯỚC UỐNG
92. Giờ đây chúng ta hãy quay lại với Kinh Thánh, là các bản văn được linh hứng mà ở đó, trên tất cả, chúng ta gặp gỡ mặc khải của Thiên Chúa. Ở đó, và trong Truyền Thống sống động của Giáo hội, chúng ta nghe những gì Chúa muốn nói với ta trong dòng lịch sử. Bằng cách đọc một số bản văn Cựu Ước và Tân Ước, chúng ta sẽ nhận thức rõ hơn về lời của Thiên Chúa vốn đã hướng dẫn cuộc hành hương thiêng liêng vĩ đại của dân Người qua các thời đại.
MỘT THIÊN CHÚA KHAO KHÁT TÌNH YÊU
93. Kinh Thánh cho thấy rằng dân tộc đi qua sa mạc và khao khát tự do đã nhận được lời hứa về một nguồn nước trao ban sự sống dồi dào: “Các ngươi sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ” (Is 12,3). Các lời tiên tri về Đấng cứu thế dần dần hội tụ xung quanh hình ảnh nước thanh tẩy: “Ta sẽ rảy nước trong ngần trên các ngươi, và các ngươi sẽ được sạch… Ta sẽ đặt một thần khí mới vào trong các ngươi” (Ed 36,25-26). Nước này sẽ ban cho dân Chúa sự sống viên mãn, giống như một suối nước chảy ra từ Đền Thờ mang theo sự sống dồi dào và sự cứu rỗi. “Tôi thấy trên bờ sông, bên này và bên kia có rất nhiều cây cối… sông chảy đến đâu, mọi sinh vật sẽ được sống… và khi dòng sông ấy chảy vào biển, nước của nó sẽ trở nên trong lành; mọi vật sẽ sống nơi dòng sông ấy chảy đến” (Ed 47,7-9).
94. Lễ Lều Tạm (Sukkot) của người Do thái, nhằm nhắc nhớ bốn mươi năm của dân Israel trong sa mạc, dần dần đã lấy biểu tượng nước làm yếu tố trung tâm. Lễ này bao gồm nghi lễ dâng nước vào mỗi buổi sáng, trở nên long trọng nhất vào ngày cuối cùng của lễ hội, khi một đoàn rước lớn tiến về Đền Thờ, sẽ đi quanh bàn thờ bảy lần, và nước được tiến dâng lên Chúa giữa tiếng reo hò vui mừng.[83]
95. Buổi bình minh của thời thiên sai được mô tả như một nguồn suối tuôn trào cho dân chúng: “Ta sẽ đổ một thần khí thương xót và khẩn cầu trên nhà Đavít và dân cư Giêrusalem, và chúng sẽ nhìn lên Đấng mà chúng đã đâm thâu… Vào ngày đó, một dòng suối sẽ vọt ra cho nhà Đavít và dân cư Giêrusalem, để tẩy sạch tội lỗi và ô uế” (Dcr 12,10; 13,1).
96. Đấng bị đâm thâu, một nguồn suối tuôn chảy, sự đổ tràn của một thần khí thương xót và khẩn cầu: các Kitô hữu đầu tiên không thể không coi những lời hứa này như đã được ứng nghiệm nơi cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Kitô, nguồn mạch của sự sống mới. Trong Phúc Âm theo thánh Gioan, chúng ta chiêm nghiệm về sự ứng nghiệm đó. Từ cạnh sườn bị thương của Chúa Giêsu, nước của Thánh Thần tuôn ra: “Một trong những người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người, tức thì máu và nước chảy ra” (Ga 19,34). Lúc ấy, vị thánh sử nhớ lại lời tiên tri đã được nói về một suối nước mở ra ở Giêrusalem và về Đấng bị đâm thâu (Ga 19,37; x. Dcr 12,10). Suối nước mở ra là cạnh sườn bị thương của Chúa Kitô.
97. Trước đó, Phúc Âm Gioan đã nói về sự kiện này, khi vào “ngày bế mạc của dịp lễ” (Ga 7,37), Đức Giêsu đã lớn tiếng nói với những người đang trong đoàn rước lớn: “Ai khát hãy đến cùng tôi và uống… từ lòng Người sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7,37-38). Tuy nhiên, để điều này được hoàn thành, thì “giờ” của Chúa Giêsu phải đến, vì Người “vẫn chưa được tôn vinh” (Ga 7,39). Sự ứng nghiệm đó phải đến trên thập giá, trong máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Chúa.
98. Sách Khải Huyền nối tiếp những lời tiên tri về Đấng bị đâm thâu và về suối nước: “Mọi con mắt sẽ nhìn thấy Người, ngay cả những kẻ đã đâm Người” (Kh 1,7); “Ai khát hãy đến; ai muốn, hãy nhận lấy nước trường sinh mà không phải trả tiền” (Kh 22,17).
99. Cạnh sườn bị đâm thủng của Chúa Giêsu là nguồn tình yêu mà Thiên Chúa đã thể hiện cho dân Người theo vô số cách thức. Ta hãy nhớ lại một số lời của Ngài:
“Vì trước mắt Ta ngươi thật quí giá, ngươi được Ta trân trọng và yêu thương” (Is 43,4).
“Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta cũng không quên ngươi bao giờ. Này, Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta” (Is 49,15-16).
“Vì núi có thể dời, đồi có thể chuyển, nhưng tình thương của Ta đối với ngươi sẽ không rời khỏi ngươi, và giao ước bình an của Ta sẽ không bị hủy bỏ” (Is 54,10).
“Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở; nên Ta vẫn trung thành với ngươi” (Gr 31,3).
“Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đang ở giữa ngươi, Người là chiến binh ban cho ngươi chiến thắng; Người sẽ vui mừng vì ngươi, Người sẽ đổi mới ngươi trong tình yêu của Người; vì ngươi, Người sẽ nhảy múa tưng bừng” (Xp 3,17).
100. Ngôn sứ Hôsê còn đi xa đến mức nói về trái tim của Thiên Chúa, Đấng “dẫn dắt họ bằng dây nhân nghĩa, bằng dây ân tình” (Hs 11,4). Khi tình yêu đó bị khinh thường, Chúa có thể nói: “Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi (Hs 11,:8). Tình yêu thương xót của Thiên Chúa luôn chiến thắng (x. Hs 11,9), và tình yêu đó sẽ tìm thấy sự biểu lộ tột đỉnh trong Chúa Kitô, Lời yêu thương dứt khoát của Thiên Chúa.
101. Trái tim bị đâm thâu của Chúa Kitô là hiện thân của tất cả những lời tuyên bố về tình yêu của Thiên Chúa có trong Kinh Thánh. Tình yêu đó không chỉ là những lời nói; đúng hơn, cạnh sườn mở ra của Con Thiên Chúa là nguồn sự sống cho những ai Người yêu thương, là mạch nước làm thỏa cơn khát của dân Người. Như thánh Gioan Phaolô II đã chỉ ra: “Các yếu tố thiết yếu của lòng sùng kính [đối với Thánh Tâm] nằm trong một thể cách thường xuyên của linh đạo Giáo hội qua dòng lịch sử; vì ngay từ đầu, Giáo hội đã hướng về trái tim của Chúa Kitô bị đâm thâu trên Thập giá”.[84]
NHỮNG ÂM VỌNG CỦA LỜI TRONG LỊCH SỬ
102. Ta hãy xem xét một số cách mà trong lịch sử đức tin Kitô giáo, những lời tiên tri ấy được hiểu là đã ứng nghiệm. Nhiều Giáo phụ của Giáo hội, đặc biệt các vị ở Tiểu Á, đã nói về cạnh sườn bị thương của Chúa Giêsu như nguồn nước của Chúa Thánh Thần: lời, ân sủng của lời, và các bí tích chuyển đạt lời. Lòng can đảm của các vị tuẫn đạo được sinh ra từ “mạch nước hằng sống thiên đàng chảy ra từ cạnh sườn của Chúa Kitô”[85] hoặc theo phiên bản của Rufinus thì đó là: “những dòng nước thiên đàng vĩnh cửu chảy ra từ trái tim của Chúa Kitô”.[86] Các tín hữu chúng ta được tái sinh trong Chúa Thánh Thần, xuất hiện từ khe nứt trên tảng đá; “chúng ta đã xuất hiện từ trái tim của Chúa Kitô”.[87] Cạnh sườn bị thương của Người, được hiểu là trái tim Người, tràn đầy Chúa Thánh Thần, đến với chúng ta như một dòng nước hằng sống. “Mạch suối Thánh Thần hoàn toàn ở trong Chúa Kitô”.[88] Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần mà chúng ta đã lãnh nhận không làm chúng ta xa cách Chúa Phục sinh, mà lấp đầy chúng ta bằng sự hiện diện của Người, vì khi uống Chúa Thánh Thần, chúng ta uống chính Chúa Kitô. Thánh Ambrôsiô nói: “Hãy uống Chúa Kitô, vì Người là tảng đá tuôn trào dòng nước. Hãy uống Chúa Kitô, vì Người là nguồn sự sống. Hãy uống Chúa Kitô, vì Người là dòng sông chảy ra bao nhánh đem niềm vui cho thành của Chúa Trời. Hãy uống Chúa Kitô, vì Người là sự bình an của chúng ta. Hãy uống Chúa Kitô, vì từ cạnh sườn Người chảy ra dòng nước hằng sống”.[89]
103. Thánh Augustinô đã mở đường cho lòng sùng kính Thánh Tâm như là nơi gặp gỡ cá nhân của chúng ta với Chúa. Đối với Augustinô, cạnh sườn bị thương của Chúa Kitô không chỉ là nguồn của ân sủng và các bí tích, mà còn là biểu tượng cho sự kết hợp mật thiết của chúng ta với Chúa Kitô, là bối cảnh của một cuộc gặp gỡ yêu thương. Ở đó chúng ta tìm thấy nguồn gốc của sự khôn ngoan quý giá nhất trong tất cả, đó là sự hiểu biết Chúa. Thực tế, Augustinô viết rằng Gioan, môn đệ được Chúa yêu, dựa vào lòng Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly, đã đến gần nơi giấu ẩn của sự khôn ngoan.[90] Ở đây chúng ta không chỉ có sự chiêm nghiệm đơn thuần của trí năng đối với một chân lý thần học trừu tượng. Như thánh Giêrôm giải thích, một người có khả năng chiêm nghiệm “không chỉ vui thích trước vẻ đẹp của dòng nước đó, nhưng uống lấy nước hằng sống chảy ra từ cạnh sườn Chúa”.[91]
104. Thánh Bênađô quan tâm tới biểu tượng cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa, và hiểu rõ ràng đó là một sự mặc khải và tuôn đổ toàn bộ tình yêu của trái tim Người. Qua vết thương đó, Chúa Kitô mở trái tim Người cho chúng ta và cho phép chúng ta hưởng mầu nhiệm của tình yêu và lòng thương xót vô biên của Người: “Tôi lấy từ lòng Chúa những gì còn thiếu đối với tôi, vì lòng Người tràn ngập lòng thương xót chảy qua những lỗ. Những kẻ đóng đinh Người đã làm thủng tay chân Người, chúng đâm thủng cạnh sườn Người bằng một ngọn giáo. Và qua những lỗ đó, tôi có thể nếm được mật ong rừng và dầu từ những tảng đá, nghĩa là tôi có thể nếm và nhận ra Chúa tốt lành… Một ngọn giáo đã xuyên qua tâm hồn Người thậm chí đến tận vùng trái tim Người. Người không thể nào không thương xót sự yếu đuối của tôi. Những vết thương trên thân xác Người đã bộc lộ cho chúng ta những bí mật trong trái tim Người; chúng cho phép chúng ta chiêm ngưỡng mầu nhiệm lòng trắc ẩn cao cả của Người”.[92]
105. Chủ đề này lại xuất hiện đặc biệt nơi William ở Saint-Thierry, là người mời gọi chúng ta đi vào trái tim Chúa Giêsu, Đấng nuôi chúng ta từ chính bầu ngực của Người.[93] Điều này không có gì đáng ngạc nhiên nếu chúng ta nhớ lại rằng đối với William, “nghệ thuật của hội họa là nghệ thuật của tình yêu… Tình yêu được đánh thức bởi Đấng Tạo Hóa của thiên nhiên, và là sức mạnh của tâm hồn dẫn dắt nó đến đúng nơi và là đích điểm của nó – như thể bằng trọng lực tự nhiên của nó vậy”.[94] Nơi thích hợp đó, nơi tình yêu ngự trị trọn vẹn, chính là trái tim của Chúa Kitô: “Lạy Chúa, Chúa dẫn dắt đến nơi đâu những người mà Chúa ôm lấy và giữ chặt vào trái tim Chúa? Lạy Chúa Giêsu, trái tim Chúa là manna ngọt ngào thiên tính của Chúa mà Chúa giữ trong chiếc bình vàng là linh hồn Chúa (x. Dt 9,4), và vượt quá mọi hiểu biết. Phúc cho những ai, sau khi lao vào những tầm sâu thẳm ấy, đã được Chúa ẩn giấu trong góc sâu của trái tim Chúa”.[95]
106. Thánh Bonaventura kết hợp hai trào lưu linh đạo này. Ngài trình bày trái tim của Chúa Kitô như là nguồn của các bí tích và ân sủng, và thúc giục để việc chúng ta chiêm ngưỡng trái tim đó trở thành mối tương quan giữa những người bạn, một cuộc gặp gỡ riêng tư của tình yêu.
107. Bonaventura giúp chúng ta trước hết trân trọng vẻ đẹp của ân sủng và các bí tích chảy ra từ nguồn mạch sự sống là cạnh sườn bị thương của Chúa. “Một người lính đã lấy đòng đâm và mở cạnh sườn Người, để từ cạnh sườn của Chúa Kitô đang ngủ trên thập giá, Giáo hội có thể được hình thành và Kinh Thánh được ứng nghiệm rằng: ‘Họ sẽ nhìn lên Đấng mà họ đã đâm thâu’. Điều này được Chúa Quan phòng cho phép, để từ máu và nước chảy ra từ vết thương đó, giá của sự cứu rỗi chúng ta có thể chảy ra từ nguồn suối ẩn giấu là trái tim Người, làm cho các bí tích của Giáo hội có thể ban sự sống ân sủng, và như vậy giống như một chén được đổ đầy từ nguồn mạch trào lên sự sống vĩnh cửu”.[96]
108. Rồi Bonaventura kêu gọi chúng ta đi một bước nữa, để việc chúng ta tiếp cận ân sủng không bị coi là một loại phép thuật hay sự lan tỏa xu hướng tân Platon, mà đúng hơn là một tương quan trực tiếp với Chúa Kitô, một sự nương náu trong trái tim Người, để bất kỳ ai uống từ nguồn đó đều trở thành bạn hữu của Chúa Kitô, một trái tim đầy yêu thương. “Vậy hãy trỗi dậy, hỡi linh hồn là bạn của Chúa Kitô, hãy là chim bồ câu làm tổ trong khe đá; hãy là chim sẻ tìm thấy được mái ấm và không ngừng canh giữ; hãy là chim gáy giấu ẩn đứa con của tình yêu tinh tuyền trong khe đá vô cùng thánh thiện ấy”.[97]
SỰ TRUYỀN BÁ LÒNG SÙNG KÍNH TRÁI TIM CHÚA KITÔ
109. Dần dần, cạnh sườn bị thương của Chúa Kitô, là nơi của tình yêu Người và là suối nguồn của đời sống ân sủng, bắt đầu được liên kết với trái tim Chúa, đặc biệt là trong đời sống đan tu. Chúng ta biết rằng trong dòng lịch sử, lòng sùng kính trái tim Chúa Kitô không phải luôn luôn được diễn tả theo cùng một cách, và rằng những phát triển hiện đại của nó – liên quan đến nhiều kinh nghiệm tâm linh khác nhau – không thể rút ra trực tiếp từ các hình thức thời Trung cổ, càng không thể rút ra từ các hình thức thuộc Thánh Kinh mà trong đó chúng ta thoáng thấy những hạt giống của lòng sùng kính này. Mặc dù vậy, Giáo hội ngày nay không loại bỏ bất cứ điều gì tốt lành mà Chúa Thánh Thần đã ban cho chúng ta qua các thế kỷ, vì Giáo hội biết rằng mình luôn có thể phân định một ý nghĩa rõ ràng và sâu xa hơn trong một số khía cạnh của lòng sùng kính đó, và đạt được những nhận thức mới theo thời gian.
110. Một số phụ nữ thánh thiện, khi kể lại những kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Kitô, đã nói về việc nghỉ ngơi trong trái tim Chúa như nguồn của sự sống và sự bình an nội tâm. Đây là trường hợp của các thánh Lutgarde và Mechtilde ở Hackeborn, thánh Angela ở Foligno và Julian ở Norwich, và nhiều vị khác. Thánh Gertrude ở Helfta, một đan nữ Xitô, kể về một lần khi cầu nguyện ngài tựa đầu vào trái tim Chúa Kitô và nghe thấy nhịp đập của trái tim ấy. Trong một cuộc đối thoại với thánh sử Gioan, ngài đã hỏi tại sao vị thánh sử không mô tả trong Phúc Âm của mình những cảm nghiệm khi tựa đầu như vậy. Gertrude kết luận rằng “âm thanh ngọt ngào của những nhịp đập trái tim đó đã được dành riêng cho thời hiện đại, để khi nghe thấy chúng, thế giới già nua và nguội lạnh của chúng ta có thể được đổi mới trong tình yêu của Thiên Chúa”.[98] Phải chăng ta cũng có thể nghĩ rằng đây thực sự là một thông điệp cho thời đại của mình, một lời kêu gọi nhận ra rằng thế giới của chúng ta thực sự đã “già đi”, và cần phải nắm hiểu lại sứ điệp yêu thương của Chúa Kitô? Thánh Gertrude và thánh Mechtilde được coi là “những người bạn tâm giao thân thiết nhất của Thánh Tâm Chúa”.[99]
111. Các tu sĩ Carthusian, được khuyến khích hơn hết bởi Ludolph Saxony, đã tìm thấy nơi lòng sùng mộ Thánh Tâm một phương tiện để phát triển tình cảm và sự gần gũi với Chúa Kitô. Tất cả những ai bước vào vết thương của trái tim Người đều được đốt cháy lửa tình yêu. Thánh Catarina Siena đã viết rằng những đau khổ của Chúa là điều chúng ta không thể hiểu được, nhưng trái tim rộng mở của Chúa Kitô cho phép chúng ta có một cuộc gặp gỡ riêng tư sống động với tình yêu vô biên của Người. “Ta muốn vén mở cho con bí mật của trái tim Ta, cho phép con thấy nó mở ra, để con hiểu được rằng Ta đã yêu con nhiều hơn những gì có thể đã được chứng tỏ qua sự đau khổ mà Ta từng phải chịu”.[100]
112. Lòng sùng kính trái tim Chúa Kitô dần vượt ra khỏi các bức tường của các đan viện để làm phong phú cho linh đạo của các thầy dạy, các nhà giảng thuyết và các vị sáng lập các dòng tu, những vị này tiếp tục truyền bá nó đến khắp nơi trên thế giới.[101]
113. Đặc biệt có ý nghĩa là sáng kiến của thánh Gioan Eudes – “sau sứ vụ rao giảng rất hăng hái cùng các anh em mình ở Rennes, [ngài]đã thuyết phục vị giám mục giáo phận chấp thuận việc cử hành lễ Trái Tim Đáng Tôn Thờ của Chúa Giêsu Kitô. Đây là lần đầu tiên một lễ như vậy được chính thức cho phép trong Giáo hội. Sau đó, khoảng giữa năm 1670 và 1671, các giám mục của Coutances, Evreux, Bayeux, Lisieux và Rouen đã cho phép cử hành lễ này trong các giáo phận của mình”.[102]
THÁNH PHANXICÔ SALÊSIÔ
114. Trong thời hiện đại, cần phải nhắc đến sự đóng góp quan trọng của thánh Phanxicô Salêsiô. Phanxicô thường chiêm ngắm trái tim rộng mở của Chúa Kitô, trái tim mời gọi chúng ta ở lại trong đó, trong một tương quan yêu thương cá vị giúp làm sáng tỏ các mầu nhiệm trong cuộc đời của Người. Trong các tác phẩm của mình, vị Tiến sĩ thánh thiện của Giáo hội phản đối một nền đạo đức khắc nghiệt và một lòng đạo nệ luật bằng cách trình bày trái tim Chúa Giêsu như một lời kêu gọi tín thác hoàn toàn vào hoạt động mầu nhiệm của ân sủng Người. Chúng ta thấy điều này được diễn đạt trong lá thư ngài gửi cho thánh Jane Francis de Chantal: “Tôi chắc chắn rằng chúng ta sẽ không còn ở lại trong chính mình nữa… nhưng sẽ mãi mãi ở trong cạnh sườn mang thương tích của Chúa, vì nếu tách khỏi Người, chúng ta không những không thể làm gì, mà ngay cả khi có thể, chúng ta cũng sẽ không có khao khát để làm bất cứ gì”.[103]
115. Đối với Phanxicô Salêsiô, lòng sùng mộ đích thực không liên quan gì đến mê tín hay lòng đạo đức hời hợt, vì nó gắn với một tương quan cá vị trong đó mỗi người chúng ta cảm thấy được Chúa Kitô biết đến và yêu thương một cách độc đáo và riêng biệt. “Trái tim đáng yêu và đáng tôn thờ vô cùng này của Tôn Sư chúng ta, cháy bỏng tình yêu mà Người bày tỏ với chúng ta, [là] một trái tim mà ở đó tất cả tên của chúng ta được ghi… Quả thật là một nguồn an ủi sâu xa khi biết rằng chúng ta được Chúa yêu thương sâu sắc đến vậy, Người luôn mang chúng ta trong trái tim Người”.[104] Với hình ảnh tên chúng ta được viết nơi trái tim của Chúa Kitô, thánh Phanxicô đã muốn diễn tả mức độ mà tình yêu của Chúa Kitô dành cho mỗi người chúng ta không phải là điều gì đó trừu tượng và chung chung, mà hoàn toàn cá vị, cho phép mỗi tín hữu cảm thấy mình được biết đến và được tôn trọng vì con người của mình. “Thiên đàng này đáng yêu biết bao, nơi Chúa là mặt trời và ngực Người là nguồn suối tình yêu mà những ai được chúc phúc sẽ uống thỏa thích! Mỗi chúng ta có thể nhìn vào đó và thấy tên mình được khắc bằng những ký tự của tình yêu, chỉ có tình yêu đích thực mới có thể đọc được các tên ấy, vốn đã được tình yêu đích thực viết ra. Lạy Chúa mến yêu! Và còn gì nữa, hỡi nữ tử yêu dấu, về những người thân yêu của chúng ta? Chắc chắn họ cũng sẽ ở đó; vì ngay cả khi trái tim chúng ta không có tình yêu, thì nó vẫn có nỗi khát khao về tình yêu và có những khởi đầu của tình yêu”.[105]
116. Thánh Phanxicô coi kinh nghiệm này về tình yêu của Chúa Kitô như là cốt yếu cho đời sống thiêng liêng, thực sự là một trong những chân lý lớn của đức tin: “Vâng, hỡi nữ tử yêu dấu, Người nghĩ đến con và không chỉ thế, Người nghĩ đến cả từng sợi tóc mỏng mảnh nhất trên đầu con: đây là một điều khoản của đức tin và không thể nghi ngờ gì cả”.[106] Vì thế, người tín hữu có khả năng phó thác hoàn toàn vào trái tim Chúa Kitô, nơi họ tìm thấy sự nghỉ ngơi, an ủi và sức mạnh: “Lạy Chúa! Thật hạnh phúc biết bao khi được ôm lấy và được ngả vào lòng Đấng Cứu Thế. Hãy ở lại đó, hỡi nữ tử yêu dấu, giống như một tâm hồn bé nhỏ khác là thánh Gioan, trong khi những người xung quanh đang thưởng thức những món ăn khác nhau trên bàn ăn của Chúa, hãy tựa đầu, tựa linh hồn và thần trí của con vào lòng yêu thương của vị Chúa đáng yêu mến này, trong một cử chỉ hoàn toàn tín thác”.[107] “Ta hy vọng rằng con đang nghỉ ngơi trong khe đá của chim gáy và trong cạnh sườn Đấng Cứu Thế dấu yêu bị đâm thủng của chúng ta… Chúa chúng ta tốt lành biết bao, hỡi nữ tử yêu dấu của ta! Trái tim của Người yêu thương biết bao! Chúng ta hãy ở lại đây, trong nơi nương náu thánh thiện này”.[108]
117. Đồng thời, trung thành với giáo huấn của mình về sự thánh hóa cuộc sống thường ngày, thánh Phanxicô gợi ý rằng kinh nghiệm này diễn ra giữa các hoạt động, các công việc bổn phận trong đời sống hằng ngày của chúng ta. “Về những linh hồn qua cầu nguyện được thu hút vào sự đơn sơ thánh thiện này, sự phó thác hoàn toàn này vào Thiên Chúa – bạn hỏi tôi: Những linh hồn ấy nên hành xử thế nào trong mọi hành động của mình? Tôi sẽ trả lời rằng không chỉ trong cầu nguyện, mà còn trong lối sống hàng ngày, họ nên luôn tiến tới trong tinh thần đơn sơ, siêu thoát và hoàn toàn đặt tâm hồn mình, các hành động và những thành tựu của mình qui phục thánh ý Thiên Chúa. Và hãy làm như vậy với một tình yêu được đánh dấu bằng sự tin tưởng hoàn toàn và tuyệt đối, phó thác bản thân cho ân sủng và cho sự chăm sóc của tình yêu vĩnh cửu mà Chúa Quan phòng ban cho mình”.[109]
118. Vì lý do này, khi tìm kiếm một biểu tượng để chuyển tải tầm nhìn của mình về đời sống tâm linh, Phanxicô Salêsiô đã kết luận: “Mẹ yêu dấu, nếu Mẹ đồng ý, con nghĩ rằng chúng ta nên lấy biểu tượng là một trái tim bị hai mũi tên đâm thủng, toàn bộ được bao bọc trong một vòng gai”.[110]
MỘT TUYÊN NGÔN MỚI VỀ TÌNH YÊU
119. Từ ảnh hưởng lành mạnh của linh đạo Salêdiêng này, các sự kiện ở Paray-le-Monial đã diễn ra vào cuối thế kỷ 17. Thánh Margaret Marie Alacoque đã tường thuật một loạt các lần hiện ra đáng chú ý của Chúa Kitô giữa cuối tháng 12 năm 1673 và tháng 6 năm 1675. Nền tảng của những sự kiện này là một lời tuyên bố về tình yêu nổi bật trong lần hiện ra đầu tiên. Chúa Giêsu đã nói: “Trái tim thần linh của Ta cháy bỏng tình yêu đối với loài người, và đặc biệt đối với con, đến nỗi không còn có thể kìm nén nơi mình ngọn lửa của yêu thương nồng cháy, nó phải tuôn đổ qua con và được biểu lộ cho mọi người, để làm cho mọi người nên phong phú bằng những kho tàng quý giá mà giờ đây Ta tiết lộ cho con”.[111]
120. Tường thuật của thánh Margaret Marie rất mạnh mẽ và gây cảm động sâu xa: “Người đã mạc khải cho tôi những điều kỳ diệu nơi tình yêu của Người và những bí mật không thể giải thích được của Thánh Tâm Người mà Người vẫn giấu kín đối với tôi cho đến khi Người mở nó ra cho tôi lần đầu tiên, một cách ấn tượng và thuyết phục đến nỗi Người không để tôi có chỗ nào mà nghi ngờ”.[112] Trong những lần hiện ra sau đó, thông điệp đầy an ủi đó đã được nhắc lại: “Người đã tiết lộ cho tôi những điều kỳ diệu không thể diễn tả được của tình yêu thuần khiết nơi Người, và tình yêu đó đã làm cho Người yêu nhân loại đến mức nào”.[113]
121. Nhận thức mạnh mẽ này về tình yêu của Chúa Giêsu Kitô mà thánh Margaret Marie để lại cho chúng ta có thể thúc đẩy chúng ta kết hợp mật thiết hơn với Người. Chúng ta không cần phải cảm thấy bắt buộc phải chấp nhận hoặc nắm được mọi chi tiết trong kinh nghiệm tâm linh của Margaret, trong đó, như thường xảy ra, sự can thiệp của Thiên Chúa kết hợp với các yếu tố của con người liên quan đến những khát vọng, những quan tâm và những hình ảnh trong nội tâm của cá nhân.[114] Những kinh nghiệm như thế phải luôn được diễn giải dưới ánh sáng của Phúc Âm và truyền thống linh đạo phong phú của Giáo hội, ngay cả khi chúng ta thừa nhận những điều tốt đẹp mà chúng đem lại cho nhiều anh chị em của mình. Theo đó, chúng ta có thể nhận ra những ân ban của Chúa Thánh Thần hiện diện trong các kinh nghiệm đức tin và đức mến đó. Quan trọng hơn bất kỳ chi tiết riêng biệt nào là cốt lõi của thông điệp được trao cho chúng ta, có thể được tóm tắt trong những lời mà thánh Margaret Marie đã nghe: “Đây là trái tim đã yêu thương con người đến nỗi không tiếc điều gì, thậm chí đến mức trút rỗng và tiêu hủy chính nó để cho thấy tình yêu của nó”.[115]
122. Như thế, sự kiện hiện ra này mời gọi chúng ta lớn lên trong cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, đặt trọn lòng tin tưởng vào tình yêu của Người, cho đến khi chúng ta đạt được sự kết hợp trọn vẹn và dứt khoát với Người. “Trái tim thần linh của Chúa Giêsu cần phải thay thế trái tim của chúng ta theo một cách nào đó; cần phải để cho một mình Người sống và hoạt động trong chúng ta và vì chúng ta; ý chí của Người… cần phải hoạt động cách tuyệt đối và không có bất kỳ sự kháng cự nào từ phía chúng ta; và cuối cùng là tình cảm, tư tưởng và ước muốn của trái tim Người cần phải thay thế cho tình cảm, tư tưởng và ước muốn của chúng ta, đặc biệt là tình yêu của Người, để Người được yêu nơi chính Người và vì chúng ta. Vì thế, trái tim đáng yêu mến này là tất cả của chúng ta, để ta có thể nói cùng với thánh Phaolô rằng chúng ta không còn sống cuộc sống của mình nữa, nhưng chính Người sống trong chúng ta”.[116]
123. Trong sứ điệp đầu tiên mà thánh Margaret Marie nhận được, lời mời gọi này đã được diễn tả bằng những từ ngữ sống động, nồng nhiệt và yêu thương. “Người đã xin trái tim tôi, và tôi đã xin Người cứ nhận lấy, Người đã nhận, và rồi Người đặt tôi vào trong trái tim đáng tôn thờ của Người, qua đó Người cho tôi thấy trái tim tôi giống như một nguyên tử bé nhỏ bị thiêu rụi trong lò lửa của chính trái tim Người”.[117]
124. Mặt khác, chúng ta thấy rằng Đấng hiến mình cho chúng ta là Chúa Kitô phục sinh và vinh quang, tràn đầy sự sống và ánh sáng. Đành rằng nhiều lúc Người đã nói về sự đau khổ mà Người phải chịu vì chúng ta và về sự vô ơn đáp lại, thì điều chúng ta thấy ở đây không phải là máu và những vết thương đau đớn của Người cho bằng là ánh sáng và ngọn lửa của Chúa sự sống. Những vết thương của cuộc khổ nạn không biến mất, nhưng giờ đây đã được biến hình. Ở đây, chúng ta thấy mầu nhiệm Vượt qua trong tất cả sự huy hoàng của nó: “Một lần, khi Mình Thánh Chúa được đặt lên, Chúa Giêsu hiện ra, rực rỡ vinh quang, với năm vết thương của Người trông giống như rất nhiều mặt trời bùng cháy từ nhân tính thánh thiện của Người, nhưng trên hết là từ ngực đáng yêu của Người, trông giống như một lò lửa. Mở áo choàng ra, Người để lộ trái tim đầy yêu thương và hết sức đáng yêu của Người, đó là nguồn của những ngọn lửa ấy. Sau đó, tôi đã khám phá ra những điều kỳ diệu khôn tả về tình yêu thuần khiết của Người, Người yêu thương con người đến cùng bằng tình yêu ấy, nhưng chỉ nhận được từ họ sự vô ơn và thờ ơ”.[118]
THÁNH CLAUDE DE LA COLOMBIÈRE
125. Khi thánh Claude de La Colombière biết về những kinh nghiệm của thánh Margaret Marie, ngài đã ngay lập tức bảo vệ Margaret và bắt đầu truyền bá thông tin về các cuộc hiện ra. Thánh Claude đã đóng một vai trò đặc biệt trong việc phát triển sự hiểu biết về lòng sùng kính Thánh Tâm và ý nghĩa của nó dưới ánh sáng Phúc Âm.
126. Một số ngôn ngữ của thánh Margaret Marie, nếu không được hiểu rõ, có thể gợi ý về sự tin tưởng không phù hợp đặt vào những hy sinh và lễ vật cá nhân của chúng ta. Thánh Claude nhấn mạnh rằng việc chiêm ngắm trái tim Chúa Giêsu, nếu chân thực, sẽ không gây ra sự tự mãn hay sự tự tin phù phiếm vào những kinh nghiệm của chính chúng ta hay những nỗ lực con người, mà đúng hơn đó là sự phó thác hết mực vào Chúa Kitô, nhờ đó cuộc sống chúng ta sẽ được lấp đầy bằng sự bình an, an ninh và quyết tâm. Ngài đã diễn tả sự tin tưởng tuyệt đối này cách hùng hồn nhất trong một lời cầu nguyện nổi tiếng:
“Lạy Chúa, con tin chắc rằng Chúa luôn để mắt đến những ai hy vọng vào Chúa, chúng con không thiếu thốn điều gì khi chúng con cậy dựa hoàn toàn vào Chúa, và con quyết tâm trong tương lai sẽ sống tự do khỏi mọi lo toan và trao phó mọi phiền muộn của mình cho Chúa… Con sẽ không bao giờ đánh mất hy vọng. Con sẽ giữ nó cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời; và vào lúc đó, tất cả quỷ trong địa ngục sẽ cố sức giựt niềm hy vọng đó khỏi con… Thiên hạ có thể tìm kiếm hạnh phúc từ của cải hay tài năng của họ; thiên hạ có thể dựa vào sự vô tội trong đời sống của họ, hoặc sự nghiêm chỉnh trong việc sám hối của họ, hoặc số lượng bố thí của họ, hoặc lòng sốt sắng trong lời cầu nguyện của họ. Đối với con, lạy Chúa, tất cả sự tin tưởng của con là chính sự tin tưởng. Sự tin tưởng này chưa bao giờ lừa dối bất kỳ ai… Vì vậy, con chắc chắn rằng con sẽ được hạnh phúc vĩnh cửu, vì con hy vọng vững chắc như thế, và lạy Chúa, chính bởi Chúa mà con hy vọng điều đó”.[119]
127. Trong một ghi chú vào tháng 1 năm 1677, sau khi đề cập đến sự bảo đảm mà ngài cảm nhận về sứ mạng của mình, Claude tiếp tục: “Tôi đã bắt đầu biết rằng Chúa muốn tôi phục vụ Người bằng cách đạt được trọn vẹn những mong muốn của Người liên quan đến lòng sùng kính Người đã gợi ý cho một người mà Người tin tưởng truyền đạt, và vì lợi ích của người ấy mà Người muốn dùng sự yếu đuối của tôi. Tôi đã dùng nó để giúp đỡ một số người”.[120]
128. Phải nhìn nhận rằng linh đạo của Chân phước Claude de La Colombière đã đem lại một tổng hợp tinh tế giữa kinh nghiệm tâm linh sâu sắc và đầy cảm kích của thánh Margaret Marie và hình thức chiêm nghiệm sống động và cụ thể được tìm thấy trong Linh Thao của thánh Inhaxiô Loyola. Vào đầu tuần thứ ba của Linh Thao, Claude đã suy ngẫm: “Có hai điều đã làm tôi xúc động theo một cách đáng kinh ngạc. Thứ nhất, thái độ của Chúa Kitô đối với những người tìm cách bắt Người. Trái tim Người đầy buồn phiền xót xa; mọi xung năng hung dữ đều được giải phóng chống lại Người và toàn bộ tự nhiên đang hỗn loạn, nhưng giữa tất cả sự hỗn loạn này, tất cả những cám dỗ này, trái tim Người vẫn kiên định hướng về Thiên Chúa. Người không ngần ngại chọn theo nhân đức và là nhân đức cao nhất. Thứ hai, thái độ của chính trái tim đó đối với Giuđa, kẻ đã phản bội Người, đối với các tông đồ hèn nhát đã bỏ rơi Người, đối với các thượng tế và những người khác chịu trách nhiệm về cuộc bách hại mà Người phải chịu; không gì trong tất cả những điều ấy có thể khơi lên trong Người một chút cảm giác oán hận hay phẫn nộ. Một lần nữa tôi đến trước trái tim này, không giận dữ, không cay đắng, thay vào đó là tràn đầy lòng thương cảm chân thành đối với những kẻ thù của trái tim ấy”.[121]
THÁNH CHARLES DE FOUCAULD VÀ THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU
129. Thánh Charles de Foucauld và thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, tuy không chủ ý, song đã định hình lại một số khía cạnh của lòng sùng kính trái tim Chúa Kitô và qua đó giúp chúng ta hiểu lòng sùng kính này theo một tinh thần mang tính Phúc Âm hơn nữa. Giờ đây chúng ta hãy xem xét lòng sùng kính này được thể hiện như thế nào trong đời sống của các ngài. Trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ quay lại với các ngài, để minh họa chiều kích sứ mạng nổi bật mà mỗi vị đã mang đến cho lòng sùng kính này.
Iesus Caritas
130. Ở Louye, Charles de Foucauld quen đến viếng Mình Thánh Chúa cùng với người chị họ của mình, Marie de Bondy. Một ngày nọ, chị ấy đã cho Charles xem một bức ảnh Thánh Tâm.[122] Người chị họ này đã đóng một vai trò trọng yếu trong cuộc hoán cải của Charles, như chính ngài đã thừa nhận: “Vì Chúa đã biến chị thành khí cụ đầu tiên của lòng thương xót của Người đối với tôi, nên mọi thứ khác bắt đầu từ chị. Nếu chị không giúp tôi hoán cải, đưa tôi đến với Chúa Giêsu và dạy tôi từng chút một, từng chữ một, tất cả những gì thánh thiện và tốt lành, thì hôm nay tôi sẽ ở đâu?”[123] Điều Marie đánh thức trong Charles là một nhận thức thâm sâu về tình yêu của Chúa Giêsu. Đó là điều cốt yếu, và tập trung vào lòng sùng kính trái tim Chúa Giêsu, nơi ngài gặp được lòng thương xót vô biên: “Chúng ta hãy tin tưởng vào lòng thương xót vô hạn của Đấng mà chị đã dẫn tôi đến để biết trái tim Người”.[124]
131. Sau đó, cha linh hướng của ngài, Cha Henri Huvelin, đã giúp Charles hiểu sâu hơn về mầu nhiệm vô giá của “trái tim diễm phúc mà cha đã nói với con rất nhiều lần”.[125] Vào ngày 6 tháng 6 năm 1889, Charles đã dâng mình cho Thánh Tâm, nơi ngài tìm thấy tình yêu vô biên. Ngài nói với Chúa Kitô: “Chúa đã ban cho con rất nhiều ơn lành, đến nỗi sẽ là vô ơn đối với trái tim Chúa nếu như con không tin rằng trái tim Chúa sẵn sàng ban cho con mọi điều tốt lành, không giới hạn mức độ, và nếu con không tin rằng tình yêu và lòng quảng đại của Chúa là vô biên”.[126] Charles đã trở thành một ẩn sĩ “dưới danh nghĩa trái tim Chúa Giêsu”.[127]
132. Vào ngày 17 tháng 5 năm 1906, đúng ngày mà Charles, một mình, không thể cử hành Thánh lễ nữa, ngài đã viết về lời hứa của mình “để trái tim Chúa Giêsu sống trong tôi, để không còn là tôi sống, mà là trái tim Chúa Giêsu sống trong tôi, như Người đã sống ở Nadaret”.[128] Tình bạn của ngài với Chúa Giêsu, từ trái tim đến trái tim, không phải là một lòng đạo đức riêng tư. Nó đã truyền cảm hứng cho cuộc sống khắc khổ mà ngài đã sống ở Nadaret, xuất phát từ mong muốn bắt chước Chúa Kitô và trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Lòng sùng kính đầy yêu thương của ngài đối với trái tim Chúa Giêsu đã có tác động cụ thể đến lối sống của ngài, và Nadaret của ngài được nuôi dưỡng bởi mối tương quan cá vị của ngài với trái tim Chúa Kitô.
Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu
133. Giống như thánh Charles de Foucauld, thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu nhận ảnh hưởng của sự canh tân lòng sùng kính đã lan rộng khắp nước Pháp vào thế kỷ 19. Cha Almire Pichon, vị linh hướng của gia đình, được coi là một tông đồ nhiệt thành của Thánh Tâm. Một trong những người chị của Têrêsa lấy tên dòng là “Nữ tu Marie Thánh Tâm”, và đan viện mà Têrêsa gia nhập được cung hiến cho Thánh Tâm. Tuy nhiên, lòng sùng kính của Têrêsa đã mang một số nét riêng biệt trong đối chiếu với lòng đạo đức thông thường của thời đó.
134. Khi mười lăm tuổi, Têrêsa có thể nói về Chúa Giêsu như là Đấng “có trái tim đập cùng nhịp với trái tim tôi”.[129] Hai năm sau, khi nói về hình ảnh trái tim của Chúa Kitô đội mão gai, Têrêsa đã viết trong một lá thư: “Chị biết rằng em không nhìn Thánh Tâm như mọi người khác. Em nghĩ rằng Trái Tim của Phu Quân chỉ là của riêng em, cũng như trái tim em là của riêng Người, và vì thế em nói chuyện với Người trong sự riêng tư của cuộc trao đổi lòng kề lòng thú vị này, trong khi chờ đợi một ngày được chiêm ngưỡng Người mặt đối mặt”.[130]
135. Trong một bài thơ của mình, Têrêsa đã nói lên ý nghĩa của lòng sùng mộ ấy, liên quan nhiều đến tình bạn và sự tín thác hơn là cậy dựa vào những hy sinh của mình:
“Tôi cần một trái tim cháy lửa dịu dàng,
Người sẽ là chỗ dựa của tôi mãi mãi,
Người yêu thương mọi thứ trong tôi, cả sự yếu đuối …
Và Người không bao giờ rời tôi, ngày hay đêm…
Tôi phải có một Thiên Chúa mang lấy bản tính của tôi,
Và trở thành người anh, có thể chịu đựng! …
Ôi! Con biết rõ, tất cả sự công chính của chúng con
Đều vô giá trị trước mắt Chúa…
Vì vậy, hỡi trái tim Thiên Chúa của con, con chọn tình yêu cháy bỏng của Chúa
Làm luyện ngục cho mình!”[131]
136. Có lẽ bản văn quan trọng nhất để hiểu lòng sùng kính của Têrêsa đối với trái tim Chúa Kitô là một lá thư mà ngài viết ba tháng trước khi qua đời cho người bạn là Maurice Bellière. “Khi tôi thấy Maria Mađalêna bước tới trước nhiều vị khách, tuôn nước mắt rửa chân cho Thầy đáng kính của mình, người mà lần đầu tiên chị chạm đến, tôi cảm thấy rằng trái tim của chị đã hiểu được những vực thẳm không đáy của tình yêu và lòng thương xót nơi trái tim Chúa Giêsu, và mặc dù chị là tội nhân, trái tim yêu thương này không chỉ sẵn sàng tha thứ cho chị mà còn tuôn đổ trên chị phúc lành từ sự mật thiết thần linh của Người, nâng chị lên những đỉnh cao chót vót của chiêm niệm. Ôi! Người anh em nhỏ bé thân mến, kể từ khi tôi được ban ơn để hiểu được tình yêu của trái tim Chúa Giêsu, tôi thừa nhận rằng tình yêu ấy đã xua tan mọi sợ hãi khỏi trái tim tôi. Việc nhớ lại những lỗi lầm của mình làm tôi khiêm nhường, thúc đẩy tôi không bao giờ dựa vào sức lực của mình vốn chỉ là sự yếu đuối, nhưng việc nhớ lại này càng nói với tôi về lòng thương xót và tình yêu nhiều hơn nữa”.[132]
137. Những nhà đạo đức muốn kiểm soát chặt chẽ lòng thương xót và ân sủng của Chúa có thể tuyên bố rằng Têrêsa có thể nói như vậy vì ngài là một vị thánh, còn một người bình thường không thể nói như thế được. Theo cách đó, họ loại bỏ khỏi linh đạo của thánh Têrêsa tính độc đáo tuyệt vời của nó, là điều phản ánh cốt lõi của Phúc Âm. Đáng buồn thay, trong một số nhóm Kitô hữu, chúng ta thường gặp cái cố gắng ép Chúa Thánh Thần vào một khuôn có sẵn sao cho họ có thể giữ mọi thứ dưới sự giám sát của mình. Tuy nhiên, vị Tiến sĩ Giáo hội sắc sảo này đã khiến họ im lặng và mâu thuẫn trực tiếp với quan điểm giản lược của họ bằng những lời rõ ràng sau đây: “Nếu tôi đã phạm tất cả mọi tội ác, thì tôi cũng luôn có cùng sự tín thác; tôi cảm thấy rằng toàn bộ núi tội lỗi ấy sẽ giống như một giọt nước ném vào lò lửa cháy rực”.[133]
138. Với Sơ Marie, người đã tạ ơn về tình yêu quảng đại của mình dành cho Chúa, thậm chí đã chuẩn bị để chấp nhận tuẫn đạo, Têrêsa đã trả lời chi tiết trong một lá thư trở thành một trong những cột mốc quan trọng của lịch sử linh đạo. Trang thư này cần được đọc đi đọc lại hàng ngàn lần vì chiều sâu, sự rõ ràng và vẻ đẹp của nó. Trong thư đó, Têrêsa giúp người chị mình, “Marie Thánh Tâm”, tránh tập trung lòng sùng mộ này vào sự đau khổ, vì một số người đã trình bày sự đền bù chủ yếu dưới dạng tích lũy các hy sinh và các việc thiện. Về phần mình, Têrêsa trình bày lòng tín thác như là của lễ tốt nhất và to lớn nhất, làm đẹp lòng Chúa Kitô: “Những ước muốn tuẫn đạo của em chẳng là gì cả; đó không phải là điều mang lại cho em lòng tín thác vô hạn mà em cảm thấy trong lòng mình. Nói thật, những ước muốn ấy là sự giàu có thiêng liêng làm cho người ta trở nên bất công, khi người ta an nghỉ trong chúng với sự tự mãn và tin rằng chúng là điều gì đó vĩ đại… Điều làm hài lòng [Chúa Giêsu], đó là Người thấy em yêu sự bé mọn và sự nghèo nàn của mình, niềm trông cậy bất khuất mà em đặt nơi lòng thương xót của Người… Đó là kho báu duy nhất của em… Nếu chị muốn cảm thấy vui sướng, cảm thấy thích thú với đau khổ, thì đó là chị đang tìm kiếm sự an ủi cho mình… Hãy hiểu rằng để trở thành hiến lễ tình yêu dâng Người, thì kẻ càng yếu đuối, kẻ không có khát khao hay nhân đức, thì sẽ càng phù hợp cho hoạt động của Tình yêu đầy sức thiêu đốt và biến đổi này… Ồ! Em muốn có thể làm cho chị hiểu được cảm giác của em biết bao!… Chính lòng tín thác và không gì ngoài lòng tín thác sẽ chắc chắn dẫn chúng ta đến với Tình Yêu”.[134]
139. Trong nhiều văn liệu của mình, Têrêsa nói về cuộc vật lộn của mình với những hình thức linh đạo tập trung quá mức vào nỗ lực của con người, vào công trạng cá nhân, vào việc dâng những hy sinh và làm một số việc nhất định để “giành được thiên đàng”. Đối với Têrêsa, “công trạng không cốt ở làm nhiều hay cho đi nhiều, mà đúng hơn, cốt ở đón nhận”.[135] Chúng ta hãy đọc lại một số bản văn đầy ý nghĩa sâu sắc này, trong đó Têrêsa nhấn mạnh điều này và trình bày nó như một phương tiện đơn giản và nhanh chóng để nắm lấy Chúa “nơi trái tim của Người”.
140. Với chị Léonie, Têrêsa viết: “Em chắc chắn với chị rằng Thiên Chúa tốt hơn nhiều so với những gì chị tin. Ngài hài lòng với một cái nhìn thoáng, một tiếng thở dài yêu thương… Còn em, em thấy rất dễ thực hành sự hoàn thiện vì em hiểu rằng đó là vấn đề nắm lấy Chúa Giêsu nơi trái tim Người… Hãy nhìn một đứa trẻ vừa quấy rầy mẹ mình… Nếu nó đến với mẹ, dang rộng đôi tay nhỏ bé, mỉm cười và nói: ‘Mẹ hôn con đi, con sẽ không làm thế nữa đâu’, liệu mẹ nó có thể không dịu dàng ôm chặt nó vào lòng và quên đi trò nghịch ngợm trẻ con của nó không? Đành rằng bà biết đứa con bé bỏng của mình sẽ lại làm thế vào lần tới, nhưng điều đó không quan trọng; nếu nó lại nắm lấy trái tim mẹ, nó sẽ không bị trừng phạt”.[136]
141. Tương tự, trong một lá thư gửi cho Cha Adolphe Roulland, Têrêsa viết: “Tất cả con đường của con là tín thác và yêu thương. Con không hiểu những tâm hồn sợ hãi một người bạn dịu dàng như vậy. Có những lúc, khi con đọc một số luận đề tâm linh trong đó sự hoàn thiện được cho thấy qua hàng ngàn chướng ngại vật, được bao quanh bởi một mớ ảo tưởng, tâm trí nhỏ bé tội nghiệp của con nhanh chóng mệt mỏi; con đóng cuốn sách uyên bác đang làm đầu con tan nát và làm khô héo trái tim con, và con cầm lấy Kinh Thánh. Thế là tất cả dường như sáng tỏ với con; một từ duy nhất mở ra cho tâm hồn con những chân trời vô tận, sự hoàn thiện dường như đơn giản với con. Con thấy rằng chỉ cần nhận ra sự trống rỗng của mình và phó thác chính mình như một đứa trẻ trong vòng tay của Chúa”.[137]
142. Trong một lá thư khác, Têrêsa liên hệ điều này với tình yêu thấy nơi một người cha: “Tôi không tin rằng trái tim của [một] người cha có thể cưỡng lại được lòng tín thác của đứa con, mà ông vốn biết sự chân thành và lòng yêu thương của nó. Cho dẫu ông hiểu rằng đứa con mình sẽ lại phạm cùng những lỗi lầm ấy nhiều lần, nhưng ông luôn sẵn sàng tha thứ cho nó, nếu đứa con luôn giữ lấy trái tim ông”.[138]
NHỮNG VANG ÂM TRONG DÒNG TÊN
143. Chúng ta đã thấy thánh Claude de La Colombière kết hợp kinh nghiệm tâm linh của thánh Margaret Marie với mục tiêu của Linh Thao. Tôi tin rằng vị trí của Thánh Tâm trong lịch sử Dòng Tên xứng đáng được đề cập cách ngắn gọn.
144. Linh đạo của Dòng Tên luôn đề xuất một “sự hiểu biết nội tâm về Chúa để yêu mến và theo Người trọn vẹn hơn”.[139] Trong các bài tập Linh Thao của ngài, thánh Inhaxiô mời gọi chúng ta hãy đặt mình trước Phúc Âm nói với chúng ta rằng “cạnh sườn [Chúa Kitô] bị ngọn giáo đâm thâu và máu cùng nước chảy ra”.[140] Khi những người tĩnh tâm chiêm ngắm cạnh sườn bị thương của Đấng chịu đóng đinh, Inhaxiô gợi ý rằng họ hãy bước vào trong trái tim của Chúa Kitô. Như vậy, chúng ta có một cách để mở rộng trái tim mình, được một người là “bậc thầy về tình cảm” khuyên bảo – theo cách nói của thánh Phêrô Faber trong một lá thư gửi cho thánh Inhaxiô.[141] Cha Juan Alfonso de Polanco đã lặp lại cùng một cách diễn đạt đó khi viết tiểu sử của thánh Inhaxiô: “Ngài [Đức Hồng y Gasparo Contarini] nhận ra rằng nơi Cha Inhaxiô, ngài đã gặp một bậc thầy về tình cảm”.[142] Các cuộc đàm thoại mà thánh Inhaxiô đề nghị là một phần thiết yếu của sự đào tạo trái tim, vì trong đó, chúng ta cảm nhận và nếm trải bằng trái tim một thông điệp Phúc Âm và trò chuyện về thông điệp đó với Chúa. Thánh Inhaxiô nói rằng chúng ta có thể chia sẻ mối quan tâm của mình với Chúa và tìm kiếm lời khuyên của Người. Bất kỳ ai theo các bài tập Linh Thao đều có thể dễ dàng thấy rằng chúng gắn với một cuộc đối thoại, từ trái tim đến trái tim.
145. Thánh Inhaxiô đưa những việc chiêm niệm của ngài lên đỉnh điểm dưới chân thập giá và mời gọi người tĩnh tâm cầu xin Chúa chịu đóng đinh với lòng cảm mến dạt dào, “như một người bạn với một người bạn, như một tôi tớ với chủ của mình”, để biết mình phải làm gì cho Người.[143] Diễn tiến của các Bài tập lên đến đỉnh điểm trong “Chiêm niệm để đạt được tình yêu”, điều này nảy sinh lòng biết ơn và việc dâng hiến “trí nhớ, sự hiểu biết và ý chí” của mình cho trái tim vốn là nguồn gốc của mọi điều thiện hảo.[144] Việc chiêm niệm nội tâm này không phải là hoa trái của sự hiểu biết và cố gắng của chúng ta, nhưng phải được cầu xin như một món quà.
146. Chính kinh nghiệm này đã truyền cảm hứng cho sự kế thừa hùng hậu của các linh mục Dòng Tên đã nói rõ ràng về trái tim Chúa Giêsu: Thánh Phanxicô Borgia, thánh Phêrô Faber, thánh Anphongsô Rodriguez, Cha Álvarez de Paz, Cha Vincent Carafa, Cha Kasper Drużbicki và vô số những người khác. Năm 1883, các tu sĩ Dòng Tên tuyên bố rằng “Dòng Tên chấp nhận và đón nhận với tràn đầy niềm vui và lòng biết ơn nhiệm vụ thú vị nhất mà Chúa Giêsu Kitô đã giao phó, đó là thực hành, thúc đẩy và truyền bá lòng sùng kính trái tim thần linh của Người”.[145] Vào tháng 9 năm 1871, Cha Pieter Jan Beckx đã thánh hiến Dòng cho Thánh Tâm Chúa Giêsu. Và như một dấu chỉ cho thấy lòng sùng kính Thánh Tâm vẫn là một yếu tố nổi bật trong đời sống của Dòng, Cha Pedro Arrupe đã lặp lại sự thánh hiến ấy vào năm 1972, với niềm xác tín được ngài giải thích như sau: “Vì vậy, tôi muốn nói với Dòng một điều mà tôi cảm thấy mình không thể im lặng. Từ khi vào tập viện, tôi luôn xác tín rằng điều chúng ta gọi là lòng sùng kính Thánh Tâm có chứa đựng một diễn tả có tính biểu tượng cho cái tinh túy nhất trong linh đạo Inhaxiô, và có một hiệu năng phi thường – ultra quam speraverint– cả về sự hoàn hảo riêng của nó lẫn về hoa trái tông đồ của nó. Tôi vẫn tiếp tục xác tín như vậy… Trong lòng sùng kính này, tôi gặp được một trong những nguồn mạch sâu xa nhất của đời sống nội tâm của mình”.[146]
147. Khi thánh Gioan Phaolô II thúc giục “tất cả các thành viên của Dòng phải nhiệt thành hơn nữa trong việc thúc đẩy lòng sùng kính này – là điều phù hợp với những nhu cầu của thời đại chúng ta hơn bao giờ hết” – ngài đã làm như vậy vì ngài nhận ra mối nối kết thâm sâu giữa lòng sùng kính trái tim Chúa Kitô và linh đạo Inhaxiô. Bởi vì “niềm khao khát ‘biết Chúa một cách mật thiết’ và ‘nói chuyện’ với Người, từ trái tim đến trái tim, là đặc trưng của động lực tông đồ và linh đạo Inhaxiô, nhờ các Bài tập Linh Thao, và động lực này hoàn toàn phục vụ cho tình yêu của trái tim Thiên Chúa”.[147]
MỘT TRÀO LƯU RỘNG LỚN CỦA ĐỜI SỐNG NỘI TÂM
148. Lòng sùng kính trái tim Chúa Kitô xuất hiện trở lại trong hành trình tâm linh của nhiều vị thánh, mỗi vị mỗi khác; ở mỗi vị, lòng sùng kính này đều mang những sắc thái mới. Ví dụ, thánh Vincent de Paul thường nói rằng điều Thiên Chúa mong muốn là trái tim: “Chúa chủ yếu đòi hỏi trái tim chúng ta – trái tim của chúng ta – và đó là điều cốt yếu. Làm sao một người không có của cải lại có công đức lớn hơn một người có nhiều của cải mà họ từ bỏ? Bởi vì người không có gì làm điều đó với tình yêu lớn hơn; và đó là điều Thiên Chúa đặc biệt mong muốn…”[148] Điều này có nghĩa là cho phép trái tim mình gắn kết với trái tim Chúa Kitô. “Có ân phúc nào mà một nữ tu không hy vọng nhận được từ Chúa khi mà nữ tu ấy hết sức cố gắng đặt trái tim mình kết hợp với trái tim của Chúa chúng ta!”[149]
149. Đôi khi, chúng ta có thể bị cám dỗ để coi mầu nhiệm tình yêu này như một di tích đáng ngưỡng mộ của quá khứ, một linh đạo hay ho thích hợp với những thời trước. Tuy nhiên, chúng ta cần thường xuyên tự nhủ rằng – như một nhà thừa sai thánh thiện đã từng nói – “trái tim thần linh này – trái tim đã để cho ngọn giáo của kẻ thù đâm thủng, để tuôn đổ qua vết thương thiêng thánh ấy các bí tích làm nên Giáo hội – là một trái tim không bao giờ ngừng yêu thương”.[150] Các vị thánh gần đây hơn, như thánh Piô Pietrelcina, thánh Têrêsa Calcutta và nhiều vị khác, đã nói về trái tim Chúa Kitô với lòng sùng mộ sâu sắc. Ở đây, tôi cũng muốn nhắc đến những kinh nghiệm của thánh Faustina Kowalska, những kinh nghiệm này đã giới thiệu lại lòng sùng kính trái tim Chúa Kitô bằng cách nhấn mạnh đặc biệt đến sự sống vinh quang của Chúa Phục sinh và lòng thương xót của Người. Được truyền cảm hứng từ những kinh nghiệm của thánh nữ và từ di sản thiêng liêng của thánh Józef Sebastian Pelczar (1842-1924),[151] thánh Gioan Phaolô II đã liên kết chặt chẽ những suy tư của mình về lòng Chúa thương xót với lòng sùng kính trái tim Chúa Kitô: “Giáo hội dường như tuyên xưng lòng Chúa thương xót và tôn kính lòng thương xót đó theo một cách độc đáo khi Giáo hội hướng mình đến trái tim Chúa Kitô. Thật vậy, chính việc đến gần Chúa Kitô trong mầu nhiệm trái tim Người sẽ cho phép chúng ta dừng lại ở điểm này của sự mặc khải về tình yêu thương xót của Chúa Cha, một mặc khải làm nên nội dung cốt lõi của sứ mệnh thiên sai của Con Người”.[152] Thánh Gioan Phaolô cũng nói về Thánh Tâm theo phương diện rất riêng tư, ngài thừa nhận rằng “Thánh Tâm đã nói với tôi từ khi tôi còn trẻ”.[153]
150. Tính phù hợp bền bỉ của lòng sùng kính trái tim Chúa Kitô thì đặc biệt rõ ràng trong công cuộc loan báo Tin Mừng và giáo dục được đảm nhận bởi vô số dòng tu nam và nữ có nguồn gốc được đánh dấu bởi lòng sùng kính có tính Kitô học sâu sắc này. Việc liệt kê tên của tất cả các dòng tu này sẽ là một công việc vô tận. Chúng ta hãy chỉ xem xét hai ví dụ được lấy ngẫu nhiên: “Đấng sáng lập [thánh Daniel Comboni] đã khám phá ra trong mầu nhiệm trái tim Chúa Giêsu nguồn sức mạnh cho sự dấn thân sứ mạng thừa sai của mình”.[154] “Được cuốn vào những khao khát của trái tim Chúa Giêsu, chúng ta muốn mọi người phát triển về phẩm giá, trong tư cách con người và trong tư cách con cái của Thiên Chúa. Điểm khởi đầu của chúng ta là Tin Mừng, với tất cả những gì Tin Mừng đòi hỏi nơi chúng ta về tình yêu, sự tha thứ và công lý, và sự liên đới với người nghèo và những người bị thế giới loại trừ”.[155] Tương tự như vậy, nhiều đền thánh trên khắp thế giới được cung hiến cho trái tim Chúa Kitô tiếp tục là nguồn canh tân rất ấn tượng về cầu nguyện và về lòng nhiệt thành thiêng liêng. Tôi gửi lời chúc lành từ phụ đến tất cả những ai theo bất kỳ cách nào có liên quan đến những không gian này của đức tin và bác ái.
LÒNG SÙNG MỘ ĐỂ AN ỦI
151. Vết thương ở cạnh sườn Chúa Kitô, suối nguồn nước hằng sống, vẫn mở trong thân xác phục sinh của Đấng Cứu Thế. Vết thương sâu do ngọn giáo gây ra và vết thương của mão gai thường thấy trong các ảnh tượng về Thánh Tâm là một phần không thể tách rời của lòng sùng kính này, trong đó chúng ta chiêm ngắm tình yêu của Chúa Kitô, Đấng đã hiến mình hy sinh cho đến cùng. Trái tim của Chúa Phục Sinh bảo tồn những dấu hiệu của sự hiến mình hoàn toàn ấy, bao gồm những đau khổ dữ dội vì chúng ta. Do đó, thật tự nhiên khi các tín hữu muốn đáp lại không chỉ tình yêu tuôn tràn bát ngát này mà còn đáp lại cả nỗi đau khổ mà Chúa đã chọn gánh chịu vì tình yêu ấy.
Với Chúa Giêsu trên thập giá
152. Thật thích hợp việc khám phá lại một khía cạnh đặc biệt của linh đạo gắn với lòng sùng kính trái tim Chúa Kitô, cụ thể là niềm khao khát bên trong muốn mang lại sự an ủi cho trái tim đó. Ở đây tôi sẽ không bàn về việc thực hành “đền bù”, điều mà tôi cho là phù hợp hơn với chiều kích xã hội của lòng sùng kính này sẽ được thảo luận trong chương tiếp theo. Thay vào đó, tôi muốn tập trung vào lòng khao khát thường được cảm nhận trong lòng của các tín hữu trìu mến chiêm ngắm mầu nhiệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô và kinh nghiệm nó như một mầu nhiệm không chỉ được tưởng nhớ song vẫn trở nên hiện diện với chúng ta nhờ ân sủng, hay nói đúng hơn, mầu nhiệm ấy cho phép chúng ta có mặt một cách thần nhiệm tại thời điểm của sự cứu chuộc chúng ta. Nếu chúng ta thực sự yêu mến Chúa, làm sao chúng ta lại có thể không mong muốn an ủi Người?
153. Đức Giáo hoàng Piô XI muốn đặt nền cho lòng sùng kính đặc biệt này trên nhận thức rằng mầu nhiệm cứu chuộc chúng ta bởi cuộc khổ nạn của Chúa Kitô thì vượt trên mọi ranh giới của thời gian và không gian, nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã hiến mình vì mọi tội lỗi, bao gồm cả những tội lỗi chưa phạm, bao gồm cả tội lỗi của chúng ta. Tương tự, những hành động chúng ta hiện đang dâng để an ủi Người, cũng siêu vượt thời gian, chạm đến trái tim bị thương của Người. “Nếu cũng vì tội lỗi của chúng ta, tuy là trong tương lai nhưng đã được thấy trước, tâm hồn Chúa Giêsu đã buồn rầu đến chết, thì không thể nghi ngờ rằng cùng lúc đó, Người đã nhận được một an ủi nào đó từ sự đền bù của chúng ta, cũng được thấy trước, tại thời điểm khi ‘một thiên thần từ trời hiện ra với Người’ (Lc 22,43), để trái tim Người, bị đè nặng bởi sự mệt mỏi và đau khổ, có thể gặp được sự an ủi. Và vì thế ngay cả hiện nay, theo một cách kỳ diệu nhưng chân thực, chúng ta có thể và phải an ủi Trái tim Cực Thánh ấy, nơi liên tục bị tổn thương bởi tội lỗi của những con người vô ơn”.[156]
Những lý lẽ của trái tim
154. Đối với một số người, có vẻ như khía cạnh sùng kính Thánh Tâm này thiếu một cơ sở thần học vững chắc, nhưng trái tim có lý lẽ của nó. Ở đây, cảm thức đức tin(sensus fidelium) nắm hiểu được điều gì đó huyền nhiệm, vượt quá luận lý của con người chúng ta, và nhận ra rằng cuộc khổ nạn của Chúa Kitô không chỉ là một sự kiện của quá khứ, nhưng là một sự kiện mà chúng ta có thể chia sẻ thông qua đức tin. Đối với lòng đạo đức Kitô giáo, việc suy niệm về sự tự hiến của Chúa Kitô trên thập giá liên quan đến một điều gì đó nhiều hơn là chỉ tưởng nhớ đơn thuần. Niềm xác tín này có nền tảng thần học vững chắc.[157] Chúng ta cũng có thể thêm vào sự nhìn nhận tội lỗi của chính mình, mà Chúa Giêsu đã gánh lấy trên đôi vai bầm dập của Người, và sự bất cập của chúng ta trước tình yêu vượt thời gian đó, vốn luôn lớn hơn hết mức.
155. Chúng ta cũng có thể tự hỏi làm sao chúng ta có thể cầu nguyện với Chúa của sự sống, Đấng đã sống lại từ cõi chết và đang ngự trị trong vinh quang, trong khi vẫn an ủi Người giữa những đau khổ của Người. Ở đây, ta cần nhận ra rằng trái tim phục sinh của Người vẫn giữ các vết thương như một ký ức thường hằng, và rằng hoạt động của ân sủng làm cho ta có thể kinh nghiệm điều vốn không bị giới hạn chỉ trong một khoảnh khắc của quá khứ. Khi suy ngẫm về điều này, chúng ta thấy mình được mời gọi bước vào một nẻo đường thần bí vượt qua những giới hạn của tâm thần chúng ta nhưng vẫn vững vàng dựa trên lời Chúa. Đức Giáo hoàng Piô XI nêu rõ điều này: “Làm sao những hành động đền bù này có thể mang lại sự an ủi hiện tại, khi Chúa Kitô đã ngự trị trong thiên đàng vinh phúc? Đối với câu hỏi này, chúng ta có thể trả lời bằng những lời của thánh Augustinô, rất phù hợp ở đây: ‘Hãy cho tôi một người biết yêu thương, và người ấy sẽ hiểu những gì tôi nói’. Bất kỳ ai có lòng yêu mến lớn lao đối với Thiên Chúa và nhìn lại quá khứ, đều có thể chăm chú suy ngẫm về Chúa Kitô, và nhìn thấy Người lao động vì con người, đau buồn, chịu đựng những khổ sở lớn nhất, ‘vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta’, gần như kiệt sức vì buồn bã, vì đau khổ, thậm chí ‘bị bầm dập vì tội lỗi của chúng ta’ (Is 53,5), và Người mang đến cho chúng ta sự chữa lành bằng chính những sự bầm dập đó. Càng suy ngẫm về tất cả những điều này, các tín hữu càng thấy rõ rằng tội lỗi của nhân loại, dù xảy ra khi nào, chính là lý do khiến Chúa Kitô bị nộp cho đến chết”.[158]
156. Những lời này của Đức Piô XI đáng được xem xét nghiêm túc. Khi Kinh Thánh tuyên bố rằng những tín hữu không sống theo đức tin của mình “đang đóng đinh Con Thiên Chúa một lần nữa” (Dt 6,6), hoặc khi Phaolô – dâng những đau khổ của mình vì lợi ích của người khác – tuyên bố rằng “trong thân xác mình, tôi đang hoàn thành những gì còn thiếu trong những thống khổ của Chúa Kitô” (Cl 1,24), hoặc một lần nữa, khi Chúa Kitô trong cuộc khổ nạn của Người đã cầu nguyện không chỉ cho các môn đệ của Người lúc ấy, mà còn cho “những ai sẽ nhờ lời họ mà tin vào Con” (Ga 17,20), tất cả những tuyên bố này thách thức cách suy nghĩ thông thường của chúng ta. Chúng cho chúng ta thấy rằng không thể chia cắt hoàn toàn quá khứ khỏi hiện tại, bất kể tâm trí chúng ta thấy điều này khó nắm bắt đến đâu. Phúc Âm, trong tất cả sự phong phú của nó, được viết ra không chỉ để chúng ta suy ngẫm cầu nguyện, mà còn giúp chúng ta kinh nghiệm hiện thực của nó trong các hành động yêu thương và trong đời sống nội tâm của chúng ta. Điều này chắc chắn đúng trong liên quan đến mầu nhiệm về cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Những sự phân biệt tạm thời mà tâm trí chúng ta vận dụng dường như không thể bao hàm trọn vẹn kinh nghiệm đức tin này, vốn là nền tảng cả cho sự kết hợp của chúng ta với Chúa Kitô trong đau khổ của Người, lẫn cho sức mạnh, sự an ủi và tình bạn mà chúng ta được hưởng với Người trong sự sống phục sinh của Người.
157. Như vậy, chúng ta thấy sự hiệp nhất của mầu nhiệm Vượt qua trong hai khía cạnh không thể tách rời và làm phong phú cho nhau này. Mầu nhiệm duy nhất, hiện thực bởi ân sủng trong cả hai chiều kích ấy, bảo đảm rằng bất cứ khi nào chúng ta dâng một số đau khổ của mình cho Chúa Kitô để an ủi Người, thì đau khổ đó được soi sáng và được chuyển hóa trong ánh sáng phục sinh của tình yêu Người. Chúng ta tham dự vào mầu nhiệm này trong cuộc sống của mình vì tiên vàn chính Chúa Kitô đã chọn chia sẻ sự sống đó. Người muốn cảm nghiệm trước, trong tư cách là Đầu, những gì Người sẽ kinh nghiệm trong Thân thể Người là Giáo hội: kinh nghiệm cả những vết thương lẫn sự an ủi của chúng ta. Khi chúng ta sống trong ân sủng của Thiên Chúa, sự chia sẻ lẫn nhau này trở thành một kinh nghiệm thiêng liêng cho chúng ta. Nói tóm lại, Chúa Phục sinh, bằng hoạt động của ân sủng, liên hết chúng ta một cách mầu nhiệm với cuộc khổ nạn của Người. Trái tim của các tín hữu, những người cảm nhận niềm vui của sự phục sinh, nhưng đồng thời cũng khao khát được chia sẻ trong cuộc khổ nạn của Chúa, nhận hiểu cuộc khổ nạn đó. Họ mong muốn được tham dự vào những đau khổ của Người bằng cách dâng lên Người những đau khổ, những chiến đấu, những thất vọng và những nỗi sợ hãi vốn là một phần trong cuộc sống của họ. Họ cũng không kinh nghiệm điều này như những cá nhân biệt lập, vì những đau khổ của họ cũng là sự tham dự vào đau khổ của Nhiệm Thể Chúa Kitô, Dân thánh lữ hành của Thiên Chúa, là đoàn dân tham dự vào cuộc khổ nạn của Chúa Kitô ở mọi nơi và mọi thời. Do đó, lòng sùng kính để an ủi không hề phi lịch sử hay trừu tượng; nó trở thành xương thịt trong cuộc hành hương của Giáo hội qua lịch sử.
Thống hối
158. Niềm khao khát tự nhiên muốn an ủi Chúa Kitô, bắt đầu từ nỗi buồn của chúng ta khi suy ngẫm về những gì Người đã phải chịu vì chúng ta, sẽ lớn lên cùng với sự chân thành nhìn nhận các thói xấu của mình, những hành động dại dột, những quyến luyến, đức tin yếu đuối, những tìm kiếm hão huyền của chúng ta, cùng với những tội lỗi thực sự của chúng ta, sự thất bại của trái tim chúng ta trong việc đáp lại tình yêu của Chúa và kế hoạch của Người dành cho đời sống chúng ta. Kinh nghiệm này chứng tỏ có sức thanh tẩy, vì tình yêu cần sự thanh tẩy của những giọt nước mắt mà cuối cùng sẽ khiến chúng ta khao khát Chúa hơn và ít ám ảnh về mình hơn.
159. Theo đó, chúng ta thấy rằng càng khao khát an ủi Chúa cách sâu xa, thì cảm thức “thống hối” chân thành của chúng ta càng sâu xa hơn. Thông hối “không phải là một mặc cảm tội lỗi khiến chúng ta nản lòng hay ám ảnh về sự tệ hại của mình, mà là một ‘sự đâm thấu’ hữu ích giúp thanh tẩy và chữa lành trái tim. Một khi chúng ta nhìn nhận tội lỗi của mình, trái tim chúng ta có thể được mở ra để Chúa Thánh Thần hoạt động, nguồn nước sự sống tuôn trào trong ta và khiến chúng ta rơi nước mắt… Điều này không có nghĩa là khóc lóc vì tự thương hại, như chúng ta thường có xu hướng làm thế… Rơi lệ thống hối có nghĩa là nghiêm túc ăn năn về việc làm Chúa đau buồn vì tội lỗi của mình; nhận ra rằng mình luôn mắc nợ Chúa… Cũng như những giọt nước có thể làm mòn đá, thì nước mắt cũng có thể dần làm mềm những trái tim cứng cỏi. Ở đây, chúng ta thấy phép lạ của nỗi buồn, ‘nỗi buồn cứu rỗi’ vốn mang lại sự bình an lớn lao… Như thế, thống hối không phải là công việc của chúng ta mà là một ân sủng, và như vậy, chúng ta phải tìm kiếm nó trong cầu nguyện.”[159] Điều này có nghĩa là “xin được buồn rầu với Chúa Kitô trong nỗi buồn của Người, được đau khổ cùng với Chúa Kitô trong nỗi đau của Người, được biết khóc và cảm nhận sâu sắc nỗi đau đớn mà Chúa Kitô đã chịu vì tôi”.[160]
160. Vì thế, tôi xin mọi người đừng ai coi thường lòng sùng kính sốt sắng của dân thánh trung thành của Thiên Chúa, những người trong lòng đạo đức bình dân của mình tìm cách an ủi Chúa Kitô. Tôi cũng khuyến khích mọi người hãy xem xét phải chăng trong một số cách thể hiện của tình yêu tìm cách an ủi Chúa thì có thể có sự hợp lý, sự thật và sự khôn ngoan hơn là trong những hành động yêu thương trên danh nghĩa, đầy tính toán, và lạnh lùng xa cách mà nhiều khi được làm bởi những người tự nhận có đức tin sâu sắc, tinh tế và trưởng thành hơn.
Chính mình được an ủi để an ủi người khác
161. Khi chiêm ngắm trái tim Chúa Kitô và sự tự hiến của Người ngay cả cho đến chết, bản thân chúng ta tìm thấy niềm an ủi lớn lao. Nỗi đau xót mà chúng ta cảm thấy trong lòng mình nhường chỗ cho lòng tin tưởng hoàn toàn, và cuối cùng, điều còn lại là lòng biết ơn, sự trìu mến, sự bình an; điều còn lại là tình yêu của Chúa Kitô ngự trị trong cuộc sống của chúng ta. Như thế, lòng thống hối “không phải là nguồn lo âu mà là nguồn chữa lành cho tâm hồn, vì nó hoạt động như một loại dầu xoa dịu vết thương tội lỗi, chuẩn bị cho chúng ta đón nhận sự vuốt ve của Chúa”.[161] Những đau khổ của chúng ta được liên kết với đau khổ của Chúa Kitô trên thập giá. Nếu chúng ta tin rằng ân sủng có thể nối lại mọi khoảng cách, thì điều này có nghĩa là Chúa Kitô, qua những đau khổ của Người, đã kết hợp chính Người với những đau khổ của các môn đệ mọi thời và mọi nơi. Như vậy, bất cứ khi nào chúng ta chịu đựng đau khổ, chúng ta cũng có thể kinh nghiệm sự an ủi nội tâm của việc biết rằng Chúa Kitô chịu đau khổ với chúng ta. Khi tìm cách an ủi Người, chúng ta sẽ thấy mình được an ủi.
162. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, trong sự chiêm ngắm của mình, chúng ta cũng cần nghe thấy lời cầu xin khẩn thiết của Chúa: “Hãy an ủi, hãy an ủi dân Ta!” (Is 40,1). Như thánh Phaolô nói với chúng ta, Thiên Chúa an ủi chúng ta “để chúng ta có thể an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó, bằng sự an ủi mà chính chúng ta nhận được từ Thiên Chúa” (2Cr 1,4).
163. Điều này sẽ thách đố chúng ta tìm kiếm sự hiểu biết sâu sắc hơn về chiều kích cộng đồng, xã hội và sứ mạng của mọi lòng sùng mộ chân thực đối với trái tim Chúa Kitô. Vì ngay cả khi trái tim Chúa Kitô dẫn chúng ta đến với Chúa Cha, trái tim ấy cũng sai chúng ta đến với anh chị em mình. Trong những hoa trái của việc phục vụ, tức tình huynh đệ và sứ mạng mà trái tim Chúa Kitô thúc đẩy trong đời sống chúng ta, ý muốn của Chúa Cha được hoàn thành. Theo cách này, chúng ta đã đi hết một vòng tròn: “Cha Ta được tôn vinh bởi điều này, đó là anh em sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,8).
CHƯƠNG NĂM - TÌNH YÊU ĐÁP TRẢ TÌNH YÊU
164. Trong những kinh nghiệm tâm linh của thánh Margaret Marie Alacoque, cùng với lời tuyên bố mạnh mẽ về tình yêu đối với Chúa Giêsu Kitô, chúng ta gặp thấy một lời mời gọi cá vị thâm sâu và đầy thách thức chúng ta phó thác cuộc sống mình cho Chúa. Sự hiểu biết rằng chúng ta được yêu thương cũng như sự tín thác hoàn toàn của chúng ta vào tình yêu ấy không hề làm suy giảm khao khát đáp trả một cách quảng đại của chúng ta, dù chúng ta yếu đuối và nhiều thiếu sót.
MỘT LỜI THAN THỞ VÀ MỘT YÊU CẦU
165. Bắt đầu với lần hiện ra thứ hai với thánh Margaret Marie, Chúa Giêsu đã nói về nỗi buồn mà Người cảm thấy vì tình yêu lớn lao của Người dành cho nhân loại chỉ nhận lại được “sự vô ơn và thờ ơ”, “sự lạnh lùng và khinh rẻ”. Và Người nói thêm rằng điều này “đối với Ta còn đau đớn hơn tất cả những gì Ta đã phải chịu trong Cuộc Khổ Nạn”.[162]
166. Chúa Giêsu đã nói về cơn khát tình yêu của Người và tiết lộ rằng trái tim Người không dửng dưng với cách chúng ta đáp lại cơn khát đó. Người nói: “Ta khát, với một cơn khát quay quắt được mọi người yêu mến trong Bí tích Thánh Thể, đến nỗi cơn khát này thiêu đốt Ta; và Ta chưa gặp ai cố gắng làm dịu cơn khát của Ta và đáp lại tình yêu của Ta, theo như Ta mong muốn”.[163] Chúa Giêsu kêu gọi tình yêu. Một khi trái tim trung tín nhận ra điều này, phản ứng tự nhiên của nó là yêu mến, không phải là mong muốn nhân lên những hy sinh hoặc chỉ đơn giản là hoàn thành một bổn phận nặng nề: “Tôi đã nhận được từ Thiên Chúa của tôi những ân sủng quá mức từ tình yêu của Người, và tôi cảm thấy được thúc đẩy bởi mong muốn đáp lại một số ân sủng ấy, và đáp lại bằng tình yêu đáp trả tình yêu”.[164] Như vị Tiền Nhiệm của tôi là Đức Lêô XIII đã chỉ ra, qua hình ảnh Thánh Tâm của Người, tình yêu của Chúa Kitô “thúc đẩy chúng ta lấy tình yêu đáp lại tình yêu”.[165]
LÀM LAN RỘNG TÌNH YÊU CỦA ĐỨC KITÔ ĐẾN ANH CHỊ EM CHÚNG TA
167. Chúng ta cần một lần nữa tiếp nhận lời Chúa, và nhờ đó nhận ra rằng phản ứng tốt nhất của chúng ta đối với tình yêu của trái tim Chúa Kitô là yêu thương anh chị em mình. Không có cách nào tuyệt vời hơn để chúng ta lấy tình yêu đáp lại tình yêu. Kinh thánh đã nói rất rõ về điều này:
“Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta, tức là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).
“Vì toàn bộ lề luật được tóm lại trong một điều răn duy nhất này: ‘Ngươi phải yêu người lân cận như chính mình’” (Gl 5,14).
“Chúng ta biết rằng mình đã vượt qua sự chết đến sự sống vì chúng ta yêu thương nhau. Bất cứ ai không yêu thương thì ở trong sự chết” (1Ga 3,14).
“Những ai không yêu thương anh chị em mà họ thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không thấy” (1Ga 4,20).
168. Tình yêu thương anh chị em không đơn thuần là thành quả của những nỗ lực nơi chúng ta; nó đòi hỏi sự biến đổi trái tim ích kỷ của chúng ta. Nhận thức này đã dẫn tới lời cầu nguyện quen thuộc: “Lạy Chúa Giêsu, xin làm cho trái tim chúng con nên giống trái tim Chúa hơn”. Về phần mình, thánh Phaolô đã thúc giục thính giả của ngài cầu nguyện không phải để có sức mạnh làm việc thiện, nhưng để “có cùng một tâm tư giữa anh em như đã có nơi Đức Kitô Giêsu” (Pl 2,5).
169. Chúng ta cần nhớ rằng trong Đế quốc Rôma, nhiều người nghèo, người nước ngoài và những người khác sống ở rìa xã hội đã được các Kitô hữu tôn trọng, yêu mến và chăm sóc. Điều này giải thích tại sao hoàng đế bội giáo Julian, trong một lá thư của mình, đã thừa nhận rằng một lý do khiến những người Kitô hữu được tôn trọng và bắt chước là sự trợ giúp họ dành cho người nghèo và những người xa lạ, những người thường bị thờ ơ và coi thường. Đối với Julian, thật không thể chấp nhận việc những Kitô hữu mà ông khinh thường, “ngoài việc cấp dưỡng những người của họ, còn cấp dưỡng những người nghèo và người thiếu thốn của chúng ta, những người không nhận được sự giúp đỡ nào từ chúng ta”.[166] Do đó, hoàng đế nhấn mạnh nhu cầu thành lập các tổ chức từ thiện để cạnh tranh với các tổ chức của các Kitô hữu và qua đó giành được sự tôn trọng của xã hội: “Cần phải thiết lập nhiều cơ sở từ thiện tại mỗi thành phố để những người nhập cư có thể hưởng lòng nhân ái của chúng ta… và khiến người Hy lạp quen với những việc làm quảng đại như vậy”.[167] Julian đã không đạt được mục tiêu của mình, rõ ràng vì đằng sau những công việc đó không có gì có thể so sánh được với lòng bác ái của Kitô giáo vốn tôn trọng phẩm giá độc đáo của mỗi người.
170. Bằng cách nối kết với những tầng lớp thấp kém nhất của xã hội (x. Mt 25,31-46), “Chúa Giêsu đã mang đến sự mới mẻ lớn lao là nhìn nhận phẩm giá của mọi người, đặc biệt những người bị coi là ‘tồi tệ’. Nguyên tắc mới này trong lịch sử loài người – nhấn mạnh rằng các cá nhân thậm chí còn ‘xứng đáng’ hơn với sự tôn trọng và yêu thương của chúng ta khi họ yếu đuối, bị khinh thường, hoặc đau khổ, thậm chí đến mức mất đi ‘hình ảnh’ con người – đã thay đổi bộ mặt của thế giới. Nó đã mang lại sức sống cho các tổ chức chăm sóc những người trong hoàn cảnh không may mắn, như trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ mồ côi, người già neo đơn, người bệnh tâm thần, người mắc bệnh nan y hoặc dị tật nghiêm trọng, và những người sống trên đường phố”.[168]
171. Khi chiêm ngắm trái tim bị đâm thâu của Chúa, Đấng “đã mang lấy những yếu đuối của chúng ta và gánh lấy những bệnh hoạn của chúng ta” (Mt 8,17), chúng ta cũng được thúc đẩy để chú ý hơn đến những đau khổ và nhu cầu của người khác, và được củng cố trong những nỗ lực của chúng ta để tham gia vào công cuộc giải phóng của Người, như những khí cụ lan truyền tình yêu của Người.[169] Khi chúng ta suy ngẫm về sự tự hiến của Chúa Kitô vì lợi ích của mọi người, chúng ta tự nhiên được thúc đẩy tự hỏi tại sao chúng ta lại không sẵn sàng hiến mạng sống mình cho người khác: “Chúng ta biết tình yêu là gì, đó là Người đã hiến mạng sống vì chúng ta – và chúng ta cũng phải hiến mạng sống cho nhau” (1Ga 3,16).
NHỮNG VANG ÂM TRONG LỊCH SỬ LINH ĐẠO
172. Mối kết hợp giữa lòng sùng kính trái tim Chúa Giêsu và sự dấn thân cho anh chị em của chúng ta là yếu tố thường hằng trong lịch sử linh đạo Kitô giáo. Chúng ta hãy xem xét một vài ví dụ.
Là một nguồn nước cho người khác uống
173. Bắt đầu với Origen, nhiều Giáo phụ đã suy tư về câu Phúc Âm Gioan 7,38 – “từ trái tim của Người sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” – ám chỉ những người đã uống Chúa Kitô và đặt lòng tin vào Người. Sự kết hợp của chúng ta với Chúa Kitô không chỉ có nghĩa là thỏa mãn cơn khát của chính chúng ta, mà còn biến chúng ta thành những mạch nước hằng sống cho người khác. Origen đã viết rằng Chúa Kitô thực hiện lời hứa của Người bằng cách làm cho những nguồn nước trong lành tuôn trào trong chúng ta: “Linh hồn con người, được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa, có thể chứa đựng và tuôn trào ra những giếng, những con suối và những dòng sông”.[170]
174. Thánh Ambrôsiô khuyên nên uống thật sâu Chúa Kitô, “để nguồn nước tuôn trào sự sống vĩnh cửu có thể tràn ngập trong bạn”.[171] Marius Victorinus xác tín rằng Chúa Thánh Thần trao ban chính Ngài dồi dào đến nỗi “bất kỳ ai đón nhận Ngài đều trở thành một trái tim tuôn trào những dòng nước sự sống”.[172] Thánh Augustinô coi dòng nước chảy ra từ người tin này là lòng nhân từ.[173] Thánh Tôma Aquinô khẳng định rằng bất cứ khi nào ai đó “mau mắn chia sẻ những ân huệ khác nhau nhận được từ Thiên Chúa, thì nước sự sống sẽ chảy ra từ trái tim người ấy”.[174]
175. Mặc dù “hy lễ dâng trên thập giá trong sự vâng phục đầy yêu thương mang lại sự đền bù dồi dào vô hạn cho tội lỗi của nhân loại”,[175] nhưng Giáo hội, được sinh ra từ trái tim Chúa Kitô, sẽ kéo dài và ban phát, trong mọi thời và mọi nơi, những hoa trái của cuộc khổ nạn cứu chuộc duy nhất đó, đưa dẫn những con người nam nữ đến sự kết hợp trực tiếp với Chúa.
176. Trong trái tim của Giáo hội, sự trung gian của Đức Maria – với tư cách là người chuyển cầu và là Mẹ của chúng ta – chỉ có thể được hiểu là “một sự tham dự vào nguồn duy nhất, đó là sự trung gian của chính Chúa Kitô”,[176] Đấng Cứu Chuộc duy nhất. Vì lý do này, “Giáo hội không ngần ngại tuyên xưng vai trò phụ thuộc của Đức Maria”.[177] Lòng sùng kính trái tim Đức Mẹ không hề làm giảm đi sự tôn thờ duy nhất dành cho trái tim Chúa Kitô, mà đúng hơn, làm tăng thêm sự tôn thờ này: “Chức năng của Đức Maria là Mẹ của nhân loại không hề làm lu mờ hay làm mất dấu vết sự trung gian độc nhất của Chúa Kitô, mà đúng hơn, cho thấy sức mạnh của sự trung gian này”.[178] Nhờ những ân sủng dồi dào tuôn chảy từ cạnh sườn mở ra của Chúa Kitô, theo những cách khác nhau, Giáo hội, Đức Trinh Nữ Maria và tất cả các tín hữu trở thành những dòng nước sự sống. Theo cách này, Chúa Kitô biểu lộ vinh quang của Người trong và qua sự nhỏ bé của chúng ta.
Tình huynh đệ và thần bí
177. Thánh Bênađô, khi khuyên chúng ta kết hợp với trái tim Chúa Kitô, đã dựa vào sự phong phú của lòng sùng kính này để kêu gọi một sự hoán cải đặt nền trên tình yêu. Bênađô tin rằng tình cảm của chúng ta, vốn bị khống chế bởi những lạc thú, vẫn có thể được biến đổi và giải thoát, không phải bằng sự tuân theo cách mù quáng một lệnh truyền, mà là bằng cách đáp lại tình yêu tuyệt vời của Chúa Kitô. Cái ác bị khuất phục bởi cái thiện, bị chinh phục bởi sự bùng nở của tình yêu: “Hãy yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa của bạn với tình cảm sâu xa và trọn vẹn nhất của trọn trái tim bạn; hãy yêu Ngài với toàn tâm toàn ý; hãy yêu Ngài với hết sức mình, đến nỗi bạn ngay cả không sợ chết vì yêu Ngài… Tình cảm của bạn dành cho Chúa Giêsu phải vừa ngọt ngào vừa thân mật, để chống lại những cám dỗ ngọt ngào của cuộc sống xác thịt. Sự ngọt ngào chinh phục sự ngọt ngào, như một chiếc đinh khui ra một chiếc đinh khác”.[179]
178. Thánh Phanxicô Salêsiô đặc biệt ấn tượng với những lời của Chúa Giêsu: “Hãy học cùng tôi; vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). Ngay cả trong những điều đơn giản và bình thường nhất, ngài nói, chúng ta cũng có thể “đánh cắp” trái tim của Chúa. “Những ai muốn phục vụ Người một cách đúng đắn phải chú ý không chỉ đến những điều lớn lao và quan trọng, mà cả những điều tầm thường và nhỏ bé, vì bằng cả hai cách, chúng ta có thể giành được trái tim và tình yêu của Người… Tôi muốn nói đến những hành động kiên nhẫn hàng ngày, cơn đau đầu, cơn đau răng, cơn cảm lạnh nặng; những phiền phức linh tinh bởi gười chồng hay người vợ, chiếc ly vỡ, chiếc nhẫn, chiếc khăn tay, chiếc găng tay bị lạc mất; sự càm ràm của người hàng xóm; sự cố gắng đi ngủ sớm để dậy sớm mà cầu nguyện hoặc đi lễ, sự rụt rè mắc cỡ mà một số người cảm thấy khi công khai cho thấy mình có đạo… Hãy tin chắc rằng tất cả những sự chịu đựng này, dù nhỏ bé đến đâu, nếu được chấp nhận với tấm lòng, sẽ làm đẹp lòng Chúa nhất”.[180] Tuy nhiên, cuối cùng, sự đáp trả của chúng ta đối với tình yêu của trái tim Chúa Kitô được thể hiện qua tình yêu đối với người lân cận: “một tình yêu vững chắc, thường xuyên, ổn định, không chấp những chuyện vặt vãnh hay vị thế của người ta trong cuộc sống, sự cứng cỏi hoặc sự thù địch của người ta… Chúa chúng ta yêu thương chúng ta không ngừng, Người chịu đựng rất nhiều khuyết điểm và sai sót của chúng ta. Chính vì thế, chúng ta phải cư xử như vậy với anh chị em của mình, không bao giờ mệt mỏi khi chịu đựng họ”.[181]
179. Thánh Charles de Foucauld đã cố gắng noi gương Chúa Giêsu bằng cách sống và hành động như Người đã làm, trong một cố gắng thường xuyên để làm những gì mà Chúa Giêsu sẽ làm ở hoàn cảnh tương tự. Chỉ bằng cách trở nên đồng hình đồng dạng với những tình cảm của trái tim Chúa Kitô, Charles mới có thể đạt được mục tiêu này cách trọn vẹn. Ở đây chúng ta cũng gặp thấy ý tưởng về “tình yêu đáp trả tình yêu”. Charles nói: “Tôi mong muốn được đau khổ để đáp trả tình yêu bằng tình yêu, để bắt chước Chúa… để bước vào công trình của Người, để hiến dâng chính mình cùng với Người, hiến dâng sự trống rỗng của mình, như một hy lễ, như một hiến tế, để thánh hóa con người”.[182] Khát vọng mang tình yêu của Chúa Giêsu đến với người khác, tầm nhìn sứ mạng của Charles hướng đến những người nghèo nhất và bị lãng quên nhất trên thế giới… đã thúc đẩy ngài lấy biểu tượng cho mình là những từ “Iesus-Caritas”, với hình ảnh trái tim Chúa Kitô được đặt dưới một thánh giá.[183] Đây cũng không phải là một quyết định dễ dàng: “Với tất cả sức lực của mình, tôi cố gắng giới thiệu và chứng minh cho những người anh em lạc lối tội nghiệp này rằng đạo của chúng ta hoàn toàn là lòng bác ái, là tình huynh đệ, và biểu tượng của nó là một trái tim”.[184] Ngài muốn định cư với những anh em khác “ở Marốc, nhân danh trái tim Chúa Giêsu”.[185] Theo cách này, công việc loan báo Tin Mừng của các anh em có thể lan tỏa ra bên ngoài: “Lòng bác ái phải lan tỏa từ tình huynh đệ của chúng ta, cũng như nó lan tỏa từ trái tim Chúa Giêsu”.[186] Khát vọng này dần dần biến ngài thành một “người anh em hoàn vũ”. Để mình được khuôn đúc bởi trái tim Chúa Kitô, ngài tìm cách đón nhận toàn thể nhân loại đau khổ trong trái tim đầy tình huynh đệ của mình: “Trái tim của chúng ta, giống như trái tim của Chúa Giêsu, phải ôm trọn tất cả mọi người nam và nữ”.[187] “Tình yêu của trái tim Chúa Giêsu đối với mọi người nam nữ, tình yêu mà Người thể hiện trong cuộc khổ nạn của Người, đó là điều chúng ta cần có vì tất cả mọi người”.[188]
180. Cha Henri Huvelin, vị linh hướng của thánh Charles de Foucauld, đã nhận xét rằng “khi Chúa ngự trong một tâm hồn, Người ban cho nó những tình cảm như vậy, và tâm hồn ấy vươn tới những người anh chị em bé nhỏ nhất của chúng ta. Đó chính là trái tim của thánh Vincent de Paul… Khi Chúa ngự trong tâm hồn một linh mục, Người thúc đẩy linh mục ấy vươn tới những người nghèo”.[189] Điều quan trọng là phải nhận ra rằng lòng nhiệt thành tông đồ của thánh Vincent, như Cha Huvelin mô tả, cũng được nuôi dưỡng bởi lòng sùng kính trái tim Chúa Kitô. Thánh Vincent thúc giục các anh em mình “tìm thấy trong trái tim Chúa chúng ta một lời an ủi cho người bệnh nghèo”.[190] Nếu lời đó có sức thuyết phục, thì trước tiên trái tim của chính chúng ta hẳn phải được thay đổi bởi tình yêu và sự dịu dàng của trái tim Chúa Kitô. Thánh Vincent thường diễn tả niềm xác tín này trong các bài giảng và các lời khuyên của ngài, và nó đã trở thành một đặc nét trong Hiến chương của Hội dòng ngài: “Chúng ta phải nỗ lực hết sức để học bài học sau đây, cũng được Chúa Kitô dạy: ‘Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng’. Chúng ta nên nhớ, chính Người đã nói rằng với sự hiền lành, chúng ta sẽ được thừa hưởng Đất làm cơ nghiệp. Nếu chúng ta hành động như vậy, chúng ta sẽ chinh phục được người ta quay về với Chúa. Song điều đó sẽ không xảy ra nếu chúng ta đối xử với mọi người một cách gay gắt hay khắc nghiệt”.[191]
VIỆC ĐỀN BÙ: XÂY DỰNG TRÊN NHỮNG ĐỔ NÁT
181. Tất cả những gì đã nói cho đến nay giúp chúng ta hiểu được dưới ánh sáng lời Chúa ý nghĩa đúng đắn của “sự đền bù” trái tim Chúa Kitô mà Chúa mong đợi chúng ta “dâng hiến”, với ân sủng của Người trợ giúp. Vấn đề này đã được thảo luận nhiều, nhưng thánh Gioan Phaolô II đã trao cho chúng ta một câu trả lời rõ ràng, có thể hướng dẫn các Kitô hữu ngày nay hướng tới một tinh thần đền bù phù hợp hơn với Phúc Âm.
Ý nghĩa xã hội của việc đền tạ trái tim Chúa Kitô
182. Thánh Gioan Phaolô II giải thích rằng bằng cách cùng nhau phó thác cho trái tim Chúa Kitô, “trước những đổ nát chất chồng do hận thù và bạo lực, thì nền văn minh tình yêu mà ta khao khát và Vương quốc của trái tim Chúa Kitô có thể được xây dựng”. Điều này rõ ràng đòi hỏi chúng ta phải “kết hợp tình yêu con thảo đối với Thiên Chúa và tình yêu tha nhân”, và đây là “sự đền tạ thực sự mà trái tim Đấng Cứu Thế yêu cầu”.[192] Trong sự kết hợp với Chúa Kitô, giữa những đống đổ nát mà chúng ta đã để lại trên thế giới này do tội lỗi của mình, chúng ta được kêu gọi xây dựng một nền văn minh mới của tình yêu. Đó chính là ý nghĩa của việc đền tạ như trái tim Chúa Kitô muốn chúng ta làm. Giữa sự tàn phá do sự dữ gây ra, trái tim Chúa Kitô mong muốn chúng ta hợp tác với Người để khôi phục lại sự tốt lành và vẻ đẹp cho thế giới chúng ta.
183. Mọi tội lỗi đều gây hại cho Giáo hội và xã hội; do đó, “mọi tội lỗi chắc chắn có thể được coi là tội xã hội”, và điều này đặc biệt đúng đối với những tội lỗi “tự bản chất của chúng là một sự tấn công trực tiếp vào người lân cận”.[193] Thánh Gioan Phaolô II giải thích rằng việc lặp đi lặp lại những tội lỗi chống người khác thường củng cố một “cấu trúc tội lỗi” chi phối đến sự phát triển của các dân tộc.[194] Thông thường, đây là một phần của não trạng thống trị vốn coi những gì rõ ràng là sự ích kỷ và sự thờ ơ như điều bình thường hay hợp lý. Điều này sẽ dẫn đến sự tha hóa xã hội: “Một xã hội tha hóa nếu các hình thức tổ chức xã hội, sản xuất và tiêu dùng của nó khiến việc trao hiến bản thân và việc thiết lập tình đoàn kết giữa người ta trở nên khó khăn hơn”.[195] Chỉ một chuẩn mực đạo đức thì không giúp chúng ta vạch trần và chống lại được những cấu trúc xã hội tha hóa này, và không hỗ trợ được các nỗ lực trong xã hội nhằm phục hồi và củng cố lợi ích chung. Đúng hơn, chính “sự hoán cải trái tim” của chúng ta mới “đặt ra bổn phận”[196] sửa chữa những cấu trúc này. Sự đáp trả của chúng ta đối với tình yêu của trái tim Chúa Giêsu sẽ dạy ta biết yêu thương.
184. Chính vì sự đền tạ theo Phúc Âm có bao hàm chiều kích xã hội quan trọng này, nên các hành động yêu thương, phục vụ và hòa giải của chúng ta, để thực sự mang ý nghĩa đền bù, cần phải được Chúa Kitô khơi gợi, thôi thúc và trao năng lực. Thánh Gioan Phaolô II cũng ghi nhận rằng “để xây dựng nền văn minh tình thương”,[197] thế giới ngày nay cần trái tim của Chúa Kitô. Sự đền bù của Kitô giáo không thể hiểu đơn giản như một mớ các công trình bên ngoài, dù chúng có thể cần thiết và đôi khi đáng ngưỡng mộ đến mấy. Những công trình này cần một “bí pháp”, một linh hồn, một ý nghĩa mang lại cho chúng sức mạnh, động lực và sự sáng tạo không mệt mỏi. Chúng cần sức sống, ngọn lửa và ánh sáng tỏa ra từ trái tim của Chúa Kitô.
Chữa lành những trái tim bị thương tích
185. Một sự đền bù chỉ bên ngoài thì không đủ, cho thế giới chúng ta hay cho trái tim của Chúa Kitô. Nếu mỗi người chúng ta xem xét tội lỗi của mình và tác động của nó đối với người khác, ta sẽ nhận ra rằng việc sửa chữa những tổn hại đã gây ra cho thế giới này cũng đòi hỏi một mong muốn chữa lành những trái tim bị tổn thương, vì chính đây là nơi xảy ra sự thiệt hại sâu xa nhất, và là nơi mà sự tổn thương gây đau đớn nhất.
186. Tinh thần đền bù, vì thế, “dẫn chúng ta đến hy vọng rằng mọi thương tích đều có thể được chữa lành, dù có sâu đến đâu. Đôi khi, việc đền bù hoàn toàn có vẻ là điều không thể, chẳng hạn khi tài sản hoặc người thân yêu bị mất hoàn toàn, hoặc khi một số tình huống trở nên không thể khắc phục được. Tuy nhiên, ý định đền bù, được cho thấy một cách cụ thể, là điều thiết yếu cho tiến trình hòa giải và vãn hồi sự bình an trong tâm hồn”.[198]
Vẻ đẹp của việc cầu xin tha thứ
187. Ý định tốt là không đủ. Phải có một mong muốn bên trong được thể hiện qua hành động bên ngoài của chúng ta. “Việc đền bù, nếu muốn đích thực của Kitô giáo, tức chạm đến trái tim của người bị xúc phạm chứ không chỉ là một hành động công bằng giao hoán đơn thuần, thì đòi hỏi hai điều: thừa nhận tội lỗi của mình và cầu xin sự tha thứ… Chính từ sự chân thành thừa nhận điều sai trái đã gây ra cho anh chị em mình, và chính từ nhận thức chân thành và sâu sắc rằng tình yêu đã bị tổn hại, thì mong muốn đền bù mới nảy sinh được”.[199]
188. Chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng việc nhìn nhận tội lỗi của mình trước người khác là hạ thấp hay xúc phạm đến nhân phẩm của mình. Ngược lại, nó đòi hỏi chúng ta phải ngừng lừa dối chính mình và thừa nhận sự thật về quá khứ của mình, bị tội lỗi làm hoen ố, nhất là trong những trường hợp chúng ta gây tổn thương các anh chị em khác. “Tự cáo tội là một phần của sự khôn ngoan Kitô giáo… Điều này làm đẹp lòng Chúa, vì Chúa đón nhận một trái tim thống hối ăn năn”.[200]
189. Một phần của tinh thần đền bù này là tập quán xin lỗi anh chị em chúng ta, điều này thể hiện sự cao thượng đáng quí ngay trong thân phận yếu đuối của con người chúng ta. Xin lỗi là một cách chữa lành các mối tương quan, vì nó “mở lại cuộc đối thoại và thể hiện ý chí thiết lập lại mối dây bác ái huynh đệ… Nó chạm đến trái tim anh chị em mình, mang lại an ủi và thúc đẩy việc chấp nhận tha thứ như được yêu cầu. Ngay cả khi không thể sửa chữa được điều vốn là chuyện đã rồi, thì tình yêu vẫn luôn có thể được tái sinh, làm cho sự tổn thương trở nên dễ chịu hơn”.[201]
190. Một trái tim có khả năng thống hối sẽ lớn lên trong tình huynh đệ và tình liên đới. Nếu không, “chúng ta sẽ thoái lui và cằn cỗi bên trong”, trong khi đó, nếu “việc cầu nguyện của chúng ta đơn giản và sâu sắc hơn, đặt nền trên thái độ tôn thờ và ngạc nhiên trước sự hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta sẽ lớn lên và trưởng thành. Chúng ta trở nên ít gắn bó với bản thân mình, mà gắn bó hơn với Chúa Kitô. Mang tinh thần nghèo khó, chúng ta đến gần hơn với người nghèo, những người được ưu ái nhất của Thiên Chúa”.[202] Điều này dẫn đến một tinh thần đền bù thực sự, vì “những người cảm thấy thống hối trong lòng sẽ ngày càng cảm thấy mình là anh chị em với tất cả những người tội lỗi rên thế giới; khi từ bỏ thái độ trịch thượng và những xét đoán khắc nghiệt của mình, họ tràn đầy một khao khát cháy bỏng là thể hiện tình yêu và việc đền bù”.[203] Cảm thức liên đới nảy sinh từ lòng thống hối cũng giúp cho sự hòa giải có thể diễn ra. Người có khả năng thống hối, “thay vì cảm thấy tức giận và trách móc trước những sai hỏng của anh chị em mình, thì sẽ biết khóc vì tội lỗi của họ. Có một sự đảo ngược, trong đó khuynh hướng tự nhiên là nhân nhượng bản thân và cứng cỏi với người khác sẽ bị đảo ngược, để nhờ ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta trở nên nghiêm khắc với bản thân và biết xót thương người khác”.[204]
ĐỀN TẠ: ĐÓ LÀ MỞ RỘNG TRÁI TIM CỦA ĐỨC KITÔ
191. Có một cách tiếp cận khác, có tính bổ sung, đối với sự đền bù, cho phép chúng ta đặt nó vào một mối tương quan trực tiếp hơn với trái tim Chúa Kitô, mà không loại trừ khía cạnh cam kết cụ thể đối với anh chị em của chúng ta.
192. Ở một chỗ khác, tôi đã gợi ý rằng “một cách nào đó, Thiên Chúa đã tìm cách giới hạn chính mình, để cho nhiều điều chúng ta nghĩ là sự dữ, nguy hiểm hay là những nguồn gây đau khổ, thì thực tế đó là một phần của những cơn đau sinh nở mà Ngài dùng để kéo chúng ta vào hành động cộng tác với Đấng Sáng Tạo”.[205] Sự cộng tác này từ phía chúng ta có thể cho phép sức mạnh và tình yêu của Thiên Chúa lan rộng trong đời sống của chúng ta và trên thế giới, trong khi sự từ chối hoặc thờ ơ của chúng ta có thể ngăn cản điều đó. Một số bản văn Kinh Thánh diễn tả điều này theo cách ẩn dụ, như khi Chúa kêu lên: “Ước gì ngươi trở về cùng Ta, hỡi Israel!” (x. Gr 4,1). Hoặc khi đối mặt với sự từ chối của dân Ngài, Chúa nói: “Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” (Hs 11,8).
193. Ngay cả dù không thể nói về sự đau khổ mới nơi Đức Chúa vinh quang, thì “mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Kitô… và tất cả những gì là sự thật nơi Chúa Kitô – tất cả những việc Người đã làm và những đau khổ Người đã chịu cho mọi người – đều tham dự vào vĩnh cửu thần linh, và do đó vượt qua mọi thời gian, trong khi được làm cho hiện diện trong mọi thời gian”.[206] Chúng ta có thể nói rằng Người đã cho phép vinh quang lớn lao nơi sự phục sinh của Người bị giới hạn, và cho phép sự lan tỏa của tình yêu bao la và cháy bỏng của Người bị kiềm chế, để chừa chỗ cho chúng ta tự do cộng tác với trái tim Người. Việc chúng ta từ chối tình yêu của Người dựng lên một rào cản đối với món quà ân sủng đó, trong khi việc chúng ta tin tưởng đón nhận nó sẽ mở ra một không gian, một kênh truyền cho phép nó tràn vào trái tim chúng ta. Sự từ chối hay thờ ơ của chúng ta sẽ hạn chế những tác động của quyền năng Người và hạn chế hoa trái của tình yêu Người trong chúng ta. Chính Người muốn rằng nếu Người không gặp được sự cởi mở và tín thác nơi tôi, tình yêu của Người sẽ bị tước mất sự lan tỏa của nó, vốn duy nhất và không thể lặp lại, trong cuộc sống của tôi và trong thế giới này, nơi Người kêu gọi tôi cho phép Người hiện diện. Một lần nữa, điều này không do bởi bất kỳ sự yếu đuối nào từ phía Người mà đúng hơn là bởi sự tự do vô hạn của Người, sức mạnh huyền nhiệm của Người, và tình yêu hoàn hảo của Người dành cho mỗi người chúng ta. Khi sức mạnh của Thiên Chúa được mặc khải trong cái yếu đuối của sự tự do con người chúng ta, thì “chỉ có đức tin mới có thể nhận hiểu điều đó”.[207]
194. Thánh Margaret Marie kể lại rằng trong một lần hiện ra, Chúa Kitô đã nói về tình yêu mãnh liệt của trái tim Người đối với chúng ta, theo đó, “do không thể kiềm chế ngọn lửa yêu thương cháy bỏng của Người, Người phải lan tỏa nó ra khắp nơi”.[208] Bởi vì Chúa, Đấng có thể làm mọi sự, trong sự tự do thần linh Người muốn yêu cầu chúng ta hợp tác, nên việc đền tạ có thể được hiểu là việc chúng ta tháo gỡ những cản trở mà ta đặt ra đối với sự mở rộng tình yêu của Chúa Kitô trong thế giới, do sự thiếu tin tưởng, thiếu lòng biết ơn và thiếu hy sinh của chúng ta.
Một dâng hiến cho tình yêu
195. Để có thể suy tư sâu hơn về mầu nhiệm này, chúng ta một lần nữa quay lại với linh đạo sáng ngời của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Têrêsa biết rằng tại một số nơi đã từng phát triển một hình thức đền tạ cực đoan, dựa trên một sự sẵn lòng quên mình để hy sinh cho người khác, và theo một nghĩa nào đó trở thành “cột thu lôi” những hình phạt của công lý Thiên Chúa. Têrêsa nói: “Tôi nghĩ về những linh hồn dâng mình như hiến vật cho của công lý Thiên Chúa để gỡ những hình phạt dành cho các tội nhân, và tự mình nhận chịu các hình phạt ấy”.[209] Tuy nhiên, dù một hiến dâng như vậy có vẻ lớn lao và quảng đại đến đâu, Têrêsa cũng không thấy nó thuyết phục lắm: “Tôi không hề cảm thấy bị thu hút để làm như thế”.[210] Việc nhấn mạnh quá mức vào công lý của Thiên Chúa cuối cùng có thể dẫn đến quan niệm rằng sự hy sinh của Chúa Kitô cách nào đó vẫn không đầy đủ hoặc chỉ có hiệu quả một phần, hoặc lòng thương xót của Người không đủ mạnh mẽ.
196. Với sự hiểu biết tâm linh sâu sắc, thánh Têrêsa đã khám phá ra rằng chúng ta có thể hiến dâng chính mình theo một cách khác, không cần phải thỏa mãn công lý của Thiên Chúa nhưng bằng cách cho phép tình yêu vô hạn của Chúa lan tỏa tự do: “Lạy Thiên Chúa của con! Tình yêu bị rẻ rúng của Chúa có đóng kín trong trái tim Chúa không? Con nghĩ rằng dường như nếu Chúa tìm thấy những linh hồn hiến dâng chính mình như hiến vật chịu sát tế cho tình yêu của Chúa, Chúa sẽ mau mắn đón nhận họ; song con vẫn nghĩ rằng Chúa cũng sẽ vui lòng không kìm hãm những đợt sóng dịu dàng vô tận trong Chúa”.[211]
197. Mặc dù không cần thêm bất cứ điều gì vào hy lễ cứu chuộc duy nhất của Chúa Kitô, nhưng vẫn đúng là việc chúng ta chủ động từ chối có thể ngăn cản trái tim Chúa Kitô lan tỏa “những đợt sóng dịu dàng vô tận của Người” trên thế giới này. Một lần nữa, sở dĩ thế bởi vì Chúa muốn tôn trọng sự tự do của chúng ta. Hơn cả công lý của Thiên Chúa, chính sự kiện rằng tình yêu của Chúa Kitô có thể bị từ chối đã làm phiền não trái tim của thánh Têrêsa, bởi vì đối với Têrêsa, công lý của Thiên Chúa chỉ được hiểu trong ánh sáng tình yêu của Ngài. Như chúng ta đã thấy, Têrêsa đã chiêm ngắm tất cả sự hoàn hảo của Thiên Chúa qua lòng thương xót của Ngài, và do đó thấy những sự hoàn hảo ấy được chuyển hóa và rạng ngời tình yêu. Theo lời của Têrêsa, “đối với con ngay cả công lý của Thiên Chúa (và điều này có lẽ còn hơn cả những điều khác) dường như cũng được mặc lấy tình yêu”.[212]
198. Đây là nguồn gốc Hành động Dâng Hiến của Têrêsa, không phải dâng hiến cho công lý của Thiên Chúa mà cho tình yêu thương xót của Người. “Con xin hiến dâng chính mình như một hiến lễ toàn thiêu cho tình yêu thương xót của Chúa, xin Chúa thiêu đốt con không ngừng, để những làn sóng dịu dàng vô tận bị giam hãm trong Chúa sẽ tràn vào tâm hồn con, và nhờ đó con có thể được tuẫn đạo để làm chứng cho tình yêu của Chúa”.[213] Điều quan trọng là phải nhận ra rằng, đối với Têrêsa, điều này không chỉ là cho phép trái tim Chúa Kitô lấp đầy trái tim mình – qua sự tin tưởng hoàn toàn của mình – với vẻ đẹp của tình yêu Người, mà còn là cho phép tình yêu đó, thông qua cuộc sống của mình, lan tỏa đến những người khác và nhờ đó biến đổi thế giới. Một lần nữa, theo lời Têrêsa: “Thưa Mẹ, giữa lòng Giáo hội, con sẽ là tình yêu… và như vậy giấc mơ của con sẽ thành hiện thực”.[214] Hai khía cạnh trên được gắn kết không thể tách rời.
199. Chúa đã chấp nhận sự dâng hiến của Têrêsa. Chúng ta thấy ngay sau đó, thánh Têrêsa tuyên bố rằng ngài cảm thấy một tình yêu mãnh liệt đối với người khác và khẳng định rằng tình yêu đó đến từ trái tim của Chúa Kitô, được kéo dài qua ngài. Vì vậy, Têrêsa nói với chị gái Léonie: “Em yêu chị gấp ngàn lần trìu mến hơn những người chị em bình thường yêu mến nhau, vì em có thể yêu chị bằng trái tim của lang quân trên trời của chúng ta”.[215] Sau đó, Têrêsa đã viết cho Maurice Bellière: “Tôi muốn bạn hiểu được sự dịu dàng của trái tim Chúa Giêsu, điều mà Người mong đợi nơi bạn!”[216]
Chính trực và Hài hòa
200. Anh chị em thân mến, tôi đề nghị rằng chúng ta hãy phát triển cách đền tạ này, nói cách ngắn gọn, đó là trao cho trái tim Chúa Kitô một khả năng mới để lan tỏa trong thế giới này ngọn lửa tình yêu nồng cháy và nhân từ của Người. Đành rằng đúng là đền tạ bao hàm mong muốn “bồi thường cho những tổn thương đã gây ra đối với Tình Yêu phi tạo, dù là do sự vô tâm hay do xúc phạm nghiêm trọng”,[217] cách phù hợp nhất để làm điều này đối với tình yêu của chúng ta, đó là trao tặng Chúa một khả năng lan tỏa, để đền bù cho tất cả những lần tình yêu của Người bị từ chối hoặc tẩy chay. Điều này bao gồm nhiều hơn là chỉ đơn thuần “an ủi” Chúa Kitô mà chúng ta đã nói ở chương trước; nó được thể hiện trong các hành động yêu thương huynh đệ qua đó chúng ta chữa lành các vết thương của Giáo hội và của thế giới. Theo cách này, chúng ta trao cho năng lực chữa lành của trái tim Chúa Kitô những cách mới để thể hiện.
201. Những hy sinh và đau khổ được đòi hỏi bởi các hành động yêu thương tha nhân này sẽ kết hợp chúng ta với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Theo đó, “qua sự đóng đinh thần nhiệm mà thánh Tông đồ nói đến, chúng ta sẽ nhận được hoa trái dồi dào của sự xoa dịu và đền tội, cho chính chúng ta và cho người khác”.[218] Chỉ có Chúa Kitô cứu chúng ta bằng lễ dâng của Người trên thập giá; chỉ có Người cứu chuộc chúng ta, vì “chỉ có một Thiên Chúa; cũng chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, là con người Chúa Kitô Giêsu, Đấng đã hiến mình làm giá chuộc cho mọi người” (1Tm 2,5-6). Sự đền tạ mà chúng ta dâng hiến là một sự tham gia được Người tự do chấp nhận vào tình yêu cứu chuộc của Người và hy lễ duy nhất của Người. Như vậy, chúng ta hoàn thành nơi thân xác chúng ta “những gì còn thiếu trong các đau khổ của Chúa Kitô vì lợi ích của Thân thể Người, tức là Giáo hội” (Cl 1,24); và chính Chúa Kitô kéo dài qua chúng ta những hiệu quả của sự hiến dâng trọn vẹn và đầy yêu thương của Người.
202. Thường thì những đau khổ của chúng ta liên quan đến bản ngã bị tổn thương của chính chúng ta. Sự khiêm nhường của trái tim Chúa Kitô chỉ cho chúng ta con đường hạ mình. Thiên Chúa đã chọn đến với chúng ta trong sự hạ mình và bé mọn. Cựu Ước đã cho chúng ta thấy, bằng nhiều ẩn dụ khác nhau, một Thiên Chúa đi vào giữa lịch sử và để cho dân Ngài từ chối Ngài. Tình yêu của Chúa Kitô được thể hiện thực tế giữa cuộc sống thường nhật của dân Người, kêu xin một sự đáp trả, như thể Người đang xin phép để biểu lộ vinh quang của Người. Tuy nhiên, “có lẽ chỉ một lần Chúa Giêsu nhắc đến trái tim của Người, bằng chính lời của Người. Và Người nhấn mạnh đến đặc điểm duy nhất này: ‘hiền lành và khiêm nhường’, như thể nói rằng Người muốn chinh phục chúng ta chỉ bằng cách này”.[219] Khi nói “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29), Người cho chúng ta thấy rằng “Người cần sự bé nhỏ và tự hạ của chúng ta để Người được người ta nhận biết”.[220]
203. Trong những gì chúng ta đã nói, thật quan trọng việc lưu ý đến một số khía cạnh không thể tách rời. Các hành vi yêu thương tha nhân – với sự từ bỏ, quên mình, những đau khổ và cố gắng mà chúng đòi hỏi – chỉ có thể chân thực khi chúng được nuôi dưỡng bằng tình yêu của chính Chúa Kitô. Người giúp chúng ta yêu như Người đã yêu, và theo cách này, Người yêu thương và phục vụ người khác thông qua chúng ta. Người khiêm hạ để thể hiện tình yêu của Người qua các hành động của chúng ta, nhưng ngay cả khi ta làm những việc nhỏ nhất của lòng thương xót, trái tim Người vẫn được tôn vinh và biểu lộ tất cả sự vĩ đại của nó. Một khi trái tim chúng ta đón nhận tình yêu của Chúa Kitô trong sự tin tưởng hoàn toàn, và cho phép ngọn lửa của tình yêu ấy lan tỏa trong cuộc sống mình, chúng ta trở nên có khả năng yêu thương người khác như Chúa Kitô đã yêu, trong sự khiêm nhường và gần gũi với tất cả mọi người. Theo cách này, Chúa Kitô thỏa mãn cơn khát của Người, và bằng một cách ấn tượng Người làm lan tỏa ngọn lửa tình yêu nồng cháy và nhân từ của Người trong chúng ta và qua chúng ta. Làm sao chúng ta có thể không nhận thấy sự hòa hợp kỳ diệu nơi tất cả những điều này?
204. Cuối cùng, để trân trọng lòng sùng kính này trong tất cả sự phong phú của nó, thì dưới ánh sáng của những gì chúng ta đã nói về chiều kích Ba Ngôi của lòng sùng kính này, cần phải nói thêm rằng sự đền bù mà Chúa Kitô thực hiện trong nhân tính của Người được dâng lên Chúa Cha nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần trong mỗi người chúng ta. Do đó, sự đền tạ mà chúng ta dâng lên trái tim Chúa Kitô cuối cùng hướng đến Chúa Cha, Đấng hài lòng khi thấy chúng ta kết hợp với Chúa Kitô bất cứ khi nào chúng ta dâng hiến chính mình nhờ Người, với Người và trong Người.
MANG TÌNH YÊU ĐẾN CHO THẾ GIỚI
205. Sứ điệp Kitô giáo thật hấp dẫn khi được kinh nghiệm và được diễn đạt trong toàn thể tính của nó: không chỉ đơn thuần là nơi ẩn náu cho những ý tưởng đạo đức hay là một cơ hội để tổ chức các nghi lễ ấn tượng. Chúng ta tôn thờ Chúa Kitô kiểu gì nếu chúng ta chỉ hài lòng với một tương quan cá nhân với Người và không quan tâm gì đến việc xoa dịu nỗi đau khổ của người khác hoặc giúp họ sống một cuộc sống tốt đẹp hơn? Liệu ta có làm vui lòng trái tim đã yêu thương chúng ta đến thế không, nếu chúng ta đắm mình trong một kinh nghiệm sùng ngưỡng riêng tư mà bỏ qua những hàm ý của nó đối với xã hội mà chúng ta đang sống? Chúng ta hãy trung thực và đón nhận lời Chúa một cách trọn vẹn. Mặt khác, công việc của chúng ta với tư cách là Kitô hữu để cải thiện xã hội không được làm lu mờ cảm hứng tôn giáo của nó, vì như vậy rốt cuộc là ta tìm kiếm ít hơn cho anh chị em mình so với những gì Thiên Chúa mong muốn ban cho họ. Vì thế, chúng ta nên kết thúc chương này bằng cách nhắc lại chiều kích sứ mạng thừa sai của tình yêu đối với trái tim Chúa Kitô.
206. Thánh Gioan Phaolô II nói về chiều kích xã hội của lòng sùng kính trái tim Chúa Kitô, nhưng cũng nói về “sự đền bù, là sự cộng tác tông đồ trong việc cứu rỗi thế giới”.[221] Do đó, sự dâng mình cho trái tim Chúa Kitô “phải được nhìn trong liên hệ với hoạt động sứ mạng của Giáo hội, vì nó đáp lại mong muốn của trái tim Chúa Giêsu là truyền bá khắp thế giới – xuyên qua các chi thể của Thân thể Người – sự dấn thân trọn vẹn của Người cho Vương quốc Thiên Chúa”.[222] Vì thế, “thông qua chứng tá của các Kitô hữu, tình yêu sẽ được đổ vào trái tim con người, để xây dựng Thân thể Chúa Kitô là Giáo hội, và xây dựng một xã hội của công lý, hòa bình và tình huynh đệ”.[223]
207. Ngọn lửa tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu cũng lan tỏa qua tầm vươn ra của sứ mạng Giáo hội, nhằm công bố sứ điệp về tình yêu của Thiên Chúa được mặc khải nơi Chúa Kitô. Thánh Vincent de Paul đã diễn tả điều này một cách khéo léo khi mời các môn đệ ngài cầu xin Chúa ban “thần khí này, trái tim này thúc bách chúng ta đi khắp mọi nơi, trái tim của Con Thiên Chúa, trái tim của Chúa chúng ta, sai chúng ta đi như Người đã đi… Người sai chúng ta, giống như [các tông đồ], để mang lửa đi khắp nơi”.[224]
208. Thánh Phaolô VI, khi phát biểu với các Hội Dòng chuyên chăm lan truyền lòng sùng kính Thánh Tâm, đã nhận xét như sau: “Không còn nghi ngờ gì nữa, sự dấn thân mục vụ và nhiệt tâm sứ mạng sẽ bùng cháy, nếu các linh mục và cả giáo dân, trong khao khát lan truyền vinh quang của Thiên Chúa, biết chiêm ngắm tấm gương tình yêu vĩnh cửu mà Chúa Kitô đã biểu lộ cho chúng ta, và hướng các nỗ lực của mình để làm cho mọi người nam nữ được chia sẻ trong sự giàu có khôn tả của Chúa Kitô”.[225] Khi chiêm ngắm Thánh Tâm, ta sẽ thấy sứ mạng là chuyện của tình yêu. Bởi vì mối nguy lớn nhất trong sứ mạng, đó là trong tất cả những điều mình nói và làm, chúng ta không mang lại được một niềm vui gặp gỡ với tình yêu của Chúa Kitô, Đấng ôm lấy và cứu rỗi chúng ta.
209. Sứ mạng, như sự phát tỏa tình yêu của trái tim Chúa Kitô, đòi hỏi các nhà thừa sai – là những người đang yêu và bị Chúa Kitô quyến rũ – cảm thấy có nghĩa vụ phải chia sẻ chính tình yêu đã thay đổi cuộc sống của mình. Họ sẽ sốt ruột khi thời gian bị lãng phí vào việc thảo luận các vấn đề thứ yếu hoặc tập trung vào các chân lý và các quy tắc, bởi vì mối quan tâm lớn nhất của họ là chia sẻ những gì họ đã cảm nghiệm. Họ muốn người khác cảm nhận được lòng tốt và vẻ đẹp của Đấng mà họ yêu dấu, qua những nỗ lực của họ, ngay cả dù ‘lực bất tòng tâm’ đi nữa. Chẳng phải đó là trường hợp của bất kỳ người đang yêu nào sao? Chúng ta có thể lấy ví dụ về những lời mà Dante Alighieri đã cố gắng diễn tả luận lý này của tình yêu:
“Io dico che, pensando al suo valore
amor si dolce si mi si fa sentire,
che s’io allora non perdessi ardire
farei parlando innamorar la gente”.[226]
[“Nghĩ về giá trị của tình yêu, tôi cho rằng
nó làm mình cảm thấy ngọt ngào đến nỗi
nếu mà không mất can đảm,
tôi sẽ lên lời thuyết phục người ta yêu”]
210. Việc có thể nói về Chúa Kitô, bằng chứng tá hay bằng lời nói, nhằm làm cho người khác tìm cách yêu mến Người, đó là mong muốn lớn nhất nơi mọi nhà thừa sai của các linh hồn. Động lực tình yêu này không liên quan gì đến việc chiêu dụ cải đạo; những lời nói của một người yêu không quấy rầy người khác, không đòi hỏi hay bắt buộc, mà chỉ làm cho người khác kinh ngạc trước tình yêu như thế. Với sự tôn trọng hết sức đối với tự do và phẩm giá của họ, người yêu chỉ đơn giản chờ họ tìm hiểu về tình yêu đã lấp đầy cuộc sống của mình bằng niềm vui lớn lao như vậy.
211. Chúa Kitô bảo bạn đừng bao giờ xấu hổ khi nói với người khác – với tất cả thận trọng và tôn trọng – về tình thân hữu giữa bạn với Người. Người yêu cầu bạn dám nói với người khác rằng thật tốt đẹp và tuyệt vời biết bao việc bạn đã gặp Người. “Bất cứ ai tuyên xưng Ta trước mặt thiên hạ, thì Ta cũng sẽ tuyên xưng người ấy trước mặt Cha Ta, Đấng ngự trên trời” (Mt 10,32). Đối với một trái tim đang yêu, đây không phải là một nhiệm vụ mà là một nhu cầu không thể cưỡng được: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1Cr 9,16). “Trong con như có ngọn lửa bừng cháy, âm ỉ trong xương cốt; con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được!” (Gr 20,9).
Trong sự hiệp thông phục vụ
212. Chúng ta không nên nghĩ về sứ mạng chia sẻ Chúa Kitô này như một điều gì đó chỉ giữa Chúa Giêsu và tôi. Sứ mạng được kinh nghiệm trong sự hiệp thông với các cộng đoàn của chúng ta và với toàn thể Giáo hội. Nếu chúng ta tách khỏi cộng đoàn, chúng ta sẽ tách khỏi Chúa Giêsu. Nếu chúng ta quay lưng lại với cộng đoàn, tình bạn của chúng ta với Chúa Giêsu sẽ trở nên nguội lạnh. Đây là một sự thật và chúng ta đừng bao giờ quên. Tình yêu đối với anh chị em trong các cộng đoàn của chúng ta – dòng tu, giáo xứ, giáo phận và những cộng đoàn khác – là một loại nhiên liệu nuôi dưỡng tình bạn của chúng ta với Chúa Giêsu. Những hành động yêu thương của chúng ta dành cho anh chị em trong cộng đoàn có thể là cách tốt nhất và đôi khi là cách duy nhất để chúng ta làm chứng cho người khác về tình yêu của mình đối với Chúa Giêsu Kitô. Chính Người đã nói: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).
213. Như thế tình yêu này trở thành sự phục vụ trong cộng đoàn. Tôi không bao giờ mệt mỏi khi nhắc lại rằng Chúa Giêsu đã nói với chúng ta điều này bằng những lời rõ ràng nhất có thể: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Giờ đây, Người yêu cầu bạn gặp Người ở đó, nơi mỗi anh chị em của chúng ta, và nhất là nơi những thành viên nghèo khổ, bị khinh miệt và bị bỏ rơi của xã hội. Cuộc gặp gỡ ấy đẹp đẽ biết bao!
214. Khi chúng ta quan tâm giúp đỡ người khác, đó không hề có nghĩa rằng chúng ta đang quay lưng lại với Chúa Giêsu. Đúng hơn, chúng ta đang gặp Người bằng một cách khác. Bất cứ khi nào chúng ta cố gắng giúp đỡ và chăm sóc một người khác, thì Chúa Giêsu ở bên chúng ta. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng khi Người sai các môn đệ đi làm sứ mạng, “Chúa cùng hoạt động với các ông” (Mc 16,20). Người luôn ở đó, luôn làm việc, chia sẻ những cố gắng làm việc thiện của chúng ta. Một cách huyền nhiệm, tình yêu của Người trở nên hiện diện thông qua sự phục vụ của chúng ta. Người nói với thế giới bằng một ngôn ngữ đôi khi không cần lời.
215. Chúa Giêsu đang gọi bạn và sai bạn đi làm lan tỏa sự tốt lành trong thế giới chúng ta. Tiếng gọi của Người là tiếng gọi phục vụ, một lời kêu gọi làm điều tốt, có thể trong tư cách một y sĩ, một người mẹ, một giáo viên hay một linh mục. Dù bạn ở đâu, bạn có thể nghe thấy tiếng gọi của Người và nhận ra rằng Người đang sai bạn đi để thi hành sứ mạng đó. Chính Người đã nói với chúng ta: “Thầy sai anh em ra đi” (Lc 10,3). Đó là một phần trong việc chúng ta kết bạn với Người. Tuy nhiên, để tình bạn này trưởng thành, bạn phải cho phép Người sai bạn đi làm sứ mạng trong thế giới này, và thi hành sứ mạng đó một cách tin tưởng, quảng đại, tự do và không sợ hãi. Nếu bạn vẫn bị mắc kẹt trong khu vực dễ chịu của riêng mình, bạn sẽ không bao giờ thực sự tìm thấy sự yên ổn; những nghi ngờ và sợ hãi, buồn phiền và lo lắng sẽ luôn rình rập ở chân trời. Những ai không thi hành sứ mạng của mình trên trái đất này sẽ không tìm thấy hạnh phúc mà là sự thất vọng. Đừng bao giờ quên rằng Chúa Giêsu luôn ở bên bạn trong mỗi bước đi trên đường. Người sẽ không ném bạn xuống vực thẳm, hay bỏ mặc bạn tự xoay xở. Người sẽ luôn ở đó để khích lệ và đồng hành với bạn. Người đã hứa và Người sẽ thực hiện: “Ta ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
216. Theo cách riêng của mình, bạn cũng phải là một nhà thừa sai, giống như các tông đồ và các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu, những người đã ra đi loan báo tình yêu của Thiên Chúa, nói với người khác rằng Chúa Kitô đang sống và đáng được nhận biết. Thánh Têrêsa đã kinh nghiệm điều này như một phần thiết yếu trong sự dâng hiến của mình cho Tình yêu thương xót: “Con muốn cho Người Yêu Dấu của con uống và con cảm thấy mình bị thiêu đốt bởi cơn khát các linh hồn”.[227] Đó cũng là sứ mạng của bạn. Mỗi người chúng ta phải thực hiện sứ mạng đó theo cách riêng của mình; bạn sẽ thấy mình có thể trở thành một nhà thừa sai như thế nào. Chúa Giêsu xứng đáng như vậy. Nếu bạn chấp nhận sự thách đố, Người sẽ soi sáng cho bạn, đồng hành với bạn và củng cố bạn, và bạn sẽ có một cảm nghiệm phong phú mang lại cho bạn nhiều niềm vui. Điều quan trọng không phải là bạn có thấy kết quả ngay lập tức hay không; hãy phó thác cho Chúa, Đấng làm việc kín ẩn trong trái tim chúng ta. Hãy tiếp tục kinh nghiệm niềm vui phát sinh từ những nỗ lực của chúng ta để chia sẻ tình yêu của Chúa Kitô cho người khác.
KẾT LUẬN
217. Văn kiện này có thể giúp chúng ta thấy rằng giáo huấn của các Thông điệp xã hội Laudato Si’và Fratelli Tuttikhông phải là không liên quan đến cuộc gặp gỡ của chúng ta với tình yêu của Chúa Giêsu Kitô. Bởi vì chính bằng cách uống lấy tình yêu đó, chúng ta mới có khả năng kiến tạo những mối dây huynh đệ, nhìn nhận phẩm giá của mỗi con người, và cùng nhau làm việc để chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.
218. Trong một thế giới mà mọi thứ đều được mua và bán, cảm thức của người ta về giá trị của mình xem ra ngày càng phụ thuộc vào những gì họ có thể tích lũy được bằng sức mạnh của đồng tiền. Chúng ta liên tục bị thúc đẩy để tiếp tục mua sắm, tiêu thụ và phân tán tâm trí mình, bị khống chế trong một hệ thống hạ cấp không cho phép chúng ta nhìn xa hơn những nhu cầu trước mắt và nhỏ nhặt của mình. Tình yêu Chúa Kitô không có chỗ trong cơ chế hư hỏng này, thế mà chỉ có tình yêu đó mới có thể giải thoát chúng ta khỏi sự theo đuổi điên cuồng không còn chỗ cho một tình yêu nhưng không. Tình yêu của Chúa Kitô có thể trao cho thế giới chúng ta một trái tim, và làm hồi sinh tình yêu ở bất cứ nơi nào chúng ta nghĩ rằng khả năng yêu thương đã hoàn toàn không còn.
219. Giáo hội cũng cần tình yêu đó, để cho tình yêu của Chúa Kitô không bị thay thế bởi những cơ cấu và những mối bận tâm lỗi thời, bởi sự quá bám dính vào những ý tưởng và quan điểm riêng của chúng ta, và bởi sự cuồng tín dưới vô số hình thức, mà cuối cùng sẽ thay thế tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa vốn có sức giải thoát, làm sống động, mang lại niềm vui cho tâm hồn và xây dựng cộng đoàn. Cạnh sườn bị thương của Chúa Kitô tiếp tục tuôn trào dòng nước không bao giờ cạn kiệt, không bao giờ biến mất, nhưng luôn luôn cống hiến cho tất cả những ai ước ao yêu như Người đã yêu. Vì chỉ có tình yêu của Người mới có thể mang lại một nhân loại mới.
220. Tôi cầu xin Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cho Thánh Tâm Người tiếp tục tuôn trào những dòng nước sự sống có thể chữa lành những tổn thương mà chúng ta đã gây ra, củng cố nơi chúng ta khả năng yêu thương và phục vụ người khác, và thôi thúc chúng ta cùng đi với nhau hướng tới một thế giới công bằng, liên đới và huynh đệ. Cho đến ngày chúng ta sẽ vui mừng cùng nhau cử hành bữa tiệc thiên quốc trong sự hiện diện của Chúa phục sinh, Đấng hòa hợp mọi khác biệt của chúng ta trong ánh sáng luôn chiếu tỏa từ trái tim rộng mở của Người. Nguyện Người được chúc tụng muôn đời.
Ban hành tại Rôma, Đền thờ Thánh Phêrô, ngày 24 tháng 10 năm 2024, năm thứ mười hai Triều đại Giáo hoàng của tôi.
PHANXICÔ
Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS
Chuyển ngữ từ: vatican.va
Nguồn: xuanbichvietnam.net
__________
[1] Nhiều suy tư trong chương đầu tiên này nhận cảm hứng từ các tác phẩm chưa xuất bản của Cố linh mục Diego Fares, S.J. Xin Chúa ban cho ngài sự an nghỉ vĩnh hằng.
[2] x. HOMER, Iliad, XXI, 441.
[3] x. Iliad, X, 244.
[4] x. PLATO, Timaeus, 65 c-d; 70.
[5] Bài giảng trong Thánh lễ buổi sáng tại Domus Sanctae Marthae, ngày 14 tháng 10 năm 2016: L’Osservatore Romano, ngày 15 tháng 10 năm 2016, tr. 8.
[6] THÁNH GIOAN PHAOLÔ II, Kinh Truyền Tin, ngày 2 tháng 7 năm 2000: L’Osservatore Romano, ngày 3-4 tháng 7 năm 2000, tr. 4.
[7] ID., Giáo lý, ngày 8 tháng 6 năm 1994: L’Osservatore Romano, ngày 9 tháng 6 năm 1994, tr. 5.
[8] Những ác quỷ (1873).
[9] ROMANO GUARDINI, Religiöse Gestalten ở Dostojewskijs Werk, Mainz/Paderborn, 1989, trang 236tt.
[10] KARL RAHNER, “Một số luận đề cho một Thần học về Tôn sùng Thánh Tâm”, trong Nghiên cứu Thần học, tập. III, Baltimore-London, 1967, tr. 332.
[11] Ibid., tr. 333.
[12] BYUNG-CHUL HAN, Heideggers Herz. Zum Begriff der Stimmung bei Martin Heidegger, München, 1996, tr. 39.
[13] Ibid., tr. 60; x.tr. 176.
[14] x. ID., Agonie des Eros, Berlin, 2012.
[15] x.MARTIN HEIDEGGER, Erläuterungen zu Hölderlins Dichtung, Frankfürt a. M., 1981, tr. 120.
[16] x. MICHEL DE CERTEAU, L’espace du désir ou le “fondement” des Lessons Spirituels: Christus 77 (1973), tr. 118-128.
[17] Itinerarium Mentis in Deum, VII, 6.
[18] ID., Proemium in I Sent., q. 3.
[19] THÁNH JOHN HENRY NEWMAN, Những bài Suy niệm và những việc Sùng kính, London, 1912, Phần III [XVI], đoạn 3, tr. 573-574.
[20] Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 82.
[21] Ibid., 10.
[22] Ibid., 14.
[23] x.BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Tuyên ngôn Dignitas Infinita (ngày 2 tháng 4 năm 2024), 8. X. L’Osservatore Romano, ngày 8 tháng 4 năm 2024.
[24] Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 26.
[25] THÁNH GIOAN PHAOLÔ II, Kinh Truyền Tin, ngày 28 tháng 6 năm 1998: L’Osservatore Romano, ngày 30 tháng 6-1 tháng 7 năm 1998, tr. 7.
[26] Thông điệp Laudato Si’ (24/5/2015), 83: AAS 107 (2015), 880.
[27] Bài giảng trong Thánh lễ buổi sáng tại Domus Sanctae Marthae, 7/6/2013: L’Osservatore Romano, 8/6/2013, tr. 8.
[28] PIÔ XII, Thông điệp Haurietis Aquas (15 tháng 5 năm 1956), I: AAS 48 (1956), 316.
[29] PIÔ VI, Hiến chế Auctorem Fidei (28 tháng 8 năm 1794), 63: DH 2663.
[30] LÊÔ XIII, Thông điệp Annum Sacrum (25 tháng 5 năm 1899): ASS 31 -1899), 649.
[31] Ibid: “Inest in Sacro Corde Symbolum et expressa imageo infinitæ Iesu Christi caritatis”.
[32] Kinh Truyền Tin, 09/06/2013: L’Osservatore Romano, 10-11/06/2013, tr. 8.
[33] Vì thế, chúng ta có thể hiểu tại sao Giáo hội cấm đặt trên bàn thờ các biểu tượng chỉ có hình trái tim của Chúa Giêsu hoặc của Đức Maria (x. Phản hồi của Bộ Nghi lễ Thánh gửi Linh mục Charles Lecoq, P.S.S., ngày 5 tháng 4 năm 1879: Decreta Authentica Congregationis Sacrorum Rituum ex Actis ejusdem Collecta, tập III, 107-108, số 3492). Ngoài phụng vụ, “để sùng kính riêng tư” (ibid.), biểu tượng trái tim có thể được sử dụng như một phương tiện giảng dạy, một hình tượng thẩm mỹ hoặc một biểu tượng mời gọi người ta suy ngẫm về tình yêu của Chúa Kitô, nhưng điều này có nguy cơ coi trái tim là đối tượng để tôn thờ hay đối thoại thiêng liêng tách biệt với Ngôi vị Chúa Kitô. Vào ngày 31 tháng 3 năm 1887, Bộ đã đưa ra một phản hồi khác với nội dung tương tự (ibid., 187, số 3673).
[34] CÔNG ĐỒNG TRENTÔ, Phiên XXV, Sắc lệnh Mandat Sancta Synodus (3 tháng 12, 1563): DH 1823.
[35] HỘI NGHỊ TOÀN THỂ LẦN THỨ NĂM CỦA CÁC GIÁM MỤC MỸ LATIN VÀ CARIBBEAN, Tài liệu Aparecida (29 tháng 6, 2007), n. 259.
[36] Thông điệp Haurietis Aquas (15/5/1956), I: AAS 48 (1956), 323-324.
[37] Ep. 261, 3: PG 32, 972.
[38] In Io. homil. 63, 2: PG 59, 350.
[39] De fide ad Gratianum, II, 7, 56: PL 16, 594 (ed. 1880).
[40] Enarr. in Ps. 87, 3: PL 37, 1111.
[41] x. De fide orth. 3, 6, 20: PG 94, 1006, 1081.
[42] OLEGARIO GONZÁLEZ DE CARDEDAL, La entraña del cristianismo, Salamanca, 2010, 70-71.
[43] Kinh Truyền Tin, 1 tháng Sáu 2008: L’Osservatore Romano, 2-3 tháng Sáu 2008, tr. 1.
[44] PIÔ XII, Thông điệp Haurietis Aquas (15/5/1956), II: AAS 48 (1956), 327-328.
[45] Ibid.,: AAS 48 (1956), 343-344.
[46] BÊNÊĐÍCTÔ XVI, Kinh Truyền Tin, 1 tháng Sáu 2008: L’Osservatore Romano, 2-3 tháng Sáu 2008, tr. 1.
[47] VIGILIUS, Inter Innumeras Sollicitudines (14 tháng 5 năm 553): DH 420.
[48] CÔNG ĐỒNG EPHESO, Anathemas of Cyril of Alexandria, 8: DH 259.
[49] CÔNG ĐỒNG CONSTANTINOPLE THỨ HAI, Khóa VIII (2 tháng 6 năm 553), Điều 9: DH 431.
[50] THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ, Khúc Linh Ca, red. A, Stanza 22, 4.
[51] Ibid., Stanza 12, 8.
[52] Ibid., Stanza 12, 1.
[53] “Chỉ có một Thiên Chúa, là Cha, từ Ngài mà có muôn vật và chúng ta “hiện hữu” cho Ngài (1Cr 8,6). “Nguyện vinh quang thuộc về Thiên Chúa là Cha chúng ta mãi muôn đời. A-men” (Pl 4,20). “Chúc tụng Thiên Chúa là Cha của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha hay thương xót và Thiên Chúa của mọi sự an ủi” (2Cr 1,3).
[54] Tông thư Tertio Millennio Adveniente (10 tháng 11 năm 1994), 49: AAS 87 (1995), 35.
[55] Ad Rom., 7: PG 5, 694 .
[56] “Để thế gian biết rằng Thầy yêu mến Cha” (Ga 14,31); “Cha và Ta là một” (Ga 10,30); “Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta” (Ga 14,10).
[57] “Thầy sắp về cùng Cha” (proston Patéra : Ga 16,28). “Ta đến cùng các ngươi” (pros se: Ga 17,11).
[58] “eis ton kolpon tou Patrós”.
[59] Adv. Haer., III, 18, 1: PG 7, 932.
[60] In Joh. II, 2: PG 14, 110.
[61] Kinh Truyền Tin, ngày 23 tháng 6 năm 2002: L’Osservatore Romano, ngày 24-25 tháng 6 năm 2002, tr. 1.
[62] THÁNH GIOAN PHAOLÔ II, Sứ điệp nhân kỷ niệm 100 năm ngày Thánh hiến nhân loại cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, Warsaw, ngày 11 tháng 6 năm 1999, Lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, 3: L’Osservatore Romano, 12 tháng 6 năm 1999, trang 5.
[63] ID., Kinh Truyền Tin, ngày 8 tháng 6 năm 1986: L’Osservatore Romano, ngày 9-10 tháng 6 năm 1986, trang 5.
[64] Bài giảng, Thăm Bệnh viện Gemelli và Khoa Y của Đại học Công giáo Thánh Tâm, ngày 27 tháng 6 năm 2014: L’Osservatore Romano, ngày 29 tháng 6 năm 2014, trang 7.
[65] Ep 1,5, 7; 2,18; 3,12.
[66] Ep 2,5, 6; 4,15.
[67] Ep 1,3, 4, 6, 7, 11, 13, 15; 2:10, 13, 21, 22; 3,6, 11, 21.
[68] Sứ điệp nhân kỷ niệm 100 năm việc Thánh hiến nhân loại cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, Warsaw, ngày 11 tháng 6 năm 1999, Lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, 2: L’Osservatore Romano, ngày 12 tháng 6 năm 1999, tr. 5.
[69] “Vì nơi Thánh Tâm có biểu tượng và hình ảnh rõ ràng về tình yêu vô hạn của Chúa Giêsu Kitô thúc đẩy chúng ta yêu thương nhau, nên thật thích hợp và đúng đắn khi chúng ta tận hiến cho Thánh Tâm của Người – một hành động không gì khác hơn là sự dâng hiến và ràng buộc bản thân với Chúa Giêsu Kitô, vì bất kỳ sự tôn vinh, cung kính và yêu mến nào được dành cho Trái Tim thần linh này đều thực sự dành cho chính Chúa Kitô… Và bây giờ, hôm nay, hãy nhìn xem một sự chúc phúc khác được giới thiệu với chúng ta – Trái Tim Cực Thánh của Chúa Giêsu, với một cây thánh giá mọc lên từ đó và tỏa sáng rực rỡ giữa ngọn lửa tình yêu. Trong Trái Tim Cực Thánh đó, tất cả hy vọng của chúng ta phải được đặt vào, và từ đó sự cứu rỗi của con người phải được cầu xin một cách tin tưởng” (Thông điệp Annum Sacrum [25 tháng 5 năm 1899]: ASS 31 [1898-1899], 649, 651).
[70] “Vì không phải tất cả mọi sùng ngưỡng và vì thế là khuôn mẫu của cuộc sống hoàn hảo hơn, được chứa đựng trong dấu hiệu tốt lành nhất đó và trong hình thức của lòng đạo đức phát sinh từ đó trong mức độ nó dễ dàng dẫn dắt tâm trí con người đến sự hiểu biết sâu sắc hơn về Chúa Kitô, Chúa chúng ta, và hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy trái tim họ yêu mến Người mãnh liệt hơn và noi gương Người chặt chẽ hơn sao?” (Thông điệp Miserentissimus Redemptor [8 tháng 5 năm 1928]: AAS 20 [1928], 167).
[71] “Vì hoàn toàn rõ ràng là lòng sùng kính này, nếu chúng ta xem xét bản chất riêng của nó, là một hành vi sùng ngưỡng tuyệt vời nhất, vì nó đòi hỏi sự quyết tâm hoàn toàn và tuyệt đối trong việc qui phục và hiến dâng chính mình cho tình yêu của Đấng Cứu Chuộc thần linh, Đấng có trái tim bị thương là dấu chỉ và biểu tượng sống động của tình yêu ấy… Trong đó, chúng ta có thể chiêm ngưỡng không chỉ biểu tượng, mà còn là sự tổng hợp của toàn bộ mầu nhiệm cứu chuộc chúng ta… Chúa Kitô đã chỉ rõ ràng và nhiều lần vào trái tim của Người như là biểu tượng mà con người được thu hút để nhận ra và thừa nhận tình yêu của Người, và đồng thời thiết lập nó như dấu chỉ và sự bảo đảm về lòng thương xót và ân sủng của Người cho những nhu cầu của Giáo hội trong thời đại chúng ta” (Thông điệp Haurietis Aquas [15 tháng 5 năm 1956], Proemium, III, IV: AAS 48 [1956], 311, 336, 340).
[72] Giáo lý, 8 tháng 6 năm 1994, 2: L’Osservatore Romano, 9 tháng 6 năm 1994, tr. 5.
[73] Kinh Truyền Tin, 1 tháng Sáu 2008: L’Osservatore Romano, 2-3 tháng Sáu 2008, tr. 1.
[74] Thông điệp Haurietis Aquas (15 tháng 5 năm 1956), IV: AAS 48 (1956), 344.
[75] x. ibid.: AAS 48 (1956), 336.
[76] “Giá trị của các mặc khải riêng tư về cơ bản khác với giá trị của một mặc khải công khai: mặc khải công khai đòi hỏi đức tin… Một mặc khải riêng tư… là một sự trợ giúp được ban tặng, nhưng việc sử dụng nó không phải là bắt buộc” (Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini [30 tháng 9 năm 2010], 14: AAS 102 [2010]), 696).
[77] Thông điệp Haurietis Aquas (15 tháng 5 năm 1956), IV: AAS 48 (1956), 340.
[78] Ibid.: AAS 48 (1956), 344.
[79] Ibid.
[80] Tông huấn C’est la Confiance (15 tháng 10 năm 2023), 20: L’Osservatore Romano, 16 tháng 10 năm 2023.
[81] THÁNH TÊRÊSE HÀI ĐỒNG GIÊSU, Tự truyện, Ms A, 83v°.
[82] THÁNH MARIA FAUSTINA KOWALSKA, Nhật ký, 47 (22 tháng 2 năm 1931), Marian Press, Stockbridge, 2011, tr. 46.
[83] Mishnah Sukkah, IV, 5, 9.
[84] Thư gửi Bề trên Tổng quyền Dòng Tên, Paray-le-Monial (Pháp), 5 tháng 10 năm 1986: L’Osservatore Romano, 7 tháng 10 năm 1986, tr. IX.
[85] Acta Martyrum Lugdunensium, trong EUSEBIUS OF CAESARIA, Historia Ecclesiastica, V, 1: PG 20, 418.
[86] RUFINUS, V, 1, 22, trong GCS, Eusebius II, 1, tr. 411, 13tt.
[87] THÁNH JUSTIN, Dial. 135,3: PG 6, 787
[88] NOVATIAN, De Trinitate, 29: PL 3, 994; x. SAINT GREGORY OF ELVIRA, Tractatus Origenis de libris Sanctarum Scripturarum, XX, 12: CSSL 69, 144.
[89] Expl. Ps. 1:33: PL 14, 983-984.
[90] x.. Tract. In Ioannem 61, 6: PL 35, 1801.
[91] Ep. ad Rufinum, 3, 4.3: PL 22, 334.
[92] Bài giảng trong Cant. 61, 4: PL 183, 1072.
[93] Expositio altera super Cantica Canticorum, c. 1: PL 180, 487.
[94] WILLIAM OF SAINT-THIERRY, De natura et dignitate amoris, 1: PL 184, 379.
[95] ID., Meditivae Orationes, 8, 6: PL 180, 230.
[96] THÁNH BONAVENTURA, Lignum Vitae. De mysterio Passionis, 30.
[97] Ibid., 47.
[98] Legatus divinae pietatis, IV, 4, 4: SCh 255, 66.
[99] LÉON DEHON, Directoire Spirituel des prêtres su Sacré Cœur de Jésus, Turnhout, 1936, II, ch. VII, n. 141.
[100] Đối thoại về Chúa Quan Phòng, LXXV: FIORILLI M.-CARAMELLA S., eds., Bari, 1928, 144.
[101] X. chẳng hạn, ANGELUS WALZ, De veneratione divini cordis Iesu in Ordine Praedicatorum, Pontificium Institutum Angelicum, Rome, 1937.
[102] RAFAEL GARCÍA HERREROS , Vida de San Juan Eudes, Bogotá, 1943, 42.
[103] THÁNH FRANCIS DE SALES, Thư gửi Jane Frances de Chantal, 24 tháng 4 năm 1610.
[104] Bài giảng Chúa nhật thứ hai Mùa Chay, 20 tháng 2 năm 1622.
[105] Thư gửi Jane Frances de Chantal, Lễ Trọng Chúa Thăng Thiên, 1612.
[106] Thư gửi Marie Aimée de Blonay, ngày 18 tháng 2 năm 1618.
[107] Thư gửi Jane Frances de Chantal, cuối tháng 11 1609.
[108] Thư gửi Jane Frances de Chantal, khoảng ngày 25 tháng 2 năm 1610.
[109] Entretien XIV, về sự giản dị và thận trọng.
[110] Thư gửi Jane Frances de Chantal, ngày 10 tháng 6 năm 1611.
[111] THÁNH MARGARET MARIE ALACOQUE, Tự truyện, số 53.
[112] Ibid.
[113] Ibid., số 55.
[114] x. BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Các qui tắc để tiến hành phân định các hiện tượng được cho là siêu nhiên, ngày 17 tháng 5 năm 2024 , I, A, 12.
[115] THÁNH MARGARET MARIE ALACOQUE, Tự truyện, n. 92.
[116] Thư gửi Sœur de la Barge, ngày 22 tháng 10 năm 1689.
[117] Tự truyện, n. 53.
[118] Ibid., n. 55.
[119] Bài giảng về Niềm tin tưởng vào Thiên Chúa, trong Œuvres du R.P de La Colombière, t. 5, Perisse, Lyon, 1854, tr. 100.
[120] Linh thao ở Luân Đôn, 1-8 tháng 2 năm 1677, trong Œuvres du R.P de La Colombière, t. 7, Seguin, Avignon, 1832, tr. 93.
[121] Linh thao ở Lyon, tháng 10-tháng 11 năm 1674, ibid., tr. 45.
[122] HÁNH CHARLES DE FOUCAULD, Thư gửi Madame de Bondy, ngày 27 tháng 4 năm 1897.
[123] Thư gửi Madame de Bondy, ngày 28 tháng 4 năm 1901. X. Thư gửi Madame de Bondy, ngày 5 tháng 4 năm 1909: “Qua chị, tôi đã biết sự tôn thờ Bí tích Thánh Thể, các phép lành và Thánh Tâm”.
[124] Thư gửi Madame de Bondy, ngày 7 tháng 4 năm 1890.
[125] Thư gửi l’Abbé Huvelin, ngày 27 tháng 6 năm 1892.
[126] THÁNH CHARLES DE FOUCAULD, Suy niệm về Cựu Ước (1896-1897), XXX, 1-21.
[127] ID., Thư gửi l’Abbé Huvelin, ngày 16 tháng 5 năm 1900.
[128] ID., Nhật ký, ngày 17 tháng 5 năm 1906.
[129] Thư 67 gửi bà Guérin, ngày 18 tháng 11 năm 1888.
[130] Thư 122 gửi Céline, 14 tháng 10 năm 1890.
[131] Bài thơ 23, “Gửi Thánh Tâm Chúa Giêsu”, tháng 6 hoặc tháng 10 năm 1895.
[132] Thư 247 gửi l’Abbé Maurice Bellière, ngày 21 tháng 6 năm 1897.
[133] Những cuộc trò chuyện cuối cùng. Yellow Notebook, ngày 11 tháng 7 năm 1897, 6.
[134] Thư 197 gửi cho Sơ Marie Thánh Tâm, ngày 17 tháng 9 năm 1896. Điều này không có nghĩa là Têrêsa không dâng hiến những hy sinh, buồn phiền và rắc rối như một cách để liên kết bản thân với nỗi đau khổ của Chúa Kitô, nhưng là cuối cùng, Têrêsa quan tâm để không trao cho những điều này một tầm quan trọng mà chúng không có.
[135] Thư 142 gửi Céline, ngày 6 tháng 7 năm 1893.
[136] Thư 191 gửi Léonie, ngày 12 tháng 7 năm 1896.
[137] Thư 226 gửi Cha Roulland, ngày 9 tháng 5 năm 1897.
[138] Thư 258 gửi l’Abbé Maurice Bellière, ngày 18 tháng 7 năm 1897.
[139] x. THÁNH INHAXIÔ LOYOLA, Linh thao, 104.
[140] Ibid., 297.
[141] . Thư gửi Ignatius Loyola, ngày 23 tháng 1 năm 1541.
[142] De Vita P. Ignatii et Societatis Iesu initiis, ch. 8. 96.
[143] Linh thao, 54.
[144] Ibid., 230tt.
[145] TỔNG CÔNG NGHỊ THỨ THỨ BA MƯƠI BA CỦA DÒNG TÊN, Decree 46, 1: Institutum Societatis Iesu, 2, Florence, 1893, 511.
[146] Chỉ Ngài là niềm hy vọng của chúng ta. Văn bản về Trái tim Chúa Kitô, St. Louis, 1984.
[147] Thư gửi Bề trên Tổng quyền của Dòng Tên, Paray-le-Monial, ngày 5 tháng 10 năm 1986: L’Osservatore Romano, ngày 6 tháng 10 năm 1986, tr. 7.
[148] Huấn đức cho các Linh mục, “Sự nghèo khó”, ngày 13 tháng 8 năm 1655.
[149] Huấn đức cho các Nữ tử Bác ái, “Sự hy sinh, Thư từ, Bữa ăn và Các chuyến đi (Quy tắc chung, điều 24-27), ngày 9 tháng 12 năm 1657.
[150] THÁNH DANIELE COMBONI, Gli scritti, Bologna, 1991, 998 (n. 3324).
[151] Bài giảng trong Thánh lễ tuyên thánh, ngày 18 tháng 5 năm 2003: L’Osservatore Romano, ngày 19-20 tháng 5 năm 2003, tr. 6.
[152] THÁNH GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Dives in Misericordia (ngày 30 tháng 11 năm 1980), 1: AAS 72 (1980), 1219.
[153] ID., Giáo lý, ngày 20 tháng 6 năm 1979: L’Osservatore Romano, ngày 22 tháng 6 1979, 1.
[154] CÁC HỪA SAI TRÁI TIM CHÚA GIÊSU COMBONI, Quy luật đời sống, 3.
[155] TU HỘI THÁNH TÂM, Hiến pháp năm 1982, 7.
[156] Thông điệp Miserentissimus Redemptor (8 tháng 5 năm 1928): AAS 20 (1928), 174.
[157] Hành động đức tin của người tín hữu không chỉ có mục đích là giáo lý mà còn là sự kết hợp với chính Chúa Kitô trong thực tại đời sống thần linh của Người (x. THÁNH THOMAS AQUINAS, Summa Theologiae, II-II, q. 1, a. 2, ad 2; q. 4, a. 1).
[158] PIÔ XI, Thông điệp Miserentissimus Redemptor (8 tháng 5 năm 1928): AAS 20 (1928), 174.
[159] Bài giảng trong Thánh lễ Truyền Dầu, 28 tháng 3 năm 2024: L’Osservatore Romano, 28 tháng 3 năm 2024, p. 2.
[160] THÁNH INHAXIÔ LOYOLA, Linh Thao, 203.
[161] Bài giảng trong Thánh lễ Truyền Dầu, ngày 28 tháng 3 năm 2024: L’Osservatore Romano, ngày 28 tháng 3 năm 2024, tr. 2.
[162] THÁNH MARGARET MARIE ALACOQUE, Tự truyện, n. 55.
[163] Thư 133 gửi Cha Croiset.
[164] Tự truyện, n. 92.
[165] Thông điệp Annum Sacrum (25/5/1899): ASS 31 (1898-1899), 649.
[166] IULIANUS IMP., Ep. XLIX ad Arsacium Pontificem Galatiae, Mainz, 1828, 90-91.
[167] Ibid.
[168] BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Tuyên ngôn Dignitas Infinita (ngày 2 tháng 4 năm 2024), 19: L’Osservatore Romano, ngày 8 tháng 4 năm 2024.
[169] X. BÊNÊĐICTÔ XVI, Thư gửi Bề trên Tổng quyền Dòng Tên về Kỷ niệm 50 năm ban hành Thông điệp “Haurietis Aquas” (15 tháng 5 năm 2006): AAS 98 (2006), 461.
[170] In Num. homil. số 12, 1: PG 12, 657.
[171] Epist. 29, 24: PL 16, 1060.
[172] Adv. Arium 1, 8: PL 8, 1044.
[173] Tract. in Joannem 32, 4: PL 35, 1643.
[174] Expos. ở Ev. S. Joannis, cap. VII, lectio 5.
[175] PIÔ XII, Thông điệp Haurietis Aquas, 15 tháng 5, 1956: AAS 48 (1956), 321.
[176] THÁNH GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Redemptoris Mater (25 tháng 3, 1987), 38: AAS 79 (1987), 411.
[177] CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, 62.
[178] Ibid., 60.
[179] Sermones super Cant., XX, 4: PL 183, 869.
[180] Dẫn vào đời sống đạo đức, Phần III, xxxv.
[181] Bài giảng Chúa Nhật XVII sau lễ Hiện Xuống.
[182] Écrits spirituels, Paris 1947, 67.
[183] Sau ngày 19 tháng 3 năm 1902, tất cả các lá thư của Charles đều bắt đầu bằng những từ Jesus Caritas được phân cách bởi một trái tim có cây thánh giá trên đỉnh.
[184] Thư gửi l’Abbé Huvelin, ngày 15 tháng 7 năm 1904.
[185] Thư gửi Dom Martin, ngày 25 tháng 1 năm 1903.
[186] Trích dẫn trong RENÉ VOILLAUME , Les fraternités du Père de Foucauld, Paris, 1946, 173.
[187] Méditations des saints Évangiles sur les snippets relatifs à quinze vertus, Nazareth, 1897-1898, Charité ( Mt 13,3), 60.
[188] Ibid., Charité ( Mt 22,1), 90.
[189] H. HUVELIN , Quelques directeurs d’âmes au XVII siècle, Paris, 1911, 97.
[190] Huấn đức, “Phục vụ Bệnh nhân và Chăm sóc Sức khỏe Bản thân”, ngày 11 tháng 11 năm 1657.
[191] Quy tắc chung của Hội dòng về Sứ mạng, ngày 17 tháng 5 năm 1658, c. 2, 6.
[192] Thư gửi Bề trên Tổng quyền Dòng Tên, Paray-le-Monial, 5 tháng 10 năm 1986: L’Osservatore Romano, 6 tháng 10 năm 1986, tr. 7.
[193] THÁNH GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Reconciliatio et Paenitentia (2/12/1984), 16: AAS 77 (1985), 215.
[194] x. Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis (30/12/1987), 36: AAS 80 (1988), 561-562.
[195] Thông điệp Centesimus Annus (ngày 1 tháng 5 năm 1991), 41: AAS 83 (1991), 844-845.
[196] Giáo lý của Giáo hội Công giáo, 1888.
[197] Giáo lý, ngày 8 tháng 6 năm 1994, 2: L’Osservatore Romano, ngày 4 tháng 5 năm 1994, trang 5.
[198] Nói chuyện với các tham dự viên Hội thảo quốc tế “Réparer L’Irréparable”, nhân kỷ niệm 350 năm ngày Chúa Giêsu hiện ra tại Paray-le-Monial, ngày 4 tháng 5 năm 2024: L ‘Osservatore Romano, ngày 4 tháng 5 năm 2024, trang 12.
[199] Ibid.
[200] Bài giảng trong Thánh lễ buổi sáng tại Domus Sanctae Marthae, ngày 6 tháng 3 năm 2018: L’Osservatore Romano, ngày 5-6 tháng 3 năm 2018, tr. 8.
[201] Nói chuyện với các tham dự viên Hội thảo quốc tế “Réparer L’Irréparable”, nhân kỷ niệm 350 năm ngày Chúa Giêsu hiện ra tại Paray-le-Monial, ngày 4 tháng 5 năm 2024: L ‘Osservatore Romano, ngày 4 tháng 5 năm 2024, trang 12.
[202] Bài giảng Thánh lễ Truyền Dầu, 28 tháng 3, 2024: L’Osservatore Romano, 28 March 2024, p. 2.
[203] Ibid.
[204] Ibid.
[205] Thông điệp Laudato Si’ (24.5.2015), 80: AAS 107 (2015), 879.
[206] Giáo lý của Giáo hội Công giáo, No. 1085.
[207] Ibid., No. 268.
[208] Tự truyện, n. 53.
[209] Ms A, 84r.
[210] Ibid.
[211] Ibid.
[212] Ms A, 83v.; x. Thư 226 gửi Cha Roulland, 9.5.1897.
[213] Kinh Dâng Hiến cho Tình yêu Thương xót, 9.6.1895, 2r-2v.
[214] Ms B, 3v.
[215] Thư 186 gửi Léonie, 11.4.1896.
[216] Thư 258 gửi l’Abbé Bellière, 18.7.1897.
[217] x. PIÔ XI, Thông điệp Miserentissimus Redemptor, 8.5.1928: AAS 20 (1928), 169.
[218] Ibid.: AAS 20 (1928), 172.
[219] THÁNH GIOAN PHAOLÔ II ,Giáo lý, 20.6.1979. L’Osservatore Romano, 22.6.1979, tr. 1.
[220] Bài giảng Thánh lễ sáng tại Nhà nguyện Sanctae Marthae, 27.6.2014: L’Osservatore Romano, 28.6.2014, tr. 8.
[221] Sứ điệp nhân Kỷ niệm 100 năm Dâng hiến Nhân loại cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, Warsaw, 11.6.1999, Lễ Trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. L’Osservatore Romano, 12.6.1999, tr. 5.
[222] Ibid.
[223] Thư gửi Tổng Giám mục Lyon nhân dịp hành hương đến Paray-le-Monial nhân kỷ niệm 100 năm Ngày thánh hiến nhân loại cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, ngày 4 tháng 6 năm 1999: L’Osservatore Romano, ngày 12 tháng 6 năm 1999, trang 4.
[224] Huấn đức, “Lặp lại lời cầu nguyện”, ngày 22 tháng 8 năm 1655.
[225] Thư Diserti interpretes (ngày 25 tháng 5 năm 1965), trang 4: Enchiridion della Vita Consacrata, Bologna-Milano, 2001, số 3809.
[226] Vita Nuova XIX, 5-6: “Nghĩ về giá trị của tình yêu, tôi cho rằng nó làm mình cảm thấy ngọt ngào đến nỗi nếu mà không mất can đảm, tôi sẽ lên lời thuyết phục người ta yêu”.
[227] Ms A, 45v.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét